Thời kỳ Minh Trị và thiên hoàng Minh Trị được phác họa như thế nào trong SGK lịch sử Nhật Bản?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một điểm khá thú vị, giống như một nhà sử học Nhật từng viết trên tạp chí giáo dục lịch sử-địa lý đại ý rằng ở các nước châu Á và châu Phi, nơi phải chịu nỗi khổ của ách thống trị thực dân người ta có xu hướng đánh giá rất cao cải cách Minh Trị và những điểm sáng của nó.

Để góp thêm thông tin, xin giới thiệu với các bạn phần trong SGK lịch sử Nhật Bản lớp 6 (lớp cuối cùng của bậc tiểu học) viết về giai đoạn lịch sử Nhật Bản từ cuối Mạc phủ Edo đến hết thời Minh Trị.

Lưu ý với các bạn một điểm rằng ở Nhật sau 1945 thực hiện chế độ kiểm định SGK vì thế mỗi bộ sách giáo khoa sẽ có cách viết, nội dung ít nhiều khác nhau. Và nữa, trên thực tế giáo viên khi thực hiện các thực tiễn giáo dục của mình sẽ thiết kế nên các nội dung trong nhiều trường hợp khác với SGK.

Dưới đây là đoạn trích với tiêu đề tôi tự đặt.

Toyotomi Hideyoshi thống nhất toàn quốc[sửa]

Hideyoshi, một busho (võ tướng) có quyền lực của Nobunaga sau cái chết của Nobunaga đã ngay lập tức đánh đổ Akechi Mitsuhide và trong vòng 8 năm đã hàng phục được các Daimyo toàn quốc. Hideyoshi đã trấn áp thế lực của Ikko Ikki và sau cứ điểm Ishiyama HOnganji, ông ta đã xây dựng lâu đài Osaka thành cứ điểm chính trị và được triều đình ban tước vị cao nhất là Kanpaku-Daijodaijin, cai trị toàn quốc.

Hideyoshi đã phái Keniin (gia nhân) đi khắp toàn quốc và đo diện tích đất ruộng, điều tra nguồn gốc, thu hoạch, tên nông dân cày cấy và ghi lại. Đây được gọi là Kenchi (kiểm địa).

Người nông danh bị ghi tên thay cho việc được công nhận quyền canh tác ruộng vườn lại phải đảm nhận nghĩa vụ nộp thuế theo quy định.

Bên cạnh đó, Hideyoshi còn ban lệnh “săn kiếm”, điều tra thu giữ các loại vũ khí như súng, kiếm nhằm ngăn ngừa nông dân nổi loạn. Bắt võ sĩ, và người thành thị (thợ thủ công, thương nhân) sống ở phố dưới lâu đài, đối với người nông dân thì cấm bỏ ruộng, rời làng, trở thành võ sĩ hoặc thương nhân. Thân phân của võ sĩ với nông dân, thương nhân, thợ thủ công đã được phân biệt rõ.

Hideyoshi muốn chinh phục nhà Minh (Trung Quốc) vì vậy đã hai lần đem đại quân đánh Triều Tiên. Do cuộc chiến tranh xâm lược này mà lãnh thổ Triều Tiên trở nên hoang phế, rất nhiều người Triều Tiên bị giết hoặc bị đưa tới Nhật Bản. Cuối cùng do sự chống cự mãnh mẽ của người Triều Tiên và sự giúp đỡ của quân Trung Quốc mà quân của Hideyhoshi bị sa lầy và sau khi Hideyoshi chết vì bệnh, Nhật Bản đã triệt binh.

Tokugawa Ieyasu mở Mạc phủ Edo[sửa]

Khi Hideyoshi hoàn thành thống nhất thiên hạ thì Tokugawa Ieyasu đã lấy khu vực Kanto làm cứ điểm tích trữ lực lượng. Sau khi Hideyoshi chết Ieyasu trong trận chiến Sekigahara (tỉnh Gifu) đã đánh bại quân của phe Toyotomi và bắt các Daimyo toàn quốc hàng phục.

Năm 1603 Ieyasu trở thành Chinh di đại tướng quân và mở ra Mạc phủ Edo (Tokyo). Bên cạnh đó ông tấn công thành Osaka diệt dòng họ Toyotomi và tăng cường nền móng của Mạc Phủ.

Khi Mạc phủ Edo hình thành, các đời tướng quân dòng họ Tokugawa đều sống ở Edo và bắt đầu xây dựng các tòa thành thích hợp ở vùng đất trung tâm chính trị và xây dựng khu phố dưới thành. Ieyasu đã cho lấp các vùng đất biển ăn vào đất liền dọc duyên hải, cho xây dựng các bến thuyền và sông đào nhằm tạo ra nơi bốc dỡ nguyên liệu xây dựng chuyển đến từ các địa phương bằng thuyền. Các Daimyo trên toàn quốc được lệnh phải gánh vác chi phí về tiền và nhân lực cần thiết đối với các công trình xây dựng. \

2. Sự trưởng thành của dân chúng và sự biến đổi của xã hội.[sửa]

Hãy tìm hiểu đoàn Daimyo đang xếp thành hàng dài[sửa]

Trên con đường dẫn tới Edo có hàng người xếp hàng dài. Daimyo của phiên Kaga (tỉnh Ishikawa) là Maeda đã đem theo 2000 người xếp thành hàng dài hướng tới Edo.

