Đối phó với con chó hay sủa bên hàng xóm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chó sủa là lẽ tự nhiên. Dù bạn yêu mến chó hay không chịu được loài chó, chúng ta cũng phải thừa nhận sự thật này. Đặc biệt ở vùng ngoại ô, cũng tương tự như tiếng ồn của xe cộ khi nhà bạn ở gần đường cao tốc, tiếng chó sủa quả là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, bạn không cần phải cắn răng chịu đựng nếu mỗi lần bước ra sân là chú chó nhà hàng xóm lại sủa inh ỏi, hoặc đêm nào cũng hú khiến cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng không ít. Dù sao thì bạn cũng đâu có quyết định nuôi mà không huấn luyện được nó. Bình tĩnh, tế nhị và có lý lẽ là những chiến thuật hữu hiệu khi đối phó với chú chó hay sủa nhà hàng xóm, tuy nhiên bạn cũng cần biết rằng bạn có thể viện đến pháp luật nếu cần thiết.

Các bước[sửa]

Thương lượng một cách thân thiện[sửa]

  1. Tìm lúc thích hợp sang thăm nhà hàng xóm. Bạn cần tạo bối cảnh cho buổi nói chuyện dễ chịu mà không khiến người hàng xóm có thái độ thủ thế. Cách tốt nhất để làm điều này là gặp gỡ vào lúc họ không cảm thấy bị bất ngờ. Trong buổi tiếp xúc đầu tiên, bạn nhớ tỏ ý tìm một lúc nào đó thuận tiện để hai bên có thể nói chuyện. Nếu họ vui vẻ đồng ý, bạn có thể giải quyết vấn đề trong một ngày.
    • Bạn có thể thử sang nhà hàng xóm vào buổi sáng thứ bảy, khi nghe tiếng họ đang làm vườn. Đừng bước vào đất nhà họ khi chưa được mời, và cố gắng đừng làm họ giật mình hoặc bất ngờ. Bắt chuyện bằng vài câu hỏi thăm xã giao, sau đó hỏi xem họ có thì giờ để nói chuyện về con chó không.
    • Nếu người hàng xóm nổi giận hoặc có thái độ hung hăng đe dọa, bạn hãy từ bỏ ý định tự giải quyết một mình. Đến đồn cảnh sát trình báo về việc chó sủa và người hàng xóm đe dọa bạn chỉ vì đề nghị nhã nhặn và đơn giản của bạn.
  2. Cứ cho là người hàng xóm của bạn không biết về điều này. Có thể họ không biết rằng chó của họ hay sủa hoặc không biết phải làm gì với nó. Một lời nhắc nhở thân thiện, kèm theo là khéo léo đề cập đến kỹ thuật chăm sóc chó, thậm chí việc nhắc đến một người giỏi huấn luyện chó mà bạn biết có lẽ là đủ. Người hàng xóm có thể không biết chó của họ đang gây rắc rối, có thể nó sủa khi họ đã rời khỏi nhà để đi làm.[1]
  3. Để người hàng xóm tự giải quyết vấn đề. Sau buổi nói chuyện đầu tiên, có thể người hàng xóm cảm thấy áy náy và muốn xử lý ngay. Việc để họ tự xử lý sẽ giúp bạn duy trì mối quan hệ láng giềng. Có thể họ có chiến thuật dạy chó ngừng sủa nhưng chưa có thời gian thực hiện.
    • Cho người hàng xóm thời gian để thay đổi. Việc điều chỉnh thời gian biểu và huấn luyện chó ngừng sủa đòi hỏi phải có thời gian.
