Điều trị mụn trứng cá bằng Hydro Peroxit

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chuẩn bị hydro peroxit độ đậm đặc 3% hoặc thấp hơn. Rửa mặt sạch bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ và nước ấm, sau đó dùng khăn sạch thấm khô. Dùng bông gòn thoa hydro peroxit lên da. Chờ dung dịch thấm vào da rồi thoa dưỡng ẩm không dầu.

Các bước[sửa]

Loại bỏ mụn trứng cá bằng hydro peroxit[sửa]

  1. Trao đổi trước với bác sĩ. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc bác sĩ da liễu trước khi dùng hydro peroxit để điều trị mụn trứng cá. Nhiều chuyên gia không khuyến nghị dùng hydro peroxit để trị mụn trứng cá vì có thể gây kích ứng và khô da. Hydro peroxit (H2O2) là hóa chất có thể hoạt động như chất tẩy và chất khử trùng. Trên thực tế, cơ thể sản sinh một lượng nhỏ hydro peroxit để thu hút tế bào bạch cầu đến khu vực nhiễm trùng. Do khả năng khử trùng nên hydro peroxit sẽ tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, hydro peroxit lại tiêu diệt vi khuẩn không chọn lọc, trong khi cơ thể lại chứa nhiều vi khuẩn cần thiết và có lợi. [1]
  2. Chọn đúng loại hydro peroxit. Để trị mụn trứng cá, bạn có thể dùng hydro peroxit ở: dạng kem, độ đậm đặc 1%; và dạng lỏng “tinh khiết”, độ đậm đặc không quá 3%.. Hydro peroxit có thể có độ đậm đặc cao hơn 3% nhưng không được dùng trên da.[1]
    • Có thể mua hydro peroxit 3% ở hầu hết các hiệu thuốc. Nếu chỉ mua được loại có độ đậm đặc cao hơn (thường là 35%), bạn cần pha loãng với nước trước khi dùng cho da mặt. Để pha loãng hydro peroxit 35% thành 3%, bạn cần pha 1 phần hydro peroxit với 11 phần nước.[2]
    • Nếu dùng dạng kem, bạn cần làm theo hướng dẫn trên bao bì về cách thoa lên da và tần suất sử dụng.
  3. Rửa mặt như thông thường. Nếu bị mụn trứng cá, bạn nên rửa mặt bằng xà phòng dịu nhẹ và chỉ dùng tay, không dùng khăn hoặc bàn chải. Rửa mặt với nước ấm để giúp lỗ chân lông thông thoáng trước khi dùng sữa rửa mặt và hydro peroxit. Thấm khô nước trên da trước khi thoa hydro peroxit vì da khô hấp thụ tốt hơn da ướt.[3]
  4. Thoa hydro peroxit lên da. Dùng miếng bông tẩy trang, bông gòn hoặc que Q-tip để thấm hydro peroxit, sau đó thoa lên vùng da mụn trứng cá. Không thoa lên da không bị mụn. Chờ hydro peroxit thấm vào da khoảng 5-7 phút.[3]
    • Thử một lượng nhỏ lên da trước khi thoa lên da trên diện rộng để đảm bảo da có thể chịu được và không kích ứng. Nếu da kích ứng, bạn nên trao đổi với bác sĩ về lựa chọn khác.
    • Không thoa hydro peroxit lên da quá một lần mỗi ngày.
  5. Thoa sản phẩm dưỡng ẩm không dầu. Sau khi hydro peroxit thấm vào da, bạn nên nhẹ nhàng thoa dưỡng ẩm chất lượng cao, không dầu cho da. Một trong những cơ chế trị mụn trứng cá của hydro peroxit là làm khô dầu thừa trên da. Sản phẩm dưỡng ẩm giúp đảm bảo da không bị khô hoàn toàn và giữ cho da mềm mịn.[3]

Giảm mụn trứng cá bằng sản phẩm tự nhiên[sửa]

  1. Thử dùng benzoyl peroxit hoặc axit salicylic. Benzoyl peroxit giống với hydro peroxit ở chỗ có thể hoạt động như chất kháng khuẩn và làm khô dầu thừa trên da.[4] Axit salicylic giúp giảm viêm và giảm bít lỗ chân lông, từ đó giúp giảm hoặc loại bỏ mụn. [5] Cả benzoyl peroxit và axit salicylic đều là thành phần hoạt chất chính trong các sản phẩm chăm sóc da dạng thoa tại chỗ như kem và lotion hoặc sản phẩm rửa mặt thiết kế chuyên biệt cho da mụn trứng cá. Bạn có thể tìm mua nhiều loại ở dạng không kê đơn tại hiệu thuốc.[6]
    • Có thể mất khoảng 6-8 tuần thì phương pháp điều trị mới cho thấy kết quả nên bạn cần kiên nhẫn. Nếu không nhận thấy sự thay đổi sau 10 tuần, bạn nên cân nhắc sử dụng sản phẩm khác.
  2. Chăm sóc da bằng nước cốt chanh. Nước cốt chanh hoạt động như một chất kháng khuẩn và tẩy tế bào chết. Không những tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trứng cá, nước cốt chanh còn giúp loại bỏ dầu thừa và da chết trên mặt. Ngoài ra, nước cốt chanh còn hoạt động như một chất tẩy tự nhiên giúp dần làm sáng sẹo do mụn trứng cá. Sau khi rửa mặt như bình thường, bạn có thể dùng miếng bông tẩy trang hoặc bông gòn thoa 1-2 thìa cà phê nước cốt chanh lên vùng da bị mụn hoặc sẹo. Để nước cốt thấm vào da khoảng 30 phút. Nếu thực hiện cách này trước khi đi ngủ, bạn có thể để nước cốt chanh khô qua đêm. Nếu áp dụng phương pháp này ban ngày, bạn có thể rửa sạch nước cốt chanh bằng nước lạnh.[7] Nên thoa sản phẩm dưỡng ẩm hàng ngày sau khi da mặt khô.
    • Nên cẩn thận vì nước cốt chanh có thể gây rát khi thoa lên vùng da có vết thương hở.
    • Nước cốt chanh có hiệu quả làm sáng màu da, vì vậy bạn không nên dùng nước cốt chanh nếu da sậm màu tự nhiên.
  3. Sử dụng dầu tràm trà. Tinh dầu tràm trà là nguyên liệu tự nhiên hoạt động như chất kháng khuẩn giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trứng cá. Không những vậy, tinh dầu còn dịu nhẹ cho da so với các phương pháp điều trị có tính axit. Bạn có thể dùng tinh dầu tràm trà tinh khiết 100% để thoa lên mụn sau khi rửa mặt sạch; hoặc có thể kết hợp với gel lô hội hoặc mật ong để tạo thành kem để thoa lên vết mụn trứng cá.[8]
    • Tự pha chế hỗn hợp tẩy tế bào chết cho da mặt bằng cách trộn đều 1/2 cốc đường, 1 thìa mật ong, 1/4 cốc dầu ôliu hoặc dầu mè với 10 giọt tinh dầu tràm trà. Sau đó, thoa hỗn hợp lên da và chà nhẹ khoảng 3 phút để tẩy da chết. Cuối cùng, rửa mặt lại bằng nước ấm.
    • Đối với một số trường hợp mụn trứng cá, tinh dầu tràm trà có thể kích ứng nên cần thử trên một vùng da nhỏ trước khi dùng. Ngưng dùng nếu tinh dầu gây kích ứng đáng kể cho da.
  4. Tạo hỗn hợp muối nở. Muối nở là chất tẩy tế bào chết tự nhiên và không tốn kém. Bạn có thể pha muối nở với nước ấm để tạo thành hỗn hợp, sau đó thoa thành một lớp mặt nạ trên da rồi chờ khoảng 15 phút. Trước khi rửa sạch, bạn nên chà nhẹ lên da để giúp loại bỏ dầu thừa và tế bào da chết. Ngoài ra, có thể cho 1 thìa muối nở vào sản phẩm rửa mặt không tẩy da chết trước khi dùng để rửa mặt. Muối nở sẽ tăng thêm hiệu quả tẩy tế bào chết cho sản phẩm rửa mặt.[9]

