Đối xử với trẻ ở lứa tuổi dậy thì

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn có phải là cha mẹ hay người chăm sóc của trẻ vị thành niên? Tuổi dậy thì là giai đoạn khó khăn khi bạn nuôi dạy hoặc đối xử với trẻ. Đôi khi, trẻ trong giai đoạn này có thể thực hiện những hành vi tiêu cực như: chống đối lại bố mẹ, phá vỡ quy tắc, sử dụng chất kích thích, gây gổ hoặc bạo lực. Để có thể xử lý những vấn đề này ở trẻ mới lớn, điều quan trọng là phát huy tính tích cực trong mối quan hệ giữa bạn và con, cải thiện mối liên hệ với trường học, giữ cho con được an toàn, thực hiện vai trò làm cha mẹ một cách phù hợp, và hiểu được suy nghĩ của trẻ.

Các bước[sửa]

Tăng cường mối quan hệ giữa bạn và con[sửa]

  1. Dành thời gian quý giá bên nhau. Mối quan hệ giữa trẻ vị thành niên với bố mẹ hoặc người giám hộ là nhân tố có tính bảo vệ mạnh mẽ trước những điều tiêu cực như trầm cảm, hành vi tình dục không an toàn, và sử dụng chất kích thích.[1]
    • Sắp xếp các hoạt động gia đình thường xuyên như ăn tối cùng nhau hoặc chơi trò chơi vào buổi tối.
    • Dành thời gian trò chuyện hàng tuần. Dẫn con đi ăn trưa hoặc ăn tối mà không có các thành viên gia đình khác đi cùng. Bằng cách này, bạn có thể tập trung vào mối quan hệ với con thay vì bị sao nhãng bởi người khác.
    • Thử cùng trẻ tham gia vào những hoạt động mà chúng thích. Hỏi con xem chúng thích làm gì, hoặc đề xuất các hoạt động như: chơi trò chơi điện tử, đi mua sắm, đi xem phim, đạp xe, cắm trại, chơi cờ, hoặc chạy.
  2. Dùng mạng xã hội. Khoa học chứng minh sử dụng mạng xã hội như một cách để tăng cường sự tương tác giữa cha mẹ và con sẽ giúp cải thiện mối quan hệ và hành vi mang tính xã hội trong khi giảm bớt tính gây gổ ở trẻ.[2]
    • Nếu bạn không có tài khoản Facebook (hoặc Instagram, v.v…), hãy đăng ký và kết bạn với trẻ. Bạn có thể theo dõi hoạt động của con trên một số trang mạng, cũng như để lại tin nhắn và đăng tải ảnh.
    • Cố gắng tránh làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ. Trẻ vị thành niên nhạy cảm với cách người khác nhìn nhận chúng, đặc biệt là bạn cùng lứa.
  3. Thể hiện sự yêu thương. Trẻ vị thành niên cảm thấy mình là người quan trọng và được cha mẹ yêu thương sẽ được bảo vệ nhiều hơn khỏi nguy cơ hình thành những ảnh hưởng và hành vi tiêu cực.[1] Tập trung vào cách bạn có thể cho trẻ thấy chúng được tôn trọng, được thừa nhận, yêu thương và quan tâm.
