Đánh bại nỗi buồn sáng thứ hai

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sau thời gian nghỉ dài và thư giãn mỗi cuối tuần, việc thức dậy vào sáng thứ Hai có thể thật khó khăn cho bạn. Vội vàng để đúng giờ, bạn lê bước khỏi giường, pha một cốc cà phê, lưỡng lự chọn quần áo đi làm, và đọc lướt qua thư điện tử của sếp yêu cầu nộp tài liệu ngay lập tức - tất cả khiến bạn nhận ra rằng thứ Hai lại tới rồi. Kể cả trong những hoàn cảnh khác như khi bạn ở nhà cùng con cái hoặc đến trường, bạn vẫn cảm thấy thứ Hai thật khủng khiếp. Nỗi buồn sáng thứ Hai thực sự là vấn đề, song bạn có thể khiến thứ Hai dễ thở hơn bằng cách cải thiện nơi làm việc, đặt ra kế hoạch cho tương lai và chăm sóc chính mình.

Các bước[sửa]

Cải thiện nơi làm việc của bạn[sửa]

  1. Tìm hiểu vấn đề. Nếu cảm thấy buồn chán vào sáng thứ Hai, nhiều khả năng bạn không đam mê công việc của mình, có thể do bản thân công việc đó hoặc vì đồng nghiệp của bạn. Hãy dành thời gian suy nghĩ về những điều liên quan tới công việc khiến bạn bận tâm bằng cách áp dụng kỹ thuật động não. Viết ra những vấn đề thực sự quấy rầy bạn.[1]
    • Dĩ nhiên, nguyên tắc này luôn đúng bất kể hoàn cảnh bạn đang gặp phải. Có thể bạn sợ hãi thứ Hai vì còn đang đi học, và bạn không thích ngành học mình đang theo đuổi. Cũng có thể bạn là ông bố hay bà mẹ nội trợ đang cần một vài thay đổi để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
    • Bạn có thể viết những điều như "Mình không cảm thấy bản thân được thử thách", "Mình không thích khi người khác không lắng nghe ý tưởng của mình" hoặc "Mình cảm thấy choáng ngợp".
  2. Nhìn vào khối lượng công việc của bạn. Nếu sợ hãi sáng thứ Hai vì khối lượng công việc phải đối mặt, bạn cần trao đổi với sếp. Có lẽ khối lượng công việc đã tăng lên tới mức độ bạn không thể duy trì chuẩn mực thông thường của mình. Nếu sếp của bạn là người có lý, anh ấy hoặc cô ấy sẽ điều chỉnh lại công việc của bạn, hoặc ít nhất là điều chỉnh lại kỳ vọng của họ về chất lượng công việc.[2]
    • Trước khi gặp sếp, hãy hiểu cách làm việc của người đó. Có thể người sếp này thích tuân theo kế hoạch đã đề ra, hay người sếp kia lại dễ bị tác động bởi cảm xúc. Dù là trường hợp nào, bạn nên biết cách thức hiệu quả nhất trước khi gặp sếp và lên kế hoạch trước cho yêu cầu của mình. Nếu sếp của bạn hứng thú với những con số, bạn có thể so sánh số vụ việc hay thư điện tử mà mình phải giải quyết trong thời điểm hiện tại so với một năm trước để họ thấy mức độ gia tăng. Với những người thiên về cảm xúc, bạn có thể chia sẻ những ảnh hưởng của công việc đến gia đình mình.[3]
    • Trong trường hợp bạn là sinh viên, hãy cân nhắc bỏ một môn nếu việc này không tác động tới hỗ trợ tài chính của trường cho bạn. Khi bạn liên tục căng thẳng, khóa học bạn đang theo đuổi cũng chịu ảnh hưởng. Bỏ một môn học cho phép bạn tập trung nhiều thời gian hơn vào những môn khác.
