Điều trị nhiễm khuẩn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trong cơ thể có hàng nghìn vi khuẩn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe. Nhiễm khuẩn có thể xảy ra khi những vi khuẩn này sinh sản mất kiểm soát và xâm nhập vào các bộ phận khác trên cơ thể hoặc khi vi khuẩn gây hại xâm nhập vào cơ thể. Nhiễm khuẩn có thể ở mức độ nhẹ đến nghiêm trọng. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách phát hiện cũng như điều trị nhiễm khuẩn.

Các bước[sửa]

Tiếp nhận điều trị y tế[sửa]

  1. Nhận biết triệu chứng. Những triệu chứng sau có thể là triệu chứng nhiễm khuẩn và bạn cần đi khám bác sĩ để được điều trị.[1]
    • Sốt, đặc biệt là đi kèm đau đầu, đau cổ hoặc đau ngực dữ dội
    • Khó thở hoặc đau ở ngực
    • Ho kéo dài hơn một tuần
    • Phát ban hoặc sưng không khỏi
    • Đau ở đường tiết niệu (có thể là đau khi đi tiểu, đau lưng dưới hoặc bụng dưới)
    • Vết thương đau, sưng, ấm, chảy mủ hoặc có vằn đỏ
  2. Đi khám bác sĩ. Cách chắc chắn nhất để xác định loại nhiễm khuẩn đó là đi khám bác sĩ. Nếu nghi ngờ bị nhiễm khuẩn, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm máu, xét nghiệm phân hoặc xét nghiệm dùng tăm bông lấy mẫu ở vùng bị nhiễm khuẩn để xác định loại nhiễm khuẩn bạn mắc phải.
    • Nên nhớ rằng nhiễm khuẩn chỉ nên được bác sĩ chẩn đoán. Nếu nghi ngờ bản thân bị nhiễm khuẩn, bạn cần lưu ý đến triệu chứng và đi khám bác sĩ để được điều trị càng sớm càng tốt.
  3. Hỏi bác sĩ về các loại kháng sinh khác nhau. Cách này giúp bạn dễ hiểu hơn về đơn thuốc mà bác sĩ kê đơn.
    • Kháng sinh phổ rộng giúp chống lại nhiều loại vi khuẩn. Thuốc kháng sinh phổ rộng điều trị vi khuẩn Gram âm và dương nên bác sĩ có thể kê đơn một trong các thuốc kháng sinh phổ rộng nếu chưa chắc chắn về loại khuẩn bạn mắc phải.
      • Amoxicillin, Augmentin, Tetracycline và Ciprofloxacin là một số ví dụ của thuốc kháng sinh phổ rộng.
    • Kháng sinh phổ vừa nhắm đến một nhóm vi khuẩn. Penicillin và Bacitracin là những thuốc kháng sinh phổ vừa phổ biến.
    • Kháng sinh phổ hẹp dùng để điều trị một loại vi khuẩn cụ thể. Nhóm thuốc Polymyxin nằm trong nhóm kháng sinh phổ hẹp. Việc điều trị sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều khi bác sĩ biết chắc chắn loại nhiễm khuẩn bạn mắc phải.[2]
  4. Tuân thủ hướng dẫn điều trị nhiễm khuẩn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ chọn ra loại kháng sinh hiệu quả nhất để chống lại loại vi khuẩn cụ thể gây ra bệnh nhiễm khuẩn cho bạn. Nên nhớ rằng có rất nhiều loại thuốc kháng sinh khác nhau và chỉ có bác sĩ mới có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho bạn.
    • Phải đảm bảo rằng bạn biết chính xác mình cần uống bao nhiêu thuốc kháng sinh và uống vào lúc nào. Một số thuốc kháng sinh cần uống khi ăn, một số thuốc cần uống vào buổi tối,… Bạn nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ nếu không hiểu hướng dẫn về liều uống kháng sinh.
  5. Uống đủ liều kháng sinh được kê đơn. Bệnh nhiễm khuẩn có thể trở nặng nếu bạn uống không hết liều. Ngoài ra, cơ thể có thể trở nên kháng kháng sinh, dẫn đến khó điều trị các bệnh nhiễm khuẩn khác.
    • Ngay cả khi đã thấy khỏe hơn, bạn vẫn cần uống hết kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh còn sót lại trong cơ thể. Ngừng uống thuốc quá sớm sẽ không chữa khỏi hoàn toàn được bệnh.[3]

