Nhật Bản duy tân 30 năm/Chương V. Công phu giáo hóa

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này


*****

Ai nấy đã biết tới giữa thế-kỷ 19 vừa qua, dân-tộc Nhật-bổn vẫn đang là một dân-tộc còn hèn yếu quê mùa, bo bo thủ-cựu, chẳng hơn gì những dân-tộc khác ở Đông-phương nầy cùng trong thời đó; thế mà chỉ có một mình Nhựt-bổn vụt chốc đổi mặt thay da, xăng xái nhảy vọt lên đài văn-minh phú-cường được, là tại sao vậy?

Chắc có nhiều người trả lời mau mắn:

- Tại dân-tộc họ biết thời thế mà tỉnh-ngộ tự-tân.

Chính phải vậy rồi, song tôi tưởng câu trả lời ấy chưa đủ tỏ hết ý-nghĩa, tất chưa làm thỏa lòng những người muốn hiểu rộng biết xa được. Nếu có ai cắt-cớ lại hỏi vặn ta: “Cùng ở trong cái trình-độ thấp hèn gần giống như nhau, và cùng gặp cảnh-ngộ đại-khái như nhau, thế sao chỉ có một mình dân-tộc Nhựt-bổn biết thời-thế mà tỉnh-ngộ tự-tân, còn các dân-tộc khác thì không?”, vậy thì ta liệu trả lời ra sao cho được đây? Thiệt vậy cùng trong cái thời-gian xấp-xỉ lối đó, Đông-phương có mấy xứ cũng vì lẽ đóng cửa tuyệt giao, hay là vì lẽ chém giết tín-đồ Thiên-chúa, mà gây nên có cớ cho liệt-cường Âu Mỹ đem súng đồng tàu trận tới hỏi tội ra oai, chớ nào phải riêng mình xứ Nhựt mới có cái cảnh-ngộ ấy đâu! Nhưng sao mấy dân-tộc khác đều phải chìm đắm suy vong vào trong tay người, trừ ra một mình Nhựt-bổn là vẹn vẽ nguyên lành, lại mau mau đổi thay tấn-tới cho kịp thời bằng người được, vậy thì ở trong tất-nhiên họ phải có một cái gốc nguồn, một cái lực-lượng sẵn sàng làm sao đó rồi tới nay họ mới nảy ra tỉnh-ngộ tự-tân được như thế chớ.

Ấy là một vấn-đề quan-hệ, chúng ta nên tìm tòi suy xét.

Chính là vấn-đề giáo-hóa.

Nhựt-bổn trở nên một quốc-gia dân-tộc như ta thấy ngày nay, có thể nói rút lại một câu, là chỉ nhờ cái thành-hiệu của việc giáo-hóa khôn khéo mà ra. Giáo-hóa của lịch-sử dân-tộc, giáo-hóa của quan giỏi vua hiền, giáo-hóa của các bậc chí-sĩ tiên-giác, mấy cái nguyên-tố đó chồng chất lên nhau, kết thành tinh-ba rồi sanh ra đứa con quý-báu, tên là: Duy-tân tự-cường.

Bởi vậy, nếu ta muốn biết rõ lịch-sử duy-tân của Nhựt-bổn có gốc nguồn từ đâu phát ra, thì ta phải xét tới công-phu giáo-hóa của dân-tộc họ mới được.

Kể ra có hai phần quan-hệ nhứt:

Một phần là công-phu từ trong lịch-sử dân-tộc.

Một phần là công-phu của các bực chí-sĩ tiên-giác.

Chủ-ý chương nầy cốt đem những cái đặc-sắc giáo-hóa có dính dấp bồi bổ hơn hết cho cuộc duy-tân của nước Nhựt mà bày tỏ ra, để cho chúng ta phải nhìn biết rằng việc giáo-hóa có quan-hệ lớn lao cho cái vận mạng nhục, vinh, còn, mất của một dân-tộc một nước ra thế nào? Còn có chủ ý thứ hai là để giải nghi cho ít nhiều người mình thường băn khoăn không hiểu tại sao bốn năm nước ở góc trời Đông-phương nầy cũng là học trò văn-hóa Trung-quốc, nhưng rốt cuốc lại Trung-quốc, Cao-ly và Việt-nam mình dính chùm với nhau một lũ yếu hèn đến nay, còn Nhựt-bổn kia thì trổ ra đi được một ngả khác hết sức oai-vệ vẻ vang?

Việc giáo dục từ đời Minh Trị trở về trước[sửa]

Ngay từ khi mới kết hợp nhau thành dân tộc, xây dựng lên quốc gia, Nhật Bản đã có cái gốc quốc dân giáo dục rồi.

Cái gốc ấy là Thần giáo.

Thần giáo là nền tôn giáo tự nhiên của dân tộc Nhật Bản, do nơi tư tưởng nhất định “nước là nước thần sáng tạo, vua là con thần trị vì” mà lập nên. Bởi đó từ xưa người Nhật lấy đạo thờ cúng tổ tiên, tôn vua yêu nước, làm cội rễ giáo dục. Tuy đời Thượng cổ chưa có chữ nghĩa sách vở chi để làm phương pháp giáo dục, chớ trong hương tộc gia đình, trong phong tục tập quán, người ta vẫn lấy lời lẽ truyền dạy khuyên răn nhau về đạo xử thế lập thân cho đúng với Thần giáo. Trung hiếu, nhân nghĩa, trong sạch, thẳng ngay, kiên cường, vũ dũng, ấy đều là những tôn chỉ tinh ba của Thần giáo mà mỗi người Nhật nào cũng phải trau dồi gìn giữ ở đời.

Nhân vì tôn chỉ của Thần giáo như thế, cho nên về sau lần lần giao thông với đại lục rồi có Nho giáo và Phật giáo truyền sang Nhật Bản, càng giúp ích mở mang cho họ trở nên có văn hóa rực rỡ và có phương pháp giáo dục hẳn hoi chớ không có chống chọi trái nghịch với những tư tưởng sẵn có của họ một chút nào. Không như lúc sau, Cơ Đốc giáo ở Tây phương đem qua, gây ra đến sự xung đột đổ máu rồi tới đỗi Nhật Bản đóng cửa tuyệt giao.

Nho giáo sang Nhật nhằm đời vua Ứng Thần Thiên hoàng 応神天皇 [Oujin Tennou], vào khoảng năm 200 Tây lịch. Sau đó ít lâu thì tới Phật giáo.

Dưới xa, sẽ có một chương nói riêng về Nho giáo và Phật giáo ở nước Nhật, vì là một vấn đề cần dùng quan hệ, phải nói tách riêng mới được. Đây chỉ có ý kể sơ Nho giáo và Phật giáo có ảnh hưởng cho việc giáo dục của Nhật Bản thế nào mà thôi.

Người Nhật rất hoan nghênh Nho giáo Phật giáo truyền vào xứ họ, là vì họ thấy tôn chỉ đại cương của hai giáo ấy không khác xa gì tôn chỉ Thần giáo của họ xưa nay, nghĩa là đều dạy người ta về những đạo lý trung quân ái quốc, nhân nghĩa liêm sỉ như nhau. Nhất là Nho giáo đem chữ Hán qua cho họ có cách giáo dục bằng sách vở chữ nghĩa rất lợi tiện phân minh, chớ trước kia nước họ không có chữ riêng.

Bấy giờ trong nước mới mở ra trường học có đại học tiểu học, có công lập tư lập lấy Nho học làm chính học, và lấy Hán tự làm quốc văn.

Chủ ý giáo dục, với hạng dưới là cốt dạy dỗ những chuyện thông thường cần biết, còn với hạng trên là cốt rèn tập những người thông thái làm quan giúp nước.

Việc phổ thông giáo dục, tuy có một lúc bày ra hạn chế, chỉ có mấy ông thầy chùa tu đạo Phật mà giảng đạo Nho thì mới được mở trường dạy học, nhưng sau rồi nhà nước để dân tự do, ai muốn mở trường dạy trẻ, nhà nào muốn nuôi thầy dạy học cũng đặng. Các trường phổ thông này gọi là Tự Tử ốc 寺子屋 [Terakoya], tức như mấy thầy đồ trong xóm ở xứ ta ngày xưa, mà đạo thầy trò nghiêm trang kính mến cũng thế. Duy có cách dạy ở Nhật Bản khác: Con trẻ vô học ở Tự Tử ốc từ tám, chín tuổi đến mười hai, mười ba tuổi, bắt đầu học Tam tự kinh trước rồi lần hồi học tới Tứ thư, song ngoài việc học sách tập chữ ra, còn phải học làm toán, học viết thơ, học nói chuyện và học buôn bán giao thiệp… tùy theo chức nghiệp gia đình của đứa trẻ ra sao thì thầy đồ dạy cho môn học thích dụng đó.

Té ra về mặt tiểu học của người Nhật đời xưa đã biết dạy lối chuyên khoa thích dụng rồi, chớ không phải ròng dạy hư văn như ta trước kia.

Đến như đại học giáo dục cũng đã chia riêng ra nhiều khoa: Văn chương, nghệ thuật, chính trị, pháp luật; ai học khoa nào chuyên riêng khoa nấy, nhà nước nuôi cơm may áo cho và học sinh có quyền mượn sách để đọc, vì đời xưa kinh sách chưa có bản in, nhà trường chỉ có ít bộ viết bằng tay, người học phải chuyền tay nhau mà coi.

Té ra về mặt đại học ở nước Nhật cổ thời cũng đã biết cách tổ chức hơi giống như đời nay rồi.

Dầu là bực học nào thì việc giáo dục cũng là thu vào trong một mục đích: Hòa hồn Hán tài 和魂漢才 [Wakon Kansai].

Thế nào là Hòa hồn 和魂 [Wakon]?

Hòa hồn là tinh thần sẵn có của quốc dân.

Thế nào là Hán tài 漢才 [Kansai]?

Hán tài là kiêm thông tri thức của ngoại quốc.

Tóm lại tôn chỉ giáo dục, phải lấy Hán văn Nho học làm lợi khí để mở mang học thuật, bồi bổ trí thức cho họ, nhưng họ là dòng dõi người Đại Hòa vốn có tinh thần đặc sắc rất quý báu tốt đẹp vậy thì tinh thần đặc sắc ấy họ phải quý chuộng gìn giữ luôn luôn, không vì học khôn học chữ của người mà bỏ cái hay của mình đi được.

Thế là việc giáo dục ở nước Nhật đời xưa, tuy có thâu nhập Nho học của Tàu và triết lý của Phật làm cốt, nhưng đến cái gọi là tư tưởng tinh thần riêng của Nhật Bản đã có sẵn sàng, thì họ vẫn còn giữ, chớ không hề để cho bị xâm phạm tiêu tan đi.

Về việc võ, thì có phép giáo dục gọi là Võ sĩ đạo 武士道 [Bushido].

Muốn biết việc giáo dục ở nước Nhật cổ thời, không thể nào không nói đến Võ sĩ đạo; cũng như muốn biết giáo dục của Âu châu đời Trung cổ, thì ngoài giáo dục nhà tu ra, tất phải nghiên cứu đến giáo dục kỵ sĩ (chevalerie) của họ nữa.

Chuộng võ vốn là tinh thần cố cựu của dân tộc Nhật Bản, nguyên do từ trong sự tín ngưỡng Thần giáo, và lại bởi địa lý, bởi dân chủng buộc phải phấn đấu mà ra, ở chương thứ I đã có nói rõ. Đến giữa thế kỷ XII (Tây lịch) trở đi, có Võ sĩ đạo lập ra, tức là nền giáo dục về việc võ. Nhà võ sĩ phải giữ gìn bản lĩnh, trau dồi nhân cách của mình rất nghiêm rất khó; kính Thần, mộ Phật, tập võ nghệ, giảng văn học, lấy đức thẳng ngay kiệm ước làm tôn chỉ, coi lời nói mình nặng như Thái Sơn, không được sai chạy. Nhất là không biết tránh nguy sợ chết là gì, kẻ nào nhút nhát tránh nguy sợ chết là kẻ trái nghịch Võ sĩ đạo.

Lúc bấy giờ, khắp nước đều lấy việc vũ dũng khuyên răn tranh cạnh nhau, ai nấy gắng gổ làm cho rạng rỡ gia môn của mình. Tới lúc chúa Nguyên là Hốt Tất Liệt (忽必烈) từ đất Mông Cổ dấy lên, đã thôn tính được Trung Quốc mà làm vua rồi, liền thừa thắng đem binh ròng thuyền chiến tràn qua đánh Nhật Bản, bọn tướng sĩ hải phòng của Nhật tuy là yếu thế, mà cũng lăn nhào ra đánh binh Nguyên rất là can đảm, rốt lại phía Nhật chỉ còn có ba mạng sống sót. Trận này làm rúng động tấm lòng dân Nhật đối với việc chống giặc giữ nhà, thúc giục cho Võ sĩ đạo càng thêm phấn phát.

Từ đó, võ sĩ ráng sức tập rèn giáo dục, bên trong lấy quan niệm sống chết để trau dồi tinh thần, bên ngoài lấy những thuật cung mã đao kiếm để luyện tập gân cốt, trở nên hạng người đứng trên hết tứ dân, làm bức thành đỡ ngăn che chở nhà nước. Võ sĩ tự gánh lấy công việc dẹp loạn an dân, coi là nghĩa vụ trách nhiệm của mình, hai cây gươm của võ sĩ đeo bên mình, là cái dấu tỏ về danh dự, sánh với sinh mạng, danh dự còn quý báu hơn. Võ sĩ mà bị tịch thu mất hai cây gươm đó, rồi cấm mang trọn đời, ấy là cực hình, chớ tử hình còn là hạng thứ. Nhưng đã là võ sĩ, thì ai cũng có tinh thần dũng cảm, thà chịu bay đầu nát thân, không khi nào chịu để cho mất song kiếm.

Võ sĩ đạo có cái cao phong bỏ mình vì nghĩa, gan dạ xông pha, khiến cho Nhật Bản lừng lẫy oai danh ở hải ngoại. Phong Thần Tú Cát 豊臣秀吉 [Toyotomi Hideyoshi] làm tướng quân đem binh vượt biển đánh Triều Tiên, tung hoành oanh liệt, làm cho vua nhà Minh nước Tàu phải giật mình, chính là cái công của Võ sĩ đạo. Lúc này người Tây dương đã bắt đầu qua Nhật, những người Nhật có chí đang muốn thâu thái văn minh Tây dương, chẳng may bọn ngoại nhân truyền đạo làm cho Mạc phủ sinh nghi, mới có chính sách khóa cửa từ lúc ấy mãi cho đến đời Minh Trị duy tân, ròng rã 300 năm, nếu không vậy thì Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng giáo dục Tây phương sớm lắm rồi.

Tuy vậy, trận Phong Thần Tú Cát đánh Triều Tiên cũng có ảnh hưởng lợi ích cho quốc dân Nhật, là được văn hóa nghệ thuật của Trung Quốc do ngả Triều Tiên mà truyền sang.

Sau tới họ Đức Xuyên làm tướng quân, nhất thống toàn quốc, thiên hạ thái bình, không phải dùng tới vũ lực nữa, bèn ra sức mở mang về văn hóa. Thời kỳ này trải hơn hai thế kỷ rưỡi, việc học thuật giáo dục mở mang phát đạt lắm; chẳng những về mặt cổ học mà thôi, cho đến tân học cũng đã có một hạng người kiến thức để tâm nghiên cứu, khơi đào ra cái nguồn khai quốc duy tân sau này.

Việc giáo dục ở Nhật Bản hồi xưa lai lịch biến thiên đại khái là thế, ta chỉ xét sơ vậy cũng đủ, nhưng có một vài cái đặc sắc lạ lùng kể ra sau đây, ta nên chú ý.

Không phải như khỉ thấy ai làm gì cũng bắt chước y[sửa]

Sự thiệt, trước khi chưa có Hán tự truyền sang, Nhật Bản cổ thời không hề có văn tự riêng.

Có mấy nhà cổ học Nhật Bản nói rằng xứ họ thuở xưa đã có chữ riêng gọi là chữ A Tỳ Lưu 阿比留文字 [Abiru moji], có 47 âm, hình dáng gần giống như Ngạn văn 諺文 [Hanguru] là cổ tự nước Hàn (tức là Triều Tiên hay Cao Ly ngày nay). Người Nhật cho thứ chữ này là “Thần đại văn tự 神代文字 [Jindai moji hoặc Kamiyo moji]”, nghĩa là thứ chữ ở đời Thần mới dựng nước trị vì, hiện nay không còn thấy dấu tích ở đâu nữa.

Song, một nhà bác học ở đời Duy tân là ông Đằng Cương Thắng Nhị 藤岡勝二 [Fujioka Katsuji], đã có công khảo cứu kỹ lưỡng về quốc ngữ Nhật Bản, nói rằng cổ thời Nhật Bản không có chữ riêng nào cả. Chẳng qua đời trước, khi đã có Hán tự truyền sang rồi, có mấy nhà học giả háo sự, lấy cớ Nhật Bản cổ thời không có chữ riêng là sự xấu hổ, bèn đoán chừng mà bày vẻ ra chữ A Tỳ Lưu cho có chuyện đó thôi. Dầu phải cổ thời thiệt có thứ chữ ấy đi nữa, thì nó cũng chưa được thông dụng cho dân, mà cũng chưa thành hình thể, chưa đúng tư cách một thứ chữ. Tóm lại, Đằng Cương nói quyết rằng thuở xưa Nhật Bản không có văn tự riêng của mình bao giờ.

Tôi muốn nhắc tích xa xôi như thế là để chỉ rõ ra rằng Nhật Bản bắt đầu có lịch sử trở đi, tới 900 năm không có chữ riêng mà dùng; việc giáo dục lúc ấy chỉ là một cách mẫu giáo khẩu truyền, đại khái cũng như nước Nam mình về đời Hùng Vương vậy. Đến lúc được 1000 năm dẫn tới (nhằm thế kỷ thứ II của Tây lịch), có Hán tự vượt biển truyền sang thì Nhật Bản mới có văn tự.

Từ đây, sự giáo dục trong xứ đã có phương pháp truyền bá: Họ lấy ngay Nho giáo làm quốc học, Hán tự làm quốc văn.

Nho giáo, Hán tự của ông thầy Trung Quốc có ba cậu học trò ruột: Cao Ly, Nhật Bản và nước Nam mình.

Nhưng mà giống người Nhật có cái đặc tính tự lập lạ lùng; họ cần phải bắt chước ai về chuyện gì thì cứ bắt chước, mà vẫn giữ nguyên cái đặc tính tự lập của họ, chớ không phải bắt chước như khỉ, thấy ai làm sao thì cũng làm theo y như vậy.

Người mình học theo đạo Nho chữ Hán, chỉ trừ ra đọc âm là khác Tàu một chút thôi, còn thì bao nhiêu chế độ văn vật của Tàu bày đặt thế nào, mình đều rước lấy và phỏng theo giống y như thế ấy. Từ áo mão phép tắc chốn triều đình, lễ nghĩa luật lệ giữa dân gian, cho đến mọi việc từ chương, khoa cử, tang tế, phẩm hàm… nhất thiết chuyện gì mình cũng in khuôn, ráp kiểu của Tàu, không sai một mảy. Trải mấy ngàn năm, hễ Tàu vẽ vời thay đổi cái gì, ta đều bắt chước đúng y cái đó, làm như theo đuôi dính gót người Tàu, không khác gì hình với bóng. Khổ nhất là cúi đầu nhắm mắt mà bắt chước cả cái học vấn luân lý của bọn Tống Nho và rước lấy cái độc hại mê mộng khoa cử, khiến cho dân khí hèn yếu, quốc vận suy vi, rồi thì thầy sao trò vậy, dính chùm với nhau một lũ hư hèn chìm đắm như ngày nay. Cao Ly cũng thế, vì họ cũng bắt chước Tàu một cách “chụp hình” như ta.

Nhật Bản đâu có phải vậy. Cũng thì học trò văn hóa Trung Quốc, nhưng mà họ biết lựa lọc điều hay, xa lánh mối tệ, để lập nên một tinh thần cốt cách riêng. Ta coi nội một chuyện học theo chữ Hán đạo Nho đủ tỏ ra giống người Nhật có đặc tính tự lập lớn lắm.

Một là không thèm chuộng hư văn.

Chỗ cốt yếu của họ trong sự lợi dụng Hán tự là để làm phương pháp giáo dục, mà giáo dục chỉ chuyên thực dụng, chớ không ham chuộng hư văn. Trong xã hội cũng có một hạng là bác học danh nho, ưa mài dũa văn chương, ngâm nga thơ phú bằng Hán tự; còn dân chúng thì chỉ cốt nhờ nơi Hán tự để học cho biết về lịch sử, về đạo lý, cùng là các việc nhật dụng thường thức, nghệ thuật, chức nghiệp mà thôi; đến việc văn chương đối với họ chỉ là dư sự, biết hay không biết cũng chẳng lấy làm khinh trọng gì.

Sự thiệt, Nhật Bản học chữ Hán mà không chịu nô lệ phục tòng nó quá lố như Cao Ly với nước Nam nhà mình. Bởi vậy, khi chữ Hán đã truyền rộng ở trong dân gian rồi, ngày nào người ta cũng phải thường viết thường dùng tới, có mấy nhà học thức cao kiến, thấy chữ Hán rằn ri nhiều nét quá, vừa khó đọc khó viết cho người ta, và e bất tiện cho việc học vấn giáo dục, nên chi mấy ông tìm cách sửa đổi cho giản tiện dễ dàng. Rồi đó có lối chữ gọi là Bình giả tự và Phiến giả tự ở trong trí riêng của họ đẻ ra. Nghĩa là họ nhân chữ Hán mà tạo thành một lối văn tự riêng của Nhật Bản vậy.

Bình giả tự 平仮字 [Hiragana] là mượn lối chữ viết tháu mà biến ra chữ thiệt, để viết cho đỡ tốn nét.

Phiến giả tự 片仮字 [Katakana] là lối chữ chỉ muợn lấy một “mảnh” của chữ Tàu, hoặc một bên, hoặc một góc, hoặc trên đầu, hoặc dưới cẳng, để viết cho được giản tiện, kẻo nguyên chữ rắc rối nhiều nét quá.

Hợp lối chữ mượn này với một phần Hán tự còn để y nguyên, lập thành ra lối văn tự riêng của Nhật Bản, gọi là Hòa văn 和文 [Wabun], nghĩa là chữ của dân tộc Đại Hòa. Có thể nói là “riêng” được hẳn hoi, là vì ta thấy ngoài Hòa văn ra, những chữ Hán nào họ còn để y nguyên mà dùng, thì khi viết ra mỗi chữ Hán ấy đều có thể chua theo âm Nhật ở bên cạnh. Vả lại chính Hán văn người Nhật cũng viết theo thể cách mẹo luật riêng của họ, chớ không giống như hơi văn kiểu đặc của người Tàu. Mình đây học chữ Hán, đã từng có các cụ thơ hay văn giỏi, bóc lấy cái giọng Hán Đường khiến cho người Tàu xem phải kính phục, nhìn nhận không thua gì họ; Nhật Bản thì khác, có người Nhật đã nói: “Chúng tôi có lắm ông chuyên trị Hán văn, viết ra dầu hay mấy mặc lòng, cũng vẫn có chứa cái khí vị Nhật Bản trong đó”.

Có lần tôi được tiếp chuyện một ông lãnh sự Nhật ở Sài Gòn, là Cao Trạch Trinh Nghĩa 高沢貞義 Consul Takazawa, nhân hỏi tại sao văn pháp chữ Hán của người Nhật viết khác người Tàu? Ông Cao Trạch nói: “Có lẽ tại chúng tôi học chữ Hán từ đời cổ thế nào, sau vẫn tôn trọng giữ gìn thế ấy; còn chữ Hán ở bên Tàu thì trải nhiều lớp biến thiên sửa đổi về những lề lối dùng chữ đặt câu mới tới ngày nay, tự nhiên văn pháp hai đàng khác nhau nhiều”.

Tôi tưởng lời ông Cao Trạch (Takazawa) có lý.

Ngay đến Hòa văn từ xưa truyền lại, cũng từng trải nhiều phen sửa sang bồi bổ cho tới nay, mới thành ra một thể văn hoàn toàn phổ thông. Sách văn báo chí đều biên chép bằng lối chữ riêng đó, xen lộn với ít nhiều Hán tự, nhưng thường bên cạnh Hán tự có chua quốc âm tức là Hòa văn, rất là lợi tiện, dễ hiểu cho dân, đã không mất lâu công phu học tập và cũng không phải viết quá phiền phức như là Hán tự để nguyên hình thể. Thử coi một dân tộc có tính cách tự lập đến đỗi đi mượn chữ người ta cũng biến hóa thành ra chữ mình như thế, đáng phục biết bao!

Nói tới đây tôi chợt nhớ lại ông bà ta xưa cũng từng dựa theo Hán tự mà đặt ra lối chữ Nôm, nhưng chỉ vì cái óc mình quá sùng bái, quá nô lệ Hán tự, cho nên chữ Nôm không có thể biến hóa trọng dụng mà thành ra một thể quốc văn có lợi ích cho việc học vấn giáo dục như là Hòa văn của Nhật kia được, thật là đáng tiếc!

Hai là Nhật Bản không nhiễm cái độc khoa cử làm quan.

Nước Tàu, từ đời Hán đường trở đi, bày ra lề lối khoa cử thi đậu làm quan, là cốt để lung lạc cám dỗ đám văn nhân say mê cặm cụi vào đó cho dễ cai trị, không ai còn tâm tư trí não để nghiền ngẫm suy cứu hầu có nảy ra tư tưởng nào rộng xa, lý thuyết gì cao kỳ được nữa. Vì bọn làm vua hầu hết những kẻ sáng nghiệp quân chủ là hạng võ nhân rất sợ những tư tưởng cao, lý thuyết lạ, có thể làm rúng động dân tâm, bất lợi cho cái ngai vàng của họ. Như đời Chu về trước, là đời chưa có khoa cử nhử mồi, trói óc người ta, thành ra tư tưởng học vấn được tự do phát triển, có phải đời ấy đã nảy ra được lắm triết lý cao, nhiều học thuyết mới, và có những bực thánh triết hiền tài như Khổng, Mạnh, Trang, Mặc… kế tiếp nhau nổi lên đó. Thử hỏi từ Hán Đường trở xuống, có khoa cử bày ra rồi, nước Tàu có những tư tưởng và nhân tài như thế mọc ra nữa không?

Ai cũng phải trả lời: “Không!”

Xét nội chỗ đó đủ thấy nọc độc khoa cử là ghê gớm.

Nước Nam mình rước văn hóa Tàu và rước luôn cả nọc độc ấy nữa, lại còn khéo vẽ vời châm chế cho độc thêm, hèn chi suốt cả lịch sử dân tộc trải mấy ngàn năm, người mình không hề có ai sáng tác xây dựng ra được một thứ gì gọi là cốt riêng, vẻ lạ; rất đỗi tới lúc có những súng đồng tàu trận dàn ra ở trước cửa nhà mình rồi, thế mà các cụ danh nho học giả mình cũng còn mê mộng vào khoa bảng từ chương, còn ỷ y vào cái đạo trị quốc an dân của Nghiêu Thuấn Võ Thang mới khổ!

Đem minh chứng ra như vậy để tỏ cho biết người Nhật là khôn.

Thiệt, họ đón rước văn hóa chế độ của Tàu đủ thứ, chỉ trừ ra cái chế độ khoa cử là không. Nói cho phải, thuở xưa họ cũng có đặt ra phép thi để kén hiền tài, nhưng cách thi giản tiện tự nhiên, chớ không quá trương hoàng tô điểm như khoa cử bên Tàu để làm cho say đắm lòng người. Vả lại theo thường, họ trọng sự tấn hiền cử tri như lối kén chọn nhân tài đời xưa, và cũng gần giống như lối đầu phiếu tuyển cử đời nay, nghĩa là ai phải hiền tài, thế nào quan trưởng sở tại cũng phải tâu bày tấn cử để cho phiên chúa hay tướng quân bổ dụng.

Huống chi bản ý giáo dục của họ, bao giờ cũng có ý cốt huấn luyện cho dân có nhân cách trước, có học thức sau, hơn là có ý rèn tập người ta mai sau làm quan. Họ lấy tài vũ dũng ra tranh hành phấn đấu, để làm cho rạng tỏ gia môn, lập nên công nghiệp là phần nhiều. Có lẽ nhờ đó mà họ không vương nhằm cái độc hư văn khoa cử, và chính vì chỗ tránh khỏi cái độc này, nên chi ngay từ hồi xưa, nghệ thuật công thương của họ đã mở mang khá lắm.

Ba là sớm biết Hán học thiếu sót.

Dân Nhật vốn giàu cái khí tượng hăm hở tấn thủ luôn luôn, không chịu ngồi một nơi, đứng một chỗ. Nội một việc bóc lột Hán văn đặt ra thứ chữ riêng, như đoạn trên đã nói, chính là một cái khí tượng tấn thủ tỏ bày rõ ràng.

Đến đỗi sau khi Hán văn truyền bá tới một bực cao và lại có Hòa văn đặt ra, lợi tiện cho việc học vấn giáo dục lắm, nếu như dân tộc nào khác chắc lấy làm tự mãn tự túc rồi, nhưng dân tộc Nhật Bản lại có ý bất mãn về Hán học đã lâu, cho là Hán học hãy còn thiếu sót. Bởi bất mãn về Hán học, nên chi hồi xưa đã có những người chú ý chuyên tâm về sự học khác.

Buổi đầu Mạc phủ Đức Xuyên (trước đời Minh Trị duy tân lối 250 năm) đã có năm ba người Âu châu, nhất là người nước Hòa Lan, lần mò sang Đông phương buôn bán, nhiều nhà trí thức ở Nhật Bản cùng họ giao thiệp, xét biết cái học của Tây phương là hay, rồi cặm cụi học tập với mấy người Hòa Lan đó. Ấy là Lan học 蘭学 [Rangaku]. Chớ chi lúc sau đừng có mấy ông cố đạo làm cho Mạc phủ sinh nghi mà phải thi hành chính sách khóa cửa, thì chắc học thuật Tây phương đã có thể tràn vô Nhật Bản từ sớm kia rồi.

Dầu sao mặc lòng, giữa đời Đức Xuyên là đời Hán học toàn thịnh và Tây phương bị nghi, thế mà trong nước vẫn có năm ba nhà học vấn đã sớm giác ngộ về chỗ hơn kém của hai thứ học Đông Tây, mà biết khuynh hướng về thứ hơn, rồi lần lần giác ngộ cảm hóa khắp nước, thành ra một nền dân gian giáo dục mới, mở đường đi và lên tiếng trước cho cuộc duy tân khai quốc sau này. Ta nên biết cái hạng học vấn tiên giác có ảnh hưởng lợi ích cho nước non nòi giống là vậy đó! Có đâu quá nô lệ phục tòng Hán học như nhà nho nước mình, hèn chi có lúc Phố hiến tụ tập ngoại nhân đông đảo, là lúc có kỹ sư Pháp đóng tàu đúc súng giùm cho vua Gia Long, chớ hề có nhà học vấn nào biết mở mắt dòm người, động lòng tự giác một chút!

Đó, ta coi dân tộc Nhật Bản từ xưa, về mặt văn hóa giáo dục vẫn giữ tinh thần bản chân và có tính cách tự lập, chẳng những là bắt chước người, mà khéo cân nhắc lợi hại, lựa chọn dở hay, lại còn mượn chữ người để đặt ra chữ riêng của mình được, ấy là một sự cổ lai hình như chẳng thấy dân tộc nào có. Cái cơ sở Minh Trị duy tân dựng lên được mau, chính là nhờ có sẵn cốt cách đời trước đó vậy.

Đại khái việc giáo dục trong đời Minh Trị[sửa]

Trên đây đã có đoạn nói sơ về sự nghiệp giáo dục của Nhật Bản cựu thời cùng là chỉ tỏ ra mấy cái đặc sắc về văn hóa trước đời Minh Trị duy tân. Đoạn này nói về sự nghiệp giáo dục của chính đời Minh Trị, cố nhiên cũng chỉ nói lược những điều cốt yếu mà thôi.

Trước hết, có một điều ta nên nhìn biết ngay, là trong cái quy mô lớn lao của Minh Trị Thiên hoàng nhất định cải cách duy tân, việc giáo dục chính là việc chú trọng đầu hết. Bởi vậy, bữa hôm Thiên hoàng hạ chiếu duy tân, ngài ngự ra điện Tử Thần 紫宸殿 [Shishinden hoặc Shishiiden], hội các công khanh chư hầu làm lễ tế cáo trời đất và tổ thần, rồi thề nguyền năm điều, ta thấy hai điều quan hệ về giáo dục. Điều thứ tư thề bỏ hết những thói hư tục lệ ngày xưa, và điều thứ năm thề phải cầu học những tri thức mới trong thế giới, mở mang tân học cho quốc dân. Thế là tỏ ra chủ tâm của vua Minh Trị chuyên trọng việc giáo dục lắm.

Việc giáo dục đã đành cần phải mở mang sắp đặt cho đủ các trường các khoa như bên Âu Mỹ, nhưng ý vua Minh Trị ân cần thứ nhất về chỗ giáo dục bình dân, hầu cho trong nước không sót một tên dân nào mà không có học, không biết chữ. Nguyên là việc giáo dục ở nước Nhật thuở xưa tuy có hồi đã tổ chức hẳn hoi, khá lắm, nhất là về đời cận kim, đời Mạc phủ Đức Xuyên, văn hóa giáo dục rực rỡ đáo để, nổi lên nhiều bậc danh nho bác học không phải là vừa, nhưng vậy mà công ơn giáo dục chỉ hạn ở trong đám hoa tộc và sĩ tộc được hưởng nhiều thôi, chớ đám thứ dân thì quanh quẩn có mấy trường học “thầy đồ lối xóm” gọi là “Tự Tử ốc” 寺子屋 [Terakoya] để học tập viết chữ đọc sách và làm toán, chỉ có ba món đó thôi, ngoài ra không học trí thức cao xa gì khác. Nay vua Minh Trị muốn cho hết thảy thứ dân đều có học thức như ai, cho nên ngài rất lưu tâm vun bón từ dưới gốc, nghĩa là mở mang tiểu học thật rộng.

Khi công bố thể lệ việc học ra, trong tờ dụ của Minh Trị Thiên hoàng có câu:

“Từ nay trở đi, chúng thứ nhân dân, không kể hoa tộc sĩ tộc cùng là các hạng cày ruộng, làm nghề, đi buôn, cho đến đàn bà con gái cũng vậy, tất sao trong làng đừng còn một nhà nào không học, trong nhà đừng còn một người nào không học 自今而後。衆庶人民。無論華士族與農工商。至其婦女子。必期邑無不學之月。家無不學之人”.

Xuống tới chặng khác, có câu dụ này càng tỏ ra ý vua Minh Trị hết sức ân cần về việc tiểu học:

“Duy có môn học cao xa, là tùy theo tài năng của mỗi người, chớ như hạng tuổi nhỏ trẻ con, thì không hạn là trai gái, tất phải cho chúng theo học tiểu học hết thảy, nếu không thế thì trách lỗi ở những kẻ phụ huynh 惟高尚之學。各任其人之才能。至幼稚孩童。則不別男女。必當從事於小學。其不然者失在殳兄”.

Nói rồi làm liền. Việc sắp đặt chỉ trong ít tháng, toàn quốc mở ra trường học lối mới đầy rẫy, cộng có 8 trường đại học, 256 trường trung học, 53.760 trường tiểu học. Tính ra mỗi chỗ có chừng 600 dân cư, là có một trường tiểu học. Nghĩ coi buổi đầu duy tân mới có năm sáu năm, mà bỗng chốc sáng lập ra trên năm muôn trường tiểu học như thế, đủ biết Minh Trị Thiên hoàng dốc lòng về việc giáo dục lắm vậy.

Từ đó trở đi, không năm nào chính phủ không lo mở thêm nhiều trường học, và sửa sang lại học chế (学制 [Gakusei], khuôn phép, thể lệ của việc học), lựa lọc những cái hay Tây phương giáo dục mà bồi bổ vào, càng ngày càng hoàn thiện. Rồi tới năm Minh Trị thứ 20, thì có các trường thực nghiệp chuyên khoa như trường dạy đào mỏ, trường dạy công nghệ, trường dạy cơ khí, trường dạy canh nông, thương mãi, cùng là trăm nghề ngàn nghiệp khác, mỗi mỗi đều có trường lập ra nhan nhản, như bên Âu Mỹ. Trước sau mới có vài chục năm, mà việc giáo dục tổ chức đầy đủ như thế, thiệt là mau chóng lạ đời!

Có một điều này ta nên chú ý, phải chú ý một cách đặc biệt là từ đời đó, cái đời Nhật Bản mới bắt đầu duy tân tự cường, họ đã sớm biết rằng thế giới mai sau, vấn đề kinh tế càng ngày càng sinh tử quan hệ, cho nên ngay từ đời đó, họ đã ra sức mở mang về kinh tế giáo dục lắm rồi. Sở dĩ trong một lúc họ lo sắp đặt phổ thông giáo dục, lại cho sắp đặt cả thực nghiệp chuyên khoa giáo dục nữa, ấy là vì nội tình cần dùng đã đành, mà cũng là vì biết trước đại thế thiên hạ nữa vậy.

Chắc có người không tin, muốn hỏi:

Chứng cớ của sự tiên giác ấy ở đâu?

Sao lại không có!

Sâm Hữu Lễ 森有礼 [Mori Arinori] làm Văn bộ đại thần (tức là Thượng thư bộ Học) ở triều Minh Trị duy tân, từ năm Minh Trị thứ 19 đến năm 23, vốn là tay có hoài bão xa kiến thức rộng về việc giáo dục; các trường thực nghiệp chuyên khoa mở ra nhan nhản lúc này, chính một tay ông ta chủ trương tổ chức. Có lần, họ Sâm nói với người ta như vầy:

“Nếu có ai cố hỏi cái chủ nghĩa giáo dục của nước nhà nên ra làm sao, thì tôi xin đáp rằng “kinh tế giáo dục” mà thôi”.

Đó, coi Nhật Bản có dòm trước đại thế thiên hạ hay là không? Hèn chi ngay từ lúc mới duy tân và nhất là từ lúc Âu chiến đến giờ, Nhật Bản cố sức mở mang kinh tế, cạnh tranh kịch liệt với các nước Âu Mỹ: Nào công thương, nào lý tài, nào cơ khí chế tạo, nào sản vật kinh doanh, không có thứ nào mà họ không mở mang ra có quy mô rộng lớn, có thực lực gớm ghê. Đến đỗi mấy năm nay họ đem các đồ chế tạo của họ bày đầy trên thị trường thế giới mà bán được cái giá rẻ mạt, làm cho các nhà chế tạo ở Âu Mỹ phải sợ, phải rèn. Tôi nhắm kinh tế nước Nhật tấn phát như ngày nay không lạ gì, bởi họ đã thấy trước và định trước từ 50 năm trước kia mà.

Một chỗ khác nữa, ta cũng nên chú ý, ấy là tôn chỉ của tiểu học giáo dục ở đời Minh Trị. Ông vua minh quân thánh chúa này xướng lên cái tôn chỉ lấy sự trau dồi đạo đức và chỉ bảo thực dụng cho trẻ con làm gốc. Bởi vậy hồi năm Minh Trị 23 và 24, sau khi Nhật Bản đã sửa sang lại chế độ giáo dục theo kiểu Đức quốc rồi, Minh Trị Thiên hoàng hạ dụ đinh ninh khuyên bảo các thầy giáo tiểu học trong nước một điều quan hệ thứ nhất, như vầy:

“Việc giáo dục nên để ý hơn hết, là sự trau dồi uốn nắn đức tính của trẻ nhỏ. Phàm một chuyện gì quan hệ tới đạo đức cùng là nghĩa vụ quốc dân, thì nên dạy dỗ cho khéo, cho kỹ. Thường thường phải lựa chọn những công chuyện nào có dính líu và có lợi ích tới cuộc sinh hoạt hằng ngày cần dùng mà dạy bảo; rồi phải nhắc nhủ rèn tập hoài, kỳ cho thích hợp với thực dụng mới được”.

Thiếu chút nữa tôi quên nói rằng vua Minh Trị định lệ giáo dục, rất trọng hậu cái địa vị của các thầy giáo tiểu học. Các thầy được đối đãi tử tế, lương bổng lãnh nhiều. Trái hẳn với nhiều nước khác, nhất là những nước bị cai trị, càng là hạng thầy giáo trường nhỏ, dạy trẻ nhỏ chừng nào, thì càng bị bạc đãi và ít lương chừng ấy mới kỳ!

Đời Minh Trị, nhất thiết việc gì cũng canh tân sáng tạo, kể từ việc giáo dục mà đi, cho nên công cuộc mở mang sắp đặt giáo dục ở đời Minh Trị là một công cuộc tổ chức to lớn bộn bề lắm, nói sao cho cùng được, ta chỉ nên biết ít nhiều điều cốt yếu đặc biệt như trên đây là đủ.

Còn việc tư học trong đời này cũng thịnh hành phát đạt rất mực. Tay chủ trương tư học đều là những bậc chí sĩ anh hùng, vì thấy cuộc duy tân quan hệ ở việc giáo dục, cho nên họ đứng ra lập nhiều trường tư, để giúp sức với nhà nước mà giáo hóa nhân dân cho mau hùng cường tấn hóa. Sự nghiệp tư học này là sự nghiệp “dân gian giáo dục”, có công lao có ảnh hưởng với cuộc duy tân của nước Nhật Bản lớn lắm, lát nữa sẽ nói riêng một đoạn dưới đây.

Tư học lập ra ở đời Minh Trị chính là để bổ vào chỗ bất túc của chính phủ và tỏ ra sự cầu học tư lập của dân, cho nên chính phủ đối với tư học, chỉ khuyến khích thì có, chớ không hề kiếm cớ ngăn cản, mà kiểm đốc cũng có, nhưng không bắt buộc phải học theo chương trình nhà nước. Trừ ra chính phủ nào chẳng muốn cho dân mau khá thì mới cản ngăn thắt ngặt tư học mà thôi.

Để cho tư học tự do mở mang, đó cũng là một cái đặc sắc giáo dục của đời Minh Trị. Dưới đây, độc giả sẽ coi tư học có ảnh hưởng lợi ích cho bước tấn hóa của dân tộc Nhật Bản ra thế nào?

Sự nghiệp giáo dục của dân còn lớn hơn[sửa]

Ta nên biết cái lâu đài Nhật Bản duy tân, rất ngắn ngày giờ mà dựng lên được nguy nga đồ sộ, vốn không phải chỉ nhờ một mình sức “chính phủ giáo dục” của đời Minh Trị mà nên đâu; kỳ thiệt, xét tới cội nguồn, thì có nhờ cả sức “dân gian giáo dục” từ trước hồi khai quốc cho đến giữa lúc duy tân, đóng góp công phu đào tạo vào đó nhiều lắm.

Dân gian giáo dục là gì?

Dân gian giáo dục 民間教育 [Minkan kyoiku] là cuộc giáo dục của dân tự lo tự làm lấy, không đợi gì chính phủ phải chỉ bảo lo toan. Ngó thấy sự nào hay, việc nào phải, tự trong óc họ phát ra cái tính khôn trí sáng, chịu khó học hỏi bắt chước, rồi lo truyền thụ cảm hóa những người khác cũng được mở khôn sáng biết như mình, thế là tự dân họ dạy bảo khai hóa lẫn nhau; dân gian giáo dục tóm tắt là vậy đó. Một nước muốn tấn hóa, cần phải có dân gian giáo dục bổ thêm vào chỗ thiếu sót của chính phủ giáo dục, chớ một mình chính phủ giáo dục không khi nào đầy đủ trọn vẹn được.

Có khi dân gian giáo dục có công phu và có quan hệ lớn hơn là chính phủ giáo dục, tức như sự thiệt đã thấy ở nước Nhật mà tôi đang nói đây.

Đông phương mình có hai nước lớn là Trung Hoa và Ấn Độ, từng có văn minh rực rỡ lâu đời, thế mà ngày nay đều lụn bại hư hèn; còn Nhật Bản là nước nhỏ xíu lại trở nên hùng cường vĩ đại, là tại sao vậy? Tại hai cậu Trung, Ấn đều ỷ cái văn minh sẵn có lâu đời của mình, tưởng mình thành rồi, đủ rồi, không biết thu dụng những giáo hóa hay của ngoại quốc mới đem lại, chớ Nhật Bản thì không thế. Người họ từ xưa vốn có chí khí tấn thủ rất mạnh, luôn luôn biết lựa lọc đón rước những cái hay của nước khác, khiến cho hóa nên hồn nước thói nhà của họ, thành ra rốt lại họ lấy cái sức quốc dân đồng hóa, khác hẳn người hai nước Trung, Ấn, mà dựng lên được cái cảnh tốt đẹp vẻ vang như ngày nay. Ta có xét tới gốc nguồn, mới biết rằng không phải hết thảy do nơi chính phủ chỉ vẽ dìu dắt mà ra đâu, chính thiệt nhờ có hạng chí sĩ cao minh khẳng khái đã ra tay sắp đặt gây dựng phần nhiều hơn; ấy đó là công cuộc dân gian giáo dục, hồi xưa đã vậy mà đến hồi khai quốc duy tân cũng vậy. Chủ ý đoạn này chỉ nói về dân gian giáo dục ở đời cận kim, cùng là giữa lúc khai quốc duy tân, cho biết cái chỗ công cao nỗi khổ của ít nhiều bậc tiền hiền chí sĩ nước Nhật đã đón rước Tây học và tô điểm nền lịch sử Nhật Bản tân thời ra thế nào?

Bốn ông tổ Âu học của nước Nhật[sửa]

Từ hồi thế kỷ XVI, Phong Thần Tú Cát 豊臣秀吉 [Toyotomi Hideyoshi] làm tướng quân đã nghi bọn truyền giáo Thiên Chúa mà cấm người Âu châu lui tới rồi, đến đời Đức Xuyên Gia Khang 徳川家康 [Tokugawa Ieyasu] dựng Mạc phủ lại còn cấm gắt hơn nữa. Năm 1639 (Tây lịch), Mạc phủ Đức Xuyên ra lệnh “khóa nước” thật nghiêm:

Cấm chỉ ghe tàu của người các nước Tây dương vào đất nước Nhật Bản, trừ ra có người Hòa Lan thì được Mạc phủ rộng phép cho vô buôn bán tại Trường Kỳ mà thôi, chớ không được đi lung tung qua các nơi khác.

Cấm chỉ người trong nước học chữ đọc sách Âu châu, trừ ra có phép riêng của Mạc phủ và trừ ra y học Hòa Lan thì cho học tập.

Sau khi có lệnh nghiêm cấm như vậy rồi, có đến ngót một trăm năm, trong nước cũng chưa có ai biết Âu học là hay mà hòng phạm cấm, cầu học. Trong khoảng đó tuy có người làm chức Hòa Lan thông sự (tức là thông ngôn tiếng Hòa Lan) ở Trường Kỳ, nhưng kỳ thật không hiểu Âu văn là gì; lại có thầy thuốc xưng là biết ngoại khoa Hòa Lan, nhưng chẳng qua chỉ nghe lóng học mót vậy thôi, chứ thiệt chưa bao giờ từng nghiên cứu y học Hòa Lan bao giờ.

Mãi sau lâu lắm, mới có người bắt đầu học tập Lan học, mà công phu học tập của họ buổi đầu khốn khổ biết bao!

Khởi sự là năm 1716, hai viên Hòa Lan thông sự ở Trường Kỳ là Thiện Tam Lang 善三郎 [Zenzaburou] và Cát Hùng Hạnh Tác 吉雄幸作 [Yoshio Kougyuu], tiếng làm thông sự mà đều bất thông chữ Lan, bèn phát phẫn xin được Mạc phủ cho phép học tập. Rồi Thiện Tam Lang thì xin người Lan cho một cuốn tự điển tóm tắt, về cặm cụi học đêm ngày và tính dịch ra để cho người sau, nhưng dịch dở dang thì chết già.

Còn Cát Hùng Hạnh Tác thì học làm thuốc với người Lan, tuy rành nghề thuốc, trở về dạy với 600 học trò, nhưng chính Hạnh Tác cũng chưa biết chữ Lan là gì, bởi khi học thuốc, người Lan lấy tiếng Nhật mà dạy cho.

Tới năm 1739, Mạc phủ cho phép hai vị thuộc quan của mình là Thanh Mộc Văn Tàng 青木文藏 [Aoki Bunzou] và Dã Lữ Nguyên Trượng 野呂元丈 [Noro Genjou] học tập Lan học. Hai người cầu học một cách gian nan vô cùng! Mỗi khi nghe tin có tàu Hòa Lan tới Giang Hộ, thì rủ nhau xuống tàu kiếm người Lan mà hỏi dò từng tiếng rồi lẩm nhẩm học đi học lại hoài.

Học lạ buổi đầu, mà chữ Âu khó hiểu, vả lại lúc bấy giờ mỗi năm mới có tàu Lan ghé vào Giang Hộ một chuyến mà thôi, thành ra hai người học tập luôn ba bốn năm chỉ biết có mấy chữ số Hòa Lan là hết. Vừa tức vừa thẹn, nên qua năm 1744, hai người rủ nhau đến tận Trường Kỳ là chỗ có người Lan buôn bán mà dốc lòng học tập, có cả Cát Hùng Hạnh Tác cũng đi theo học cho có bạn nữa.

Ở học luôn vài năm, mới ghi nhớ được trên 400 tiếng Lan nhật dụng và biết điệu nói cách viết chút đỉnh, rồi phải bỏ về Giang Hộ, không được học thêm. Tuy vậy, mỗi người cũng viết ra một tập sách nhỏ về Lan học, hoặc về tiếng nói, hoặc dịch vị thuốc.

Người Nhật nói: “Có thể bảo Thiện Tam Lang, Hạnh Tác, Văn Tàng, Nguyên Trượng, là bốn ông tổ giảng cầu học thuật Âu châu trước hết ở nước Nhật vậy”.

Một ngày kỷ niệm về công phu học tập tân học khôn xiết gian nan[sửa]

Đã nói Mạc phủ không cấm sự học thuốc của Âu châu, vả lại, trong lúc này thầy lang nào học giỏi chữa tài, thì được Mạc phủ và chư hầu kính trọng tin dùng, cho nên những người có chí nghiên cứu học thuật Âu châu, đều đua nhau nghiên cứu y học hết thảy. Thế là học thuật Âu châu truyền sang Nhật Bản, y khoa được đón rước trước hết, rồi sau mới lần lần tới các khoa học khác.

Các thầy lang Nhật lúc bấy giờ ráng học y khoa Tây phương, cốt bồi bổ vào chỗ bất cập của y khoa Trung Quốc, để chữa bệnh cho đồng bào trước mắt, mà chính là các thầy tìm phương kiếm thuốc chữa bệnh cho quốc gia sau này trở nên cường kiện đó vậy.

Trong hạng tiền bối đã gia tâm học tập y khoa Âu châu rất đông, có ba người xuất sắc dị thường và trong việc họ cầu học, có câu chuyện lạ lùng ngộ nghĩnh đáng nên thuật ra. Ấy là Tiền Dã Lương Trạch 前野良沢 [Maeno Ryoutaku], Bân Điền Huyền Bạch 杉田玄白 [Sugita Genbaku] và Trung Xuyên Thuần Am 中川淳庵 [Nakagawa Junan].

Ba người vớ được sách thuốc Hòa Lan mấy cuốn và một tấm hình vẽ cơ thể trong người, gọi là “Nhân thể nội cảnh đồ 人體内景圖”, biết là vật quý, có ích cho nghề thuốc và sự học của mình, nhưng khốn nỗi không có thầy nào chỉ vẽ, họ bèn rủ nhau gắng gổ công phu, tự nghiên cứu lấy được mới kỳ.

Nguyên là trong ba người, chỉ có Lương Trạch đã từng thụ nghiệp với Thanh Mộc Văn Tàng (một nhà Lan học đầu hết, nói ở đoạn trên) mà biết được năm sáu trăm tiếng Hòa Lan, còn Huyền Bạch và Thuần Am thì chưa biết. Cả ba đều là y sinh, bình nhật vốn không quen biết nhau, may sao bữa đó tại Giang Hộ có mổ thây một tên tù tử hình, ba ông cùng đến coi, mở tấm hình “nhân thể nội cảnh” đã mua của người Hòa Lan ra đối chiếu, thấy đúng từng ly từng chút, cùng nhau thán phục Lan học là tài, rồi đó làm quen nhau, Huyền Bạch và Thuần Am thở than rằng mình mua được sách thuốc và hình vẽ này, nhưng tiếc vì dốt chữ Lan, thành ra không nghiên cứu đặng, thật lấy làm tức. Lương Trạch nói:

“Tôi có chí nghiên cứu Lan học đã lâu, nhưng tiếc nỗi không có bè bạn cùng nhau rèn tập. Trước kia tôi có học chữ Lan chút ít, nay ba chúng ta hiệp sức nhau lại mà nghiên cứu, lý nào không thành công. Vậy thì ngày mai, tôi mời hai anh ở lại nhà tôi, để anh em ta ra sức rèn tập với nhau ít lâu, chắc là phải được. Hai anh nghĩ sao?”

Hai ông kia mừng rỡ lắm, chịu liền.

Người Nhật cho cái ngày ấy là một ngày tân học kỷ niệm; cuộc tấn hóa của nước Nhật, thiệt là phôi thai từ ngày ấy mà ra.

Sau Huyền Bạch viết sách tỏ bày sự Lan học buổi đầu gian nan ra thế nào, nghĩ mà đáng thương đáng phục; trong sách có đoạn thuật chuyện như vầy:

“Qua hôm sau, anh em tụ hội ở nhà Lương Trạch mở cuốn sách dạy sơ cách mổ xẻ ra xem, nghĩ mình đây chẳng khác nào một chiếc thuyền, sửa soạn chèo lái chưa đủ, mà đánh liều vượt biển ra khơi, ngó thấy trời biển mênh mông, bao xiết lo ngại. Song may có Lương Trạch trước kia đã học chữ Lan ít nhiều, hơi biết câu văn và cách đọc, vả lại lớn hơn anh em tới 10 tuổi, nên anh em đều tôn Lương Trạch làm chủ tịch và thờ làm thầy học.

Huyền Bạch hăm hở quyết học, nhưng mà 25 chữ cái cũng chưa biềt hình thù kêu gọi ra sao; bây giờ phải gắng gổ học 25 chữ cái, rồi ít lâu mới học chữ một và năm ba tiếng nói bập bẹ. Dầu là một câu ngắn ngủi trong sách, Huyền Bạch cũng gắng công tìm tòi ngẫm nghĩ cho tới hiểu hết nghĩa lý mới thôi; nhiều khi một câu làm cho Huyền Bạch ngồi cặm cụi tối ngày sáng đêm, quên ăn bỏ ngủ.

Bữa kia, đọc sách tới khoảng nói về bộ phận cái mũi, có tiếng verheffen mà không hiểu là nghĩa gì. Thuở đó làm gì đã có tự điển lớn đâu, chỉ có một cuốn nho nhỏ, của Lương Trạch đã mua tại Trường Kỳ về. Chúng tôi liền mở ra tra, thấy chữ verheffen có nghĩa là cái dấu tích của những nhành cây chặt ra, lại quét sân mà tụ đất cát lại thành đống, cũng gọi là verheffen. Ngoài hai nghĩa này ra không thấy chua nghĩa gì khác nữa, giờ chúng tôi suy nghĩ không biết phải hiểu nghĩa chữ đó thế nào cho phải.

Huyền Bạch bèn tán rộng với anh em rằng: Nhành cây chặt ra, lâu ngày thành đống, mà quét nhà rồi, đất cát tụ lại cũng thành đống, vậy cái mũi nổi cao lên ở trên mặt người ta, thì chữ verheffen đây cắt nghĩa là đồng, anh em liệu có được chăng?

Chúng tôi suy nghĩ phải lẽ, rồi nhất định theo cái nghĩa đó. Lúc bấy giờ chúng tôi tự tìm tòi bàn tán ra nghĩa chữ này rồi, ai nấy hớn hở vui mừng, xem như là khi không mà bắt được cục ngọc Liên Thành vậy…”

Ta coi như thế, thì biết ngày xưa bọn chí sĩ Nhật Bản nghiên cứu tân học thật là gian nan và dụng công khắc khổ biết sao mà nói cho cùng. Ấy vậy mà họ học thét phải thành công kết quả mới ghê! Về sau một nhà duy tân chí sĩ có danh vọng công lao nhất, là Phúc Trạch Dụ Cát 福澤諭吉 [Fukuzawa Yukichi], mỗi khi đem cuốn sách nói trên đây ra đọc, tới đoạn “nghĩ mình chẳng khác một chiếc thuyền sửa soạn chèo lái chưa đủ, mà đánh liều vượt biển ra khơi, ngó thấy trời biển mênh mông, bao xiết lo ngại” thì Phúc Trạch than rằng:

“Ta tưởng nhớ lại tiền nhân khổ tâm như thế, bắt ta phải ghê chỗ dũng cảm, phục tấm nhiệt thành của các cụ ngày xưa”.

Thở than vậy rồi Phúc Trạch nhỏ sa nước mắt khóc vùi.

Than ôi! Người khổ tâm học trước, kẻ cảm động khóc sau, chan chứa cái tinh thần và cái đặc sắc ái quốc của dân tộc Nhật Bản biết mấy!

Có người ngồi tù hay mổ bụng vì tân học[sửa]

Câu chuyện vừa thuật ra trên đây là câu chuyện tân học từ cuối thế kỷ XVIII, nghĩa là lúc tân học ở Nhật Bản mới phôi thai.

Từ đó trở đi, số người tiên giác nối gót nhau nghiên cứu Lan học càng ngày càng đông. Những người học trước, chịu khó dịch sách thuốc của Hòa Lan và làm sách dạy văn tự Hòa Lan, để truyền thụ cho những người học sau cũng nhiều.

Nhân vì giao tiếp người Lan, nghiên cứu học Lan, tự nhiên đám chí sĩ Nhật mỗi ngày thêm nghe biết những cái học hay sức mạnh của Tây phương, mà so sánh lo ngại cho cái thế nguy sức yếu của mình, nên chi phong trào tân học mở tung ra lớn rộng; bây giờ không phải chỉ có những người học tập làm thuốc lối mới như thuở nay mà thôi, lại có người xem xét học hỏi tới các khoa vật lý, hóa học, chính trị và binh cơ của Âu châu nữa.

Muốn nghiên cứu tân học, mà cứ học tập y khoa thì Mạc phủ dung, chớ động tới chính trị thời sự thì Mạc phủ vẫn cấm. Là vì bọn chấp chính lúc này còn là hạng hủ nho thủ cựu. Nhưng cấm thì cấm, vẫn có người nghiên cứu, không sợ. Cho biết thứ dân lúc họ muốn học, muốn mạnh, muốn khôn, thì quyền thế nào cũng không cản nổi. Dầu có người nọ chết, thì có kẻ kia nổi lên tiếp liền.

Hồi đó ở Nhật Bản có người bị lao tù hay phải mổ bụng vì ham hố tân học.

Ví dụ hồi năm 1792, có chí sĩ là Lâm Tử Bình (林子平 Hayashi Shihei] đến Trường Kỳ giao du dọ hỏi người Lan, biết được công việc các nước Tây phương có cái lối đi chiếm đất thực dân. Trở về, Lâm Tử Bình suy nghĩ tới việc nước mình không thể quên lãng phòng bị được, tức thời viết ra cuốn sách Hải quốc binh đàm (海国兵談 Kaikoku heidan] và một cuốn khác nói về chính trị, để thức tỉnh người trong nước. Mạc phủ cho là tà thuyết hoặc dân cũng như triều đình nước ta xưa cho là yêu thơ, yêu ngôn đó, nên chi cấm tuyệt hai cuốn sách của Lâm Tử Bình và giam cầm Lâm Tử Bình tới chết.

Bước qua đầu thế kỷ XIX, có hai nhà thanh niên chí sĩ là Cao Dã Trường Anh 高野長英 [Takano Chouei] và Độ Biên Hoa Sơn 渡辺華山 [Watanabe Kazan], viết ra nhiều sách nói về các vấn đề cứu quốc, luyện binh, chính trị, kinh tế và kêu gào nhà nước nên mở cửa ra cho ngoại nhân vô giao thông. Năm 1839, Mạc phủ ghét bọn Lan học dám nói động tới chính trị, bèn bắt Trường Anh và Hoa Sơn trị tội. Trường Anh bị xử chung thân cấm cố; Hoa Sơn ban đầu bị xử trảm, nhưng sau được giảm xuống chung thân cấm cố; ở trong ngục ít lâu, Hoa Sơn tự vẫn chết.

Còn Trường Anh bị giam trong ngục, bữa kia ngục phát cháy, liền thừa cơ trốn ra ngoài được. Sau lần mò trở về Giang Hộ, biến đổi họ tên hình dáng đi, vẫn ra sức dịch sách Tây và viết sách hô hào khai quốc. Đến năm 1850, bị lộ chuyện ra, Mạc phủ sắp nắm đầu được thì Trường Anh tự mổ bụng ra chết rồi!

Tuy có nhiều người vì cổ động tân học mà mang họa sát thân như ba người trên, nhưng vậy mà phong trào tân học và chủ nghĩa khai quốc cứ bồng bột mãi.

Lòng dân đã muốn vậy, dầu Mạc phủ có quyền lực ngăn cản thế nào cũng không lại; có giết bất quá chỉ giết được ít nhiều người thôi, chớ cái tư tưởng ở trong đầu của cả bọn tiên giác khá đông, làm sao mà giết nổi. Rồi qua tới năm 1853, có tàu binh Mỹ tới bắn súng ra oai lôi đình ở Phố Hạ và sang năm sau, 1854, hai nước Nhật Mỹ ký tờ ước thông thương, kế tới ba nước Anh, Nga, Pháp cũng đòi ký ước như thế; bấy giờ Mạc phủ đã tỉnh ngộ, liền đổi chính sách: Trước kia “tỏa quốc nhương di” bao nhiêu, thì bây giờ hiểu biết sự “khai quốc ngoại giao” là cần dùng bấy nhiêu. Mặc dù có đám nhà nho thủ cựu sôi nổi phản đối, Mạc phủ cũng cứ hăng hái khai quốc, có bọn tân học tiên giác giúp sức vào cho. Bọn này tuy có ít, nhưng là một sức rất mạnh.

Tới đây, bọn tân học kế tiếp nhau mở ra trường tư để dạy học mới, và xướng lên “Thái Tây tân học” một cách công nhiên.

Ấy là những chí sĩ duy tân.

Trong đám này có những người như Thắng Lân Thái Lang 勝麟太郎 [Katsu Rintarou hay Katsu Kaishuu; Katsu Yasuyoshi], Tự Phương Hồng Am 緒方洪庵 [Ogata Kouan], Tá Đằng Thái Nhiên 佐藤泰然 [Satou Taizen]… đều là những bực anh tài xuất sắc, có công lao to lớn về việc dân gian giáo dục, tức là gốc nguồn của cuộc duy tân. Nhất là Tự Phương Hồng Am dạy học trò rất đông, nhiều người có công danh to lớn ở thời kỳ trước sau duy tân là học trò của Hồng Am đào tạo ra. Phúc Trạch Dụ Cát là một.

Người này, ta nên biết rõ: Không dự chính trị bao giờ, không có chức quyền gì hết, chỉ là ông thầy dân gian giáo dục thôi, thế mà chính là tay thợ khai quốc duy tân, được triều đình nhân dân đều kính tôn trọng vọng, có công nghiệp lớn với quốc gia, có thanh danh truyền về hậu thế; người này thiệt là một nhà giáo dục ảnh hưởng cho thế đạo nhân tâm, quan hệ tới quốc gia đại kế vậy.

Phúc Trạch Dụ Cát[sửa]

Phúc Trạch Dụ Cát sinh ra năm 1853 ở nước phiên Trung Tân 中津 [Nakatsu]; thuở nhỏ học Hán văn tới tuổi trưởng thành, nảy ra cái chí muốn cho nước nhà được thoát chế độ Phong kiến và thống nhất tự cường, bèn bỏ Hán học mà đi cầu Lan học, tới Đại Bản vô thụ giáo ở trường tân học của Tự Phương Hồng Am. Phúc Trạch cố gắng công phu mấy năm, Lan học khá lắm.

Năm 1859, do theo điều ước, Hoành Tân trở nên một đô thị chung cho 5 nước Âu Mỹ buôn bán, Phúc Trạch tới xem sự tình buôn bán của người Tây phương, xét thấy tiếng Anh rất thiết dụng, liền quyết ý học tiếng Anh. Nhờ sẵn thông minh, thêm có chí khí, nên chi vài năm ra công gắng sức, Phúc Trạch học được tiếng Anh ít nhiều.

Gặp dịp Mạc phủ Đức Xuyên sai sứ đi qua Mỹ, Phúc Trạch được cử đi theo (1860). Cách hai năm sau (1862), Mạc phủ lại sai sứ đi sang thông hảo với các nước Âu châu, Phúc Trạch cũng được đi theo nữa.

Hai lần được theo sứ thần như thế, chính là cơ hội tốt cho Phúc Trạch được xem xét và ngó thấy văn minh Âu Mỹ tận nơi. Sau khi ở Âu châu về nước, năm 1866, Phúc Trạch góp nhóp mọi sự kiến văn của mình mà viết ra cuốn sách Tây dương sự tình 西洋事情 [Seiyou Jijou].

Cuốn sách này ra đời, làm như một tiếng sét đánh rung động tâm hồn người Nhật. Thuở nay, trừ phái tân học hiếm hoi ra, không ai biết rõ văn hóa và tình thế phương Tây ra thế nào; nhờ cuốn Tây dương sự tình, người trong nước mới hiểu đại thế thiên hạ cùng là văn hóa Thái Tây. Lúc này trong triều ngoài quận, trên quan dưới dân, ai là hạng kiến thức, nếu bàn bạc tới những vấn đề văn minh khai quốc, thì trên án bên mình đều có một bản Tây dương sự tình để mở ra xem, coi như là lời vàng tiếng ngọc vậy.

Qua năm sau là năm 1867, Mạc phủ trả quyền chính về triều đình, rồi đức Minh Trị Thiên hoàng cả quyết duy tân cải cách. Lúc bấy giờ chính phủ Minh Trị sửa sang thi thố công việc gì cũng đều châm chước ở trong sách của Phúc Trạch. Bởi vậy, người Nhật thường nói chính sách duy tân của đời Minh Trị, có thể cho là phôi thai ở trong bộ sách Tây dương sự tình mà ra cũng đúng.

Tôi quên nói từ hồi năm 1858, sau khi Phúc Trạch đi nghiên cứu Lan học ở Trường Kỳ rồi trở về Giang Hộ, tự mở ra một trường tư để dạy tân học, gọi là Khánh Ứng nghĩa thục 慶応義塾 [Keiou Gijuku]. Lấy sự lâu bền mà nói, cùng là cách thức dạy học mới, khắp nước Nhật Bản không có trường công, trường tư nào sánh kịp trường Khánh Ứng của Phúc Trạch được.

Ban đầu mới lập ra, chuyên dạy Lan văn, đến khi Phúc Trạch biết Anh văn thông dụng mà tự cặm cụi học tập rồi, năm 1863 trở đi, nhà trường thay đổi, dạy ròng Anh văn.

Mấy năm mới mở, có lối 100 học trò. Kịp đến năm 1867, Mạc phủ trả lại quyền chính, Minh Trị xuống chiếu duy tân, trong nước có việc biến loạn xôn xao (tức là chuyện phe đảng Mạc phủ nổi lên chống cự triều đình), vì đó mà một lúc trường Khánh Ứng giảm số học trò, chỉ còn vỏn vẹn có 18 mống. Tuy vậy, Phúc Trạch không ngã lòng chút nào, cứ việc dạy học như thường, lại đem cuốn Kinh tế học đã mua hồi qua Mỹ quốc mà giảng cho học trò, tỏ ý rằng mình chỉ dốc lòng mở mang giáo dục, un đúc nhân tài cho nước nhà mà thôi, chớ sự quyền chính đổi dời, nội tình rối loạn đi nữa, cũng không thể ngưng việc học lại một giờ nào đặng.

Thiệt, lúc đó có việc Mạc phủ trả quyền, Minh Trị cải cách, là một việc đại biến chưa từng thấy có ở trong lịch sử Nhật Bản, bởi vậy phần thì dân chúng còn đang sửng sốt lao xao, phần thì binh triều đang đánh binh loạn, thời cuộc ấy làm cho các trường công tư đều đóng cửa nghỉ học hết thảy. Duy có Khánh Ứng nghĩa thục vẫn đứng sững một mình, cứ việc giảng dạy tân học Thái Tây, chưa từng có một ngày nào ngưng bỏ; xem vậy thì biết Phúc Trạch nhiệt tâm về việc dân gian giáo dục ra thế nào?

Phúc Trạch chỉ cặm cụi lo toan hai việc: Một là làm sách để giáo dục tất cả xã hội, hai là dạy học để giáo dục đoàn em hậu tấn, tâm tư sự nghiệp trọn đời tiên sinh dồn cả vào hai việc đó. Từ năm 1854, mở ra Khánh Ứng nghĩa thục, cho đến năm 1897 (năm Minh Trị thứ 34) qua đời, trước sau 43 năm, cầm một cây viết, khua ba tấc lưỡi, tự nhận lấy công việc mở mang ra vận hội mới cho nòi giống nước non làm công việc thiêng liêng của mình phải gánh, phải làm, mà chỉ giữ vững cái bản lĩnh của mình là nhà giáo dục, chớ không hề bon chen vào con đường cầu danh vụ lợi một chút nào hết. Lúc mới khai quốc, lắm người khoe tài dựa thế, cho được có quan sang chức trọng, lấy thế làm vinh, thế mà Phúc Trạch dửng dưng, ngoài ra chỉ có hai lần đi theo sứ thần của Mạc phủ sang Âu Mỹ làm viên thông ngôn, chẳng khi nào dính líu tới việc chính trị. Đến đời Minh Trị duy tân trở đi, tuy là được trên triều đình dưới quốc dân đều tôn kính nhờ cậy mặc lòng, Phúc Trạch chẳng có giây phút nào dính tới chính quyền hay là cầu lấy danh lợi bao giờ. Phúc Trạch thật là một nhà giáo dục chân chính, thật là một nhà giáo dục cứu quốc!

Phúc Trạch làm sách nhiều lắm, góp lại có 50 bộ, cộng 105 cuốn, đều viết bằng lối văn rất bình thường giản dị, không ai coi không hiểu. Năm Minh Trị thứ 4, in ra một bộ sách nhỏ, tựa là Học văn chi khuyến (学聞之勸)[1] gồm 17 cuốn, quốc dân hoan nghênh hết chỗ nói, chỉ trong vài tháng mà bán hết 3 triệu 40 muôn bộ. Mở đầu, Phúc Trạch dạy: “Trời ở trên người, không giúp người, lại ở dưới người, không giúp người 天在人之上。不作人。吏天在人之下。不作人”. Câu đó tỏ ý khuyên răn quốc dân nên biết nhân quyền trời phú cho mình là đáng tôn, đáng giữ. Muốn tôn giữ được nhân quyền ấy thì mình phải học cho bằng người ta.

Lần hồi, Phúc Trạch đem sự tích các anh hùng dũng sĩ ra viết sách đặt tuồng để cổ vũ nhân tâm, và bày đầu tổ chức ra các cuộc diễn thuyết trước hết. Đến năm Minh Trị thứ 15 (1881), Phúc Trạch sáng lập ra tờ báo Thời sự tân báo 時事新報 [Jiji shimpou], mỗi ngày xuất bản, tờ báo này tới nay vẫn còn.

Thế là Phúc Trạch tuy không phải người ở ngôi cao, nắm quyền lớn, nhưng vậy mà dạy học, làm sách, viết báo, là ba cơ quan trọng yếu trong xã hội, ông đều nắm đủ trong tay, cho nên có thế lực đối với triều đình và quốc dân, có oai vọng hơn là nhà đại chính trị nhiều. Năm Minh Trị thứ 23, ông nâng cao cái địa vị Khánh Ứng nghĩa thục lên hàng đại học đường, dạy kiêm bốn khoa văn học, lý tài, chính trị, pháp luật. Từ lúc mở trường này ra kể cho đến khoảng năm 1895 mà thôi, trước sau giáo dục được tới 2 muôn học sinh. Số học sinh tốt nghiệp rồi, hoặc ra làm quan to, hoặc được cử làm nghị viên trong hai viện Quý tộc và Chúng nghị, cùng là hạng làm tổng lý các công ty lớn, tính lại đông không biết bao nhiêu. Vả lại, Phúc Trạch vốn trọng tinh thần độc lập tự trị, cho nên học trò của ông bị cảm hóa nhiều, sau khi thành tài rồi phần nhiều để chân vào trong cõi thương mãi kỹ nghệ. Nhờ vậy mà lợi quyền thực nghiệp của Nhật Bản lúc đó tấn tới đáo để.