    • Là ông bố hay bà mẹ nội trợ, bạn có thể sắp xếp thêm thời gian cho bản thân bằng cách đặt dịch vụ trông trẻ ban ngày, mỗi tuần một lần. Trên thực tế, nhiều nhà thờ và các tổ chức khác có những buổi dã ngoại ngoài trời dành cho bố mẹ để tạo khoảng thời gian nghỉ ngơi.
  3. Kiểm tra để biết rằng liệu bạn có đang được thử thách hay không. Nếu chỉ lặp đi lặp lại những việc giống nhau, bạn sẽ thấy mình bị gò bó trong những thói quen nhàm chán và tẻ ngắt. Để vượt qua khó khăn này, hãy hỏi sếp liệu bạn có thể làm những công việc mang tính thử thách hơn không. Đề nghị của bạn sẽ tạo ấn tượng đối với sếp, và chính bạn cũng sẽ tận hưởng công việc của mình hơn.[2]
    • Thử hỏi theo cách sau: "Gần đây tôi cảm thấy công việc của mình thường xuyên giống y hệt nhau. Không biết tôi có thể thử một việc khác để thay đổi không khí được không?"
    • Nếu còn là sinh viên, hãy cân nhắc tham gia một lớp học với bộ môn không thuộc chuyên ngành của bạn và coi đó như một thử thách khác biệt.
    • Nếu là ông bố hay bà mẹ nội trợ, bạn có thể khuấy động cuộc sống bằng cách tham gia lớp học tại trường cao đẳng cộng đồng hoặc thành lập câu lạc bộ sách với bạn bè.
  4. Nhìn lại các mối quan hệ của bạn. Nếu không thể hòa hợp với một vài đồng nghiệp, hãy tự hỏi vấn đề là gì. Cố gắng tử tế hơn một chút với những người này để tìm thấy con người vui tươi ở họ. Khi có vấn đề nghiêm trọng với một đồng nghiệp, đừng ngần ngại trao đổi nghiêm túc và bình tĩnh với anh ấy hoặc cô ấy về vấn đề trên. Nếu cách thức đó không hiệu quả, hãy nhờ sếp hỗ trợ.
    • Tránh đối chất hết mức có thể khi trao đổi với đồng nghiệp. Ví dụ, bạn không nên nói "Vì sao anh đáng ghét thế nhỉ?" Tuy nhiên, bạn có thể nói như sau: "Tôi để ý rằng thi thoảng tôi khiến anh không vui. Tôi có thể làm gì để cải thiện tình hình đó?" Khi đề cập tới lỗi từ phía bạn, người kia sẽ cảm thấy bớt buồn bực hơn, và đồng thời bạn đã đặt vấn đề để bắt đầu đối thoại.
    • Đôi khi nỗi buồn sáng thứ Hai không phát sinh từ những điều xảy ra vào thứ Hai mà từ những chuyện phiền muộn trong hai ngày cuối tuần. Có thể mối quan hệ của bạn đang dậm chân tại chỗ hoặc khiến bạn không vui, và sự buồn chán đó kéo dài tới tận sáng thứ Hai. Hãy dành thời gian trò chuyện với những người mà bạn quan tâm để đảm bảo rằng cả hai bên đều ổn.
  5. Đem theo niềm vui cùng bạn. Tạo bất ngờ cho đồng nghiệp bằng một mẻ bánh quy mới ra lò. Hỏi ý kiến sếp để tổ chức một cuộc thi nấu ăn vào bữa trưa thứ Hai nào đó. Mời đồng nghiệp ra ngoài ăn trưa. Hãy khiến thứ Hai trở nên thú vị, và bạn sẽ trông chờ nhiều hơn vào những ngày này.[4]

Chuẩn bị tinh thần[sửa]