Vệ sinh vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn[sửa]

  1. Ngăn ngừa nhiễm trùng da bằng cách vệ sinh đúng cách và quấn băng quanh vết thương ngay lập tức. Bước sơ cứu rất quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiễm khuẩn nhưng đối với vết thương nông nhưng nghiêm trọng, bạn cũng không nên cố gắng tự điều trị. Nếu vết thương sâu, rộng hoặc chảy nhiều máu, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.[4]
  2. Rửa tay trước khi điều trị vết thương. Tay bẩn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn khi sơ cứu vết thương. Bạn nên rửa tay với nước ấm và xà phòng kháng khuẩn khoảng 20 giây và lau khô. Nếu có thể, bạn nên đeo găng tay cao su thiên nhiên hoặc găng tay y tế sạch.[4]
    • Tránh dùng găng tay cao su thiên nhiên nếu bị dị ứng.
  3. Liên tục ấn chặt vết thương cho đến khi máu ngừng chảy. Nếu xuất huyết nghiêm trọng, bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức. Không tự ý điều trị vết thương nghiêm trọng mà nên đi cấp cứu hoặc gọi cấp cứu 115. [4]
  4. Vệ sinh vết thương dưới vòi nước ấm đang chảy. Đặt vết thương dưới dòng nước ấm đang chảy nhẹ để rửa sạch. Không dùng xà phòng để rửa vết thương trừ khi vết thương dính bẩn và chỉ nên dùng xà phòng dịu nhẹ để rửa vết bẩn quanh vết thương. Ngoài ra, không được dùng oxi già để rửa vết thương. Oxi già có thể ảnh hưởng đến quá trình lành lại của vết thương.[4]
    • Nếu trong vết thương có mảnh vỡ, bạn có thể dùng nhíp đã khử trùng bằng cồn để gắp mảnh vỡ ra. Hoặc bạn có thể đến gặp bác sĩ nếu cảm thấy không thể tự làm được.
  5. Thoa thuốc mỡ. Thuốc mỡ kháng sinh như Neosporin có thể giúp vết thương lành nhanh hơn và ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Bạn nên nhẹ nhàng thoa thuốc mỡ lên vết thương sau khi đã rửa sạch.
  6. Băng vết thương. Nếu vết thương nhỏ, bạn có thể không cần băng lại. Nếu vết thương sâu, nên dùng gạc đã khử trùng để quấn lại.[4] Mặc dù dùng băng cá nhân lớn cũng được nhưng dùng băng gạc không dính và băng dính y tế là cách tốt nhất để băng vết thương rộng. Nên nhớ không được đặt phần dính của băng lên vết thương vì có thể khiến vết thương hở ra khi gỡ băng.
    • Thay gạc mỗi ngày nếu gạc bẩn. Thời điểm tốt nhất để thay băng gạc là khi tắm.
  7. Cẩn thận với dấu hiệu nhiễm trùng. Đi khám bác sĩ ngay nếu vết thương đỏ, sưng, chảy mủ, nổi vằn đỏ hoặc trông trở nặng hơn.[4]

Ngăn ngừa nhiễm khuẩn từ thực phẩm[sửa]

  1. Giữ tay sạch. Trước khi xử lý thức ăn, bạn nên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn và nước trong vòng 20 giây. Dùng khăn khô, sạch để lau khô tay. Phải rửa tay sạch sau khi xử lý thịt sống để tránh nhiễm khuẩn chéo với các loại thực phẩm hoặc bề mặt khác.[5]
  2. Rửa sạch thực phẩm. Rửa rau củ quả sống trước khi ăn. Ngay cả thực phẩm hữu cơ cũng cần được rửa sạch. Dùng chất tẩy rửa kháng khuẩn để rửa sạch bề mặt tiếp xúc với thực phẩm sống để tiêu diệt vi khuẩn gây hại tiềm ẩn. [6]
    • Dùng thớt riêng cho từng loại thực phẩm. Dùng riêng thớt để cắt rau củ quả với thớt cắt thịt sống để tránh nhiễm khuẩn chéo.[7]
  3. Nấu chín thức ăn. Tuân thủ hướng dẫn chế biến thực phẩm sống để đảm bảo chế biến đúng cách. Dùng nhiệt kế đo nhiệt độ thịt để đảm bảo chế biến thịt chín đúng nhiệt độ.[8]