Hàng người này xuất phát từ Kanazawa là cố quốc (lãnh địa) đi qua Takada (tỉnh Niigata), Nagano tiến vào đường Nakasendo. Để đến Edo phải mất tới 13 ngày. Chúng ta hãy vừa quan sát tranh, vừa tìm hiểu, thảo luận về hàng người xem tại sao lại có hàng người đó nào.

Quyền lực của Shogun và võ sĩ, nông dân, thị dân[sửa]

Mạc phủ Edo đã phân chia trên 200 Daimyo trên toàn quốc thành “thân phiên” (họ hàng với họ Tokugawa), “phổ đại” (Kajin có từ thời cổ đại), “Ngoại dạng” (các daimyo hàng phục tokugawa sau trận Sekigahara) và bố trị họ vào các địa điểm thuận lợi cho Mạc phủ.

Bên cạnh đó, Mạc phủ còn tạo ra quy định đối với võ sĩ gọi là Bukesho Ketto (Luật võ sĩ), những ai không tuân theo sẽ bị phạt nặng. Tướng quân đời thứ ba là Iemitsu còn đặt ra chế độ giao ban. Các Daimyo cứ lần lượt một năm sống ở Edo một năm sống ở Kunimoto (lãnh địa), vợ và con bị buộc sống ở Edo làm con tin. Mạc Phủ với sức mạnh quyền lực đã cai trị các Daimyo trên toàn quốc.

Các daimyo đem theo cả một số lượng lớn Kerai đi về giữa Edo và kunimoto, ở Edo cũng phải xây nhà cửa, phải nuôi gia đình và kerai. Vì vậy sức mạnh kinh tế của phiên suy giảm.

Mạc phủ cho rằng võ sĩ là người cai trị xã hội vì thế ban cho độc quyền có họ, được đeo kiếm và thân phận cao quý. Trái lại, mọi người được chia ra thành nông dân, thị dân (thợ thủ công, thương nhân) và có thân phận phải chống đỡ cho cuộc sống của võ sĩ. Trong từng giới lại phân chia quan hệ trên dưới chi tiết. Bên cạnh đó, phụ nữ phải tuân theo đàn ông và cách nghĩ cho rằng phụ nữ có địa vị thấp hơn đàn ông cũng mạnh lên.

Cuộc sống của võ sĩ dựa vào gạo cống nạp của nông dân. Vì vậy Mạc phủ cấm nông dân bỏ làng, cấm làm các công việc khác ngoài nông nghiệp. Người nông dân phải nộp thuế đến 40-50% thu hoạch, những người không nộp và những người phạm tội đều phải chịu trách nhiệm.

Thêm nữa, Mạc phủ còn quy định đối với nông dân, thị dân về nơi sống, phục trang, quan hệ với những người có địa vị khác. Quy định về thân phận này là thứ có lợi cho võ sĩ-tầng lớp cai trị trong xã hội. Tuy nhiên những người này mặc dù phải chịu sự phân biệt đối xử khắc nghiệt vẫn vừa làm ruộng hoang để nộp thuế, sử dụng kĩ thuật tiên tiến để tạo ra các dụng cụ cần thiết cho cuộc sống và nuôi sống xã hội vừa phát triển rộng rãi nghệ thuật được lưu truyền từ quá khứ và có ảnh hưởng lớn tới văn hóa.

Cấm đi ra ngước ngoài và cấm người nước ngoài đến Nhật Bản[sửa]

Tokugawa Ieyasu muốn phát triển buôn bán với nước ngoài nên các thuyền buôn của người Bồ đào Nha, Tây Ban Nha đã thường xuyên đến Nhật. Thương nhân Nhật Bản cũng đi ra Đông Nam Á và xây dựng phố Nhật Bản ở khắp các địa phương.

Cùng với sự phát triển của mối giao lưu với nước ngoài, số tín đồ Ki-tô ở Nhật Bản tăng lên. Mạc phủ lo ngại rằng các tín đồ sẽ đoàn kết với nhau không nghe lời Mạc phủ cho nên đã cấm đạo Ki-tô. Thêm nữa vào thời Iemitsu, còn cấm cả người Nhật ra nước ngoài và người nước ngoài đến Nhật.

