Đẩy lùi chứng hôi miệng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Có rất nhiều lý do khiến bạn muốn che giấu hơi thở nặng mùi (chứng hôi miệng). Tuy nhiên, nếu bạn phải thường xuyên thực hiện một số biện pháp cấp tốc để loại bỏ hơi thở bốc mùi, hãy ghi nhớ một vài hướng dẫn sau.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Thay đổi Thói quen Vệ sinh Răng miệng[sửa]

  1. Đánh răng thường xuyên. Hai nguyên nhân chính gây ra hơi thở bốc mùi là vi khuẩn và mảng bám thức ăn bị phân hủy. Nhiều ngóc ngách trong miệng bạn chính là mảnh đất màu mỡ cho "vi khuẩn" ẩn nấp và trú ngụ.
    • Lấy một chút kem đánh răng lên bàn chải lông mềm, và giữ bàn chải nghiêng một góc 45 độ so với nướu răng. Chải nhẹ nhàng lên bề mặt của răng, cẩn thận không chải quá mạnh hay làm rát nướu răng. Nếu thực hiện đúng cách, quá trình đánh răng sẽ mất khoảng ba phút.
    • Đánh răng và dùng nước súc miệng ít nhất hai lần một ngày, và dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày.
    • Đảm bảo bạn chải sạch mọi ngóc ngách trong miệng, không chỉ chải răng mà còn chải cả nướu và lưỡi.[1]
  2. Vệ sinh lưỡi. Nếu chỉ đánh răng thôi thì không đủ. Bề mặt lưỡi được bao phủ bởi kết cấu nhú và gai lưỡi; do đó, đây thường là nơi ẩn náu và tập trung nhiều vi khuẩn hơn những khu vực khác trong miệng. Loại bỏ vi khuẩn trên lưỡi có thể góp phần vào việc đẩy lùi chứng hôi miệng.[2]
    • Bạn nên mua bàn chải lưỡi hiệu Orabrush hay các thương hiệu khác, hoặc đơn giản bạn chỉ cần dùng bàn chải đánh răng có lông mềm.
    • Chải lưỡi từ đằng sau ra trước sao cho bàn chải lên xuống một cách nhẹ nhàng.
    • Nếu bạn dễ bị rơi vào tình trạng phản xạ nôn, chải lưỡi có thể khiến vấn đề thêm trầm trọng. Hãy chải từ từ để không kích thích gây nôn.
  3. Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày. Chỉ nha khoa có vai trò quan trọng cho sức khỏe răng miệng giống như thói quen đánh răng hàng ngày, thậm chí còn có tác dụng giảm thiểu hơi thở bốc mùi. Dùng chỉ nha khoa thường xuyên để hình thành thói quen, tương tự như việc đánh răng.
    • Lúc đầu nướu răng có thể bị chảy máu khi bạn đang loại bỏ vụn thức ăn “bị kẹt” giữa khe răng và nướu. Nhưng nếu bạn can đảm, hãy thử ngửi mùi trên chỉ nha khoa sau khi làm sạch răng. Bạn sẽ thấy (hoặc ngửi) được hơi thở nặng mùi đó đến từ đâu.
  4. Dùng nước súc miệng. Dung dịch nước súc miệng có tác dụng giữ cho miệng bạn thơm tho, ẩm ướt, và ngăn ngừa chứng hôi miệng.
    • Nên chọn nước súc miệng có chứa thành phần chlorine dioxide. Vi khuẩn gây ra tình trạng hôi miệng thường trú ngụ ở mặt sau của lưỡi. Vì vậy, việc chải hay cạo lưỡi trở nên khó khăn hơn. May mắn thay, chỉ cần dùng nước súc miệng có chứa chlorine dioxide là có thể vô hiệu hóa những vi khuẩn đó.[1]
    • Cố gắng súc miệng trước khi đánh răng, dùng chỉ nha khoa, chải hoặc cạo lưỡi. Và sau đó, dùng thêm một lần nữa sau khi bạn đã hoàn tất các bước trên. Điều này đảm bảo rằng bạn sẽ vô hiệu hóa bất cứ loại vi khuẩn nào còn sót lại sau khi thực hiện xong các quá trình.[1]

Thay đổi Thói quen[sửa]

