Mao Trạch Đông

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Mao Trạch Đông
毛泽东
{{{caption}}}
Mao Trạch Đông
Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc
Nhiệm kỳ 20 tháng 3, 1943 – 9 tháng 9, 1976
Kế nhiệm Hoa Quốc Phong
Phó Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ
Lâm Bưu
Chu Ân Lai
Hoa Quốc Phong
Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Nhiệm kỳ 27 tháng 9, 1954 – 27 tháng 4, 1959
Kế nhiệm Lưu Thiếu Kỳ
Phó Chủ tịch Chu Đức
Chủ tịch Quân ủy Trung ương
Nhiệm kỳ 8 tháng 9, 1954 – 9 tháng 9, 1976
Kế nhiệm Hoa Quốc Phong
Chủ tịch Hiệp Chính
Nhiệm kỳ 1 tháng 10, 1949 – 25 tháng 12, 1976
Kế nhiệm Chu Ân Lai
Ủy viên Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc
Đại diện Khu vực Bắc Kinh (54 – 59; 64 – 76)
Đảng 20px Đảng Cộng sản
Sinh 26 tháng 12, 1893
Thiều Sơn, Tương Đàm, Hồ Nam, Đại Thanh Quốc
Mất 9 tháng 9, 1976 (82 tuổi)
Bắc Kinh, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Dân tộc Hán
Tôn giáo Không
Phu nhân La Thị (罗一秀)
Dương Khai Tuệ (杨开慧)
Hạ Tử Trân (贺子珍)
Giang Thanh (江青)
Con cái Mao Ngạn Anh (毛岸英)
Mao Ngạn Thanh (毛岸青)
Mao Ngạn Long
Lý Mẫn (李敏)
Lý Nạp (李讷)

(Trung văn phồn thể: 毛澤東; giản thể: 毛泽东; phanh âm: Máo Zédōng; 26 tháng 12 năm 1893 9 tháng 9 năm 1976), tự Nhuận Chi (潤之) [ban đầu là Vịnh Chi (詠芝), sau đổi là Nhuận Chi (潤芝, chữ "chi" 之 có thêm đầu chữ thảo 艹), bút danh: Tử Nhậm (子任) là Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1943 đến khi qua đời. Dưới sự lãnh đạo của ông, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giành thắng lợi trong cuộc nội chiến với Quốc Dân Đảng, lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) năm 1949 và trở thành đảng cầm quyền ở Trung Quốc.

Ông đã tạo ra một chủ nghĩa Mác-Lênin được Trung Quốc hóa có tên là chủ nghĩa Mao mà ngày nay ban lãnh đạo Trung Quốc gọi là tư tưởng Mao Trạch Đông (Những người theo chủ nghĩa này gọi là những người Mao-ít (Maoist), tương tự như Marxist, Leninist)

Mao Trạch Đông là người có công trong việc gần như thống nhất được Trung Quốc, đưa Trung Quốc thoát khỏi ách áp bức của ngoại quốc kể từ cuộc Chiến tranh Nha phiến cuối thế kỷ 19, mở đầu công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc, nhưng cũng bị phê phán về trách nhiệm của ông trong nạn đói 1959–1961 và những tai họa của Cách mạng văn hóa. Dưới thời ông, nông nghiệp Trung Quốc được tập thể hóa dưới hình thức công xã nhân dân. Chính sách Đại nhảy vọt trong kinh tế đã để lại những hậu quả tai hại. Mao Trạch Đông cũng là người phát động Đại Cách mạng văn hóa vô sản, thường gọi là Cách mạng văn hóa. Theo một số liệu thống kê[1], các chính sách sai lầm của Mao Trạch Đông đã trực tiếp hay gián tiếp gây ra cái chết cho khoảng 1 triệu người.[2]

Mao Trạch Đông thường được gọi một cách tôn kính tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Chủ tịch (毛主席). Vào thời đỉnh cao của sự sùng bái cá nhân, ông được tôn là người có bốn cái "vĩ đại": Người thầy vĩ đại, Lãnh tụ vĩ đại, Thống soái vĩ đại, Người cầm lái vĩ đại (伟大导师,伟大领袖,伟大统帅,伟大舵手 vĩ đại đạo sư, vĩ đại lãnh tụ, vĩ đại thống soái, vĩ đại đà thủ).

