Nhật Bản duy tân 30 năm/Chương IX. Văn hóa Đông Tây

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này
Chương IX. Văn hóa Đông Tây

Nhiều người ngó thấy Nhựt-bổn sanh ra được đứa con duy-tân tự-cường giống Âu-châu như đúc khuôn, tưởng vậy là Nhựt-bổn nhờ công ơn khí-bẩm của Âu-châu truyền cho hết thảy.

Mà người ta không tưởng vậy sao được; vì chứng-cớ hình-tích là những cơ-khí, cửa nhà, xe tàu, y-phục cho đến chánh-trị, lý-tài, kinh-tế, quân-sự kia, nhứt thiết là của Âu-châu sản-sanh, vậy thì đứa con Nhựt-bổn duy-tân, chẳng phải con của Âu-châu thì còn ai?

Nếu chỉ xét người ở ngoài da, thì vậy đó là phải rồi. Nhưng, chưa chắc mỗi ai có khí-bẩm Âu-châu truyền cho, cũng duy-tân tự-cường được, Trung-quốc từ thế-kỷ 18, đã có nhiều người Tây-phương lui tới, đem những cái hay của họ sang cho mà thấy, sao Trung-quốc không văn-minh hùng-cường đi? Cũng như nước Nam mình đời Gia-long, có những người Pháp tài nghề chuyên-môn, là Olivier, là Chaigneau, qua đây đóng tàu đúc súng, xây thành luyện quân ở ngay trước con mắt mình, sao mình không giỏi văn-minh hùng-cường đi?

Tại sao?

Chỉ tại Trung-quốc với mình như chị đàn-bà khô-khan yếu-đuối, trong mình không có những cái tánh-chất có thể cảm-thọ khí-bẩm tốt lành của người ta để sanh-sản ra tốt lành.

Trái hẳn lại, Nhựt-bổn từ xưa chẳng những đã chứa sẵn nhiều tánh-chất phát-dục chín chắn tốt lành, mà ngay đứa con văn-minh hùng-cường cũng đã nằm sẵn trong thai-nghén của họ rồi, vừa đúng lúc ngày đầy tháng, thì Âu-hóa tới rước nó ra, chớ không phải Âu-hóa đem trọn đứa con đẻ sẵn cho Nhựt-bổn đâu! Khác nào hột giống cây quý tự người Nhựt đã gieo nó dưới đất rồi, Âu-hóa như trận mưa phải thời, tự nhiên nó nảy mầm đâm nhánh lên vậy.

Một bực danh-nhơn trong thời-đại Minh-trị, nông-học kiêm pháp-học bác-sĩ là Tân-độ-hộ Đạo-tạo - 新渡戸稲造 - Nitobe Inazou ví dụ Âu-hóa có công như là cô mụ, rất có ý-vị:

- “Âu-hóa đối với nước Nhựt chúng tôi không khác gì chuyện cô mụ hộ-sanh đối với một đứa “nhỏ trong thai, đến ngày đến tháng, cô mụ tới đỡ cho nó chun ra đời. Nếu Âu-châu có công với “sự tấn-hóa duy-tân của chúng tôi, tức là cái công của cô-mụ hộ-sanh đó. Nghĩa là đứa nhỏ “cứng-cát tốt-lành đã có sẵn trong thai-nghén của chúng tôi rồi, chỉ nhờ Âu-hóa tới làm người “hộ-sanh, khiến cho người mẹ sanh ra đứa nhỏ được mau-chóng hơn, dễ-dàng hơn, và ít quằn-“quại đau-đớn. Bảo rằng đứa nhỏ do chúng tôi sanh ra đó là của Âu-châu ban cho hết thảy thì “sai lắm. Rút lại mà nói: Nhựt-bổn có nhờ Âu-châu là để cho cái sức có sẵn nơi mình, được “mau phấn-phát, tấn-tới theo thời vậy.”

Câu nói nghe như hơi quá tự-phụ, nhưng quả là chứa đầy sự thiệt.

Về văn-hóa tư-tưởng, Nhựt-bổn có chứa cái kết-thai lâu đời chẳng phải tầm thường. Nhứt là văn-hóa tư-tưởng nào họ cũng thâu-góp, cảm-thọ của người, nhưng rất khéo lựa chọn, khéo dung-hòa, khéo lọc hay bỏ dở để cho thích-hiệp và hữu-dụng với mình, thành ra đến lúc văn-hóa tư-tưởng Thái-tây sang Đông, họ biết đón rước vồ-vập lấy liền. Trên con đường nầy, trước khi muốn thấy dấu chưn họ ở chặng sau, ta dòm sơ lại bước đi của họ ở mấy chặng trước thử xem.

Sự thiệt, Nhựt-bổn đã sẵn có một cái thai văn-hóa kết tinh lâu rồi.

Muốn xét cái thai văn-hóa của Nhựt-bổn, đầu hết phải xét từ tôn-giáo mà đi.

Thiệt, quả như lời của ông giáo-sư Félicien Challayé đã nói: “Chính là tôn-giáo đã vạch rõ ra những tánh-chất cốt-yếu của nền văn-hóa ấy, khiến cho nó có vẻ lạ khác người ta, có linh-hồn riêng của nó. Nó ảnh-hưởng tới tư-tưởng, tánh-tình và công việc của người Nhựt làm một cách rất sâu-xa; chính tôn-giáo đã giúp ý-tưởng cho họ nảy ra văn-chương, ra mỹ-thuật, làm nên khuôn-mẫu cho tất cả những điển-chương phép-tắc tổ-truyền; chính tôn-giáo đã làm cho rung-động và ngày nay cũng vẫn còn rung-động sự sống bề ngoài cũng như sự sống bề trong của người Nhựt” (Ce sont les religions qui ont déterminé les caractères essentiels de cette civilisation, lui ont donne son originalités, son âme. Elles ont profondément agi sur les idées, les sentiments et les actes de Japonais; elles ont inspirée leur liztérature et leurs arts, modelé toutes les institutions tradictionnelles; elles ont animé et elles animent encore leur vie extérieuse comme leur vie intérieuse).

Từ thuở nước Nhựt cổ, có ba nền đạo lớn, vẫn là những đạo cốt-yếu của nước Nhựt kim ngày nay: Thần-đạo, Khổng-giáo, Phật-giáo.

THẦN-ĐẠO[sửa]

Ở chương thứ nhứt, độc-giả đã thấy một đoạn nói người Nhựt tin-tưởng nước họ là Thần-quốc, do Thần dựng lên, đức Thiên-hoàng là con cháu, dòng-dõi của vị Thần tôn-nghiêm cao-quý hơn hết, đời đời truyền nối trị vì, không ai được xâm-phạm, không hề có sự thay-đổi bao giờ. Tự-nhiên Thần-đạo (神道 - Shindou, shinstoisme) là đạo gốc, có từ lúc Nhựt-bổn mới thành dân-tộc, mới lập quốc-gia trở đi.

Đây, cần nói thêm về Thần-đạo, nhứt là những điều trước kia chưa nói, vì có quan-hệ với vấn-đề văn-hóa.

Ta nên phân biệt: Thần của người Nhựt, không phải Thần như của Tàu và nước Nam ta, phàm ai sống khôn thác thiêng, được người ta lập đình miểu thờ tự và có nhà vua sắc phong là Thần thì mới là Thần; cũng không đồng nghĩa với Thánh (Saint) ở đạo Gia-tô, thường là những người xưa kia tận trung với đạo Chúa hay là tử-tiết vì đạo, về sau được Tòa-thánh ở La-mã phong Thánh thì mới được là Thánh.

Thần-đạo ở Nhựt-bổn cốt nhứt là sự tưởng-nhớ kính-thờ các “Gia-di” (加彌, Kami), tức là anh linh của những người qua đời. “Hết thảy những kẻ chết đều thành Thần”, ấy là lời của nhà chí-sĩ ái-quốc Hirata (1776-1843), đứng ra xướng-minh Thần-đạo, gây nên một phong-trào vừa có chủ-nghĩa tôn-giáo quốc-gia; vừa có tôn-chỉ chánh-trị ái-quốc; chính cái phong-trào đó về sau kết-cuộc là Mạc-phủ phải dâng trả quyền-chánh của Thiên-hoàng và mở ra thời-kỳ Minh-trị duy-tân vào năm 1868 vậy.

Căn-bổn của Thần-đạo tóm-tắt lại ở sự tin-tưởng nầy: anh-linh của kẻ chết vẫn quanh-quất ở giữa kẻ sống; vẫn đi về lui tới nhà cửa con cháu; tuy ở trong cõi thiêng-liêng vô-hình mà vẫn kiểm-xét tánh-hạnh đạo-đức, và dự phần vào những cảnh vinh nhục vui buồn của kẻ đang sống luôn luôn. Vẫn biết rằng cõi Thần cũng như cõi người, có hạng xấu tốt nên hư, nhưng mà hết thảy những kẻ đã chết, đều có quyền sức thiêng-liêng tác oai tác phước cho người sống được. Giữa người sống với kẻ chết vẫn có sợi dây quan-hệ liên-lạc với nhau.

Kẻ chết cần dùng người sống tưởng-nhớ kính-thờ để cho vong-linh được yên-ổn sung-sướng trên cõi thiêng-liêng. Còn người sống phải nhờ kẻ chết che-chở phò-trợ cho mình ở đời.