  4. Nói chuyện lần thứ hai. Rất có thể người hàng xóm hoặc có thái độ miễn cưỡng (không tích cực hành động), hoặc thách thức (bực tức vì người khác đề nghị làm việc gì đó). Điều này khiến bạn phải có hành động tiếp theo. Tuy nhiên bạn nên giữ thái độ từ tốn hết sức có thể. Nói chuyện vào ban ngày và ở nơi công cộng, chẳng hạn như buổi sáng thứ bảy khi đang làm việc ngoài sân, để giữ an toàn và để mọi người được biết.[2]
  5. Góp ý về các chiến thuật ngăn chó sủa. Có nhiều cách để ngăn chó sủa, bao gồm việc tập luyện hàng ngày và các buổi huấn luyện. Bạn hãy tìm hiểu vài lựa chọn và đề nghị với người hàng xóm một cách nhã nhặn.[3] Cố gắng xử lý vấn đề như một cuộc thương lượng với các điều kiện mà cả hai bên cùng chấp nhận được. Điều này sẽ bảo vệ bạn trước pháp luật nếu sự việc trở thành vụ bất đồng không thể hòa giải.[4]
    • Nếu người hàng xóm sẵn lòng làm theo ý tưởng của bạn, và bạn cũng sẵn lòng đóng góp về chi phí/công sức, bạn có thể ngỏ ý trả tiền cho vòng cổ chống sủa, hoặc giúp họ tìm một người huấn luyện giỏi. Nhưng tất nhiên bạn không có trách nhiệm phải làm vậy.
  6. Làm bạn với chú chó. Bạn có thể thấy rằng làm quen với loài vật này dễ dàng hơn làm quen với người hàng xóm. Hỏi tên chú chó và nhờ chủ của nó giới thiệu bạn với nó. Nếu chú chó đã quen bạn, có thể nó sẽ không sủa bạn nữa. Lần sau, mỗi lần chó sủa, bạn hãy thử gọi tên nó với giọng quả quyết. Nếu chủ của chú chó cho phép, bạn hãy cho nó một món đồ chơi hoặc thức ăn ngon để tỏ sự thân thiện và xoa dịu nó.
    • Nếu bạn xây dựng được mối quan hệ thân thiết với người hàng xóm và chó của họ, bạn còn có thể đề nghị họ để bạn dắt chó đi dạo vào ban ngày – ví dụ nếu chú chó hay sủa vào buổi chiều, khi chủ của nó đi làm.[5]
    • Tuy nhiên việc chọn xử trí theo cách nào là quyền của bạn. Bạn không cần làm như vậy nếu không thích chó, không muốn nhận trách nhiệm chăm sóc nó, hoặc bạn còn bận bịu chăm sóc chó của mình. Bạn hoàn toàn không cần đề nghị giúp đỡ con chó ồn ào của nhà hàng xóm.
  7. Gửi lời phàn nàn lần cuối. Nếu người hàng xóm phớt lờ đề nghị của bạn, bạn hãy gặp họ lần nữa. Cho họ biết rằng bạn đã nói về chuyện chó sủa vài lần nhưng không có cải thiện gì. Bạn có thể nói chuyện riêng với họ, nhưng cũng cần cho những người hàng xóm khác biết nếu cần thiết. Lúc này có lẽ bạn chưa cần dọa báo cảnh sát, trừ khi họ có hành động bạo lực hoặc đe dọa.
  8. Theo dõi diễn tiến của sự việc. Tiếp tục thu thập bằng chứng trong khi chờ đợi. Bạn hãy cho người hàng xóm thời gian để tìm giải pháp, nhưng bạn cũng cần chuẩn bị cho bước kế tiếp nếu điều này không có tác dụng. Ghi chép một cách chi tiết về những lần chó sủa và thời gian kéo dài trong bao lâu, hoặc nói chuyện với người hàng xóm khác cũng đang bị làm phiền như bạn. Nếu chủ của con chó có vẻ không chịu giải quyết thì bạn cũng có trong tay những chứng cứ để tiếp tục xử lý.[1]