Theo một cuộc thăm dò dư luận quần chúng năm 1994 được phối hợp tiến hành bởi Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phòng Nghiên cứu chính trị Trung ương, Phòng Nghiên cứu chính sách Viện Khoa học Xã hội và Uỷ ban Giáo dục quốc gia, sai lầm của Mao được cho là lớn hơn công lao.[3]

Những năm đầu[sửa]

Là con út trong một gia đình trung nông, Mao Trạch Đông sinh giờ Thìn ngày 19 tháng 11 năm Quý Tị (năm Quang Tự thứ 19) theo âm lịch, tức 26 tháng 12 năm 1893 tại làng Thiều Sơn, huyện Tương Đàm (湘潭縣), tỉnh Hồ Nam. Dòng tộc của ông vào thời nhà Minh đã di cư từ tỉnh Giang Tây đến đây và nhiều đời làm nghề nông.

Trong cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911), lúc này Mao còn là một học sinh 18 tuổi, triều nhà Thanh bị lật đổ, Trung Quốc tuyên bố thành lập chế độ cộng hòa; người lãnh đạo Cách mạng không thành lập được một chính phủ thống nhất và vững vàng, dẫn đến cuộc nội chiến trong một thời gian dài. Khi đó Mao đang phục vụ trong quân đội tỉnh Hồ Nam. Sau đó Mao trở về trường học. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm số 1 tỉnh Hồ Nam vào năm 1918, Mao cùng với người thầy học và là cha vợ tương lai, giáo sư Dương Xương Tế (杨昌济), lên Bắc Kinh, nơi giáo sư Dương nhận một chân giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh. Nhờ sự giới thiệu của giáo sư Dương, Mao được vào làm nhân viên thư viện của trường đại học (thư viện do Lý Đại Chiêu phụ trách). Đồng thời Mao học tại chức tại Đại học Bắc Kinh, nghe nhiều học giả hàng đầu như Trần Độc Tú, Hồ Thích (胡適) và Tiền Huyền Đồng (錢玄同) giảng bài. Sau này Mao kết hôn với Dương Khai Tuệ, con gái giáo sư Dương và cũng là sinh viên Đại học Bắc Kinh. (Khi Mao 14 tuổi, bố ông đã sắp xếp cho ông lấy một cô gái cùng làng là La thị (羅氏), nhưng Mao không công nhận cuộc hôn nhân ép buộc này.)

Tập tin:Mao.jpg
Bức ảnh chân dung Chủ tịch Mao Trạch Đông

Sau phong trào Ngũ Tứ, Mao về Hồ Nam tổ chức đoàn thanh niên, ra hai tờ báo tuyên truyền cách mạng là Tương Giang bình luận Tân Hồ Nam. Hai tờ báo này bị đóng cửa và Mao bị trục xuất khỏi Hồ Nam. Năm 1920, Mao đã tham gia tiểu tổ cộng sản ở Trường Sa (Hồ Nam).

Ngày 23 tháng 7 năm 1921, Mao đã tham gia Đại hội lần thứ nhất thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Thượng Hải. Hai năm sau, tại Đại hội lần thứ ba (1923), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương của Đảng chỉ gồm 5 người. Tháng 1 năm 1924, theo chủ trương Quốc – Cộng hợp tác, Mao Trạch Đông tham dự Đại hội lần thứ nhất Quốc dân Đảng họp ở Quảng Châu và được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân Đảng. Sau đó ông lên đường đi Thượng Hải làm việc tại cơ quan Ban chấp hành Quốc dân Đảng, rồi sang năm sau lại về Quảng Châu làm quyền trưởng Ban tuyên truyền của Quốc dân Đảng, rồi kiêm thêm một chân trong Ủy ban vận động nông dân của đảng này. Lúc này ông đã bị Trần Độc Tú đẩy ra khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản tại Đại hội 4 họp vắng mặt ông vào tháng 1 năm 1925. Tại Đại hội lần thứ hai Quốc dân Đảng (tháng 1 năm 1926), ông lại được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Quốc dân Đảng và làm quyền Trưởng ban Tuyên truyền đến tháng 5 năm 1926.

