Nhật Bản duy tân 30 năm/Chương VIII. Lục quân, hải quân
Đã nói toàn cuộc “Nhựt-bổn duy-tân” có thể gọi tắt là một cuộc tóm-thâu bắt-chước hết thảy những cái gì là mới, là hay, là tài, là lạ của Tây-phương. Từ chánh-trị, giáo-dục, võ-bị, khoa-học cho tới kỹ-nghệ, công-thương, cơ-khí, mỹ-thuật, không có thứ nào mà Nhựt không đạp đổ cái cũ, cái dở của mình, để đổi lấy cái hay, cái mới của người. Trên đường văn-minh tấn-hóa, họ như người khách lữ-hành có việc gấp, mà đi thâu đêm suốt sáng, rảo cẳng rút đường, hầu tới mục-đích địa-điểm cho mau, kẻo sợ chậm-trễ hư việc.
Bởi vậy, bắt đầu từ 1868 trở đi, lối 30 năm sau, Nhựt-bổn nghiễm-nhiên trở nên một nước văn-minh phú-cường, trừ cái quốc-hồn ra thì bao nhiêu dấu cũ vết xưa ba chục năm về trước không còn thấy tăm-hơi đâu hết.
Mấy tiếng súng của Tây-phương thức-tỉnh và thúc-hối Nhựt-bổn mau quá!
Đã đọc một chương ở trên xa kia, độc-giả tất đã biết rõ cái cớ khiến cho Nhựt-bổn văn-minh tự-cường mau, chính là do mấy tiếng súng của Tây-phương hâm-he, bắt-buộc. Trước là mấy tiếng súng của đoàn tàu Mỹ bắn vào Phố-hạ; sau là mấy tiếng súng của hạm đội 4 nước Anh, Lan, Mỹ, Pháp, hiệp nhau bắn vào Lộc-nhi-đảo và Hạ-quan. Những tiếng súng đó chỉ tỏ cho người Nhựt thấy cái mãnh-lực của Tây-phương cao hơn mình muôn
Thế là Tây-phương lấy võ-lực khiêu-khích bắt-buộc Nhựt-bổn phải tỉnh giấc mộng xưa mà đi vào con đường mới, hèn chi trong cuộc duy-tân, chánh-phủ Nhật-bổn lấy việc sửa-sang binh-bị, sắp-đặt quốc-phòng là việc quan-hệ cấp-bách thứ nhứt cũng phải.
Phải xem qua cái lịch-trình của lục-quân và hải-quân nước Nhựt, mới dễ thấy cuộc duy-tân của họ bày tỏ ra sự thành-công kết-quả đã mau-chóng lại tốt-đẹp vẻ-vang đến thế nào?
Mục lục
- 1 CÓ NGƯỜI SỚM BIẾT NGHIÊN-CỨU BINH-PHÁP THÁI-TÂY
- 2 ĐẠI-KHÁI LAI-LỊCH CỦA LỤC-QUÂN NHỰT TỪ MẠC-PHỦ ĐẾN ĐỜI MINH-TRỊ
- 3 NHỰT-BỔN VỐN LÀ MỘT NƯỚC HẢI-QUÂN LÂU ĐỜI
- 4 KHÍ-KHÁI VÀ VÕ-CÔNG CỦA TÊN LÍNH NHỰT
- 5 TRẬN Ở ĐỐI-MÃ HẢI-GIÁP, ĐÔNG-HƯƠNG NGUYÊN-SOÁI PHÁ TAN HẠM-ĐỘI CỦA NGA
- 6 CHÚNG TÔI HỌC THEO TÂY-PHƯƠNG CÁC ÔNG MÀ!
- 7 Chú thích
- 8 Nguồn
CÓ NGƯỜI SỚM BIẾT NGHIÊN-CỨU BINH-PHÁP THÁI-TÂY[sửa]
Ai cũng biết Lục-quân Nhựt-bổn nổi tiếng khắp thiên-hạ là thứ quân có kỷ-luật nghiêm-minh và dõng-mãnh liều chết lạ thường. Họ ngang hàng với lục-quân của Pháp và của Đức chớ không phải vừa. Nhiều người Âu-châu đi xem trận Nhật-Nga chiến-tranh 1904-1905, đều phải công nhận.
Có lạ gì dân-tộc Nhựt-bổn sẵn có tánh-cách thượng-võ từ trong trứng đẻ ra, trải qua con đường lịch-sử dằng-dặc hai ngàn mấy trăm năm, nào là vì lẽ phấn-đấu sanh-tồn mà phải đánh giẹp những bộ-lạc ở xung-quanh họ, nào là trong nước có những việc nội-loạn chinh-chiến luôn luôn, thành ra từ xưa, người Nhựt đã từng biết sửa-sang võ-bị, rèn-tập lục-quân là thế nào rồi. Một dân-tộc có “Võ-sĩ-đạo - 武士道” là quốc-túy, quốc-hồn, tự nhiên ai cũng biết trọng võ, ai cũng là tên lính được cả. Có thể nói Nhựt-bổn từ khi có lịch-sử cho đến lúc được chừng 2300 năm, không có mấy trương mà không biên chép việc võ.
Chỉ duy đến đời cận kim, họ Đức-xuyên làm tướng-quân, ngoài thì đóng cửa tuyệt-giao, trong thì thái-bình vô sự, ròng rã hai trăm mấy chục năm như thế, việcvăn hết sức tấn-tới, mà việc võ ra chiều lãng-quên đến đỗi hình như dân Nhựt không còn có thứ máu hung-hăng võ-dõng như tổ-tiên thuở trước nữa. Bởi vậy hồi cuối thế-kỷ 18, năm 1789, người Nga mở-mang bờ-cõi sang phương Đông, ỷ mạnh xâm-lấn mất cù-lao Thiên-đảo - 千島 của Nhựt, mà Nhựt cam chịu ngó lơ; rồi từ đó về sau thường có lá buồm tàu Tây ra vô thấp-thoáng ở biển gần kề Nhựt-bổn luôn luôn, nhưng cũng chưa đủ kêu gọi cái hồn thượng-võ thủ-thân của dân Nhựt tỉnh dậy.
Mãi tới năm 1853, một đoàn tàu Mỹ kéo tới Phố-hạ bắn súng rầm-rầm, bấy giờ trong nước Nhựt, trên dưới mới rúng động hoảng-hồn, coi như tiếng sét bể núi nghiêng trời thình lình giáng-hạ! Cái hồn Đại-hòa dân-tộc là cái hồn thượng-võ trọng binh, hai trăm mấy chục năm bị uất kết trầm-kha, nay vùng tỉnh dậy, rồi những người mang cái hồn ấy ùn-ùn phấn-phát giống như cái thế núi lở nước tràn, không có thứ gì ngăn-cản được. Bấy giờ, trên thì mấy nhà cầm-quyền Mạc-phủ, dưới thì hạng chí-sĩ thức-thời, đều xôn-xao nhìn biết sức mạnh ghê-gớm của Tây-phương, và nhứt định làm sao mình cũng phải có quân lính tập rèn như người Tây, súng đạn dữ-dằn như người Tây, thì mới sanh-tồn đặng.
Song, y như một đoạn trên xa kia tôi đã nói, nước Nhựt có phước, cho nên đối với văn-hóa Tây-phương, trong dân-gian thường sản-sanh ra những hạng chí-sĩ có cái óc tỉnh-ngộ thời-thế sớm hơn nhà cầm-quyền, sớm hơn cả dân-chúng, dầu về phương-diện nào cũng thế. Chính hạng ấy tỉnh ngủ dậy trước, rồi đánh thức nhà cầm-quyền và dân chúng dậy theo.
Như đời Đức-xuyên cấm dân nghiên-cứu Tây-học, còn việc mua bán thì chỉ cho phép một mình người Hòa-lan là người Tây-phương được ra vô buôn bán ở đất Tràng-kỳ mà thôi, nhưng vậy mà trong đám sĩ-dân Nhựt-bổn vẫn có năm mười học-giả thầm lén xem xét văn-minh Tây-phương. Ngay đến quân-học Tây-phương đời ấy cũng đã truyền qua Nhựt-bổn chút ít được rồi. Ta coi một chứng cớ nầy đủ biết.
Năm 1840, tức là trước khi có đoàn tàu Mỹ vô bắn súng thị-oai ở cửa Phố-hạ 13 năm, nước Nhựt đã có người dân ở Tràng-kỳ tên là Cao-đảo Tứ-lang (高島四郎 - Takashima Shirou) lần mò chơi bời với người Lan, xem kiểu súng Lan, tự-nhiên trong óc nảy ra kiến-thức về thời thế, về sức mạnh của quân lính súng đạn Tây-phương. Rồi đó Cao-đảo chuyên tâm giảng-cứu binh-học Tây-phương ngay chẳng dụ-dự chút nào! Không bù với sĩ-dân nước mình, từ hồi cuối thế-kỷ 18, có đức thầy Bá-đa-lộc đem mấy chục tay kỹ-sư quân-gia Pháp qua đóng tàu đúc súng dùm cho vua Gia-long, có khí-giới tân-kỳ đó ngài mới thắng nổi Tây-sơn, ấy chính là dịp đáng cho ta có một hai Cao-đảo Tứ-lang sớm hơn Nhựt-bổn 50 năm rồi chớ! Vậy mà chẳng hề có một nho-gia hay một võ-sĩ nào của mình thấy cái sức mạnh đó mà biết tỉnh-ngộ bắt chước!
Cao-đảo học rồi dâng thơ lên Mạc-phủ, đại-khái nói rằng:
“Thanh-quốc - 青国 (tức là nước Tàu lúc đó) bị Âu-binh đánh phá tan-tành, “là vì binh-khí của Thanh dùng theo kiểu xưa, quân lính tập-rèn lối cũ, “không có thế nào chống lại được với binh-khí quân-sĩ lối mới đời nay. “Nếu như nước Nhựt ta không mau mau sửa-sang binh-khí, quân-đội và “chiến-pháp, thì việc quốc-phòng của ta không có thế nào khỏi nguy được “đâu. Vậy xin tướng-quân nên mau thi-hành cuộc đại-cải-cách về việc “binh cơ võ-bị mới đặng v.v…”
Vừa nói vừa làm, Cao-đảo lại cậy người Hòa-lan mua một ít súng đạn ở nước Hòa-lan đem qua, rồi tự mình rèn-tập võ-nghệ tân-thời cho một số em cháu học-trò. Khi tập rèn thành-thuộc đâu đó rồi, chính Cao-đảo dẫn toán lính mới, bồng súng mới đó, lên tới Giang-hộ, để phô bày trước mắt, hầu chỉ tỏ cho Mạc-phủ thấy việc nghiên-cứu Tây-học là việc cần-kíp dường nào. Tuy nhà cầm-quyền chần-chờ nghi-ngại, chưa chịu nghe lời Cao-đảo mặc lòng, chớ Cao-đảo cũng đã làm cho Mạc-phủ hơi tỉnh-ngộ về thế-lực Tây-phương nhiều ít.
Trở về quê-hương, Cao-đảo mở trường dạy học luyện binh đúc súng kiểu Tây. Có nhiều chí-sĩ thức-thời vẫn dốc lòng khâm-phục binh-pháp Tây-phương, giờ kéo tới Tràng-kỳ thờ kính Cao-đảo làm thầy càng ngày càng đông. Cao-đảo cùng người học trò giỏi nhứt là Giang-xuyên Thái-lang - 江川太郎 - Egawa Tarou, mở xưởng đúc súng đạn riêng mà tự thảo ra trận-đồ phòng-giữ đất nước. Tia sáng “binh-pháp duy-tân” của Nhựt-bổn, chính là từ trong nhà Cao-đảo mà bật lên chiếu rọi trước hết vậy.
Tội-nghiệp Cao-đảo về sau bị nhà cầm-quyền sanh-nghi là có chi lạ sao đó, nên chi cuối năm 1842, Cao-đảo bị bắt hạ ngục rồi chết luôn trong ngục.
Tới đây, tôi động lòng vụt nhớ lại cảnh-ngộ của ông Nguyễn-trường-Tộ mình ở đời Tự-đức cũng dâng thơ yêu-cầu cải-cách về học-thuật võ-bị, không được trào-đình biết nghe, lại còn sanh nghi rồi giam-cầm ông ta chết khô trong ngục. Thân-thế Trường-Tộ giống như Cao-đảo; chỉ khác nhau một chỗ, là Cao-đảo có thiệt-nghiệm ít nhiều, còn Trường-Tộ chỉ cao-đàm trên giấy. Thành ra, cùng là vì việc quốc-gia thời-thế mà chết khô như nhau, nhưng mà một người có lưu lại ảnh-hưởng với hậu-nhơn, một người thì vô-bổ cho quốc-sự!
Mặc lòng Cao-đảo gặp bước chẳng may cho đời mình, nhưng mà công-nghiệp khởi-sáng của Cao-đảo vẫn sống đời đời. Người Nhựt đều nói: “Ông tổ Tây-phương binh-pháp ở nước Nhựt, chính là Cao-đảo!”.
Người nọ mang họa mà chết, tức thời có người kia nối chí mà dấy lên ngay, không sợ gì hết. Nội cái tinh-thần vô-úy của chí-sĩ Nhựt như thế, đủ khiến cho Nhựt ít năm sau trở nên văn-minh hùng-cường tới bao nhiêu lần cũng đáng.
Nối chí Cao-đảo, chính là Giang-xuyên; học-trò ra tay làm cái việc của thầy học để lại.
Giang-xuyên cứ mở trường dạy học-trò tập binh đúc súng và lo việc quốc-phòng như Cao-đảo trước. Một mặt Giang-xuyên khéo tỏ bày thời-thế, mà được mấy cụ Các-lão - 閣老 của Mạc-phủ tin dùng. Mạc-phủ giao cho Giang-xuyên xây hai pháo-đài ở Hạ-điền - 下田 - Shimoda và Phẩm-xuyên - 品川 - Shinagawa, làm như hai bức thành đá, hộ-vệ Mạc-phủ. Đến năm 1855, nghĩa là sau khi đoàn tàu Mỹ qua Phố-hạ 2 năm, thì Giang-xuyên mang bịnh qua đời.