  1. Cân nhắc nhai kẹo cao su. Kẹo cao su có tác dụng loại bỏ hơi thở nặng mùi bởi hành động nhai sẽ giúp tiết ra nhiều nước bọt. Tuy nhiên, một số loại kẹo cao su có khả năng ngăn chứng hôi miệng tốt hơn những loại khác như:
    • Kẹo có vị quế thường đặc biệt hiệu quả trong việc tống khứ một lượng vi khuẩn đáng kể trong miệng.[3]
    • Nên chọn kẹo cao su có chứa xylitol (loại kẹo có đường chỉ khiến cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở thêm, từ đó gây ra một số vấn đề khác về hơi thở có mùi). Xylitol là chất thay thế đường có khả năng ngăn ngừa vi khuẩn sản sinh trong miệng.[3]
  2. Giữ cho miệng luôn ẩm ướt. Khô miệng là nguyên nhân khiến cho miệng có mùi hôi. Đó là lý do vì sao hơi thở của bạn trở nên nặng mùi hơn vào buổi sáng; bởi vì khi ngủ miệng thường tiết ít nước bọt. Nước bọt chính là kẻ thù của chứng hôi miệng bởi vì nó không những cuốn trôi vi khuẩn và thức ăn thừa, mà còn có tính sát trùng và chứa Enzim có tác dụng diệt vi khuẩn.[3]
    • Nhai kẹo cao su sẽ kích thích việc tiết ra nước bọt (ngoài ra còn giúp bạn giấu đi mùi hôi từ miệng nhờ vào một số hương thơm khác). Tuy nhiên, kẹo cao su hương bạc hà lại không giúp tiết nước bọt.[3]
    • Uống nước. Súc miệng với nước. Mặc dù nước chưa hẳn làm thúc đẩy quá trình tiết nước bọt, nhưng nước sẽ giúp rửa sạch miệng – và đây cũng là sự lựa chọn tốt cho bạn.
    • Tình trạng khô miệng có thể là do bạn uống thuốc hay bị bệnh nào đó. Thử hỏi bác sĩ về việc đổi loại thuốc khác hoặc tìm ra chứng bệnh tiềm ẩn nào đó.
  3. Ngừng hút thuốc và nhai lá thuốc. Nếu bạn cần một lý do khác để dừng thói quen xấu nguy hiểm này, thì thuốc lá thường được biết đến là nguyên nhân gây ra hơi thở nặng mùi.[4]
    • Nghiện thuốc là một thói quen xấu khó bỏ, vậy bạn nên thử tham khảo một số mẹo và lời khuyên hữu ích trong việc từ bỏ thuốc lá tại trang wikiHow.
    • Trong một vài trường hợp, hơi thở bốc mùi có thể là dấu hiệu sớm báo hiệu ung thư miệng do hút hoặc nhai thuốc. Điều quan trọng là bạn cần ngừng ngay việc hút thuốc và đến khám bác sĩ để có sự chẩn đoán chính xác đối với tình hình vô cùng nghiêm trọng này.[5]

Thay đổi Chế độ Ăn uống[sửa]