Ngăn ngừa nhiễm khuẩn lây lan[sửa]

  1. Rửa tay sạch.[9] Rửa tay kỹ và thường xuyên (đặc biệt là sau khi chạm vào mặt, mũi, miệng nếu đang bị bệnh, sau khi chạm vào người bệnh, hoặc sau khi thay tã cho trẻ) có thể giúp giảm đáng kể lượng vi khuẩn mà bạn tiếp xúc.
    • Rửa tay với xà phòng và nước ấm (hoặc hơi nóng) ít nhất 20 giây. Nên rửa sạch các kẽ tay và dưới móng tay. Sau đó rửa tay lại bằng nước sạch.[10]
  2. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi giúp tránh lây bệnh cho người khác. Cách này giúp ngăn vi khuẩn bay khắp nơi và lây lan trong không khí.
    • Rửa tay sau khi ho hoặc hắt hơi vào bàn tay trước khi chạm vào người khác hoặc bề mặt nơi công cộng như tay nắm cửa hoặc công tắc đèn.
    • Ngoài ra, bạn có thể dùng khuỷu tay (bên trong khuỷu tay) để che miệng hoặc mũi. Như vậy, bạn vừa có thể hạn chế vi khuẩn lây lan, vừa không cần phải rửa tay cứ mỗi hai phút khi bị bệnh.
  3. Ở nhà khi bị bệnh. Bạn có thể hạn chế lây lan vi khuẩn bằng cách tránh xa người khác khi bị bệnh.[9] Nếu có thể, bạn nên nghỉ làm ở nhà và làm việc từ xa (sử dụng mạng) nếu cần thiết.
  4. Cho trẻ ở nhà nếu trẻ bị bệnh.[9] Trường mẫu giáo và nhà giữ trẻ thường mang nhiều mầm bệnh truyền nhiễm. Nhiễm trùng dễ lây từ trẻ này sang trẻ khác, khiến trẻ mang bệnh và khiến các bậc phụ huynh phải phiền lòng. Để tránh lây bệnh, bạn nên cho trẻ ở nhà khi trẻ bị bệnh. Khi được chăm sóc ở nhà, trẻ sẽ chóng khỏe hơn và vừa ngăn ngừa lây bệnh cho các trẻ khác.
  5. Tiêm vắc-xin. Phải đảm bảo bạn và con bạn được tiêm đầy đủ các loại vắc-xin được khuyến nghị dựa trên độ tuổi và vùng địa lý. Vắc-xin giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn và bệnh tật. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. [9]

Hiểu về các bệnh nhiễm khuẩn thông thường[sửa]

