Đánh giá kết quả học tập theo năng lực trong đào tạo nghề/Mở đầu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài[sửa]

Xu thế toàn cầu hoá, hội nhập và mong muốn khai thác những lợi thế trong việc tham gia vào các tổ chức quốc tế mở ra những triển vọng to lớn thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu lao động và chuyên gia. Cạnh tranh giữa các quốc gia về kinh tế - thương mại, kỹ thuật - công nghệ ngày càng quyết liệt và lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao. Là thành viên trong Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên Việt Nam phải thực hiện nguyên tắc “mở cửa thị trường” cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nước ngoài, trong đó có thị trường lao động (TTLĐ). Trong bối cảnh đó, đội ngũ lao động nước ta vừa có cơ hội phát triển về số lượng, chất lượng và tham gia vào TTLĐ của các nước, vừa chịu thách thức về sự cạnh tranh với lao động nước ngoài, thậm chí ngay tại TTLĐ trong nước.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới. Đầu tư vốn, chứ không phải năng suất lao động đã trở thành nguồn lực chính của tăng trưởng kinh tế. Đây không phải là một mô hình bền vững để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao. Mặc dù quy mô lực lượng lao động vẫn tiếp tục gia tăng, dân số trẻ của Việt Nam đang giảm. Điều đó có nghĩa là, Việt Nam không thể chỉ dựa vào quy mô của lực lượng lao động để tiếp tục những thành công đã có, mà còn phải tập trung nỗ lực để làm cho lực lượng lao động trở nên có năng suất cao hơn. Mặc dù thành tựu về biết đọc, viết và tính toán của người lao động Việt Nam rất ấn tượng, nhiều công ty vẫn nói rằng họ gặp trở ngại đáng kể trong hoạt động do khó tìm được những người lao động có kỹ năng phù hợp. Phần lớn người sử dụng lao động nói rằng tuyển dụng lao động là công việc khó khăn vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp (“thiếu hụt kỹ năng”), hoặc vì sự khan hiếm người lao động trong một số ngành nghề (“thiếu hụt người lao động có tay nghề” trong các ngành cụ thể). Người sử dụng lao động ở Việt Nam vẫn luôn tìm kiếm người lao động nhưng họ không thể tìm thấy người lao động phù hợp với những kỹ năng cần thiết. [20]

Về giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, Sách trắng 2014 của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam về Các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến nghị đã nhận định: “Phong cách giáo dục đã thấm sâu vào văn hóa, tạo ra chuỗi vòng lặp lại theo đó thế hệ này dạy thế hệ tiếp theo đúng phương pháp cũ mà không có những tiến triển nào. Tác động của phong cách đào tạo này khiến tất cả học sinh đều có một cách hành xử và tác động giống nhau thể hiện rõ tại nơi làm việc, kết quả là nhân viên thường không có sáng kiến hay lối tư duy tích cực nào.” Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong khối ASEAN Việt Nam nằm ở nửa cuối của bảng xếp hạng đánh giá về phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy, phát triển và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của TTLĐ đang thay đổi nhanh chóng [24; tr 31]. Đồng thời, việc công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề (KNN) giữa các nước ASEAN đang được đặt ra và tìm kiếm sự đồng thuận nhằm thực hiện di chuyển sinh viên và người lao động có tay nghề trong khu vực, hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015.

Một trong những yếu tố cơ bản phản ánh chất lượng nguồn nhân lực là kỹ năng và năng lực của người lao động. Kỹ năng và năng lực của người lao động được hình thành theo các con đường khác nhau: thông qua đào tạo chính quy (trong các cơ sở giáo dục và đào tạo), đào tạo không chính quy (đào tạo kèm cặp tại nơi làm việc hoặc do tích lũy kinh nghiệm trong quá trình lao động, trong thực tiễn hoạt động sản xuất, dịch vụ…). Sự phát triển liên tục và phức tạp của những thay đổi trong công nghệ đòi hỏi người lao động phải có chứng cứ rõ ràng về khả năng làm việc của mình để bước vào TTLĐ.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đề xuất với các nước thành viên rằng, nếu muốn nền kinh tế và xã hội phát triển sâu rộng và bền vững thì các quốc gia cần phát triển hệ thống công nhận KNN của mình phù hợp với xu hướng chung của quốc tế. Khuyến nghị số 195 của ILO về “Phát triển nguồn nhân lực: giáo dục, đào tạo và học suốt đời” đã được Hội nghị Lao động Quốc tế thông qua tháng 6/2004 có đề cập về khung công nhận và cấp chứng chỉ KNN như sau:

