Bạch hóa hai huyền thoại về Nhật Bản
Không tiếp nhận được thông tin chính xác, nhiều chiều sẽ dễ tạo ra nhiều…huyền thoại.
Những huyền thoại có màu sắc lịch sử một khi được tạo ra sẽ có sức hấp dẫn và độ ảnh hưởng rất lớn, dai dẳng.
Và thường thì lợi ít hại nhiều cho sự nghiệp kiến tạo văn minh.
Chẳng hạn ở VN có hai huyền thoại về nước Nhật có độ phổ biến rất cao.
Một là huyền thoại kể rằng vua Minh Trị là ông vua sáng suốt đã tiến hành cải cách giúp cho nước Nhật hùng cường khỏi bị biến thành thuộc địa.
Hai là huyền thoại kể rằng người Nhật trước kia nhỏ bé, thấp lùn nhưng sau này người Nhật cho phụ nữ kết hôn với Tây nên dần cải tạo nòi giống nên trở nên to cao.
Những huyền thoại dạng này lan tràn từ giới bình dân cho đến giới bút mực.
Nhưng tôi chưa từng đọc được bất cứ văn bản nào người Nhật viết chứng minh điều trên là sự thật.
Trên thực tế Minh Trị lên ngôi lúc 16 tuổi. Chính trị nước Nhật khi đó đầy sóng gió và nó nằm trong sự lèo lái của các chính khách lão luyện xuất thân võ sĩ với sự ủng hộ của tầng lớp võ sĩ bậc thấp, bậc trung, trí thức Tây học và dân chúng đã quá chán ngán Mạc phủ Edo.
Sau khi Minh Trị trưởng thành đủ khả năng làm chính trị thì ông ta làm toàn việc ngược lại văn minh: trì hoãn sự ra đời của nghị viện, đàn áp các phong trào dân sự đòi các quyền văn minh, khủng bố trí thức, xâm lược ra bên ngoài, tạo điều kiện nảy mầm chủ nghĩa quân phiệt…
Ví dụ dễ hiểu nhất là chính Minh Trị ra lệnh loại bỏ các cuốn sách của Fukuzawa Yukichi (nhà tư tưởng, nhà giáo dục có tác phẩm “Khuyến học” đang được đọc nhiều ở VN) ra khỏi trường học và thay vào đó bằng các sách… có tính chất Nho giáo.
Và nữa, ở Việt Nam chắc cũng ít người biết được rằng ở Nhật có cả phong trào vận động phản đối lễ kỉ niệm hoành tráng 100 năm Minh Trị với sự ủng hộ của nhiều trí thức.
Về chuyện cải tạo nòi giống bằng hôn phối, tôi cũng chưa từng nghe. Trên thực tế người tiến bộ về thể lực một cách ấn tượng từ thời Minh Trị là vì các yếu tố sau;
– Sự thay đổi về dinh dưỡng: ăn sữa, thịt bò
– Sự thay đổi sang thói quen sinh hoạt, học tập, lao động hợp lý, luyện tập thể dục-thể thao dựa trên các căn cứ khoa học, văn minh, thay vì các tập quán và kinh nghiệm.
Người Việt quan tâm đến Nhật Bản mạnh mẽ từ thời cận đại nhưng tiếc thay sự lý giải của người Việt về NB dường như không tiến bộ nhiều và nếu có cũng chỉ trong không gian rất hẹp. Có lẽ giống như một truyền thống, “học giới” ở Việt Nam thường mải mê với các danh hiệu khoa bảng hoặc thu mình trong thế giới hàn lâm để đua chen danh vọng thay vì hướng ra đại chúng.