  1. Tránh xa thực phẩm có mùi. Cơ thể chúng ta hấp thụ mùi hương và mùi vị từ thực phẩm mà chúng ta ăn. Do đó, các món ăn đặc biệt có mùi có thể đọng lại trong hơi thở trong khoảng vài tiếng sau khi ăn xong. Hãy cân nhắc đến việc cắt bỏ những thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn uống hoặc ít nhất là nên đánh răng sau khi ăn.
    • Các loại rau thuộc họ Allium, ví dụ như hành, tỏi, tỏi tây và hẹ tây, thường được biết đến là có mùi rất hăng. Vì vậy, hấp thụ loại thực phẩm này và chế biến món ăn với nguyên liệu này, có thể khiến cho hơi thở của bạn đặc biệt có mùi, ví dụ như nước sốt từ vùng Trung Đông và Ả Rập (hummus) hay món cà ri. Tuy nhiên, chúng lại rất tốt cho sức khỏe. Do đó, thay vì loại bỏ chúng, bạn nên hạn chế số lần chế biến khi chỉ ở một mình, chẳng hạn như nấu bữa tối tại nhà.[6]
    • Chấp nhận rằng thậm chí việc đánh răng cũng không đủ để khử đi mùi tỏi sống và một số mùi hăng khác. Thực ra, khi cơ thể tiêu hóa đồ ăn, thì mùi thức ăn sẽ đi vào máu và phổi và sẽ quay trở ra ngoài thông qua hơi thở bốc mùi! Nếu khẩu phần ăn thường ngày có chứa nhiều loại thực phẩm này, việc cắt giảm chúng (không cần phải loại bỏ hoàn toàn) có thể góp phần vào việc cải thiện hơi thở của bạn.[1]
  2. Tránh xa hoặc hạn chế uống cà phê và rượu. Thành phần hóa học có trong hai loại đồ uống này sẽ làm thay đổi môi trường trong miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây ra mùi hôi sinh sôi nảy nở.[7]
    • Nếu bạn không thể hoặc không muốn từ bỏ rượu và cà phê, thì tốt nhất là súc miệng lại với nước hoặc hỗn hợp gồm 1 phần muối nở và 8 phần nước sau khi uống. Và nên đánh răng lại sau khoảng 30 phút.[8]
    • Không nên chải răng ngay sau khi uống cà phê hay rượu (hoặc bất cứ đồ ăn hay thức uống nào có tính axit), bởi axit trong nước uống có thể khiến cho răng dễ bị bào mòn khi chải.[8]
  3. Ăn với chế độ ít carbohydrate (carbs). Liệu bạn có biết nếu bạn đang ăn theo chế độ giảm carbohydrate (low carbs), bạn có thể gặp vấn đề về "hơi thở có mùi ketone"?[9] Về cơ bản, khi cơ thể chuyển hóa chất béo thành một dạng năng lượng khác, nó sẽ tạo ra chất ketone, và một vài trong số đó có thể được thoát ra từ miệng. Thật không may là chất ketone khá nặng mùi, và nó sẽ khiến cho hơi thở của bạn bốc mùi. Còn nếu bạn đang ăn theo chế độ hạn chế carbs một cách nghiêm ngặt, hoặc bất cứ chế độ nào khiến cho bạn đốt cháy mỡ thay vì cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng cần thiết, hãy cân nhắc việc dùng kèm thêm đồ ăn nhẹ giàu carbs tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như táo hay chuối.
    • Ngoài ra, trái cây giàu hàm lượng vitamin C sẽ giúp bạn chống lại vi khuẩn có hại khiến cho hơi thở có mùi hôi.
    • Điều này cũng xảy ra với bất kỳ ai đang nhịn ăn, cho dù điều đó có liên quan đến lý do tôn giáo, hoặc do họ mắc chứng biếng ăn. Nếu bạn mắc chứng này, tình trạng hôi miệng là một trong những lý do ngăn bạn tự bỏ đói mình.

Biết Khi nào Cần đến Lời khuyên từ Bác sĩ[sửa]