    • Tiếp xúc cơ thể như ôm chặt là cách hay để thể hiện tình cảm với trẻ.Tuy nhiên, nếu những hành động yêu thương như vậy khiến trẻ không thoải mái, bạn có thể thử các kỹ thuật khác như vỗ vai con hoặc chơi thể thao cùng.
    • Hãy nói: “Bố mẹ yêu con”, và khen ngợi khi trẻ làm việc tốt. Phát hiện và nhận xét về những đặc điểm tích cực của con. Nói những điều như: “Bố mẹ thích cách con thật lòng với cảm xúc của mình”.
    • Dành sự quan tâm cho trẻ. Thể hiện sự ủng hộ bằng cách nói với trẻ rằng bạn luôn ở bên con. Bạn có thể nói: "Bố mẹ muốn con biết rằng con có thể nói chuyện với bố mẹ về bất cứ vấn đề gì, bố mẹ sẵn sàng lắng nghe và giúp con". Hỗ trợ và hướng dẫn khi con cần.
    • Tặng quà và làm trẻ ngạc nhiên với bữa ăn mà chúng yêu thích.
  4. Đặt câu hỏi và thể hiện sự quan tâm. Nghiên cứu cho thấy cha mẹ nắm được thông tin và hiểu về cuộc sống của con mình thì con họ sẽ có khả năng thích nghi cao hơn.[3]
    • Đặt những câu hỏi mở như: "Dạo này ở trường con có gì hay không?" hoặc: "Mục tiêu của con bây giờ là gì?"
    • Tránh những câu hỏi đóng chỉ cần trả lời bằng một từ như: "Hôm nay con đi học có tốt không?" hoặc: "Mọi việc ổn chứ?" Con bạn sẽ chớp lấy cơ hội này để trả lời đơn giản là "có", và không phải nói chi tiết. Việc này sẽ hạn chế giao tiếp và gia tăng khoảng cách giữa bạn và con.
    • Lắng nghe thay vì giảng giải. Tập trung tìm hiểu quan điểm của con thay vì khiển trách hay khuyên nhủ.
    • Cố gắng kiểm soát trẻ bằng cách theo dõi hoặc dùng kỹ thuật giám sát (như theo dõi nhật ký cuộc gọi, v.v…) có thể có hại hơn là có lợi.[3] Hãy tránh những kiểu hành vi như vậy.
  5. Cho phép trẻ có không gian riêng. Kỳ lạ là việc cho trẻ có không gian riêng trên thực tế lại giúp cải thiện sự gần gũi và tính tích cực trong mối quan hệ giữa bạn và con. Nghiên cứu cho thấy trẻ mới lớn cần có cảm giác tự lập hoặc cảm thấy mình có nhiều sự lựa chọn.[4]
    • Đừng cố tò mò nếu trẻ không muốn thảo luận về vấn đề nào đó. Hãy cho trẻ thời gian để xử lý tình huống và tự tìm đến bạn khi sẵn sàng.
  6. Giảm xung đột gia đình. Trẻ phải trải qua hoặc chứng kiến xung đột gia đình có thể có những vấn đề về hành vi, triệu chứng trầm cảm và ít giao tiếp trong gia đình.[5]
    • Đừng đánh nhau hay tranh cãi trước mặt trẻ.
    • Khi trao đổi các vấn đề gia đình, hãy bình tĩnh và tránh lên giọng vì tức giận.