(1) Các biện pháp nên được thông qua, có sự tham vấn các đối tác xã hội và sử dụng khung trình độ quốc gia (KTĐQG) để thúc đẩy quá trình phát triển, thực hiện và hỗ trợ tài chính một cơ chế minh bạch cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ và công nhận kỹ năng, bao gồm cả việc học tập trước đây và kinh nghiệm trước đó, bất kể ở quốc gia nào, chính quy hay phi chính quy.

(2) Một phương pháp đánh giá nên khách quan, không phân biệt đối xử và có mối liên kết với các tiêu chuẩn.

(3) KTĐQG nên bao hàm một hệ thống cấp chứng chỉ đáng tin cậy và điều này sẽ bảo đảm rằng những kỹ năng đó có thể di chuyển và được chấp nhận thông qua các doanh nghiệp, các khu vực, các ngành và các cơ sở giáo dục đào tạo.

Đặc biệt, những điều khoản trên nên được thiết kế để bảo đảm việc công nhận và cấp chứng chỉ KNN và trình độ cho người lao động di cư. [67; tr 8]

Tuy nhiên, trên thực tế không phải tất cả các hoạt động, đào tạo, tích lũy kinh nghiệm nói trên đều được công nhận một cách chính thức thông qua việc cấp văn bằng, chứng chỉ chứng nhận năng lực. Những người lao động thu nhận được các kỹ năng trong quá trình làm việc thường ít được chấp nhận trong giáo dục và đào tạo chính quy hoặc trong bảo đảm việc làm dù nó phản ánh đầy đủ kinh nghiệm làm việc của họ. Tại nhiều thời điểm, văn bằng đào tạo chính quy giữ vai trò chủ đạo trong tuyển dụng và sử dụng lao động. Điều này phản ánh một tình trạng chung là chỉ có văn bằng chính quy mới có giá trị và đã tạo ra rào cản đối với người lao động có kỹ năng thu nhận được qua học tập không chính quy khi họ tìm việc làm. Có sự phân hóa mang tính “truyền thống” giữa văn bằng đào tạo chính quy và hệ thống chứng nhận năng lực của người lao động từ phía sử dụng lao động. Lý do là, văn bằng chính quy chủ yếu dựa trên điều kiện, nội dung cụ thể của khóa đào tạo hơn là đòi hỏi của ngành nghề về năng lực thực hiện công việc của người lao động. Nhiều khóa đào tạo chính quy thiết kế chỉ chuẩn bị chung cho các cá nhân nhằm đạt mục tiêu giáo dục theo nghĩa rộng nhất của nó mà không trang bị cho họ năng lực thực hiện các công việc theo yêu cầu của nghề. Vì vậy, kết quả khóa học không thể hiện được trình độ của cá nhân theo cách được mô tả trong tiêu chuẩn năng lực (TCNL) hoặc tiêu chuẩn kỹ năng nghề (TCKNN). Trong nhiều trường hợp, chủ sử dụng lao động cũng như xã hội lại coi bằng chính quy chỉ là “tấm bìa” thể hiện thời gian đào tạo và những nỗ lực học tập của cá nhân.

Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng đã nhận định phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất. Từ đó, một trong những nhiệm vụ và giải pháp đối với giáo dục nghề nghiệp được Nghị quyết xác định là: nội dung được xây dựng “theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp để hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học” và “đổi mới phương thức đánh giá và công nhận tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở kiến thức, năng lực thực hành, ý thức kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp”.[9]

Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về đo lường và đánh giá trong giáo dục, về hiệu quả đào tạo có đề cập đến vai trò, hình thức kiểm tra đánh giá và một số kinh nghiệm về công nhận kỹ năng. Kết quả nghiên cứu trong nước về đánh giá đã đạt được chủ yếu tập trung vào kiểm tra, đánh giá đối với giáo dục phổ thông và đại học. Các nghiên cứu về đánh giá kết quả học tập trong đào tạo nghề mới dừng lại ở một số vấn đề lý luận cơ bản hoặc dưới hình thức hướng dẫn đánh giá sự thực hiện kỹ năng trong dạy học nghề.