Điều trị mụn trứng cá bằng phương pháp y tế[sửa]

  1. Tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc thoa tại chỗ. Bạn nên trao đổi với bác sĩ da liễu về tình trạng cụ thể và cùng bác sĩ lên phương án điều trị riêng cho trường hợp của mình. Có nhiều loại thuốc toa tại chỗ như kem, lotion, gel mà bác sĩ da liễu kê đơn có thể giúp giảm mụn trứng. Ví dụ như:[10]
    • Kháng sinh thoa tại chỗ mà bạn có thể thoa lên vết mụn trứng cá để kiểm soát vi khuẩn gây mụn.
    • Thuốc Retinoid thoa tại chỗ làm từ vitamin A và giúp giảm bít lỗ chân lông, giúp thuốc kháng sinh hoạt động hiệu quả hơn.
  2. Hỏi bác sĩ về thuốc kháng sinh dạng uống. Thuốc uống kháng sinh (dạng viên) là phương pháp hữu hiệu có thể được bác sĩ tư vấn và kê đơn để trị mụn trứng cá. Thuốc kháng sinh trị mụn có thể giống với thuốc kháng sinh dùng trong trường hợp nhiễm trùng như nhiễm trùng bàng quang. Thuốc giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trứng cá.
    • Một số bác sĩ có thể cân nhắc kê đơn thuốc uống tránh thai (viên uống tránh thai) cho phụ nữ trẻ bị mụn trứng cá. Một số thuốc uống tránh thai liều thấp có chứa hormone estrogen kết hợp progestin có thể giúp kiểm soát và giảm mụn trứng cá trên da.[10]
  3. Hỏi bác sĩ về việc hút mụn. Bạn không nên tự nặn mụn trứng cá nhưng có thể để bác sĩ hút mụn. Hút mụn là phương pháp an toàn giúp làm sạch lỗ chân lông bị viêm nhiễm mà không làm tăng nguy cơ bị sẹo sau khi tự nặn mụn. Vì quá trình hút mụn tập trung vào các vết mụn cụ thể nên bạn có thể sẽ cần đến gặp bác sĩ nếu mụn mọc ở vị trí khác.[10]
    • Các spa chăm sóc da mụn trứng cá có thể tiến hành hút mụn và đây sẽ là lựa chọn tốt hơn thay vì tự nặn mụn. Tuy nhiên, bạn cần hỏi chuyên gia thẩm mỹ xem họ dùng loại sản phẩm nào cho da để đảm bảo không gây bít lỗ chân lông.
  4. Tìm hiểu về phương pháp đắp mặt nạ hóa học. Phương pháp này phải được chuyên gia đã qua đào tạo tiến hành. Chuyên gia sẽ dùng một dung dịch như axit salicylic, axit glycolic hoặc axit trichloroacetic (TCA) với độ đậm đặc cao cho da mặt (hoặc vị trí trên cơ thể bị mụn trứng cá). Sau khi loại bỏ lớp da trên cùng, dầu thừa và tế bào da chết cũng được loại bỏ để lỗ chân lông được thông thoáng.[10]
    • Người đang uống thuốc Retinoid (như Isotretinoin) không được áp dụng phương pháp đắp mặt nạ hóa học vì sự kết hợp của cả hai có thể khiến da kích ứng nghiêm trọng.
    • Đắp mặt nạ hóa học có thể cho thấy kết quả sau một lần nhưng có thể bạn sẽ cần được đắp mặt nạ nhiều hơn một lần để đạt hiệu quả kéo dài.
  5. Tiêm Cortisone. Cortisone là thuốc steroid kháng viêm có thể được tiêm trực tiếp vào vùng thương tổn do mụn trứng cá. Cortisone giúp giảm sưng do mụn trong vòng 24-48 tiếng sau khi tiêm. Vì được tiêm trực tiếp vào mụn nên đây chỉ là phương pháp điều trị từng vết mụn, không phải là giải pháp tổng thể và thường không dùng cho người bị mụn trứng cá nặng.[10]
