Alexandre de Rhodes
Bản mẫu:Thông tin nhân vật Alexandre de Rhodes (A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ) (15 tháng 3, 1591 – 5 tháng 11, 1660) là một nhà truyền giáo dòng Tên người Avignon và một nhà ngôn ngữ học. Ông đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ quốc ngữ hiện đại bằng mẫu tự La tinh.
Mục lục
Tiểu sử[sửa]
Ông sinh tại Avignon. Theo một số sử liệu, linh mục Alexandre de Rhodes, sinh năm 1591, nhưng nhiều nguồn khác ông sinh năm 1593. Ông ra gia nhập dòng Tên tại Roma ngày 24 tháng 4 năm 1612, đó là thời kỳ công cuộc truyền giáo cho các dân tộc đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, cùng với đà tiến này, Giáo Hội Công Giáo cũng gặp sức kháng cự vũ bão của chính quyền các dân tộc được rao giảng Tin Mừng. Vì thế, bên cạnh nhiệt tâm truyền giáo, còn phải kể ước muốn được đổ máu đào minh chứng cho Chúa Jesus của các vị thừa sai tiên khởi.
Truyền giáo[sửa]
Trong bối cảnh đó, cha Alexandre de Rhodes đã xin và được Bề Trên chỉ định đi truyền giáo tại Nhật Bản. Ngày 4 tháng 4 1619, ông lên đường vào tuổi 26, cùng với kiến thức sâu rộng về thiên văn học và toán học. Cha Alexandre là một người cường tráng, vui vẻ và lạc quan, luôn nhìn khía cạnh tích cực của vấn đề. Ông thích nghi nhanh chóng với mọi môi trường sống và cư xử giản dị trong giao tế với người khác.
Đầu tiên, cha Alexandre de Rhodes cập bến tại Goa, đợi chờ cơ hội thuận tiện đặt chân lên đất Nhật Bản. Nhưng tình hình bách hại Kitô Giáo dữ dội tại đây đã khiến các Bề Trên buộc lòng chỉ định ông đi Trung Quốc. Ông lên tàu đi Ma Cao, ở đó ông đã ghi lại những nhận xét về người Trung Hoa:
- Người Trung Hoa rất ngạc nhiên khi nhìn thấy bản đồ chúng tôi vẽ. Trung Quốc vĩ đại của họ chỉ còn là chấm nhỏ trong vũ trụ trái đất bao la. Trái lại, nơi bản đồ trái đất hình vuông do họ vẽ, Trung Quốc nằm chính giữa, đúng như tên gọi. Sau đó, họ vẽ biển nằm bên dưới Trung Quốc, trong đó rải rác mấy đảo nhỏ, và họ đề tên: Châu Âu, Châu Phi và Nhật Bản...
Ông còn viết:
- Chúng ta thường tỏ ra quý chuộng những người ngoại giáo. Nhưng khi họ trở thành Kitô hữu, chúng ta không đoái hoài đến họ nữa. Thậm chí còn bắt các người theo đạo phải từ bỏ y phục địa phương. Chúng ta đâu biết rằng, đây là một đòi buộc quá khắt khe, mà ngay cả Thiên Chúa, Ngài cũng không đòi hỏi như thế. Chúng ta ngăn cản người ngoại giáo, không cho họ cơ hội dễ dàng gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Riêng tôi, tôi cực lực phản đối những ai muốn bắt buộc người đàn ông Trung Hoa, khi theo đạo, phải cắt bỏ mái tóc dài họ vẫn để, y như các phụ nữ trong xứ. Làm vậy, chúng ta gây thêm khó khăn cho các nam tín hữu Trung Hoa, một khi theo đạo Công Giáo, không còn tự do đi lại trong xứ, hoặc tìm được dễ dàng công ăn việc làm. Phần tôi, tôi xin giải thích rằng, điều kiện để trở thành Kitô hữu là phải từ bỏ lầm lạc, chứ không phải cắt bỏ tóc dài...
Tại Việt Nam[sửa]
Đầu năm 1625, cha Alexandre cùng với bốn cha dòng Tên khác và một tín hữu Nhật Bản, cập bến Hội An, gần Đà Nẵng. Ông bắt đầu học tiếng Việt và chọn tên Việt là Đắc-Lộ. Thầy dạy tiếng Việt cho ông là một cậu bé khoảng 10, 12 tuổi. Ông viết:
- Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ Châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc học viết tiếng La Tinh và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé. Sau đó, cậu trở thành thày giảng giúp việc các cha truyền giáo và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của thày và nơi vương quốc Lào láng giềng.