Về thực tiễn, đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG) là vấn đề mới và vẫn đang trong giai đoạn thí điểm ban đầu. Một trong những khó khăn cơ bản để triển khai đánh giá và công nhận kỹ năng cho người lao động là vẫn chưa có một nền tảng phương pháp luận phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trong khi đó, hoạt động đánh giá kết quả học tập ở các CSDN vẫn chưa thực sự đổi mới theo định hướng đầu ra và tiếp cận theo năng lực. Mặc dù những năm gần đây, đổi mới chương trình và phương pháp dạy học nghề đã có thành tựu đáng kể, song khâu đánh giá kết quả học tập vẫn chưa có những bước cải tiến rõ rệt. Hoạt động đánh giá chủ yếu tùy thuộc vào năng lực dạy học nghề của giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của nhà trường mà chưa thực sự gắn với trình độ công nghệ và tổ chức sản xuất trong thực tiễn. Hệ quả tất yếu là, kết quả học tập của học sinh, sinh viên (HSSV) chưa phản ánh đúng kỹ năng và năng lực cần có để hành nghề trong TTLĐ.

Để cải thiện tình hình trên, cần trả lời ba câu hỏi sau: i) Đổi mới đánh giá kết quả học tập của HSSV cần xác định từ đâu? ii) Bắt đầu từ cái gì và như thế nào? iii) Lựa chọn quan điểm tiếp cận nào để phân tích, nhận định thực trạng đánh giá năng lực của người học từ đó đề xuất phương hướng đổi mới?

Dưới góc độ nghiên cứu cho thấy, ngoài tiếp cận đào tạo theo năng lực (CBT) thì đánh giá theo năng lực (CBA) trong đào tạo nghề chưa có nghiên cứu nào một cách sâu sắc trên bình diện phương pháp luận, để từ đó có thể ứng dụng triển khai cho những nghề cụ thể, phù hợp với bối cảnh và điều kiện của Việt Nam. Chính vì vậy, nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài “Đánh giá kết quả học tập theo năng lực trong đào tạo nghề” để làm luận án của mình.

2. Mục đích nghiên cứu[sửa]

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về đánh giá theo năng lực, khảo sát và nhận định thực trạng kiểm tra đánh giá trong các cơ sở dạy nghề để đề xuất một số giải pháp đổi mới thực hiện đánh giá kết quả học tập theo năng lực trong đào tạo nghề ở Việt Nam.

3. Khách thể, đối tượng và phạm vi nghiên cứu[sửa]

3.1. Khách thể nghiên cứu

Thực tiễn hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập trong đào tạo nghề.

3.2. Đối tượng nghiên cứu

Hệ thống quan niệm, nguyên tắc, quy trình, phương pháp và công cụ đánh giá kết quả học tập theo năng lực trong đào tạo nghề.

3.3. Phạm vi nghiên cứu

- Đề tài nghiên cứu các thành tố của đánh giá kết quả học tập trong đào tạo nghề, tập trung vào đặc điểm, nguyên tắc, yêu cầu, phương pháp và công cụ đánh giá.

- Khảo sát thực trạng kiểm tra đánh giá kết quả học tập hai nhóm nghề công nghệ kỹ thuật cơ khí và công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông tại một số trường trung cấp nghề (TCN), cao đẳng nghề (CĐN) trên địa bàn toàn quốc từ khi có quy định về chương trình khung dạy nghề từ năm 2008.

- Đề xuất một số giải pháp đổi mới đánh giá kết quả học tập theo năng lực trong đào tạo nghề và khảo nghiệm ý kiến chuyên gia.

- Đề tài lựa chọn mô đun nghề Hệ thống điện, Hàn và Công nghệ ô tô trình độ CĐN để minh họa xây dựng công cụ đánh giá kết quả học tập theo năng lực với quy trình đã đề xuất.