Khẳng định quyền của bạn[sửa]

  1. Tìm hiểu luật lệ. Trình báo chính quyền là biện pháp cuối cùng để xử lý việc chó sủa, bởi vì điều này sẽ phải mất thời gian và công sức để đi đến một giải pháp chấp nhận được, và chắc chắn cũng khiến mối quan hệ láng giềng ít nhất cũng sẽ không thoải mái – và nhiều khả năng trở nên thù địch ra mặt. Tuy nhiên, nếu bạn đã hết cách và/hoặc không tìm được giải pháp nào khác, bạn cần biết quyền của mình và cách khẳng định các quyền đó.[4]
    • Một số nơi có quy định cụ thể về việc chó sủa, trong khi các nơi khác thì sự việc này được coi là hành vi làm phiền hoặc vi phạm quy định về tiếng ồn. Mỗi vùng có những quy định rất khác nhau, do đó bạn hãy liên hệ với nhà chức trách địa phương để nắm được thông tin.[6]
    • Nếu bạn và hàng xóm của bạn cùng tổ dân phố, có lẽ trong tổ cũng có quy định về việc chó sủa. Tương tự như vậy, nếu bạn và hàng xóm cùng là người thuê nhà (nhất là nếu cả hai cùng thuê từ một chủ nhà), bạn hãy xem lại các điều khoản thuê nhà.[7]
    • Một số nơi có các dịch vụ hòa giải ngoài tòa án (ràng buộc hoặc không ràng buộc). Bạn có thể liên hệ với chính quyền địa phương, văn phòng luật sư hoặc tòa xử các vụ kiện nhỏ để hỏi về việc này.[4]
  2. Gọi cho cơ quan kiểm soát động vật. Bây giờ không còn cảnh nhân viên bắt chó ập đến không báo trước và bắt con chó có vấn đề nữa, nhưng dịch vụ kiểm soát động vật ở địa phương có thể can thiệp giúp bạn. Bạn hãy liên hệ với họ để biết liệu họ có xử lý việc chó sủa gây phiền nhiễu không, hay bạn phải gọi cảnh sát trước.
    • Có thể bạn phải kiên trì gọi nhiều lần và/hoặc phải cung cấp bằng chứng cho thấy con chó nhà hàng xóm gây phiền toái để cơ quan kiểm soát động vật có cơ sở để hành động.[4]
    • Gọi cho cơ quan kiểm soát động vật ngay lập tức nếu con chó sủa là do đau đớn, bị mắc kẹt ở nơi chật chội, bị quấn vào xích hoặc không với tới nước uống. Liên hệ với chủ của con chó trước nếu bạn thấy thoải mái. Đừng phớt lờ chú chó đang khổ sở vì không được chăm sóc đúng mức.
  3. Gọi cảnh sát. Việc gọi cảnh sát vào cuộc có thể khiến sự căng thẳng đột ngột leo thang, hoặc có thể giải quyết vấn đề một cách chóng vánh. Sự chuẩn bị trước của bạn có thể tạo nên khác biệt.
    • Khi đã hiểu về các quy định liên quan đến chó/tiếng ồn/hành vi phiền nhiễu trong khu vực bạn ở, bạn hãy gọi cho cảnh sát bằng số điện thoại không khẩn cấp để trình báo việc vi phạm.
    • Trừ khi cảnh sát khu vực chỉ dùng một số điện thoại khẩn cấp (113), bạn đừng gọi vào số này để khiếu nại về việc chó sủa. Có thể bạn sẽ bị coi là làm lỡ cuộc gọi khẩn cấp khác.
    • Nhiều phòng cảnh sát và các dịch vụ khác đòi hỏi bạn phải chứng minh rằng tiếng sủa phải đạt đến mức độ không chấp nhận được trước khi họ có thể hành động. Đây là lúc những chứng cớ của bạn (sổ ghi chép, băng ghi âm, xác nhận của những hàng xóm khác, v.v…) có giá trị hỗ trợ cho khiếu nại của bạn.[4]
    • Khi cảnh sát đã vào cuộc, người hàng xóm của bạn có thể cảm thấy như bị bao vây và sẽ cố gắng quy kết vấn đề là sự bất đồng giữa xóm giềng mà bạn là người có lỗi trước. Đây chính là lý do bạn không bao giờ nên trao cho họ vũ khí chống lại bạn qua việc đe dọa, la hét, chửi thề hay tiến lại gần con chó bằng mọi cách, v.v...[2]
  4. Theo đuổi hành động pháp lý. Nếu phải ra tòa để chứng minh sự vi phạm về tiếng ồn/phiền nhiễu, bạn hãy cầm theo các bằng chứng mà bạn thu thập được. Hãy bình tĩnh và nói rõ ràng về trường hợp của bạn.
    • Bạn cũng có thể kiện người hàng xóm ra tòa xử những vụ việc nhỏ vì họ đã làm bạn mất đi quyền tận hưởng không gian nhà và đất ở của bạn. Bạn sẽ không kiếm được nhiều tiền nhờ vụ kiện (và thậm chí có thể còn bị mất tiền vì vụ kiện), nhưng nếu cung cấp được các bằng chứng rõ ràng, bạn có thể buộc nhà hàng xóm bắt con chó phải im lặng.[1]
    • Nếu bạn thấy địa phương thiếu quy định về việc chó gây phiền nhiễu, bạn có thể viết đơn kiến nghị và gửi cho lãnh đạo ở địa phương.