Vào thời gian này tại các địa phương như Shimabara của Kyushu (tỉnh Nagasaki), Amakusa (tỉnh Kumamoto) hơn 3 vạn nông dân khi bị nộp tô thuế nặng đã phản đối sự điều tra khắc nghiệt đối với Ki- tô giáo và nổi dậy. Những người nông dân đã đánh nhau suốt 4 tháng với quân Mạc Phủ nhưng sau đó bị dập tắt. Về sau Mạc phủ đã tăng cường hơn nữa sự điều tra đối với Ki-tô giáo.

Năm 1639 Mạc Phủ đã giới hạn chỉ cho phép Hà Lan, nước không mở rộng truyền đạo Ki-tô và Trung Quốc vào buôn bán và quy định chỉ có Nagasaki mới là nơi buôn bán. Đây gọi là Sakoku (Tỏa quốc). Bằng cách này, lợi ích của thông tin và buôn bán với nước ngoài trở thành độc quyền của mạc phủ.

Những người thị dân-nông dân có thế lực[sửa]

Trên khắp các địa phương toàn quốc nhờ sự tiến triển về kĩ thuật và nỗ lực của mọi người sản xuất đã rất phát triển. Để vận chuyển các nông sản và sản vật, các đường bộ trở nên tấp nập và việc vận chuyển bằng thuyền cũng trở nên phổ biến.

Gạo cống nộp cho Mạc phủ và các Daimyo đặt ra được tập trung ở Osaka và được mua bán qua tay thương nhân. Ở bờ sông các nhà kho chứa gạo cống nộp của các phiên đứng xếp hàng và các túi gạo như ngọn núi được vận chuyển đến. Osaka, nơi vật tư của cả nước được chuyển đến và mua bán được gọi là “nhà bếp của thiên hạ”.

Edo được gọi là “Đại bản doanh” của Mạc phủ, vào thế kỉ XVIII đã phát triển thành đô thị lớn với dân số trên 1 triệu người. Phố có các cửa hàng đứng sắp hàng và vô số các sản phẩm phong phú vận dụng kĩ thuật của người thợ thủ công được sản xuất. Bên cạnh đó, nhờ tay những người thị dân có thế lực, nền văn hóa sôi nổi cũng được sinh ra.

Ở các đô thị lớn như Edo và Osaka, mọi người đã biết thưởng thức Kabuki và kịch hình nhân. Chikamatsumon Zaemon đã để lại rất nhiều kịch bản. Bên cạnh đó, nhờ kĩ thuật in tranh khắc gỗ, tranh phù thế đa màu đã được tạo ra với số lượng lớn và các bức tranh do những người có chức vụ nổi tiếng và tranh của Utagawa Hiroshige vẽ như bức “Tokaido gojusantsugi” đã thu hút được sự yêu mến của mọi người.

Thứ nâng đỡ cuộc sống của mọi người ở đô thị là các nông thủy sản từ các địa phương. Những người nông dân đã cải tiến nông cụ, phân bón, mở rộng diện tích canh tác, tu sửa thủy lợi để tăng sản xuất. Thêm nữa, bên cạnh gạo họ còn sản xuất các nông sản khác như bông, chè, cam, thuốc lá…bán lấy tiền.

Những nông dân có thế lực để bảo vệ cuộc sống của mình đã đưa ra yêu cầu như giảm thuế khóa, đuổi các chức dịch xấu và đoàn kết đứng dậy. Đây được gọi là khởi nghĩa nông dân.

Ở Osaka, Oshiohei Hchiro vốn là chức dịch của Mạc Phủ tức giận với việc các đại thương nhân và dịch sở không cứu giúp những người có cuộc sống khốn khổ vì nạn đói nên đã nổi dậy đánh phá

Buổi bình minh của học thuật[sửa]

Sugita Genbaku làm nghề y ở Edo một ngày nọ có được cuốn sách y học viết bằng tiếng Hà Lan. Hình vẽ cơ thể người trong cuốn sách đó hoàn toàn khác với hình trong cuốn sách y học của Trung Quốc có ở Nhật Bản từ trước đến nay. Về sau Genbaku khi cùng với người bạn là Maeno Ryotaku chứng kiến cảnh giải phẫu người đã vô cùng kinh ngạc khi thấy thân thể người trong thực tế giống hệt hình trong sách y học của Hà Lan.

Genpaku nghĩ rằng việc làm cho mọi người trong xã hội biết đến các tri thức chính xác là cần thiết vì thế đã quyết tâm dịch các sách y học của Hà Lan ra tiếng Nhật. Đương thời chưa có từ điển tiếng Hà Lan vì vậy công việc dịch sách rất vất vả. Tuy nhiên Genpaku sau 3 năm đã hoàn thành bản dịch và xuất bản nó với tên gọi “Giải phẫu tân thư”.

Nhân cơ hội này nghiên cứu học thuật về châu Âu thông qua sách tiếng Hà Lan (Hà Lan học) đã bắt đầu và thiên văn học, địa lý học, hóa học….đã được giới thiệu và số người quan tâm đến học thuật của thế giới tăng lên.