4. Giả thuyết khoa học[sửa]

Năng lực cần phải được chứng tỏ trong bối cảnh và tình huống hoạt động nghề hay tác nghiệp/hành nghề và được mô tả bởi các tiêu chuẩn do ngành nghề đặt ra. Kết quả học nghề phản ánh năng lực đạt được của người học để hành nghề trong tương lai và bảo đảm giá trị của văn bằng mà họ sở hữu với trình độ tương ứng được chấp nhận trong TTLĐ. Nếu đổi mới đánh giá kết quả học tập theo năng lực trong đào tạo nghề thì sẽ phản ánh đúng năng lực của người học để hành nghề trong TTLĐ.

5. Nhiệm vụ nghiên cứu[sửa]

5.1. Nghiên cứu cơ sở lý luận về tiếp cận đánh giá theo năng lực;

5.2. Khảo sát, phân tích, nhận định thực trạng đánh giá kết quả học tập trong các CSDN ở Việt Nam;

5.3. Đề xuất một số giải pháp nhằm đổi mới đánh giá kết quả học tập theo năng lực trong đào tạo nghề và áp dụng đánh giá mô đun nghề Hệ thống điện, Hàn và Công nghệ ô tô trình độ CĐN;

5.4. Khảo nghiệm ý kiến chuyên gia về sự cần thiết, tính khả thi và ý nghĩa tác động của các giải pháp đổi mới đánh giá theo năng lực trong đào tạo nghề đã đề xuất.

6. Đóng góp mới của đề tài[sửa]

6.1. Góp phần phát triển lý luận đánh giá theo năng lực trong lĩnh vực đào tạo nghề:

- Tổng hợp và làm rõ khái niệm kỹ năng, năng lực, mô hình cấu trúc năng lực, đánh giá theo năng lực và một số khái niệm liên quan;

- Xác định đặc điểm đào tạo và đánh giá theo năng lực, nguyên tắc và yêu cầu đánh giá theo năng lực; những phương pháp và công cụ đánh giá theo năng lực.

6.2. Phân tích làm rõ thực trạng đánh giá kết quả học tập trong các cơ sở dạy nghề theo quan điểm năng lực.

6.2. Đề xuất ba giải pháp đổi mới đánh giá kết quả học tập theo năng lực trong đào tạo nghề phù hợp với bối cảnh và điều kiện của Việt Nam:

- Chuyển hóa tiêu chuẩn năng lực sang chương trình đào tạo;

- Thiết lập quy trình xây dựng công cụ đánh giá thực hành nghề;

- Đánh giá theo năng lực cho nhóm dựa trên phân công lao động và tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nghề.

7. Phương pháp nghiên cứu[sửa]

Những phương pháp chính sẽ được sử dụng trong luận án bao gồm:

7.1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lý luận: phân tích, tổng hợp, so sánh tài liệu, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm xây dựng cơ sở lý luận của đề tài về đánh giá theo năng lực ở chương 1, củng cố nhận định thực trạng đánh giá kết quả học tập theo năng lực trong đào tạo nghề trong chương 2.

7.2. Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn: điều tra bằng phiếu hỏi, quan sát, tọa đàm và trực tiếp phỏng vấn sâu nhằm phát hiện và phân tích thực trạng đào tạo nói chung và hoạt động đánh giá kết quả học tập nói riêng trong các CSDN. Đồng thời thu thập thông tin thứ cấp để phân tích hiện trạng thiết kế và thực thi chương trình đào tạo nghề của Việt Nam ở chương 2.

7.3. Phương pháp thực nghiệm: kiểm nghiệm đánh giá kết quả nghiên cứu của đề tài ở chương 3 thông qua khảo nghiệm ý kiến chuyên gia về sự cần thiết, tính khả thi và ý nghĩa tác động của các giải pháp đổi mới đánh giá kết quả học tập theo năng lực trong đào tạo nghề.

8. Cấu trúc của luận án[sửa]

Ngoài các phần: mở đầu, kết luận và kiến nghị, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án được thể hiện trong 3 chương với cấu trúc như sau:

Chương 1. Cơ sở lý luận đánh giá kết quả học tập theo năng lực trong đào tạo nghề

Chương 2. Thực trạng đánh giá kết quả học tập trong các cơ sở dạy nghề

Chương 3. Đổi mới đánh giá kết quả học tập theo năng lực trong đào tạo nghề ở Việt Nam.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây