Xử lý răng bị nứt vỡ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tuy răng của con người cực kỳ chắc khỏe, nhưng trong một số trường hợp vẫn có thể bị gãy, vỡ hoặc nứt. Sự cố này có thể gây đau đớn và khiến cho răng dễ viêm nhiễm và tổn thương nặng hơn. Nếu bạn nghĩ răng của mình bị vỡ, điều quan trọng là bạn phải đến nha sĩ càng sớm càng tốt. Trong khi đó, bạn cần thực hiện một số bước để giảm đau và giữ cho răng càng đỡ tổn thương càng tốt.

Các bước[sửa]

Biết Khi nào Răng bị Vỡ[sửa]

  1. Chú ý cơn đau đột ngột ngay sau khi nhai hoặc bị tác động bởi vật cứng. Nếu tình trạng là nghiêm trọng, có lẽ bạn sẽ cảm thấy rất đau ngay sau khi bị thương. Khi điều này xảy ra, bạn hãy kiểm tra chiếc răng đau xem có mảnh vỡ nào không. Nếu có, chiếc răng của bạn thực sự đã bị vỡ.[1]
    • Cần nhớ rằng mảnh vỡ có thể vẫn còn trong miệng và dễ cứa đứt các bộ phận khác nếu bạn nuốt phải, vì vậy bạn nên cố gắng nhổ ra nếu mảnh vỡ còn trong miệng. Giữ lại mảnh vỡ đó.
  2. Lưu ý đến cơn đau xảy ra thất thường ở chiếc răng đó. Nếu mảnh vỡ không lớn lắm, có lẽ bạn không thấy đau ngay mà cơn đau có thể âm ỉ lúc có lúc không. Thông thường bạn thấy đau khi nhai hoặc ăn thức ăn quá nóng hay quá lạnh. Nếu bạn cảm thấy đau kiểu này thì nên kiểm tra lại.[1]
  3. Kiểm tra chiếc răng xem có vết nứt vỡ hoặc tổn thương không. Nếu nghi ngờ chiếc răng bị vỡ, bạn có thể kiểm tra bằng mắt để xác định. Tìm vết nứt vỡ nhìn thấy được hoặc mảnh vỡ của chiếc răng.[1]
    • Bạn cũng có thể cảm thấy chiếc răng vỡ nếu không thể nhìn sâu vào trong miệng để kiểm tra. Thử cẩn thận dùng lưỡi rà xung quanh hàm răng. Nếu chạm phải chỗ nhọn hoặc gồ ghề, có thể đó là chỗ bị vỡ.
  4. Tìm xem có sưng hoặc viêm xung quanh chiếc răng vỡ không. Nếu thấy khó tìm vết nứt vỡ, bạn có thể nhìn vào lợi. Phần lợi xung quanh chiếc răng vỡ có thể sưng đỏ. Tìm triệu chứng này để giúp xác định vị trí chiếc răng vỡ.[2]
  5. Hẹn gặp nha sĩ. Dù biết chắc là răng đã bị vỡ hoặc chỉ cảm thấy đau mà không xác định được vị trí, bạn cũng cần đến nha sĩ càng sớm càng tốt. Chiếc răng nứt vỡ có thể chữa được, nhưng đến nha sĩ sớm là điều quan trọng để ngăn ngừa tổn thương thêm. Trong lúc đó, bạn có thể thực hiện các bước bảo vệ miệng và giảm đau.[2]

Xử lý Vết thương Trước khi Đến Nha sĩ[sửa]