Hắc thuyền tới Nhật Bản[sửa]

Mùa hè năm 1853, bốn chiến thuyền đen đã bất ngờ hiện ra ở Uraga (tỉnh Kanagawa). Tất cả các khẩu pháo đều hướng về Edo. Đoàn sứ Perry của Hợp chúng quốc Hòa Kì đã đến mang theo lá thư của tổng thống yêu cầu Nhật Bản mở cửa. Người ta cho rằng nước Mĩ muốn sử dụng cảng Nhật Bản để buôn bán với châu Á qua Thái Bình Dương.

Trước những con thuyền lớn chưa bao giờ nhìn thấy, người ở Uruga đã vô cùng kinh ngạc. Người thì kéo đến xem người thì mang theo tài sản, đồ vật chạy trốn. Các võ sĩ hoảng hốt tăng cường phòng bị bờ biển. Điều này mau chóng truyền đến Edo làm cho toàn Edo nhốn nháo.

Mạc phủ tiếp nhận thư nhưng không quyết định được mở cửa hay đóng cửa và trì hoãn trả lời.

Năm sau, Perry lại mang hạm đội tới và yêu cầu mở cửa. Mạc phủ lo sợ sức mạnh của Mĩ nên vào năm 1854 đã kí Hiệp ước hữu nghị với Mĩ và mở hai cảng là Shimoda (tỉnh Shizuoka) và Hakodate (Hokkaido) đồng thời mở cửa đất nước. Bên cạnh đó bốn năm sau, Hiệp ước thông thương Nhật Mĩ được kí kết đồng thời cũng kí các hiệp ước tương tự với Anh, Pháp, Hà Lan, Nga, thừa nhận buôn bán ở 5 cảng là Hakodate, Yokohama, Nagasaki, Niigata, Kobe. Và như vậy, thời kì tỏa quốc kéo dài suốt 200 năm đã chấm dứt.

Hiệp ước kí với nước ngoài thời gian này là các hiệp ước bất bình đẳng như người nước ngoài ở Nhật Bản cho dù có phạm tội thì cũng không thể xử theo pháp luật Nhật Bản, thêm nữa, không thể tự ý định ra thuế đối với mặt hàng nhập khẩu.

Mạc phủ Edo sụp đổ[sửa]

Khi thương mại với nước ngoài bắt đầu, hàng hóa trong nước khan hiếm và giá cả tăng cao làm cho cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy ở khắp các địa phương các cuộc nội dậy đập phá đòi “sửa đổi” nổ ra dữ dội.

Sau khi mở cảng, tại phiên Okayama nơi được Mạc Phủ ra lệnh tăng cường phòng bị, tài chính của phiên đã trở nên rất khó khăn và người dân được lệnh phải tiết kiệm nghiêm ngặt. Vào lúc này, phiên cũng đưa ra các mệnh lệnh nghiêm ngặt đối với những người bị phân biệt đối xử như: “phải mặc quần áo vải bông nhuộm nhựa cây hồng”, “Vào những ngày mưa thì có thể đi guốc nhưng khi gặp nông dân cùng làng thì phải bỏ guốc ra đi chân trần để chào”. Bị phân biệt đối xử như vậy, hơn nghìn người đã nổi dậy và mệnh lệnh đó của phiên không thực hiện được trong thực tế. Đây được gọi là cuộc khởi nghĩa thuốc nhuộm “Shibusome Ikki”.

Cả trong thế giới võ sĩ, động thái muốn tạo ra cơ cấu chính trị mới thay thế cho Mạc phủ già nua cũng mạnh lên. Trung tâm của phong trào này là các võ sĩ ở phiên Choshu (tỉnh Yamaguchi) và phiên Satsuma (tỉnh Kagoshima). Nhờ hoạt động của những người như Sakamoto Ryoma ở phiên Tosa (tỉnh Kochi), hai phiên đã kết thành đồng minh và hợp lực chống Mạc phủ, nhắm tới xây dựng chính phủ với trung tâm là thiên hoàng.

Trong bối cảnh như thế, tướng quân đời thứ 15 Tokugawa Yoshinobu đã trả lại chính quyền cho thiên hoàng. Như vậy, thời đại võ sĩ kéo dài gần 700 năm đã chấm dứt.

III. Hãy cùng nhìn vào sự xây dựng nước Nhật Bản mới[sửa]

Hãy tìm kiếm sự đổi thay của cuộc sống

Vào năm 1868 (năm Minh Trị nguyên niên), chính phủ mới với trung tâm là Thiên hoàng thay thế cho Mạc phủ Edo ra đời. Tân chính phủ chọn Tokyo làm thủ đô của Nhật Bản và niên hiệu đổi sang Minh Trị.