  1. Hiểu về bệnh nhiễm tụ cầu khuẩn. Tụ cầu khuẩn (Staphylococci, hay “staph” là cầu khuẩn gram dương trong cụm (tụ). Từ “gram” trong từ gram dương là nói đến họa tiết của vi khuẩn khi được quan sát dưới kính hiển vi. Từ “cầu khuẩn” là nói đến hình dạng khi quan sát dưới kính hiển vi. Loại vi khuẩn này thường xâm nhập vào cơ thể thông qua vết cắt hoặc vết thương. [11]
    • Tụ cầu khuẩn vàng (Staph aureus) là loại nhiễm tụ cầu khuẩn phổ biến nhất. Tụ cầu khuẩn vàng gây ra viêm phổi, ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu hoặc hội chứng sốc độc tố.
    • MRSA (tụ cầu khuẩn vàng kháng methicillin) là loại nhiễm tụ cầu khuẩn khó điều trị. MRSA không phản ứng với một số thuốc kháng sinh và được cho là chủng khuẩn được phát triển để đáp ứng thuốc kháng sinh. Do đó, bác sĩ sẽ không kê đơn thuốc kháng sinh nếu không cần thiết.[12]
  2. Tìm hiểu về bệnh nhiễm liên cầu khuẩn. Streptococci hay "strep" là cầu khuẩn gram dương theo chuỗi và là loại vi khuẩn phổ biến. Streptococci gây viêm họng liên cầu khuẩn, viêm phổi, viêm mô tế bào, chốc lở, ban đỏ, sốt thấp khớp, viêm cầu thận cấp tính, viêm màng não, viêm tai giữa, viêm xoang và nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác.[13][14]
  3. Tìm hiểu về khuẩn Escherichia coli. E. coli hay Escherichia coli là khuẩn gram âm hình que có trong chất thải động vật và chất thải của người. Có một nhóm vi khuẩn E. coli lớn và đa dạng. Một số chủng có hại, trong khi hầu hết các chủng khác vô hại. E. coli có thể gây tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng đường hô hấp và các bệnh nhiễm trùng khác.[15]
  4. Hiểu về bệnh nhiễm khuẩn Salmonella. Salmonella vi khuẩn gram âm hình que có thể gây rối loạn đường tiêu hóa. Salmonella có thể gây bệnh nghiêm trọng và bệnh cần được điều trị bằng kháng sinh trong thời gian dài. Thịt gia cầm, thịt và trứng sống hoặc chế biến chưa kỹ có thể mang khuẩn Salmonella.[16]
  5. Hiểu về bệnh cúm Haemophilus. Haemophilus influenzae vi khuẩn gram âm hình que, lây truyền qua không khí nên rất dễ lây. Vi khuẩn có thể gây viêm nắp thanh quản, viêm màng não, viêm tai giữa và viêm phổi. Vi khuẩn này có thể gây nhiễm khuẩn nghiêm trọng dẫn đến tàn tật suốt đời, thậm chí là tử vong. [17][18]
    • “Vắc-xin ngừa cúm” thông thường thường ngừa cúm do vi-rút và không ngừa được vi khuẩn Haemophilus influenzae. Mặc dù vậy, hầu hết trẻ nhỏ đều được tiêm vắc-xin ngừa Haemophilus influenza vào những năm đầu đời (vắc-xin có tên là “Hib”).

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu dị ứng với một loại kháng sinh cụ thể, bạn nên mang theo vòng tay hoặc danh thiếp ghi rõ tình trạng dị ứng để đề phòng trường hợp không thể cung cấp thông tin trong trường hợp khẩn cấp.
  • Dùng gel cồn kháng khuẩn nếu không thể rửa tay ngay. Tuy nhiên, không nên dùng gel kháng khuẩn để thay thế xà phòng rửa tay.
  • Rửa tay sạch và tránh tiếp xúc thân thể hết mức có thể nếu phải thường xuyên tiếp xúc với người mang bệnh nhiễm khuẩn.

Cảnh báo[sửa]

  • Cẩn thận với dấu hiệu của phản ứng dị ứng khi uống thuốc kháng sinh. Phản ứng dị ứng có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, với bất kỳ loại kháng sinh nào. Dấu hiệu phản ứng dị ứng gồm có phát ban (đặc biệt là mề đay và sưng) và thở gấp. Đi khám bác sĩ ngay nếu nghi ngờ có phản ứng dị ứng và ngừng uống kháng sinh.
  • Trẻ dưới 1 tuổi uống kháng sinh phổ rộng có nguy cơ cao bị hen suyễn. Mặc dù vậy, nếu bác sĩ kê thuốc kháng sinh phổ rộng cho trẻ, bạn cần biết rằng đó có thể là do lợi ích của thuốc mang lại nhiều hơn là gây hại. Thuốc kháng sinh phổ rộng có thể là lựa chọn duy nhất để chống lại nhiễm khuẩn. [19]
  • Người trưởng thành uống kháng sinh phổ rộng có thể trở nên kháng thuốc kháng sinh phổ hẹp.[19]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]