Nhật Bản duy tân 30 năm/Chương X. Sự nghiệp văn học

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này
Chương X. Sự nghiệp văn học

QUỐC-NGỮ VÀ VĂN-TỰ[sửa]

Quốc-ngữ Nhựt-bổn với quốc-ngữ các nước khác có dính dấp quan-hệ ra thế nào, thuở xưa không có ai nghiên-cứu. Mãi đến đời Minh-trị, văn-hóa phương Tây truyền sang, bấy giờ Nhựt mới bắt đầu giảng-cứu gốc-tích quốc-ngữ. Năm Minh-trị thứ 19, trường Đế-quốc Đại-học đặt ra khoa-học bác ngôn 博言学科, để tiện giảng-cứu.

Lúc đó, đã từng có mấy nhà ngữ-học ngoại-quốc xét gốc định loài của quốc-ngữ Nhựt-bổn. Mỗi người chủ-trương một khác. Người nầy nói tiếng Nhựt giống tiếng Mãn-châu. Người kia nói có bà con với tiếng Hàn (Cao-ly). Người khác nữa bảo rằng tiếng Nhựt với tiếng Mông-cổ có chỗ thân-tộc quan-hệ. Gần đây, lại có người phát-minh ra tiếng Nhựt có hệ-thống với loài tiếng “Ấn-độ Nhựt-nhĩ-man” (Indo-Aryen), nghĩa là có bà con với tiếng Đức. Có lẽ vì đó mà Hitler nói giống người Nhựt có pha máu giống người Đức chăng?

Kỳ thiệt, công việc giảng-cứu nầy đến giờ cũng chưa quyết-định được tiếng Nhựt thuộc vào hệ-thống nào. Mỗi thuyết cho là gốc nầy gốc kia chỉ là đoán chừng.

Chỉ biết rằng dân-tộc Đại-hòa (大和 - Yamato) dựng nước ở Nhựt-bổn, vốn có một thứ tiếng riêng. Về sau văn-hóa bên đại lục tràn qua, người Nhựt đón rước Hán-văn Nho-học, tự nhiên có mượn nhiều tiếng Hán, tiếng Hàn pha trộn vô quốc-ngữ. Phật-giáo cũng đem nhiều tiếng Phạn tới cho Nhựt mượn nữa.

Các nước Âu-châu thông-thương với Nhựt-bổn sớm hơn hết, là người Bồ-đào-nha. Kế tới người Y-pha-nho, người Hòa-lan, người Anh, người Pháp, người Đức v.v… Nhựt-bổn cũng mượn tiếng của mấy nước nầy hóa làm tiếng mình vô số, nhứt là những danh-từ về y-học, khoa-học.

Còn văn-tự, có ít nhiều người Nhựt do tánh tự-ái, nói rằng trước khi chưa có chữ Hán truyền sang, Nhựt-bổn đã có Thần-đại văn-tự (神代文字 - Jindai Moji), nghĩa là ở đời Thần cũng có chữ riêng rồi. Nhưng, Đằng-cương Thắng-nhị (藤岡勝二 – Fujioka Katsuji) là nhà chuyên-môn nghiên-cứu nổi-tiếng về quốc-ngữ văn-tự Nhựt-bổn bác hẳn cái thuyết trên đây, cho rằng những người chủ-trương thuyết ấy tưởng dân Nhựt-bổn cổ-thời không có một thứ văn-tự riêng là sự đáng lấy làm xấu hổ, cho nên họ dò đoán cầm chừng mà bày vẽ Thần-đại-văn-tự đó thôi. Nếu quả xưa kia đã có văn-tự đó chăng nữa, chẳng qua chỉ riêng trong một khu-vực nào, chớ dân chúng không dùng, mà nó cũng không đủ tư-cách là một thứ văn-tự.

Nhựt-bổn có văn-tự, chính là thoát-thai ở chữ Hán mà ra. Ấy là:

Bình-giả-tự (平假字 – Hiragana), mượn ở lối chữ viết tháu của Tàu mà đặt ra cho được giản-tiện, kẻo để nguyên cả Hán-văn cho dân học thì phiền-phức khó-khăn quá. Tương truyền người đặt ra lối chữ nầy, một vị Thầy tu đạo Phật, là Hoằng-Pháp đại-sư (弘法大師 - Koubou Daishi, 774-835).

Phiến-giả-tự (片假字 - Katakana) chỉ mượn một mảnh chữ Hán mà đặt ra, mà đọc theo âm quốc-ngữ Nhựt. Đại-khái cũng như nhà nho ta xưa mượn gốc chữ Hán mà đặt ra chữ Nôm để đọc theo âm của tiếng mình vậy. Có người nói kiểu chữ nầy là bản-đồ 50 âm, do Cát-bị Đại-thần (吉備大臣 Kibi no Makibi, 693-775) sáng-tạo.

Hai lối chữ mượn nầy dựng lên một nền văn-tự riêng của Nhựt, dùng pha trộn với chữ Hán để viết văn làm sách phổ-thông. Duy có đám thượng-lưu học-thức mới chuyên dùng chữ Hán mà thôi. Nhưng họ viết chữ Hán theo như văn-pháp riêng của họ, chớ không chịu theo văn-pháp Tàu. Sự mượn chữ đặt chữ riêng viết văn theo phép riêng như thế, chứng tỏ ra người Nhựt thuở xưa đi học của người, vẫn giữ tánh-cách độc-lập của mình là dường nào.

Đến lúc Âu-hóa sang Đông, thời-thế cấp-bách, trước hồi Minh-trị duy-tân, đã có người dâng thơ lên Mạc-phủ xin bãi hẳn chữ Hán, để dùng chữ Bình-giả Phiến-giả của mình thôi.

Kế đó, bước vào thời-kỳ Minh-trị duy-tân có nhiều thuyết kế nhau nổi lên. Năm Minh-trị 16, có “Giả danh hội 片假会 - Kataganakai” lập ra cũng xướng-khởi ý-kiến chuyên dùng chữ mượn, tức là chữ Bình-giả và Phiến-giả. Qua năm sau lại có “La-mã tư-hội -馬字会 - Romajikai” chủ-trương dùng chữ La-tinh như các nước Âu Mỹ. Cả hai hội đều xướng bỏ chữ Hán. Có một phái Âu-hóa cấp-tấn, muốn dùng hẳn Anh-văn làm quốc-văn.

Nhưng, Hán-văn đối với người Nhựt tiếng Nhựt có lịch-sử lâu đời, có quan-hệ thâm thiết, không thế nào bỏ hẳn đi được. Muốn cho việc học của dân được giản-tiện, mau lẹ, nhà-nước bèn lựa lọc chữ Hán lấy một số cần dùng còn lại vài ba ngàn chữ thôi. Sự trí-thức về chữ Hán văn Hán của sĩ-dân Nhựt suy đi từ đó.

Trong đời Minh-trị, quan-bào và công-văn đều viết bằng chữ Hán xen vô chữ Phiến-giả cho dân dễ hiểu, ấy là giữ thói quen từ đời trước.

Có một hồi tân-văn tạp-chí cũng dùng trộn cả chữ Phiến-giả vô, nhưng được ít lâu rồi thôi, chỉ dùng chữ Bình-giả xen lộn chữ Hán như ta thấy ở báo chí Nhựt ngày nay, chữ Phiến-giả chỉ dùng để dịch các danh-từ của Âu Mỹ, cho được đọc theo như âm tiếng Âu Mỹ vậy.

Chữ Bình-giả xưa kia viết ra lộn xộn bất nhứt, ai muốn viết sao thì viết, cũng như nhà nho nước Nam ta viết chữ Nôm vậy. Nhưng đến năm Minh-trị 83, Văn-bộ (tức là bộ Giáo-dục) định ra thể-lệ hẳn-hòi, mẹo-luật rành-rẽ.

Trước khi muốn xét về văn-học và sách báo của Nhựt-bổn lúc mới duy-tân, chúng ta nên biết qua quốc-ngữ văn-tự nước Nhựt như thế.

*

VĂN-HỌC ĐỜI MINH-TRỊ[sửa]

Đời xưa, Nhựt-bổn đã có một nền văn-học phát-đạt và có đặc-sắc lắm; họ tự-phụ rằng không thua gì Âu-châu. Tiểu-thuyết, thi-ca, hí-kịch, đoản-thiên, sử-ký, phong-dao v.v… môn loại nào cũng có những áng văn hay truyền tụng. Nhứt là đời Đức-xuyên làm tướng-quân, luôn mấy trăm năm, thái-bình vô sự, người ta chỉ có việc chăm lo trau dồi văn-học, thành ra văn hay sản-sanh rất nhiều. Văn-học Nhựt-bổn đến đời Đức-xuyên là đời toàn-thạnh.

Người Nhựt bắt đầu nếm mùi văn-học Âu-châu, là những truyện ngụ-ngôn của Esope, dịch ra tiếng Nhựt từ thế-kỷ 16, chắc là do tay dịch thuật của một ông giáo-sĩ nào đó. Đến phần dưới của thế-kỷ 18, thêm có bổn dịch “Voyages de Gulliver”. Lúc nầy có những người Hòa-lan, Bồ-đào-nha và Y-pha-nho sang Nhựt mua bán, trong đám nhà nho Nhựt, nhiều người nghiên-cứu Hán-văn tinh-thông rồi, lại có hứng-thú nghiên-cứu văn-tự ngoại-quốc nữa, nhứt là học chữ Hòa-lan để xem xét y-khoa và sự tình Âu-châu. Tuy là Mạc-phủ có lịnh nghiêm-cấm và có nhiều người vì học chữ ngoại-bang mà bị chết chém, những hạng sĩ-phu óc lớn nghĩ xa vẫn cứ mạo-hiểm mà học. Nhờ vậy mà Nhựt-bổn đã sớm có những người hiểu biết qua loa về vật-lý-học và bác-vật-học của Thái-tây, chớ không riêng văn-học mà thôi.

Sự học tiếng Hòa-lan đến cuối đời Đức-xuyên đã thạnh-hành, lần hồi người ta học tới Anh-văn, Pháp-văn, Đức-văn nữa. Mạc-phủ lại đặt ra một sở chuyên dịch sách-vở của Tây dương, gọi là “Phiên-thư thủ-điều-xứ, 番書取調處 ”. Sở nầy về sau biến thành ra trường Đông-kinh Đại-học lấy Anh-văn làm gốc để giảng-dạy các khoa.

Thế là trước khi chưa khai-quốc duy-tân, nước Nhựt đã biết chú ý đến ngôn-ngữ văn-học phương-Tây rồi. Họ không phải quá ư cố-chấp như mình đây, đến đời Tự-đức mà sĩ-phu ta không biết văn-học nào khác hơn văn-học Trung-quốc.

Tới lúc mở cuộc duy-tân rồi, các nhà học-vấn tiên-giác từng học qua một thứ ngôn-ngữ văn-tự châu-Âu, bây giờ ganh-đua nhau làm sách, dịch sách, truyền-bá tứ-tung, để cho quốc-dân mau biết những phong-tục, tập-quán, lễ-nghĩa, chánh-trị, học-vấn của Thái-tây. Người có công nầy lớn nhứt là Phước-trạch Dụ-cát, (福澤 諭吉 - Fukuzawa Yukichi) vừa lập trường, vừa dịch sách, vừa làm báo để rèn tập nhơn-tài cho cuộc duy-tân và thức-tỉnh quốc-dân về việc sanh-tồn, việc quyền lợi. Trước mắt người Nhựt buổi đầu duy-tân, Phước-trạch là ông thánh sống, có sự-nghiệp giáo-dục to lớn quan-hệ như thế nào, một chương trên kia nói về “Dân-gian giáo-dục” tôi đã nói rõ rồi, khỏi cần nhắc lại ở đây nữa.

Kế Phước-trạch (福澤 - Fukuzawa) là Tân-đảo-Tương (新島襄- Nijima Jou), Trung-thôn Chánh-trực (中村正直 - Nakamura Masanao), Trung-giang Đốc-giới (中江?介- Nakae??) v.v… đều là bực anh-tài có công-nghiệp gieo mầm ngoại-quốc văn-học ở nước Nhựt.

Sau lúc nhà vua đã bỏ chế-độ phong-kiến và cho tứ-dân bình-đẳng, bấy giờ người ta xôn-xao bàn-bạc về những chuyện dân-quyền tự-do; đã bàn bạc vè những chuyện dân-quyền tự-do, lẽ tất nhiên người ta hâm-mộ sùng-bái những người như Montesquieu, Jean-Jacques Rousseau của nuớc Pháp. Bởi vậy, lúc Trung-giang Đốc-giới ở Pháp-quốc về, dịch sách “Dân-ước, Contrat Social” của Rousseau và xướng lên thuyết dân-quyền tự-do, làm cho nhơn-tâm rung-động nồng-nàn. Rồi đó phong-trào dân-quyền càng ngày càng thạnh. Năm Minh-trị 14, nhà vua phải hạ chiếu kỳ hẹn với dân 10 năm nữa thi mở ra Quốc-dân hội-nghị thành ra dân càng đua nhau cầu học trí-thức thế-giới và tư-tưởng dân-chúng càng ngày càng mới mẻ thêm.

Ấy là tình-thế vào khoảng năm Minh-trị 15, 16 trở về trước, mặc dầu tiêm nhiễm ngoại-quốc tư-tưởng và phiên dịch sách vở Thái-tây đã nhiều, nhưng văn-học mới vẫn chưa thiệt dấy lên. Duy có một hiện-tượng, là có tân-văn tạp-chí nhơn được phong-trào mới mà đẻ ra thôi. Là bởi nhơn-tâm Nhựt-bổn hồi nầy đều dốc lòng gắng sức vào việc cải-tạo quốc-gia, cho nên sự cầu học trí-thức Thái-tây, chỉ cốt những việc gì là việc thiết-thực, chớ không ai rảnh rang để thưởng ngoạn văn-học Thái-tây cho được. Huống chi trong khoảng 15 năm mới khởi cuộc duy-tân nầy, số người biết ngôn-ngữ văn-tự Thái-tây còn ít lắm; dầu cho người biết cũng là chưa đủ tinh-thông để thưởng-ngoạn cái thú-vị của văn-học Thái-tây nữa kia.

Thời-kỳ tân-văn-học mở ra thật từ năm Minh-trị 15, 16 trở đi.

Khởi thủy là ba vị giáo-sư đại-học, Ngoại-sơn (外山 - Sotoyama), Thi-điền-bộ (矢田部良吉 - Yatabe Ryokichi) và Tĩnh-thượng (井上馨 - Inoue Kaoru) in ra lối thơ mới, gọi là “Tân-thể-thi, 新?詩 ”. Văn-học phương Tây vang dội tới văn-học Nhựt-bổn mở mối ra từ đó.

Nguyên là lối thi tả-tình của Nhựt thuở trước, thông-dụng nhứt là điệu ca bằng quốc-âm và có tô-điểm vô những tiếng ờ đời Trung-cổ, người ta mới cho là hay. Ba vị giáo-sư trên đây cho lối quốc-ca vắn quá không đủ tả hết tình-tứ ra được; lại còn chêm tiếng trung-cổ vào cũng không hiệp thời nữa. Rồi đó ba ông xúm nhau lại bắt chước điệu thi của Tây mà đặt ra ca, gọi là thi theo thể mới. Lại dịch nhiều thi-ca hay của Tây-phương cho quốc-dân ngoạn-thưởng. Về sau có nhiều tay dịch thi-ca Tây-phương còn hay hơn nhiều, song kể người thợ đầu hết, chính là ba ông, vả lại người Nhựt được rảnh rang nếm mùi văn-học Tây-phương, và biết là cân dùng, thật bắt đầu tự đó.

Lân hồi không mấy năm, những tay có tài phiên-dịch đem sách của các danh-sĩ Âu-châu ra dịch tứ-tung, nhiều nhứt là tiểu-thuyết và bi kịch. Cervantès, Shakespeare, Fénelon (truyện Télémaque), Daniel de Foe (Robinson Crusoe), Goethe, Dickens, và Alesxandre Dumas (truyện Trois Mousquetaires, người Nhựt khoái lắm), Victor Hugo, Maupassant, Zola, Loti, Tolstoi Jules Verne, văn-chương tiểu-thuyết của các ông nầy đều dịch hết ra tiếng Nhựt và người Nhựt ngoạn-thưởng hoan-nghinh đáo để. Triết-học thì họ dịch từ Platon cho đến Rousseau, Kant, Schopenhager, Auguste Comte, Stuart Mill và nhứt là Herbert Spencer.

Lúc đang nói chuyện đây, văn đàn mới ở nước Nhựt, có hai phái đứng đối nhau đánh trống phất cờ tân-văn-học:

Một là phái thanh-niên văn-khoa học-sanh ở trường đại-học Tảo-đạo-điền; giáo sư văn-khoa của trường nầy là Bình-nội Tiêu-dao (坪内?? - Tsuboi??), một nhà lãnh-tụ trên đàn văn-học mới, rất tinh-thông Anh-văn, thường đem văn-học nước Anh dịch-thuật giới-thiệu cho học-giới Nhựt-bổn. Thọ-nghiệp với ông lúc bấy giờ, có nhiều thanh-niên học-sanh còn đang ngồi trên ghế học đường mà đã viết tiểu-thuyết và soạn kịch, tài hoa nổi tiếng.

Hai là hội “Nghiễn-hữu-xã, 硯有社 - Gen-Yu Shya" tụ họp những người kiện tướng của tân-văn-học, người dịch sách nước nọ, người dịch sách nước kia, gần có đủ mặt: nhà phê-bình có, nhà sáng-tác có, nhà văn-học-sử có, một thời hoạt-động vang dậy trên đàn học mới.

Ngoài ra có hai lằn sóng, tuy chống-chõi nhau, mà đều có ích cho cuộc tấn-hóa của Nhựt-bổn mới kỳ.

Một là lằn sóng sùng-bái Tây-phương.

Một là lằn sóng tỏ rạng quốc-túy.

Năm Minh-trị 20, Đức-phú Tô-phong (徳富蘇峰- Tokutomi Sohou) mở ra tạp-chí đặt tên là “Quốc-dân chi-hữu, 国民之友-??” đem các vấn đề văn-học, tôn-giáo, phong-tục ra bàn bạc một cách rộng rãi ngang tàng, nhiều bài viết văn lập luận rất kỳ, cốt đem văn-học Tây-phương vô nước Nhựt, và chú ý về văn-nghệ mới lạ. Trong báo ấy đầy dẫy bài vở hoặc sáng tác, hoặc phê-bình, hoặc dịch-thuật, bài nào cũng có vẻ làm rung-động tai mắt người trong nước giữa lúc muốn đạp đổ văn-học cũ, dựng lên văn-học mới.

Đức-phú Tô-phong là tín-đồ đạo Gia-tô, cho nên ông ta nghị-luận về các vấn-đề tôn-giáo, chánh-trị, dân-quyền nhứt nhứt đều có chủ-nghĩa khuyên-bảo người ta sùng-bái Tây-phương.

Những người chống-cự chủ-nghĩa ấy bèn mở ra tạp-chí đặt tên là “Nhựt-bổn-nhơn 日本人 - Nipponjin”, lấy chủ-nghĩa phát-dương quốc-hồn quốc-túy làm gốc. Họ nói văn-minh Tây-phương cũng còn có nhiều chỗ thiếu-sót, chớ phải hoàn-toàn tốt đẹp gì sao; chẳng qua chỉ có võ-lực là hơn, vì lẽ thời thế sanh tồn, mình bắt chước người ta thì bắt chước, nhưng không thể nào lãng quên hay là bỏ hẳn những cái tinh-túy của văn-minh Đông-phương mình đi được.

Trong mấy năm Minh-trị từ 20 đến 23, 24, hai lằn sóng trên đây đều có ảnh-hưởng rất hay cho tư-tưởng Nhựt-bổn. Một mặt nầy có chủ-nghĩa Âu-hóa rần-rộ thạnh hành, một mặt kia có tinh-thần quốc-túy nổi lên chống lại. Té ra những người từ Minh-trị buổi đầu tới đây, chuyên-chú xem xét văn-vật phương-Tây, chừng rõ biết được hết sự-tình của người ta rồi, trở lại giựt mình vì chỗ việc gì mình cũng nhắm mắt theo càn là bậy. Vì sự thiệt chính mình cũng có nhiều cái hay.

Đó là chỗ tự-tỉnh của quốc-dân Nhựt-bổn, nhờ sự tự tìm biết cái hay của người đánh thức dùm sự biết cái hay của mình.

Hai lằn sóng nầy điều-hòa lại với nhau, khiến cho người Nhựt tấn-hóa một cách có lương-tri sáng suốt, và công-nghiệp duy-tân đến đó mới thiệt là chín chắn.

Trên kia nói hai lằn sóng đều có ích cho cuộc tấn-hóa của Nhựt-bổn là vậy đó. Còn một việc hiển-nhiên khác nữa.

Buổi đầu duy-tân, người trong nước ham-mê vồ-vập văn-minh Tây-phương quá đỗi, tới nước quên mất không nhớ lại rằng Đông-phương có một nền mỹ-thuật có vẻ tốt đẹp riêng, đáng quý đáng giữ. Thành ra bao nhiêu những bức tranh vẽ khéo, những đồ chạm trổ quý-báu công-phu, chính là vật báu của Nhựt mà người Nhựt đem bán rẻ cho người Âu Mỹ đem đi gần hết, chẳng biết tiếc là gì. Đến những miễu thần chùa Phật đồ quý vật xưa, có quan-hệ về lịch-sử lâu đời, người ta cũng để cỏ mọc rêu phong, trôi sông bỏ xó, không thèm sửa sang gìn-giữ. Tới chừng có chủ-nghĩa phát-dương quốc-túy nổi lên phừng phừng, bấy giờ người ta mới sực tỉnh, biết rằng văn-vật phương Tây có những cái đáng theo thì theo, nhưng mà văn-vật phương Đông mình cũng có những cái hay phải nên giữ-gìn quý-trọng mới được. Rồi đó, nhiều môn nghệ-thuật riêng, mỹ-tục riêng, ví dụ như múa kiếm, đánh vật, trồng hoa, múa nhạc, uống nước trà v.v… hai mươi năm tấm lòng quá chuộng văn-minh Tây-phương cho khinh thường xem rẻ đi, bấy giờ nó lại lần hồi khôi-phục cho tới ngày nay.

Đến văn-học cũ cũng vậy, bị người ta phế khi mấy chục năm, tới đây có những người trở lại biết cái thú-vị văn-học xưa của mình, bèn tom góp lựa lọc lấy tinh-túy cựu-văn-học mà dung-hòa bằng tư-tưởng mới của Tây-phương. Thành ra họ nhồi cả văn-học Đông tây lại một cục, để nắn ra văn-học mới. Vẫn biết là văn-học mới đó có nhờ Tây-phương văn-học chế hóa cho nhiều, nhưng ở bên trong vẫn có tinh-hoa đặc-sắc riêng của mình một phần.

Thế thì về văn-học cũng như về quân-bị, kinh-tế, chánh-trị, công-thương, nếu người Nhựt Âu-hóa là chỉ muốn cho được giữ y tánh-cách đặc-biệt của mình. Đây, tôi muốn mượn câu của giáo-sư Félicien Chatlaye làm câu kết đoạn nầy: “ “Ai tưởng về mặt văn-chương, người Nhựt muốn biến thành Âu-hóa, thật là tư-tưởng lầm lắm đó”.

*

NHỰT-BÁO TẠP-CHÍ[sửa]

Nếu ai muốn bỏ hết các việc cải-cách khác của Nhựt-bổn, mà chỉ xem nội một khoản báo-chí thôi, cũng đủ thấy bước đường duy-tân người Nhựt dung ruổi mau lẹ đến thế nào. Từ lúc mới khởi duy-tân trở đi, chưa đầy hai chục năm, báo-chí của họ đã có cơ sắp-sửa ngang vai chen gót với sự-nghiệp ấy của Âu Mỹ rồi. Chẳng bù với báo-chí xứ mình đẻ ra có lẽ trên ba mươi năm mà vẫn còn là thằng trẻ nít: một tờ báo chạy nhứt ở tỉnh-thành lớn xứ mình chưa bằng tờ báo nhỏ ở một xó châu-quận người ta.

Trong lúc bắt đầu khai-quốc, nghĩa là lúc chánh-quyền còn về tay Mạc-phủ, bị đề-đốc Bá-lý tới ra oai buộc phải mở cửa thông-thương, đám chí-sĩ Nhựt-bổn đã dựng lên ít nhiều cơ quan ngôn-luận để thúc-giục nhà nước phải mau duy-tân cải cách. Những báo nầy còn in chữ khắc bằng cây và chỉ ra mỗi tháng hay mỗi tuần một số, cách-thức biên-tập sắp-đặt tờ báo còn lôi-thôi lắm.

Lúc nầy cả thảy gồm chục hiệu báo-chí chớ không phải ít, nhưng báo nào cũng khốn-khổ về đồng tiền eo hẹp, thành ra không mấy tờ đứng vững. Ông Henri Dumolard, tác-giả cuốn “Le Japon politique, économique et social” (Paris, Colin 1903) thuật lại một chuyện nghe tức cười chết: “Có báo xuất-bản hai năm rồi vì hết tiền vốn mà phải đóng cửa, là vì trước sau chỉ vỏn vẹn có hai vị độc-giả mà thôi”.

Bước qua thời-đại Minh-trị duy-tân, còn sót lại năm ba tờ tuần-báo nguyệt-san, trong đó chỉ có báo “Giang-hồ tân-văn 江湖新聞 - Koko shinbun” ra vẻ đặc sắc hơn hết. Nhưng vì mỗi số báo ra, bài nào cũng xâm-xoi công-kích hai cường-phiên Tát-ma và Trường-châu làm cho chánh-phủ tức mình sanh ghét, rồi cấm xuất-bản, lại bỏ tù viên chủ-bút báo ấy. Trước giờ chánh-phủ chưa nghĩ đến sự kềm-chế các báo, nay mới thấy sự đó là cần, bèn ra lịnh buộc tờ báo nào cũng phải xin phép nhà-nước cho ra mới được, bài vở nếu thả giọng bạo-động quá thì chủ-nghiệm chủ-bút ở tù.

Mãi tới năm Minh-trị thứ 4 (1871), Nhựt-bổn mới có tờ báo hằng ngày thứ nhứt xuất-bản, là “Đông-kinh Hoành-tân mỗi nhựt tân-văn 東京横浜新聞 - Tokyo Yokohama shinbun”, bắt đầu dùng chữ chì của người Nhựt tự đúc lấy (thử coi sớm chưa!) và in bằng máy in đặt mua ở Âu-châu. Từ việc biên-tập, việc in, việc bán, sắp-đặt đã khá chỉnh-bị. Báo nầy chẳng những làm ông tổ nhựt-báo mà thôi, lại làm khuôn-mẫu cho những báo hằng ngày khác kế theo nữa.

Qua năm sau, 5 tờ báo hằng ngày lớn nối gót nhau ra đời:

Đông-kinh nhựt nhựt tân-văn 東京日日新聞

Bưu-tiện báo tri tân-văn 郵便報知新聞

Triều-giã tân-văn 朝野新聞

Độc-mãi tân-văn 読売新聞

Thự tân-văn 曙新聞

Mỗi tờ bày tỏ một chánh-kiến, hoặc muốn tấn-hóa lần hồi, hoặc đòi duy-tân cấp-bách, mà tờ nào cũng có một vài tay danh-nhơn chí-sĩ chấp bút, đua nhau bút-chiến tung-hoành, có ảnh-hưởng đến thời-cuộc một cách sâu xa, lừng tiếng là “Ngũ-đại tân-văn 五大新聞 - Godaishinbun”, chánh-phủ cũng phải kiêng nể.

Từ năm Minh-trị thứ 4 đến thứ 8, trước sau 5 năm, mà nhựt-báo, tuần-báo, tạp-chí dựng lên đến hơn 100 nhà. Sự tấn-bộ của báo-giới Nhựt phát-khởi đã mau mà rồi ngày càng tấn-tới mau lẹ dị thường. Trong sự tấn-bộ đó, nhiều chỗ bày tỏ ra công-phu nhơn-lực mới quý. Thử xem một chuyện phát báo cũng biết. Các báo ban đầu đều in ra buổi trưa; việc phát-hành đã có xe hơi xe đạp gì đâu, người ta chia nhau thủng thẳng đưa tay đến tận mỗi nhà độc-giả. Mấy anh đưa báo còn khệnh-khạng, chần chờ, đến mỗi nhà, ngồi uống chén nước trà, nói chuyện tán-tỉnh con ở ngộ-nghĩnh nhà người ta chê chán rồi mới chịu đem báo đến nhà khác cũng vậy, thành ra báo ra buổi trưa mà sự phát-hành kéo mãi đến khuya mới xong. Mỗi nhà báo phải mướn cả trăm người đi phát tay như thế. Tội-nghiệp có nhà báo mướn hạng người đó không đủ, thì chính các ông trợ-bút tự đem phát lấy; báo để trong tay áo “kimono” rút ra mà đưa mỗi nhà.

Từ hồi báo-giới Nhựt-bổn tạo-lập ra đến lúc đang nói đây, tuy là đủ môn nọ loại kia và cách sắp-đặt cũng gọi là tấn-tới mới mẻ khá rồi, nhưng người ta chỉ ham bàn chánh-trị, sính múa văn-chương, chớ tờ báo chưa có tư-bổn tranh-cạnh xen vô, chưa có tánh-chất thương-mãi, cũng chưa có màu mè mỹ-thuật.

Có chăng, là từ tờ “Đại-bản Triều-nhựt tân-văn 大阪朝日新聞 - Osaka Asahi shinbun, Asahi-Osaka” ra đời trở đi.

Thiệt vậy, lúc đầu chỉ là đám người văn-gia chí-sĩ chung đậu tiền bạc làm báo với nhau thôi, nhà tư-bổn chưa bước vô cõi tân-văn. Đến năm Minh-trị 12, có “Đại-bản Triều-nhựt tân-văn” mở ra, làm được vài năm rồi về tay Thôn-sơn Long-bình (村山龍平 -??) kinh-doanh, bấy giờ báo-giới mới bắt đầu có tánh-chất tư-bổn. Mà từ đó báo-giới mở-mang rộng lớn, phải nhờ có sức tư-bổn như các công-cuộc kinh-doanh lớn lao khác vậy.

Thôn-sơn Long-bình là nhà giàu, không phải tay biết cầm bút viết văn nhưng mà biết cách làm một tờ báo thế nào cho được nhiều người ham đọc, cần đọc, phải đọc. Ông ta xuất một số tiền thật lớn để làm báo, chú-trọng nhứt là thông báo tin-tức làm sao cho mau lẹ, bèn dồn cả toàn-lực vào cơ-quan thông-tin, bày ra nào là điện-tín trong nước ngoài nước, nào là thông-tín-viên đặc-phái (correspondants spéciaux), để cho việc báo tin thật là mau chóng, dầu hao tốn bao nhiêu tiền cũng mặc. Tư-bổn cạnh-tranh trong làng báo mở mối ra từ đây.

Mấy tờ báo khác, thấy tiếng tăm của “Đại-bản Triều-nhựt tân-văn” mỗi ngày bay lên cao như diều, cũng lấy sức tư-bổn ra để tranh-cạnh, tiền bạc họ xài ra như nước, cầu lấy tin mau, in đẹp, báo lớn, bài nhiều. Nhưng phần đông vì sự tranh-cạnh quá lố, đến phải đuối hơi trút túi mà chết. Duy có tờ “Đại-bản Mỗi-nhựt tân-văn 大阪毎日新聞 - Osaka Mainichi Shinbun” là đứng lại tranh-cạnh nổi mà thôi. Họ tranh-cạnh luôn mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, từ lúc ấy cho đến bây giờ, chính là hai tờ báo hằng ngày, lớn nhứt nước Nhựt. Sau đây có một đoạn riêng, nói về thủ-đoạn cạnh-tranh ghê gớm của hai nhà báo “Triều-nhựt - Asahi” và “Mỗi-nhựt - Mainichi” ra thế nào? Giờ để nói chuyện tuần-tự về lịch-sử báo-giới đã.

Đến năm Minh-trị 23, nhà vua ban-bố Hiến-pháp và mở Chúng-nghị-viện ra rồi, báo-giới càng thêm phát-đạt và có thanh-thế về mặt chánh-trị. Người ta nói lúcnầy về thế-lực chánh-trị, chánh-phủ ở bực nhứt, nghị-viện ở bực nhì, tân-văn ở bực ba. Có lúc chánh-phủ sợ tân-văn quá hơn là sợ nghị-viện, cho nên thường khi tìm cách ngăn-trở tân-văn phát-đạt, nhưng nó cũng cứ phát-đạt như thường.

Sau cơ-hội trên đây là cơ-hội giúp cho báo-giới bước cao lên một bước, tới trận Nhựt-bổn đánh nhau với nhà Thanh nước Tàu (1894), báo-giới nhờ đó tăng số độc-giả lên xấp đôi. Nhiều báo vì lẽ doanh nghiệp lợi tiện mà lập thêm chi-nhánh riêng hai nơi: ví dụ “Triều-nhựt” và “Mỗi-nhựt” ở Đại-bản, lại lập ra tòa báo “Triều-nhựt” và “Mỗi-nhựt” ở Đông-kinh nữa, nơi nào in riêng tờ báo tại nơi đó. Nếu Đông-kinh là kinh-đô chánh-trị, thì Đại-bản là kinh-đô công-nghệ. Muốn cho sự phát-hành mau chóng, khỏi mất công gởi đi gởi lại lâu lắc lôi thôi, hai tờ báo lớn mới xuất-bản hai nơi như thế. Mà nơi nào xuất-bản cũng ghê, “Triều-nhựt” in ra 370.000 tờ ở Đại-bản và 180.000 ở Đông-kinh, hiệp cộng 550.000 tờ. “Mỗi-nhựt” cũng xuất-bản cả hai nơi gần gần số ấy. Đó là nói số in hồi duy-tân trải qua Nhựt Nga đại-chiến cho đến Âu-châu đại-chiến mà thôi. Chớ bây giờ hai tờ báo nầy in nhiều mấy lần hơn và kình-địch với báo Anh Mỹ kia. Độc-giả sẽ thấy một đoạn nói riêng.

Trong khi tân-văn phát-đạt tấn-tới lạ lùng như thế, thì tạp-chí cũng không vừa gì. Khoa-học, chánh-trị, giáo-dục, triết-học, mỹ-thuật, phụ-nữ, tôn-giáo v.v… môn loại nào cũng có tạp-chí riêng để kêu gào, để giảng dạy, để dìu dắt người ta. Kể tới năm 1905, nghĩa là từ ngày Minh-trị bắt đầu duy-tân đến đây được 38 năm, các thứ tạp chí khắp nước Nhựt đến số 1.500 hiệu, mà riêng ở Đông-kinh có 380 hiệu. Độc-giả là phụ-nữ và học-sanh nhiều nhứt, thực-nghiệp-giới ở bực thứ.

Cũng kể tới thời-kỳ nói trên đây, khắp nước Nhựt, số báo hằng ngày lớn nhỏ trên 700 nhà. Thời-gian không bao lâu mà báo-chí mở-mang phát-đạt đến thế, thật là tột-bực vậy.

THỬ XEM SỰ CẠNH-TRANH CỦA HAI TỜ BÁO LỚN NHẤT. - Ấy là báo “Triều-nhựt” và “Mỗi-nhựt” như trên kia đã nói.

Cả hai đều có lịch-sử trường-cửu gần sáu chục năm nay, chẳng những là báo lớn ở nước Nhựt hay là ở phương Đông nầy thôi, lại đứng vào hàng một số ít tờ báo lớn nhứt trong thế-giới nữa.

Tôi muốn để một đoạn riêng nói về lai-lịch và sự-nghiệp kinh-doanh của hai tờ báo nầy nhứt là về “Triều-nhựt” nhiều hơn.

Báo “Triều-nhựt” sáng-lập ở Đại-bản (Osaka) ngày 25 tháng giêng năm 1879 (Minh-trị thứ 12). Lúc đầu báo quán chỉ là một cái nhà bé nhỏ, bởi là cơ-quan của văn-sĩ chung nhau, chớ chưa có nhà tư-bổn xen vô.

Đã nói hồi Minh-trị bắt đầu duy-tân, không có một thứ văn-hóa nghệ-thuật nào của Tây-phương mà người Nhựt họ không bắt chước; bởi vậy nghề làm báo của Tây-phương cũng phát-hiện ở nước Nhựt một cách mạnh bạo lớn lao như muôn vàn nghề-nghiệp khác. Nhưng lúc bấy giờ có nhiều tờ báo dựng lên rồi đổ ụp xuống liền, là vì có nhiều nổi khó khăn gay trở; nhứt là vì mặt tài-chánh làm cho thất-bại nhiều hơn hết; duy chỉ có báo “Triều-nhựt” chống-chõi và qua lọt được cái cầu khó khăn gay trở đó.

Từ năm 1885, báo “Triều-nhựt” ở Đại-bản dời về chỗ báo-quán bây giờ, song lúc ấy nhà-cửa, máy-móc và cách sắp-đặt cũng còn lôi-thôi sơ sài, chớ đâu phải được như ngày nay. Mãi đến năm 1890, kiểu máy in mới của nước Pháp chế-tạo ra, hiệu Marioni, truyền qua Nhựt-bổn; chừng đó nghề làm báo ở Nhựt-bổn mới bước vào cõi tấn-hóa mới mẻ.

Hai trận chiến tranh Trung Nhựt (1894) và Nhựt Nga (1904-1905) cùng là vụ loạn Quyền-phỉ ở Bắc-kinh, đều là những cơ-hội tấn-phát lạ lùng cho báo “Triều-nhựt”. Mấy lúc có chiến-tranh đó, báo đều phái đi từng đoàn phỏng viên ra tới chiến-trường để lấy tin và chụp hình. Bọn phỏng-viên nầy cố sức làm cái chức-vụ thông-tin, lăn lóc vào giữa chỗ rừng gươm mưa đạn, lắm khi tánh-mạng nguy hiểm rất mực, mà họ cũng không kể gì, cứ việc liều mình lấy tin cho được mới thôi. Một nhà báo có những phỏng-viên như thế, thật không có cách quảng-cáo nào cho bằng và không thế nào không phát-đạt cho được. Chính nhờ vì đó mà báo “Triều-nhựt” càng ngày càng tấn-tới phi thường, được quốc-dân hoan-nghinh tin cậy lắm. Từ lúc ấy trở đi, số độc-giả càng ngày càng tăng, báo “Triều-nhựt” càng thấy sự sắp-đặt của mình về mặt vật-chất nội-dung còn thiếu sót nhiều; vả lại, cần phải cạnh-tranh với báo “Mỗi-nhựt” (Mainichi, cũng ở Đại-bản) dữ lắm, thành ra báo “Triều-nhựt” hết sức mở-mang. Sự cạnh-tranh của hai nhà báo nầy, làm cho báo giới Nhựt-bổn leo lên một cái trình-độ rất cao, ngang hàng với báo-giới Huê-kỳ, chớ báo-giới Âu-châu không bì kịp đâu.

Năm 1915, báo “Triều-nhựt” cất nhà báo mới, cao 8 từng lầu, thật là nguy-nga rộng-rãi, mà chỉ dựng có một năm là xong.

Đồng-thời lại mở-mang các cơ-quan và khí-cụ in báo, thông-tin, thứ nào cũng tân-thời hết thảy.

Báo nầy lúc khởi thủy là của một số anh em đồng chí viết văn nhà nghề, chung nhau lập ra; vài năm sau, nhà tư-bổn Thôn-thượng Long-bình(Marayama Ruyhei) xuất vốn mua lại làm chủ một mình, ra sức mở-mang, càng ngày càng lớn, về vật-chất và tinh-thần cũng vậy. Cho đến năm 1919 trở đi, mới đổi ra công-ty hữu-hạn, số vốn đến 4 triệu viên, nhưng vẫn Thôn-thượng làm xã-trưởng. Thôn-thượng nổi tiếng là “vua báo” ở nước Nhựt, cũng như Lord Nortcliff ở Hồng-mao mười năm trước và Hcarst ở Huê-kỳ bây giờ vậy. Vua báo Nhựt-bổn mới qua đời năm 1933, thọ 85 tuổi.

Nhà báo “Triều-nhựt” ở Đại-bản và ở Đông-kinh cũng vậy, xem hình thấy cảnh đồ sộ lạ thường, ta có thể tưởng-tượng rằng nhà băng Đông-Pháp ta ở Saigon chỉ bằng phần nửa thôi.

Bề ngoài đã vậy, cách-thức sắp-đặt làm việc bề trong nhứt nhứt theo kiểu tối-tân, không thiếu một sự cần-dùng gì cho nghề-nghiệp mà trong tòa báo không có. Đại-khái từng lầu thứ nhứt là bộ doanh-nghiệp (ta gọi là ty quản-lý) và nhà in; từng thứ hai là phòng việc của ông xã-trưởng (ta gọi là chủ-nhiệm) cùng các cơ-quan viên-chức thuộc về phần ổng; tòa soạn cũng ở từng nầy, lại có một phòng hội-nghị rất lớn. Từng thứ ba là nơi tiếp khách, có viện đồ-thơ, có phòng âm-nhạc. Từng thứ tư có hàng cơm và những phòng riêng cho các trợ-bút và phỏng-viên nằm nghỉ; lại có nhà tắm cho họ nữa v.v… Còn trên nóc nhà có sân rộng để cho thầy thợ trong tòa báo lên tập thể-thao mỗi ngày, và có chuồng nuôi 300 con chim bồ câu dùng vào việc thông-tin hay đem bài từ Đại-bản lên Đông-kinh cho nhà báo Triều-nhựt chi-quán ở đây. Các máy-móc in báo và làm hình đều đặt trong hầm nhà ở dưới chót hết.

Tòa báo có ga-ra xe hơi riêng, lúc nào cũng có mấy chục chiếc xe hơi sẵn sàng, để cho các trợ-bút và phỏng-sự đi làm công việc nghĩa-vụ. Ngoài ra, còn có sân máy bay riêng và muời mấy cái phi-cơ, cũng dùng vào việc thông tin-tức.

Máy in báo Triều-nhựt toàn là kiểu máy tối-tân như ở bên Mỹ, mỗi giờ có thể in ra 8 muôn tờ. Hiện thời, trong nhà báo Triều-nhựt có 17 bộ máy kiểu đó, cho nên mỗi giờ in được 1 triệu 36 muôn tờ trở lên.

Kể số người làm ở tòa-soạn, ở nhà in và ty quản-lý bây giờ có đến 1.756 người, riêng phần tòa-soạn, vừa trợ-bút, vừa phỏng-viên, kể có 400 người rồi. Năm chục năm trước, hồi báo Triều-nhựt mới lập ra, võn vẹn chỉ có 20 người làm, thế mà trải qua có nửa thế-kỷ, báo ấy mở-mang phát-đạt cho tới có số người làm đông đảo như thế, thật là một sự tấn-bộ lạ lùng lắm vậy.

Những thợ nầy làm việc trong báo Triều-nhựt, hình như mỗi người đối với nhà báo đều có cảm-tình gắn bó và có lòng tín-ngưỡng cao xa, đến đỗi họ cặm cụi giúp việc nhà báo một cách thành tâm tận lực, chớ không mấy ai chịu bỏ đi làm nơi khác. Theo số điều-tra tới cuối năm rồi, thì trong nhà báo Triều-nhựt, số người làm việc lâu bền 20 năm trở lên, có ngoài 50 người; còn có nhiều người giúp việc ròng rã trên 40 năm nữa.

Báo Triều-nhựt thường ngày xuất-bản buổi sáng 8 trương lớn, buổi chiều 4 trương; nội-dung chú-trọng về công việc tin-tức trong xứ trước, rồi bàn rộng tới công việc tin-tức khắp các nước Âu Mỹ. Bởi vậy, phàm là những nơi đô-hội kinh-thành lớn trong thế-giới, báo Triều-nhựt đều có đặt thông-tin riêng.

Trong số báo mỗi ngày, trừ tin-tức ra, các vấn-đề chánh-trị, kinh-tế, giáo-dục, mỹ-nghệ, thể-dục v.v… mỗi vấn đề có một địa-vị riêng, châu-đáo hoàn-toàn lắm. Cầm tờ báo coi cách in của họ tốt đẹp kỹ-lưỡng quá: chữ Hòa-văn (和文) (nghĩa là chữ Nhựt có xen chữ Tàu vô) sắp nhỏ như con muỗi, vậy mà nét in rõ ràng sạch sẽ hết sức, không có một chút nào có thể chê được. So sánh một tờ báo Nhựt với một tờ báo Tàu vào hạng tốt nhứt, như Thân-báo ở Thượng-hải, sự khác xa nhau kể trời với vực. Người Nhựt tự chế ra được cái máy sắp chữ theo kiểu Monotype của Âu Mỹ để sắp chữ Hòa-văn. Báo Triều-nhựt vừa sắp chữ theo lối thường, vừa dùng máy sắp chữ kiểu riêng nói đây.

Không phải báo Triều-nhựt chỉ phát-hành ở Đại-bản và ở Đông-kinh mà thôi, họ còn phát-hành những tờ báo địa-phương, rải rác có 29 nơi ở trong nước, mà nơi nào cũng mang cái tên báo đó và có máy in riêng cả.

Gặp khi có việc biến-động gì quan-hệ, ví dụ như lúc Nội-các thay đổi, tức thời báo Triều-nhựt in ra số báo đặc-biệt (numéro spécial), rồi cho mười mấy chiếc phi-cơ của nhà báo bay đi phân-phát khắp các phủ huyện. Họ cốt làm cho tin-tức thông báo, cực kỳ mau lẹ hoàn toàn. Đội phi-cơ của nhà báo phải bay đi ban đêm là sự thường lắm.

Ngoài ra số báo mỗi ngày, nhà báo Triều-nhựt còn xuất-bản nhiều thứ tuần-báo, về chánh-trị, về kinh-tế, về thể-dục, về phụ-nữ, về nhi-đồng, về nghệ-thuật; còn có những tạp-chí mỗi tháng ra một kỳ và mỗi mùa, mỗi năm cũng có một hiệu tạp-chí riêng nữa. Ấy là các báo bằng chữ Nhựt. Muốn làm quảng-cáo cho nước Nhựt khắp trong thế-giới, báo Triều-nhựtphát-hành mấy thứ tuần-san tạp chí bằng chữ Anh, để gởi tặng các nước ngoài. Chắc ít người mình được ngó thấy mấy thứ báo nầy; ai ngó thấy tất phải ghê sợ cách in của Nhựt-bổn khéo léo tốt đẹp lạ lùng.

*

Luôn dịp, tưởng nên nói qua cho biết sự cạnh-tranh của mấy tờ báo lớn ở Nhựt ra thế nào?

Hai báo Triều-nhựt Mỗi-nhựt[1] cạnh-tranh nhau từ ly từ chút, không ai chịu thua ai; nhưng họ cạnh-tranh một cách vĩ-đại, hùng-hồn, chớ không phải cạnh-tranh bằng những ngón tiểu-nhơn đâu. Ví dụ năm 1914, báo Mỗi-nhựt cất tòa báo cao 5 từng, thì năm sau, báo Triều-nhựt dựng lên báo-quán cao ngất 8 từng. Hay là năm 1924, Mỗi-nhựt phái một chiếc thủy-phi-cơ bay khắp nước Nhựt để cổ-động cho báo; tức thì Triều-nhựtcho một chiếc phi-cơ cất cánh bay ngang Si-bê-ri (Sibérie) và Nga-quốc rồi tuốt xuống tới kinh-thành Ba-lê nước Pháp, để chụp hình và điều-tra về phong-cảnh nhơn-vật.

Mỗi-nhựt tức mình quá, vì thấy mình làm gì, Triều-nhựt cũng làm cho hơn, Mỗi-nhựt bèn mua một lúc năm chiếc máy bay dùng làm quảng-cáo, không dè mấy hôm sau, Triều-nhựt sắm 10 chiếc máy bay dùng để đem tin và chở báo đi lại trẹn không-trung từ Đại-bản lên Đông-kinh.

Hai báo ganh hơi tức khí nhau đến đỗi nhà báo nào cũng in ra một số báo riêng để cho dân mù đọc.

-----------------

Cuộc cạnh-tranh từng nước của hai tờ báo nầy, có kết-quả rất hay cho địa-vị báo-giới Nhựt-bổn được cao thêm lên hoài và người đọc báo được hưởng những sự lợi-ích mới mẻ về mặt kiến-văn tin-tức luôn luôn.

Vì lẽ cạnh-tranh, nhà báo nào cũng quăng tiền bạc ra như rác, không hề thập thò tiếc rẻ, miễn có tin-tức mau chóng mà thôi. Tức như hồi năm 1923, có nạn động-đất dữ-dội ở thành Đông-kinh, ai nấy còn nhớ; kỳ đó báo Mỗi-nhựt xài hết tới 440.000 viên, là tiền phái người đi điều-tra chụp hình và tiền đánh giây-thép về nhà báo ở Đại-bản.

Sợ dùng những phương-pháp thông tin thường dùng, e có khi bị chậm-trễ hay hư-hỏng gì chăng, nên chi hai nhà báo cạnh-tranh, đều đặt ra nhà máy vô-tuyến-điện riêng, rất là hoàn-toàn và nuôi nhiều chim bồ-câu giúp việc cho các nhà phỏng sự thông-tin.

Hồi năm 1926, Đại-chánh Thiên-hoàng lâm bịnh, hai báo Triều-nhựt,Mỗi-nhựt cạnh-tranh về cách thông-tin mới ghê. Ngay lúc bịnh vua chưa lấy gì làm trầm-trọng lắm, hai báo đã mướn nhà ở gần hoàng-cung để cho phỏng-viên của mình ở luôn đêm ngày, dò la tin-tức. Phỏng-viên hai báo giấu lén nhau ngộ quá, đến nỗi báo nầy tưởng báo kia không biết làm cách mướn nhà ở dọ tin như mình. Trong nhà đó, họ đặt máy nói, máy điện-báo và sửa-soạn máy chớp bóng sẵn sàng; lại dự-bị những máy bay, những xe mô-tô, chim bồ-câu, để bất cứ giờ khắc nào, hễ phỏng-viên có bài vở hình-ảnh gì, tức-thời gởi về Đại-bản cho nhà báo in liền.

Chỉ vì nghe ngóng bịnh-tình của vua, mà báo Triều-nhựt phái đi tới số 60 người ở bên hoàng-cung ròng-rã 4 tháng, kể cả trợ-bút, phỏng-viên, cùng là sốp-phơ, loong toong và đầy-tớ của họ đem theo hầu-hạ nấu ăn nữa. Báo Mỗi-nhựt cũng phái đi một số người đông như thế. Hai báo làm vậy là chỉ cốt tranh nhau đăng tin-tức về bịnh-tình Thiên-hoàng cho được sớm hơn các báo độ mươi lăm phút đồng-hồ thôi.