Bước vào thời kì Minh Trị, sinh hoạt kiểu phương Tây tập trung ở các đô thị như Tokyo, Yokohama, Osaka lan rộng. Những người mặc trang phục phương Tây, cắt chỏm tóc và đổi sang kiểu tóc phương Tây tăng lên, người ta nói rằng “khi thử vỗ vào đầu mới cắt thì vang lên tiếng Văn minh khai hóa”. Yokohama-nơi mở cảng cũng vậy bước vào thời Minh Trị đã thay đổi lớn. Cuộc sống của mọi người đã thay đổi như thế nào? Các em hãy nhìn tranh trên và thử tìm kiếm xem so với thời Edo nó có những điểm gì thay đổi.

1. Thời đại mới bắt đầu[sửa]

Trường học ra đời[sửa]

Một trong những thứ thay đổi lớn khi bước vào thời Minh Trị là việc trường học ra đời. Khi so sánh với Terakoya của Edo thì trường học mới ra đời có chút khác biệt.

Chính phủ cho rằng “Từ bây giở trở đi học vấn là thứ cần thiết cho cuộc sống của bản thân con người. Không được có người nào ở bất cứ làng nào, nhà nào không đi học” nên đã ra lệnh xây dựng trường học ở các phố, làng trên toàn quốc. Ở các phố, làng người ta đã mượn chùa làm trường học, dùng tiền để xây dựng trường mới và đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, trẻ em lại cũng là người có vai trò lớn trong gia đình. Thêm nữa cũng có cả những gia đình không trả được học phí. Vì vậy vào thời gian này chỉ có một nửa số trẻ em có thể đến trường.

Năm 1872 (năm Minh Trị thứ 5), ở Nhật Bản lần đầu tiên khai thông đường sắt nối Tokyo-Yokohama- đoạn đường mà trước đó đi mất nửa ngày giờ đây còn 53 phút. Hệ thống bưu điện cũng ra đời và thử gửi từ Tokyo đến Osaka mất khoảng 3 ngày.

Mặt khác, chính phủ vì muốn tiến hành công nghiệp hiện đại hóa nên đã mua máy móc của nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, xây dựng các công trường quốc doanh sản xuất vũ khí, chỉ sợi. Chính phủ cũng trả lương cao để mời các nhà kĩ thuật nước ngoài đến dạy kĩ thuật, tri thức tiên tiến.

Đuổi theo Phương Tây[sửa]

Những người như Saigo Takamori, Okubo Toshimichi của Satsuma (nay là tỉnh Kagoshima), Kido Takayoshi của Choshu vốn đã hoạt động tích cực để tạo nên chính phủ mới đã vừa lấy phương Tây làm hình mẫu vừa tiến hành cải cách chính trị và xã hội. Cải cách này gọi là Minh Trị duy tân. Chính phủ công bố “Lời thề 5 điều”, thể hiện phương phâm chính trị mới.

Trước tiên, chính phủ tuyên bố bãi bỏ các phiên, lập các tỉnh và cử chức dịch của chính phủ tới các tỉnh làm thống đốc. Kết quả là tất cả các Daimyo bị mất quyền lực và thậm chí cuộc sống của võ sĩ cũng mất. Bên cạnh đó chính phủ đã xóa bỏ sự phân biệt thân phận giữa võ sĩ, nông dân, thị dân. Gia đình Thiên hoàng thì gọi là hoàng tộc, các Daimyo gọi là hoa tộc, võ sĩ gọi là sĩ tộc, nông dân-thị dân gọi là bình dân. Bình dân cũng có họ và được quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú. Đây được gọi là Tứ dân bình đẳng.

Cả những người bị phân biệt đối xử trong một thời gian dài cũng trở thành bình dân nhờ “Lệnh giải phóng”. Tuy nhiên chính phủ không thực thi chính sách nâng cao đời sống và do tăng thuế và nghĩa vụ binh dịnh mà cuộc sống trái lại trở nên khó khăn hơn. Thêm nữa, sự phân biệt về nơi sống, kết hôn, nghề nghiệp vẫn chưa mất đi. Vì vậy những người này tiếp tục nỗ lực xóa đi sự phân biệt đối xử ấy.

Chính phủ ban hành sắc lệnh trưng binh quy định tất cả nam giới trưởng thành đều phải có nghĩa vụ binh dịch. Bằng sắc lệnh này quân đội với trung tâm là quốc dân đã thay thế cho quân đội của võ sĩ tồn tại từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, địa tô, thứ thuế tùy theo giá đất được thu thay cho cống nộp, và được thu bằng tiền mặt với số tiền nhất định mỗi năm. Những người nông dân có ruộng có thể tự do mua bán nhưng do phản đối địa tô cao mà nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra.

Mở quốc hội[sửa]

Chính phủ bằng biệc xúc tiến cải cách đã làm cho cơ cấu xã hội từ trước đến nay thay đổi lớn lao, mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó các sĩ tộc bất mãn với cách tiến hành chính trị hiện tại đã tiến hành phản loạn ở các địa phương.