  1. Suy nghĩ về khoảng thời gian cuối tuần. Chiều thứ Sáu, bạn chỉ muốn ra khỏi văn phòng hay lớp học, và thường để lại một số công việc chưa hoàn thành. Tuy nhiên, nếu dành chút thời gian vào thứ Sáu để hoàn tất những công việc trong tuần, bạn sẽ không bị chúng quấy rầy mỗi sáng thứ Hai. Đừng để lại những phần việc bạn không thích cho thứ Hai. Bạn cũng nên theo dõi lịch trình của mình để biết về những công việc trong tuần.[1]
    • Ví dụ, nếu cần tới phòng hỗ trợ tài chính cho sinh viên để giải quyết một vấn đề, hãy thực hiện và hoàn thành việc này trong thứ Sáu. Đừng đợi tới thứ Hai.
    • Tương tự, nếu phải gặp một khách hàng mà bạn không ưa khi làm việc cùng, hãy gặp anh ấy hoặc cô ấy vào thứ Sáu thay vì trì hoãn tới tuần sau đó.
    • Là một phụ huynh, có thể bạn sẽ muốn lên lịch cho chuyến dã ngoại vào thứ Hai và hoàn thành việc nhà trong thứ Sáu để sẵn sàng cho cuối tuần.
  2. Tập trung vào những điều tốt đẹp. Đừng chỉ chăm chú vào những điều bạn ghét nhưng bắt buộc phải làm. Hãy chỉ theo dõi và tập trung vào những điều mà bạn yêu thích. Ví dụ, bạn có thể ghét những người gọi điện chào mời sản phẩm. Cố quên cảm xúc này đi, và, giả sử bạn yêu thích thiết kế, hãy chỉ lưu tâm rằng bạn sẽ được thiết kế đầu trang mới mà thôi. [1]
    • Có thể bạn không yêu thích một môn học. Hãy tập trung vào môn học bạn yêu thích, hoặc tìm kiếm điều thú vị ở lớp học này.
  3. Điều chỉnh thái độ. Có thể những tác động từ bên ngoài sẽ không đủ để giải quyết vấn đề của bạn trong công việc. Có thể bạn cũng cần phải thay đổi quan điểm của bản thân. Nếu coi công việc là gánh nặng phải vượt qua, bạn sẽ tiếp tục sợ hãi những ngày thứ Hai. Bạn cần nghĩ công việc như một phần của cuộc sống, có lúc này lúc khác, tương tự mọi khía cạnh khác trong cuộc sống.[2]
    • Dĩ nhiên, bạn muốn ở nhà cùng con vì thương con. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ nhận ra rằng mình không thích điều đó, và vẫn tiếp tục mắc kẹt trong tình huống này một thời gian nữa. Tập trung vào những điều tuyệt vời khi ở nhà sẽ giúp bạn thay đổi thái độ, ví dụ như việc được dành thời gian cùng một đứa trẻ tuyệt vời.
  4. Tạo ra điều gì đó để trông đợi. Dù là bữa tối giản dị cùng gia đình hay bữa nhậu sau giờ làm, hãy luôn luôn tạo ra phần thưởng cho mình vào mỗi ngày thứ Hai.[4]

Luyện tập chăm sóc bản thân[sửa]