Coi một việc mà họ phái đi nhiều người như vậy, đủ biết số người phục-dịch của mỗi nhà báo đông đến thế nào. Số người làm trong báo Triều-nhựt trên kia đã nói; còn số người làm của báo Mỗi-nhựt còn đông hơn: cả thảy 2.465 người, trong đó có 405 trợ bút. Cách tổ-chức bên trong của báo nầy đại-khái cũng như báo kia.

Huê-lợi của hai báo đều lấy tiền lời rao và số báo bán ra làm gốc. Mỗi năm họ thâu-nhập về hai khoản đó lối 10 triệu tới 14 triệu. Trừ mọi việc chi-phí rồi, năm nào mỗi báo cũng được lời 2 triệu viên.

Người làm hai nhà báo nầy lương bổng khá lắm. Chủ-bút báo Mỗi-nhựtcó số lương mỗi năm tới 30.000 viên, chớ số lương quan thượng-thơ chỉ có 12.000, và lương quan tri-sự mỗi phủ huyện (cũng như chủ-tỉnh hay tổng-đốc mỗi tỉnh ở nước mình) có 7.000 thôi.

Khỏi phải nói rõ, chắc độc-giả cũng lượng biết những cơ-quan ngôn-luận ở Nhựt-bổn tổ-chức một cách lớn lao, mới mẻ, trọn vẹn như tờ báo nói đây, tự-nhiên có ảnh-hưởng tốt đẹp cho văn-hóa, cho dư-luận đã đành, lại còn có thế-lực lớn đối với chánh-trị trong nước nữa.

Đến thế-kỷ nào, nước Nam mình mới có một tờ báo như Triều-nhựt hay Mỗi-nhựt?

NGHỀ IN TẤN PHÁT CŨNG GHÊ[sửa]

Lấy thời-gian và công việc mà so sánh thử chơi, cùng là khoảng đường 30 năm, kể từ chỗ cất bước phát đi, nghề báo nghề in ở nước Nhựt chạy bằng hai cặp giò con thỏ, còn nghề in nghề báo của mình đi chậm quá con rùa.

Nói là 30 năm, chớ sự thiệt chưa hết cái thời-gian ấy thì sự-nghiệp báo-chí và xuất-bản của người Nhựt đã sắp hàng với mấy anh chị bực nhứt trong thiên-hạ rồi. Lời thề của họ cả quyết sửa sang mau lẹ cho bằng Âu Mỹ, thiệt họ đã làm đúng y, bất cứ phương-diện nào.

Vào khoảng bắt đầu chúa Trịnh ở đời Lê nước ta, thì Đức-xuyên Gia-khang (徳川家康 - Tokugawa Ieyasu) nổi lên làm chúa ở nước Nhựt, sai thợ khắc ra 30 muôn chữ rời bằng cây để in ngũ kinh tứ thơ và các sách xưa của bổn-quốc phát cho dân học. Tới khoảng đầu thế-kỷ 17 (lối chừng 1614), họ lại biết đúc ra 20 muôn chữ bằng đồng nữa mới là kỳ hơn. Nhờ họ sớm biết khắc chữ cây rời, đúc chữ đồng rời như thế, thành ra nghề in đã có căn-cơ vững vàng tốt đẹp và kinh kia sách nọ được rải trong dân-gian được rộng lắm rồi.

Chắc hẳn “chữ rời” chẳng phải là việc phát-minh của người Nhựt đâu; thuở nay họ chỉ thánh bắt chước, chớ không phát-minh được gì. Cụ Khổng ngày xưa nói mình “Thuật nhi bất tác, 述而不作 -??”; chính người Nhựt cũng vậy đó. Tôi đoán chắc hồi thế-kỷ 15, Gutenberg ở Đức phát-minh ra máy in và chữ rời, về sau có những cố-đạo Bồ-đào-nha hay mấy chú lái buôn Hòa-lan, mom men qua Nhựt giảng-đạo, buôn bán, đem việc phát-minh của Gutenberg nói cho người Nhựt nghe rồi họ bắt chước tức thời, chớ không chi lạ!

Đã sẵn có cốt-cách lâu đời vậy rồi, tự-nhiên đến thời-kỳ duy-tân vừa mở ra, nghề in phải theo thời-thế mà Âu-hóa, người Nhựt tự biết đúc ra chữ chì mà in sách in báo ngay, không phải đặt làm ở Âu Mỹ. Mà nghề in tấn-tới bồng-bột, cũng là sự thường.

Thời-kỳ duy-tân đi tới chừng nào thì nghề in và số sách hoặc soạn hoặc dịch cũng đi tới chừng ấy. Chỉ xem hai con số sau đây cũng đủ thấy rõ:

Năm Minh-trị thứ 10, số sách in ra cộng 5.441 quyển trong đó 232 quyển là sách phiên-dịch (dịch sách Âu Mỹ ra chữ bổn-quốc) và 464 quyển là sách phiên-khắc (in lại y bổn của người ta).

Tới năm Minh-trị 37, số sách in ra lên tới 26.610 quyển, mà trong đó chỉ có 28 quyển là sách phiên-dịch, còn phiên-khắc thì không có một quyển nào.

Là bởi nước Nhựt sau 30 năm Minh-trị duy-tân, được liệt-cường Âu Mỹ xem ngang vai đồng bực rồi, thì Nhựt có vô hội đồng-minh bảo-hộ bản-quyền của liệt-cường, thành ra sự phiên-dịch và phiên-khắc sách ngoài, không phải tự-do được như trước, sách vở người ta, mình muốn dịch của ai cứ dịch, muốn in lại của ai cứ in, chẳng phải xin phép tác-giả hay nạp thuế bản-quyền gì hết, mà cũng chẳng ai biết đó là đâu. Vả lại sau 30 năm duy-tân rồi, việc giáo-dục tấn-tới mở-mang lắm, hạng văn-nhơn học-sĩ tự viết sách soạn sách lấy khá nhiều, mà số độc-giả có thể tự hiểu văn-tự Thái-tây cũng thêm đông lên rồi, không cần phải nhờ sách dịch nữa vậy.

Nghề in mới, họ bắt chước Thái-tây tới cực điểm đã đành, nhưng có một nghề in cũ họ gìn-giữ và sửa-sang thêm, chính người Âu Mỹ cũng phải thưởng-ngoạn. Ấy là lối in tranh vẽ nhiều màu sắc mà in bằng bản khắc cây, gọi là “Đông-cẩm hội 東錦繪 -??”, một món mỹ-thuật tổ-truyền. Lối nầy đã đem những bức tranh đẹp từ đời xưa của Nhựt in ra khoe với thế-giới. Nhưng tay thợ khắc cây tinh-xảo đến đâu, mà mỗi bức tranh phải khắc từ 30 bản tới 100 bản cây riêng mỗi màu mỗi nét để sau in chồng lên nhau, công-phu quá nhiều và giá vốn quá mắc, thành ra không bì được với mỹ-nghệ màu bằng đá bằng điễn của đời nay vừa mau vừa khéo hơn. Dầu vậy mặc lòng, nó cũng tỏ ra nghề in của Nhựt từ xưa đã có giá-trị mỹ-thuật riêng là thế nào rồi.

Chú thích[sửa]

  1. Người sáng-lập báo Mỗi-nhựt (Mainichi) là Bổn-sơn Ngạn-nhứt (Motoyama Hikoichi) cũng tạ-thế hồi năm 1933.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này