Đối phó với tiếng chó sủa ở mức tối thiểu[sửa]

  1. Cân nhắc tình huống. Trừ khi sống thật xa khu dân cư, bạn không có cách nào để ngăn tiếng chó sủa vào lúc này hay lúc khác. Sủa là bản năng của loài chó; chúng sủa để biểu lộ sự sợ hãi hoặc lo lắng, để thu hút sự chú ý, hoặc do đau đớn hay bệnh tật, và do nhiều nguyên nhân khác nữa.[3]
    • Trước khi quyết định hành động, bạn nên suy nghĩ xem liệu mức giới hạn tiếng chó sủa bạn muốn đặt ra có hợp lý và khả thi không. Nếu con chó chỉ kêu ăng ẳng vài tiếng khi có người hoặc một con chó khác đi ngang qua, rên rỉ khi sắp phải trở vào nhà, hoặc sủa khi chơi đùa với chủ trong sân, có lẽ tiếng ồn sẽ nhanh chóng lắng xuống.
    • Tuy nhiên, nếu tiếng sủa cứ dai dẳng (sủa liên tục trong 10 phút hoặc hơn), tiếng sủa nghe như con chó bị thương, bị bệnh, hoặc khiến bạn cảm thấy như bị đe dọa, bạn sẽ có lý do pháp lý để hành động.
  2. Cân nhắc sử dụng vật liệu cách âm. Có rất nhiều cách để làm im tiếng con chó nhà hàng xóm và các âm thanh khó chịu khác. Việc lắp cửa sổ cách âm có thể là một lựa chọn tốn kém, nhưng bạn có thể giảm được tiền điện cho máy điều hòa hay máy sưởi. Ngoài ra, rèm cửa cách âm có thể là một lựa chọn ít tốn kém hơn. Vật liệu cách âm còn đem lại lợi ích là giảm các tiếng ồn mà bạn không có cách nào ngăn chặn, chẳng hạn như tiếng xe cộ trong đêm khuya và tiếng còi xe.
    • Bạn sẽ thấy tiếng chó sủa sẽ giảm đáng kể sau khi thực hiện các bước làm giảm tiếng ồn xâm nhập vào không gian sống của bạn.
  3. Lắp đặt thiết bị siêu âm chống chó sủa. Trên thị trường có bán các thiết bị phát ra luồng âm thanh lớn với âm sắc cao mỗi khi phát hiện có tiếng sủa. Âm thanh này vượt ngoài tầm nghe của con người, nhưng gây khó chịu cho loài chó ở mức đủ để dạy cho chúng biết ngừng sủa. Về căn bản, thiết bị này hoạt động tương tự như còi siêu âm huấn luyện chó, và thực ra dùng còi huấn luyện chó cũng có thể có tác dụng.
    • Nếu thuyết phục được người hàng xóm, bạn có thể đề nghị họ sử dụng loại vòng cổ chó kết hợp với thiết bị siêu âm hoặc vòng cổ phát ra mùi khó chịu, hoặc tiếng còi từ bình khí nén.
    • Tính hiệu quả của các thiết bị này vẫn còn đáng ngờ, và mặc dù chúng không gây hại cho chó nhưng có thể gây khó chịu cho con người ở mức độ nào đó (ngay cả khi con chó khiến bạn phát điên!)[3]

Lời khuyên[sửa]

  • Luôn tỏ thái độ tôn trọng đúng mực mỗi khi tiếp xúc với người hàng xóm, cho dù họ cư xử thô lỗ thế nào đi nữa. Sự căng thẳng leo thang sẽ không giải quyết được vấn đề và có thể còn kích động họ phản ứng dữ dội.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng bao giờ phớt lờ người hàng xóm và tự mình xử lý con chó. Điều này có thể khiến bạn gặp rắc rối lớn với pháp luật, nhất là nếu bạn khiến con chó bị tổn thương.
  • Không dọa báo cảnh sát, vì hành động này gây sự thù địch giữa hai bên. Bạn luôn có quyền báo cảnh sát nếu những cách khác không có hiệu quả, nhưng đừng sử dụng điều này như sự đe dọa.
  • Đừng đánh thức người hàng xóm giữa đêm khuya để phàn nàn về con chó. Họ có thể nổi giận và sẽ không muốn giải quyết.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]