Có nhiều hạng Thần: Thần của gia-đình là anh-linh của cha mẹ, ông bà, tổ-tiên, thờ-tự bàn thờ trong nhà; Thần chung của làng xóm, thờ ở đình miễu hương thôn; tới Thần chung cả nước là anh linh của các đấng anh-hùng hào-kiệt, chí-sĩ, danh-nhơn, mà trên hết là anh-linh của tổ-tiên đức Thiên-hoàng. Cho đến trời, đất, cây, đá, các đồ dùng về nghề-nghiệp, mỗi sự vật đều có Thần giám-đốc chủ-tể nữa.

Cái gốc luân-lý ở xã-hội Nhựt-bổn xưa nay cũng thế, là ở gia-đình. Ông Lafcadio Hearn làm giáo-sư ở Đông-kinh trong lúc Minh-trị duy-tân, vô dân Nhựt, ở nước Nhựt luôn 40 năm, biết rõ người Nhựt đến tận móng tay kẻ tóc, muốn chỉ tỏ cái đại-cương của gia-đình luân-lý Nhựt-bổn bằng câu nầy đúng lắm: “Gia-đình là một tôn-giáo, nhà cửa con cháu ở là một đền thờ.” (La famille est une religion, le home (la demeure familiale) un temple).

Xứ mình lâu nay, thấy có nhiều nhà - ấy là nói những người không phải theo đạo Thiên-chúa - đã giẹp bàn thờ ông bà đi, chớ ở Nhựt-bổn, nhà nào cũng có, từ nhà các ông tể-tướng, nguyên-nhung, cho đến nhà của thường-dân lao động. Vì đó là một dấu tỏ ra con cháu cung-kính tưởng-nhớ ông bà tổ-tiên, thường thường khấn-vái cúng-kiến. Họ cho rằng mình đây có thân-hình, cửa nhà, có sự-nghiệp; hay là bất cứ sự vật gì, đều nhờ ông bà cha mẹ ban cho, nên mình phải luôn tưởng nhớ kính-thờ mới được. Huống chi là tổ-tiên vẫn dòm thấy công việc ta làm, vẫn nghe mỗi lời ta nói, vẫn thấu lòng dạ ta, vẫn xét đoán ta; nếu ta ở đời mà cư-xử hành-vi đến can danh phạm nghĩa, để cho anh-linh tổ-tiên sầu tủi, thật là ta mắc một tội rất lớn.

Trong gia-đình, Thần-đạo buộc có kỷ-luật nghiêm-minh: con phải hiếu thảo vâng lời cha mẹ, vợ phải kính-nể chồng, em phải nghe lời anh, kẻ dưới phải phục-tòng người trên. Luật nghiêm ấy phải có chỗ bù-chế lại, là nghĩa-vụ giúp đỡ lẫn nhau, buộc những kẻ trên phải lo-lắng, phải cứu-vớt, phải an-ủi, phải tư-trợ cho sự sống của kẻ dưới được thong-thả êm-đềm.

Ngoài luân-lý gia-đình, tới luân-lý hương-tộc, Thần-đạo nghiêm-cấm những kẻ cùng ở một làng xóm, cùng chung một họ-hàng, không được gây gỗ chửi rủa nhau. Lúc có hoạn nạn - như trộm cướp cháy nhà - thì phải tương cứu. Ai ở trong làng mà phạm tới luân-lý hương-tộc đại-khái của Thần-đạo như thế, đều bị người ta khinh-khi, ruồng-bỏ, đến đỗi muốn lập gia-đình không được, rồi phải bỏ làng mà đi phiêu lưu.

Trên gia-đình và hương-tộc, là quốc-gia. Thần-đạo dạy người ta suy rộng tấm lòng con hiếu cha từ ra trung-quân ái-quốc, làm người phải biết trọng danh-dự, trọng khí-tiết, khinh tài trượng nghĩa, dầu phải vì danh-dự vì quốc-gia mà chết bỏ mình đi, cũng đừng thèm sợ tiếc. Võ-sĩ-đạo, độc-giả xem trên xa kia đã biết, là đạo gì, chính là một chi-nhánh nảy từ luân-lý quốc-gia của Thần-đạo mà ra đó.

Sở-dĩ Nhựt-bổn là một dân-tộc chuộng sự thanh-khiết nhứt đời, cũng là do phận sự của Thần-đạo bắt buộc. Họ nói Thần ưa sự thanh-khiết, cho nên mỗi người nào kính-thờ tưởng-nhớ Thần, luôn luôn phải giữ tâm mình và thân mình cho thiệt trong sạch; không vậy thì Thần không gần-gũi mình, không chứng-dám phò-trợ cho mình. Người Nhựt vẫn lấy chỗ tập-tục thanh-khiết của Thần-đạo bắt buộc họ mỗi ngày mỗi giờ mỗi giây mỗi phút như thế là chỗ đặc-biệt tự-cao; không như tục-lệ người Tàu đến khi sắp có cúng tế mới lo trai-giới mộc-dục (ăn chay, kiêng cử, tắm gội), bởi vậy là dấu tỏ ra bình-thường không thanh-khiết. Người Ấn-độ lúc làm lễ Phật phải xông hương; đạo Gia-tô xức dầu thơm trước khi tụng kinh làm lễ, đều là cách mượn vật che thân.

Cái đặc-sắc của Thần-đạo, là một nền luân-lý đạo-đức, chớ không có những lễ-nghi phiền-phức như các đạo khác, mà chỉ cốt có một tấm lòng thành. Họ lấy lòng thành là nồng-cốt mực-thước của mọi đức-hạnh; lấy đó mà thờ Thần, lấy đó mà ăn ở với người, tấm lòng lúc nào cũng như nước trong, như gương sáng.

Tấm lòng thành đó lúc gặp Nho-giáo Phật-giáo truyền tới, tức thời biết đón rước dung-hòa và lựa-lọc cái hay của người rồi đẽo-gọt lại trở nên cái hay của mình; tới sau có văn-hóa Thái-tây tràn sang, họ cũng tỉnh-ngộ ngay về chỗ hay dở, về sự cần-dùng mà tiếp lấy tức-thời, không chần-chờ do-dự đến đỗi nguy-vong như ai.

NHO-GIÁO[sửa]

Nho-giáo ở bên Tàu truyền qua nước Nhựt, vào khoảng Ứng-thần Thiên-hoàng - 應神天皇 - Oujin Tennou năm thứ 16, chiếu theo Tây-lịch, nhằm năm 285.

Ban đầu Nho-giáo sang Nhựt, xã-hội Nhựt chẳng hề bị xảy ra mảy may nhiễu-loạn nào, không như lúc đầu của đạo Phật và đạo Gia-tô mới truyền-bá, lòng người ngờ-vực, mới cũ ganh nhau, đến đổi đổ máu.

Tại sao?

Tại đạo Nho dạy những thuyết phần nhiều phù-hạp với Thần-đạo và tập-tánh của người Nhựt.

Thiệt vậy, Thần-đạo dạy người ta phải hiếu-kính cha mẹ, thờ tưởng tổ-tiên, phải trọng lễ-nghĩa đạo-đức, phải trung-quân ái-quốc v.v… thì đạo Nho cũng vậy. Cho nên người Nhựt đón rước đạo Nho một cách vui-vẻ êm-ái, để tô-điểm thêm vẻ tốt đẹp cho nền văn-hóa của họ.

Nguyên là đời Ứng-thần Thiên-hoàng, có mấy vị sứ-thần của nước Bách-tế (tức Cao-ly bây giờ) qua Nhựt-bổn, đem theo ngũ kinh tứ thơ dạy cho người Nhựt, đạo Nho truyền qua từ đó. Lần hồi nhà vua mở trường đại-học ở kinh-sư, và truyền lịnh mỗi nước chư-hầu lập một quốc-học, đặt ra những chức bác-sĩ, trợ-giáo để dạy Nho-học cho dân. Nhờ vậy mà sức truyền-bá của đạo Nho càng ngày càng thạnh.

Có một lúc Nho-học ở Nhựt đã suy-vi, nhưng đến đầu thế-kỷ 13 (kể theo Tây-lịch) nhờ có mấy ông thầy chùa đem học-thuyết Tống-nho truyền qua Nhựt, bấy giờNho-học ở Nhựt lại bắt đầu phấn-chấn. Nhờ họ Đức-xuyên lên làm tướng-quân, thống-nhứt trong nước, là người trọng Nho, thành ra văn-học và Nho-giáo trở nên có thế-lực.

Ở bên Tàu, khoảng giữa đời nhà Tùy, nhà Đường, Phật-giáo thạnh-hành quá, gần muốn làm tiêu Nho-giáo. Sau nhờ Tống-nho cứu-vớt lại. Trong Tống-nho, lãnh tụ là Châu-tử (1130- 1200), khéo lấy tinh-thần của Phật giáo mà thay lông đổi cốt, xướng lên những thuyết lý-khí tâm-tánh, khiến cho Nho-giáo sắp nguy lại quật lên có thế-lực. Thuở Hán-đường, nhà nho hay câu-nệ với những câu nói của thánh-nhơn, thành ra Nho-học thiếu mất khí sống; đến nhà nho đời Tống không vậy, cốt lấy tinh-thần mà giải-thích đạo Nho, nói rằng tấc lòng của thánh-nhơn mình không cần phải dò kiếm ở mấy ngàn năm trước làm gì; trái lại, chỉ nên dò kiếm ở ngay trong tim, trong óc mình là thấy. Nhờ Tống-nho phát-minh cái thuyết tánh-lý như thế mà Nho-giáo lại có hoạt-khí, và Nhựt-bổn hoan-nghinh Tống-học là hoan-nghinh thứ Tống học đó.

Học phái Châu-tử đẻ ra ở Nhựt-bổn có nhiều tay đại-nho, có công to với nền giáo-dục trong nước.

Song cũng có phái Cổ học nổi lên, chê Tống-học xen lộn thuyết Phật vô, làm sái mất cái chơn-nghĩa của Khổng-tử đi, cho nên họ muốn tìm suốt đến nguồn Khổng-giáo, để giữ hệ-thống chánh-quyền. Phái nầy cũng nảy ra lắm bực danh-nho bác học.

Rồi có học-phái Chiết-trung, nghĩa là ở giữa hai phái trên đây.

Đến lúc bên Tàu có Vương-dương-Minh - 王陽明 (1472-1528) xướng lên thuyết Lương-tri 良知 - Ryouchi, chính người Tàu không biết quý-chuộng hoan-nghinh, mà nhà nho ở Nhựt lại đón rước một cách vui mừng nô-nức. Đại-khái học-thuyết Dương-minh lấy lương-tri làm gốc, hễ lương-tri (tức là lương-tâm) của con người ta tìm-tòi suy xét một việc gì mà biết nó là hay, là phải, thì cứ việc mạnh-bạo thực-hành, không ngần-ngại gì cả. Chính là một học-thuyết chuộng sự thực-hành, đào luyện cho người ta giàu về tinh-thần thực-hành vậy.

Người hoan-nghinh học thuyết Dương-minh đầu hết ở Nhựt-bổn là Trung-giang Đằng-thụ, (中江藤樹- Nakae Touju) một bực cự-phách trong Châu-tử học-phái. Đến lúc tuổi già ông ta mới biết học-thuyết Dương-minh là hay, tức-thời bỏ học-thuyết Châu-tử rồi ở Cận-giang 近江 dạy học-trò, hết sức xướng lên thuyết “Lương-tri”, nói rằng con người ta chỉ học suông thì vô vị lắm, học phải lo chính mình thực-hành mới là có ích, vậy thì chỉ duy có cái đức lương-tri là có thể biết rõ năng-tánh của mỗi người và có thể thấy rõ sự thực-tại của cõi đời.

Đằng-thụ nổi tiếng là Cận-giang thánh-nhơn 近江聖人 - Ooumi Seijin, lôi kéo được số khá đông sĩ-phu biết bỏ Châu-học là cái học chỉ chuộng lý-tưởng mà quay về Dương-minh-học là cái học ganh-đua thực-hành.

Lúc Nhựt-bổn rục-rịch khai-quốc duy-tân, đám chí-sĩ trong nước xôn-xao hoạt-động, muốn mưu ích-lợi cho quốc-gia mà rủ nhau ra sức hô-hào mở-mang văn-minh mới, trong đó nhà nho chiếm số rất nhiều. Nhà nho hào-kiệt có tiếng lớn công to với cuộc duy-tân, như Hoành-tỉnh Tiểu-nam (横井小楠 - Yokoi Shonan) (1809-1869), Tá-cửu-gian Tượng-sơn 佐久間像山 - Sakuma Shouzan (1811-1864), Cát-điền Tùng-âm 吉田松陰 - Yoshida Shou-in, Tây-hương Long-thạnh 西郷 隆盛 - Saigo Takamori (1826-1877) v.v…. đều là người của phái Dương-minh. Phái nầy tuy có số ít, nhưng đẻ ra được anh-hùng hào-kiệt nhiều hơn. Trong khi phái nho Châu-học bo bo cố chấp và xướng lên những thuyết “tỏa quốc nhương di” (khóa các cửa biển lại, chống-cự người Tây-phương ra vô) thì phái nho Dương-minh biết sự mở cửa đón Tây, duy-tân tự-cường là sự cần-dùng cấp-bách. Vậy cho biết cùng là Nho-giáo mà biết lựa-chọn học-thuyết hay dở, nó quan-hệ đến cuộc mất còn suy thạnh của một quốc-gia dân-tộc lắm thay! Thiệt, dân-tộc Nhựt-bổn biết đón rước văn-hóa học-thuật phương-Tây, không phải không nhờ có chỗ dưỡng-dục sẵn sàng từ trước; chỗ đó Nho-giáo chiếm một phần rất lớn, nhứt là Nho-giáo theo thuyết Dương-minh.

Ta lại nên nhìn biết trong khoảng một ngàn mấy trăm năm, Nhựt theo Nho-giáo, là chỉ ham-chuộng nghiên-cứu những cái tinh-ba triết-lý của Khổng-tử, chớ không rước lấy những cặn-bã là hư-văn khoa-cử của bọn nho Đường Tống bày ra. Đã vậy mà họ lại biết nhơn Hán-tự để chế-tạo ra một thứ văn-tự riêng của mình, không chịu làm nô-lệ Nho-học Hán-văn một cách tuyệt-đối như các đệ-tử khác. Đó là hai cái đặc-sắc học Nho của họ, mà chính hai cái đặc-sắc ấy dự phần công-lao rất lớn vô cuộc duy-tân vậy.

Đến đời duy-tân trở đi, Nho-giáo bị học-thuật Tây-phương lật đổ, làm cho tiêu mòn, nhưng đó chẳng qua chỉ là hình thể Nho-giáo mất đi mà thôi, chớ tinh-thần Nho-giáo thì người Nhựt họ còn giữ mãi trong tâm-não và sự giáo-dục của họ, lấy cái tinh-thần ấy để bù-chế vào chỗ thái-quá của văn-minh vật-chất Tây-phương. Vả lại, Nho-giáo là một dấu-tích văn-minh cổ-thời của Đông-phương, và chính Nhựt-bổn có chịu ảnh-hưởng sâu xa, thành ra không khi nào họ bỏ tinh-thần Nho-giáo. Ta xem trong chương-trình đại-học của Nhựt-bổn, vẫn có một khoa Nho-học Hán-văn, và trong xã-hội vẫn có những tay học-vấn chuyên-môn nghiên-cứu và tuyên-truyền những triết-lý của Khổng-tử; mỗi năm ở văn-miếu thờ Khổng-tử vẫn giữ lễ tế-tự long-trọng như thường. Họ ra sức chủ-trương và dẫn nhiều chứng-cớ bày tỏ ra rằng Nho-giáo có lắm chỗ đi đôi với khoa-học đời nay, mà không chống-chõi nhau gì hết.

*

PHẬT-GIÁO[sửa]

Phật-giáo truyền sang Nhựt-bổn vào khoảng thế-kỷ thứ 6 của Tây-lịch, tự Cao-ly truyền của Trung-quốc rồi đem qua Nhựt.

Các tôn-giáo khởi lên ở Ấn-độ, đại-khái đều gốc ở quan-niệm quốc-gia và nhơn-dân; duy có Phật-giáo là một tôn-giáo rộng cả thế-giới, tự phát lên một vẻ mới lạ tốt đẹp, thành ra nó dễ tràn-lan truyền-bá ra đến nửa phần thiên-hạ.

Phật-giáo truyền-bá ra hai ngả khác nhau. Một là phái Tiểu-thừa 小乗 hay Hinayâna, người ta cũng gọi là Nam-tôn 南宗, thạnh-hành ở các xứ Tích-lan và Miến-điện. Một là phái đại-thừa 大乗 hay Mahâyâna, người ta cũng gọi là Bắc-tôn 北宗, thạnh-hành ở nước Tàu và Trung-bộ châu Á. Đại-khái hai phái hơi khác nhau về chỗ tin-tưởng niết-bàn (nirvána); Nam-tôn chủ-trương rằng người ta có thể tới niết-bàn do nơi công-phu tu-luyện và ý-chí tự-do của mình; nhưng Bắc-tôn chủ-trương phải nhờ có sức thiêng-liêng cứu-độ giải-thoát nhiều hơn là nhờ ý-chí tự-do.

Chính Phật-giáo Đại-thừa đó Cao-ly đem sang Nhựt-bổn hồi thế-kỷ thứ 6. Lúc mới truyền qua, Phật-giáo bị Thần-đạo chống-chõi công-kích dữ lắm. Nhưng sau những nhà thâu-truyền Phật-giáo khéo thay-đổi một chút cho thích-hiệp và không động chạm tới lòng tín-ngưỡng Thần-đạo của người Nhựt, bấy giờ Phật-giáo mới thạnh-hành truyền-bá ở dân-gian Nhựt-bổn.

Nhứt là từ thế-kỷ thứ 9 trở đi, Phật-giáo có ảnh-hưởng sâu-xa đến văn-hóa Nhựt-bổn đủ các phương-diện. Tư-tưởng triết-lý, chánh-trị, giáo-dục, mỹ-thuật, công-nghệ, kiến-trúc, công cuộc xã-hội từ-thiện v.v… nhờ sức cảm-hóa và sức thâu-thập của Phật-giáo mà mở mang tấn-tới lạ thường. Cho đến văn-học thi-ca cũng vậy. Thứ chữ riêng của Nhựt-bổn gọi là “Phiến-giả, 片假 -??”, gồm có 50 âm, lấy gốc ở văn-pháp của chữ Phạn; còn chữ mới là “Bình-giả 平假 -??”, sự sắp đặt có ngụ giáo-lý của Phật-giáo mà làm thành ra ca-dao, tục-ngữ, kịch-bản, thi-văn. Tóm lại, gọi là tinh-túy của cổ-văn-học Nhựt-bổn đều nhờ đạo Phật cảm-hóa mà ra.

Từ thế-kỷ thứ 9 cho tới trước ngày duy-tân 1868, Phật-giáo rất có thế-lực, hầu như quốc-giáo của Nhựt-bổn; rồi sau đó Phật-giáo mới tách riêng quốc-gia và trở nên một Tôn-giáo tự-do quan-hệ nhứt ở xã-hội Nhựt-bổn đến nay.