  1. Giữ lại mảnh vỡ nếu bạn tìm được. Trong một số trường hợp, nha sĩ có thể gắn lại mảnh vỡ vào răng, do đó bạn nên giữ lại mảnh vỡ nếu có thể. Cho mảnh vỡ vào hộp đựng cùng với sữa hoặc nước bọt để khỏi bị hỏng và đem theo khi bạn đến nha sĩ.[3]
    • Đừng bao giờ cố gắng tự gắn lại mảnh vỡ. Làm như vậy chẳng những không có tác dụng vì không có thiết bị thích hợp, mà bạn sẽ còn đau đớn dữ dội nếu lỡ chọc phải dây thần kinh bị hở.
  2. Súc miệng nước muối. Trong miệng chứa đầy vi khuẩn, và bất cứ vết thương nào cũng dễ dàng bị nhiễm trùng. Để chống viêm nhiễm, bạn hãy súc miệng dung dịch muối khi biết chiếc răng đã bị nứt vỡ.[4]
    • Hòa tan 1 thìa cà phê muối trong một cốc nước ấm (240 ml).
    • Súc miệng bằng dung dịch này trong 30 – 60 giây, tập trung vào chỗ bị thương.
    • Chú ý không nuốt nước muối.
    • Lặp lại sau mỗi bữa ăn.
  3. Thuốc giảm đau không kê toa có thể giúp bạn đỡ đau. Nếu chiếc răng bị tổn thương nghiêm trọng, cơn đau có thể rất dữ dội. Bạn có thể xử lý cơn đau bằng thuốc giảm đau không kê toa trong khi chờ đợi đến nha sĩ để chữa trị.[5]
    • Các loại thuốc có chứa ibuprofen như Motrin và Advil thường được ưa chuộng hơn acetaminophen, vì ibuprofen còn có công dụng giảm sưng ngoài hiệu quả giảm đau. Nhưng nếu không có sẵn ibuprofen, bạn có thể dùng thuốc có chứa acetaminophen như Tylenol.[6]
  4. Dùng sáp nha khoa để che phủ gờ răng sắc nhọn. Đôi khi chỗ vỡ tạo ra gờ răng lởm chởm, có thể cứa đứt lưỡi hoặc lợi. Để đề phòng tổn thương trong miệng, bạn nên lấy sáp nha khoa phủ lên đó. Bạn có thể mua sáp nha khoa ở kệ hàng bày sản phẩm chăm sóc răng miệng hoặc ở các hiệu thuốc.[7]
    • Một cách khác là dùng kẹo cao su không đường để che phủ gờ sắc nhọn của răng.
  5. Trước khi đến nha sĩ, bạn nên cẩn thận khi ăn. Có thể vài ngày sau khi răng bị nứt vỡ bạn vẫn chưa đến nha sĩ được. Như vậy là trước khi đến nha sĩ bạn vẫn phải ăn. Hãy áp dụng các lời khuyên sau đây để giảm đau và ngăn ngừa không để tổn thương thêm khi ăn.[5][7]
    • Ăn thức ăn mềm. Chiếc răng nứt vỡ đã bị yếu đi và dễ bị tổn thương hơn. Thức ăn cứng có thể khiến vết nứt vỡ càng trầm trọng thêm và gây đau. Bạn cần chọn các thức ăn mềm như bánh pudding, súp và bột yến mạch cho đến khi nha sĩ xử lý chiếc răng cho bạn.
    • Không ăn bất cứ thứ gì quá nóng hoặc quá lạnh. Chiếc răng nứt vỡ sẽ rất nhạy cảm với nhiệt độ, và thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh có thể gây đau buốt. Nên ăn thức ăn nguội để tránh các vấn đề trên.
    • Cố gắng nhai bên hàm không có chiếc răng nứt vỡ. Việc nhai có thể gây đau và tổn thương thêm, do đó bạn nên tránh nhai vào chiếc răng đau.

Biết về các Phương pháp Xử lý Nha khoa[sửa]

  1. Mài răng. Nếu răng chỉ bị sứt nhẹ, nha sĩ có thể chọn cách mài răng. Chỗ sứt sẽ được mài và đánh bóng để không gây đứt hoặc trầy trong miệng. Đây là cách chữa đơn giản, ít đau và chỉ cần đến nha sĩ một lần.[2]
  2. Trám lại vết nứt vỡ. Nếu mảnh vỡ để lại lỗ hổng ở răng, nha sĩ có thể sẽ chọn cách trám răng như trám răng sâu. Phương pháp này dùng vật liệu trám – thường là amalgam bạc hoặc plastic – để xử lý chỗ nứt vỡ trên răng. Trám răng sẽ giúp thức ăn không bị kẹt lại và không để lỗ hổng rộng ra thêm.[8][9]
  3. Bọc răng. Nếu răng bị vỡ mảnh lớn, nha sĩ có thể phải dùng mão răng để sửa chữa. Mão răng có thể làm bằng kim loại hoặc sứ và được thiết kế giống như răng thật về hình dạng và độ chắc khỏe.[8][10]
  4. Rút tủy răng. Nếu chiếc răng bị tổn thương nặng và dây thần kinh hoặc tủy bị lộ ra, nha sĩ có thể dùng phương pháp rút tủy răng để cứu chiếc răng. Nha sĩ sẽ làm sạch và sát trùng bên trong răng để ngăn nhiễm trùng và hy vọng không phải nhổ răng.[8][11]
    • Trường hợp phải rút tủy răng, nha sĩ sau đó thể chụp mão răng bên ngoài để bảo vệ chiếc răng.
  5. Nhổ răng. Nếu chiếc răng đã bị tổn thương nghiêm trọng, có thể nha sĩ phải nhổ răng cho bạn. Trường hợp này xảy ra khi chiếc răng bị nứt vỡ sâu bên dưới lợi và không thể chạm tới để sửa chữa. Để giảm đau và ngăn nhiễm trùng nặng, lựa chọn tốt nhất lúc này là loại bỏ hoàn toàn chiếc răng.[8]
    • Trường hợp phải nhổ răng, hãy hỏi nha sĩ các lựa chọn để thay thế chiếc răng bị nhổ đi.