Sau khi Tưởng Giới Thạch quay sang đàn áp Đảng Cộng sản, Mao Trạch Đông chủ trương đấu tranh vũ trang với Tưởng nhưng không được Trần Độc Tú chấp nhận và bị thất sủng. Mao Trạch Đông bèn lui về quê cho ra đời Báo cáo khảo sát phong trào nông dân Hồ Nam, tác phẩm quan trọng đầu tiên của chủ nghĩa Mao.

Chiến tranh và cách mạng[sửa]

Mao thoát được bạch sắc khủng bố vào năm 1927 và lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa Vụ gặt Mùa thu Trường Sa, Hồ Nam nhưng thất bại. Tàn quân du kích chưa đầy 1.000 người của Mao tìm nơi ẩn náu ở vùng núi Tỉnh Cương Sơn, nơi giáp giới giữa hai tỉnh Hồ Nam và Giang Tây. Năm 1928 đội quân này hợp nhất với quân của Chu Đức, lập ra Quân đoàn 4 công nông, do Chu Đức làm Quân đoàn trưởng. Mao đã góp phần xây dựng căn cứ, chính quyền và một quân đội tiến hành chiến tranh du kích có hiệu quả, thực hiện cải cách ruộng đất. Chính tại nơi đây từ 1931 đến 1934, nhà nước Cộng hòa Xô-viết Trung Hoa được lập ra và Mao được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Trung ương lâm thời. Vào thời kỳ này, Mao kết hôn với Hạ Tử Trân, sau khi Dương Khai Tuệ bị lực lượng Quốc dân Đảng giết chết.

Khu Xô-viết này trở thành nơi trú ngụ của Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản chạy trốn sự khủng bố của Tưởng Giới Thạch ở các thành phố lớn, chủ yếu là Thượng Hải. Dưới áp lực của các chiến dịch bao vây càn quét của Quốc dân Đảng, trong nội bộ Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản diễn ra cuộc tranh giành quyền lực và đấu tranh về đường lối và chiến thuật. Phe theo đường lối chính thống của Moskva, mà đại diện là nhóm 28 người Bolshevik, đã thắng thế và Mao dần dần bị gạt ra khỏi các chức vụ quan trọng.

Tập tin:Mao1931.jpg
Mao năm 1931

Với quyết tâm tiêu diệt bằng được những người cộng sản, tháng 10 năm 1934 Tưởng Giới Thạch trực tiếp chỉ huy 50 vạn quân bao vây tấn công khu Xô-viết trung ương, buộc Hồng quân phải mở đường máu rời bỏ nơi đây, tiến hành cuộc Vạn lý trường chinh cực kỳ gian khổ, vượt 9.600 km trong suốt một năm trời để đến tỉnh Thiểm Tây xây dựng căn cứ mới. Trên đường trường chinh Mao Trạch Đông đã bước lên nắm quyền lãnh đạo từ Hội nghị Tuân Nghĩa họp vào tháng 1 năm 1935. Tại hội nghị này, Chu Ân Lai ngả về phía Mao, Tổng Bí thư Bác Cổ cố vấn quân sự Otto Braun (tên Trung Quốc là Lý Đức) bị hạ bệ, Mao vào Ban thường vụ Bộ Chính trị, nắm quyền thực tế và năm 1943 được bầu làm Chủ tịch Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Từ căn cứ mới ở Diên An, Mao đã lãnh đạo những người cộng sản tiến hành cuộc kháng chiến chống Nhật (19371945) thông qua hợp tác Quốc–Cộng lần thứ hai. Tại đây, Mao đã củng cố quyền lực trong Đảng Cộng sản bằng cách mở cuộc vận động chỉnh phong. Tại Đại hội lần thứ 7 của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp tại Diên An tháng 6 năm 1945, Mao được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng. Cũng tại Diên An, Mao ly thân với Hạ Tử Trân và lấy Lam Bình, một diễn viên mới tới Diên An mà sau này khuynh đảo chính trường Trung Quốc với tên gọi là Giang Thanh.

Ngay sau khi Chiến tranh Trung-Nhật kết thúc, nội chiến đã diễn ra giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản, kết thúc bằng thắng lợi của Đảng Cộng sản vào năm 1949.

Lãnh đạo Trung Quốc[sửa]

Mao Trạch Đông thuộc phái tả kiên định, năm 1920, Mao trở thành người Mác xít. Năm 1921, là một trong 21 người sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng mãi đến năm 1935, Mao mới trở thành người lãnh đạo của Đảng. Đảng Cộng sản Trung Quốc sau hai lần thất bại vào năm 1927 và 1934, nhưng cuối cùng cũng vượt qua được nhờ Mao Trạch Đông lên nắm quyền lãnh đạo Đảng, lực lượng của Đảng dần được củng cố mạnh lên. Đến năm 1947, Mao Trạch Đông đã chuẩn bị phát động cuộc tấn công toàn diện vào Chính phủ Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu.

Mao Trạch Đông lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ giành chính quyền năm 1949, chấm dứt tình trạng quân phiệt cát cứ, thu hồi các tô giới của nước ngoài trên lãnh thổ Trung Quốc, xóa bỏ các hiệp ước bất bình đẳng với các cường quốc; đặt nền móng cho một đất nước Trung Quốc thống nhất và bắt đầu công cuộc hiện đại hóa đưa Trung Quốc từ một nước phương Đông bị các đế quốc phương Tây chèn ép trở thành một cường quốc trên thế giới. Trong suốt 27 năm, ông và các đồng chí của mình đã kiên trì thực hiện công cuộc cải cách kinh tế - xã hội vĩ đại mang ý nghĩa sâu xa trên đất nước Trung Quốc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho xã hội dân chủ và bình đẳng hơn dù trong quá trình thực hiện ông đã mắc một số sai lầm gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho xã hội Trung Quốc.

Từ năm 1949 đến 1976, Mao Trạch Đông luôn là nhân vật quan trọng nhất trong Chính quyền Trung ương Trung Quốc. Mao đã sử dụng bạo lực đánh bại quân đội Trung Hoa Dân quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo. Tiếp đó Mao phát động phong trào Đại nhảy vọt và Công xã hoá, vào thời kỳ cuối những năm 50 của thế kỷ XX - Đây là kế hoạch với ý đồ nhấn mạnh biện pháp sản xuất quy mô nhỏ, sản xuất thủ công, tiến hành cuộc thực nghiệm chủ nghĩa xã hội lớn chưa từng thấy với mục tiêu công nghiệp hóa nhằm đưa Trung Quốc thành siêu cường, nhưng cuối cùng bị thất bại và phải hủy bỏ. Nó gây ra tấn thảm kịch lớn chưa từng thấy trong lịch sử loài người: 37,55 triệu người chết vì nạn đói do sản xuất nông nghiệp bị đình trệ.[4]

Kế hoạch tiếp theo mà Mao ủng hộ là cuộc "Đại Cách mạng văn hóa vô sản" vào những năm 60 của thế kỷ XX. Có nhiều quan điểm khác nhau về Cách mạng văn hóa tại Trung Quốc. Theo Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Cách mạng văn hóa là để "đấu tranh với giai cấp tư sản trong lĩnh vực tư tưởng và sử dụng những tư tưởng và lề thói mới của giai cấp vô sản để thay đổi diện mạo tinh thần của toàn bộ xã hội" nhưng cũng có quan điểm cho rằng đây là một cách để Mao Trạch Đông lấy lại quyền kiểm soát Đảng Cộng sản Trung Quốc sau cuộc Đại nhảy vọt thất bại.

Có điều đặc biệt là khi phát động "Đại nhảy vọt", Mao Trạch Đông đã hơn 60 tuổi; còn "Đại Cách mạng văn hóa" diễn ra lúc ông gần 70 tuổi; và khi quyết định thiết lập ngoại giao với Hoa Kỳ thì Mao đã gần 80 tuổi.

Qua đời[sửa]

Mao Trạch Đông qua đời ngày 9 tháng 9 năm 1976, 10 phút sau nửa đêm ở thủ đô Bắc Kinh.

Ông chết vì bệnh xơ cứng teo cơ (tên khoa học amyotrophic lateral sclerosis), ở Hoa Kỳ bệnh này thường được gọi là Lou Gehrig's hoặc Motor Neurone, cùng một căn bệnh với Stephen Hawking. Sức khỏe của Mao Trạch Đông đã rất kém trong nhiều năm và suy giảm rất rõ rệt trong thời gian vài tháng trước khi chết. Thi hài ông được an táng tại Đại lễ đường nhân dân. Lễ tưởng niệm ông cử hành vào ngày 18 tháng 9 năm 1976 tại quảng trường Thiên An Môn. Trong lễ tưởng niệm có 3 phút mặc niệm. Sau đó thi hài ông được đặt trong Lăng Mao Trạch Đông, mặc dù ông muốn được hỏa táng và là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên ký văn bản chính thức vào tháng 11 năm 1956 quy định tất cả những người lãnh đạo cấp trung ương sau khi chết sẽ được an táng theo nghi thức hỏa táng.

Đánh giá[sửa]

Theo cuốn Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, của Tân Tử Lăng, do nhà xuất bản Thư Tác Phường ấn hành tháng 7 năm 2007 viết:

Nhân dân đã thức tỉnh. Việc tiếp tục treo ảnh Mao trên Thiên An Môn, tiếp tục để thi hài Mao ở nhà kỷ niệm là lạc hậu so với quần chúng rồi, cần xử lý thỏa đáng đất nước ta triệt để bóng đen Mao Trạch Đông.

Đánh giá một nhà chính trị thời kỳ cận đại là rất khó khăn; Có thể so sánh Mao Trạch Đông với Tần Thủy Hoàng; vì họ đều là người Trung Quốc, đều là các nhà cải cách. Nếu so sánh Mao Trạch Đông với Lê Nin cũng là xác đáng, họ đều sống ở thế kỷ 20, Mao Trạch Đông là người kiến tạo Chủ nghĩa Marx ở Trung Quốc, cũng như Lê Nin là người đặt nền móng cho Chủ nghĩa Marx ở nước Nga. Mới nhìn ta thấy Mao Trạch Đông gần như nổi bật hơn Lê Nin vì Trung Quốc có số dân gấp ba lần Liên Xô, nhưng Lê Nin có trước và đã là một tấm gương cho Mao Trạch Đông, có ảnh hưởng đối với Mao Trạch Đông.

Gia đình[sửa]

Những người vợ[sửa]

  • La Thị (羅氏) (1889–1910), do gia đình sắp đặt nhưng Mao không công nhận và hai người chưa hề ăn ở với nhau. Kết hôn năm 1907. Không có con.
  • Dương Khai Tuệ (杨开慧, 1901–1930) ở Trường Sa, kết hôn năm 1921, sống với nhau đến năm 1927, bị Quốc dân Đảng hành quyết năm 1930. Bà sinh được 3 người con trai.
  • Hạ Tử Trân (贺子珍, 1909? / tháng 8 năm 1910 – 19 tháng 4 năm 1984) người Vĩnh Tân, tỉnh Giang Tây, kết hôn từ tháng 5 năm 1928, đến năm 1937 thì bà sang Liên Xô chữa bệnh. Bà sinh nở 6 lần nhưng 5 con chết non hoặc mất tích và chỉ có Lý Mẫn trưởng thành.
  • Giang Thanh: kết hôn từ năm 1938 đến lúc Mao mất. Có một con gái là Lý Nạp.
  • Theo hồi ký của Lý Chí Thỏa, bác sĩ riêng của ông, Mao đã quan hệ tình dục với cả trăm người phụ nữ khác. Qua đó ông ta chấp nhận là họ có thể bị lây bệnh hoa liễu, bởi vì chính ông đã bị mắc bệnh này mà không thể chữa khỏi được.[5] Tuy nhiên, một số học giả, những người thân và những người từng làm việc với Mao đã lên tiếng chỉ trích về tính chính xác của những nguồn hồi ký cá nhân như vậy.[6] Một nhóm nghiên cứu gồm ba tác giả đã dẫn những hồ sơ y tế cũ của Mao cho thấy Lý Chí Thỏa chỉ chăm sóc Mao có 1 ngày duy nhất (ngày 3 tháng 6 năm 1957). Như vậy, Lý Chí Thỏa không phải là bác sĩ thường trực của Mao Trạch Đông và vì thế không có khả năng có được những thông tin "riêng tư, bí mật" mà ông viết ra trên sách[7].

Ông nội, cụ và bố mẹ[sửa]

Anh chị em[sửa]

Bố mẹ Mao Trạch Đông có cả thảy 5 con trai và 2 con gái. Hai người con trai và cả 2 con gái chết sớm, còn lại 3 anh em Mao Trạch Đông, Mao Trạch Dân, Mao Trạch Đàm. Cũng như Dương Khai Tuệ, Mao Trạch Dân và Mao Trạch Đàm đều bị Quốc dân Đảng giết hại trong thời kỳ nội chiến.

Ngoài ra Mao Trạch Kiến (毛泽建, 1905 - 1929) tức Mao Trạch Hồng là chị họ, bị Quốc dân Đảng giết hại năm 1930

Những người con[sửa]

Lưu ý là tên đệm trong từng thế hệ gia đình Mao là giống nhau, tuần tự các đời là Tổ-Ân-Di-Trạch-Ngạn. Các con của Mao Trạch Dân và Mao Trạch Đàm có tên đệm là Viễn.

Các tác phẩm[sửa]

  • Thực tiễn luận (Luận về vấn đề "thực tiễn")
  • Mâu thuẫn luận (Luận về vấn đề "mâu thuẫn")
  • Luận trì cửu chiến (Luận về đánh lâu dài)
  • Tân dân chủ chủ nghĩa luận (Luận về chủ nghĩa dân chủ mới)
  • Mao Trạch Đông ngữ lục (Tổng hợp các câu nói ấn tượng của Mao Trạch Đông)
  • Hồng bảo thư

Báo chí Việt Nam và Mao Trạch Đông[sửa]

Các bài trên báo Cứu quốc của Mặt trận Liên Việt và báo Nhân dân:

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Các Mác - Lênin - Xíttalin và tư tưởng Mao Trạch Đông, nhân loại tiến bộ nhất định thắng lợi hoàn toàn trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập quốc gia, bảo vệ dân chủ, bảo vệ hòa bình chống đế quốc gây chiến[8]
Chủ tịch Mao Trạch Đông đã áp dụng tài tình chủ nghĩa Mác- Ăngghen - Lênin - Stalin vào hoàn cảnh Trung Quốc, hoàn cảnh một nước nông nghiệp nửa thuộc địa, lãnh đạo nhân dân Trung Quốc đánh tan thế lực phản động, lập nên nước Trung Hoa cộng hòa nhân dân vĩ đại, cùng với Liên Xô làm một thành trì vô cùng vững mạnh cho phong trào hòa bình thế giới, mở đường cho nhân dân các nước nhỏ yếu đứng dậy đấu tranh đòi độc lập và hòa bình. Đặc biệt đối với Việt Nam, Trung Quốc đã giúp đỡ mọi mặt và là một hậu phương chắc chắn cho cuộc kháng chiến của Việt Nam...Kính yêu và tin tưởng vào Đại nguyên soái Stalin và Mao chủ tịch, nhân dân thế giới học tập và quyết tâm thực hiện mỗi lời nói của hai vị lãnh tụ. Vui mừng sinh nhật Đại nguyên soái Stalin, vị lãnh tụ tối cao của nhân loại tiến bộ, và sinh nhật Chủ tịch Mao Trạch Đông, lãnh tụ tối cao của nhân dân châu Á, nhân dân châu Á và thế giới hướng về Liên Xô và Trung Quốc lấy lời nói của hai vị lãnh tụ làm phương châm...Nhân dân Việt Nam kính yêu Đại nguyên soái Stalin và Chủ tịch Mao Trạch Đông và tỏ lòng biết ơn công lao vĩ đại của hai vị lãnh tụ đối với Cách mạng thế giới và Cách mạng Việt Nam.[9]
Đại tướng rút ra mấy kinh nghiệm và bài học lớn mà chiến dịch này đã đem lại: 1/Tác dụng quyết định của sự chỉ đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch, Chính phủ và Trung ương Đảng Lao động trong sự nhận định tình hình ngay lúc ban đầu. Nhận định này đã căn cứ trên những phân tách dựa theo lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông áp dụng vào chiến tranh ở Việt Nam...[10]
Đại gia đình hòa bình và dân chủ do Liên Xô lãnh đạo đầy tình thân yêu và có một sức mạnh vĩ đại. Chúng tôi tin rằng tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc sẽ cao như núi, sâu như bể...Chúng ta hãy nâng cốc chúc sức khỏe của Mao Chủ tịch, Mặt Trời vĩ đại của phương đông...[11]
Đứng bên cạnh Liên Xô, công ơn của Trung Quốc với chúng ta thật không sao kể xiết. Tỏ lòng biết ơn Trung Quốc, biết ơn Mao Chủ tịch, chúng ta nguyện ra sức học tập Trung Quốc. Trong những điều mà cách mạng Trung Quốc dạy chúng ta, quý báu nhất là kinh nghiệm áp dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Ăngghen - Lênin-Stalin vào hoàn cảnh một nước phong kiến lạc hậu thuộc địa, nửa thuộc địa. Đó là tư tưởng Mao Trạch Đông, là kinh nghiệm xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, đấu tranh vũ trang và xây dựng Đảng lãnh đạo. Đó là ba pháp bảo đã đưa cách mạng Trung Quốc đến thành công rực rỡ, và đã được Hồ Chủ tịch và Đảng Lao động Việt Nam vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam khiến công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta đã thu được nhiều thắng lợi lớn.[12]
Với tư tưởng Mao Trạch Đông kết tinh của chủ nghĩa Mác-Lênin-Stalin áp dụng vào thực tiễn phương Đông, Trung Quốc đang soi đường cho các dân tộc châu Á cùng tiến, để cùng nhân dân thế giới đấu tranh giành độc lập dân tộc và một nền hòa bình, hạnh phúc lâu dài.[13]
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc như Mao Chủ tịch nói "đã phát triển từ chỗ không đến chỗ có"...Nhưng nắm vững đường lối "đoàn kết toàn dân, tự lực cánh sinh, trường kỳ kháng chiến" của Mao Chủ tịch và Đảng Cộng sản Trung Quốc, quân đội của nhân dân Trung Quốc càng ngày càng giành được nhiều thắng lợi lớn...Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, trong ngót ba chục năm lịch sử chiến đấu vĩ đại đã chứng tỏ rằng một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu thì dù phải đương đầu với những kẻ thù hung ác thế nào, nhất định sẽ chiến thắng[13]
Nhờ có Mao Chủ tịch và Đảng Cộng sản lãnh đạo, áp dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin- Stalin vào hoàn cảnh Trung Quốc, nhờ quân và dân đoàn kết nhất trí, một lòng một dạ tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, Quân đội giải phóng và nhân dân Trung Quốc đã chiến thắng phát xít Nhật, bè lũ Tưởng Giới Thạch do Mỹ vũ trang và chỉ huy...Mao Chủ tịch và Đảng Cộng sản đã phát động phong trào "chống Mỹ, giúp Triều, giữ nhà, giữ nước"...Sau ba năm chiến đấu anh dũng, quân dân Trung - Triều đã đánh bại đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký kết đình chiến ở Triều Tiên. Đó là một thắng lợi lớn lao của nhân dân Trung - Triều và của phe hòa bình và dân chủ trên thế giới.[12]

.

Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và Đảng Lao động Việt Nam, nhân dân Việt Nam quyết học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, học tập kinh nghiệm Trung Quốc, ra sức tiêu diệt thực dân Pháp và can thiệp Mỹ[14]
Mỗi lần lên diễn đài, việc đầu tiên của chúng tôi là chuyển lời chào cùng lời chúc thắng lợi của Mao chủ tịch và nhân dân Trung Quốc. Thế là hàng vạn con người đứng cả dậy, tiếng hô Mao Chủ tịch muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm, tình đoàn kết Việt - Hoa vang lên như sấm[14]

.

Phong độ nhân từ, lời nói thấm thía của Người cho chúng tôi cái cảm giác như đứng trước Hồ Chủ tịch thân yêu của chúng ta[15]
Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng lực lượng hùng cường và trái tim sắt đá của 600 triệu nhân dân Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Mao Chủ tịch và Đảng Cộng sản Trung Quốc và được nhân dân châu Á cùng nhân dân thế giới nhiệt liệt đồng tình, nhất định sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn, nhất định giải phóng được Đài Loan[16]
Phổ biến kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân Trung Quốc, Mao Chủ tịch, lãnh tụ tối cao của nhân dân Trung Quốc và nhân dân châu Á, đã nêu rõ cho nhân dân ta thấy con đường đấu tranh trường kỳ, kiên quyết và bền bỉ chống đế quốc là con đường đi tới thành công hoàn toàn [17]

.