Người Nhựt đều nói: nhờ nơi Cao-đảo, Giang-xuyên, hai thầy trò sốt-sắng gan-dạ, mới mở ra đầu mối sửa-sang binh-pháp tân-thời cho Mạc-phủ, mà cũng chính là hai ông tổ-sư của Lục-quân Nhựt-bổn ngày nay”.
ĐẠI-KHÁI LAI-LỊCH CỦA LỤC-QUÂN NHỰT TỪ MẠC-PHỦ ĐẾN ĐỜI MINH-TRỊ[sửa]
Sau đó, cả về hải-quân và lục-quân, Mạc-phủ đều lo sửa-sang lại, và mua sắm binh-khí tân-thời để cho việc quốc-phòng được vững-vàng. Mạc-phủ lại tự mở ra xưởng chế-tạo súng đạn nữa. Các phiên-bang cũng bắt-chước; mỗi phiên đều mở ra xưởng súng đạn riêng của mình. Tự nhiên ban đầu súng đạn ấy chế-tạo ra chưa tốt, nhưng mà nhờ có chỗ “lo thân và dè người” nó xui-khiến, thúc-giục, thành ra chỉ trong ít năm, công-cuộc chế-tạo binh-khí lối mới ở nước Nhựt được tấn-bộ mau lắm.
Đến hồi tàu chiến của Anh bắn vào đảo Lộc-nhi - 鹿児島 - Kagoshima (1863) và năm sau hạm đội 4 nước Anh, Pháp, Mỹ, Lan, kéo tới bắn vào Hạ-quan (1864), nước Nhựt thêm cơ-hội tỉnh-ngộ ra rằng chỉ có súng bền đạn tốt cũng chưa đủ cho mình cự ai hay là đánh người được, tất nhiên phải khéo luyện tập binh-đội nữa mới xong.
Rồi năm 1862, Mạc-phủ theo kiểu Tây mà lập ra được 3 binh đội: Bộ-binh 8.306 người; kỵ-binh 1.068 người; pháo-binh giã-chiến (dùng đánh nhau ngoài đồng)800 người; pháo-binh yếu-tắc (giữ chỗ hiểm-yếu, ví dụ nhưpháo-đài) 2.045 người; tướng-sĩ 1.406 người; cọng lại mấy đạo lục-quân được 13.625 người. Lại bắt-chước Tây-phương mà định ra thứ bực danh-hiệu các tướng-tá ở lục-quân, hải-quân, rồi phái người đi Âu-châu nghiên-cứu binh-chế.
Tới năm 1867, Mạc-phủ mướn mấy vị võ-quan Pháp sắp-đặt và thao-luyện lục-quân cho mình. Các phiên-bang cũng đua nhau sửa-sang võ-bị lối mới; có điều là mỗi phiên tự ý bắt-chước cách-thức của một nước Âu-châu, chớ không nhứt định một thứ. Nhưng cũng năm 1867 đó, Mạc-phủ đem quyền-chánh dâng trả Thiên-hoàng, rồi sang năm sau là Minh-trị nguyên-niên, bắt đầu mở ra lịch-sử duy-tân cho nước Nhựt.
Một hai năm đầu Minh-trị, tuy là chánh-quyền đã trả lại nhà vua, nhưng mà binh-quyền thì chưa, vì còn ở trong tay các phiên, mỗi phiên, có quân-đội riêng: phiên theo kiểu Anh, phiên theo lối Đức.
Minh-trị Thiên-hoàng sai Sơn-huyện Hữu-bằng - 山県有朋 - Yamagata Aritomo (37 năm sau làm đại-tướng trong trận đánh Nga) và Tây-hương Tông-đạo - 西郷従道 - Saigou Judou cùng đi qua các nước Âu-châu, xem xét binh-chế. Tháng 8 năm Minh-trị thứ 3, hai ông nầy về nước, gánh vác công việc sửa-sang quân-chánh.
Bấy giờ Nhựt-bổn mới nhứt-định lựa chọn theo kiểu Pháp-quốc mà tổ-chức lục-quân của mình, các phiên cũng lần lần trả lại đất cát cùng binh-quyền cho nhà vua thống-nhứt. Lúc nầy trở đi, lục-quân Nhựt-bổn mới thiệt là bước vào thời-kỳ tổ chức theo lối mới, huấn-luyện theo lối mới.
Ta nghĩ coi quân-đội một nước trải mấy ngàn năm quen đánh nhau bằng giáo mác gươm đao, vả lại kỷ-luật không rành, giáo-dục ít có; nay bỗng xóa bỏ hết lớp cũ, để tạo-lập ra lớp mới tinh, lẽ tự-nhiên công-cuộc cải-cách nầy vừa vất-vả khó-khăn, nhưng thật là công-trình vĩ-đại lắm vậy. Nhứt là luyện-tập lục-quân kiểu mới mà sau 37 năm nữa đã đem ra thử sứcvới lục-quân của một đại-cường-quốc lâu đời là nước Nga, rốt cuộc binh Nhựt toàn thắng, càng tỏ ra công-cuộc cải-cách mau lẹ rõ ràng biết sao mà nói cho cùng.
Tôi tiếc không thể nói kỹ về công-cuộc cải-cách binh-pháp của đời Minh-trị từ ly từ chút, là vì giới-hạn giấy mực hẹp-hòi, mà dầu có nói kỹ chắc cũng là dư, vì giống người chúng ta vốn không thượng-võ, không hào binh, tưởng nếu nói nhiều về công-cuộc tổ-chức nầy có lẽ lắm người đọc sanh chán!
Chúng ta chỉ nên biết rằng công-cuộc cải-cách binh bị của Nhựt trong hồi duy-tân đã làm một cách thấu-triệt, hoàn-toàn, không có một điều hay nào về binh-cơ võ-bị của Âu Mỹ mà Nhựt-bổn không thâu-góp bắt-chước. Từ việc giáo-dục tướng-sĩ, chế-tạo khí-giới, cho đến việc xây-dựng pháo-đài, sắp-đặt binh-chế, nhứt nhứt đều lần hồi sửa-sang, kỳ cho tới có lục-quân hẳn-hòi như Âu Mỹ.
Mười mấy năm đầu, Nhựt-bổn còn phải mướn võ-quan Âu Mỹ qua rèn-tập, và sở đúc súng đạn cũng mướn các nhà chuyên-môn ngoại-quốc chỉ vẽ trông nom. Nhưng từ năm Minh-trị 15 trở đi, thì mọi việc luyện binh đúc súng gì, người Nhựt cũng tự làm lấy hết, không phải mượn tay người ngoại-quốc nào nữa. Là vì có những thanh-niên đi du-học Âu Mỹ trở về, đã rút nghề của Âu Mỹ mà tự-chủ công-việc luyện binh đúc súng được rồi. Học như họ vậy mới thiệt là học cứu nước.
Muốn biết hải-quân lục-quân đời Minh-trị càng ngày càng tấn-tới sửa-sang thế nào, ta cứ xem nội số tiền công-nho gia-tăng cũng biết: mấy năm đầu chi-phí 7 triệu viên có, 8 triệu viên có; 20 năm sau lên 13, 14 triệu, cho tới khoảng Minh-trị 35, 36, thì số đó lên từ 50 đến 80 triệu, 100 triệu ngoài. Rõ ràng Nhựt-bổn chịu tốn-hao sắp-đặt quân-đội khí giới lắm vậy.
Một việc có tổ-chức mà không có thực-nghiệm, thì cũng còn là việc thiếu sót, và không thực-nghiệm thì làm sao biết chỗ dở hay? Hải-quân, lục-quân nước Nhựt được kiêm cả hai cái lợi đó.
Trong khi quân-đội hải lục cải-cách theo mới, có mấy dịp tốt để cho tướng-sĩ Nhựt-bổn thử sức của họ rất hay.
Trước hết, là hồi ban đầu Mạc-phủ mới dâng trả quyền-chánh nhà vua, còn có số ít chư-hầu bất phục, rủ nhau nổi loạn, ép nài Đức-xuyên Khánh-hỷ phải trở về Giang-hộ làm tướng-quân lại. Dịp nầy, quân lính nhà vua trên bộ dưới thủy phải ra tay đánh giẹp hơn một năm mới êm. Tuy là nội-loạn, nhưng tướng-sĩ có cơ-hội thao-luyện chiến-pháp lối mới của họ bắt đầu học được bấy lâu.
Năm Minh-trị thứ 10, có loạn ở miệt Tây-nam do Tây-hương Long-thạnh - 西郷 隆盛 xướng lên, lại có dịp cho tướng-sĩ nhà vua thử sức mình một lúc nữa.
Tới năm Giáp-ngọ (1894), Nhựt-bổn khởi sự đem binh ra thử sức ở ngoài, ấy là lúc chiếm-cứ Đài-loan, đánh nhau với quân nhà Thanh của Trung-quốc. Trận nầy cả hai quân hải lục đánh đâu thắng đó, làm binh Thanh ngó thấy bóng cờ của Nhựt đã chạy te. Rồi đến năm Canh-tí 1900, Trung-quốc có loạn Quyền-phỉ - 挙?, Nhựt-bổn đem quân sang cùng 7 nước Âu Mỹ, gọi là “Bát-quốc liên-quân, 八国連軍 ” vào Bắc-kinh giẹp loạn ấy; cũng là dịp cho binh Nhựt thực-nghiệm tài-lực của mình, mà cũng là dịp cho Tây-phương ngó thấy phải lấy làm sửng-sốt ngẩn-ngơ: không hiểu sao Nhựt-bổn luyện quân lối mới quanh-quẩn có ba chục năm, mà đã có được những quân-đội thật là dõng-mãnh thiện-chiến và có kỷ-luật nghiêm-minh, không thua Tây-phương chút nào.
Sau mấy kỳ thực-nghiệm trên đây, tuy là binh Nhựt được Tây-phương khen-ngợi và đánh ăn Trung-quốc, nhưng tướng-sĩ Nhựt không hề tự-kiêu, cũng không cho là tự-mãn tự-túc. Trái lại, dầu đánh thắng được khen mặc lòng, họ vẫn xem-xét lại mình còn thiếu-sót những chỗ nào, rồi cố gắng được cải-lương tấn-bộ hơn nhiều nữa. Các thanh-niên tướng-sĩ xét mình chưa đủ học-thuật làm lo, cho nên sau lúc chiến-sự xong rồi, ai nấy trở về càng gia-côngluyện-tập, vì họ thấy rõ binh-sĩ Trung-quốc chỉ vì không có học-thuật huấn-luyện nên mới chọi ai thua nấy, chớ không chi lạ.
Lúc nầy những súng đạn cùng các thứ quân-khí của Nhựt tự chế-tạo ra đã tấn-tới lắm. Nhứt là có kiểu súng bộ-binh của một vị thanh-niên đoàn-trưởng là Thôn-điền - 村田 - Murata (major Murata Tsuneyoshi) sáng-chế ra, đạn bắn đi rất xa. Vậy là vừa mới bắt-chước người ta, mà họ đã nảy ra cái óc tự chế binh-khí rồi; tôi tưởng thiên-hạ không có dân nào đi học người mà mau tự-lập mình đến thế.
Quân-khí đã tốt, tướng-sĩ lại đêm ngày luyện-tập; một nước có lục-quân như vậy, không mạnh sao được? Lục-quân đó, đến sau năm 1904-1905, Nhựt-bổn đem qua Mãn-châu đánh tan quân lính của đại-cường-quốc Nga-la-tư, làm cho thế-giới kinh-hoàng, rồi từ đó Nhựt-bổn được leo lên ngang hàng với liệt-cường Âu Mỹ.
Phàm là dân Nhựt, ai cũng phải có nghĩa-vụ ra lính. Đến tuổi ra đứng dưới lá cờ nhà binh, thì ai cũng bình-đẳng như ai, không phân sang hèn giàu nghèo gì cả. Về niên-hạn ra lính, gần đây có sửa đổi thế nào, tôi chưa được biết, chớ theo như binh-chế đời Minh-trị hồi mới duy-tân cho đến hồi đánh thắng Nga, thì nhứt-thiết nam-tử đúng 20 tuổi đến 40 tuổi, đều có nghĩa-vụ binh-dịch.
Có 4 hạng lính; Thường-bị 常備, Hậu-bị 後備, Bổ-sung 補充, Quốc-dân 国.
Hạng lính Thường-bị chia ra làm hiện-dịch và dự-bị 2 kỳ. Lính hiện-dịch thì lục-quân 3 năm, hải-quân 4 năm; lính dự-bị thì lục-quân 4 năm 4 tháng, hải-quân 3 năm.
Ngạch lính Hậu-bị, kỳ hạn ra lính định là 5 năm; mãn hạn thì tên mình thoát khỏi sổ lính.
Hể con trai đến tuổi thành-đinh tức là đúng 20 tuổi, buộc phải ra lính hiện-dịch ngay, để chịu sự rèn-tập nghề binh. Duy có học-trò thì được rộng kỳ cho họcxong rồi mới phải nhập ngũ. Còn những người đăng lính vào hạng dự-bị, thì mỗi năm chỉ bị kêu ra tập-rèn có một tháng.
Lính Hậu-bị cũng như lính Dự-bị nói trên đây, là những người bình-thời vẫn có nghề-nghiệp làm ăn, không buộc vô ở trong trại, nhưng tên họ có ghi trong sổ quân, khi có chiến-sự thì nhà-nước kêu ra đi lính.
Những người có vóc-dạc kém sút, và sức-khỏe không hạp cách quân-nhơn, thì đăng vào ngạch lính Bổ-sung.
Đến như ngạch lính gọi là Quốc-dân-binh, ấy là những người ra lính đã mãn hạn rồi, nhưng xin đăng lại để phục-dịch quốc-gia mãi mãi.
Riêng với học-sanh, nhà-nước cho rộng-rãi hơn: học-sanh cao-đẳng chỉ phải ra lính hiện-dịch có 2 năm; học-sanh đại-học thì 1 năm. Còn trung-học trở xuống vẫn phải ra lính hiện-dịch 3 năm như thường. Những học-trò bực cao, sau khi làm tròn phận-sự đi lính rồi, tình-nguyện sung vào quân-đội thì gọi là “chí-nguyện-binh志願兵 - Shiganhei ”, tức như ngạch lính gọi là les volontaires ở Pháp-quốc vậy.
Kể đến hồi đánh Nga, khắp cả nước Nhựt, số dân có thể ra làm nghĩa-vụ binh-dịch, lối chừng trên 700 muôn người.
Hiện-thời, Lục-quân Nhựt-bổn có cả thảy 17 sư-đoàn - 師団 - Shidan, ấy là kể số lính tại-ngũ trong nước và trấn-thủ ở Mãn-châu, Cao-ly, chớ còn những ngạch lính Hậu-bị, Dự-bị và Bổ-sung có thiệt số bao nhiêu, không ai biết được. Ví dụ một mai đánh nhau với nước nào, mà chánh-phủ hạ lịnh động-viên (動員令 douin-rei, Mobilisation), thiệt số tất cả ngạch lính bao nhiêu, chánh-phủ giữ bí-mật lắm.
Chiếu theo Hiến-pháp Nhựt-bổn, toàn-quốc Hải-quân, Lục-quân và Không-quân, đều ở dưới quyền tiết-chế của đức Thiên-hoàng. Chính ngài là Hải, Lục, Không-海陸空軍大元師. Ngài có quyền độc-tài về quân-chánh, chớ không phải qua tay Nội-các ưng không mới được. Lúc có chiến-sự, ví dụ như lúc đánh Nga, Đại-bổn-dinh 大本営 (Quartier général) hay là Nguyên-soái-phủ 元師府vẫn đặt tại thành Đông-kinh, do Đức Thiên-hoàng làm đầu, có Nội-các thủ-tướng cùng mấy vị Hải-quân, Lục-quân đại-thần và mấy vị Đại-tướng-quân làm chức Tham-nghị Đại-bổn-dinh. Khi đức Thiên-hoàng ngự tới Đại-bổn-dinh bàn tính quân-cơ, vẫn mang nhung-phục Đại-nguyên-soái.
Chính ngài lựa chọn giao phó các tướng-tá thay mặt ngài ra trận cầm quân, gọi là Tổng-chỉ-huy 総指揮 - soushiki hay là Tổng-tư-lịnh 総司令 sousirei. Tức như hồi có chiến-sự với Nga, đức Thiên-hoàng phong Đại-sơn-nham 大山巖 - Ooyama Iwaolàm Lục-quân Tổng-tư-lịnh, đánh bộ-binh Nga ở Mãn-châu, và phong Đông-hương Bình-bát-lang 東郷平八郎 - Tougou Heihachirou làm Hải-quân Tổng-tư-lịnh, đánh thủy-binh chiến-hạm Nga ở cửa Lữ-thuận và Nhựt-bổn-hải. Ra trận, hết thảy tướng-sĩ ba-quân đều phải vâng theo phương-lược của quan Tổng-tư-lịnh, mà chính quan Tổng-tư-lịnh lại phải vâng theo huấn-lịnh từ Đại-bổn-dinh truyền cho. Trận đánh Nga, hai ông Đại-sơn và Đông-hương vốn là trung-tướng mà Thiên-hoàng Minh-trị lựa chọn cất nhắc lên ngôi đại-tướng, và đem cả vận-mạng Lục-quân, Hải-quân nước Nhựt phú-thác cho, là vì ngài biết rõ tài-năng thao-lược của hai ông, nên mới trọng-dụng ủy-thác như vậy. Quả thiệt, vua Minh-trị không lầm chút nào: bộ binh Nga đại bại vì tay Đại-sơn cũng như thủy-binh Nga tan-nát vì tay Đông-hương, một ông vua tri nhơn thiện dụng, có lợi cho quốc-gia là thế đó.
NHỰT-BỔN VỐN LÀ MỘT NƯỚC HẢI-QUÂN LÂU ĐỜI[sửa]
Cứ lấy địa-thế mà nói, Nhựt-bổn cũng như Anh-quốc, là nước cù-lao rời rạc, biển rộng bao quanh, vậy thì khỏi nói chắc ai cũng đoán biết rằng vì lẽ sanh-tồn hộ-thân,tự nhiên dân-tộc họ từ xưa vốn giỏi nghề đi biển và cũng từng có tư-tưởng về hải-quân rồi, chớ không phải đợi đến ngày nay.
Thiệt vậy, ngày xưa vua chúa Nhựt-bổn thường dùng chiến thuyền kéo đi chinh-phục những cù-lao kế cận. Dân-chúng trong nước phần nhiều ở ven biển phải sanh-nhai đánh cá, tự nhiên nghề hàng-hải họ đã gan-dạ rành-rẽ lắm. Lại nhiều thương-gia chuyên nghề buôn bán từ biển nầy qua biển kia, cho nên họ biết đóng ra những chiếc ghe lớn, để đi biển rộng, trương buồm thuận gió, dám vượt đại-hải mà qua buôn bán với Nam-dương quần-đảo và nước Nam mình rất sớm. Ai thuộc sử ta, chắc còn nhớ có một đoạn về đời Hậu-Lê chép rằng có một chiếc ghe buôn Nhựt-bổn bị bão lớn đánh trôi vào địa-phận nước ta, người sống mà ghe hư hết, không thể dùng được nữa. Quan ta vì nghĩa bang giao, muốn đóng cho bọn dân Nhựt nầy một chiếc ghe lớn để họ về nước, nhưng đóng cả năm không xong, rồi sau đành thú thiệt cái dở của mình không đóng ghe đi biển được. Họ phải chờ đợi trút năm nữa mới có ghe khác ghé vào rước đi. Nước Nam ta, mặt ngoài ngó ra biển, bờ biển từ bắc vô nam, dài mấy muôn dặm đường, mà không đóng nổi một chiếc ghe đi biển lớn, thảm chưa?
Ta coi đại-khái một vài việc như trên, đủ rõ Nhựt-bổn cổ-thời đã biết dùng chiến-thuyền và đã có gan hàng-hải ra thế nào rồi.
Trong lịch-sử họ thường có nhiều trận hải-chiến lớn lao. Hoặc trong nước đánh lẫn nhau, như lúc hai võ-gia Nguyên-lại-Triều 源頼朝 và Bình-thanh-Thịnh 平清盛 giao-chiến trên biển, họ Nguyên dùng một đội chiến-thuyền tới trên 840 chiếc, để quyết thư hùng; ấy là trận hải-chiến lớn nhứt của Nhựt-bổn cổ-thời. Hoặc hải-chiến với ngoài, là hồi cuối thế-kỷ 13, binh Nguyên nước Tàu tức là binh Mông-cổ đã từng gầm thét bao lâu ở đại-lục Âu-Á, đem trên 10 muôn chiến-thuyền qua đánh Nhựt-bổn, chiếc nào cũng to lớn kình càng, thế mà dân Nhựt ở các phiên-bang phía Tây cũng dám chống-cự đáo để. Lúc nầy, hai đàng mạnh yếu cách xa, thiếu chút nữa Nhựt thua to và mất nước về tay giặc Nguyên, nhưng may sao có trận bão-tố nổi lên, làm cho chiến-thuyền của Nguyên chìm ráo. Người Nhựt tin đó là sức thần cứu-giúp, cho nên họ càng tin họ là “Thần-quốc tử-tôn”, và rồi từ đó trở đi, Nhựt-bổn không bị tai nạn ngoại-xâm nào nữa.
Chẳng những họ không bị ngoại-xâm, mà chính họ lại có cái chí ngoại-xâm người ta. Lúc Phong-thần Tú-cát 豊臣秀吉 - Toyotomi Hideyoshi làm tướng-quân, từng đem chiến-thuyền sang đánh Triều-tiên; rồi sau đó có người dõng-cảm, bày mưu lập kế, muốn cướp lấy Đài-loan và quần-đảo Lữ-tống (tức là Phi-luật-Tân) ngay từ bấy giờ.
Đến đời Đức-xuyên 徳川 - Tokugawa làm tướng-quân, thi-hành chánh-sách khóa cửa luôn 200 năm ngoài. Trong thời-kỳ dằng-dặc đó, quốc-gia vô-sự, thiên-hạ thái-bình, không ai để ý tới việc hải-phòng, lại có một lúc, tướng-quân Đức-xuyên cấm dân trong nước đóng những ghe lớn để đi biển xa, vì sợ người ta giao-thông với ngoại-quốc.
Mãi sau cuối đời Mạc-phủ Đức-xuyên, ghe tàu Âu Mỹ qua Thái-bình-dương nhiều, bọn chí-sĩ thức-thời ở nước Nhựt mới xướng lên vấn-đề hải-phòng, làm cho trên dưới xao-xuyến. Tới năm 1853, có đoàn tàu Mỹ của đề-đốc Bá-lý kéo qua, rồi Mạc-phủ được thơ của quốc-vương Hòa-lan khuyên bảo Nhựt-bổn thế nào cũng phải mau mau sửa-sang hải-quân, theo lối Âu Mỹ, bấy giờ Mạc-phủ mới tỉnh-ngộ, quyết ý mở-mang hải-quân. Đầu hết (1855), mở ra trường dạy hải-quân ở Tràng-kỳ, dùng người Lan làm thầy. Rồi sau mở ra xưởng đóng tàu và cơ sở đúc sắt ở Giang-hộ nữa. Việc hải-quân giáo-dục khởi thủy từ đây.
Ngoài ra hai chiếc tàu chiến của chánh-phủ Hòa-lan và nữ-hoàng Anh-quốc gởi qua tặng cho, Mạc-phủ lại xuất tiền mướn các nước Tây-phương đóng nhiều chiếctàu, lập thành một hạm-đội riêng của mình. Năm 1860, Mạc-phủ phái chiếc quân-hạm tên là Hàm-lâm chở sứ-thần qua Mỹ-quốc; ấy là lần trước hết Nhựt-bổn có quân-hạm đi xa.
Trong khoảng có 5 năm mà Mạc-phủ tổ-chức ra được hải-quân hạm-đội và mở-mang hải-quân giáo-dục như thế, tuy chưa ra gì, nhưng kể cũng là sốt-sắng mau-lẹ quá. Bấy giờ các phiên-bang cũng bắt-chước, hoặc phái người đi cầu học hải-quân ở Âu Mỹ, hoặc mua sắm chiến-hạm tân-thời, phiên thì một vài chiếc, phiên thì mươi lăm chiếc; hiệp cọng lại số chiến-hạm của Mạc-phủ (44 chiếc) cùng các phiên-bang, lúc nầy Nhựt-bổn đã có trút trăm chiếc tàu binh chớ không phải ít.
Đến lúc Minh-trị duy-tân thì bao nhiêu chiếc tàu trận đó đều thống-thuộc về tay trung-ương chánh-phủ hết.
Ta nên biết tàu trận của Mạc-phủ và phiên-bang, hầu hết là thứ tàu nhỏ; sau Minh-trị Thiên-hoàng thâu về, mới thiệt là ra sức khuếch-trương cho Nhựt-bổn có hải-quân thiệt lớn, chiến-hạm thiệt hùng, vì ngài rõ biết rằng: “Việc sắp-đặt hải-quân là việc rất gấp của nước Nhựt, nước Nhựt tất phải dựng lên cái cơ-sở hải-quân cho thiệt đúng mới được, ”. Hải-quân Nhựt-bổn bước vào con đường phấn-khởi từ đó.
Trước hết mở trường Hải-quân học-hiệu ở Đông-kinh, kén chọn thanh-niên tuấn-tú trong nước để học-tập thủy-chiến. Vệ hải-quân, Nhựt-bổn ròng mướn người Anh làm thầy huấn-luyện; học-sanh tới kỳ thực-nghiệm, tàu trận nước mình không chứa hết, thì nhà-nước cũng gởi họ sang mấy chiếc tàu trận của Anh mà tập-rèn công việc trong tàu và nghiên-cứu về cơ-khí.
Một mặt tạo-lập ra mấy xưởng tự đóng lấy tàu binh; chỉnh đốn nhứt là xưởng ở Hoành-tu-hạ - 横須賀 - Yokosuka. Năm Minh-trị thứ 6 khởi công đóng lấy hai chiếc tàu, 1540 tấn và 897 tấn, đến năm thứ tám hạ thủy. Lúc đầu còn mướn kỹ-sư chuyên-môn ở bên Tây sang làm đốc-công; nhưng từ Minh-trị thứ 9 trở đi, Nhựt-bổn đã có những tay chuyên-môn đóng lấy được rồi, chẳng cần phải người ngoại-bang giúp sức.
Tuy vậy vua Minh-trị muốn cho nước mình mau có hạm-đội lớn, nên chi mỗi năm đều xuất công-nho ra mướn xưởng đóng tàu ở Anh, ở Đức, ở Pháp, ở Mỹ, đóng những chiếc chiến-hạm lớn. Chính ngài mỗi năm tự giảm số tiền chi-tiêu trong nội-cung lấy 30 muôn viên để bỏ vào khoản chế-tạo quân-hạm. Quốc-dân thấy vậy cảm-động, nhiều người quyên giúp tiền muôn bạc triệu để cho nhà-nước đóng tàu.
Bởi vậy đến năm Minh-trị 16, Nhựt-bổn đã có một đội chiến-hạm đủ các hạng tuần-dương, thiết-giáp, ngư-lôi, thủy-lôi vân vân … cộng tới một trăm mấy chục chiếc.
Trong những lúc số chiến-hạm mỗi ngày một tăng-gia, thì các pháo-đài và quân-cảng trong nước cũng lần-lượt hoàn-thành. Cho tới súng đạn lớn nhỏ, người Nhựt đã tự chế ra rất là tinh-xảo. Nhứt thiết những việc gì quan-hệ về hải-quân, giờ cũng có trường giáo-dục huấn-luyện hết thảy.
Năm Minh-trị 27 (tức năm Giáp-ngọ, 1894), vì việc Triều-tiên mà Nhựt-bổn đem hải-quân khai-chiến với Trung-quốc. Bao nhiêu năm Nhựt-bổn kinh-doanh hải-quân, trận Trung-Nhựt giao chiến nầy có dịp cho Nhựt đọ tài thử sức coi hải-quân mình kết-quả ra thế nào. Nhựt chỉ đem ra có 27 chiếc tàu, đánh hạm-đội tý-hon của nhà Thanh trận nào cũng thua; Nhựt bắt được của Thanh 17 chiếc.
Trận nầy Nhựt-bổn đại-thắng, chẳng những khiến cho thế-giới phải kính-phục, mà chính Nhựt-bổn cũng tự biết hải-quân mình cần phải mở mang nhiều nữa mới đủ.
Từ đó Nhựt lại lo đóng thêm nhiều tàu mới, chế-tạo ra những kiểu súng mới, và ngày đêm thao-luyện hải-quân, cho nên đến đầu năm 1905 mới đánh phá tan-tànhcả hai hạm-đội hùng-cường của Nga ở cửa Lữ-thuận và trên Nhựt-bổn-hải, gồm có gần 80 chiếc tàu. Dưới đây có đoạn nói riêng về trận ở Đối-mả-đảo - 對馬島, Đông-hương đại-tướng phá tan hạm-đội Ban-tích (Escadre de la Mer Baltique) tại đây, tỏ ra hải-quân Nhựt-bổn trải qua một thời-kỳ huấn-luyện chỉ có 30 năm, mà trở nên dõng-mảnh đến thế nào?
Luôn dịp, ta nên biết trong khi chánh-phủ Minh-trị lo khuếch-trương hải-quân thì nhơn-dân Nhựt-bổn đua nhau chế-tạo thương-thuyền. Cũng trong cái thời-gian như hải-quân, bóng cờ thương-thuyền của Nhựt-bổn bay phất-phới khắp cả năm châu sáu biển. Cái giống Đại-hòa sẵn có nghề-nghiệp tài-năng đi biển từ xưa, ngày nay trên mặt biển không chịu thua ai, nghĩ cũng xứng đáng lắm vậy. Chỉ lạ một điều là về hải-nghiệp cũng như các phương-diện học-thuật khác, họ đổi cũ thay mới, mở-mang tấn-tới quá mau, ai cũng kinh-dị bái-phục là phải lắm.
KHÍ-KHÁI VÀ VÕ-CÔNG CỦA TÊN LÍNH NHỰT[sửa]
Quân-đội nước Nhựt, hải vậy mà lục cũng vậy, bỏ cũ theo mới trong vòng 30 năm, đã thu được kết-quả tốt-đẹp rực-rỡ, nổi oai-danh lẫm-liệt vẻ-vang, ta nên biết một phần lớn là do nơi tinh-thần thượng-võ của dân-tộc Nhựt-bổn sẵn có lâu đời mà ra.
Từ xưa, họ có tinh-thần thượng-võ, đến đỗi kết-tụ thành như một tín-ngưỡng, một luân-lý, một quốc-hồn, ai nấy đua nhau gìn-giữ trau-dồi, lấy đó làm mực thước xử thế lập thân, và tự nhận cái nghĩa-vụ “cứu dân báo quốc” là nghĩa-vụ mình, làm được nghĩa-vụ ấy là sự vinh-diệu đệ nhứt.
Chính là “Võ-sĩ-đạo”.
Ở chương đầu hết, tôi đã có một đoạn nói về lai-lịch và tôn-chỉ của Võ-sĩ-đạo rồi, khỏi cần nhắc lại nữa. Đây, nhơn dịp nói về cuộc cải-cách quân-đội Nhựt trong hồi duy-tân, nên tôi muốn tom-góp lược-thuật một vài chuyện khí-khái cương-dõng của nhà võ-sĩ Nhựt, tên lính Nhựt, hay nói chung là người dân nước Nhựt. Ta sẽ thấy rằng võ-sự của Nhựt ngày nay tuy là đổi cách khác hình, chớ cái thể-chất của nó là tánh khí-khái cương-dõng thì vẫn là từ cái nguồn Võ-sĩ-đạo đời xưa dồi-dào lai-láng mà phát ra vậy.
Võ-sĩ Nhựt có cái đặc-biệt, là nhiều người có phong-thể nho-nhã ung-dung, mà trong cái phong-thể đó vẫn không mất khí-khái cương-dõng.
Thiệt, võ-sĩ họ xưa nay không phải chỉ ròng chuộng sự giỏi nghề mạnh sức mà thôi, hầu hết kiêm học cả văn, cho nên có hạng võ-gia mà giỏi văn-học, hay thơ ca, không phải là ít. Ai nấy đều có lòng nhân-ái nghĩa-hiệp, tánh ý một mực khiêm-nhường, rất trọng danh-dự. Ngày xưa võ-sĩ ra trận gặp kẻ đối-địch với mình, hai bên cùng đem tên họ và quê-hương ra tỏ cho nhau biết, rồi bấy giờ mới nghiêm-chỉnh oai-dung, lấy nghề võ ra tranh cao hạ với nhau. Khi đã phân cao hạ thì kẻ thắng không bao giờ làm nhục bên thua, hành xác kẻ chết. Họ cho là cái lễ giao-chiến phải vậy mới đúng. Đến sự đánh chùng giết lén, thì võ-sĩ lấy làm xấu hổ, không thèm làm, dầu được thắng trận thành-công gì đi nữa cũng vậy.
Đã có một câu chuyện hồi giữa thế-kỷ 11, đến nay người Nhựt còn truyền làm giai thoại.
Nguyên-nghĩa-Gia - 源義家 cầm binh đi đánh Áo-châu, thình lình giữa đường bắt gặp tướng giặc là An-bồi Trịnh-nhiệm - 安部貞任 - Abe Sadatou liền phóng ngựa rượt theo, toan bắn một mũi tên cho tướng giặc chết tốt. Song trước khi bắn, họ Nguyên nghĩ ra một bài ca, rồi hát lớn tiếng để ngõ ý cho tướng giặc biết rằng mình sắp bắn đây. An-bồi Trịnh-nhiệm nghe ca, kềm ngựa quay đầu ngó lại, rồi ứng-khẩu đọc một bài ca để đối đáp, trong bài ca bày tỏ nông-nổi của mình giữ thành cực-khổ bấy lâu.
Nghĩa-gia nghe bắt mủi lòng, lập tức thu cây tên cất vào trong bao, không nỡ nào bắn cho đành, để mặc cho Trịnh-nhiệm chạy trốn.
Một võ-sĩ chơn-chánh, chẳng thèm đánh chùng giết lén người ta, và có phong-thể nho-nhã tới như vậy đó.
Đời thượng-cổ, Thần-công hoàng-hậu 神功皇后 đem binh đánh Hàn, có lịnh truyền cho tướng-sĩ: “Kẻ đã đầu hàng chớ có giết; kẻ đã bị vít, chớ làm nặng thêm, 降?殺, 傷?使重(**)”. Chắc câu cổ-huấn đó, võ-sĩ Nhựt vâng giữ đời đời, nên chi ta thấy trong trận Nhựt Nga chiến-tranh; bữa nọ trước cửa Lữ-thuận, một chiếc chiến-hạm Nga bị bắn chìm, tướng-sĩ Nga trôi nổi lúp-ngúp trên mặt biển, quan tư-lịnh ở chiến-hạm Nhựt là trung-tướng Thượng-thôn - 上村 ngó thấy, liền hô binh-sĩ của mình mà nói: “Giờ họ là người bị nạn chết trôi, chớ không phải là kẻ thù nữa, ta phải hết lòng cứu-vớt cho mau!”. Tức thời binh Nhựt thả xuồng bơi lại cứu-vớt, được tướng-sĩ Nga trên 300 người khỏi chết. Tướng-sĩ Nga cảm-động quá, khen-phục binh Nhựt có lượng bác-ái, chớ kẻ khác thì mặc-kệ chết chìm, dễ chịu cứu vớt chưa!
Một đặc-tánh của võ-sĩ Nhựt là có máu công-phẫn lạ lùng. Trời ơi! Hễ khi họ thấy một chuyện gì thiệt-thòi nhục-nhã cho quốc-gia chủng-tộc họ, thì máu công-phẫn của họ sôi lên sục sục, không có cái sức mạnh nào làm cho nguội lạnh đi được. Nhứt là họ tự nghĩ mình đây là võ-sĩ vẫn có nghĩa-vụ xông-pha khói lửa, da ngựa bọc thây, để hộ-vệ nòi-giống nước non, mà nay có chuyện tổn-hại bất-bình cho nòi-giống nước-non, thì mình làm sao chịu nổi! Bộ mình đây là giá áo túi cơm, vô tâm vô dụng sao? Nếu mình không lo báo-phục, không rửa sạch chỗ bất-bình ấy đi, chẳng hóa ra mình hư-sanh vô-dụng lắm; vậy dầu sống hay chết, mất hay còn, tất nhiên mình phải có một phen quyết-đấu mới được. Lòng công-phẫn đó chẳng phải riêng của một vài cá-
Hồi năm 1894 (tức năm Minh-trị thứ 27), vì vụ can-thiệp nội-chánh nước Cao-ly, mà Nhựt cử binh đánh nhau với Tàu. Chỉ giao-phong có mấy trận, cả binh lục và binh thủy của nhà Thanh đều đại-bại; nhà Thanh phải lật đật xin đình chiến giảng hòa. Qua năm sau (1895), Lý-hồng-Chương 李鴻章 - Ri Koushou phụng mạng vua Thanh (lúc nầy là vua Quang-Tự 光緒) phong làm toàn-quyền đại-sứ, sang tới đất Mã-quan 馬關 nước Nhựt, để cùng toàn-quyền Nhựt là Y-đằng Bác-văn 伊藤 博文 ký tờ hòa-ước.
Phàm nước thua trận, bao giờ chẳng phải chịu thiệt-thòi, cũng như nước thắng trận bao giờ lại không đòi ăn miếng sướng? Theo hòa-ước Mã-quan 6 khoản, có một khoản Tàu phải nhường đất bán-đảo Liêu-đông 遼 東 lại cho Nhựt, cùng 2 đảo Đài-loan 台湾, Bành-hồ 澎湖 nữa.
Hòa-ước nầy vừa mới ký tên đóng dấu được 6 ngày, thì Nga lấy oai-thế mình khuyên Nhựt trả Liêu-đông cho Tàu, đừng lấy. Hoàng-đế Ni-cô-la thứ nhì (Tsar Nicolas II) nước Nga gởi điện-văn qua Minh-trị Thiên-hoàng; đại-ý nói Nga thấy trong hòa-ước Mã-quan có khoản Nhựt đòi nhượng Liêu-đông, cốt để có chỗ dòm ngó oai hiếp Bắc-kinh rất tiện, như vậy e có hại cho cuộc hòa-bình lâu dài ở Đông-phương, nên Nga lấy tình thân-ái, xin khuyên Nhựt chớ lấy Liêu-đông v.v…
Tiếng nói là khuyên, chớ kỳ thiệt là Nga ép Nhựt không được lấy, vì lúc bấy giờ Nga là nước lớn, oai to thế mạnh lắm, Nhựt phải xét mình mà kiêng nể ngay. Huống chi ở trong vụ đó lại có nước Đức nước Pháp, tán-thành đồng ý với Nga nữa, thành ra thế-lực 3 nước dồn ép Nhựt ta phải nhả Liêu-đông trả Tàu.
Vụ nầy làm cho nhơn-tâm ở Nhựt sôi-nổi tức-tối lạ thường. Bọn võ-nhơn đều nghiến răng trợn mắt, đấm ngực dậm chưn, tỏ lòng phẫn-khích đối với danh-dự quốc-gia và hết sức oán-hận anh Nga lấy cường-oai can-thiệp, làm cho Nhựt-bổn hụt mất một cái lợi-quyền chính bởi bọn họ là võ-nhơn đã xông-pha khói lửa mới có. Lòng phẫn-khích bày tỏ ra ở ngôn-ngữ hành-động hằng ngày: nào là nhiếc Nga ngang-tàng, chê bai chánh-phủ mình nhút-nhát, cái giọng đó thấy đầy trên báo-chương, chẳng bữa nào không; nào là rình đón kiều-dân Nga mà ẩu-đả hay ám-sát, cốt làm sao cho sanh cuộc chiến-tranh hai nước mới thôi.
Tuy những chuyện ngôn-ngữ bạo-động nầy không phải “tác-giả” đều là võ-nhơn, nhưng mà chính là ảnh-hưởng của võ-nhơn và chính võ-nhơn xúi ngầm. Chánh-phủ Nhựt e khiêu-khích sanh biến với Nga, nên phải ra tay đàn-áp, vì chơn-tình lúc nầy Nhựt chưa có đủ cái thực-lực để chống-chọi với Nga đâu được. Nhiều võ-nhơn phẫn-khích mặc lòng, chớ cũng tự lượng sức mình như thế. Song, họ coi mối thù lớn như trời biển, trước sau thế nào cũng có một phen đánh Nga rửa thù mới xong.
Một vị lão-tướng ở Nhựt bây giờ là Đại-đảo Kiện-nhứt 大島健一 - Ooshima Kenichimới đây thuật chuyện lại rằng cùng lớp mang gươm vác súng với ông ta hồi đó, nghe cái tin tổ-quốc bị 3 nước kia can-thiệp mà phải trả Liêu-đông, thì ai nấy tức-giận dầy gan ói mật. Chính ông ta cũng vì tức-giận quá mà phát ra thơ cảm-khái, có câu:
遺恨十年磨一剣
流星光底逸長蛇
Di-hận thập niên ma nhứt kiếm,
Lưu-tinh quang để dật tràng-xà.
Hai câu thơ của Đại-đảo Kiện-nhứt có thể đại-biểu chung cả tấm lòng công-phẫn báo-cừu của tướng-sĩ Nhựt-bổn ở đời bấy giờ. Từ tướng-soái đến sĩ-tốt, ainấy cùng một cách nồng-nàn, hâm-hở, lo dồi-mài binh-thơ, tập-rèn võ-thuật, để một ngày kia có thể tuốt gươm xách súng ra thử tài rửa hận với Nga cho được thì mới hả lòng. Cái chí báo Nga như đinh đóng chặt trong tâm-não của mỗi con nhà võ, giúp cho sự thao-luyện kỷ-thuật của họ càng được mau thành công-phu kết-quả. Họ thề với cây gươm đeo ở bên mình rằng sống chết thế nào cũng có một ngày họ cho nó tắm máu người Nga; không 5 năm thì 10 năm, không 10 năm thì 20 năm, cái ngày đó sao cũng phải có!
Mà quả nhiên như câu thơ sấm của Đại-đảo Kiện-nhứt ở trên đây: tướng-sĩ Nhựt-bổn luyện nghề tập trận, nếm mật nằm gai trong vòng 10 năm, từ 1895 đến 1905 là họ đủ thực-lực và có cơ-hội đánh mọp binh Nga ở đồng-bằng cũng như ở trên mặt biển, trả được cái thù thị-oai bắt trả Liêu-đông năm xưa. Chính Đại-đảo Kiện-nhứtcũng là một viên tướng đánh Nga hồi 1905; mà trước khi 10 năm ông ta quyết mài một lưỡi gươm ròng-rã 10 năm cho thiệt bén, để nữa chém đầu người Nga cho đã-nư giận, thế là đúng kỳ và như nguyện đó vậy. Không ngờ cái khẩu-khí anh-hùng linh đến như thế.
Ta coi võ-sĩ Nhựt giàu lòng công-phẫn đồng-cừu, có cái kết-quả vẻ-vang là đem tổ-quốc họ đặt lên ngang hàng liệt-cường thế-giới, vì sự thiệt Nhựt-bổn chiếm được địa-vị ấy, chính là sau trận thắng Nga mà đi.
Có trận Nhựt Nga, Tây-phương mới bừng mắt ngó thấy tướng-sĩ Nhựt-bổn có sức chiến-đấu lạ thường, không sợ hiểm nguy, không kể tánh-mạng, không nài đau-đớn. Tấm lòng họ ái-quốc nồng-nàn, mà không bộc-lộ ra bên ngoài có một vẻ gì là hầm-hừ, nóng-nảy; trái lại, họ ái-quốc một cách bình-tịnh, thâm-trầm, đã đem thân hứa cho nhà-nước thì họ thái nhiên sấn-sổ vào mọi cảnh nguy-hiểm, gian-nan; trái tim họ đối với nước cứng như sắt đá, không có sức nào làm tan-rã đổi dời đi được.
Đầu năm 1904, hồi Nhựt-Nga rục-rịch khai-chiến, dư-luận Âu-châu đều tin chắc thế nào Nhựt cũng phải thua, bất quá Nhật chỉ giao-phong với Nga một vài trận, là đủ thấy nhức-nhối mềm xương, không chịu nổi đâu. Trừ ra có mấy vị quân-quan Âu-châu dự vào (Bát-quốc liên-quân) đánh giặc Quyền-phỉ ở nước Tàu hồi năm 1900, nhơn đó mà được chứng-kiến cách hành-quân của Nhựt-bổn, thì mới tin rằng chưa chắc nga thắng nổi Nhựt mà có thắng cũng là trần-ai khổ-sở, chớ không dễ gì.
Đến khi tuyên-chiến rồi, ngay mấy phát súng đầu-tiên mà đi, binh Nga thấy cái sức chiến-đấu của binh Nhựt mà kinh-hoàng sửng-sốt. Thứ binh gì mà đánh đâu cũng lăn nhào vô trong vòng khói lửa, thị cái chết như không. Trên bộ đã vậy, dưới thủy cũng chẳng khác gì: hễ gặp tàu trận bên giặc là họ sấn tới mà đánh, còn có một tên quân một viên đạn là còn đánh, chớ không chịu lui trước bao giờ. Rất đỗi là cửa biển Lữ-thuận 旅順 (Port - Arthur) mà họ muốn lấy sức người để bít lại, thật võ-sĩ họ can-dõng đến thế là cùng!
Làm cách nào mà bít được cửa biển?
Nguyên là hạm-đội Thái-bình-dương của Nga đóng ở Lữ-thuận, sau mấy trận thò ra đánh nhau với hải-quân Nhựt bị thất lợi, bèn trốn núp ở trong cửa biển không dám ló ra nữa. Hải-quân Tổng-tư-lịnh Nhựt là Đông-hương đại-tướng 東郷大将 liền nghĩ ra cách “bít cửa” Lữ-thuận, nếu thành-công thì nhốt cả hạm-đội Nga nằm cứng trong cửa, không có ngõ ra; bằng không vậy thì cũng là cách chọc cho tàu Nga phải ra ngoài biển khơi để mà đánh.
Hải-quân Nhựt mua rất nhiều tàu đò cũ, để dùng vào việc bít cửa. Mỗi chiếc tàu đều chở cốt-mìn và năm bảy viên tướng-sĩ để chỉ-huy chiếc tàu, rồi thì cả đoàn cùng nhắm cửa Lữ-thuận mà chạy thẳng vào. Nếu pháo-đài của Nga ngó thấy mà bắn chìm càng tốt, không thì mỗi chiếc tàu cũng tự châm lửa vào cốt-mìn cho phát nổ lên, để tàu chìm xuống nằm ngổn-ngang một đống ở ngay cửa biển, làm mắc nghẹt đường lối ra vào của hạm-đội Nga.
Cuộc bít-cửa như thế, Nhựt-bổn làm tới năm bảy lần, chớ không phải một. Mỗi lần bảy tám chiếc tàu đi tự-tử cách nầy, Hải-quân Tư-lịnh-bộ phải cần mấy chục viên tướng-sĩ dẫn đi; mà tướng-sĩ dẫn đi như thế cũng là đi tự-tử, chớ trăm phần không có lấy một phần may sống sót, lội về bổn trận được. Thế mà lần nào cũng vậy, vừa có một tiếng hô của Tư-lịnh-bộ, tức thời có cả ngàn người trong hải-quân dành nhau biên tên vào sổ ứng nghĩa liều mình, đến đỗi Tư-lịnh-bộ phải dùng cách bắt thăm, ai trúng thì đi. Những người bắt thăm trật, rầu buồn tức tối lắm.
Nói chuyện bít-cửa, không thế nào không nhắc tới Quảng-lại Võ-phu 廣頼武夫.
Quảng-lại Võ-phu, chức Hải-quân trung-tá, làm trưởng-quan chiếc tàu thủy-lôi (torpilleur) hiệu là Triều-nhựt 朝日 đã mấy phen có công đánh thắng hạm-đội Nga ở trước Lữ-thuận rồi. Sau đó trút tháng, hạm-đội Nga nằm lỳ trong cửa không thấy thò ra. Quảng-lại hâm-hở đánh giặc mà không được đánh, tức quá, bèn cùng 70 tử-sĩ, dẫn năm chiếc tàu cũ, xông-pha vào mũi đạn của pháo-đài Nga, để toan lấp cửa Lữ-thuận. Song lần nầy không thành-công.
Cách một tháng sau, Quảng-lại dẫn 4 chiếc tàu đò cũ khác, đi bít cửa nữa.
Trong 4 chiếc tàu, Quảng-lại tự cầm đầu chiếc tên là Phước-tỉnh; và một người bạn là Sam-giã-tôn 杉野孫làm phó. Khi đoàn tàu chạy gần tới cửa Lữ-thuận, Quảng-lại bảo Sam-giã xuống dưới bụng tàu sắp-đặt cốt-mìn, sửa-soạn việc tự bắn cho tàu chìm, còn mình thì ở trên coi chỉ-huy chiếc tàu chạy phăng-phăng vô trong cửa. Thình lình bị một viên đạn thần-công của Nga bắn tới, trúng giữa bụng tàu, thành ra cốt-mìn chưa đốt đã nổ, Sam-giã chết tươi. Tàu gần chìm, Quảng-lạicùng bọn lính xuống thuyền nhỏ bơi đi. Chừng ngó lại không thấy bạn Sam-giã ở đâu, Quảng-lại biểu tốp lính bơi về trước, rồi mình tự quay lại leo lên chiếc tàu đang chìm kia mà tìm kiếm Sam-giã. Lúc bấy giờ trong chiếc tàu đã bị nước ngập tới từng trên rồi, mà Quảng-lại chạy từ mũi xuống lái 3 lần, cũng không tìm thấy bạn, lúc ấy mới chịu xuống thuyền bơi về. Bơi chưa được bao xa, bỗng một viên đạn Nga bay tới, trúng ngay giữa đầu Quảng-lại, làm cho tan-nát thân-thể.
Tin buồn đưa về Đông-kinh, trong trào ngoài quận, trên vua dưới dân, ai cũng thương-tiếc kính-phục; vì Quảng-lại vì nước quyên-sanh, nặng tình với bạn mà chết như thế, nên cả nước Nhựt đều tôn là “Quân-thần”, lại làm lễ chiêu-hồn rất lớn.
Lúc sắp đi bít cửa lần thứ hai, Quảng-lại cầm bút đề một bài thơ ở trên tàu Triều-nhựt như vầy:
七生報国
一死心賢
再期?效
含笑上船
Thất sanh báo quốc,
Nhứt tử tâm kiên
Tái kỳ thành hiệu
Hàm tiếu thượng thuyền.Ý nói mình là đời thằng nam-tử, thân-hình 7 thước, đã hứa đem ra báo bổ quốc-gia, thì một cái chết đã nhứt-định trong lòng rồi; lần nầy là lần thứ hai mình đi làm việc bít cửa, mong sao được thành-công, thì mình chết cũng vui. Bây giờ ta tươi cười bước lên tàu để đi.
Ta xem mấy câu thơ trên đó, đủ thấy một người võ-sĩ Nhựt khảng-khái quyết-tử hết sức!
Cái gương quyết-tử của Quảng-lại Võ-phu, có vô số người sau noi theo.
Chắc ai cũng nhớ đầu năm 1932, binh Nhựt đánh Thượng-hải, gặp nhằm tay cường-địch là đạo binh 19 của Tàu chống-cự lại hẳn-hòi, binh Nhựt đánh rất hăng, thế mà dây dưa trút tháng, vẫn chưa phá nổi mặt trận binh Tàu. Bấy giờ trong binh-đội Nhựt, có ba tên lính
Ba người lính liều chết kiểu đó, người Nhựt gọi là “nhục-đạn, 肉弾 (viên đạn thịt). Hiện nay ở Đông-kinh có đài kỷ-niệm ba người liệt-sĩ nầy; nhà-nước đúc tượng đồng tả-chơn như lúc ở Thượng-hải vậy.
Còn câu chuyện nầy, cũng tỏ ra tánh-khí cương-dõng khinh-sanh của võ-sĩ Nhựt, thấy trong sách “Le Japon dans le Monde” của Antoine Zischka tả một cách đối-chiếu ngộ lắm: Hồi năm 1933, hạm-đội Mỹ tập trận ở Thái-bình-dương, có thả một viên đạn thủy-lôi xuống biển để thử, nhưng viên đạn ấy chưa nổ, nên bộ Hải-quân muốn lấy lên, bèn rao hơi có cậu lính nào tình-nguyện làm việc đó, nhưng chẳng có một cậu nào dám lãnh mạng hết. Họ nghĩ viên đạn của nhà-nước đáng giá 300.000 quan, tuy là nhiều tiền thật, nhưng mà giá-trị tấm thân họ còn quý hơn, mắc hơn số tiền ấy nhiều, dại gì họ xuống biển lặn mò rủi chết oan mạng. Trái lại, đồng thời bộ Hải-quân Nhựt-bổn mới chế ra được một kiểu ngư-lôi (torpille) có máy riêng, cho người ngồi vô trong đó rồi phóng ra, để người ngắm đúng tàu nghịch mà vặn máy cho ngư-lôi đánh ngay mục-đích, thì tàu nghịch thế nào cũng phải bị bắn chìm, không thoát đâu khỏi. Có điều muốn thí-nghiệm sức mạnh của ngư-lôi mới chế, bộ Hải-quân rao hỏi mấy người tình-nguyện cảm-tử, trong vài ba ngày tiếp được đơn tình-nguyện của bốn năm ngàn người liều mình chịu chết. Nghĩ coi, một đàng là viên đạn chưa nổ, mà lặn đem lên, không chắc có rủi-ro gì, thế mà chẳng có một người dám chịu; còn một đàng là mạng chết nắm chắc cả trăm phần trăm, thì có mấy ngàn người hiến-thân cảm-
Sau nữa, võ-sĩ Nhựt-bổn xưa nay còn có cái tập-tục lạ-lùng nầy, càng tỏ ra họ khí-khái cương-dõng đến cực-điểm; ấy là tập-tục mổ bụng tự-tử, tiếng Nhựt gọi là Hara-kiri hay seppuku .
Từ khi Nhựt-bổn có Võ-sĩ-đạo dựng lên, liền có tập-tục nầy, do ở quan-niệm danh-dự mà ra. Bởi võ-sĩ Nhựt thờ chuộng danh-dự thứ nhứt. Một võ-sĩ đã cầm gươm ra trận thì chỉ có nước một là thắng hai là chết, chớ bại trận là điều nhục-nhã cho võ-sĩ, hay là để cho giặc bắt sống được mình, danh-dự võ-sĩ cũng cấm ngặt lắm. Lâm vào cảnh đó, võ-sĩ phải có gan tự giết mình đi, để bảo-toàn danh-dự.
Song nếu tự giết mình bằng chén thuốc độc, bằng sợi dây thắt cổ, hay là nhào xuống sông xuống hồ, võ-sĩ đều cho là những cách hèn-nhát, không xứng-đáng với hạng người có can-đảm anh-hùng. Lấy dao cắt cổ, họ cũng cho là cách chết theo đàn-bà. Người võ-sĩ anh-hùng tất phải tự chết một cách thung-dung, chậm-rãi, thong-thả, tự-nhiên, không mất vẻ tươi cười mà cũng không rên la đau đớn. Đã vậy mà phải chết trước mặt người ta và phải giữ lễ-nghĩa hẳn-hòi cho tới khi tắt hơi ngã xuống mới thôi. Nhà võ-sĩ Nhựt bèn lựa cách mổ bụng, chỉ có vậy mới là chết có gan, chết sang-trọng, hiệp với tư-cách của con nhà võ.
Người định hara-kiri ngồi trước bàn thờ ông bà, làm lễ cúng-bái hẳn-hòi, chung quanh có mấy người bạn-hữu hay họ-hàng đứng chứng-kiến, trong đó có một người cầm sẵn thanh kiếm nơi tay. Rồi đó người tự-tử rút lấy con dao đựng trong hộp để trước mặt, một tay cầm dao tự mổ bụng mình, một tay kéo lấy ruột ra ngoài, nét
Bởi có tập-tục và thành lễ như thế, nên chi mỗi người võ-sĩ nào ban đầu cũng học cách dùng thanh kiếm cho đúng phép lịch sự, phòng mai sau có lúc cần phải mổ bụng mình không biết chừng. Thuở xưa, võ-sĩ Nhựt tập rèn kiếm-thuật hết sức trang-trọng, tinh-vi, không khác gì nhà thi-sĩ cặm-cụi về nghề đẽo chữ gọt vần, hay là những chốn ngoại-giao, trào-đình, người ta gò-gẫm về lối y phục giao-tế vậy.
Cái tục tự-tử anh-hùng can-đảm nầy xưa nay ở nước Nhựt thấy có rất thường; ngoài võ-sĩ ra, hạng người khác cũng có nữa. Mỗi khi một vị Thiên-hoàng qua đời, thế nào cũng có ít nhiều người mổ bụng để chết theo, vì là thương vua quá. Ví dụ Nãi-mộc 乃木-Nogi đại-tướng mổ bụng tự-tử liền sau khi vua Minh-trị thăng hà. Năm 1924, có một người thường-dân, ngồi ngay trước cửa dinh công-sứ Mỹ-quốc tại Đông-kinh mà mổ bụng tự-tử, là cốt để tỏ ý phản-đối cái chánh-sách của Mỹ-quốc bạc-đãi dân Nhựt kiều ngụ ở hạt Californie. Từ đó tới nay, còn thiếu gì đám hara-kiri khác. Trận Nhựt-Hoa giao-chiến ở Thượng-hải, cũng có một vị tiểu-tướng mổ bụng, vì đã lỡ để binh Tàu bắt sống rồi thả về. Sau cuộc thao-diễn hải-quân ở Thái-bình-dương năm kia, có một viên đội-trưởng cùng mổ bụng xử mình, vì tự xét mình hơi lỗi phận-sự chút đỉnh.
Chuyện Nãi-mộc hy-điền 乃木希典 - Nogi Maresuke mổ bụng chết theo vua Minh-trị, nên thuật sơ lại cho độc-giả nghe.
Hồi Nhựt Nga chiến-tranh, Nãi-mộc làm Lục-quân đại-tướng, cầm mấy đạo binh vây đánh Lữ-thuận dữ quá, mấy ngàn binh Nga đành phải đầu hàng. Chiến-công và oai-võ của Nãi-mộc nổi vang thế-giới, có nhà thế-tộc ở Âu-châu, lấy một thanh bửu-kiếm của hoàng-đế Nã-
Theo như tiên-sanh, sở-dĩ Nãi-mộc mổ bụng chết theo Minh-trị Thiên-hoàng, là vì có một chuyện hồi nhỏ, cũng là danh-dự võ-sĩ làm nguyên-nhơn. Lúc vua tôi đều còn nhỏ tuổi, cùng học một trường; bữa kia Nãi-mộc vì việc học lỗi-lầm mà bị ông thầy quở-trách sao đó, Nãi-mộc nghĩ sự danh-dự, nhứt định tự-tử. Song vua Minh-trị (lúc đó còn là đông-cung thái-tử) can ngăn; ngài nói:
- Ta là vua của ngươi: sự lỗi-lầm đó ta gánh vác dùm cho, ta biểu ngươi cứ việc sống.
Vì bấy giờ vua Minh-trị đã biết tài của Nãi-mộc sau nầy có thể làm rường cột cho quốc-gia, nên chi ngài gánh lỗi, để cho Nãi-mộc đừng chết vậy.
Quả thiệt về sau Nãi-mộc cầm binh đối nghịch với Nga ở Mãn-châu, đánh đâu thắng đó, nổi tiếng anh-hùng. Vua Minh-trị có đức sáng tri nhơn thiện dụng như thế, gọi là minh-quân anh chúa phải lắm.
Một chuyện từ hồi còn nhỏ, ai không tưởng Nãi-mộc quên rồi. Nhứt là Nãi-mộc lập đại-công với quốc-gia thế đó, mấy cái lầm-lỗi lúc trước cũng đền-bù có dư. Nhưng mà không; việc phạm danh-dự thuở nhỏ Nãi-mộc chẳng quên; nay vua Minh-trị thăng-hà, Nãi-mộc mổ bụng chết theo, là vì Nãi-mộc nghĩ vua mình đã qua đờirồi, không còn người nhận dùm sự lỗi xưa kia cho mình nữa, vậy thì mình phải chết để bảo-toàn danh-dự mới được.
Một bực người phú-quý hiển-vinh, anh-hùng oanh-liệt như Nãi-mộc, không chịu hưởng sự vẻ-vang sung-sướng, mà còn nhớ lại việc danh-dự từ năm bảy chục năm trước, cam bỏ hết một đời phú-quý hiển-vinh để cứu lấy danh-dự; thật võ-sĩ Nhựt-bổn có cái tinh-thần quý-trọng danh-dự đến thế là tuyệt-phẩm vậy.
TRẬN Ở ĐỐI-MÃ HẢI-GIÁP, ĐÔNG-HƯƠNG NGUYÊN-SOÁI PHÁ TAN HẠM-ĐỘI CỦA NGA[sửa]
Muốn biết cuộc duy-tân của Nhựt-bổn khởi-sự từ năm 1868 trở đi cho tới ngoài 30 năm sau, có cái thành-hiệu đến đâu rồi, thì cứ xem cái thành-hiệu về binh-lực võ-bị của họ là thấy rõ-ràng hơn hết.
Tôi muốn nói cái thành-hiệu đó là trận Nhựt thắng Nga năm 1905, thắng cả trên bộ lẫn dưới thủy. Một nước, hồi nào muôn việc cũ mèm, bỗng chốc muôn việc đổi mới, mà thấm-thoát có 37 năm, hải-quân lục-quân của họ đem ra chiến-thắng một đại cường-quốc phương-Tây, bảo đó không phải là cái thành-hiệu duy-tân thì là gì?
Vì sao có trận Nhựt Nga chiến-tranh 1904-1905?
Tóm tắt là vì Nga mở-mang thế-lực sang phương Đông lớn quá, làm ngăn-trở con đường tấn-phát của Nhựt, cho nên Nhựt phải sanh-tử tương-tranh để tìm lấy mạch sống. Bắt đầu từ cuối thế-kỷ 18, Nga ỷ mạnh xí mất một miếng đất tổ-truyền của Nhựt làm của mình, ấy là cù-lao Hoa-thái 樺太島[1]. Nhựt vẫn căm-tức nhưng vì thế yếu, không làm sao được. Lần lần về sau Nga mở-mang thế-lực, trên bộ thì khắp Mãn-châu tới Triều-tiên, dưới nước thì có hạm-đội đóng ở Hải-sâm-uy 海參 威 (Vladivostok) và ở Lữ-thuận 旅順 (Port-Arthur), nắm giữ cái hải-quyền ở trên Nhựt-bổn-hải 日本海 - Nihonkai (Mer du Japon), làm trở ngăn khó chịu cho con đường tấn-phát của Nhựt-bổn qua đại-lục, tức là cái ngõ sống cho Nhựt tất-nhiên phải đi. Đại-khái cái nguyên-nhơn cốt-yếu của trận Nhựt-Nga chiến-tranh 1904-1905 là ở đó, chớ việc nội-chánh của nước Triều-tiên làm cớ cho hai bên khai-chiến, chỉ là một cái nút chỉ nhỏ ở trong nùi tơ rối lớn mà thôi.
Vì chuyện thâm-thù là một, vì lẽ sanh-tồn là hai, cho nên tướng-sĩ Nhựt cùng Nga giao-chiến có cái tráng-khí hùng-tâm, không viết mực nào tả ra cho hết. Trên bộ dưới thủy cũng vậy, con muỗi Nhựt tấn lên đến đâu là con cọp Nga thối lui đến đó, làm cho dư-luận thế-giới sửng-sốt không ngờ, và bày tỏ ra việc cải-cách võ-bị của Nhựt-bổn chỉ có ba chục năm thành-hiệu lớn quá. Song, đây không phải có ý viết Nhựt Nga chiến-sử, mà chỉ riêng nói về trận Đối-mã hải-giáp 對馬海峽 (Détroit de Tsoushima), là vì trận nầy có nhiều ý-nghĩa:
Một là nó kết-thúc Nhựt Nga chiến-tranh, bởi đến lúc Nga đem hạm-đội Ban-tích (Escadre de la Mer Baltique) sang cứu-viện mà bị phá tan, thì Nga phải ngã cờ cuốn giáp ngay, không dám đánh với Nhựt nữa; đành bỏ quyền-lợi ở Nam-Mãn, ở Tiều-tiên, cho tới hải-quyền của Nga ở Nhựt-bổn bấy lâu cũng tiêu nữa. Nhựt bắt đầu tấn-phát qua đại-lục từ đây.
Hai là trận nầy làm cho Nhựt từ bữa nay qua bữa mai nhảy lên ngang hàng liệt-cường thế-giới và có thanh-thế, có địa-vị trọng-yếu, trên Thái-bình-dương.
Ba là trận nầy Nhựt-bổn lấy số ít đánh với số nhiều mà thắng, tỏ ra nhơn-tài hải-quân nước Nhựt mới tập rèn đổi mới không bao lâu mà có thao-lược lạ lùng. Người Tây-phương ngợi-khen so-sánh Đông-hương nguyên-soái với đề-đốc Nen-sôn (Amiral Nelson) của Anh-quốc khi xưa, vì Nhựt thắng trận nầy là trận rất to mà tự mình hao-tốn rất nhỏ mới kỳ.
Vào hồi tháng 8 tháng 9 năm 1904, Nga-hoàng Ni-cô-la II (Tsar Nicolas II) được tin cấp báo của quân mình ở phương-Đông: dưới nước thì hạm-đội Thái-bình-dương[2] bị đánh gần tiêu, trên bộ thì Lữ-thuận sắp mất mà Liêu-dương và Phụng-thiên cũng nguy. Thấy binh-tình nguy-cấp như thế, Nga-hoàng liền mở quân-sự hội-nghị, quyết-định lựa chọn những chiếc tàu chiến tốt nhứt ở trong hạm-đội Ban-tích mà lập ra hạm-đội Thái-bình-dương thứ hai, giao cho Thủy-sư đề-đốc Rô-dê-văng-ky (Amiral Ziniri Petrovitch Rojestvenski) làm tổng-tư-lịnh, để qua Đông-phương cứu-viện.
Mùng 4 tháng 10 năm đó, cả đoàn tàu trận lớn nhỏ gần 40 chiếc đậu dài ở cửa biển, khói lên nghi-ngút, che bóng mặt trời, ngó oai-phong thật là lẫm-liệt đường-hoàng, ai cũng phải sợ. Khi đoàn tàu sắp nhổ neo đi, Nga-hoàng cùng hoàng-hậu, thái-tử, ngự giá xuống coi rồi phán rằng:
- Đem đoàn tàu như vầy đi đánh giặc, giặc nào không tan; hãm trận, trận nào không phá! Trẫm phái hạm-đội này sang Đông, trong ý chẳng phải là cốt mong vào cửa biển Hải-sâm-uy của ta bên đó mà thôi, ý trẫm còn trông tướng-sĩ các ngươi phen nầy cùng giặc Nhựt quyết chiến, để rửa thù cho hạm-đội Thái-bình-dương và làm rỡ-ràng cho nước nhà; vậy tướng-sĩ các ngươi nên cố-gắng!
Rồi đó hạm-đội Ban-tích lục-đục khởi-hành.
Đề-đốc Rô-dê-văng-ky chia ra làm hai toán: một toán do ngả Địa-trung-hải qua kinh-đào Suy-ê (Canal de Suez) mà sang Ấn-độ-dương; còn một toán tự mình thống-lãnh thì bao vòng châu-Phi, rồi qua mũi biển Hảo-vọng (Cap de Bonne Expérance) rồi cũng băng qua Ấn-độ-dương mà sang Đông.
Sau khi hạm-đội nầy đi được ít ngày, kế có tin rằng hạm-đội Thái-bình-dương ở Lữ-thuận bị Nhựt-bổn đánh chìm hết rồi, Nga-hoàng lo sợ quá, vội vàng sai thêm một đoàn tàu nữa đi, gọi là hạm-đội Thái-bình-dương thứ ba.
Hạm-đội trước đang đi nửa đường hay tin Lữ-thuận đã bị binh Nhựt hãm mất rồi, mà binh Nga đánh nhau ở Phụng-thiên cũng thua, thành ra tướng-sĩ trên hạm-đội lo buồn, nay đi mai nghỉ, rất là chần chờ chậm chạp. Mãi đến ngày 12 tháng 4 năm sau - 1905 - mới đi qua Saigon, ghé vào đậu ở vịnh Cam-ranh nước ta để chờ hạm-đội Thái-bình-dương thứ ba tới nơi rồi cùng đi.
Song lúc đó nước Pháp trung-lập, theo phép không được cho tàu trận của bên nào đậu nhờ trong đường nước của mình. Nhựt hay tin có tàu Nga đậu ở vịnh Cam-ranh, liền đánh điện-văn trách hỏi nước Pháp, và xin chiểu theo điều-ước trung-lập mà tống-cổ tàu Nga đi. Bởi vậy hạm-đội Nga phải nhổ neo ra khơi, chớ không được đậu ở Cam-ranh nữa. Ra biển chạy được ít lâu thì gặp hạm-đội Thái-bình-dương thứ ba cũng vừa qua tới, nhập lại với nhau, cả thảy trên 40 chiếc. Hôm nay là mùng 5 tháng 5 năm 1905. Tính ra hai hạm-đội Nga khởi-hành ở biển Ban-tích bên Nga từ đầu tháng 10 năm ngoái, thế là hết 7 tháng mới đến phía ngoài hải-phận Trung-kỳ ta.
Nói về hải-quân Nhựt-bổn, từ tháng chạp năm trước (1904), đánh phá tan nát hạm-đội Nga ở cửa Lữ-thuậnrồi, thì hạm-đội Nhựt đều rút về quân-cảng Tá-thế-bảo 佐世保 - Sasebo, sửa máy sơn tàu, lau chùi súng ống lại, và cho tướng-sĩ nghỉ-ngơi trên 60 ngày. Trong dịp đó, xưởng đóng chiến-hạm của Nhựt cũng vừa đóng xong 38 chiếc tàu trận mới.
Đông-hương 東郷 nguyên-soái cùng các viên bộ-tướng là Thượng-thôn 上村,Xuất-võ, Qua-sanh 瓜生.v… thắng trận khải-hoàn, về Đông-kinh bái yết Thiên-hoàng, rồi đến ngày mùng 6 tháng 2 năm 1905, lại vâng mạng xuất-chinh, sửa-soạn đâu đó, chờ hạm-đội Ban-tích của Nga sang tới nơi là đánh. Nguyên-soáiĐông-hương bài binh bố trận, chia hải-quân ra làm 7 đội, mỗi đội tuần-phòng một ngả ở trong Nhựt-bổn-hải và Trung-quốc-hải, còn chính ngài thì thống-xuất đội chiến-hạm thứ 7, phòng-bị quanh miệt quần-đảo Lưu-cầu 琉球 (Iles Ryukyu) và eo biển Đối-mã 對馬, vì ngài đã định trước thế nào hạm-đội Nga cũng phải đi qua ngả nầy mà lên Hải-sâm-uy của họ.
Lúc nầy là 14 tháng 5, hạm-đội Nga đang còn linh-đinh trên mặt biển ở phía ngoài hải-phận Trung-kỳ ta, mà vẫn chưa biết hạm-đội của Đông-hương bố-trí thế nào, trấn-thủ ở đâu. Bấy giờ, đề-đốc Rô-dê-văng-ky bèn hội tất cả các bộ-tướng và hạm-trưởng các tàu tề-tựu ở tàu kỳ-hạm[3] để bàn tính phương-lược, coi giờ nên đi ngả nào. Các tướng bàn-bạc phân-vân chia-rẽ. Một viên bộ-tướng nói:
- Bên giặc thế nào cũng giữ chặt lấy ngả Nhựt-bổn-hải, hạm-đội ta chớ nên đi lên ngả đó mà nguy. Chi bằng ta vòng ra Thái-bình-dương, dựa theo mé biển phía ngoài Nhựt-bổn mà dông cho mau, rồi băng qua eo biển Tôn-cốc 宗谷 của Nhựt mà lên Hải-sâm-uy thì mới toàn vẹn được.
Một viên hạm-trưởng vùng-vằng tức-tối, đứng phắt dậy nói lớn:
- Chúng ta đây, cả đoàn tàu hùng-tráng trên 40 chiếc, che mây rẽ nước từ Tây sang Đông, phí ngày giờ trải 8 tháng nay, đi băng ngang một nửa trái đất, là cốt để tìm lấy giặc mà đánh cho hả lòng, hầu lập nên đại-công như đề-đốc Nen-sôn (Nelson) thuở trước. Nay lại định trốn tránh quân giặc mà bao vòng ngả Thái-bình-dương, thật là vô-lý. Theo ý tiểu-tướng định kế bây giờ, không có gì hơn là trước hết chúng ta đánh lấy Đài-loan 台湾 làm nơi căn-cứ cho hạm-đội Ban-tích của ta, ấy là thượng-sách, rồi thì thừa cơ đánh giặc sau.
Các tướng thanh-niên cường-tráng, đều khen kế đó là phải. Đề-đốc Rô-dê-văng-ky suy-nghĩ lẳng-lặng một lát rồi đứng dậy bảo chư tướng:
- Ta quyết định đưa cả hạm-đội do ngả Đối-mã hải-giáp mà lên Hải-sâm-uy.
Chư tướng vỗ tay, tung hô vạn-tuế.
Đoạn, đề-đốc lại ra hiệu-lịnh cho tất cả đoàn tàu như vầy:
- Quân giặc sắp gần kề trước mắt ta rồi. Hạm-đội chúng ta ăn thua vinh-nhục, chỉ ở trong khoảng ít ngày nữa đây, vậy tướng-sĩ các ngươi phải nỗ-lực để báo-đền tổ-quốc.
Đến ngày 25, hạm-đội Nga do phía đông Đài-loan mà ra Trung-quốc-hải, chỉ sai vài chiếc tàu vận-tải ghé vào Thượng-hải lấy thêm than dầu vật-thực, còn thì toàn-đội nhắm ngay eo biển Đối-mã mà phăng-phăng thẳng tới.
Phía bên quân Nhựt, nguyên-soái Đông-hương hay tin hạm-đội Ban-tích đã chạy ngang qua quần-đảo Lưu-cầu, thì định chắc sớm tối ngày 26 hay 27, thế nào cũng đi qua hải-giáp Đối-mã, cho nên hạm-đội Nhựt bờm sẵn ở đấy chờ đánh.
Nói cho ngay, Đông-hương nguyên-soái dư biết rằng đề-đốc Nga, tay cừu-địch với mình, là một vị hải-quân to tướng, đã nổi tiếng thông-minh, can-đảm và có tài thao-lược ghê-gớm lắm. Đông-hương lại cũng dư biết rằng lấy số tàu binh mà kể, thì hạm-đội Nga nhiều hơn hạm-đội mình. Vậy thì Nhựt khó làm sao thắng Nga cho nổi. Tuy nhiên, Đông-hương đã suy-tính hư thiệt kỹ-lưỡng, biết rõ hạm-đội của đề-đốc Rô-dê-văng-ky thiếu-thốn về binh-lực và thuốc đạn; nhứt là cả đoàn tàu đi từ Âu sang Á, ròng rã 8 tháng nay, tự-nhiên máy-móc phải tròng-trành, tướng-sĩ phải mỏi-mệt, mà tàu lại không chở đủ số than để lên tới Hải-sâm-uy mà qua mắt Nhựt-bổn cho được; thế nào giữa đường tránh khỏi đánh nhau? Nga yếu thế e thua là ở chỗ đó. Trái lại, tàu Nhựt thì vừa mới sơn phết, sửa-sang máy-móc và tích-trữ đạn dược rất sung, còn tướng-sĩ ai nấy đều tỉnh-táo hăng-hái, chỉ đợi có giặc lại mà đánh.
Lấy tình-trạng hai bên về binh-lực và sĩ-khí như thế mà suy-xét so-đo, cho nên Đông-hương nguyên-soái vững lòng chờ đợi hạm-đội Nga tới chỗ eo biển chỉ rộng có 122 hải-lý là eo biển Đối-mã để cùng giao-chiến một phen sống mái, chớ không vì thấy tàu Nga đông, tướng Nga giỏi, mà kiêng sợ chút nào!
Ngày 26, Đông-hương nguyên-soái ra lịnh cho chiếc tàu do thám, hiệu là Tín-nùng 信濃 ải cẩn-thận tuần-phòng ở quanh biển Đối-mã, hễ thấy bóng tàu Nga, phải đánh điện-tín cấp báo cho đại-đội hay. Chiếc tàu nầy đi tuần biển đến 2 giờ khuya thì thấy đoàn tàu Nga, liền phi báo cho hạm-đội Nhựt hay. Các nhà quân-sự chuyên-môn của Âu-Mỹ nói rằng chớ chi chiếc tàu Tín-nùng của Nhựt đi tuần chậm-trễ 5 phút đồng-hồ sau, thì hạm-đội Nga vượt khỏi Đối-mã rồi, không đến đỗi phải chôn thây ở đó.
Tảng sáng 27, mặc dầu biển dậy sóng to, trời có sa-mù bịt-bùng, hạm-đội tiên-phong của Nhựt được tin hạm-đội Nga sắp tới, tướng-sĩ Nhựt hâm-hở nghinh-chiến. Xuất-võ trung-tướng truyền bảo bộ-hạ như vầy:
- Anh em ta đêm ngày chờ đợi hạm-đội Ban-tích tới để đánh; ngày nay may mắn làm sao tàu giặc đã tới trước mắt, cái giờ sanh-tử quyết-chiến của anh em ta đến rồi. Song binh-gia thắng bại, không biết đâu trước mà lường; nói ví-dụ như tàu chúng ta bị bắn nặng lắm, thì anh em ta cũng thề đánh tới chết chớ không thèm lui. Còn một viên đạn, cứ đánh; còn một tên quân, cứ đánh. Ai nấy đều nên nỗ-lực tận-tâm mà đánh giặc, rủi như tàu chúng ta chìm thì trước khi chun vô bụng cá, chúng ta đem hết thảy vật-dụng quân-cơ trong tàu mà tự hủy đi ráo, chớ để lọt qua tay bên giặc nghe! …
Rồi đó Xuất-võ trung-tướng giàn trận, xông vào giao-chiến với hạm-đội Nga. Trong lúc sa-mù tối-tăm, tàu Nga không biết tàu Nhựt nhiều ít thế nào, chỉ thấy bên Nhựt bắn mình thì mình bắn lại, rồi thì phân hạm-đội ra làm hai hàng tả hữu, kéo dài trên 20 dặm, phăng phăng chạy vào eo biển Đối-mã. Lúc nầy mà đề-đốc Nga còn chưa thấy rõ thiệt-tình bên Nhựt, trong trí vẫn tưởng rằng mấy chiếc tàu Nhựt mà mình ngó thấy đây là thứ tàu hư cũ không thể chiến-đấu gì được; còn đại-đội hải quân Nhựt thì đang đón hạm-đội mình ở eo biển Tôn-cốc là phía trên kia, thế là Nhựt mắc mưu mình rồi, thôi mình có thể thừa hư mà thắng lên Hải-sâm-uy dễ-dàng như chơi. Than ôi! Đề-đốc Nga không biết có hạm-đội của Đông-hương đang bờm sẵn ở Đối-mã hải-giáp, lát nữa coi mà!
Quả thiệt Đông-hương nguyên-soái được tin hạm-đội Nga sắp qua Đối-mã hải-giáp liền ra lịnh cho cả hạm-đội bộ-hạ mình gồm 20 chiếc tàu, giàn trận như hình tràng-xà, xông ra nghinh-địch. Cờ hiệu giao-chiến kéo lên bay phất-phới ở trên kỳ-hạm Tam-lạp 三笠 Đông-hương nguyên-soái truyền lịnh cho toàn đội rằng: “Tổ-quốc vinh nhục ở một trận nầy, tướng-sĩ các ngươi đều phải gắng sức”. Lịnh nầy làm cho hùng-tâm tráng-khí của chư tướng-sĩ thêm phấn-chấn trăm phần.
Hạm-đội Nhựt phân hai, một nửa đánh vào sau lưng hạm-đội Nga, một nửa thì chạy hàng dài ở phía tả, chận ở mặt trước. Lúc hai bên còn cách xa nhau 10
Nga muốn biến thế-trận để đối-địch cho dễ, nhưng bị Nhựt xông vào đánh riết quá, nên biến thế-trận không kịp. Đã vậy mà súng Nhựt bắn 10 phát trúng đến 6, 7; còn súng Nga bắn trả thì xuống nước gần hết. Hồi 2 giờ chiều, hai bên đánh nhau càng hăng, súng nổ vang trời, khói lên mù mịt. Tuy binh Nga chống-cự hăng-hái can-đảm cũng dữ, nhưng mà tàu nào tàu nấy bị đạn Nhựt bắn phá nhừ tử, thành ra lòng quân đã hơi rúng-động.
Đến 2 giờ rưỡi, hạm-đội Nga bị khốn trong vòng vây, trận-thế rối loạn tứ tung, muốn phá vây chạy trốn, nhưng mà tàu Nhựt áp tới bao-phủ như bức tường dầy, không có ngả nào cho tàu Nga thoát ra được. Lúc nầy tàu Nga có mấy chiếc bị bắn chìm rồi, tàu Nhựt lại nhắm vào kỳ-hạm của đề-đốc Rô-dê-văng-ky mà bắn dữ-dội. Đề-đốc đứng trơ trên tướng-đài, tay cầm thanh gươm ra hiệu cho tướng-sĩ; bỗng chốc tàu cháy ngùn-ngụt, cháy tới tướng-đài, làm cho đề-đốc Nga bị thương nặng lắm, vội vàng cùng bộ-tướng sang qua tàu khác vừa xong, thì chiếc kỳ-hạm chìm nghỉm.
Bây giờ chiếc tàu Nga hiệu Nicolas 1er thay làm kỳ-hạm, cùng chiếc Alexandre III đánh lại tàu Nhựt rất là dõng-mãnh, vì tướng-sĩ ở hai tàu nầy đều là hạng tinh-nhuệ trong hải-quân Nga.
Song, rủi cho Nga, hết tàu nầy tới tàu khác, bị trúng đạn Nhựt mà nổ chìm liền. Thét tàu Nga phải đành liều, phá vòng vây mà chạy; tàu Nhựt rượt theo bén gót.
Tối lại, trên biển u ám, không sao ngó thấy rõ đường mà đánh, nên chi Đông-hương nguyên-soái
Chính một chiếc tàu có đề-đốc Rô-dê-văng-ky và tham-mưu bộ-tướng cũng bị hết than hư máy, đứng sững trên biển, nên phải kéo cờ hàng, để cho binh Nhựt bắt sống cả mấy thầy trò; còn chiếc tàu Nga thì Nhựt dắt về Tá-thế-bảo 佐世保 - Sasebo quân-cảng.
Có 5 chiếc khác thừa lúc đêm tối, định dông thẳng lên Hải-sâm-uy, không dè tới sáng, bị một hạm-đội Nhựt lù lù chận ngang trước mặt. Chính là hạm-đội của Đông-hương, Đông-hương ra hiệu khuyên hàng; 5 chiếc tàu Nga biết thế chống-cự không nổi, kéo cờ trắng lên hàng ngay.