  6. Hỏi bác sĩ về liệu pháp ánh sáng. Liệu pháp ánh sáng mang lại nhiều hứa hẹn cho người bị mụn trứng cá nhưng vẫn đang được tiến hành song song với nghiên cứu. Ý tưởng của liệu pháp ánh sáng đó là một số loại ánh sáng (ví dụ như ánh sáng xanh) có thể nhắm đến một loại vi khuẩn cụ thể gây mụn trứng cá và giúp giảm viêm lỗ chân lông. Hầu hết liệu pháp ánh sáng đều được chuyên gia tiến hành tại phòng khám. Mặt khác, cũng có một số giải pháp có thể áp dụng tại nhà.[10]
    • Tương tự, nhiều phương pháp laser đã được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và giảm sẹo mụn.
  7. Trao đổi với bác sĩ da liễu về thuốc uống Retinoid. Isotretinoin (một loại thuốc uống Retinoid) có thể giúp giảm lượng bã nhờn mà lỗ chân lông sản sinh, từ đó giảm viêm và giảm mụn trứng cá.[11] Tuy nhiên, Isotretinoin (hay Accutane) thường chỉ được các bác sĩ dùng làm phương pháp điều trị cuối cùng trong trường hợp mụn trứng cá nặng và khi các phương pháp khác không hiệu quả. Nếu được kê đơn, thuốc Isotretinoin chỉ được uống trong vòng 4-5 tháng.[12]
    • Isotretinoin có thể gây một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Thuốc có thể làm tăng lượng mỡ trong máu lên mức nguy hiểm và ảnh hưởng đến chức năng gan. Thuốc còn có thể gây khô da nghiêm trọng, đặc biệt là ở môi và vị trí bị mụn trứng cá. Bác sĩ sẽ xét nghiệm máu cho bạn thường xuyên để theo dõi tác dụng phụ tiềm ẩn.
    • Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của Isotretinoin là gây dị tật bẩm sinh. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang có ý định mang thai không nên sử dụng Isotretinoin. Nếu quan hệ tình dục trong thời gian sử dụng Isotretinoin, bạn phải bảo vệ bản thân ít nhất bằng hai biện pháp tránh thai để đảm bảo không thụ thai. [12]

Lời khuyên[sửa]

  • Nghiên cứu khoa học chưa phát hiện ra nguyên nhân chính xác gây mụn và mụn trứng cá nhưng các nhà khoa học cho rằng mụn có thể liên quan đến hormone, yếu tố di truyền và tình trạng căng thẳng. Thực tế, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy thực phẩm bạn ăn gây ra mụn trứng cá. [13]
  • Bên cạnh đặc tính kháng khuẩn, hydro peroxit còn giúp làm sạch da bằng cách loại bỏ lớp da chết và dầu thừa trên bề mặt lỗ chân lông bị bít.

Cảnh báo[sửa]

  • Không phải da ai cũng phản ứng giống nhau với hydro peroxit. Nếu gặp tác dụng phụ gây khó chịu khi thoa hydro peroxit (hay bất kỳ hóa chất nào khác), bạn nên ngừng sử dụng ngay và tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Nếu đi khám bác sĩ da liễu, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn trước khi áp dụng các phương pháp khác chưa được khuyến nghị.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây