Nhật Bản duy tân 30 năm/Chương VII. Hiến pháp Nhật Bản

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này
Chương VII. Hiến pháp Nhật Bản

Chương trên nói riêng về lai-lịch từ khi có phong-trào chánh-trị hoạt-động nổi lên cho tới lúc có Hiến-pháp ban-hành; chương nầy nói riêng về Hiến-pháp, đại-khái nội-dung và thực-tế của nó ra thế nào, chắc hẳn cũng có ích cho những người ưa nghiên-cứu chánh-trị. Nói chi một ngày kia thế nào xứ mình lại chẳng phải có Hiến-pháp ra đời.

TINH-THẦN HIẾN-PHÁP NHỰT-BỔN[sửa]

Đây nên nhắc sơ lại một câu chuyện đã nói ở chương trên, vì nó có ảnh-hưởng tới gốc-tích của Hiến-pháp.

Ấy là câu chuyện xảy ra hồi tháng 7 năm Minh-trị 14, chánh-phủ bàn tính đem bán những tài-sản thuộc về của công ở Bắc-hải-đạo (北海道 – Hokkaidou). Cách tính xử-trí như thế làm cho dư-luận nổi lên bất-bình dữ-dội. Nhứt là Đại-ôi Trọng-tín (大隈 重信 - Okuma Shigenobu) đang làm Tham-nghị trong trào, ra sức phản-đối kịch-liệt hơn hết. Đại-ôithấy việc nầy, bèn suy-nghĩ rằng nếu muốn cho dứt cái tệ “Phiên-phiệt”làm ngang đi, thì không gì hơn là sớm mở Quốc-hội. Tức-thời ổng thảo ra tờ biểu để dâng lên Thiên-hoàng, một hai xướng-nghị đến năm Minh-trị 16 phải mở Quốc-hội mới được, Minh-trị Thiên-hoàng đi tuần-du các tỉnh miền đông bắc trở về, nội đêm nhóm các đại-thần và tham-nghị lại, bỏ việc chánh-phủ tính làm kia, rồi qua ngày hôm sau hạ chiếu hẹn kỳ mở Quốc-hội vào năm Minh-trị 23 (1890). Nhưng vì cái tội khởi-xướng gấp mở Quốc-hội, nên họ Đại-ôi (Okuma) cùng anh em đồng-chí của ông ở trong trào, đều bị bãi chức về vườn hết.

Cuộc chánh-biến nầy có ảnh-hưởng tới địa-vị chánh-trị của dân Nhựt nhiều lắm, ta nên chú ý ba điều:

1* - Nếu không có Đại-ôi đánh bạo hối-thúc, thì chắc chánh-phủ chưa quyết-định năm nào mới ban Hiến-pháp, e đến năm Minh-trị 23 cũng chưa có Quốc-hội mở ra đâu.

2* - Cái kế-hoạch của Đại-ôi bị thất bại, có ảnh-hưởng tới sự khuynh-hướng của nước Nhựt chẳng nhỏ. Người Nhựt nói nếu việc Đại-ôi chủ-trương mà thành-công, thì chẳng những là Nhựt có Quốc-hội mở ra sớm hơn, mà ngay chế-độ Hiến-pháp cũng không giống như chế-độ thi-hành bấy lâu nay.

Sao vậy?

Chỉ vì Đại-ôi vẫn hâm-mộ muốn bắt chước cái lối nghị-viện chánh-trị của nước Anh, và lại bộ-hạ của ổng, nhiều hạng thanh-niên học-thức, cũng ham-thích những học-thuyết chánh-trị của Anh tự-do hơn. Ví dụ Hiến-pháp do tay Đại-ôi thảo ra, chắc là noi theo mẫu mực Hiến-pháp Anh-quốc, chớ không phải như Hiến-pháp do Y-đằng (伊藤 博文 Ito Hirobumi) noi theo Đức-quốc vậy.

3* - Đại-ôi về vườn rồi cùng Bản-viên (板垣 – Itagaki) hoạt-động chánh-trị, làm cho thế-lực của dân được nâng cao lên, chánh-phủ không dám khi-thị như lúc trước nữa.

Năm Minh-trị 14, sau khi Đại-ôi về vườn rồi, thì người trọng-yếu ở trào là Y-đằng Bác-văn. Qua năm sau, Thiên-hoàng sai Y-đằng lo thảo Hiến-pháp.

Y-đằng qua Âu-châu hai phen để nghiên-cứu, rồi về mới thảo ra bản Hiến-pháp dâng lên, được trào-đình chuẩn-y; ấy là bản Hiến-pháp ban hành từ năm 1889, còn giữ tới nay.

Giờ muốn biết rõ tinh-thần của Hiến-pháp Nhựt-bổn thi-hành từ năm 1889 ra thế nào, tưởng ta nên đọc một đoạn tự-thuật của Y-đằng là người thảo ra Hiến-pháp đó như vầy:

“Nước Nhật có tình-hình riêng, không thế nào bốc-lột trọn cả Hiến-pháp “của một nước ngoài nào đem về làm ép cho được. Ví dụ như ngôi vua có “gốc nguồn sâu xa ở trong quốc-sử, lòng dân bao giờ cũng khắng-khít “tôn-sùng. Xưa kia là đời quốc-gia còn lấy thần-quyền làm chủ, chớ chưa “thành ra cuộc phong-kiến, thế mà ngôi vua đã là trụ-chốt thể-thống của “nhà-nước rồi.

“Nay muốn khảo-cứu để lập ra Hiến-pháp mới, về chỗ cầm chừng cái đại-“quyền của vua, tất nhiên phải thận-trọng cho lắm, mới được, cốt để ủng-“hộ cái quyền sẵn có từ xưa, hầu cho ngôi báu không phải là một cách chỉ “đặt ra làm vì mà thôi.

“Nhưng chánh-thể lập-hiến, điều cốt nhứt là phải làm sao bảo-hộ những “sanh-mạng, tài-sản, danh-dự, quyền-lợi của chúng dân. Nếu muốn bảo-“hộ những cái đó của dân cho được hẳn-hòi, thì quyền lớn của Thiên-“hoàng, cần phải có cách cầm chừng mới đặng. Ví bằng quyền ấy không “có cách cầm chừng thì không kể là muốn làm chánh-thể lập-hiến ra thế “nào đi nữa, nó cũng không đứng vững được.