  1. Giữ công việc tại nơi làm việc. Đừng đem công việc về nhà vào cuối tuần, nếu có thể. Bạn nên nghỉ ngơi vào khoảng thời gian cuối tuần thay vì tiếp tục làm việc. Nếu làm việc qua cuối tuần, những ngày làm việc sẽ nối tiếp nhau và bạn sẽ cảm thấy kiệt sức. Hãy nghỉ ngơi để dành thời gian cho bản thân và lấy lại cân bằng.[4]
  2. Đừng để công việc ảnh hưởng tới tương tác của bạn với gia đình và bạn bè. Nếu thấy rằng mình biết về cuộc sống của đồng nghiệp nhiều hơn cuộc sống của vợ chồng hay bạn bè, có thể bạn đang dành quá nhiều thời gian tại nơi làm việc. Hãy giảm bớt một chút và quyết tâm dành thời gian nhiều hơn để phát triển những mối quan hệ ngoài công sở.[2]
    • Một cách để đạt được mục tiêu này là đề xuất làm việc ở nhà một ngày trong tuần. Ít nhất bạn sẽ giảm thiểu được thời gian đi lại và dành thêm thời gian cho gia đình.
    • Tương tự đối với sinh viên hay các ông bố, bà mẹ nội trợ, bạn không muốn cả cuộc đời mình trở thành trường học hay xoay quanh con cái. Bạn cần cuộc sống của chính mình và nhận thức về bản thân khi tách biệt khỏi những khía cạnh khác trong cuộc sống, dù những khía cạnh đó quan trọng tới mức độ nào.
  3. Đừng cố kéo dài những ngày cuối tuần. Điều này có nghĩa là bạn nên ngủ sớm vào tối Chủ nhật và đảm bảo rằng bạn đã sẵn sàng cho tuần kế tiếp. Bạn không muốn bắt đầu tuần mới trong trạng thái mệt mỏi hay uể oải.[4]
  4. Đừng từ bỏ lịch ngủ của bạn. Lịch ngủ vô cùng quan trọng, bởi nó cho bạn biết thời điểm cần sẵn sàng cho giấc ngủ và thời điểm thức dậy. Bạn có thể bị cám dỗ từ bỏ lịch ngủ vào cuối tuần, nhưng điều đó chỉ phá hủy đồng hồ sinh học và khiến bạn uể oải mỗi sáng thứ Hai. Hãy cố gắng ngủ và thức dậy vào những khung giờ tương tự trong hai ngày cuối tuần.[5]
  5. Mặc đồ khiến bạn thấy vui vẻ. Dù là chiếc cà vạt mới hay đôi khuyên tai lóng lánh, hãy chọn món đồ cho thứ Hai khiến bạn hứng khởi hơn.[4]
  6. Tập thể dục. Các bài thể dục sẽ cải thiện tâm trạng và giúp bạn dễ ngủ hơn.[6]

Theo dõi những vấn đề nghiêm trọng hơn[sửa]

  1. Quan sát môi trường làm việc của bạn. Nếu môi trường làm việc liên tục khiến bạn bực bội bởi sự thiếu thân thiện hay đơn thuần vì bạn không yêu thích công việc của mình, bạn cần tìm công việc mới để trở nên vui vẻ hơn. Có thể khối lượng công việc của bạn quá lớn. Hãy bắt đầu tìm việc từ bây giờ để tìm được công việc mình yêu thích.[2]
    • Nếu không vui khi theo đuổi chương trình học, có thể bạn cần thay đổi chuyên ngành, hoặc thử một công việc hoàn toàn mới.
    • Nếu thực sự không vui khi là ông bố hay bà mẹ nội trợ, có lẽ đã tới lúc để bạn nghĩ về những lựa chọn khác, ví dụ như đi làm.
  2. Kiểm tra liệu sự hứng khởi ở bạn có giảm thiểu ở các khía cạnh khác trong cuộc sống hay không. Việc không thể tìm kiếm được chút hứng khởi nào trong cuộc sống có thể là dấu hiệu của chứng trầm cảm. Hãy hỏi bác sĩ để biết thêm thông tin.[7]
  3. Quan sát liệu bạn còn biểu hiện nào khác của chứng trầm cảm hay không. Những dấu hiệu khác bao gồm nỗi buồn thông thường, sự lo âu, mệt mỏi, chứng đãng trí và dễ cáu giận. Hãy hẹn gặp bác sĩ nếu bạn có những triệu chứng này.[7]

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy thử dọn dẹp trước khi đi làm. Chuẩn bị quần áo để giặt khi bạn về tới nhà vào buổi tối hoặc quét sàn bếp. Dọn dẹp đôi chút sẽ đem lại cảm giác thỏa mãn, giúp bạn bắt đầu tuần mới tốt đẹp.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây