Bác sỹ Thú y

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tên gọi[sửa]

Bác sỹ thú y (BSTY)

Tiếng Anh: Veterinary surgeon

Tiếng Anh Mỹ: Veterinarian

Tiếng Đức: Tierarzt, Doktor Veterinäre

Tiếng Pháp: Docteur vétérinaire

Tên gọi tắt ở nhiều nước (đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu): vet

Nguồn gốc của cách gọi từ chữ veterinae trong tiếng Latin (là gia súc cày kéo).

Đào tạo và cấp bằng ở nước ngoài[sửa]

Ở hầu hết các nước, nhất là các nước phát triển, danh hiệu nghề nghiệp Bác sỹ thú y dành cho những người đã qua quá trình đào tạo chính quy tại các trường Đại học thú y hay các khoa thú y của một trường đại học đa ngành hay đại học tổng hợp.

Do đặc thù của việc dạy và học nên chi phí để theo học và tốt nghiệp BSTY ở các nước phát triển thường cao. Thời gian học đại học thường kéo dài 6 năm trong đó có 2 năm học các kiến thức cơ bản và cơ sở (premedicine) và 4 năm đào tạo chuyên ngành. Chi phí cho thực hành (mua động vật thí nghiệm,hóa chất, dụng cụ và các bộ kít cho thí nghiệm) tốn kém nên học phí của sinh viên ngành thú y phải trả cao hơn mức học phí trung bình (thường mức học phí chỉ thấp hơn các ngành nghệ thuật, kiến trúc và tương đương học phí các ngành y, nha khoa, dược).

Sau khi hoàn thành tất cả các môn học (lý thuyết và thực hành), sinh viên phải qua một kỳ thi quốc gia để lấy bằng BSTY. Thường thì kỳ thi này rất khó khăn và không phải ai thi cũng đỗ vì nội dung thi bao trùm kiến thức của tất cả các năm học cộng với kỹ năng thực hành. Chỉ những người qua được kỳ thi này mới được phép hành nghề thú y (được khám bệnh, chữa bệnh cho động vật, được mở phòng khám thú y, được quyền ký các giấy tờ liên quan đến dịch bệnh...)

Quy định về chấp nhận bằng BSTY ở các nước cũng khác nhau. Những người có bằng của Anh và New Zealand thường được phép hành nghề tại Úc trong khi BSTY tốt nghiệp từ hầu hết các nước khác phải qua một kỳ thi tại Úc mới có thể được phép làm việc. Nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan... cũng có hệ thống công nhận tương đương bằng BSTY của nhau.

Tại Hàn Quốc, sau 6 năm học, sinh viên được cấp bằng cử nhân chuyên ngành thú y. Với bằng cử nhân này, sinh viên có thể làm việc trong các lĩnh vực sinh học, y sinh học... và có thể học tiếp sau đại học nhưng chỉ được phép hành nghề thú y khi vượt qua được kỳ thi lấy bằng BSTY vì thế mới có hiện tượng nhiều người đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ cũng chưa có bằng BSTY do sự khác biệt khi công nhận bằng cấp BSTY và những bằng cấp liên quan đến nghiên cứu khoa học thú y (thạc sỹ, tiến sỹ).

Nhìn chung các trường thú y tuyển không nhiều sinh viên cho mỗi khóa học. Số lượng tuyển sinh đầu vào chủ yếu thường dựa trên yêu cầu của xã hội căn cứ vào thông tin nghiên cứu thị trường lao động.

Các trường thú y có mối quan hệ mật thiết với các công ty sản xuất thuốc thú y, chế biến dược phẩm và vaccin, các công ty thực phẩm, công ty sản xuất cung ứng các thiết bị sinh y học, các hiệp hội chăn nuôi... Ngoài ngân sách nhà nước, các công ty là nguồn cung cấp tài chính cho đào tạo và nghiên cứu của các trường thú y...

Đào tạo và cấp bằng ở Việt Nam[sửa]

Ở Việt Nam ta, mọi việc có vẻ nhẹ nhàng hơn khi sinh viên thú y không phải đóng học phí cao hơn các ngành khác. Thi đỗ để vào học cũng dễ hơn do không có nhiều học sinh muốn chọn nghề liên quan đến công việc nhà nông nói chung và công việc của bác sỹ thú y nói riêng. Một lý do nữa là tên của ngành học cũng như của nghề không hấp dẫn, có vẻ không "hiện đại" như tên các ngành học khác.

Sau khi học từ 4,5 đến 5 năm và qua bảo vệ luận văn tốt nghiệp (trước đây có cả thi tốt nghiệp), sinh viên được cấp bằng BSTY và có thể làm việc ngay (tuy mức độ thành thạo trong nghề còn phụ thuộc vào mỗi người).

Để tham khảo danh mục các môn học trong chương trình đào tạo, bạn có thể đọc trang veterinary hoặc website của khoa thú y trường Đại học Nông nghiệp 1 [1].