Cuộc nổi dậy lớn nhất là cuộc nổi dậy của sĩ tộc ở tỉnh Kagoshima gọi là cuộc Chiến tranh Tây nam do Saigo Takamori, một người do đối lập ý kiến mà bỏ chính phủ làm chỉ huy. Saigo đã thất bại khi đánh nhau với quân đội của chính phủ được tổ chức nhờ vào Lệnh trưng binh. Từ đó về sau, các cuộc phản loạn của sĩ tộc giảm dần và mọi người bày tỏ bất mãn với chính phủ bằng ngôn luận.

Mặt khác, những người như Itagaki Taisuke đã gửi ý kiến của mình tới chính phủ đòi lập quốc hội, tiến hành chính trị bằng những nghị viên do quốc dân bầu ra. Tiếng nói đòi lập quốc hội dâng cao khắp toàn quốc, cả sĩ tộc, nông dân, nhà công thương cũng tham gia và đã có trên 20 vạn chữ kí gửi tới chính phủ.

Và như thế, phong trào tự do dân quyền đã bắt đầu. Mọi người thông qua các buổi diễn thuyết và báo chí đòi tự do và dân quyền, giảm địa tô, sửa đổi các điều ước bất bình đẳng được kí dưới thời Edo. Thêm nữa, ở từng địa phương mọi người còn học tập tư duy về tự do dân quyền và tạo ra các đoàn thể xúc tiến phong trào.

Chính phủ muốn dập tắt phong trào Tự do dân quyền nên đã điều tra nghiêm ngặt báo chí và các buổi diễn thuyết. Tuy nhiên phong trào vẫn mạnh lên và vào năm 1890 chính phủ đưa ra lời hứa sẽ lập quốc hội vào năm 1890. Để chuẩn bị cho việc lập quốc hội, Itagaki và Okuma Shigenobu đã thành lập các chính đảng.

Những người yêu cầu lập quốc hội đã tìm kiếm tư tưởng chính trị mới, mở ra các hội học tập suy nghĩ về hiến pháp ở các địa phương và công bố các bản hiến pháp của mình. Trong đó có những hiến pháp như Hiến pháp thành phố Itsuka được tao ra cùng với sự hợp sức của cả nông dân. Mọi người ở thành phố Itsuka (nay là thành phố Akiruno của Tokyo) tháng 3 lần tiến hành thảo luận và viết ra 35 điều về quyền của quốc dân.

Mặt khác, chính phủ với Ito Hirobumi làm trung tâm đã tham khảo hiến pháp của Đức-đế quốc hùng mạnh và đưa ra dự thảo hiến pháp. Bản dự thảo này không hề được công khai cho dân biết mà được công bố vào năm 1889 (năm Minh trị 22) với tên gọi Hiến Pháp đại đế quốc Nhật Bản dưới hình thức Thiên hoàng ban cho quốc dân. Và như vậy, Nhật Bản đã tạo nên hình dáng quốc gia hiện đại tiến hành chính trị bằng hiến pháp.

Trong hiến pháp này chủ quyền nằm ở Thiên hoàng, Thiên hoàng bổ nhiệm các bộ trưởng, tổng chỉ huy quân đội, có quyền tuyên bố chiến tranh. Thêm nữa, các quyền lợi của quốc dân như tự do ngôn luận được công nhận một phần nhưng nó lại bị giới hạn bởi pháp luật.

Năm sau, cuộc bầu cử đầu tiên diễn ra cả những người được bầu ra trong quốc dân cũng tham gia lập quốc hội. Tuy nhiên người có quyền bầu cử khi đó chỉ giới hạn ở những người là nam giới trên 25 tuổi và nộp một số tiền thuế nhất định.

2. Hai cuộc chiến tranh với Nhật Bản và châu Á[sửa]

Chiến tranh Nhật-Thanh , Nhật-Nga[sửa]

Năm 1894 (năm Minh Trị thứ 27), ở Triều Tiên diễn ra cải cách đòi loại bỏ thế lực của ngoại quốc ở Triều Tiên và nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nổ ra. Chính phủ Triều Tiên đã cầu cứu viện binh từ Trung Quốc (nhà Thanh) và khi nhà Thanh phái binh tới, Nhật Bản cũng ngay lập tức đưa quân đội đến Triều Tiên và chiến tranh Nhật-Thanh bắt đầu.

Vào thời gian này, Nhật Bản đã ép Triều Tiên kí hiệp ước bất bình đẳng và muốn mở rộng thế lực ở Triều Tiên. Vì vậy, sự đối lập với Thanh vốn đang có thế lực tại Triều Tiên trở nên sâu sắc. Trong cuộc chiến tranh này, Nhật Bản đánh bại Thanh, chiếm Đài Loan làm lãnh thổ, kiếm được số tiền bồi thường khoảng 300 triệu yên gần gấp 3 lần dự toán ngân sách quốc gia. Bên cạnh đó, Nhật Bản ép Thanh phải công nhận nền độc lập của Triều Tiên.

