An toàn dưới nắng mặt trời

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Một ngày vui chơi trên bãi biển thường tràn ngập ánh nắng mặt trời, một nguồn cung cấp vitamin D cho cơ thể.[1] Tuy nhiên việc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và trong thời gian dài có thể gây bỏng nắng, tổn thương da, lão hóa da sớm, ung thư da (loại ung thư phổ biến nhất), đục thủy tinh thể, các đốm nâu trên da, và sốc nhiệt.[2] Bạn hãy áp dụng các biện pháp đề phòng để tránh những tác hại đó và tận hưởng ánh nắng mặt trời một cách an toàn hơn.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Chọn kem chống nắng[sửa]

  1. Chọn mức SPF (chỉ số chống nắng) thích hợp. Trái với quan niệm phổ biến, SPF, hay "chỉ số chống nắng", không biểu thị khả năng chống nắng mạnh như thế nào. Chỉ số này cho biết thời gian bảo vệ da khỏi tia tử ngoại B (UVB) là bao lâu – ít nhất là trên lý thuyết. Chỉ số này được tính bằng cách lấy khoảng thời gian thông thường khiến da bị bỏng nắng nhân với con số biểu thị khoảng thời gian khả năng chống nắng có tác dụng (giá trị SPF). Theo đó, nếu bạn bị bỏng nắng trong vòng 5 phút phơi nắng khi không bôi kem, SPF 30 sẽ bảo vệ bạn trong 150 phút (trên lý thuyết).[3][4]
    • Viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến nghị dùng SPF 30 hoặc cao hơn.[5] Việc sử dụng công thức SPF quá cao không được khuyến khích vì chúng tạo cảm giác an toàn sai lầm khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đồng thời lượng hóa chất trên da cũng cao hơn. Các chuyên gia hiện nay cho rằng, thực tế các loại kem chống nắng với SPF trên 50 không bảo vệ da tốt hơn loại kem có chỉ số chống nắng dưới 50.[6]
  2. Tìm loại kem chống nắng có khả năng ngăn chặn cả hai loại tia UVA và UVB. Tia UVB là tia gây bỏng nắng, nhưng tia UVA cũng gây tổn thương da, bao gồm cả các dấu hiệu lão hóa như các nếp nhăn hoặc đốm nâu. Cả hai loại tia UV đều làm tăng nguy cơ ung thư da.[7] Chọn loại kem chống nắng phổ rộng, tức là loại kem ngăn chặn được cả hai loại tia tử ngoại có hại.[8]
    • Yếu tố SPF chỉ biểu thị khả năng ngăn chặn tia UVB của kem chống nắng.[4] Nhãn sản phẩm ghi “phổ rộng” biểu thị khả năng chống cả hai loại tia.
  3. Xem kỹ thành phần. Một số hóa chất có thể gây dị ứng (paraben), rối loạn nội tiết (như oxybenzone), hoặc chỉ là những thành phần không cần thiết (như hương liệu hoặc các thành phần không hoạt tính).[9]
    • Retinoid (một dạng vitamin A) là thành phần không hoạt tính phổ biến có trong kem chống nắng. Các nghiên cứu ở Canada cho thấy các chất phụ gia này có thể tăng độ nhạy cảm của người dùng đối với các tia UV từ mặt trời.[10]
    • Oxybenzone được cho là một chất gây rối loạn nội tiết. Chất này tương tự như estrogen trong cơ thể và đã được chứng thực là làm biến đổi quá trình sản xuất tinh dịch ở nam giới, cũng như có thể gây bệnh lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ.[9]
    • Octinoxate là một thành phần khác cũng được cho là chất gây rối loạn nội tiết. Octinoxate có thể giống với các hormone trong cơ thể và các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh là có ảnh hưởng đến hệ sinh sản và tuyến giáp. Chất này cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng trên da ở một số người.[9]
    • Homosalate thường được ghi nhận là một chất gây rối loạn nội tiết, có thể độc hại khi phân hủy trong cơ thể.[9]
    • Octocrylene có khả năng gây dị ứng với tỷ lệ tương đối cao ở một số người sử dụng.[9]
    • Các hóa chất paraben thường được dùng như chất bảo quản trong kem chống nắng. Butyl-, ethyl-, methyl-, và propyl-paraben là các chất được coi là có liên quan đến các phản ứng dị ứng, rối loạn nội tiết và độc hại cho cơ thể.[11]
    • Tìm loại kem chống nắng không chứa PABA. Axít para-aminobenzoic (PABA) từng được sử dụng trong kem chống nắng một thời gian dài, tuy nhiên chất này có thể gây phản ứng dị ứng ở một số người, đồng thời cũng liên quan đến chứng nhiễm độc nghiêm trọng ở gan nếu dùng với liều cao.[4]
    • Tránh dùng các loại kem chống nắng có thêm tác dụng xua đuổi côn trùng. Chất xua đuổi côn trùng có thể làm giảm hiệu quả của kem chống nắng, và kem chống nắng có thể tăng độc tính của hóa chất xua đuổi côn trùng. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị nên sử dụng riêng rẽ hai sản phẩm này: kem chống nắng hiệu quả và thuốc xua đuổi côn trùng an toàn.[12]
  4. Chọn loại kem chống nắng không thấm nước nếu bạn thường xuyên đi bơi hoặc hay đổ mồ hôi. Nhớ rằng không có loại kem chống nắng nào hoàn toàn không thấm nước, do đó bạn cần thường xuyên bôi lại kem chống nắng theo hướng dẫn trên nhãn sản phẩm.[13]
    • Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) gần đây đã thay đổi quy định ghi nhãn về khả năng chống thấm nước của các loại kem chống nắng ở Mỹ. Hiện tại trên nhãn sản phẩm phải ghi khả năng chống thấm nước theo hai loại: khả năng bảo vệ 40 phút hoặc 80 phút.[14]
  5. Chọn loại kem chống nắng phù hợp. Kem chống nắng khi bôi lên da phải không có cảm giác khó chịu, do đó bạn nên thử nhiều nhãn hiệu và các loại kem chống nắng khác nhau để tìm được loại thích hợp nhất.[13]
    • Một số loại kem chống nắng hàng ngày không dính và có mùi hắc như một số loại có công thức dành cho người chơi các môn thể thao cường độ cao ngoài trời.
    • Một số loại kem chống nắng có dạng xịt, dạng lăn và dạng thỏi. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo rằng kem chống nắng dạng xịt và dạng bột có thể gây kích ứng phổi do rủi ro hít hóa chất bên trong. Hơn nữa, các dạng này có thể không hiệu quả bằng kem chống nắng dạng lỏng.[10]
    • Tuy nhiên, kem chống nắng dạng xịt có thể hữu ích cho các vùng nhiều lông như ở ngực hoặc đầu.[13] Các loại kem chống nắng có chứa cồn hoặc dạng gel có thể hiệu quả hơn cho người có làn da dầu.[15]
    • Những người thường dùng kem dưỡng ẩm cần biết là có nhiều loại kem dưỡng ẩm hàng ngày cũng có chất chống nắng. Nhưng nếu bạn dùng cả hai loại thì nên dùng kem dưỡng ẩm trước, sau đó thoa kem chống nắng. Như vậy sẽ giúp hấp thụ và bảo vệ tối đa.[16]
  6. Chọn kem chống nắng thích hợp cho trẻ em. Kem chống nắng lọc tia UV gốc khoáng chất như kẽm và titan được coi là ít có khả năng gây dị ứng nhất đối với trẻ em và người có da nhạy cảm, nhưng có thể kém hiệu quả hơn các loại kem chống nắng lọc tia UV gốc hóa chất.[17] Phần lớn các loại kem chống nắng đều có thể dùng cho trẻ em trên 6 tháng tuổi.[18]
    • Nói chung bạn nên tránh dùng kem chống nắng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Các chuyên gia cho rằng bóng mát là biện pháp ngăn ngừa tốt nhất (bóng mát tự nhiên hay bóng dù che). Nếu cần phải dùng kem chống nắng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bạn nên tham khảo bác sĩ nhi khoa để biết cách sử dụng an toàn.[19]
    • Đối với trẻ em, bạn cần thử trước khi sử dụng kem chống nắng. Làn da của trẻ em nhạy cảm hơn và có khả năng phản ứng với kem chống nắng, do đó bạn nên đảm bảo trẻ không bị phản ứng khó chịu bằng cách thử một lượng nhỏ kem chống nắng trước khi thoa lên toàn bộ da của trẻ.[20]

Thoa kem chống nắng[sửa]

  1. Kiểm tra hạn sử dụng. Ở Mỹ, kem chống nắng phải có hiệu quả ít nhất 3 năm sau ngày sản xuất. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý và tuân theo hạn sử dụng để đảm bảo hiệu quả tối đa.[21]
    • Nếu trên sản phẩm không ghi hạn sử dụng, bạn hãy viết ngày mua lên nhãn và dán lên chai kem chống nắng. Như vậy bạn sẽ biết khi nào cần mua chai mới.
  2. Thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài trời. Các hóa chất trong kem chống nắng cần khoảng 30 phút để có thể thấm hoàn toàn vào da và phát huy tác dụng. Thoa kem chống nắng khoảng 30 phút trước khi bạn ra ngoài tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.[22]
    • Đừng quên đôi môi của bạn! Thoa son dưỡng môi có SPF khoảng 45-60 phút trước khi ra ngoài trời.[15]
  3. Thoa nhiều kem chống nắng lên da. Lượng kem chống nắng bạn sử dụng phải bằng cỡ một quả bóng golf, hoặc 1 ounce (30 ml – một lượng đầy ly rượu).[21]
    • Nên dùng một lượng kem nhiều hơn bạn nghĩ. Bạn cần chuẩn bị một phần tư đến nửa chai kem chống nắng 240 ml cho một buổi tắm nắng ngoài bãi biển.[22]
    • Nhớ thoa lên các vùng da dễ tổn thương nhất trên cơ thể - toàn bộ mặt và trán, đặc biệt là mũi và vành tai, da đầu, sau gáy, khoeo chân, mu bàn tay và cánh tay. Đừng quên mu bàn chân nếu bạn mang giày xăng-đan – bàn chân bị bỏng nắng sẽ rất rát! Mọi vùng da tiếp xúc với nắng cần phải được thoa kem chống nắng.[5]
    • Đừng chỉ “phết” kem chống nắng lên da. Bạn nên lấy một ít kem và thoa vào da. Sau đó thoa lại lần nữa rồi lần nữa đến khi có một lớp kem chống nắng ngấm vào da. Thực hiện đúng động tác và bạn sẽ không bận tâm với lớp kem đó nữa, nhưng nó thực sự bảo vệ làn da của bạn khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
    • Nhờ bạn bè giúp thoa kem vào những vùng da khó với tới như lưng và vai.
  4. Thường xuyên thoa lại kem chống nắng khi đổ mồ hôi và/hoặc đi bơi. Vì mồ hôi hoặc nước làm trôi lớp kem vừa thoa, thông thường bạn sẽ phải thoa lại kem chống nắng nhanh hơn so với hướng dẫn của chỉ số SPF.[23]

Che chắn bằng trang phục[sửa]

  1. Che chắn cơ thể. Nhiều lớp vải nhẹ dệt khít đem lại hiệu quả tốt nhất.[19] Thử mặc một chiếc tank top (áo ba lỗ hoặc áo hai dây) và khoác bên ngoài một chiếc sơ mi dài tay. Quần dài sẽ bảo vệ tốt hơn quần short. Quần áo may bằng vải cotton là mát nhất.
    • Tuy hút nhiệt hơn quần áo sáng màu, nhưng quần áo sẫm màu có thể bảo vệ bạn khỏi ánh nắng mặt trời tốt hơn.[24]
    • Quần áo sáng màu mỏng nhẹ như áo thun màu trắng sẽ không bảo vệ được nhiều. Bạn cần thoa kem chống nắng lên da bên dưới lớp quần áo nếu bạn mặc loại vải mỏng và thưa.[24]
    • Nếu đi bơi, bạn thử mặc loại áo bơi dài tay để chống nắng, còn gọi là “rash guard.” Loại áo này sẽ giúp bạn khỏi bị bỏng nắng khi bơi dưới nước.
  2. Chọn trang phục có chỉ số chống tia tử ngoại cao. Nhiều loại trang phục, đặc biệt ở các cửa hàng đồ thể thao, có gắn nhãn ghi khả năng bảo vệ da khỏi tia UV.[25]
  3. Đội loại mũ thích hợp. Chọn mũ rộng vành (ít nhất 8 cm).[24][18]
    • Mũ lưỡi trai để hở tai và cổ, vì vậy đó không phải là lựa chọn tốt nhất để chống nắng.
    • Mũ cũng giúp bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi ánh sáng chói.
    • Bạn cũng nên nhớ đội mũ cho trẻ em. Chọn loại mũ có thể che được mặt và cổ của trẻ.[18]
  4. Đeo kính râm. Chọn loại kính có thể ngăn chặn tia UV và che được cả hai bên thái dương. Việc tiếp xúc với tia UV trong thời gian dài có thể dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể, và vùng da trên mí mắt chịu tác động bức xạ của tia UV. Đeo kính râm kết hợp với đội mũ để bảo vệ tối đa cho mắt.[26]
    • Nếu không chắc kính râm đang dùng có đủ khả năng ngăn chặn tia UV, bạn nên nhờ chuyên gia đo thị lực kiểm tra.

Giữ đủ nước cho cơ thể[sửa]

  1. Cung cấp đủ nước cho cơ thể. Nước lọc là lựa chọn tốt nhất để duy trì đủ lượng nước cho cơ thể trong những ngày ấm và nóng (và cả những ngày lạnh nữa!). Các chuyên gia khuyến nghị nam giới nên uống 13 ly (3 lít) chất lỏng mỗi ngày, nữ giới nên uống 9 ly (2,2 lít).[27]
    • Các chuyên gia cũng khuyên nên uống một ly nước sau mỗi 15-20 phút hoạt động với cường độ trung bình ngoài trời nóng.[28]
    • Theo khuyến nghị của chuyên gia, nước lọc tốt hơn các loại nước uống thể thao, mặc dù nước thể thao có lợi trong việc bù điện giải. Đó là vì hầu hết các loại nước thể thao có hàm lượng đường và sodium cao. Đường chứa nhiều calorie, và muối có thể khiến bạn mất nước.[29] Nếu lo ngại về mức điện giải, bạn hãy ăn một nắm hạt hoặc bánh quy mặn để bù điện giải.[28]
  2. Tránh caffeine và thức uống có cồn. Cả hai chất này đều khiến bạn mất nước, do đó tốt nhất là nên tránh. Thỉnh thoảng uống một ly soda lạnh có lẽ cũng không gây mất nước,[30] tuy nhiên tốt nhất bạn nên trung thành với nước lọc để giữ nước cho cơ thể.[31]
    • Hơn nữa, chất cồn có thể làm sút kém khả năng phán đoán của bạn và khiến bạn phản ứng chậm hơn. Có đến 70% số trường hợp tử vong khi tham gia các hoạt động giải trí dưới nước ở người lớn và thanh thiếu niên có liên quan đến bia rượu.[32] Nếu thỉnh thoảng có uống bia, bạn nhớ phải uống một lượng nước ít nhất gấp hai lần lượng bia.
  3. Uống nước ngay cả khi không khát. Khi bạn thấy khát nghĩa là tình trạng mất nước trong cơ thể đã xảy ra, do đó điều quan trọng là uống từng ngụm nước nhỏ trong cả ngày để tránh khát.[33]
  4. Nhớ rằng trẻ sơ sinh cũng có thể bị mất nước. Nếu có em bé, bạn cần đảm bảo giữ đủ nước cho trẻ bằng cách cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức khi ở ngoài trời ít nhất bằng với lượng sữa trẻ vẫn bú thường ngày.[19] Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bác sĩ để biết liệu có thể cho trẻ uống một ít nước lọc, nước ép quả hoặc dung dịch điện giải dành cho trẻ sơ sinh như Pedialyte hoặc Enfalyte bên cạnh sữa mẹ hoặc sữa công thức.
    • Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi không giống như người lớn nên thường có nguy cơ cao bị tăng thân nhiệt quá mức và mất nước khi ở ngoài trời. Trông chừng trẻ cẩn thận để đảm bảo an toàn và thoải mái cho trẻ.[19]

Tránh nắng một cách thông minh[sửa]

  1. Kiểm tra chỉ số UV. Cơ quan Khí tượng Quốc gia sử dụng thông tin dự báo thời tiết để đưa ra chỉ số hàng ngày đánh giá nguy cơ tổn hại do tiếp xúc với tia UV. Bạn có thể tránh bị bỏng nắng nếu biết trước dự báo về chỉ số này.[34]
  2. Tránh ánh nắng mặt trời. Điều này đặc biệt quan trọng trong khoảng thời gian mặt trời đạt đỉnh từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều; Tia UV đạt cường độ cao nhất trong khoảng thời gian giữa ngày, khi mặt trời chiếu thẳng trên đỉnh đầu.[35] Nếu ra ngoài trời trong khoảng thời gian này, bạn nên ở trong bóng râm. Tuy vẫn có thể bị bỏng nắng khi ở trong bóng râm (hoặc thậm chí cả trong ngày nhiều mây), nhưng bóng râm vẫn có thể giúp bảo vệ bạn.[24]
    • Tự tạo ra bóng mát. Cũng như đội mũ, việc đem theo dù che nắng cũng là một biện pháp tốt để bảo vệ an toàn.
    • Nếu hoạt động với cường độ cao ở ngoài trời, bạn nên cố gắng thực hiện vào buổi sáng hoặc buổi tối, tránh cái nóng vào giữa ngày. Nếu bạn có việc cần làm vào buổi trưa thì nên nghỉ nhiều lần và cứ sau 10--15 phút lại uống ít nhất 1 ly nước (240 ml).[28]
    • Chọn những khoảng thời gian mát nhất trong ngày khi cho trẻ em ra ngoài trời. Dùng mái che trên xe đẩy của em bé và nhớ cho trẻ em mặc quần áo đủ để che nắng, đội mũ, đeo kính râm và dùng kem chống nắng khi ra ngoài trời nóng.
  3. Quan sát cái bóng của bạn. Cường độ tia UV có liên hệ tới góc của mặt trời tương ứng với vị trí của bạn trên mặt đất. Nếu thấy cái bóng ngắn thì có thể bạn cần phải lui vào bóng mát.[36]
  4. Bạn cần phải làm mát nếu bắt đầu cảm thấy thân nhiệt tăng cao. Ngoài tình trạng bỏng nắng, việc ở dưới nắng quá lâu có thể khiến bạn kiệt sức do nóng. Nhúng khăn vào nước mát và đắp lên trán hoặc cổ để giảm nhiệt.
    • Đi bơi. Ngâm mình trong nước mát có thể giúp bạn giảm thân nhiệt – nhưng bạn đừng để thân nhiệt hạ quá thấp. Nhiệt độ cơ thể ngâm trong nước mát giảm nhanh hơn trong không khí mát đến 25 lần, và nếu thân nhiệt giảm xuống dưới 35 độ C, bạn sẽ bị hạ thân nhiệt (hypothermia).[37] Bạn có thể tránh hiện tượng thân nhiệt thay đổi đột ngột nếu biết trước nhiệt độ của nước và không khí.
  5. Cẩn thận tránh ánh nắng mặt trời khi lái xe. Nâng kính xe lên và bật máy điều hòa thay vì gác tay lên cửa sổ xe và thò tay ra ngoài. Kính có thể ngăn chặn tia UV khá tốt, tuy nhiên bạn và mọi người trên xe vẫn cần thoa kem chống nắng.[38]
    • Nếu may mắn có xe mui trần để đi, bạn nhớ thoa kem chống nắng và đội mũ để bảo vệ da.
  6. Biết các dấu hiệu và triệu chứng của hiện tượng kiệt sức vì nóng và sốc nhiệt. Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bạn cần vào nơi có bóng râm (nơi mát càng tốt) và uống nhiều chất lỏng:[39]
    • cảm giác nóng trên da
    • đổ nhiều mồ hôi
    • chóng mặt hoặc mất phương hướng
    • mệt mỏi
    • buồn nôn hoặc nôn
    • tim đập nhanh
    • nước tiểu đậm màu và/hoặc ít đi tiểu
    • gọi cấp cứu ngay lập tức nếu các triệu chứng trên không được cải thiện sau nửa giờ.

Lời khuyên[sửa]

  • Đem theo một chai nước mỗi khi ra ngoài trời.
  • Một số người lo ngại về oxybenzone, một thành phần phổ biến trong kem chống nắng, tuy nhiên Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ và các nghiên cứu nghiêm ngặt khác không tìm thấy mối liên hệ giữa oxybenzone và tác động xấu lên sức khỏe.[40]
  • Khi trượt tuyết, bạn thường bị bỏng nắng trên mặt. Nếu bạn có kế hoạch đi chơi núi vào bất cứ mùa nào, nhờ thoa kem chống nắng!
  • Bạn cũng có thể bị bỏng nắng dù có quần áo che chắn. Quần áo thường có chỉ số chống nắng từ 3-10, thậm chí còn ít hơn khi ướt. Để đảm bảo an toàn, bạn cần thoa kem chống nắng lên da bên dưới lớp quần áo, hoặc xử lý quần áo bằng sản phẩm bảo vệ da có UPF 30 (chỉ số chống tia cực tím) và có hiệu quả đến 20 lần giặt.
  • Kem chống nắng có khả năng cao gây kích ứng mắt. Không thoa kem chống nắng quá gần mắt. Ngay lập tức dùng nước rửa mắt thật kỹ nếu kem chống nắng dính vào mắt.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bị chảy nước mắt, vùng da thoa kem đỏ lên hoặc xuất hiện các phản ứng trên các vùng da khác hay trên cơ thể thì có lẽ bạn đã bị dị ứng. Bạn nên chuyển sang dùng loại kem chống nắng dành cho da nhạy cảm hoặc tham khảo bác sĩ.
  • Bạn có thể bị bỏng nắng cả trong những ngày có nhiều mây, và có thể bỗng nhiên trời lại quang mây. Ngay cả trong ngày mát trời và nhiều mây, bạn vẫn nên thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài.
  • Nếu có thể, bạn nên mua kem chống nắng không chứa paraben. Được dùng như một chất bảo quản trong kem chống nắng để kéo dài thời hạn sử dụng, paraben có liên quan đến bệnh ung thư vú và có thể gây dị ứng da hoặc chứng đỏ mặt ở những người mẫn cảm.[41] Tuy nhiên, ngành mỹ phẩm cho rằng paraben là một chất phụ gia an toàn, và điều này vẫn còn phải nghiên cứu thêm.
  • Không có cách nào “an toàn” để làm nâu da. Nếu muốn có làn da rám nắng, bạn nên cân nhắc dùng sản phẩm làm nâu da nhanh thay vì phơi nắng. Sản phẩm làm nâu da nhanh có chứa dihydroxyacetone (DHA), một hóa chất giúp tạm thời làm sẫm màu da một cách nhân tạo. Một số nhà nghiên cứu cảnh báo rằng việc sử dụng chai xịt DHA có thể gây tổn hại phổi, thậm chí dẫn đến ung thư nếu hít phải.[42]

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Kem chống nắng thích hợp (SPF 30+ là tốt nhất)
  • Quần áo, mũ và kính râm
  • Bóng mát
  • Các biện pháp để giữ nước cho cơ thể (đem chai nước theo mình)
  • Kính râm
  • Dù che nắng