  1. Trò chuyện với bác sĩ. Nếu bạn đã làm theo các bước trên, nhưng chứng hôi miệng vẫn không thuyên giảm, có lẽ bạn đang có vấn đề về sức khỏe và cần được điều trị.
    • Hơi thở bốc mùi là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn trong cơ thể. Nếu việc thay đổi các thói quen vệ sinh và chế độ ăn uống không cải thiện được tình trạng hơi thở bốc mùi, thì khả năng cao là do tình trạng mất cân bằng, viêm nhiễm hoặc bệnh nào đó trong cơ thể gây ra.
  2. Tìm dấu vết của sỏi Amidan. Đây là khối u nhỏ được hình thành từ thực phẩm bị vôi hóa, dịch nhầy, và vi khuẩn tụ tập trong amidan và được biết đến như những đốm nhỏ màu trắng. Chúng thường dễ bị nhầm lẫn với viêm họng, ví dụ như viêm họng do liên cầu khuẩn, mặc dù đôi khi sỏi Amidan khá là nhỏ để có thể phát hiện qua gương.[10]
    • Sỏi Amidan thường vô hại nhưng lại là nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng. Nếu bạn phát hiện một đốm trắng nhỏ trên amidan, thử đẩy nhẹ bằng một chiếc bông ngoáy tai (cẩn thận kẻo bị nôn và không nên chọc quá mạnh). Nếu đốm trắng bị bong ra trên miếng bông và chảy nước hay mủ, bạn có thể bị nhiễm amidan. Tuy nhiên, nếu nó không bong ra hay nó chỉ lộ ra phần mủ màu trắng, nó có thể là sỏi. Bạn có thể ngửi để biết chắc chắn.
    • Bạn cũng có thể nhận thấy vị kim loại trong miệng hay cảm giác bị nghẹn khi nuốt.
  3. Để ý liệu bạn có bị nhiễm toan tăng ceton do tiểu đường (DKA) hay không. Nếu bạn bị tiểu đường loại 2, nó có thể khiến cho cơ thể bạn phải đốt cháy chất béo thay vì glucose, để sản sinh ra chất ketone – một loại hóa chất gây ra hơi thở bốc mùi.
    • Chứng hôi miệng có thể bộc phát do metformin – một loại thuốc dành cho bệnh tiểu đường loại 2. Nếu bạn đang dùng metformin, hỏi bác sĩ để xem có lựa chọn thay thế khác hay không.[11]
  4. Để ý đến một vài kẻ thù tiềm ẩn khác. Hàng loạt căn bệnh khác có thể khiến cho hơi thở có mùi hôi, như:
    • Hội chứng mùi cá: Nếu cơ thể bạn không thể chuyển hóa chất hóa học có tên gọi là trimethylamine, nó sẽ được giải phóng ra trong tuyến nước bọt và khiến hơi thở bốc mùi. Nó cũng sẽ thoát ra trong mồ hôi, và việc mùi hôi này lưu lại dai dẳng trên cơ thể có thể kéo theo triệu chứng đi kèm.
    • Nhiễm trùng: Một số loại nhiễm trùng như là viêm xoang và nhiễm trùng bao tử có thể là nguyên nhân của chứng hôi miệng. Điều quan trọng là bạn nên kiểm tra những triệu chứng bất thường, bao gồm cả triệu chứng này.[12]
    • Bệnh thận hay suy thận mãn tính: Cụ thể, mùi hương và vị kim loại hay amoniac trong hơi thở có thể cho thấy nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan tới thận. Hãy đến khám bác sĩ ngay nếu bạn có dấu hiệu trên.[13]

Lời khuyên[sửa]

  • Ăn táo hoặc cà rốt giữa bữa ăn sẽ giúp loại bỏ thức ăn bị kẹt trong răng.
  • Thay bàn chải đánh răng sáu tuần một lần để đảm bảo rằng không có vi khuẩn sinh sôi trên bề mặt bàn chải.
  • Hoặc ít ra bạn cũng nên thay bàn chải đánh răng ba tháng một lần.
  • Kiểm tra amidan thường xuyên. Nếu bạn tình cờ thấy một vài đốm trắng trên đó, sắp xếp thời gian đến gặp nha sĩ hay bác sĩ.
  • Nhai kẹo cao su hoặc ngâm kẹo bạc hà sau khi ăn nếu bạn không có bàn chải đánh răng.

Cảnh báo[sửa]

  • Nhiều hốc nhỏ sâu hình thành xung quanh chân răng có thể không được làm sạch thường xuyên; vì thế, đây thường là nơi tập trung vô vàn vụn thức ăn bị phân hủy và vi khuẩn gây hơi thở bốc mùi và chúng có thể là nguyên nhân khiến cho răng bị tụ mủ (nướu bị nhiễm trùng và gây ra đau đớn).
  • Nếu bạn có thú cưng, hãy cẩn thận khi dùng kẹo cao su có chứa xylitol vì nó có thể gây độc cho cún yêu.
  • Đi khám nha khoa định kỳ 6 tháng một lần để tránh trường hợp răng gãy rụng. Điều này sẽ ngăn quá trình tích tụ cao răng (một dạng mảng bám răng) và khoáng chất khác từ nước bọt – chúng thường tích tụ và làm dày mảng bám răng. Mảng bám còn lại sẽ phá hủy liên kết giữa nướu và răng, và nó sẽ khiến cho nhiều răng khác bị lung lay cũng như gây ra việc tích tụ mủ theo thời gian.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này