“Còn điều khác cũng phải lo-liệu sắp-đặt, là làm cho các chư-hầu phong-“kiến xưa cùng với chế-độ mới ngày nay được dung-hiệp với nhau. Trong “hàng chư-hầu, có dòng họ bà con với nhà vua không phải là số ít; thuở “xưa mấy ổng vốn có thực-quyền làm chúa một đất, cai-trị một dân; đến “nay tuy phong-kiến đã bỏ, nhưng dân-chúng đối với mấy ổng, cũng vẫn “có lòng tôn-sùng, vả lại

“Lại Hiến-pháp mới, đem các thứ quyền-lợi nọ kia phú cho dân-chúng, ấy “là tự đấng quân-vương sẵn lòng ban cho quốc-dân để cho quốc-dân được “hưởng mọi sự vẻ vang tốt đẹp, chớ không phải có dấu-tích gì tỏ ra dân-“chí ép buộc dành cướp quân-quyền; điều đó không bày tỏ ra cho rành rẽ “không được.”

Rút ở bài “帝国憲政之由来 (**)” (Đế-quốc Hiến-chánh chi do lai chính Y-đằng viết trong bộ “Nhựt-bổn khai-quốc ngũ thập niên sử” của Đại-ôi Trọng-tín.

Ta nghe Y-đằng nói như vậy, thì ra cái chủ-ý của Hiến-pháp Nhựt có bốn điều:

1* - Ủng-hộ cái đại-quyền của vua sẵn có xưa nay;

2* - Vì quyền-lợi của dân mà phải hạn-chế bớt cái quyền-lực của Thiên-hoàng;

3* - Các phong-kiến chư-hầu thuở trước, nay ở trong Hiến-pháp cũng có địa-vị;

4* - Nhơn-dân có quyền-lợi nọ kia chiếu theo Hiến-pháp, là tự vua sẵn lòng ban cho, chớ không phải tự dân đòi hỏi.

Xem Y-đằng lấy cái tinh-thần thận-trọng như thế làm gốc để soạn ra Hiến-pháp, thì đủ rõ Hiến-Pháp Nhựt-bổn thi-hành từ 1889, chủ-nghĩa của nó thật khác hẳn với chủ-nghĩa tự-do tấn-bộ của bọn Bản-viên, Đại-ôi. Vả lại ở trong Hiến-pháp Y-đằng vẫn giữ cái màu mè bảo-thủ của đám “Phiên-phiệt”, nhắm không lạ gì.

Lấy toàn-thể mà nói, thì Hiến-pháp Nhựt-bổn dựa theo chế-độ quân-chủ lập-hiến (君主立憲, monarchie constitutionnelle) của Đức-quốc hồi trước phần nhiều, rồi châm-chế theo lịch-sử và quốc-tục cùng là cách tổ-chức riêng của xã-hội Nhựt-bổn mà định ra. Đức-quốc hồi xưa có cái thuyết “đế-vương thần-quyền” với Nhựt-bổn có sự tín ngưỡng “ngôi vua muôn đời một hệ”; hai bên lý-tưởng có khác gì nhau.

HIẾN-PHÁP SẮP-ĐẶT QUYỀN-HẠN CỦA VUA VỚI DÂN RA THẾ NÀO?[sửa]

Hiến-pháp nước Nhựt ban-hành năm 1889, kể ra thật là đơn-giản. Toàn văn chỉ có 76 điều; đầu hết nói về quyền-vị của đức Thiên-hoàng; thứ đến nghĩa-vụ quyền-lợi của nhơn-dân, rồi tới Đế-quốc nghị-hội, Quốc-vụ đại-thần, Khu mật-viện, Tư-pháp, Tài-chánh v.v…

Đồng thời tuyên-bố mấy đạo mạng-lịnh đặt ra Quý-tộc-viện, Chúng-nghị-viện, cùng là phép-tắc bầu-cử các viện ấy.

Bởi vậy, nay ta muốn biết qua cách-thức sắp-đặt chánh-trị ở nước Nhựt thì ta phải xét qua mấy đạo mạng-lịnh nói đây mới rõ đặng. Trước xét về hình-thức đã định ra theo phép; sau xét về thiệt-tế ở ngoài.

Theo Hiến-pháp 1889 đã định, thì cách-thức sắp-đặt chánh-trị của nước Nhựt, làm theo lối “tam quyền phân lập” như các quốc-gia văn-minh gần đây. Tư-pháp (司法 – Shihou), (pouvoir judiciaire) thì giao trọn cho các quan tòa một cách độc-lập lâu dài, không có gì động phạm tới được. Lập-pháp (立法 – Rippou), (pouvoir légistatif), thì do Đế-quốc nghị-hội (帝国議会 – Teikokugikai), gồm hai viện Quý-tộc (貴族 – Kizoku) và Chúng-nghị (衆議- Shugi) hiệp lại. Còn Hành-chánh (行政- Gyousei) (pouvoir excécutif thì ký-thác trong tay Thiên-hoàng cùng Quốc-vụ đại-thần (国務大臣 – Kokumudaijin) là các quan lớn trong trào thân-cận phò-tá Thiên-hoàng.

Song, nội ba quyền, có quyền Hành-chánh rốt lại cao hơn hai quyền kia. Thiên-hoàng làm đầu Hành-chánh, lại lấy tư-cách là đấng quốc-gia nguyên-thủ tóm thâu cả日本以?世一系之天皇統治之 - (??*******)”. Chính Y-đằng có viết một cuốn sách bằng chữ Anh, sau có người dịch ra chữ Hán, trong đó, Y-đằng cắt nghĩa về Hiến-pháp Nhựt-bổn, cũng nói rõ địa-vị của Thiên-hoàng Nhựt, khác hẳn các đấng nguyên-thủ bên Âu-châu: “Chẳng những ngài làm vua mà thôi, còn thống-trị nữa”.

HÀNH-CHÁNH[sửa]

THIÊN-HOÀNG[sửa]

Đầu bộ Hành-chánh là Thiên-hoàng, Thiên-hoàng là đấng thống-trị tối-cao của quốc-gia.

Quyền lực của Ngài không những coi sóc Hành-chánh, mà coi sóc cả Lập-pháp nữa. Ngài có quyền xem xét, chuẩn-y luật-phép để sai thi-hành; ngài vời nhóm nghị-hội; ngài tuyên-bố khai hội, bế hội, đình hội và giải-tán Chúng-nghị-viện khi nào ngài muốn. Trong lúc quốc-gia có việc gì khẩn-cấp, thì vì sự giữ-gìn trị-an hay là lo tránh tai-họa, dầu trong khi ấy không nhằm kỳ nhóm nghị-hội, Thiên-hoàng có quyền ra những sắc-lịnh cần dùng để thay thế pháp-luật. Ngài có quyền định ra ngạch quan, lệ quan, lương quan văn võ, và bổ dụng hay bãi chức quan-viên văn võ lúc nào tùy ý.

Ngài thống-đốc tất cả hải-quân, lục-quân, không-quân trong nước; có quyền tuyên-chiến, giảng hòa hay ký điều-ước cùng các nước. Ngài ra lịnh giới-nghiêm (戒嚴, état de siège). Ngài phong tước-vị cùng các vinh-hàm. Ngài có quyền đại-xá, ân-xá, giảm tội, phục quyền.

Ta xem những chức-quyền kể ra trên đây, thì biết Thiên-hoàng Nhựt-bổn, về lập-pháp, về hành-chánh cùng là nội-trị ngoại-giao, đều có quyền trọng đại độc-lập đến thế nào! Nhứt là có quyền ra sắc lịnh trong khi quốc-gia có việc khẩn-cấp, và một mình ngài tự ý quyết-định những việc khai chiến, giảng hòa, ký ước như thế, nội hàng nguyên-thủ các nước lập-hiến đời nay, thật ít có ông nào được rộng quyền tới bực đó.

NỘI-CÁC (内閣)[sửa]

Dưới Thiên-hoàng thì có Quốc-vụ đại-thần (国務大臣) hay là Nội-các phò-tá Thiên-hoàng, gánh vác trách-nhiệm; nhứt thiết giấy tờ gì thuộc về việc nước, phải có một vị đại-thần Quốc-vụ ký tên với Thiên-hoàng mới có hiệu-lực.

Kể theo phép nước, thì Quốc-vụ đại-thần là tay sai thân-cận của Thiên-hoàng, thay thế Thiên-hoàng mà lo trách-nhiệm; nhưng kể lẽ công, thì trách-nhiệm của Quốc-vụ đại-thần phải chịu, chỉ là đối riêng với Thiên-hoàng thôi. Quốc-vụ đại-thần tức là Nội các (Cabinet), gồm tất cả các ông tổng-trưởng các bộ, ông làm đầu hết gọi là Nội-các tổng-lý đại-thần (内閣総理大臣 – Naikaku souri daijin) (premier ministre), quen kêu là thủ-tướng.

KHU-MẬT-VIỆN[sửa]

Ngoài Nội-các, có Khu-mật-viện (摳蜜院. Cơ quan nầy để khi nhà-nước có công việc gì trọng-yếu, thì Thiên-hoàng hỏi ý-kiến. Khu-mật-viện đại-thần cùng Quốc-vụ đại-thần đều là bực quan lớn thân-cận phò-tá Thiên-hoàng.

Những lúc cần ra mạng-lịnh khẩn-cấp, cần ra luật giới-nghiêm, hay là phân xử về những việc tài-chánh quan-hệ đặc-biệt, Thiên-hoàng phải hỏi ý-kiến Khu-mật-viện, nhưng mà ý-kiến đó ngài vẫn có quyền tự-do nghe theo hay là bác bỏ cũng đặng.

Theo Hiến-pháp định, nhứt thiết quốc-gia đại-chánh, Thiên-hoàng phải hỏi ý-kiến Khu-mật-viện đã đành, mà tự Khu-mật-viện cũng có quyền bàn soạn và xướng-nghị nữa. Xem vậy thì biết Khu-mật-viện có địa-vị lớn lao ở trên đàn chánh-trị Nhựt-bổn, nhứt là bởi những người được sung vào viện nầy, nếu không là bực quốc-gia nguyên-lão, thì cũng hạng danh-vọng hưu-quan và mấy tay học-vấn uyên-bác.

Khu-mật-viện ở Nhựt là một cơ-quan ít thấy nước nào có. Tuy Anh-quốc có cơ-quan hơi giống, gọi là hội-đồng tư-mật (Privy Council), nhưng đến địa-vị và quyền-hạn so sánh với Khu-mật-viện của Nhựt thì khác hẳn nhau.

LẬP-PHÁP[sửa]

ĐẾ-QUỐC NGHỊ-HỘI[sửa]

Hiến-pháp Nhựt-bổn đặt ra Đế-quốc nghị-hội (帝国議会 – Teikokugikai), gồm cả hai viện Quý-tộc và Chúng-nghị nhập chung lại mà thành-lập. Lấy danh-nghĩa mà nói, đại-khái cũng như ở nước Pháp khi bầu tổng-thống hay là khi nhà-nước có đại-sự, ví dụ như muốn sửa lại Hiến-pháp thì cả Thượng-nghị-viện (Sénat) cùng Hạ-nghị-viện (Chambre des députés) nhóm chung lại ở đền Versailles thành ra Quốc-gia hội-nghị (Assemblée Nationale) vậy.

QUÝ-TỘC-VIỆN[sửa]

Quý-tộc-viện (貴族院 – Kizoku-in) ban đầu mới lập, định số nghị-viên có trên 300 người; đến năm 1925, tăng lên 420 người.

Những người sau đây được sung vào viện Quý-tộc:

1* - Các ông hoàng-thân đúng tuổi;

2* - Hạng quý-tộc được phong tước công (公) và tước hầu (侯);

3* - Hạng quý-tộc được phong tước bá (伯), tước tử (子), tước nam(男), thì mỗi họ nhóm hội đồng-tộc chọn lựa mỗi họ mấy người sung vào Quý-tộc-viện;

4* - Nghị-viên sắc-tuyển là hạng có công lớn với quốc-gia hay là có học-thức danh-vọng cao, bất cứ ở giai-cấp nào, Thiên-hoàng hạ sắc kén chọn và phong làm nghị-viên trong viện Quý-tộc.

5* - Hạng người nạp thuế nhiều hơn hết ở các phủ huyện, cũng do Thiên-hoàng hạ sắc kén chọn.

Gần đây lại chọn thêm 4 người ở trong Học-sĩ-viện (学士院 – Gakushi-in) ra nữa.

Trong năm hạng trên đây, hạng 3 và hạng 5, kỳ-hạn làm nghị-viên 7 năm, còn ba hạng 1, 2 và 4 thì mãn đời.

Xem cách tổ-chức Quý-tộc-viện thế ấy, hoàn toàn là một cơ-quan đại-biểu cho những bậc quý-tộc, phú-hào và quan-liêu. Những bậc nầy đều là phần-tử có đặc-quyền trong xứ, và có cái tinh-thần phong-kiến như xưa.

CHÚNG-NGHỊ-VIỆN[sửa]

Chúng-nghị-viện (衆議院 – Shugi-in) ban đầu có trên 300 nghị-viên, đến năm 1925 tăng lên 464. Tính ra trong 12 muôn người, có một người làm nghị-viên.

Cách tổ-chức viện nầy, có thể-lệ riêng, chớ trong Hiến-pháp không biên định rõ.

Phép tuyển-cử đại-khái là chia trong nước ra từng khu tuyển-cử lớn; mỗi phủ huyện (nên biết phủ huyện bên Nhựt tức là tỉnh ở các nước khác) là một khu, mỗi đô-thị lớn cũng thành riêng một khu. Mỗi khu cử ra mấy nghị-viên tùy theo dân số.

Nước Nhựt cũng dùng cách tuyển-cử có hạn-chế. Mấy hạng người đúng lệ sau đây mới có quyền đầu phiếu:

1* - Con trai đúng 25 tuổi;

2* - Phải có chỗ ở luôn trong khu tuyển-cử 1 năm trở lên;

3* - Từ một năm trước và sau đó cũng thế, có nạp thuế chánh-ngạch 15 viên (円 - yen) trở lên.

Người ra ứng cử, cũng phải là hạng có tư-cách và nạp khoản thuế như trên mới được.

Bởi vậy ban đầu cả nước Nhựt chỉ có 45 muôn người có quyền tuyển cử mà thôi. Lệ ấy giữ mãi đến năm 1900 mới sửa lại; người ra ứng-cử không bị hạn-chế về mặt tài sản phải có bao nhiêu; còn người đầu phiếu thì sự hạn-chế tài-sản cũng giảm xuống, ai đóng thuế ruộng hay thuế khác 10 viên và đóng được một năm rồi, tức thị có quyền đi bỏ thăm.

Nhờ nới rộng ra như thế, nên số dân tuyển-cử tăng lên được 150 muôn.

Tới năm 1919, lại nới rộng nữa: Ai nạp thuế 3 viên, đủ tư-cách là người cử-tri. Số dân tuyển-cử tăng lối 300 vạn.

Từ đây trở về trước, chế-độ tuyển-cử ở Nhựt hạn-chế ít người như thế, rõ ràng Hiến-pháp chỉ cho những người về giai-cấp hữu-sản nhiều ít mới được quyền bỏ thăm nhứt là có ý thiên-trọng về hạng địa-chủ tài-chủ, chớ chưa có tinh-thần dân-trị bao nhiêu. Mãi đến năm 1925, thì mới thi-hành chế-độ ”Phổ-thông tuyển-cử (普通選挙)” (Suffrage universel). Từ đó tới nay, phàm là đàn ông dân Nhựt, 30 tuổi trở lên, chẳng kể có đóng thuế gì hay không, hết thảy đều có quyền tuyển-cử Chúng-nghị-viện. Số dân bỏ thăm bèn lên đến 13 triệu người. Thế là từ năm 1925, dân Nhựt mới thiệt là có quyền tham-chánh, và chánh-trị Nhựt mới bắt đầu ngả về con đường dân-trị vậy. Ấy là nhờ nơi thế-lực dân-chúng khoảng 15 năm nay tấn lên mạnh lắm.

Theo lệ, những người làm quan-lại trong trào ngoài quận, cùng là thầy tu, học trò, thầy giáo tiểu-học, cho đến những người bao thầu công việc tạo-tác của chánh-phủ, đều không được phép cử làm nghị-viên.

Quý-tộc-viện và Chúng-nghị-viện, mỗi viện đều có chánh-nghị-trưởng, phó-nghị-trưởng. Với Quý-tộc-viện thì chánh phó-nghị-trưởng do Thiên-hoàng chọn người sắc phong. Còn Chúng-nghị-viện cũng do Thiên-hoàng kén chọn 3 người trong viện, để cho viện bỏ thăm cử lên làm nghị-trưởng.

Cũng như Hạ-nghị-viện các nước, sổ dự-toán công-nho của nước Nhựt mỗi năm, chánh-phủ phải đưa ra Chúng-nghị-viện xem xét, có công-nhận mới được. Duy có nhiều khoản chi tiêu thuộc về đại-quyền của Thiên-hoàng (như lương quan văn võ, quân-phí hải lục và mấy khoản do theo điều-ước mà phải chi tiêu) cùng là các khoản phí-dụng của chánh-phủ theo như nghĩa-vụ pháp-luật đã định, nếu không được chánh-phủ đồng ý, thì nghị-viện không có quyền bác đi hay giảm bớt. Tóm lại, Hiến-pháp cho Quốc-hội có quyền về tài-chánh hẹp lắm.

Nhứt thiết pháp-luật gì cũng phải trải qua Đế-quốc Nghị-hội, nghĩa là hai viện Quý-tộc và Chúng-nghị họp chung lại bỏ thăm công-nhận thi-hành thì mới có hiệu-lực. Hai viện Quý,Chúng, đều có thể trình ra những pháp-án (法案 – Hou-an) (Projets de loi để viện xét định. Lại được xướng-nghị cùng chánh-phủ, tâu bày lên Thiên-hoàng. Đánh thuế mới, giảm thuế cũ, cũng phải do Đế-quốc Nghị-hội đồng ý.

Còn Hiến-pháp, khi muốn sửa-sang thay-đổi điều gì, duy có Thiên-hoàng và chánh-phủ mới được xướng-nghị, chớ Nghị-hội không được, Nghị-hội chỉ có quyền bàn-bạc và quyết định thôi. Không như bên Pháp, chính Hạ-nghị-viện có quyền xướng-nghị sửa sang Hiến-pháp, rồi đưa ra Quốc-gia hội-nghị (Assemblée Nationale) quyết-định. Té ra bộ Lập-pháp ở các nước khác cao, mà ở nước Nhựt lại có địa-vị thấp kém.

CÁC CỤ NGUYÊN-LÃO[sửa]

Hiến-pháp Nhựt-bổn, trên đây là xét về hình-thức, giờ ta thử xem qua thiệt-tế, thấy có một đôi chỗ lạ lắm.

Cứ lấy hình-thức của Hiến-pháp mà nói, như đã bày tỏ ở trên, thì chánh-trị đại-quyền nước Nhựt, phó-thác ở tay đức Thiên-hoàng là đấng quốc-gia nguyên-thủ. Song, xem đến thiệt-tế, thì chánh-quyền lại không ở Thiên-hoàng mới kỳ. Thiên-hoàng Nhựt-bổn tôn-nghiêm vậy chớ, mà không có quyền được như Mỹ-quốc Tổng-thống hay Đức-quốc Hoàng-đế lúc nọ đâu. Đến đỗi chính một nhà học-giả chánh-trị ở Nhựt đã nói:

- “Kể về quyền-lực, Thiên-hoàng Nhựt-bổn là bực nhỏ nhứt trong hàng quân-chủ ở thế-giới. Quân-chủ một nước chơn-chánh Lập-hiến là Anh-hoàng kia, có quyền lớn hơn Nhựt-hoàng nhiều. Ở nước Nhựt, đức Thiên-hoàng tôn-nghiêm, là theo hình-thức về địa-vị xã hội mà tôn-nghiêm đó thôi, chớ không phải là ngài chiếm được địa-vị trọng-yếu bực nhứt về chánh-trị đâu”.

Chiếu theo điều khoản trong Hiến-pháp thì Thiên-hoàng Nhựt-bổn vừa làm vua vừa thống-trị; nhưng xem đến thiệt-trạng chánh-trị nước Nhựt, thì Thiên-hoàng là đấng nguyên-thủ chỉ ở ngôi vua mà không thống-trị.

Mà chánh-trị đại-quyền, lại cũng không ở Nội-các. Ai nấy đều biết vua nước Anh có cái danh thống-trị, rứa mà chánh-trị Anh-quốc thiệt ở trong tay Nội-các có hoàn toàn trách-nhiệm. Nội-các Nhựt-bổn không được như thế. Tiếng là Quốc-vụ đại-thần - hay Nội-các - lấy danh-nghĩa Thiên-hoàng và thay mặt vâng mạng Thiên-hoàng, nắm giữ hết thảy quyền hành, song mấy ông đó không phải hoàn toàn được độc-lập hành-động bao giờ. Kỳ thiệt, sự hành-động của Nội-các hay Nội-các có chánh-sách gì, thường phải chịu một cái thế-lực đặc-biệt khác hoặc sai-khiến hoặc cầm-chừng; cho tới vận-mạng của Nội-các cũng phải nằm ở trong cái thế-lực đó mà còn, mất, nên, hư.

Thế-lực gì vậy?

Ấy là thế-lực các cụ nguyên-lão.

Ta nên biết chánh-trị Nhựt-bổn có “Nguyên-lão-viện (元老院)” là một cơ-quan đặc-biệt, không thấy nước nào có.

1* - Nguyên-lão-viện là một cơ-quan ở ngoài pháp-luật và Hiến-pháp, chỉ do thói quen mà có đó thôi. Thiên-hoàng lựa mấy ông lão thần sung vô viện đó, vừa để thưởng-tặng công lao, vừa để hỏi-han quốc-kế.

2* - Bình-thường, các cụ nguyên-lão không có chức-vụ gì nhứt-định. Trừ ra khi nào quốc-gia có việc phi-thường, thì bấy giờ nguyên-lão có chia nhau gánh vác những chức-vụ quan-hệ. Như hồi Nhựt-Nga chiến-tranh, nguyên-lão Y-đằng Bác-văn (伊藤 博文 - Ito Hirobumi) chuyên lo ngoại-giao; nguyên-lão Tĩnh-thượng-Hinh (井上馨- Inoue Kaoru), Tùng-phương Chánh-nghị (松方正毅 – Matsugata Masayoshi) chuyên lo lý-tài, nguyên-lão Sơn-huyện Hữu-bằng (山県有朋 - Yamagata Aritomo), Đại-sơn-Nham 大山巖 – Ooyama Iwao) chuyên lo quân-sự.

3* - Nguyên-lão không nhứt định số người là bao nhiêu ông, bởi vậy có lúc nhiều, có lúc ít. Hiện nay hình như càng ít lắm, mà có thực-lực và oai-quyền nhứt hạng, là ông nguyên-lão Tây-viên-Tự (西園寺); ta thấy mỗi khi Nhựt-bổn có chánh cuộc biến-động đổi-thay, Thiên-hoàng đều triệu ông Tây-viên về trào vấn-kế.

Chỗ bày tỏ ra quyền-lực nguyên-lão rất lớn, là lúc có việc thay đổi Nội-các. Thiên-hoàng hay hỏi nguyên-lão để nhứt định người nào có thể đứng ra tổ-chức Nội-các mới. Bởi vậy thiệt sự nguyên-lão có quyền quyết-định tối hậu, là vì khi nào Thiên-hoàng cũng y theo ý-kiến của nguyên-lão mà quyết-định giao phó Nội-các cho ai. Tức như ba bốn năm nay, Nội-các Nhựt-bổn thay-đổi từ Khuyển-dưỡng-Nghị (犬養毅 - Inugai) đến Trai-đằng (斉藤 – Saitou), tới Cương-điền (岡田- Okada) bây giờ, mỗi lần ta đều thấy báo đăng tin Chiêu-hòa Thiên-hoàng (昭和– Shouwa) triệu ông nguyên-lão Tây-viên-Tự (西園寺) chống gậy lọm khọm về kinh hỏi-han chánh-sự; mỗi lần Thiên-hoàng giao-phó việc tổ-chức Nội-các cho người nào cũng do ông Tây-viên-Tự tấn-cử.

Bởi có sự vấn-chánh và sự tấn-cử đó, nên chi vận-mạng Nội-các và đến cả chánh-cuộc Nhựt-bổn nữa cũng thường quan-hệ ở thế-lực của nguyên-lão. Tiếng rằng nguyên-lão tấn-cử người lập Nội-các rồi thôi, sau không có quyền gì trực-tiếp can-thiệp vào chánh-sách của Nội-các, nhưng kỳ thiệt vẫn là có quyền can-thiệp gián-tiếp. Tuy mấy ông nguyên-lão ở xa một nơi, mà thế-lực oai-quyền của mấy ông vẫn quan-hệ tới chánh-sách và sanh-mạng của Nội-các luôn luôn. Thuở nay thấy hiếm gì Nội-các bị nguyên-lão can-thiệp mà vướng phải cơ-nguy? Hiếm gì Nội-các làm mấy cái chánh-sách bị phái nguyên-lão không dung mà đến phải từ-chức? Thế-lực nguyên-lão là thế-lực ngầm, nhưng mà lớn lắm.

Sở dĩ phái nguyên-lão ở trong chỗ vô hình mà có ảnh-hưởng oai-quyền đến chánh-cuộc Nhựt-bổn như thế, là bởi các cụ già đó đều là người đại-biểu của cái thiệt-lực chánh-trị nước Nhựt: Phiên-phiệt.

Độc-giả đã rõ công-nghiệp duy-tân xây-dựng lên phần lớn nhờ nơi hai cường-phiên là Tát-phiên (薩藩) và Trường-phiên (長藩), cho nên tự nhiên họ lũng-đoạn cả chánh-quyền, bao nhiêu chức trọng quốc-gia, đều là người vây-cánh của hai cường-phiên chia nhau nắm giữ hết. Ngoài chánh-trị ra, tới quyền hải-quân và lục-quân, cũng là ở trong tay của nhơn-sĩ hai phiên chia nhau nữa. Hồi vua Minh-trị đặt riêng hai bộ Lục-quân Hải-quân, nhơn-sĩ Tát-phiên giữ hải-quân, nhơn-sĩ Trường-phiên giữ lục-quân. Một nước chỉ có chánh-trị và võ-lực là hai cái sức mạnh nhứt, mà nhơn-sĩ hai phiên Tát-Trường nắm cả, thì lẽ đương nhiên họ là phái thiệt-lực trong nước, có thinh-thế oai-quyền đến cả toàn-cuộc chánh-trị vậy.

Những ông khai quốc công-thần hay là chánh-trị tiền-bối, phần nhiều là nhơn-sĩ của phiên nầy hay phiên kia tin dùng cất nhắc ban đầu, đến sau già cả hưu quan, được lựa chọn lên bực nguyên-lão; cố nhiên các ổng là đại-biểu Phiên-phiệt và dựa vô đó mà có quyền-lực ngấm ngầm to lớn nhứt nước, nhắm không lạ gì.

Nói tóm lại, thiệt tình chánh-trị Nhựt-bổn: Quân-nhơn cầm cốt chánh-trị, Phiên-phiệt cầm cốt binh-quyền, mà nguyên-lão là đại-biểu của Phiên-phiệt, vì các ổng nguyên là bực tiền-bối, thế-lực trong Phiên-phiệt mà ra, cho nên trên đàn chánh-trị, nguyên-lão có địa-vị đặc-biệt, có thế-lực đặc-biệt, không ai qua đặng.

Xưa kia gọi là Phiên-phiệt, tức nay gọi là Quân-phiệt (軍閥); tuy danh-hiệu có đổi dời, chớ đến thiệt-lực oai-quyền ở trong nước thì vẫn thế. Ta xem việc chinh-phục Mãn-châu mấy năm nay đủ biết. Từ năm 1931 tới giờ, mấy lần thay đổi Nội-các, Chiêu-hòa Thiên-hoàng vời ông nguyên-lão Tây-viên tự Công-vọng (西園寺公望) về kinh-đô hỏi ý-kiến, lần nào ta cũng thấy ông tấn-cử một người đồng tình với quân-giới và ông tán-thành cái chánh-sách võ-lực của phe Quân-phiệt luôn luôn. Đến bực người khai-quốc công-thần, chánh-đảng lãnh-tụ, như Khuyển-dưỡng-Nghị, ra cầm chánh-quyền trong năm 1932, chỉ vì không chịu thế-lực Quân-phiệt sai khiến mà bị mấy viên tiểu-tướng xông vào tận dinh bắn chết!

CÓ NĂM VIỆC LÀM DẤU TỎ RA CHÁNH-TRỊ NHỰT-BỔN CÓ THẾ BIẾN-HÓA[sửa]

Tuy chủ-não và giới-hạn của cuốn sách này chỉ hạn-định trong cái vòng 30 năm Nhựt-bổn duy-tân, nhưng tôi thiết-tưởng về vấn-đề chánh-trị, sẵn dịp đang nói, nên nói cho luôn: ta có thể tạm thoát xa vòng hạn-định mà nói rộng ra một chút cũng không sao.

Tánh-chất và thiệt-trạng của chánh-trị Nhựt-bổn, như mấy đoạn trên đây đã nói, bắt đầu từ Minh-trị sơ-niên, cho đến năm 1914 có Âu-châu đại-chiến phát-sanh ra, đại-thế trước sao sau vậy, không có biến-động lớn lao mấy.

Nhưng ta dòm xem sự-tình nước Nhựt từ lúc Âu-chiến trở lại đây, hình như chánh-trị của họ đang ở trong hồi thay-đổi. Cứ lấy mấy việc sau nầy mà xét, người ta có thể nói rằng chánh-trị Nhựt-bổn nay mai chắc có cái thế biến-hóa lớn lắm, chẳng phải giữ y nguyên-trạng được mãi đâu.

Một là thế-lực của nguyên-lão có vẻ lần hồi điêu-tàn. Nguyên-lão trải bao nhiêu năm cầm cốt chánh-trị nước Nhựt, tới lúc qua đời Minh-trị trở đi, thì oai-thế nguyên-lão kém đi lần lần. Nhứt là hồi có một Nội-các nhơn vụ Hải-quân hối-lộ mà bị đổ nhào, rồi họ Đại-ôi (**) (Độc-giả đã biết ông nầy cùng Bản-viên (板垣- Itagaki) là phe độc-lập và giữ chủ-nghĩa tấn-bộ tự-do, chớ không thuộc về Phiên-phiệt) lại dấy lên cầm quyền, thì oai-thế các cụ nguyên-lão hình như phải chịu ảnh-hưởng mà kém sút đi nhiều.

Vả lại, sự thiệt trong khoảng mấy năm gần đây, nguyên-lão kế tiếp nhau qua đời hết bộn, chẳng những đám già tiền-bối là Tĩnh-thượng (井上-Inoue Kaoru), Đại-sơn (大山 - Ooyama Iwao), Sơn-huyện (山県有朋- Yamagata Aritomo) rủ nhau thành ma, ngay đến mấy cụ hậu-bối như Tự-nội (寺内- Terauchi), cũng trước sau từ giã cõi đời nữa. Ngày nay, chẳng qua chỉ còn sót lại có Tây-viên-Tự (西園寺) cùng một hai ông hậu-tấn nữa thôi. Đã vậy mà danh-vọng và thế-lực của các ông già hậu-bối kém thua các ông già tiền-bối rất xa. Vì thế mà nguyên-lão lần hồi sút mất cái thế-lực cầm cốt ở trên đàn chánh-trị Nhựt-bổn đi. Tuy rằng hiện nay mỗi khi có quốc-gia đại-sự, nhứt là lúc thay-đổi Nội-các, Thiên-hoàng vẫn chiếu theo lệ xưa, vời mấy cụ già về kinh để hỏi ý-kiến, nhưng đến thiệt-sự, mấy cụ ít có cơ-hội can-thiệp vào chánh-sách của Nội-các như là hồi trước, và lại lực-lượng của mấy cụ cũng nhỏ bớt đi rồi.

Hai là thế-lực dân-chúng nổi dậy.

Sau trận Âu-chiến, cuộc sanh-hoạt của dân Nhựt, vì tình-thế thiên-hạ nguy-biến đổi-dời mà phải chịu ảnh-hưởng khá lớn. Hồi Âu-chiến, Nhựt-bổn thừa cơ bán được hàng-hóa vật-liệu ra ngoài rất nhiều, công-nghệ bỗng chốc mở-mang rộng lớn, trong nước bày ra cảnh-tượng phồn-thạnh khác hồi trước xa, mà hạng “tân phú-ông” một lúc phát lên giàu có đông lắm. Xã-hội thình-lình có vẻ thạnh-vượng phong-phú; vật-sản trong nước lên giá cao hơn bội phần, nhưng được hưởng lợi, chẳng qua chỉ có một số ít người, còn sanh-kế của phần đông nhơn-dân thì trở lại hóa ra khó-khăn khốn-khổ.

Chừng đó vì sự kinh-tế ép bức, dân-chúng ra mặt bất-bình; tức như hồi tháng 8 năm 1918, khắp các đô-thị lớn trong nước, giá gạo bỗng dưng vọt lên cao quá, dân-chúng nhơn dịp nầy nổi lên thị-oai phản-kháng một cách dữ-dội xôn-xao.

Cuộc xôn-xao nầy từ ý-nghĩa kinh-tế mà tấn lên ý-nghĩa chánh-trị; dân-chúng phản-kháng thị-oai, hết sức công-kích những thói xa-xỉ của bọn quyền-quý tư-bổn. Phong-trào lúc đó, bắt đầu đã có pha-trộn ít nhiều màu-mè xã-hội chủ-nghĩa ở trong rồi.

Sau vụ bạo-động lớn đó rồi thì kế tới chỗ nầy chỗ kia, có cuộc đình-công xảy ra lung-tung. Giữa năm 1919, Nội-các Tự-nội (寺内) là Nội-các thay mặt Phiên-phiệt bị đánh đổ nhào, nhà bình-dân chánh-trị là Nguyên-kính (原敬 - Hara Takashi) nghiễm-nhiên đứng ra vâng mạng tổ-chức Nội-các mới, thay mặt cho chánh-đảng “Chánh-hữu-hội (政友会”. Ấy là lần thứ nhứt có một nhà chánh-trị bình-dân ra cầm quyền-chánh.

Việc biến-động nầy có ý-nghĩa và phạm-vi rộng lớn, mà tánh-chất của nó rõ ràng là chống-chõi với cái trật-tự đã thành nền-nếp bấy lâu. Ta xem việc đó đủ thấy dân-chúng Nhựt-bổn gần đây đã tự-giác nhiều; họ đối với chánh-phủ đã nhẹ bớt cái thói-quen sợ-sệt tôn-trọng đi, vô số lại còn ra mặt bất-bình với chế-độ đang thi-hành đó nữa. Vả chăng giữa lúc dân-chúng rộn-rực vận-động thị-oai, mà bổng chốc có nhà lãnh-tụ một chánh-đảng ròng là bình-dân được Thiên-hoàng vời ra giao-phó quyền-chánh quốc-gia cho như thế, chính là một việc phá-lệ ở trong lịch-sử Hiến-pháp nước Nhựt, vì cái trách-nhiệm đó, địa-vị đó, thuở nay thường chuyền tay nối gót nhau trong đám Phiên-phiệt và quý-tộc mà thôi. Như vậy chẳng phải chứng tỏ ra rằng chánh-trị Nhựt-bổn rục-rịch có cơ thay-đổi màu-mè, chẳng phải thế-lực dân-chúng đã lần hồi trở nên to lớn là gì!

Thứ ba là oai-thế của phe quân-nhơn cũng đã giảm bớt. Nước Nhựt sau cuộc duy-tân, lấy chủ-nghĩa quân-quốc (軍国主義, militarisme) như kiểu người Đức, làm cơ-sở lập-quốc. Người trong nước tôn-trọng sùng-bái quân-nhơn không khác nào đối với thần-thánh. Bởi vậy đám Quân-phiệt được trớn mà chuyên-chế ngang-tàng, là sự thường thấy.

Song gần đây xem ra dân Nhựt có một bộ-phận quan-hệ, không có vẻ quá trọng quân-nhơn như trước, thế-lực của quân-nhơn cũng hết lừng-lẫy quá như lúc xưa. Nhứt là thời-thế dồn-dập, kinh-tế nguy-nan như mấy năm nay, chỉ riêng có phe quân-nhơn hay phùng mang trợn mắt, lâm le chiến tranh, chớ dân-chúng thiệt tình không muốn.

Cũng vì quân-nhơn đã hơi kém thế, nên chi mấy năm trước ta mới được thấy có một Nội-các dám đưa ra cái nghị-án rút bớt niên-hạn đi lính cho dân; vả lại, mấy chức trọng ở hải-ngoại, như chức tổng-đốc thuộc-địa Đài-loan, Cao-ly, cũng có thế đổi dùng quan văn nhiều khi, chớ trước kia chức ấy luôn luôn về tay quan võ.

Mặc dầu có việc chiếm-đoạt Mãn-châu mới rồi chính là thủ-đoạn quân-nhơn, mặc-dầu hiện nay đám quân-nhơn đang hâm-he dự-bị chiến-tranh dữ lắm, nhưng sự thiệt thế-lực quân-nhơn đối với dân-chúng kém sút nhiều rồi, không quá lớn lao như trong đời Minh-trị nữa. Ta có thể nói rằng chánh-trị nước Nhật có cơ thoát-ly cái thế-lực quân-nhơn đi lần lần, cuộc dân-trị chỉ trong nay mai chắc thực-hiện được.

Thứ tư là quyền tuyển-cử của dân đã được mở rộng.

Độc-giả biết ban đầu Hiến-pháp mới ban-hành, số dân có quyền bỏ thăm ít lắm, duy có giai-cấp tư-sản mới được hưởng quyền ấy thôi. Các nhà chánh-trị hô-hào dân-quyền tự-do, lớp trước như Đại-ôi (Okuma), Bản-viên 板垣, lớp sau là Nguyên-kính 原敬, Gia-đằng (加藤), rất là hăng-hái với chủ-nghĩa dân-trị. Sau cuộc Âu-chiến rồi, phong-trào dân-chúng nổi lên tưng-bừng, khiến cho vấn-đề mở-mang quyền-lợi công-dân càng thấy nao-nức.

Hồi năm 1919, nhà chánh-trị bình-dân là Nguyên-kính 原敬 vâng mạng tổ-chức Nội-các xong rồi, liền đưa ra cái pháp-án mở rộng quyền tuyển-cử. Từ ấy trở đi, dư-luận sẵn trớn nổi lên xôn-xao một hai đòi nhà-nước phải sửa-sang chế-độ tuyển-cử cho thiệt có tinh-thần dân-chủ mới nghe. Lúc trước, trong 60 triệu dân Nhựt, chỉ có 160 vạn người được quyền tuyển-cử; nhờ có Nguyên-kính yêu-cầu cải-cách, số người đó mới tăng lên tới 300 vạn.

Thế mà sự cải-cách ấy dân còn chê là ít; họ trách nhà nước chỉ làm nửa chừng; họ bất-bình ra mặt, gây nên náo-động khắp cả trong ngoài nghị-viện, đến đỗi qua tháng 2 năm sau (1920), Chúng-nghị-viện bị giải-tán.

Sau lúc bầu-cử Chúng-nghị-viện mới, tuy là phe của chánh-phủ chiếm được nhiều ghế hơn, nhưng mà dân-chúng vẫn cứ hoạt-động ồn-ào dữ-dội, một hai đòi cho được chế-độ phổ-thông đầu phiếu, mới thỏa lòng dân.

Rốt lại đến năm 1925, hồi Gia-đằng 加 藤 làm Nội-các tổng-lý, bấy giờ cái án phổ-thông tuyển-cử mới làm xong. Từ đây trở đi, phàm là dân đàn ông nước Nhựt, hễ đúng 30 tuổi, tức-thị có quyền bỏ thăm bầu-cử Chúng-nghị-viện, chớ không hạn là có nạp thuế gì hay không. Nhơn đó số dân đầu phiếu tăng lên 13 triệu.

Dân-chúng Nhựt-bổn vận-động kèo-nài cho được cái quyền tham-dự chánh-trị một cách rộng-rãi như thế, lấy ngày giờ mà nói thật là tấn-tới đáo-để. Nhứt là từ lúc khai-quốc duy-tân tới ban-hành Hiến-pháp cho đến lúc đang nói đây, ngày giờ chưa có bao nhiêu lâu. Ta xem đường đi nước bước của dân-chúng Nhựt-bổn tấn-tới mau lẹ thế ấy, chỉ tỏ cho ta thấy rằng hể nào nay mai chánh-trị Nhựt-bổn cũng xoay về con đường dân-trị hẳn-hòi; bao nhiêu dấu-vít phong-kiến quý-tộc, sẽ thành ra một cổ-vật, cỏ dậy rêu -phong!

Thứ năm là có cơ chánh-đảng nối gót nhau tổ-chức Nội-các.

Từ năm 1898, hai đảng của Đại-ôi (大隈 重信 - Okuma Shigenobu) và Bản-viên hiệp nhau lại tổ-chức Nội-các mà bị thất-bại trở đi, trong chánh-giới Nhựt lâu lắm không có Nội-các chánh-đảng nào dựng lên được, về sau tuy có nhiều phen, đảng “Chánh-hữu-hội, 政友会” ghé vai vào Nội-các nầy kia nhưng đó chẳng qua là chánh-đảng phải chịu đầu-hàng ở trước oai-thế của Phiên-phiệt, để chia hưởng một vài cái ghế “cụ-thượng” vậy thôi, chớ không phải là chánh-đảng được đứng lên tổ-chức Nội-các một mình.

Mãi tới năm 1918, Nội-các Tự-nội 寺 内 内閣 là vây-cánh bộ-hạ Phiên-phiệt, gặp phải lúc giá gạo mắc mỏ, dân-chúng làm dữ, mà bị đổ nhào; bấy giờ mới có một Nội-các của chánh-đảng lập ra được lần thứ nhứt. Ấy chính là Nội-các Nguyên-kính 原敬. Ông nầy là lãnh-tụ đảng “Chánh-hữu-hội” lúc đó. Kế sau lại có những Nội-các Phiên-phiệt đắp đổi nhau. Cho tới năm 1924, Nội-các Gia-đằng 加藤内閣 là Nội-các chánh-đảng lần thứ hai. Tới khoảng năm sáu năm vừa qua, có lúc lãnh-tụ đảng “Hiến-chánh 憲政” là Nhược-Quy 若 槻 mấy phen làm đầu Nội-các, cũng là Nội-các chánh-đảng. Năm 1932, thủ-tướng Khuyển-dưỡng-Nghị bị đảng-viên bạo-động xông vô trong dinh bắn chết đó, nguyên là lãnh-tụ đảng “Chánh-hữu-hội” đứng ra tổ-chức Nội-các, ấy cũng là chánh-đảng Nội-các. Mấy kẻ giết ông nào phải ai lạ: chính là quân-nhơn, quân-nhơn tức là Phiên-phiệt mà!

Tuy hai năm nay, không thấy lãnh-tụ chánh-đảng nào ra tổ-chức Nội-các, nhưng mà chánh-đảng vẫn có can-dự vô phần nhiều và có quan-hệ đến vận-mạng Nội-các rất lớn. Chánh-đảng ở Nhựt gần đây, đối với chánh-phủ và chánh-trị trong nước, càng ngày càng có thinh-thế, ai muốn cầm quyền, không thể nào rời bỏ hay khinh thường chánh-đảng như mấy lúc xưa đặng.

Chúng ta cứ xét năm cái hiện-tượng biến-hóa kể ra trên đây, thì biết chánh-cuộc Nhựt-bổn từ hồi Âu-chiến trở đi, rõ ràng có vẻ xoay về dân-trị lần lần, không phải ròng rã một màu quý-tộc phong-kiến như 20 năm về trước nữa. Huống chi lâu nay các phe thuộc về giai-cấp vô-sản trong xã-hội, đã lần lượt dựng ra chánh-đảng, hiệp thành đoàn-thể hẳn-hòi; mỗi việc gì họ cũng phấn-đấu cạnh-tranh với các phe có sản-nghiệp to, có thế-lực lớn, không chịu mềm-mỏng nhường-nhịn chút nào.

Vậy càng tỏ ra dân-chúng Nhựt-bổn bị đè-nén ở dưới oai-quyền thế-lực của chánh-phủ Phiên-phiệt bao nhiêu lâu, bây giờ họ đã lần lần tự-giác về địa-vị chánh-trị của họ, cùng nhau kết phe hợp sức lại, sắp sửa trở nên một thế-lực mạnh lớn ở giữa xã-hội Nhựt-bổn. Chánh-trị nước Nhựt sẽ bị cái thế-lực đó xô đẩy, mà sẽ trải qua một cuộc biến-hóa quan-hệ, chớ không sao khỏi được. Hiến-pháp năm 1889 tất phải thay hồn đổi xác, chắc không giữ hoài như cũ được đâu.

Nếu nay mai có cuộc chiến-tranh với một liệt-cường nào, thì nội-tình chánh-trị Nhựt-bổn càng phải biến-hóa mau lắm. Tôi nhớ hình như có một nhà chánh-trị nào ở Âu-châu nói rằng “một mai Nhựt-bổn khai-chiến với ai, tất nhiên trong nước họ có một cuộc cách-mạng rất lớn”; lời nói ấy có lẽ là lời nói tiên-tri về chánh-cuộc nước Nhựt đó.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này