Từ đó, Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của cha Alexandre de Rhodes, nhưng cuộc đời truyền giáo của ông ở đây rất bấp bênh và trôi nổi. Trong vòng 20 năm, ông bị trục xuất đến sáu lần. Nhưng sau cả sáu lần ấy, ông đều tìm cách trở lại Việt Nam khi cơ hội cho phép.
Ông đến truyền giáo ở Đàng Trong vào năm 1625 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên và ở Đàng Ngoài vào năm 1626 dưới thời chúa Trịnh Tráng. Thời gian cha Alexandre de Rhodes giảng đạo tại Việt Nam cũng là thời kỳ các cha thừa sai dòng Tên hoạt động rất hăng say và hữu hiệu. Riêng cha Alexandre de Rhodes, ông đã truyền đạo từ Nam ra Bắc.
Ông kể lại công cuộc truyền giáo tại Bắc Phần:
- Khi chúng tôi vừa đến kinh đô Bắc Kỳ, tức khắc nhà vua truyền lệnh cho tôi phải xây một nhà ở và một nhà thờ thật đẹp. Dân chúng tuốn đến nghe tôi giảng đạo đông đến nỗi, tôi phải giảng đến 4 hoặc 6 lần trong một ngày. Chị vua và 17 người thân trong gia đình vua xin lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Nhiều tướng lãnh và binh sĩ cũng xin theo đạo. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là thấy các vị sư đã mau mắn từ bỏ bụt thần để theo đạo Công Giáo. Tất cả đều dễ dàng chấp nhận khi tôi giải thích cho họ hiểu giáo lý đạo Công Giáo rất phù hợp với lý trí và lương tâm con người. Các tín hữu Công Giáo Việt Nam có Đức Tin vững chắc đến độ, không gì có thể rút Đức Tin ra khỏi lòng họ. Nhiều người phải đi bộ suốt 15 ngày đường để được xưng tội hoặc tham dự thánh lễ. Nhưng phải thành thật mà nói, tôi không thể chu toàn cách tốt đẹp mọi công tác truyền đạo này, nếu không có trợ giúp tuyệt vời của các thầy giảng. Vì nhận thấy mình là linh mục duy nhất giữa một cánh đồng truyền đạo bao la, nên tôi chọn trong số các tín hữu, những thanh niên không lập gia đình và có lòng đạo đức sâu xa cũng như có nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng, để giúp tôi. Những người này công khai thề hứa sẽ dâng hiến cuộc đời để phụng sự Chúa, phục vụ Giáo Hội, sẽ không lập gia đình và sẽ vâng lời các cha thừa sai đến Việt Nam truyền đạo. Hiện tại có tất cả 100 thày giảng đang được thụ huấn trong chủng viện và được các tín hữu trang trải mọi phí tổn.
Năm 1645, ông bị Chúa Nguyễn vĩnh viễn trục xuất khỏi Việt Nam. Khi trở lại châu Âu, Alexandre de Rhodes vận dụng mọi khả năng hiểu biết về công cuộc rao giảng Tin Mừng tại Á Châu, đã xin Tòa Thánh gửi các giám mục truyền giáo đến Á Châu, để các ngài có thể truyền chức linh mục cho các thày giảng bản xứ.
Ông mất ngày 5 tháng 11, 1660 ở Ispahan, Ba Tư, 15 năm sau lần cuối cùng bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Khai sinh chữ quốc ngữ[sửa]
Vào năm 1651 ông cho in một từ điển gọi là Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ Điển Việt-Bồ-La) dựa trên cách ký tự tiếng Việt của những giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý, làm căn bản cho chữ quốc ngữ được dùng trong tiếng Việt bây giờ. Có thể coi đó là sự kiện đánh dấu sự ra đời của chữ quốc ngữ.
Năm 1961, nhân dịp kỉ niệm 300 năm ngày qua đời của cha Alexandre de Rhodes, nguyệt san MISSI, do các cha Dòng Tên người Pháp điều khiển, đã dành trọn số tháng 5 để tưởng niệm và ca tụng Cha Đắc-Lộ, một nhà truyền giáo vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ nói chung và của Giáo Hội Công giáo Việt Nam nói riêng. Nguyệt san MISSI nói về công trình khai sinh chữ Quốc ngữ với tựa đề: "Khi cho Việt Nam các mẫu tự La Tinh, cha Alexandre de Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ"
Tiếp đến, tờ MISSI viết:
- ... Khi chính thức xác định mẫu tự, bằng cách cho ra đời tại Roma nơi nhà in Vatican, quyển tự điển đầu tiên và các sách đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, cha Alexandre de Rhodes đã giải phóng nước Việt Nam.