Cải thiện mối quan hệ ở trường[sửa]

  1. Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động ngoại khóa. Việc tham gia tích cực vào các hoạt động ở trường đóng vai trò như nhân tố bảo vệ trẻ trước những trò độc hại (những hành vi tiêu cực, có tính hủy hoại bao gồm: tự làm tổn thương, đau khổ và sử dụng chất kích thích).[1][6] Yếu tố rủi ro ít đi cũng liên quan đến việc trẻ tham gia vào các hoạt động ngoại khóa.
    • Thử khuyến khích trẻ tham gia vào những hoạt động nhóm hoặc câu lạc bộ ở trường, hội đồng sinh viên hoặc làm niên giám.
    • Khuyến khích trẻ tham gia chơi thể thao. Những hoạt động xã hội như chơi thể thao giúp tăng lòng tự trọng của trẻ cũng như sự chú ý của các bạn trong trường.[7] Mặc dù vậy, việc tham gia thể thao cũng có thể dẫn đến tỷ lệ sử dụng đồ uống có cồn cao hơn. [7] Nếu con bạn chơi thể thao, nhớ trao đổi với con về những nguy hại của đồ uống có cồn. Bạn cần giám sát hoạt động xã hội của con nếu cho rằng con lạm dụng đồ uống có cồn.
    • Đảm bảo các hoạt động giải trí có tính thống nhất cao; những loại hoạt động này gắn với hành vi hòa đồng hơn.[8] Ví dụ, câu lạc bộ giải trí sau giờ học ở trường, nơi trẻ có thể tham gia vào các hoạt động khác nhau, được coi là không có tính thống nhất, còn một đội thể thao cụ thể được xem là hoạt động có tính thống nhất.
    • Đừng ép trẻ tham gia thể thao hoặc một hoạt động nào đó mà chúng không muốn.
  2. Đặt ra kỳ vọng cao nhưng có thể đạt được. Kỳ vọng nhiều hơn vào thành tích học tập của trẻ được cho là có liên quan đến giảm rủi ro về sức khỏe và hành vi.[1]
    • Hãy cho trẻ biết bạn kỳ vọng gì đối với kết quả học tập của chúng, trong đó bao gồm cả điểm số. Chú ý đừng đặt mục tiêu quá cao (điểm giỏi), hoặc quá thấp (điểm trung bình). Bạn có thể nói: "Bố mẹ nghĩ con có thể đạt ít nhất là điểm khá trong lớp. Con có thấy như vậy là hợp lý không? Mình có thể thỏa thuận về việc này chứ?"
    • Giải thích cho con hiểu rằng bạn muốn con tôn trọng người lớn và những người giám sát chúng.
  3. Củng cố mối quan hệ tích cực giữa thầy và trò. Việc trẻ tin tưởng thầy cô đối xử công bằng với mình có thể là nhân tố bảo vệ chúng khỏi điều xấu.[1]
    • Gặp giáo viên của con thường xuyên để trao đổi các vấn đề, và tăng cường giao tiếp. Cho trẻ cùng tham gia nếu thấy cần.
    • Giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến mối quan hệ thầy trò. Gặp thầy cô và đề xuất kế hoạch để cải thiện mối quan hệ này.
    • Nếu trường học có chuyên gia tư vấn tâm lý cho học sinh, hãy trao đổi cả mục tiêu và nhu cầu của trẻ như là một giải pháp để củng cố mối quan hệ tích cực giữa thầy và trò.
  4. Hỗ trợ phát triển mối quan hệ bạn bè lành mạnh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nhân tố bảo vệ trẻ khỏi hành vi tiêu cực thể hiện mức độ gần gũi với bạn bè ở trường lớp.[1] Mối quan hệ bạn bè ở trường tích cực cũng liên quan đến thành tích học tập cao hơn.[9]
    • Trao đổi khái niệm quan hệ lành mạnh với trẻ. Giải thích cho trẻ hiểu mối quan hệ lành mạnh bao gồm sự thẳng thắn, tin tưởng, chấp nhận và trung thành.
    • Kiểm soát mối quan hệ bạn bè của con. Biết ai là bạn của trẻ và tìm hiểu về cha mẹ của chúng nữa.
    • Nắm được những mối quan hệ bạn bè có vấn đề của trẻ. Hỏi trẻ liệu chúng có bị bắt nạt hoặc bị bạn bè đối xử không tốt. Xử lý những vấn đề này một cách trực tiếp với ban giám hiệu nhà trường để đưa ra kế hoạch hạn chế tình trạng bắt nạt ở trường.

Giữ cho trẻ được an toàn[sửa]

  1. Loại bỏ những vật dụng nguy hiểm trong nhà. Sự tồn tại của những vật dụng này trong nhà có liên quan đến hành vi tự hủy hoại ở trẻ vị thành niên.[1] Ví dụ, rượu bia và chất gây nghiện có trong nhà liên quan đến sự gia tăng sử dụng chất kích thích ở trẻ.
    • Không để súng hoặc các loại vũ khí khác ở trong nhà.
    • Vứt hết rượu bia và những chất gây nghiện khác (kể cả thuốc kê đơn không dùng đến).
    • Nếu con bạn đã từng tự hủy hoại mình, bạn hãy loại bỏ hoặc cho vào tủ khóa những vật sắc nhọn, bao gồm dao và vũ khí.
    • Hãy là tấm gương tốt bằng cách giảm bớt hành vi tiêu cực hoặc không lành mạnh ở chính bạn. Ví dụ, trẻ có thể nghĩ là bạn tỏ ra đạo đức giả nếu bạn nhắc chúng không hút thuốc trong khi bạn vẫn làm như vậy.
  2. Đảm bảo việc giám sát một cách hợp lý. Những hoạt động thống nhất và được giám sát có liên quan đến sự giảm bớt hành vi chống lại xã hội (như hành động phạm tội và những vấn đề về hành vi khác). Khi trẻ tham gia các hoạt động bên ngoài, hãy đảm bảo có sự giám sát, nhất quán đầy đủ.[8]
    • Nhớ giám sát trẻ sau giờ tới trường và vào cuối tuần.
    • Đảm bảo các chuyến đi chơi của trẻ được giám sát chặt chẽ.
    • Tìm hiểu bố mẹ bạn bè của trẻ để phối hợp kiểm soát và giám sát hành vi của trẻ một cách thích hợp.
  3. Trao đổi với trẻ về những tình huống rủi ro. Hãy cởi mở và chân thành với trẻ về những rủi ro phát sinh nếu thực hiện những hành vi như: sử dụng chất gây nghiện, phạm tội và tình dục không an toàn. Nếu vì sợ và ngại mà bạn tránh đề cập đến những vấn đề này, trẻ chắc chắn sẽ học từ bạn bè mình, nguồn thông tin có thể sai lệch và không chính xác.
    • Hãy trao đổi với con về tình dục. Mối quan hệ tình dục ở tuổi mới lớn có thể dự báo và định hình nền tảng của mối quan hệ trong tương lai của trẻ.[10] Hãy trao đổi với trẻ về rủi ro của việc quan hệ tình dục sớm. Để bắt đầu cuộc nói chuyện, bạn có thể nói: "Bố mẹ nghĩ đã đến lúc chúng ta thảo luận về vấn đề tình dục. Bố mẹ biết đây là chủ đề không dễ nói nhưng thực sự việc bố mẹ và con trao đổi về vấn đề này là rất quan trọng. Con nghĩ sao?". Bạn có thể bắt đầu bằng việc hỏi trẻ đã biết gì về tình dục từ bạn bè và trên vô tuyến. Thể hiện quan điểm của bạn về tình dục và những gì bạn kì vọng ở trẻ (khi nào trẻ nên quan hệ tình dục, tại sao, và trẻ cần gì như bao cao su/biện pháp tránh thai).
    • Cung cấp cho trẻ thông tin về rủi ro khi sử dụng rượu bia và chất kích thích. Nói với trẻ những điều như: "Bố mẹ muốn trao đổi với con về một số vấn đề mà trẻ ở độ tuổi mới lớn hay làm nhưng rất có hại. Con thấy có được không?" Thể hiện quan điểm của bạn về việc sử dụng rượu bia và chất kích thích, và điều gì bạn mong muốn ở trẻ (cái gì cần hạn chế hoặc không được dùng và vì sao). Giải thích cho trẻ hiểu tại sao không nên sử dụng một số chất (nguy hiểm cho sức khỏe, có thể quá liều, đánh giá không đúng mức, v.v…) là việc rất quan trọng; trẻ muốn nhận được lời giải thích về các nguyên tắc, nếu không chúng có thể cho rằng những lời bạn nói là ngớ ngẩn hoặc khắt khe.
  4. Cân nhắc việc điều trị. Nếu trẻ tham gia vào những hoạt động nguy hiểm, chống đối người giám sát chúng, trở nên hung dữ, hoặc không muốn giao tiếp, điều này có thể bắt nguồn từ lý do sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn. Điều trị tâm lý có thể giúp trẻ sống có mục tiêu và xử lý những vấn đề của tuổi mới lớn một cách lành mạnh hơn.
    • Nói chuyện với bác sĩ về việc điều trị cho trẻ hoặc gọi điện cho nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm để lấy danh sách các bác sĩ trị liệu.

Làm cha mẹ một cách hiệu quả[sửa]

  1. Sử dụng quyền làm cha mẹ. Một phong cách làm cha mẹ có trách nhiệm là tạo cho trẻ sự tin cậy và tự lập cao, trong khi vẫn duy trì những nguyên tắc và kỳ vọng rõ ràng, cụ thể. Kiểu làm cha mẹ như vậy sẽ giúp trẻ đạt được thành tích cao trong học tập.[11]
    • Phong cách có trách nhiệm thể hiện sự nhiệt tình, quan tâm và linh hoạt với trẻ. [12] Tập trung tạo ra những giới hạn và nguyên tắc nhưng cũng sẵn sàng thỏa thuận lại hoặc linh hoạt nếu cần.
    • Chấp nhận trẻ như vốn có, và cho con biết bạn chấp nhận điều đó. Khuyến khích trẻ thực hiện ước mơ của mình, dù đó là gì đi nữa. [13]
    • Cha mẹ có trách nhiệm thể hiện sự quan tâm với trẻ. Trẻ có được sự quan tâm khi cha mẹ chúng sẵn sàng giúp chúng khi làm bài tập về nhà và xử lý những thách thức khác, cũng như dành cho gia đình thời gian quý giá.[13]
    • Tránh độc đoán. Làm cha mẹ độc đoán có nghĩa là đưa ra những nguyên tắc nghiêm khắc, cứng nhắc và quan điểm "Cha mẹ luôn đúng, con luôn sai". Một ví dụ về kiểu làm cha mẹ độc đoán là nếu trẻ nói: "Bố mình nói rằng ông ấy luôn đúng và mình phải nghe theo mà không được hỏi gì hết". Thay vì thể hiện sự độc đoán, hãy cho phép trẻ tham gia vào quá trình thiết lập những giới hạn. Giải thích lý do vì sao phải có nguyên tắc, và cho trẻ có cơ hội thể hiện quan điểm của mình. Thảo luận và nhượng bộ để đi đến quyết định. Ví dụ, nếu bạn nghĩ trẻ cần được điểm giỏi, trong khi trẻ nghĩ điều đó vượt khả năng của mình, hãy sẵn sàng điều chỉnh tiêu chuẩn này để phù hợp với yêu cầu của trẻ. Có thể bạn sẽ thống nhất với con là được ít nhất điểm khá ở mỗi môn học.
  2. Sử dụng cách giao tiếp quyết đoán. Kiểu giao tiếp này thể hiện thông điệp của bạn với thái độ tôn trọng thích hợp.[14] Tính quyết đoán toát ra từ quá trình suy nghĩ "Bố mẹ nhất trí. Con đồng ý".
    • Dùng ngữ điệu bình tĩnh, khuyên nhủ một cách phù hợp.
    • Nói “không” khi cần.
    • Giải thích lý do đưa ra nguyên tắc và vì sao phải như vậy.
    • Chân thành và cởi mở về suy nghĩ và cảm xúc của bạn (đồng thời cũng tôn trọng và xử sự khéo léo). Dùng câu bắt đầu bằng từ Bố mẹ như: "Bố mẹ rất bực mình vì con không về nhà đúng giờ quy định".
    • Tránh cách giao tiếp có tính công kích. Cách giao tiếp này thể hiện ở tâm lý "Bố mẹ nhất trí, con phản đối". Đừng hăm dọa hoặc quát tháo con vì đó là cách khiến trẻ bắt chước và hình thành hành vi không phù hợp, đồng thời khiến chúng cảm thấy sợ hãi.
    • Hạn chế cách giao tiếp thụ động. Thụ động trong giao tiếp không phản ánh được yêu cầu và cảm xúc của bạn. Sự thụ động thể hiện ở quan điểm "Con đồng ý. Bố mẹ không nhất trí". Cha mẹ thụ động có thể sợ chính con mình và thay vì giao tiếp với trẻ lại tìm cách lảng tránh.
  3. Đặt ra các giới hạn. Trẻ cần có giới hạn để cảm thấy an toàn và yên tâm, đồng thời giảm nguy cơ có những hành vi mạo hiểm.[15]
    • Đặt ra giới hạn có tính thực tế và công bằng. Đưa ra các quy tắc gia đình. Cho trẻ biết hành vi nào được chấp nhận, hành vi nào không được. Ví dụ, đặt ra quy định giờ về nhà đối với trẻ, và giải thích hậu quả cụ thể nếu về muộn.
    • Giao làm việc nhà. Làm việc nhà có thể tạo cho trẻ cảm giác trách nhiệm. Giải thích cho con hiểu rằng mọi người trong gia đình cần phải góp sức dọn dẹp nhà cửa. Bạn có thể lập bảng giao việc và thưởng cho trẻ khi chúng hoàn thành việc nhà mà không cần phải nhắc nhở.
    • Quy định hậu quả cụ thể đối với những hành vi đáng chê trách. Hãy quy định thật cụ thể về những gì trẻ không được phép làm (như: về muộn, bỏ học, sử dụng chất kích thích, v.v…), cũng như điều gì sẽ xảy ra nếu con vi phạm quy tắc (như: cấm đi chơi, không cho mượn xe hoặc các quyền hạn khác). Đảm bảo trẻ biết rằng chúng có thể lựa chọn tuân theo các quy tắc hoặc không.
  4. Sử dụng biện pháp tăng cường tích cực. Khen thưởng khi trẻ hành xử theo yêu cầu có thể dẫn đến sự gia tăng những hành vi đó và giảm bớt hành vi tiêu cực.[16] Có một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trẻ vị thành niên được khen thưởng vì thắt dây an toàn sẽ tích cực làm việc đó hơn.[16]
    • Thưởng cho hành vi đúng đắn. Khi con bạn làm điều gì tích cực như được điểm tốt, hãy thưởng cho con, ví dụ như một bộ quần áo mới mà con ao ước.
    • Tạo sự chú ý đến những tính cách tốt. Lòng tự trọng cao ở trẻ vị thành niên là nhân tố bảo vệ chúng trước những cảm xúc và hành vi tiêu cực.[1] Cho trẻ biết bạn tự hào về chúng. Lấy những ví dụ cụ thể về thành tích mà con đạt được như điểm thi hoặc điểm kiểm tra tốt, trung thực, hoặc làm việc nhà.
    • Cho phép trẻ tự lập. Trẻ tin rằng mình kiểm soát được tình hình sẽ ít có hành vi gây gổ hơn.[17]

Hiểu tâm lý trẻ vị thành niên[sửa]

  1. Nhận biết sự gia tăng tính mạo hiểm. Thay đổi trong não bộ thời kỳ vị thành niên có thể dẫn đến sự gia tăng tính ưa mạo hiểm và xu hướng thích trải nghiệm việc dùng chất kích thích (rượu bia và các chất khác).[18] Đặc biệt, trẻ mới lớn dễ bị hấp dẫn bởi những kích thích có tính chất củng cố hành vi, như chất gây nghiện. Tuy nhiên, trẻ cũng dễ chấp nhận rủi ro một cách lành mạnh như thử tham gia vào những hoạt động mới (thể thao, trò chơi, thú vui, v.v…).
    • Trẻ vị thành niên có thể thực hiện những hành vi mạo hiểm hơn.[19] Việc này đôi khi bao gồm cả những trường hợp nguy hiểm như lái xe quá tốc độ và vi phạm quy tắc hoặc pháp luật. Hãy chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo và hành vi mạo hiểm.
  2. Biết rằng trẻ chưa kiểm soát cơn bốc đồng. Khả năng kiểm soát bốc đồng chưa được phát triển đầy đủ ở não trẻ mới lớn.[20] Hiểu được con bạn có thể chưa tự kiểm soát bản thân hay trì hoãn sự thỏa mãn.
    • Dạy con trì hoãn sự thỏa mãn bằng cách giúp chúng xác định lợi hại của việc tham gia vào một hoạt động hoặc hành vi cụ thể nào đó.
  3. Đồng cảm với cảm xúc tuổi mới lớn. Thay đổi về não bộ trong quá trình phát triển của tuổi vị thành niên có thể dẫn đến phản ứng quá mức về cảm xúc.[20] Điều này có thể khiến trẻ phải trải qua các cơn giận dữ, buồn bã, cô đơn, gây gổ, và những cảm xúc hoặc hành vi tiêu cực khác nhiều hơn.
    • Cố gắng nhớ lại thời kỳ mới lớn của bạn, một vài cảm xúc mà bạn từng thấy khó xử lý.
    • Thay vì phản ứng đầy cảm xúc một cách tự phát, hãy cảm thông với những khó khăn của con bạn ở lứa tuổi mới lớn này.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 1,5 1,6 1,7 http://www.researchgate.net/profile/Karl_Bauman/publication/236305866_Protecting_Adolescents_From_HarmFindings_From_the_National_Longitudinal_Study_on_Adolescent_Health/links/0deec52deaae90cab3000000.pdf
  2. http://www.researchgate.net/profile/Sarah_Coyne2/publication/248704450_A_Friend_Request_from_Dear_Old_Dad_Associations_Between_Parent-Child_Social_Networking_and_Adolescent_Outcomes/links/553aa7e40cf245bdd76447b6.pdf
  3. 3,0 3,1 http://www.researchgate.net/profile/Hakan_Stattin/publication/12487113_What_parents_know_how_they_know_it_and_several_forms_of_adolescent_adjustment_further_support_for_a_reinterpretation_of_monitoring/links/54f1c8130cf2b36214acd39d.pdf
  4. http://selfdeterminationtheory.org/SDT/documents/2002_AssorKaplanRoth_BJEP.pdf
  5. http://is.muni.cz/el/1423/podzim2010/PSY516/um/LaursenCollins1.pdf
  6. http://rcgd.isr.umich.edu/garp/articles/eccles03g.pdf
  7. 7,0 7,1 http://edci560teen.homestead.com/files/barber_eccles.pdf
  8. 8,0 8,1 http://www.researchgate.net/profile/Hakan_Stattin/publication/12487270_Leisure_activities_and_adolescent_antisocial_behavior_The_role_of_structure_and_social_context/links/5451ed8d0cf285a067c6a390.pdf
  9. http://www.sdrs.info/documents/PDF/relschool.pdf
  10. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2835313/
  11. http://www.researchgate.net/profile/Nancy_Darling/publication/21708271_Impact_of_parenting_practices_on_adolescent_achievement_authoritative_parenting_school_involvement_and_encouragement_to_succeed/links/02e7e51c1b378cec86000000.pdf
  12. http://www.researchgate.net/profile/Laurence_Steinberg/publication/227527682_We_Know_Some_Things_ParentAdolescent_Relationships_in_Retrospect_and_Prospect/links/0c960538591d35199c000000.pdf
  13. 13,0 13,1 http://www.researchgate.net/profile/Laurence_Steinberg/publication/232429357_Authoritative_parenting_and_adolescent_adjustment_across_varied_ecological_niches/links/0c960538591d0224fc000000.pdf
  14. https://middleearthnj.wordpress.com/2014/04/14/5-ways-parents-can-teach-assertiveness-to-teens/
  15. http://apps.who.int/iris/bitstream/10665/67242/1/WHO_FCH_CAH_01.20.pdf?ua=1
  16. 16,0 16,1 https://minds.wisconsin.edu/handle/1793/40497
  17. http://www.researchgate.net/profile/Virgil_Zeigler-Hill/publication/224835684_Locus_of_control_as_a_contributing_factor_in_the_relation_between_self-perception_and_adolescent_aggression/links/0912f50b0e5c0b5727000000.pdf
  18. http://faculty.weber.edu/eamsel/Classes/Child%203000/Adolescent%20Risk%20taking/Lectures/3-4%20Biological/Spear%20LV%20%20%282000%29.pdf
  19. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2396566/
  20. 20,0 20,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2475802/

Liên kết đến đây