Nội buổi sáng 28 tàu Nhựt còn lùng kiếm tàu Nga, hoặc bắn chìm, hoặc bắt sống. Thế là cả hạm-đội Ban-tích của Nga trên 40 chiếc, đến đây không còn sót lại chiếc nào toàn-vẹn. Tính ra Nhựt bắn chìm của Nga 21 chiếc; bắt sống 5 chiếc; 3 chiếc mắc cạn bị hư; 8 chiếc trốn thoát; 1 chiếc chạy mất tung-tích nơi nào không biết. Có lẽ nó là chiếc chạy lạc vào cửa Ô-cấp ta rồi chìm ở khoảng trên Nhà-bè mà mấy chục năm nay còn thấy cột buồm trồi lên mặt nước đó chăng?
Phía Nga, hạm-đội Ban-tích tan-nát như đã kể trên đây, còn tướng sĩ thì 4.000 người bị hoặc bị đạn mà tử-trận, hoặc đắm tàu mà chết chìm; 7.000 người bị Nhựt bắt sống, trong số đó có đề-đốc Rô-dê-văng-ky và nhiều danh-tướng khác nữa. Thế mà phía Nhựt, thì chỉ mất ba chiếc tàu ngư-lôi, chết 116 người và bị thương-tích 350 người thôi.
Trận hải-chiến ở eo biển Đối-mã nầy kết-thúc cuộc thắng bại giữa hai nước Nhựt Nga, từ đó Nga bị đuổi ra khỏi phía đông Thái-bình-dương để nhường cho Nhựt trở nên hải-thượng bá-chủ. Vả lại trận Đối-mã đánh xong hôm nay, thì ngày mai oai-danh Nhựt-bổn lừng-lẫy toàn-cầu, nhảy vọt lên ngang hàng với liệt-cường Âu Mỹ. Ai cũng nói rằng thiên-hạ cổ-kim, không tiền tuyệt hậu, chẳng thấy có một trận hải-quân chiến-thắng nào mà cái giá nó ít tốn-hao quá như là trận Nhựt chiến-thắng Nga ở Đối-mã hải-giáp vậy.
Thắng trận khải-hoàn, Đông-hương nguyên-soái trở nên một bực dân-tộc anh-hùng, thế-giới vĩ-nhơn. Người thắng trận đã nâng cao địa-vị của quốc-gia dân-tộc Nhựt-bổn đó, thọ gần 80 tuổi, mới mất ở Đông-kinh hồi tháng 6 năm 1934, Nhựt-bổn làm lễ quốc-táng hết sức long-trọng. Nhơn dịp đó, ta thấy vô số báo chí Âu Mỹ tự thuật lai-lịch và ca tụng chiến-công của Đông-hương.
Đông-hương, hồi đầu duy-tân, là một chàng thanh-niên do vua Minh-trị lựa chọn phái đi qua học hải-quân ở Anh-quốc giữa năm 1868. Đông-hương lưu học tại Anh-quốc luôn 7 năm, đã nghiên-cứu về binh-pháp hải-quân lại tinh-thông cả về cơ-khí hải-quân nữa. Lúc bấy giờ Âu-châu gọi Đông-hương là “cậu học trò Nhựt-bổn” (écolier Japonais). Cách sau vừa đúng 30 năm, tảng sáng ngày 27 tháng 5 năm 1905, cậu học trò Nhựt-bổn làm Hải-quân nguyên-soái. Phá tan hạm-đội của một cường-quốc Âu-châu ở Đối-mả hải-giáp đó.
Giữa lúc đánh trận, Đông-hương cầm thanh bửu-kiếm đứng trên tướng-đài của chiếc kỳ-hạm Tam-lạp 三笠, chỉ-huy quân-sĩ từ sáng sớm đến tối mịch, bỏ cả ăn uống, quên hết hiểm nguy. Đạn Nga bay ngang trước mặt vù vù, mà Đông-hươngkhông hề nhúc-nhích, cái thái-độ dõng-cảm tự-nhiên của Đông-hương như thế, càng làm cho mạnh khí nức lòng tướng-sĩ Nhựt-bổn bội phần. Ai nấy reo hò hăng-hái, quyết chiến cho đến lúc toàn thắng mới thôi. Có tướng ấy, tất nhiên có quân ấy là phải lắm.
Tuy thắng đại-trận, lập đại-công thế ấy, mà Đông-hương chẳng lấy làm đắc-chí tự-kiêu chút nào. Ai khen công-trận thì Đông-hương chỉ nói đó là nhờ có oai-linh của Thiên-hoàng, dõng-khí của ba quân, hồng-phước của tổ-quốc. Ngày khải-hoàn về Đông-kinh, cái cử-chỉ trước hết của Đông-hương là vô nhà thương thăm viếng đề-đốc Rô-dê-văng-ky, nắm tay đề-đốc mà nói:
- Tôi rất lấy làm vinh-hạnh được gặp một tay đối-địch hết sức dõng-cảm như ông.
Cái cử-chỉ nầy càng tỏ ra võ-sĩ Nhựt-bổn có tánh nho-nhã di-truyền từ xưa, như một đoạn trên kia đã nói vậy.
CHÚNG TÔI HỌC THEO TÂY-PHƯƠNG CÁC ÔNG MÀ![sửa]
Xét qua công-cuộc cải-cách võ-bị của Nhật đã thành-công mau lẹ và có kết-quả rỡ-ràng như thế rồi, luôn dịp ta nên nhìn biết một điều nầy nữa. Điều nầy, chẳng phải ý tôi muốn nói ra đặng ngợi-khen gì Nhựt-bổn, nhưng mà nó chính là một sự thật, không nên bỏ qua.
Hồi duy-tân, Nhựt-bổn hối-hả sửa-sang võ bị theo như Tây-phương, chẳng phải chỉ cốt lo “giữ mình” mà thôi đâu, kỳ thiệt họ đã lập chí “ăn người” rồi. Đã không muốn tấn-hóa tự-tân thì thôi, chớ nếu tấn-hóa tự-tân, thì tất-nhiên phải có những vấn-đề công-nghệ phát-đạt, vấn-đề nhơn-khẩu gia tăng, bắt buộc họ có cái tình-thế riêng phải lấy võ-lực để tìm lấy hơi thở, mưu lấy đường sống.
Bởi vậy, ông tướng tên quân nọ mới ngày hôm nào hãy còn mang giáp múa đao, cầm cung ra trận, không khác gì tướng-sĩ Trung-quốc thuở xưa, thế mà bỗng chốc duy-tân, bao nhiêu thói xưa lối cũ xóa đi hết, nhứt thiết đổi dùng từ binh-cơ đồ-trận cho tới nhung-trang khí-giới của Tây-phương, sự biến-hóa ấy thấm-thoát chưa được bao lâu, thì họ đã đem ra thực-
Sau lúc thắng Nga trở đi, võ-bị của Nhựt ngày càng thêm mở-mang tấn-tới. Đến giờ, thôi thì quá rồi: hải-quân lục-quân của họ đã đứng ngang hàng với mấy nước đệ nhứt hùng-cường trong thế-giới; võ-nhơn họ, ở bên trong có thế-lực lớn lao bên đàn chánh-trị, ngó ra ngoài muốn hầm-hư nhai nuốt cả những Úc-châu của Anh, Phi-luật-tân của Mỹ, Nam-dương quần-đảo của Hòa-lan, chớ không phải muốn vừa. Mãn-châu chưa đủ no bụng họ đâu, họ còn đang dòm qua dĩa thịt liền một bên, muốn nhai luôn cả Tây-bá lợi-á của Nga luôn một miếng cho gọn!
Tuy ngoài miệng hay nói hòa-bình ngọt sớt, nhưng kỳ thiệt Nhựt-bổn chính là một nước “quân-quốc chủ-nghĩa” (Nation militariste) rõ-ràng không còn phải nghi gì nữa.
Có người Âu Mỹ nào trách-thiện Nhựt về chỗ đó thì Nhựt cười và nói:
- Ủa! Chúng tôi học theo Tây-phương các ông chớ ai!
Thì chính là lời nói thiệt.
Như trên xa kia đã nói, thiệt là trước nhờ mấy tiếng súng của đề-đốc Bá-lý, sau nhờ có những hiệp súng của 4 nước Âu Mỹ hiệp nhau bắn nổ rầm-rầm ở Lộc-nhi-đảo và Hạ-quan, làm cho người Nhựt vùng tỉnh-giấc mê mộng mấy ngàn năm mà vội-vàng cải-cách duy-tân. Việc thứ nhứt là họ đã ngó thấy Tây-phương mạnh ở súng gang tàu sắt, thì trước hết họ phải lo sao cho họ cũng có những vật cần kíp đó. Antoine Vischka[4] viết câu nầy thực là đúng với tư-tưởng tâm-lý người Nhựt hồi năm 1868: “Nếu người ta sống theo cách Âu-châu thì cũng phải biết bắn giết theo cách Âu-châu mới được”, (Si on vivait à l'européenne, il fallait aussi tuez à l'européenne).
Võ-bị nước Nhựt hồi duy-tân sửa-sang tấn-tới quá mau, cho đến đỗi cách sau 37 năm đem ra thực-nghiệm chiến-thắng được Nga, tóm lại chỉ gốc ở một chỗ giác-ngộ và định-kiến có bấy nhiêu đó!
Lại cũng vì chỗ giác-ngộ định-kiến đó mà Nhựt-bổn phải trở nên một nước quân-quốc chủ-nghĩa, soi gương nối gót thầy học Tây-phương. Thử hỏi xưa nay trong thiên-hạ có một nước nào, hoặc mở thêm đất cát, hoặc mưu lấy lợi-quyền, mà khỏi dùng đến võ-lực? Nước mạnh nào lại không là nước quân-quốc chủ-nghĩa? Tây-phương bắt đầu từ thế-kỷ 17 sang mở-mang đất-cát, kinh-doanh quyền-lợi ở Đông-phương, chẳng nhờ có binh ròng tướng mạnh, tàu sắt súng gang, thì nhờ ở sức nào khác hơn? Chính Tây-phương qua bắn súng vào Phò-tang tam-đảo rầm-rầm, mới đánh thức Nhựt-bổn tỉnh-ngộ tự-cường đó chớ ai! Cũng chính Tây-phương chỉ tỏ cho Nhựt biết sức mạnh của súng đạn tân-thời và biết mối lợi của võ-lực sung-túc, cho nên Nhựt phải bắt-chước đó. Ngày nay họ trở nên quân-quốc chủ-nghĩa mà thú thiệt rằng học bài chung sách của ông thầy Tây-phương là phải lắm.
Danh-sĩ Pháp là Maurice Dekobra năm ngoái qua chơi Nhựt-bổn trở về viết cuốn sách “Samourai huit cylindres” rất ngộ, có nhắc lại câu nói của ông giáo-sư Nitobéở trường Đông-kinh Đế-quốc đại-học như vầy:
“Hồi Nhựt-bổn tự bỏ cái thú tịch-mịch phong-lưu của mình từ xưa mà để mắt dòm ra thiên-hạ, ngó thấy trên biển Trung-quốc phất-phới nhiều lá cờ lạ, thuở nay mình không biết, thì ai nấy đều sửng-sốt lạ-lùng: nào cờ tam-tài, nào cờ có băng đỏ của Hồng-mao, nào cờ điểm sao lốm-đóm của Mỹ-quốc.
“Chớ chi lúc nọ ở dưới những lá cờ đó, có một đạo binh toàn là thi-gia và mỹ-thuật-gia kéo tới bờ biển chúng tôi, thì không chừng chúng tôi đã cao-hứng vì lẽ cạnh-tranh tinh-thần, mà cùng họ phấn-đấu ở trong vòng nghệ-thuật văn-chương một cách rất là ôn-tồn thân-ái. Song cơ-khổ thay! Lúc chúng tôi dòm thấy dưới những bóng cờ đó tua tủa lên vô số là đầu gươm mũi súng chói mắt sáng lòa, thì chúng tôi hiểu ngay rằng chúng tôi đây phải đúc súng rèn binh để giữ lấy thân chúng tôi mới được. Bởi vậy, ngay từ khi chúng tôi bắt đầu tiếp-xúc với Tây-phương, thì chủ-nghĩa quân-quốc đưa tới cho chúng tôi bắt chước đầu hết mọi sự. Thiệt, công-cuộc tổ-chức hải-quân và lục-quân của Nhựt ngày nay, có phải là Nhựt phát-minh ra đâu; Nhựt chỉ chép y kiểu cách của Âu-châu thôi mà.”
Chú thích[sửa]
- ↑ Có tên khác là Khố-hiệt-đảo (?) (**) hay Tát-cáp-liên(?) (**) cũng thế, tức là cái cù-lao ta thấy trên địa-đồ đề tên là Sakhaline, nửa phần về Nga, nửa phần về Nhựt. Nhựt lấy lại được nửa phần sau trận thắng Nga 1905; còn nửa phần nữa bây giờ họ tính mua lại của Nga, cũng như là mua con đường xe lửa Đông-mãn kia.
- ↑ Lúc đó hải-quân nước Nga chia làm 4 hạm-đội hay là 4 đoàn tàu chiến, đóng ở 4 nơi: một là hạm-đội Ban-tích (Escadre de la Mer Baltique); hai là hạm-đội Hắc-hải (Escadre de la Mer Noire); ba là hạm-đội Lý-hải (Escadre de la Mer Intérieuse); bốn là hạm-đội Thái-bình-dương (Escadre du Pacifique). Hạm-đội nầy đóng ở cửa Lữ-thuận, bị hạm-đội Nhựt phá tan, sau đem hạm-đội Ban-tích sang cứu viện cũng bị phá tan nữa.
- ↑ Đoàn tàu chiến khi ra trận, chiếc tàu có ông Hải-quân nguyên-soái ở trên, treo cờ hiệu-lịnh nguyên-soái, thì gọi là kỳ-hạm 旗艦, tiếng Tây kêu là Navire-Amiral.
- ↑ Tác-giả cuốn “Le Japon dans le Monde”, 326 trương, nhà Payot ở Paris xuất-bản.