- ... Thật vậy, giống như Nhật Bản và Triều Tiên, người Việt Nam luôn luôn sử dụng chữ viết của người Tàu và bị nô lệ vì chữ viết này. Chỉ mới cách đây không lâu, người Triều Tiên mới chế biến ra một chữ viết riêng của họ. Còn người Nhật thì, sau nhiều lần thử nghiệm, đã phải bó tay và đành trở về với lối viết tượng hình biểu ý của người Tàu.
- ... Trong khi đó, người Tàu của Mao Trạch Đông đang tìm cách dùng các mẫu tự La Tinh để chế biến ra chữ viết của mình, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Vậy mà dân tộc Việt Nam, nhờ công ơn của cha Alexandre de Rhodes Đắc-Lộ, đã tiến bộ trước người Tàu đến 3 thế kỷ.
- ... Dĩ nhiên, không phải chỉ riêng mình cha Đắc-Lộ khởi xướng ra chữ Quốc ngữ. Trước đó, các cha thừa sai dòng Tên người Bồ Đào Nha ở Macao đã nghĩ ra một số phát âm tiếng Việt, viết bằng các mẫu tự La Tinh rồi. Tuy nhiên, cha Đắc-Lộ là người đưa công trình chế biến chữ Quốc ngữ đến chỗ kết thúc vĩnh viễn và thành công, ngay từ năm 1651, là năm cuốn tự điển Việt-Bồ-La, chào đời. Đây cũng là năm sinh chính thức của chữ Quốc ngữ. Và cuộc khai sinh diễn ra tại Roma, nơi nhà in Vatican. Chính nơi nhà in Vatican mà Việt Nam nhận được chữ viết của mình.
- ... Đã từ lâu đời, người Việt Nam viết bằng chữ Tàu, hoặc bằng chữ Nôm, do họ sáng chế ra. Nhưng đa số người Việt Nam không thể đọc và viết được chữ Tàu, vì theo lời cha Đắc-Lộ, Tàu có đến 80 ngàn chữ viết khác nhau. Các nhà truyền giáo đầu tiên khi đến Việt Nam, đã bắt đầu dùng mẫu tự La Tinh để viết lại âm giọng mà họ nghe được từ tiếng Việt. Khi cha Đắc-Lộ đến Việt Nam, đã có một số phát âm tiếng Việt được viết bằng chữ La Tinh rồi. Vì thế, có thể nói rằng, công trình sáng tạo ra chữ Quốc ngữ trước tiên là một công trình chung của các nhà thừa sai tại Việt Nam. Nhưng khi chính thức in ra công trình khảo cứu chữ viết tiếng Việt của mình, là cùng lúc, cha Đắc-Lộ đã khai sinh ra chữ viết này, ban đầu được các nhà truyền giáo sử dụng, sau đó, được toàn thể dân Việt-Nam dùng và biến nó thành chữ quốc ngữ. Tất cả các nước thuộc miền Viễn Đông từ đó ước ao được có chữ viết cho quốc gia mình y như chữ Quốc ngữ này vậy.
Còn Alexandre de Rhodes thì viết:
- Khi tôi vừa đến Nam Kỳ và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế. Thêm vào đó, tôi thấy hai cha Emmanuel Fernandez và Buzomi, khi giảng, phải có người thông dịch lại. Chỉ có cha Francois Pina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai cha Fernandez và Buzomi. Do đó tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học môn thần học ở Roma. Và nhờ ơn Chúa giúp, chỉ trong vòng 4 tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội và sau 6 tháng, tôi có thể giảng được bằng tiếng Việt. Kết quả các bài giảng bằng tiếng Việt lợi ích nhiều hơn các bài giảng phải có người thông dịch lại
Tranh cãi về vai trò của Alexandre de Rhodes trong việc hình thành chữ Quốc ngữ[sửa]
Tưởng niệm[sửa]
Năm 1943, chính quyền thuộc địa Đông Dương phát hành một con tem 30 xu để tôn vinh những đóng góp của ông trong quá trình phát triển tiếng Việt. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng phát hành một bộ tem 4 con kỷ niệm 300 năm ngày mất của ông, nhưng ra trễ 1 năm (phát hành ngày 5 tháng 11 năm 1961). Tên ông được đặt cho một trường trung học và một con đường ở thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay vẫn còn tượng ông đặt tại Viện Ngôn ngữ học Việt Nam để tưởng nhớ tới công lao và những đóng góp của ông trong việc phát triển chữ quốc ngữ.
Liên kết ngoài[sửa]
- Giáo sĩ Đắc-Lộ
- Giáo sĩ Bồ Đào Nha và chữ Quốc Ngữ BBC Việt ngữ
- Từ điển Việt-Bồ-La
- Trang sưu tầm tem A. de Rhodes có nhiều mẫu tem, của thời Pháp và Việt-Nam sau 1945.