Phật-giáo ngay từ khi mới vô nước Nhựt trở đi, đã chia ra nhiều tôn-phái, nhưng tôn-phái nào cũng đóng góp vô cuộc xây-dựng văn-hóa tốt đẹp rất nhiều, và không nhiễm phải những cái lưu-độc của bọn háo-sự bày đặt ra như các nơi khác. Cũng như đón rước Nho-giáo, người Nhựt đón rước Phật-giáo cũng chỉ cầu lấy cái chơn tinh-thần làm gốc, chính cái chơn tinh-thần đó phát-huy ra văn-hóa rực-rỡ cho họ. Văn-học bác-sĩ Cao-nam Thuận-thứ-lang (高楠順次郎 - Takakusu Junjirou) đã nói không sai:

- “Phật-giáo qua Nhựt không bao lâu mà phổ-biến cả trên dưới, ai nấy đều hâm-mộ quy-hướng. “Chẳng những Phật giáo cảm-hóa đạo-đức người Nhựt mà thôi, lại có vang bóng rất sâu xa tới “mọi việc chánh-trị, giáo-dục, văn-học, công-nghệ, mỹ-thuật. Tóm lại, nền văn-hóa xưa của “nước Nhựt, do Phật-giáo vun-đắp mở-mang cho phần nhiều.

“Có một điều nên nói cho rõ, Phật-giáo ở các nước trên đại-lục kia, người ta đều quên sót cái “tinh-thần khởi-nguyên của nó, chỉ vồ-vập lấy những nộc-đọc mối tệ là nhiều. Duy có Nhựt-bổn “có cái tánh riêng, đối với văn-vật xứ ngoài truyền vào, biết lựa chọn tinh-hoa, thảy bỏ cặn-bã, “rồi nhồi nắn lại, cho vừa hiệp với quốc-tình của mình. Thì tinh-thần của Phật, gặp được sự lựa “chọn nhồi nắn đó, mà nảy được chơn-tướng ra. Cho nên Phật-giáo của Nhật không phải là “Phật-giáo của Ấn-độ, cũng không như Phật-giáo của các nước Chi-na, Miến-điện, Xiêm-la, “Việt-nam. Các xứ nầy đều trúng độc, duy có Nhựt là giữ được tinh-thần khởi-nguyên của Phật “mà thôi”.

TÓM LẠI ẢNH-HƯỞNG CỦA BA ĐẠO THẦN, NHO, PHẬT[sửa]

Tới đây tưởng độc-giả đã thấy rõ rằng: tư-tưởng, luân-lý, phong-tục, tánh-tình, chánh-trị, học-thuật, mỹ-nghệ, nhứt thiết những cái hiệp lại thành ra một nền văn-hóa riêng của Nhựt-bổn sẵn có từ xưa, đều lấy ở trong nguồn ba đạo lớn là Thần-đạo và Nho-giáo, Phật-giáo mà ra.

Về văn-học, kho sách xưa của Nhựt chứa đầy những sách có giá-trị của các bực danh-nho, cao-tăng viết ra, đủ các môn loại: triết-lý, tôn-giáo, kịch-bản, thi-ca, sử-ký v.v. Có ông soạn tới sáu bảy chục bộ sách. Đời xưa, họ đã thạnh-hành in sách truyền-bá khắp trong dân-gian, chớ không phải viết sách ra để dành làm riêng của mỗi nhà.

Về mỹ-thuật, kiến-trúc, hội-họa và điêu-khắc, những tay thợ khéo đời xưa lưu lại thiếu gì kiểu nhà đẹp, thiếu gì bức tranh vẽ tuyệt-bút, thiếu gì đồ chạm trổ thêu dệt có công-phu tinh-tế lạ lùng. Nhà mỹ-thuật Tây-phương ngó thấy cũng phải thán-phục.

Những vẻ đặc-biệt về sự sống vật-chất và sự sống tinh-thần, như thanh-khiết, giản-dị, lễ-phép, tình quyến-luyến gia-đình, yêu-mến quốc-gia nồng nàn cực độ, và cái thiên-tánh ưa cảnh tự-nhiên, cũng là chịu ảnh-hưởng 3 đạo Thần, Nho, Phật.

Tập-tục vệ-sanh sạch-sẽ của Nhựt-bổn, thiệt không phải là thứ nhập-cảng từ Âu-châu, cũng không phải ở bên Tàu truyền qua; nó là tập-tục sẵn có tự-nhiên ở dân-tộc Nhựt-bổn, do nơi Thần-đạo bắt buộc mỗi người tin Thần kính Thần phải giữ thân-thể và tâm-não trong sạch luôn luôn, thì Thần mới phò-hộ, chứng-giám.

Tánh ăn ở giản-dị, có phần tại lẽ kinh-tế, vì Nhựt vốn xứ nghèo, có phần tại vẻ mỹ-quan của người Nhựt rất ghét thói xa-hoa, chỉ chuộng sự đẹp thanh-tao, đơn-giản, nhứt là vì đạo Thần và đạo Nho đều dạy người ta phải quý-trọng giữ-gìn những sự-sản của ông bà đã khó-nhọc gây dựng lên mà lưu lại cho mình; mình không có quyền được hoang-phí sự-sản ấy đi một cách ích-kỷ.

Nói gì sự lễ-phép của người Nhựt khắp thiên-hạ đều biết. Còn tinh-thần ái-quốc của họ thôi thì tuyệt-phẩm. Chính vì tấm lòng ái-quốc nồng-nàn, người Nhựt buộc mình cái nghĩa-vụ phải đóng góp tâm-lực vô công-cuộc duy-tân nước mình để cho nước cũng mới-mẻ, cũng hùng-cường như Âu Mỹ. Ai được chứng-kiến trận Nhựt Nga chiến-tranh đủ ghê tướng-sĩ Nhựt yêu nuớc đến đỗi khinh sống liều chết ra thế nào. Sau hết, đến tấm lòng tự phụ nước non mình là Thần-quốc và yêu mến phong-cảnh thiên-nhiên một cách thâm-thiết, làm cho tâm-não người Nhựt cao-thượng, đối với sự sống có vẻ hớn hở tươi cuời hiện ra trên nét mặt luôn luôn. Ông giáo sư Lafcadio Hearn đã nói cái nụ cười của người Nhựt là một sức mạnh lạ-lùng, thiêng-liêng. Thiệt vậy, nụ cười như hoa nở tối ngày trên môi; vui sướng mà cười đã đành, lúc rầu buồn giận-dữ, lúc cầm dao tự mổ bụng mình mà nụ cười vẫn tươi vẫn có mới kỳ.

Thế là Nhựt-bổn sẵn có một nền văn-hóa, sẵn có những cốt-cách văn-hóa lâu đời rồi, không phải mù-mờ hèn-thấp gì; đến lúc tư-tưởng học-thuật Thái-tây sang Đông, họ thấy cần-dùng thì tự-nhiên đón rước và cũng dung-hóa như xưa kia đã đón rước dung-hóa đạo Nho đạo Phật vậy. Hèn chi họ nói: “Đứa con văn-minh, chúng tôi đã chửa sẵn nó trong thai, Âu-châu các ông tới chỉ như cô mụ đỡ dùm cho nó ra đời, chớ không phải bổn-lai chúng tôi tối-tăm ngu-dại, rồi nhờ có văn-hóa các ông thì chúng tôi mới có văn-hóa đâu”.

*

ÂU-HÓA CỦA NHỰT-BỔN[sửa]

Nhựt-bổn bỗng chốc sửa-sang thay-đổi mọi việc, mới theo phương-Tây, tự mắt người ngoài dòm vào cho là sự lạ lùng, còn chính họ là người trong cuộc, chỉ cho là sự tự-nhiên. Nguyên lai dân-tộc họ từ xưa vẫn có tánh hâm-hở mạnh-bạo bắt chước những cái hay của người ta rồi khéo dung-hòa uốn-nắn cho hiệp với chỗ cần-dùng của mình, thành ra lúc trước ngó thấy Nho-giáo, Phật-giáo có chỗ hay, họ vội vàng đón rước cũng như bây giờ ngó thấy văn-minh Âu-châu hay, tự-nhiên họ cũng vội-vàng đón rước, không lạ gì.

Có điều ta nên nhìn biết rằng thuở xưa dân-tộc Nhựt-bổn ở dưới chế độ phong-kiến, có bị áp-chế là áp-chế về hình-thức bề ngoài thôi, chớ về tư-tưởng học-thuật, dân họ vẫn tự do dồi-mài lượm-lặt theo ý họ muốn, nhà cầm-quyền muốn ngăn-cấm cũng chẳng ngăn-cấm được. Thì đời Mạc-phủ Đức-xuyên, đằng-đẳng 300 khóa cửa tuyệt giao với người ngoài, nhứt là với giáo-sĩ Tây-phương, tức là đời Đông là Đông, Tây là Tây chưa gặp nhau mấy, lại nghiêm-cấm nhơn-dân cầu học ngoại-nhơn, thế mà cũng có những người Nhựt, hoặc lén bỏ nhà vượt biển ra ngoài mà dọ xét sự tình thiên hạ, hoặc lò-mò tới Tràng-kỳ học-hỏi nơi mấy người Hòa-lan mua bán tại đó mà biết chữ Hòa-lan, biết những thuật chữa bịnh, đúc súng, trị quân, xây thành của Âu-châu. Thử xem giữa lúc nhà-nước cấm học Âu-học mà Nhựt-bổn còn cầu-kỳ hào-dị như thế, có lạ gì đến lúc chính nhà-nước cần dùng đổi-thay lối mới, nhơn-sĩ họ chẳng ùn-ùn đổ theo Âu-hóa, phát khởi-chóng mà thành-hiệu mau!

Cũng đem cái tinh-thần khéo biết chọn-lựa dung-hóa là tinh-thần sẵn có từ xưa, họ đón-rước chọn-lựa Âu-hóa: nước nào ở Tây-phương có món sở-trường thì họ lọc lấy món sở-trường ấy, mà tẩy đi món nào xem ra là sở-đoản và không lợi cho quốc-tình, không hiệp cho gia-dung của họ, chớ không phải vùa càn quơ bướng hết thảy. Ví dụ lục-quân hóa theo Đức, tư-tưởng dân-quyền tự-do hóa theo Pháp, hải-quân và chế-độ lập-hiến hóa theo Anh, công-nghệ kiến-trúc hóa theo Mỹ. Nhiều môn khác, họ trộn chung những cái hay của người ta, rồi lọc ra lấy một cái hay nào hơn hết để mà theo. Họ Âu-hóa những triết-học, chánh-trị, pháp-luật, giáo-dục, cơ-khí v.v… theo kiểu lọc bột vậy đó.

Cuối thế-kỷ trước, Nhựt-bổn bắt đầu Âu-hóa, nhiều người Âu-châu nghe tiếng hay là ngó thấy, đều ra dáng kiêu ngạo,. Le Japon moderne, c'est une traduction mal faite”. Ngay danh-sĩ Pierre Loti chớ phải ai không mắt tinh đời, cũng nói Nhựt-bổn Âu-hóa như một tuồng hát-khỉ của mấy chú khách Sơn-đông! Có một phái khác thì tưởng Nhựt-bổn Âu-hóa một cách tuyệt-đối đến làm tiêu hết dấu-tích Nhựt-bổn cổ thời.

Cả hai phái đều tưởng sái sự thật.

Phái trên đợi đến kết-quả Nhựt Nga chiến-tranh, tự biết mình bậy rồi: Nhựt họ Âu-hóa nên thân, chớ không phải là tuồng hát-khỉ.

Còn phái dưới chỉ ngó bề ngoài mà nói, tới chừng dòm xa vô bề trong một chút, họ phải thấy sự thật hiển-nhiên nầy: Những cái mà cậu Nhựt kim-thời muốn bảo tồn dấu-tích nước Nhựt xưa, còn nhiều hơn là những cái mà cậu đã mượn và muốn mượn của Âu-châu đời nay.

Thiệt vậy, cũng như ngày họ Nho-hóa, Phật-hóa, ngày nay Nhựt-bổn không Âu-hóa nhứt-thiết đâu.

Họ vẫn giữ cái cốt-cách xưa của họ về sự sống vật-chất, như nhà cửa, vật-dụng, ẩm-thực, y-phục; cả cái cốt-cách xưa về sự sống tâm-linh, như phong-tục, các thói quen, các cuộc giải-trí v.v… Cho đến nghệ-thuật xưa, luân-lý xưa, tôn-giáo xưa, họ vẫn bảo-thủ y-nguyên mặc dầu Âu-hóa.

Họ không trọn vẹn bắt chước văn-minh Âu-châu cho tới nhứt-thiết cái gì ngộ-nghĩnh hơn hết, đặc-biệt hơn hết, thâm-thúy hơn hết. Không, không mặc dầu phải Âu-hóa còn nhiều, người Nhựt vẫn so-sánh phán-đoán mình Âu-châu thô-lỗ, không được sâu-sắc lý-thú bằng cổ văn-minh của họ.

Thế mà họ vẫn phải Âu-hóa, là vì sự cần-dùng bắt buộc, thời-thế bắt buộc, tấm lòng độc-lập tự-tôn của họ bắt buộc.

Coi mấy chương ở trên đầu sách, độc-giả đã biết Nhựt-bổn khóa cửa tuyệt giao từ thế-kỷ 17, đến giữa thế-kỷ 19, người Tây-phương đem sức mạnh tới hâm-dọa, biểu họ phải mở cửa ra trước mặt của sức mạnh, Nhựt-bổn phải tuân-lịnh. Bấy giờ cả nước rung-động như sấm vang núi chuyển; họ biết rằng sống bằng lý-tưởng thanh-cao không đủ, sức mạnh tuy họ gớm ghiếc, nhưng mà cần dùng. Nước họ tuy có trình-độ tinh-thần, nghệ-thuật và tôn-giáo khá cao, nhưng không thể ỷ-thị có bấy nhiêu đó mà sống đối với đời nầy; nếu họ không làm sao cũng có sức mạnh về quân-sự, về kinh-tế, về cơ-khí, về công-nghệ như người ta, thì bề nào cũng bị ngoại-nhơn mạnh hơn kéo tới lấy họ làm mồi để trên dao thớt; họ sẽ đứng vào hàng nô-nhan thuộc-địa của Âu-châu.

Sự sống và cách sống của họ xưa nay họ quý-chuộng mến-yêu lắm, không thể nào rời bỏ; họ đoán biết thân mình nếu rủi để cho ngoại-nhơn tới nước họ làm chủ, họ sẽ buộc mình đổi thay mất sự sống và cách sống riêng đó, cho tới tánh-tình, phong-tục của tổ-tiên để lại cho, cũng không sao giữ nguyên vẹn được đâu. Huống chi non-nước của Thần, dòng dõi của Thần, lẽ nào để ai xa lạ đâu tới nuốt sống và nhận chìm xuống cho đành. Vậy thì, cho được giữ nguyên văn-hóa tổ-truyền, họ muốn họ vẫn tự-do độc-lập, cho được tự-do độc-lập, họ muốn trở nên hùng-cường, cho được trở nên hùng-cường, họ phải bắt chước phỏng theo ít nhiều món của cái văn-minh Âu-châu kia đã lấy sức mạnh mà ấn đại vô nhà họ.

Những chế-độ học-thuật gì của Âu-châu mà họ xem ra Âu-châu được hùng-cường độc-lập bởi đó thì họ bắt chước phỏng theo có bấy nhiêu thôi. Ngoài ra, chính họ cũng sẵn có những món không kém thua ai, còn hay hơn nữa không chừng.

Ta nên hiểu cái chủ-nghĩa, cái thâm-tâm của Nhựt-bổn Âu-hóa là thế.

Trước hết, họ mượn của Âu-châu những cơ-quan mới lạ, cần dùng cho việc hộ-vệ non-nước, là lục-quân và hải-quân. Cho được giao-thiệp bằng vai ngang bực với các nước Âu Mỹ và chỉ tỏ ra họ cũng là một quốc-gia văn-minh tân-thời, họ bèn Âu-hóa những chế-độ chánh-trị và pháp-luật. Cho được làm nên công-cuộc duy-tân lớn lao, về xã-hội, về quân-sự, về kinh-tế, tất nhiên phải cần nhiều tiền, họ bèn vay mượn tiền bạc của các nước Tây-phương để dựng lên đại-thương-mãi và đại-công-nghệ theo Âu-hóa. Cho được Âu-hóa các chế-độ cơ-quan trong nước, Âu-hóa cả thương-mãi, công-nghệ, quân-sự; cho được tự mình đào-luyện ra cho mình có những tướng, những quân, những quan tòa, những thầy thuốc, những kỹ-sư, mỗi mỗi như Âu-châu, Nhựt bèn mở mang sắp-đặt một khuôn-khổ giáo-dục mới, một phần dựa vào khoa-học Âu-châu làm gốc.

Hết thảy những sự bắt chước đó đều phát-động ra bởi cái ý-chí can-cường của người Nhựt muốn trở nên mạnh để vẫn được tự-do, vẫn được tự-do để giữ lấy lối sanh-hoạt riêng, tư-tưởng riêng của mình từ xưa. Thì ra Nhựt-bổn chỉ Âu-hóa để đương đầu với Âu Mỹ cho dễ và để vẫn là Nhựt-bổn cho dễ đó thôi.

Bởi vậy, phần nhiều cái họ Âu-hóa chỉ như bao-phủ lơ thơ một lớp bề ngoài; lắm người Âu Mỹ thật thà không biết, tưởng đâu là Nhựt họ Âu-hóa không nên thân, Âu-hóa như hát khỉ; chớ kỳ-thiệt họ chủ-tâm Âu-hóa một cách có chừng vậy đó. Đến nay cũng thế, Âu-hóa trải 70 năm dư, mà nước Nhựt kim-thời vẫn ở bên cạnh với cổ Nhựt-bổn hơn là với kim Âu-châu (En tout cas, aujourd'hui encore, le Japon moderne reste plus voisin du vieux Japon que de la moderne Europe. - FÉLICIEN CHALLAYE).

Có lẽ không một người Tây-phương nào cho bằng ông giáo-sư Lafcadio Hearn thấy rõ tới những lằn xếp ở trong trái tim khối óc của dân-tộc Nhựt-bổn, là vì - như trên kia đã nói - ông ta sống làm giáo-

MỘT NGƯỜI BẢO-THỦ[sửa]

Muốn hình-dung ra cái hiện-tượng “hóa Tây giữ Đông” của dân-tộc Nhựt-bổn. Ông giáo-sư Lafcadio Hearn chép truyện một chàng thanh-niên con nhà Thần-đạo võ-sĩ của Nhựt ở giữa thế-kỷ 19, mà ông đặt tên là “Một người bảo-thủ”.

Thuở nhỏ, anh nầy cũng phải chịu sự giáo-dục nghiêm-khắc như con nhà võ-sĩ khác. Người ta rèn-tập ảnh phải chịu đói chịu lạnh cho quen. Người ta dạy dỗ ảnh cái đạo lập-thân xử-thế, bất cứ gặp cảnh-ngộ nào cũng phải ung-dung trấn-tỉnh, coi thường sự đau-đớn khổ-sở, xem khinh sự chết và đừng thèm sợ hãi gì hết. Bởi vậy, có bữa - cách giáo-dục lạ thay! - người ta dẫn ảnh đi xem một vụ xử trảm, căn dặn khi ngó thấy gươm chém đầu rơi, không được rùng mình biến sắc chút nào. Trở về, ảnh phải ăn một chén cơm chan canh đỏ tươi như sắc máu. Đến đêm, người ta sai ảnh ra chỗ xử trảm ban ngày mà tìm cái đầu rụng đó đem về. Cả ngày, anh chàng hết giờ luyện tập võ-nghệ, thì tới giờ nghiên-cứu Hán-văn, Nho-học và những triết-lý của Thần-đạo của Phật-giáo. Không bao lâu, anh chàng trở nên một người võ-dõng, lễ-độ, liêm-khiết, hâm-hở đem tấm-thân của mình cống-hiến cho nước, cho vua, cho đồng-bào, cho danh-dự.

Lúc nầy có đoàn tàu chiến của ngoại-quốc ra vô phấp-phới ở cửa biển Hoành-tân, Giang-hộ, hâm dọa bắt buộc Nhựt-bổn phải mở cửa thông-thương. Chàng thiếu-niên võ-sĩ ta thấy tổ-quốc bị khinh-khi như thế, thì khí phẫn-uất nổi lên đùng đùng. Nhưng không biết làm sao nhận chìm cả đoàn tàu của kẻ nghịch đi, tối ngày chàng khấn vái Thần Phật lấy phép linh xô đẩy ra khỏi bờ biển Phò-tang hay là dùng cách nào đánh chìm nó xuống đáy biển hết thảy. Cả dân-tộc cũng đều một lời khấn vái như chàng vậy. Song đoàn tàu vẫn trơ trơ bất động; Thần Phật làm ngơ. Liền đó, Mạc-phủ tới. Trào-đình, tự thú mình vô-lực để chống lại sức mạnh của người Tây-dương, bèn hạ lịnh cho nhơn-dân phải mau mau học lấy ngôn-ngữ và học-thuật Âu-châu. Vì sự sanh-tồn của quốc-gia quan-hệ ở đó; nếu không duy-tân cải-cách sớm lẹ, thì nguy cho nền độc-lập của dân-tộc quốc-gia.

Chàng thanh-niên võ-sĩ ta liền đi học tiếng Anh ở một hải-cảng bị buộc mở ra giao-thông lúc bấy giờ; chàng háo-kỳ, nên chăm-chỉ nghiên-cứu dọ hỏi cả những sự-tình của các nước Tây-phương. May sao gặp được một vị giáo-sĩ Thiên-chúa thấy chàng là người chí-sĩ, bèn đem lòng thương, dạy chàng học Thánh-kinh. Chàng tự suy-nghĩ trong trí, có lẽ tại người Âu-châu có một nền luân-lý rất cao, cho nên họ mới hùng-cường quái lạ như thế kia chăng. Vì tấm lòng ái quốc sai khiến, chàng trở nên tín đồ Gia-tô và vẫn cặm-cụi nghiên-cứu những học-thuật Âu-tây.

Lần hồi, chàng tự tỉnh-ngộ và tin quyết rằng tinh-thần khoa-học chống chõi với đạo-lý Gia-tô, và chống-chõi với cả những tôn-giáo tổ-truyền Nhựt-bổn nữa. Bảo rằng có một ông Thượng-đế chủ-tể võ-trụ và linh-hồn của mỗi người tràng-sanh bất-diệt, thì làm sao mà tin cho được. Chàng nghĩ trong trời đất không có cái tính thiêng-liêng nào hơn là cái tình người đối với người thì mới phải. Rồi đó chàng thôi không tín-ngưỡng đạo Gia-tô nữa. Bây giờ, muốn phán-đoán Âu-châu cho đúng, chàng quyết đi du-lịch quan-sát Âu-châu một phen.

Chàng qua ở quanh các nước Âu-châu rất lâu năm, tự mưu lấy sự sống của mình, cho nên hết làm việc bằng tay thì làm việc bằng não, cốt để kinh-nghiệm cho nhiều, và mắt ngó thấy mỗi sự vật gì, chàng cũng chịu khó tìm xét suy nghĩ đến nơi.

Thử hỏi sau cuộc du-lịch quan-sát đó, chàng thanh-niên võ-sĩ có cảm-giác và phán-đoán ra thế nào?

Té ra trước cặp mắt chàng xem xét, thì văn-minh Âu-châu có mở-mang thông-minh của con người ta một cách đáng sợ thiệt, nhưng nó vẫn thiếu giá-trị về tinh-thần. Cái chỉ tỏ ra đặc sắc của Âu Mỹ, chỉ là sức mạnh vật-chất của họ tràn lan mở rộng ra một cách dữ-dằn, do nơi một công cuộc cạnh tranh nhau gớm-ghiếc mà ra. Sự sống là một đám vật lộn tranh ăn giữa đàn beo sói. Kẻ mạnh và kẻ khôn-lanh làm cho thế-giới thành ra địa ngục cho những kẻ hèn-yếu. Thói xa-hoa hoang-phí vô độ của một bọn người bắt cả phần đông phải làm tôi mọi mà không biết thương-hại một chút nào. Còn biết bao nhiêu con người ta khổ-não tới nước những sự cần dùng thiết thân cho họ mà họ không có. Chỉ vì tánh dâm-lạc trong một vài giờ, mà thói kiêu-căng của bọn giàu có nhai nuốt mất cả công-lao nhọc-nhằn hàng mấy chục năm. Rồi chàng nghĩ bụng: “Bọn ăn thịt người ở đời văn-minh còn độc dữ bằng mấy bọn ăn thịt người ở chốn rừng rú, là vì chúng đòi thịt mãi, không biết bao nhiêu cho vừa!”

Mà hễ xã-hội càng lớn lên chừng nào, thì vực thẫm hang sâu đau-đớn khổ-sở của xã-hội đặt mình lên trên đó càng thêm sâu thẫm chừng nấy. Người Âu-châu chỉ biết tôn-trọng có sức mạnh mà thôi, coi sức mạnh như thần thánh; rõ ràng họ thờ-phượng những vị thần bạo-ngược đời xưa là Odin và Thor, mà đổi tên khác đi đó thôi. Cái thế-giới đó không còn có đức tín gì hết.

Rồi thì anh Nhựt-bổn nầy cả quyết xuống tàu trở về tổ-quốc đứng lên hô-hào đồng-bào dìu-dắt quần-chúng. Chương-trình hành-động của anh ta rất là đơn-giản:

- “Anh em chúng ta chỉ nên mượn của Âu-châu những cái gì cần dùng cho sự hộ-vệ tổ-quốc ta “mà thôi, còn thì ta vẫn phải giữ những cái tinh-hoa của văn-minh nước Nhựt cổ mới được”.

Câu chuyện tóm tắt đại-khái trên đây, thật khéo tả rõ ra cái chủ não Âu-hóa của dân-tộc Nhựt-bổn; nó không phải là tư-tưởng cố-chấp của một người đâu, chính là tấm gương chiếu rọi chung cả tinh-thần dân Nhựt vậy.

Quả thiệt, Nhựt-bổn họ chỉ cốt Âu-hóa để cho dễ chống-chõi với Âu-châu và cho dễ còn y là người Nhựt đó thôi.

XÃ-HỘI CHỦ-NGHĨA[sửa]

Trong thời-đại duy-tân, văn-hóa Thái-tây vang dội đến cuộc sanh-hoạt chánh-trị và xã-hội Nhựt-bổn, có hai cái sức mới, thế-lực rộng lớn: Xã-hội chủ-nghĩa và Phụ-nữ vận-động.

Xã-hội chủ-nghĩa truyền vô nước Nhựt vào khoảng 1890, nghĩa là sau lúc thực-hành duy-tân mới được 22 năm.

Những tín-đồ xã-hội chủ-nghĩa trước hết ở nước Nhựt chính là những người Nhựt tín-đồ Thiên-chúa. Lúc nào nước họ luôn mấy trăm năm ngờ vực cấm tuyệt đạo Thiên-chúa, tới chừng khai-quốc duy-tân, họ lại lợi-dụng ngay đạo Thiên-chúa và các ông cố đạo làm xe chở học-thuyết nọ chế-độ kia của Âu Mỹ đem qua cho họ.

Katamaya, nhà viết báo, Kinoshita, nhà văn-học, Abe, cựu giáo-sĩ và giáo-sư, đều là người truyền-bá xã-hội chủ-nghĩa đầu hết. Nhưng họ là người xã-hội chủ-nghĩa ôn-hòa, chịu ảnh-hưởng Tolstoi.

Có nhiều người khác tư-tưởng mạnh bạo hơn, như Sakai, chủ-trương phổ-thông đầu phiếu và Kotoku, cộng-sản, chủ-trương lấy tổng bãi-công làm khí-giới để đối phó với tư-bổn.

Các nhà xã-hội chủ-nghĩa Nhựt-bổn hoạt-động cũng hăng-hái: nào là dịch những sách của Marx, Engels và Kropotkine, nào là mở ra những báo-chí làm cơ-quan truyền-bá chủ-nghĩa xã-hội, nào là tổ-chức ra các cuộc mết-tinh, nào là xướng-khởi nhiều vụ bãi công. Kể tới tháng chạp năm 1904, xã-hội chủ-nghĩa mới hoạt động có 14 năm, mà họ bán được 15.000 cuốn sách dịch của Âu-châu, 200.000 tờ báo, 39.000 tập sách cổ-động, 120 cuộc đại-hội và lập ra nhiều chi-bộ ở trong 11 nơi có thợ khai mỏ và xưởng công-nghệ lớn lao.

Ban đầu chánh-phủ còn dung dưỡng, nhưng sau thấy chủ-nghĩa xã-hội có cái phong-trào vận-động cộng-hòa, tức là có ý-nghĩa phản-đối, cách-mạng, xâm phạm bất-kính với quyền tuyệt-đối của đức Thiên-hoàng. Bấy giờ chánh-phủ mới ra tay trừng-trị: tịch thâu, hủy đốt những sách của Marx; các báo xã-hội hơi nói quá một chút đều bị phạt vạ rất nặng, các ông trợ bút chủ-nhiệm thường bị kêu án tù năm mười năm, còn nhà in thì bị tịch-biên mất.

Sức đè xuống càng nặng, thì sức bùng lên càng nhiều. Năm 1910, vợ chồng Kotoku và mấy chục bạn đồng-chí xã-hội chủ-nghĩa rủ nhau sắp đặt ám-sát Minh-trị Thiên-hoàng và khởi loạn. Nhưng cơ-mưu bị bại-lộ; họ đều bị bắt. Ngày 24 janvier 1911, hai vợ chồng Kotoku và muời người nữa bị xử tử.

Dầu bị trừng-trị cấm ngăn mặc lòng, đảng-viên xã-hội Nhựt-bổn vẫn hoạt-động, vẫn tuyên-truyền, nhứt là trong đám thợ-thuyền, cho tới thanh-niên học-sanh và hạng trí-thức vô-sản cũng quy hướng chủ-nghĩa xã-hội rất nhiều.

Bắt đầu từ năm 1807, thợ mỏ ở Trường-kỳ bỏ việc, nắm đầu ông chủ và hai người lính cảnh-sát mà đánh gần chết, từ đó trở đi thợ thuyền Nhựt-bổn, chịu ảnh-hưởng xã-hội chủ-nghĩa, có tổ-chức thành ra liên-đoàn hẳn-hòi và tổ-chức ra những cuộc đình-công luôn luôn. Thợ-thuyền đàn bà cũng vậy.

Tinh-thần cách-mạng càng ngày càng bồng bột.

Bởi vậy các nhà cầm-quyền ở Nhựt-bổn vẫn lo sợ phong-trào cộng-sản tràn-lan qua nước mình. Họ phải chiếm-cứ Mãn-châu và tính xâm-đoạt cả Nội, Ngoại Mông-cổ nữa, là cốt đóng đường chận ngõ cộng-sản qua nước Nhựt đó.

Nhiều người Âu-châu xem xét tình-trạng Nhựt-bổn rồi nói trước rằng rồi đây thế nào cũng thực-hành một chế-độ cộng-sản mới, chế-độ cộng-sản Thiên-hoàng làm chủ, để cho được điều-hòa tấm lòng người ta trung-thành với cuộc dĩ-vãng và tấm lòng hâm-mộ những sự mới lạ đời nay.

Kỳ thiệt, dân Nhựt chỉ mượn chủ-nghĩa xã-hội để làm khí giới đối-phó với những tay quý-phái, nghiệp-chủ, phú-gia, không đè-nén ức-hiếp họ được nữa thôi, chớ không khi nào trong tâm-não họ mất được cái tinh-thần trung-nghĩa sùng-bái Thiên-hoàng. Vụ âm mưu của hai vợ chồng Kotoku đã nói sơ trên kia chỉ là chuyện muôn ngàn thuở vậy thôi. Từ đó tới nay gần ba chục năm trời, thỉnh thoảng vẫn có một vụ âm-mưu hay ám-sát có mục-đích chánh-trị chớ chẳng không, nhưng chỉ là đối với quan-liêu chánh-khách mà phát ra, còn đối với Thiên-hoàng, dầu kẻ gây biến làm phản tới đâu cũng vẫn là đặt cao trên đầu, coi như “thần-thánh bất khả xâm phạm”.

*

PHỤ-NỮ VẬN-ĐỘNG[sửa]

Địa-vị gia-đình và xã-hội của đàn bà Nhựt xưa kia cũng bó buộc thấp-thỏi như chị em nhà Nam chúng ta vậy. Cũng y như mình, sợi dây luân-lý nghiêm-khắc trói buộc họ không biết là mấy vòng: tứ-đức, tam-tòng, chức-nghiệp, tiết-tháo v.v. vòng nào cũng riết chặt lạ lùng. Đến đỗi đàn bà phải thờ Trinh-nữ-đạo 貞女道 thiêng-liêng như đàn ông phải thờ Võ-sĩ-đạo; một chương trên xa kia đã nói.

Song, tới lúc quốc-gia dân-tộc bước vào cõi duy-tân, mọi việc ùn ùn sửa đổi theo ảnh-hưởng văn-hóa Thái-tây, tự-nhiên địa-vị phụ-nữ cũng vậy.

Đồng thời với xã-hội chủ-nghĩa, phụ-nữ vận-động cũng xuất-hiện ở Nhựt. Nhờ nơi phụ-nữ tự-giác mạnh bạo, mà cũng nhờ nơi công-cuộc Minh-trị giáo-dục xô đẩy phần nhiều. Độc-giả đã thấy trong tờ sắc lịnh thề-nguyền duy-tân của Minh-trị, việc quan-hệ nhứt là việc quốc-dân giáo-dục, trai gái cũng thế.

Phụ-nữ giáo-dục vừa mới gây-dựng mở-mang theo cách-thức Thái-tây được mươi lăm năm, liền có phụ-nữ vận-động nổi lên. Các cô có học-thức mới, nhứt là các cô đi du-học Âu Mỹ về, xúm nhau tổ-chức hoạt-động, và có khi yêu-cầu ra mặt nữa, cho địa-vị và quyền lợi đàn bà được sửa-đổi theo thời.

Họ muốn sửa-đổi ít nhiều khoản ở trong luật-phép, phong-tục, mà trào-đình chánh-phủ phải chiều theo. Bởi vậy trong bộ Dân-luật mới thảo giữa hồi duy-tân, sự yêu-cầu của đàn bà được thỏa-mãn, như là nhứt định một vợ một chồng, bỏ hẳn thói tục đa thê ngày trước, lại cho đàn bà cũng được có sản-nghiệp riêng, và có quyền như đàn ông được đứng lên xin ly-hôn vì lẽ chồng có ngoại tình.

Về mặt chức-nghiệp, họ cũng được thỏa-nguyện và được bình-đẳng với đàn ông; nghĩa là các ty các sở, bất cứ công tư, đều mở rộng cửa cho viên-chức đàn bà. Họ cũng đậu đốc-tơ, mở bịnh-viện, hay là làm trạng-sư ngang vai đồng bực với đàn ông.

Duy có về mặt sửa-đổi phong-tục và luân-lý gia-đình, chị em bên Nhựt đã phải nhiều phen lao tâm khổ tứ, kêu gào chống-chõi lắm mới được. Họ không chịu cái lối hôn-nhơn “cha mẹ đặt đâu ngồi đó” nữa. Nhiều cô ra mặt phản-kháng gia-đình, không chịu lấy anh chồng do cha mẹ hay gia-đình lựa chọn, mà các cô không biết mặt-mày tâm-tánh và không thể nào thương. Ngoài đường, người ta thấy nam nữ học-sanh dắt tay nhau đi lại tự-nhiên; cái luân-lý “nam nữ thọ thọ bất thân, 男女授受不親 ” của thói Nho xưa, các cô đã hất đi xa lắc. Trong nhà, kính chồng chiều chồng đã đành, nhưng anh chồng lâm le ràng buộc các cô bằng những sợi dây luân-lý hà-khắc như xưa, thì các cô “cách-mạng” ngay, không chịu bị ép một bề.

Phụ-nữ vận-động lúc bấy giờ có nhiều tay kiện-tướng đứng ra xung phong đột trận, sốt sắng kêu gào. Nổi tiếng thứ nhứt là cô Ume Tsuda, giáo-sư trường Quý-tộc nữ-tử học-hiệu, đã nhiều lần thay mặt chị em đi dự mấy cuộc Phụ-nữ thế-giới đại-hội ở Âu-châu và Mỹ-châu.

Họ lập ra nhiều báo-chí làm cơ-quan cho phụ-nữ vận-động, làm chủ và viết bài toàn là đàn bà.

Có mấy cô có tư-tưởng cấp-tấn, muốn nhập phụ-nữ vận-động và xã-hội chủ-nghĩa làm một, để nâng cao địa-vị của phụ-nữ bình-dân, và sanh-kế quyền-lợi của họ; không phân giai-cấp. Phụ-nữ vận-động trải qua thời-gian không mấy, mà thâu được kết-quả khá nhiều; ngoài ra những kết-quả vật-chất, người ta thấy tinh-thần tự-do và bác-ái nhiễm sâu trong óc của các hàng phụ-nữ Nhựt, giàu sang nghèo hèn không còn là hàng rào cách biệt như xưa. Rất đỗi có những cô con gái quý-tộc, thà bỏ địa-vị sang giàu, thà bị bôi tên trong sổ quý-phái, để tự-do kết-hôn với một anh học trò nghèo, hay là một chú thợ bình-dân.