Nhật Bản sau khi áp chế được ảnh hưởng của Thanh và mở rộng thế lực vào Triều Tiên đã tiếp tục nhắm đến Mãn Châu (Đông Bắc Trung Quốc) và trở nên đối lập với Nga. Vì thế năm 1904, chiến tranh Nhật-Nga bắt đầu với chiến trường chính là Mãn Châu.

Trong trận đánh tại Lữ Thuận, Nhật Bản đưa đến 13 vạn lính nhưng có đến một nửa bị tử thương. Trong trận chiến trên biển, hạm đội do Togohei Hachiro chỉ huy đã đánh bại hạm đội của Nga. Tuy nhiên ở Nhật Bản năng lực cung cấp nhân lực, vật lực đã đến mức tối đa và ở nước Nga cũng diễn ra cách mạng vì vậy hai nước đã kí hiệp ước hòa bình.

Bóng đen chiến tranh và sáp nhập Triều Tiên[sửa]

Khi chiến tranh Nhật – Nga trở nên ác liệt, từ trong nước rất nhiều người bị đẩy ra chiến trường. Nhà thơ Yosano Akiko đã công bố bài thơ về người em trai ở chiến trường bày tỏ thái độ phản đối chiến tranh. Ý kiến phản đối chiến tranh cũng có đăng trên mặt báo nhưng số lượng rất ít. Phần đông quốc dân đều vui mừng với thắng lợi ở Lữ Thuận và hải chiến trên biển Nhật Bản.

Tuy nhiên, ở trong nước trong thời chiến tranh thuế đã tăng hai lần, giá cả leo thang và cuộc sống của người dân trở nên khó khăn. Trong hiệp ước hòa bình, Nhật Bản có được một nửa phái nam Xakhalin (Karafuto) và quyền lợi về đường sắt, mỏ khoáng ở nam Mãn Châu nhưng không có tiền bồi thường vì vậy ở khắp các địa phương diễn ra các đại hội phản đối hiệp ước hòa bình.

Người Trung Quốc và Triều Tiên sống ở nơi biến thành chiến trường trong hai cuộc chiến tranh đã bị tước đoạt sinh mạng, nhà cửa bị đốt cháy và gánh chịu thiệt hại nặng nề. Thêm nữa, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của người Triều Tiên, Nhật Bản đã sáp nhập Triều Tiên (Hàn Quốc) vào Nhật Bản năm 1910 (năm Minh Trị thứ 43) và biến nó thành thuộc địa.

Ở Triều Tiên, nơi bị biến thành thuộc địa, nhiều người đã mất ruộng đất bởi cuộc điều tra ruộng đất do Nhật Bản tiến hành. Vì vậy người Triều Tiên phải làm việc dưới tay người Nhật như là những tiểu nông, phải đi đến Nhật hoặc Mãn Châu (vùng đông bắc Trung Quốc) làm việc trong điều kiện khắc nghiệt ở các mỏ khoáng sản. Bên cạnh đó ở trường học Triều Tiên, giáo dục nhằm biến người Triều Tiên thành quốc dân Nhật Bản cũng được tiến hành, học sinh phải học tiếng Nhật, lịch sử, địa lý Nhật Bản. Trước sự cai trị nhằm tước đoạt lòng tự hào dân tộc của Nhật Bản, năm 1919 (năm Taisho thứ 8) người Triều Tiên đã đứng dậy trong phong trào giành độc lập. Phong trào có cả sự tham gia của học sinh trung học, học sinh nữ và lan rộng khắp toàn quốc.

Mặt khác, từ khoảng thời gian này, suy nghĩ phân biệt đối xử sai trái và khinh miệt người Triều Tiên, Trung Quốc cũng trở nên mạnh mẽ.

Sửa đổi các điiều ước bất bình đẳng[sửa]

Chính phủ ngay từ sớm đã tiến hành thương thuyết với nước ngoài nhằm giải quyết việc sửa đổi điều ước bất bình đẳng đã kí dưới thời Edo. Tuy nhiên, với lý do là Nhật Bản chậm chạp trong quá trình cận đại hóa nên việc này khó thực hiện được.

Năm 1886 (năm Minh Trị thứ 19) xảy ra sự việc tàu Normanton của Anh bị chìm ở gần bán đảo Kii khiến cho toàn bộ hành khách Nhật Bản và thuyền viên Ấn Độ chết đuối. Vào khi ấy, các thuyền viên người Anh từ thuyền trưởng trở xuống đã thoát ra bằng xuồng và tất cả đều vô sự. Đối với thuyền trưởng phải có nghĩa vụ cứu giúp hành khách nhưng do điều ước bất bình đẳng nên không thể xét xử người nước ngoài bằng pháp luật của Nhật Bản. Vì vậy thuyền trưởng chỉ bị phạt nhẹ trong phiên tòa do người Anh tiến hành.

Nhân sự kiện này, chủ trương phải sửa đổi càng nhanh càng tốt điều ước bất bình đẳng trong quốc dân đã trở nên mạnh mẽ. Chính phủ vừa tiến hành thương thuyết với từng nước vừa đưa ra hiến pháp, lập quốc hội để được công nhận là một quốc gia cận đại. Bộ trưởng ngoại giao Mutsu Munetsumi đã thành công trong thương thuyết với người Anh ngay trước chiến tranh Nhật-Thanh, người nước ngoài phạm tội từ đó trở đi sẽ bị xử theo pháp luật Nhật Bản. Các nước khác cũng công nhận điều này.

Năm 1911 (năm Minh Trị thứ 44), khi Komuraju Taro là bộ trưởng ngoại giao quyền tự do đánh thuế đối với hàng nhập khẩu được công nhận và việc sửa đổi điều ước bất bình đẳng hoàn thành.

Và như thế, Nhật Bản cuối cùng rồi cũng đã trở thành nước bình đẳng với các nước Âu Mĩ và hướng ra thế giới tăng cường sức mạnh quốc gia.

Hướng tới xã hội giàu có và bình đẳng[sửa]

Đến nửa sau thế kỉ XIX, công nghiệp Nhật Bản phát triển mạnh mẽ. Trước chiến tranh Nhật-Thanh, các công trường sản xuất sợi bông và lụa trở nên phổ biến và sản xuất tơ lụa đứng thứ một thế giới. Tơ lụa xuất khẩu sang Mĩ số tiền thu được dùng mua máy móc công nghiệp và chiến hạm.

Thêm nữa, chính phủ còn sử dụng số tiền bồi thường thu được từ chiến tranh Nhật-Thanh để xây dựng nên nhà máy sắt thép hiện đại Yahata ở Kitakyushu. Cứ thế, sau chiến tranh Nhật-Nga, công nghiệp nặng cũng phát triển và chiến hạm, đại pháo, máy công cụ đều dần được sản xuất trong nước.

Công nghiệp phát triển đã làm cho cuộc sống của người dân được nâng cao nhưng đồng thời các động thái nhằm cải thiện những vấn đề xã hội chưa được giải quyết cũng trở nên sôi nổi.

Năm 1911 (năm Minh Trị thứ 44) Hiraduka Raicho đã bắt đầu phong trào nhằm nâng cao địa vị và quyền lợi của phụ nữ vốn thấp kém hơn đàn ông trước đó. Năm 1918 (năm Taisho thứ 7) phụ nữ tỉnh Toyama đã tiến hành phong trào đòi giảm giá gạo. Phong trào lan rộng ra toàn quốc thu hút 70 vạn người tham gia và được gọi tên là “Bạo động lúa gạo” và phát triển thành phong trào quần chúng.

Năm 1922, những người dù đã trở thành bình dân những vẫn khổ sở vì sự phân biệt đối xử đã lập ra Zenkokusuiheisha (tổ chức Suihei trên toàn quốc). Tổ chức tuyên bố “chúng ta sẽ xóa bỏ sự phân biệt bằng chính sức mạnh của mình. Yêu cầu tự do nghề nghiệp và cuộc sống ổn định….” . Phong trào xóa phân biệt đối xử lan rộng.

Trong bối cảnh tư duy dân chủ muốn tự mình tiến hành chính trị của quốc dân lan rộng, phong trào đòi quyền bầu cử phổ thông cũng bùng nổ các cuộc biểu tình, diễu hành và các buổi diễn thuyết trở nên phổ biến. Năm 1925 tất cả nam giới trên 25 tuổi đều được công nhận quyền bầu cử. Tuy nhiên quyền bầu cử của phụ nữ vẫn chưa được công nhận như lời Ichigawa Fusae nói “phổ thông đầu phiếuvẫn chưa hoàn thành. Quyền bầu cử của phụ nữ vẫn còn” và tiếp tục phong trào đòi quyền tham gia chính trị của phụ nữ.

Mặt khác, chính phủ cùng năm đã đưa ra Luật duy trì trị an nhằm đàn áp các phong trào chính trị có mục đích thay đổi cơ cấu chính trị, xã hội.

Nguyễn Quốc Vương dịch từ Sách giáo khoa lịch sử lớp 6 Nhật Bản, quyển thượng

(Sách hoàn thành kiểm định vào ngày 31 tháng 1 năm 2003. Tác giả: Ito Mitsuharu, Sajima Tomomi và 32 tác giả khác. Kyouiku Shuppansha phát hành, sách dày 106 trang)

Nguồn[sửa]

Xem thêm[sửa]

Liên kết đến đây