Kính yêu và tin tưởng vào Đại nguyên soái Stalin và Mao Chủ tịch, nhân dân thế giới học tập và quyết tâm thực hiện mỗi lời nói của hai vị lãnh tụ[9]

.

Thể hiện tình cảm cách mạng cao cả của Chủ tịch Mao Trạch Đông kính mến: "700 triệu nhân dân Trung Quốc là hậu thuẫn vững mạnh của nhân dân Việt Nam, đất nước Trung Quốc bao la là hậu phương đáng tin cậy của nhân dân Việt Nam", Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã luôn luôn dành cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam Việt Nam sự đồng tình sâu sắc...[18]

Kể từ sau năm 1972, khi quan hệ với Trung Quốc xấu đi, báo chí Việt Nam chỉ trích Mao Trạch Đông vì "tư tưởng bá quyền Trung Quốc". Văn kiện quan trọng “Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua” của Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố ngày 4/10/1979 viết:

Những người lãnh đạo Trung Quốc coi Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu đối với chiến lược của họ, luôn luôn tìm cách nắm Việt Nam... một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và giàu mạnh, có đường lối độc lập tự chủ và đường lối quốc tế đúng đắn là một cản trở lớn cho chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, trước hết là cho chính sách bành trướng của họ ở Đông nam châu Á... Họ tập trung mọi cố gắng để dấy lên một cuộc “thập tự chinh quốc tế” của các lực lượng đế quốc và phản động chống Liên Xô dưới chiêu bài “chống bá quyền” theo công thức của chủ tịch Mao Trạch Đông: “Ngồi trên núi xem hổ đánh nhau”.[19]

Chú thích[sửa]

  1. 1900-2000: A century of genocides
  2. HOW MANY DID COMMUNIST REGIMES MURDER? - By R.J. Rummel
  3. Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, Tr.5, Nhà xuất bản Thư tác bảng, Hồng Công 2007, Thông tấn xã Việt Nam dịch và in 2009
  4. Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, Tr.7, Nhà xuất bản Thư tác bảng, Hồng Công 2007, Thông tấn xã Việt Nam dịch và in 2009
  5. Jonathan Mirsky: Unmasking the Monster, The New York Review of Books, Nov 17, 1994, S. 22-28 (Rezension zur englischen Ausgabe von Li Zhisui: Ich war Maos Leibarzt. Die persönlichen Erinnerungen des Dr. Li Zhisui an den Vorsitzenden. Lübbe, Bergisch Gladbach 1994).
  6. DeBorja, Q.M. and Xu L. Dong (eds) (1996). Manufacturing History: Sex, Lies and Random House's Memoirs of Mao's Physician. New York: China Study Group. p. 04
  7. Lin Ke, Xu Tao and Wu Xujun (1995). Lishi de Zhenshi: Mao Zedong Shenbian Gongzuo Renyuan de Zhengyan (The Truth of History: Testimony of the personnel who had worked with Mao Zedong). Hong Kong: Liwen Chubanshe. Page 150
  8. Báo Cứu Quốc ngày 17 Tháng Ba 1952
  9. 9,0 9,1 Cứu Quốc ngày 23 Tháng Mười Hai 1952
  10. Tường thuật Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện về chiến thắng Hòa Bình, Báo Cứu Quốc ngày 9 Tháng Ba 1952
  11. Nhân dân ngày 9 Tháng Tám 1954
  12. 12,0 12,1 Cứu Quốc ngày 2 Tháng Hai 1954
  13. 13,0 13,1 Cứu Quốc 2 Tháng Hai 1954
  14. 14,0 14,1 Cứu Quốc ngày 1 Tháng Mười 1952
  15. Cứu Quốc ngày 19 Tháng Một 1952
  16. Nhân dân 21 Tháng Tám 1954
  17. Cứu Quốc 16 Tháng Hai 1952
  18. Nhân dân ngày 13 Tháng Ba 1971
  19. “Kỳ 75: Mao Trạch Đông - ‘Hoàng đế đỏ’ của Trung Hoa cộng sản!”. Một Thế giới. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..

Đọc thêm[sửa]

Liên kết ngoài[sửa]


Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.