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.who.int/uv/health/en/
  2. http://www2.epa.gov/sunwise/health-effects-uv-radiation
  3. http://news.psu.edu/story/141338/2010/06/01/research/probing-question-what-does-spf-rating-sunscreen-mean
  4. 4,0 4,1 4,2 http://www.melanomafoundation.org/prevention/facts.htm
  5. 5,0 5,1 https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/health-and-beauty/general-skin-care/sun-protection/how-to-apply-sunscreen
  6. http://www.skincancer.org/skin-cancer-information/ask-the-experts/does-a-higher-spf-sunscreen-always-protect-your-skin-better
  7. http://www.skincancer.org/prevention/uva-and-uvb/understanding-uva-and-uvb
  8. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20535128
  9. 9,0 9,1 9,2 9,3 9,4 http://www.ewg.org/2015sunscreen/report/the-trouble-with-sunscreen-chemicals/
  10. 10,0 10,1 http://well.blogs.nytimes.com/2013/05/27/the-new-rules-for-sunscreen/
  11. http://www.womenshealthmag.com/beauty/6-scary-sunscreen-ingredients-and-6-safe-spf-products
  12. http://www.skincancer.org/skin-cancer-information/ask-the-experts/would-it-be-better-to-use-a-product-that-combines-insect-repellent-and-sunscreen-or-two-different-products
  13. 13,0 13,1 13,2 http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/best-sunscreen/art-20045110?pg=2
  14. http://www.fda.gov/forconsumers/consumerupdates/ucm258416.htm
  15. 15,0 15,1 http://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/sunscreen-agent-topical-application-route/proper-use/drg-20070255
  16. http://www.skincancer.org/prevention/sun-protection/sunscreen/what-goes-on-first
  17. http://acaai.org/resources/connect/ask-allergist/Skin-Allergies
  18. 18,0 18,1 18,2 https://www.aap.org/en-us/about-the-aap/aap-press-room/news-features-and-safety-tips/pages/sun-and-water-safety-tips.aspx
  19. 19,0 19,1 19,2 19,3 http://www.fda.gov/ForConsumers/ConsumerUpdates/ucm309136.htm
  20. http://www.dermnetnz.org/dermatitis/sunscreen-allergy.html
  21. 21,0 21,1 https://www.aad.org/media-resources/stats-and-facts/prevention-and-care/sunscreen-faqs
  22. 22,0 22,1 http://www.skincancer.org/prevention/sun-protection/sunscreen/sunscreens-explained
  23. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/11712033
  24. 24,0 24,1 24,2 24,3 http://www.cdc.gov/cancer/skin/basic_info/sun-safety.htm
  25. http://www.skincancer.org/prevention/sun-protection/clothing/protection
  26. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/expert-answers/uv-protection/faq-20058021
  27. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/water/art-20044256
  28. 28,0 28,1 28,2 http://blogs.cdc.gov/niosh-science-blog/2011/08/12/heat-2/
  29. http://www.health.harvard.edu/blog/trade-sports-drinks-for-water-201207305079
  30. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/expert-answers/caffeinated-drinks/faq-20057965
  31. http://www.nhs.uk/Conditions/Dehydration/Pages/Causes.aspx
  32. http://pubs.niaaa.nih.gov/publications/SummerSafety/NIAAA_SummerSafetyFactSheet.pdf
  33. http://www.texasheart.org/hic/topics/hsmart/hydrate.cfm
  34. http://www2.epa.gov/sunwise/uv-index
  35. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/best-sunscreen/art-20045110
  36. http://www.americanskin.org/resource/safety.php
  37. http://www.seagrant.umn.edu/coastal_communities/hypothermia
  38. http://www.nytimes.com/2011/04/05/health/05really.html
  39. http://www.nhs.uk/Conditions/Heat-exhaustion-and-heatstroke/Pages/Symptoms.aspx
  40. http://www.skincancer.org/news/sunscreen/sunscreen-safety-is-called-into-question
  41. http://www.washingtonpost.com/national/health-science/are-parabens-and-phthalates-harmful-in-makeup-and-lotions/2014/08/29/aa7f9d34-2c6f-11e4-994d-202962a9150c_story.html
  42. http://abcnews.go.com/Health/safety-popular-spray-tans-question-protected/story?id=16542918

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này