Mùng 3 tháng 2 năm Minh Trị thứ 34 (nhằm 1897), Phúc Trạch tạ thế. Chúng nghị viện (tức hạ nghị viện) hết thảy bỏ thăm chuẩn y lời ai điếu chung, để tỏ ra cả nước cảm mến thương tiếc ông là người có đại công giáo dục dìu dắt nước Nhật lên cõi duy tân. Nhà nước làm quốc tang, bữa tống táng có trên 2 muôn người đi đưa, ai nấy đều sụt sùi nhớ tiếc.

Trên kia đã nói sinh bình của Phúc Trạch chỉ ham lo có hai việc, là dạy học và làm sách. Trong hai việc đó có nhiều dật sự thú vị, nên nhắc lại một vài chuyện mà nghe.

Thường khi cùng ai bàn bạc về vấn đề giáo dục thì Phúc Trạch nói tối ngày không chán. Phúc Trạch chê cái lối giáo dục xưa nay ở Đông phương là lối “dạy trên xuống dưới” chỉ lo đào tạo ra một số ít thi đậu làm quan, còn dân chúng dốt nát thây kệ. Nay Phúc Trạch đổi lại: “Dạy dưới lên trên”, nghĩa là lo dạy cho nhất ban dân chúng đều có tri thức, thì nước mới văn minh tấn hóa được, chớ một nước chỉ có nhắm mớ người giỏi mà phần đông vẫn ngu dốt, thì cuộc văn minh tấn hóa đặt lên trên cái cơ sở nào? Phúc Trạch có tư tưởng như thế, hèn chi cả đời cặm cụi về dân gian giáo dục.

Ngoài sự dạy học, Phúc Trạch cũng chuyên viết báo soạn sách. Mà lạ! Mỗi khi viết cuốc sách hay bài văn nào, Phúc Trạch cũng đọc cho bà vợ nghe và hỏi ý kiến ra sao; vì lối văn của Phúc Trạch bao giờ cũng viết rõ ràng giản dị, cho đàn bà con trẻ đều hiểu, hễ câu nào chữ nào, bà vợ nói chưa xuôi chưa đúng, thì Phúc Trạch cầm viết ghi ở dưới để sau sửa lại. Có người hỏi ông sao viết văn làm sách dạy đời, mà lại đi hỏi ý kiến đàn bà như thế, ông cười và đáp:

“Người ta có ai cùng mình ăn ở thân cận lâu dài và hiểu biết mình cho hơn vợ mình được chớ! Nếu một bài văn, một cuốn sách mình viết ra mà còn có chỗ chính ngay vợ mình phải chê, hay là không hiểu, thì bảo làm sao đời hiểu được mình và mình hòng dạy ai cho được?”

Tư tưởng của Phúc Trạch đại khái ngộ nghĩnh kỳ khôi như thế.

Trường Khánh Ứng của ông lập ra, sau khi ông khuất núi rồi, trường cũng vẫn còn khai giảng như thường, lại càng ngày càng mở rộng và thêm vô nhiều khoa học khác, ngày nay vẫn còn. Chính là Khánh Ứng đại học ở Đông Kinh bây giờ, một trường đại học có tiếng ở phương Đông ta. Mấy năm gần đây ra sao không rõ, chớ vài chục năm trước, trong đám chí sĩ Việt Nam qua cầu học bên Nhật, hình như có nhiều người học thành tài ở Khánh Ứng đại học ra.

Năm 1907, ở Hà Nội ta có một trường tư học do các cụ chí sĩ tiền bối lập ra, cũng lấy việc mở mang tân học, thức tỉnh quốc dân làm mục đích. Các cụ đặt tên trường là Đông Kinh nghĩa thục, chắc hẳn noi theo Khánh Ứng nghĩa thục 慶応義塾 của Phúc Trạch Dụ Cát để lo việc dân gian giáo dục. Thế mà cái vận mạng của Đông Kinh nghĩa thục vắn vỏi quá; chỉ được một năm mấy tháng thì bị cấm mất!

Mỗi người mở mang dân gian giáo dục có một ý nghĩa[sửa]

Đã nói việc dân gian giáo dục ở trong lịch sử Nhật Bản duy tân có địa vị to và có công phu lớn lắm. Cái ý nghĩa thứ nhất của nó, là dân tự giáo hóa cổ lệ nhau để tự cường.

Trong thời kỳ duy tân, sau Phúc Trạch Dụ Cát là người có công dân gian giáo dục thứ nhất, còn có nhiều người khác cũng có công với cuộc tấn hóa không phải là nhỏ.

Các trường tư học mở ra tứ tung; mà ngộ thiệt! Mỗi người mở ra một trường tư đều chuyên về một khoa giáo dục, có một ý nghĩa riêng, đến cái mục đích tối cao thì ai cũng như ai: Bồi bổ vào chỗ bất túc của chính phủ để rèn đúc nhân tài; giáo hóa quốc dân cho mau tự cường tấn hóa.

Bây giờ nếu muốn kể ra tường tận, thì không biết bao nhiêu giấy mục cho đủ, nên đây buộc tôi lại chỉ lược thuật đại khái mà thôi.

Tân Đảo Tương 新島襄 [Niijima Jou] vốn là người có tính cách võ sĩ Nhật Bản, mà theo đạo Gia tô tân giáo (Protestant), mở ra một trường học vừa cao đẳng, vừa phổ thông gọi là Đồng Chí xã 同志社 [Doushisha], cốt dung hiệp cả hai mối đạo nghĩa Đông Tây.

Đại Ôi Trọng Tín 大隈重信 [Ookuma Shigenobu] mở ra Đông Kinh chuyên môn học hiệu 東京専門学校 [Toukyou Senmon Gakkou], để rèn đúc thanh niên về mặt chính trị ngay từ lúc đầu Minh Trị, hầu dự bị cho quốc dân có đủ tư cách hưởng lấy chính thể lập hiến của nhà vua sẽ ban cho vài chục năm sau. Trường này sau đổi tên là Tảo Đạo Điền đại học 早稲田大学 [Waseda Daigaku], hiện nay vẫn còn, vào hàng các đại học lớn ở Đông Kinh.

Trung Thôn Kính Vũ 中村敬宇 [Nakamura Keiu hay Nakamura Masanao] mở ra Đồng Nhân xã 同人社 [Doujinsha], vừa mở mang giáo dục cho phụ nữ nhi đồng, vừa giảng giải cho quốc dân biết Tây phương cũng có đạo đức cao quý, kẻo lúc đó nhiều người hăm hở về văn minh vật chất, đến đỗi tưởng rằng sự tấn hóa có thể khinh thường đạo đức cũng được.

Tân Điền Tiên 津田仙 [Tsuda Sen] mở ra Nông Học xã 農学社 [Nougakusha], và xuất bản Nông học tạp chí để dìu dắt nông dân cải lương về nghề cày cấy trồng tỉa.

Đó là kể sơ ra một vài cơ quan giáo dục để làm lệ chừng vậy thôi, ngoài ra còn nhiều nhà dân gian giáo dục khác và nhiều trường tư học khác, cũng có quan hệ cho thời cuộc, công lao với quốc gia, nói sao cho hết. Rất đỗi có người như Cát Điền Tùng Âm 吉田松陰 [Yoshida Shouin] mở trường dạy học trong xóm mà un đúc nên nhiều nhân tài trong lúc duy tân; học trò Cát Điền sau làm đại tướng hay được phong chức công hầu vô số. Lại cũng có người như Tây Hương Long Thịnh 西郷隆盛 [Saigou Takamori] đang làm tới chức tướng soái mà bỏ quan về làng mở trường dạy học. Ta có thể tóm lại một câu rằng: Nhật Bản duy tân, chính là nhờ giáo dục, mà giáo dục mau được kết quả tốt đẹp, là nhờ nơi chính phủ và nhân dân cùng ra tay gắng sức: Công học lo mặt phổ thông, ban bố thường thức cho dân, tư học lo mặt chuyên môn, rèn đúc nhân tài xuất sắc.

Nhưng ta nên biết các nhà dân gian giáo dục ở nước Nhật, có một cái tôn chỉ cao, ấy là “Học vấn độc lập”.

Ông Đại Ôi Trọng Tín 大隈重信 [Okuma Shigenobu] muốn bày tỏ cái chủ nghĩa tư học như vầy: “Muốn cho quốc dân có tinh thần độc lập tư trị, thì trước hết phải lo sao cho học vấn được độc lập. Muốn học vấn được độc lập vững vàng thì ta nên mở ra một trường tư học thật lớn, thoát hẳn sự trói buộc của quyền thế, để cho học sinh được tự do, muốn nghiên cứu về học thuật gì cũng đặng cả. 欲使國民有獨立自治之精神。必須圖學問之獨立。欲固學問之獨立。必宜興一大私學校。脱權勢之覊絆。俾學生自由妍求其所欲須之學術”.


Ông lại chủ trương rằng học vấn nên dùng quốc ngữ trước hết, rồi học kiêm tới văn tự ngôn ngữ của ngoại quốc. Bởi vậy ông lại nói: “Phàm sự học vấn giáo dục của một nước, chẳng nên mỗi chuyện đều dựa nương nhờ cậy vào chế độ của nước người ta hết thảy. Nếu cái học vấn giáo dục không lấy quốc dân phẩm tính làm gốc, thì không thể bảo là độc lập được, 大凡一國之學問教欲不可專倚賴他國之苟無根基於其國民品性之學問教欲。不獨立”.

Mấy câu nói thống thiết và lý thú thay! Chính là cái tinh thần chung của các nhà dân gian giáo dục nước Nhật từ trước khi khai quốc cho đến giữa lúc duy tân, do cửa miệng của họ Đại Ôi phát ra vậy.

Chú thích[sửa]

  1. Tên nguyên gốc của tác phẩm là 学問のすゝめ Gakumon no susume (Khuyến học). Ở đây có lẽ tác giả Đào Trinh Nhất đã chịu ảnh hưởng của Hán học nên dịch tên tác phẩm thành Học văn chi khuyến.

Nguồn[sửa]

Xem thêm[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này