Ngăn ngừa Nứt vỡ Răng[sửa]

  1. Tránh nhai các vật cứng. Nhiều người có thói quen nhai các vật cứng như đá viên hoặc cán bút. Tuy răng rất khỏe, nhưng hành động này làm răng bị bào mòn. Việc liên tục nhai các vật cứng có thể làm yếu răng và đến mức độ nào đó có thể nứt vỡ. Tránh tình trạng này bằng cách bỏ thói quen nhai vật cứng.[8]
  2. Tránh nghiến răng. Nghiến răng là động tác hai hàm răng liên tục siết vào nhau, thường xảy ra trong khi ngủ. Dần dần thói quen này sẽ làm yếu men răng và khiến răng dễ nứt vỡ.[8]
    • Vì hiện tượng nghiến răng thường xảy ra trong lúc ngủ nên đây là một tật khó bỏ. Tuy nhiên có các dụng cụ được thiết kế đặc biệt để bảo vệ miệng khi ngủ và chống nghiến răng. Hỏi nha sĩ về các dụng cụ này nếu bạn mắc tật nghiến răng.
  3. Đeo dụng cụ bảo vệ miệng khi chơi thể thao. Răng thường bị gãy và rơi ra khi chơi thể thao. Nếu chơi những môn thể thao tiếp xúc như bóng đá hoặc những môn có khả năng bị các vật cứng va đập vào mặt như bóng chày, bạn nên đeo dụng cụ bảo vệ miệng để tránh tổn thương cho răng.[8]
    • Xem hướng dẫn của Học viện Nha khoa Nhi đồng để tìm các loại dụng cụ bảo vệ miệng khác nhau.
    • Nếu thấy khó tìm được dụng cụ bảo vệ miệng thích hợp cho mình, bạn hãy nhờ nha sĩ giới thiệu.
  4. Chăm sóc răng. Vệ sinh răng miệng kém sẽ khiến răng yếu đi và dễ bị tổn thương. May mắn là bạn có thể kiểm soát sức khỏe răng miệng của mình. Bạn có thể bảo vệ mình khỏi bị sâu răng và nứt vỡ răng bằng cách giữ vệ sinh răng miệng và khám răng định kỳ.[5]
    • Đọc bài Đánh răng để biết kỹ thuật đánh răng đúng.
    • Nhớ Dùng Chỉ tơ Nha khoa sau khi đánh răng để loại bỏ hết những mảnh thức ăn còn kẹt lại trong kẽ răng.
    • Đi khám răng định kỳ, thông thường cách 6 tháng một lần để kiểm tra và làm sạch răng.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu chiếc răng bị rơi ra ngoài, bạn hãy bỏ vào trong sữa và đem đến nha sĩ hoặc đến phòng cấp cứu càng sớm càng tốt. Một tiếng đồng hồ đầu tiên là vô cùng quan trọng để tăng cơ hội khôi phục chiếc răng.
  • Bạn không thể xử lý răng bị nứt vỡ ở nhà. Cần tham khảo nha sĩ ngay khi bạn cảm thấy chiếc răng bị ê buốt khi ăn hoặc khi tiếp xúc với nhiệt độ thay đổi. Cơn đau không ngừng là báo động đỏ cho thấy vết nứt có thể đã làm tổn thương dây thần kinh và mô sống trong răng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

[1]

Liên kết đến đây