*

KINH-TẾ, LÝ-TÀI, CÔNG-NGHỆ, THƯƠNG-MÃI ĐỀU “ÂU-HÓA”[sửa]

Mấy việc kinh-tế, lý-tài, công-nghệ, thương-mãi, chẳng phải nhờ có ảnh-hưởng Thái-tây dội qua Nhựt-bổn mới có, mới biết đâu. Chỉ có thể nói rằng nhờ ảnh-hưởng Thái-tây khiến cho Nhựt-bổn mở mang sửa-đổi những việc ấy trở nên mới mẻ rộng lớn, theo thời-đại và theo Thái-tây.

Thiệt vậy, người Nhựt thuở xưa đã từng sanh-tồn về công-nghệ, ham chuộng ganh đua về công-nghệ. Họ có nhiều món công-nghệ đặc-biệt của họ. Nhứt là mấy món đại công-nghệ như dệt sơn, chạm, vẽ, họ vốn có căn-cơ và đặc-sắc lâu đời. Thương-mãi cũng vậy.

Thì năm sáu trăm năm trước người Nhựt đã vượt biển qua buôn bán ở Ấn-độ, Nam-dương quần-đảo, Xiêm-la, Việt-nam, các xứ ở quanh phương Đông, không mấy xứ không có dấu cẳng vết chưn của chú lái buôn Nhựt, ganh đua mạo-hiểm và thương-lợi với người Tàu. Nước ta, giữa đời nhà Lê, miền Bắc có Phố-hiến (thuộc tỉnh Hưng-yên bây giờ) là thành-phố buôn bán tụ tập các ngoại-thương, bên cạnh những tiệm buôn của người Hồng-mao, người Hòa-lan, người Tàu, có những tiệm buôn của người Nhựt. Miền Nam, thuở họ Nguyễn làm chúa, ở Hội-an (Faifoo, tỉnh-lỵ Quảng-nam bây giờ) cũng có người Nhựt tới mở tiệm mua bán, nhiều cậu lấy vợ An-nam đẻ con rồi chết chôn ở đó, mồ mả đến nay vẫn còn dấu-tích. Có lần một chiếc ghe buôn của họ gặp sóng gió đánh chìm ở hải-phận ta, hình như Mạc-phủ Nhựt-bổn lấy nghĩa bang-giao tương-trợ, viết thơ qua cầu trào-đình nước Nam giúp sức đóng dùm cho những người sống sót kia một chiếc ghe để họ về xứ. Họ phải ở lại chầu chực cả năm, quan ta và thợ mộc ta không sao đóng nổi chiếc ghe to lớn để vượt biển khơi như họ được. Nhắc mấy chuyện nầy lại cho biết xưa kia người Nhựt từng chuộng thương-mãi và mạo-hiểm thông-thương ra thế nào rồi.

Cho đến cơ-quan lý-tài, ta gọi là nhà băng hay ngân-hàng, không phải đợi tới giữa thế-kỷ 19, nước Nhựt cổ-thời đã có những nhà ngân-hàng lớn, sắp đặt theo cách cha truyền con nối. Xưa gọi là “Tiền-trang 銭莊 ”, nghĩa là một nơi đổi chác gởi gấm tiền bạc để mua bán, thì chính công việc nhà băng ngày nay.

Nổi tiếng nhứt là Tiền-trang nhà Tam-tĩnh (三井- Mitsui), tổ-tiên của nhà triệu-triệu-phú Tam-tĩnh (Mitsui) ở nước Nhựt bây giờ, làm chủ không biết bao nhiêu là nhà băng, xưởng tàu, mỏ than và những công ty buôn bán lớn, người ta gọi là ông vua lý-tài ở nước Nhựt, sản-nghiệp có lẽ giàu hơn ông vua dầu-hôi Rockefeller ở Huê-kỳ nhiều. Đường Chaigneau ở Saigon ta đây, ai đi qua để ý chắc thấy một nhà treo bảng “Tam-tĩnh dương-hàng (三井洋行 - Mitsui Youkou)” thì là một chi-nhánh của nhà Mitsui, hầu khắp thế-giới đều có chi-nhánh.

Nhà Tam-tĩnh mở ra công-cuộc buôn bán lớn lao ở Kinh-đô (Kyoto, nơi đóng-đô của vua Nhựt hồi xưa) từ thế-kỷ 16. Qua đến thế-kỷ 17, nhà nầy khéo sắp-đặt cách-thức giao-dịch chở-chuyên tiền bạc khắp trong nước Nhựt. Cuối thế-kỷ 17, Mạc-phủ Đức-xuyên phó-thác việc kiểm soát lý-tài cho nhà Tam-tĩnh. Tục-lệ nhà nầy, cha truyền con nối, trông coi sản-nghiệp và càng ngày mở-mang thêm giàu thêm lớn ra mãi; sự kinh-doanh và giàu lớn đã có trước khi Âu-hóa sang Đông. Đến thời-kỳ Minh-trị duy-tân, nhà Tam-tĩnh sắp-đặt sửa-sang lại công-cuộc kinh-doanh đồ sộ của nhà mình theo cách Âu-tây.

Xem sơ như vậy, là độc-giả đủ thấy trước hồi Minh-trị duy-tân, nước Nhựt từng có trí-thức riêng và căn-cơ thực-lực riêng của họ về kinh-tế, lý-tài, công-nghệ, thương-mãi rồi đó.

Nhờ có trí-thức và căn-cơ sẵn-sàng đó, thành ra đến lúc Âu-châu qua xông đại vô nhà Nhựt-bổn mà đánh thức họ vùng dậy, quanh quẩn không có bao nhiêu năm, đại-công-nghệ, đại-thương-mãi, đại-lý-tài của xứ họ mở-mang xây-dựng lên đồ sộ lạ lùng. Thì nền móng có sẵn rồi, họ chỉ có việc xây cao đắp rộng ra bằng vật-liệu mới và nhơn-công mới thôi. Nếu như canh-nông và tiểu-công-nghệ, tiểu-thương-mãi còn thấy những dấu-tích quang-cảnh Nhựt-bổn cổ-thời, nhưng kể toàn-thể, người ta có thể nói rằng tình-hình kinh-tế hoạt-động ở nước Nhựt đã Âu-hóa, Mỹ-hóa, tân-thời-hóa một cách sâu-xa lắm.

Bởi sự-thế không vậy không được; Nhựt-bổn phải Âu-hóa từ kinh-tế lý-tài cho đến thương-mãi công-nghệ xứ họ, cũng như họ đã Âu-hóa cả những lục-quân hải-quân, chánh-trị luật-pháp vậy. Ngay lúc mới bắt tay vào cuộc duy-tân, họ háo thắng và phấn-phát lạ-lùng: “Hễ Âu Mỹ có thứ gì thì ta cũng phải có thứ nấy, tổ-chức như họ, hùng-cường như họ, có thế mình mới tự-lập và tranh-hành với thiên-hạ được”.

Bấy giờ, phần nhiều là các ông phiên-vương chư-hầu trả đất nạp quyền lại nhà vua nhứt-thống rồi, đem vốn liếng tiền bạc ra lập những nhà máy nọ, hãng buôn kia, kinh-doanh các cuộc thương-mãi công-nghệ lớn lao. Từ năm 1872 trở đi, nhà băng dựng lên như nấm mọc, để giúp vốn cho người ta mở-mang chế-tạo buôn bán. Nhưng ban đầu, mọi việc kinh-tế lý-tài do sức dân và của dân hè nhau sắp-đặt xây-dựng mặc lòng, nhà-nước vẫn có quyền xem xét, chỉ bảo, dìu dắt, tức là thực-hành chánh-sách “Kinh-tế chỉ-huy” (Economie dirigée). Bên cạnh Minh-trị Thiên-hoàng, có một hội-đồng cố-vấn làm việc đêm ngày, gồm những người cẩn-thận sáng suốt và chuyên-môn về các vấn-đề kinh-tế, ngồi đó suy-nghĩ tìm-tòi, làm như ngồi cầm lái, để sai khiến cả bộ máy kinh-tế trong nước. Chủ-ý nhà-nước buổi đầu cốt trông nom chỉ dẫn cho dân, làm việc gì đều nên việc ấy, kẻo sợ có những người hấp-tấp nóng nảy quá mà làm hư việc đi, không những hao-tốn tài-lực của mình đã đành, còn e tổn-thương đến công-cuộc duy-tân của nhà-nước nữa. Sau mươi lăm năm kinh-tế chỉ-huy, nhà-nước mới để dân tự-do kinh-doanh hoạt-động. Một việc đó đủ chỉ tỏ cho người ta thấy công-cuộc Minh-trị duy-tân là một công-cuộc sắp-đặt, tính-toán rất kỹ-lưỡng chi-li, không có một mảy nào bơ thờ quên sót vậy.

Trên kia đã nói Nhựt phải nôn-nao Âu-hóa cả công-nghệ thương-mãi, là bởi sự-thế bắt buộc không vậy không được. Sự-thế bắt buộc để tranh-hành với thiên-hạ, mà cũng bắt buộc vì lẽ trăm công ngàn việc sửa-đổi có liên-lạc quan-hệ với nhau, mà sự cần dùng hơn hết chính là tiền bạc. Thiệt vậy, cho được thực-hành sửa đổi to lớn lạ lùng về quân-bị, về chánh-trị, về giáo-dục, như Nhựt đã làm thành-công kết-quả đó, Nhựt đã cần phải vung tay trút túi, xài những món tiền hao-tốn gớm ghê, tự-nhiên họ phải hối-hả mở-mang ra đại-công-nghệ và đại-thương-mãi theo như Âu-châu, để có tiền bạc dồi dào làm việc duy-tân.

Sự biến-hóa cải-cách như thế, chính là do nơi ý-chí sắt đá của giống người Nhựt muốn trở nên hùng-cường như người ta cho mau, để mình vẫn được độc-lập tự-do như xưa vậy.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này