Bệnh do brucella
Brucellosis là tên bệnh do vi khuẩn Brucella gây ra. Bệnh còn có các tên khác như sốt Malta , sốt làn sóng , bệnh của Bang (gọi tắt là bệnh Bang).... Đây là bệnh truyền lây giữa động vật và người được phát hiện vào thế kỷ 19. Vi khuẩn Brucella là nguyên nhân gây bệnh. Thức ăn, nước uống, chất độn chuồng, cơ thể gia súc mắc bệnh hay các sản phẩm có nguồn gốc từ gia súc bệnh không được xử lý đúng quy cách là nguồn lưu trữ mầm bệnh. Tiếp xúc hoặc ăn, uống các sản phẩm có vi khuẩn làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Trong lịch sử, vi khuẩn Brucella đã được sử dụng làm vũ khí sinh học. Cho đến nay brucellosis vẫn là một trong những vấn đề lớn trong nông nghiệp và y tế.
Mục lục
Vi khuẩn Brucella[sửa]
Brucella là vi khuẩn gram âm, có dạng hình que, không di động, kích thước 0,5 đến 0.7 X 0.6 đến 1.5 micro mét. Các loại brucella bao gồm B. melitensis gây bệnh cho cừu, dê; B. abortus gây bệnh cho bò; B. suis gây bệnh ở lợn; B. ovis nhiễm ở cừu; B. canis nhiễm ở chó; B. neotomae gây bệnh ở chuột hoang. Gần đây người ta tìm thấy B. cetaceae nhiễm các loài giáp xác và B. pinnipediae có khả năng gây bệnh cho các động vật có vú sống dưới nước. B. melitensis, B. abortus, B. suis và B. canis đã được chứng minh là có khả năng gây bệnh cho người. Bộ gene của 4 loại này cũng đã được xác định hoàn chỉnh. Các gene của Brucella nằm trên hai nhiễm sắc thể dạng vòng có kích thước 2,1 và 1,2 MB. Tỷ lệ các bazơ nitơ G và C chiễm khoảng 57%. Có độ tương đồng lớn (tới 90%) trong bộ gene của brucella gây bệnh trên các động vật khác nhau.
Brucella thuộc lớp Proteobacteria và ký sinh nội bào tùy tiện
Khi nuôi cấy mẫu máu lấy từ động vật bị nhiễm brucella có thể phát hiện được vi khuẩn. Theo các nhà vi sinh vật học, khi tìm vi khuẩn brucella từ máu cần chú ý phân biệt với vi khuẩn salmonella vì cả hai đều là vi khuẩn gram âm. Kiểm tra khả năng sản sinh enzym thủy phân urê có thể giúp cho việc phân biệt dễ dàng hơn (men này chỉ có trong giai đoạn đầu và không còn tìm thấy sau đó). Do vi khuẩn phát triển chậm trong môi trường nuôi cấy nên có khi phải tới 6 tuần mới có thể xác định được vi khuẩn. Ngày nay, nhờ những thiết bị trợ hỗ trợ trong các tủ cấy hiện đại có thể kích thích vi khuẩn phát triển trong vòng 7 ngày.
Lịch sử của bệnh[sửa]
Trong thời kỳ chiên tranh giữa quân đội Nga Hoàng và các nước đồng minh (gồm Pháp, Anh, Vương quốc Sardinia và đế chế Ottoman) vào những năm 1850, bệnh đã thu hút sự chú ý của các bác sỹ người Anh tại Malta. Nhà bệnh lý học David Bruce là người đầu tiên xác định bệnh vào năm 1887. Vi khuẩn gây bệnh, sau đó được mang tên ông (Brucella) và bệnh được gọi là Brucellosis [1]
Năm 1898, bác sỹ thú y người Đan Mạch có tên Bernhard Bang phân lập vi khuẩn gây bệnh nên từ đó và bệnh có một tên mới là Bệnh của Bang (Bang's diease) và hay được gọi tắt là bệnh Bang.
Năm 1905, Bác sỹ (đồng thời là nhà khảo cổ) Temi Zammit tại Malta xác định sữa chưa qua hấp khử trùng đúng quy cách là nguồn chứa mầm bệnh. Tên bệnh sốt Malta được gọi từ đó. Ở đại gia súc, bệnh còn có tên gọi là bệnh sẩy thai truyền nhiễm.
Một trong những triệu chứng điển hình của bệnh là lúc sốt lúc không và được tưởng tượng như "làn sóng" nên bệnh còn được gọi là sốt "làn sóng" hay "sốt sóng". Vào thế kỷ 20, tên bệnh sốt làn sóng và brucellosis thay thế dần tên cũ là sốt Malta và sốt Địa Trung Hải.
Năm 1989, các nhà thần kinh học Các tiểu vương quốc Ả rập phát hiện có mối liên hệ giữa bệnh với các biểu hiện thần kinh ở động vật và ngưới mắc bệnh.
Thời kỳ ủ bệnh và đường truyền lây[sửa]
Động vật và người có thể bị nhiễm vi khuẩn brucella qua các con đường:
- Tiếp xúc trực tiếp với gia súc mắc bệnh hay các cơ quan, phủ tạng của gia súc mắc bệnh
- Vi khuẩn có mặt trong sữa của gia súc cái mắc bệnh nên sữa không được hấp khử trùng đúng quy cách là chất chứa mầm bệnh và dễ làm lây lan bệnh.
- Các chất thải từ các lò mổ có thể trở thành nguồn lưu trữ mầm bệnh
- Bãi chăn thả, nước, cỏ dự trữ và nhiều loại thức ăn gia súc cũng là nơi có thể có mầm bệnh khu trú.
- Khi đã xâm nhập được vào cơ thể vật chủ qua đường tiêu hóa, vi khuẩn sẽ xâm nhập và cư trú tại các hạch bạch huyết cục bộ trong thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ ủ bệnh hay thời kỳ nung bệnh (từ khi vi khuẩn xâm nhập đến khi có thể phát hiện bệnh) có thể kéo dài hai tuần, có khi đến hai tháng hoặc lâu hơn. Chính vì vậy, các cá thể mang vi khuẩn (mang mầm bệnh) nhưng chưa phát bệnh là một trong những yếu tố làm phức tạp thêm cho công việc phòng chống bệnh.
- Sau khi xâm nhập vào máu, vi khuẩn sẽ có mặt tại các cơ quan như tử cung, bầu vú, nhau thai (đối với gia súc mang thai) và các hạch bạch huyết.
- Đối với đại gia súc, triệu chứng thường thấy là sẩy thai. Các triệu chứng thường không biểu hiện rõ ở các con cái mang thai và thường có một khoảng thời gian không phát hiện được kháng thể chống vi khuẩn trong máu kể từ khi bị nhiễm đễn khi biểu hiện triệu chứng của bệnh.
- Brucella có khả năng xâm nhập qua da của người nên tiếp xúc với gia súc hay các vật phẩm mang trùng cũng là nguy cơ nhiễm bệnh với người.
Bệnh ở đại gia súc[sửa]
Brucella abortus là nguyên nhân gây bệnh chính trên đại gia súc. Vi khuẩn được giải phóng trong khoảng thời gian trước, trong và sau quá trình đẻ hay khi bị sảy thai.
Khi bị nhiễm, tình trạng bệnh phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi của gia súc, tình trạng sinh sản (mang thai hay không mang thai, tuổi thai...), tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng v.v.
Số lượng vi khuẩn nhiễm vào cơ thể động vật cũng là yếu tố quan trọng. Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm Brucella abortus là sẩy thai, viêm khớp và sót nhau. Hai nguyên nhân chính dẫn đến sẩy thai là (1)hiện tượng tăng nồng độ alchohol trong nhau thai (chất này có tác dụng kích thích sự phát triển của vi khuẩn Brucella abortus tại nhau thai và bào thai và (2) trong dịch ối không có phản ứng kháng lại vi khuẩn.
Với các con đực, vi khuẩn thường cư trú tại các cơ quan thuộc bộ máy sinh sản như nang tuyến, ống dẫn tinh, dịch hoàn, dịch hoàn phụ (xem chi tiết tại đây).
Bệnh ở lợn[sửa]
Brucellosis ở chó[sửa]
Vi khuẩn gây bệnh: Brucella canis
Các con cái đang mang thai bị nhiễm vi khuẩn có thể bị sảy thai, chết thai. Các con sơ sinh cũng có thể bị chết nhưng đôi khi không có các triệu chứng rõ ràng. Có thể không sảy thai nhưng tỷ lệ thụ thai bị giảm (có thể do các phôi bị chết).
Ở các con đực: Dịch hoàn nhiễm vi khuẩn có thể dẫn đến vô sinh do kháng thể kháng tinh trùng được hình thành như là một phản ứng của cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Dịch hoàn bị sưng to, phù nề; da bao dịch hoàn cũng có các biểu hiện của viêm: sưng, nóng, đỏ, đau. Các cơ quan khác trong hệ sinh dục như tuyến tiền liệt, ống dẫn tinh và các cơ quan lân cận cũng rất dễ bị viêm.
Cả các con đực và cái bị bệnh đều có thể bị nhiễm trùng các đĩa đệm giữa các đốt sống dẫn đến triệu chứng đau cột sống (nhất là vùng hông), yếu chân sau và có khi bị liệt do các dây thần kinh xuất phát từ phần sau của tủy sống bị ảnh hưởng. Viêm giác mạc cũng có thể biểu hiện.
Nuôi cấy tìm vi khuẩn Brucella canis với các mẫu máu hay các cơ quan khác của chó không phải lúc nào cũng thực hiện được. Các bác sỹ thú y khuyên nên kiểm tra hàm lượng kháng thể của chó định kỳ (titer test) để xác định thời điểm tiêm vaccin cho chó.
Điều trị brucellosis cho chó cũng gặp khó khăn do vi khuẩn có thể ký sinh nội bào. Dùng phối hợp minocycline và streptomycin được cho là có hiệu quả điều trị cao nhất nhưng giá thành cao. Có thể dùng tetracyclin phối hợp với minocycline (hiệu quả điều trị thấp hơn). Tất cả các con vật mắc bệnh (kể cả những con đã được điều trị khỏi) đều phải được coi như các các thể mang trùng suốt đời. Chính vì vậy, tốt nhất là kiểm tra xem các "cô" "chú" chó có bị nhiễm vi khuẩn hay không trước khi phối giống. Đối với các cơ sở nuôi chó chuyên nghiẹp, việc kiểm tra để cho nhập đàn các cá thể mới cũng được chú trọng.
Một lưu ý cuối cùng! Brucella canis có thể gây bệnh cho người! Cần chú ý phòng ngừa (như mang găng tay, khâu trang, làm sạch các dịch tiết...) khi tiếp xúc để chăm sóc và điều trị cho chó nghi/hoặc bị bệnh.
Xem tiếp[sửa]
Liên kết ngoài[sửa]
1. http://www.cdc.gov/ncidod/diseases/submenus/sub_brucellosis.htm
2. http://www.who.int/topics/brucellosis/en/
3. http://www.medscape.com/viewarticle/444495
Tác giả[sửa]
Nguyễn Bá Tiếp - Xem các bài khác