Các trường đại học có đào tạo BSTY của nước ta bao gồm Đại học Nông nghiệp I (Gia Lâm, Hà Nội), Đại học Nông lâm (thuộc Đại học Thái Nguyên), Đại học Nông lâm (thuộc Đại học Huế), Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh (tại quận Thủ Đức), Đại học Cần Thơ, Đại học Tây Nguyên. Một số đại học mới đào tạo hoặc liên kết đào tạo trong những năm gần đây như Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), đại học Lương Thế Vinh (Nam Định)...Nếu không học đại học bạn có thể học cao đẳng ngành thú y tại các trường cao đẳng. Ngoài ra bạn có thể theo học trung cấp thú y tại nhiều trường Trung học chuyên nghiệp.

Cũng như các ngành khác, sau khi tốt nghiệp đại học bạn có thể học và nghiên cứu tiếp để lấy bằng thạc sỹ và sau đó là bằng tiến sỹ.

Do số lượng sinh viên ngành thú y ngày càng tăng (chủ yếu do nhu cầu và khả năng học đại học tăng nhanh) trong khi cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo ở các trường còn thiếu thốn (chưa nói đến hiện đại) nên quá trình đào tạo bác sỹ thú y của còn nhiều khó khăn. Các cơ sở đào tạo cũng đang có nhiều cố gắng để khắc phục điều này. Hơn nữa cũng phải nhìn nhận rằng hầu hết các trường đại học của ta đều có khó khăn về cơ sở vật chất đáp ứng đủ cho đào tạo bác sỹ, kỹ sư.

Công việc của BSTY[sửa]

Trước đây ta đã quen với hình ảnh các cán bộ thú y đạp xe đi tiêm động vật ốm hay thiến hoạn gia súc gia cầm cho bà con nông dân.

Ngày nay những bác sỹ thú y vẫn nhiệt tình với công việc đó nếu bà con cần vì đó chính là chuyên môn của họ. Nhưng thực tế ngoài những công việc này, bác sỹ thú y phải làm và có thể làm nhiều việc khác:

- Mở phòng khám thú y tư nhân: Nhiều BSTY (chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mở phòng khám thú y chữa bênh cho động vật cảnh).

- Làm việc trong các cơ quan ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn các cấp từ cơ sở đến trung ương.

- Làm việc trong các viện nghiên cứu như Viện chăn nuôi, Viện thú y, Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, Viện vệ sinh dịch tễ, viện KHKT Nông nghiệp,...

- Làm việc tại các trung tâm kiểm dịch như kiểm dịch tại các sân bay quốc tế, cửa khẩu, cảng biển, các phòng thí nghiệm thuộc các trung tâm kiểm dịch...

- Làm việc tại các công ty, nhà máy chế biến thực phẩm (công việc chủ yếu là kiểm tra chất lượng sản phẩm - KCS).

- Làm việc cho các chương trình phát triển nông thôn, phát triển cộng đồng của các tổ chức trong nước và tổ chức quốc.

- Nhiều BSTY mở các công ty sản xuất và phân phối thuốc thú y, vaccin, thức ăn gia súc, cùng với các kỹ sư chăn nuôi sản xuất và cung ứng con giống hay dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho vật nuôi...

- Đi dạy học (làm giáo viên) cũng là một công việc của BST. Nhiều BSTY sau khi tốt nghiệp trở thành giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và dạy các môn học liên quan đến chuyên môn họ đã được đào tạo. Có nhiều người trở thành giáo viên trong các trường phổ thông.

- Ở nhiều nước, BSTY có mặt trong các cơ quan an ninh với nhiệm vụ khám chữa bênh cho các động vật phục phụ an ninh quốc phòng như ngựa, chó nghiệp vụ hay các công việc nghiên cứu phòn chống vũ khí sinh học (xem bài về khủng bố sinh học)

Vai trò của BSTY[sửa]

Sau khi được bồi dưỡng các môn học về thú y học cơ bản (giải phẫu thú y, tổ chức phôi thai học, sinh lý học...); thú y học chuyên ngành (vi sinh vật, bệnh truyền nhiễm, dịch tễ học, bệnh nội khoa, bệnh ký sinh trùng, phẫu thuật ngoại khoa, dược lý thú y, độc chất học v.v.), BSTY tham gia vào mạng lưới phòng chống dịch bệnh động vật nông nghiệp, động vật cảnh; an toàn thực phẩm và phòng bệnh cho người.

Thú y và khoa học thú y phối hợp với các ngành y tế, sinh học trong sản xuất và kiểm định vacxin, kiểm định dược phẩm hay nghiên cứu đa dạng sinh học và bảo tồn quỹ gene....

Đặc biệt tong bối cảnh giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, dịch bệnh từ một địa điểm bất kỳ trên thế giới có thể trở thành hiểm họa toàn cầu một cách nhanh chóng. Trong xã hội công nghiệp và ô nhiễm chất thải, con người có thể trở thành nạn nhân của các vụ ngộ độc bất kỳ lúc nào nếu không có những hiểu biết để đề phòng ngừa nên BSTY cùng với BS Y khoa và những nhà nghiên cứu y sinh học có "thêm nhiều việc để làm hơn"...

Vì những lý do kể trên và nhiều lý do khác nữa nên những lĩnh vực nghiên cứu của thú y và khoa học thú y cũng như BSTY không thể thiếu trong đời sống của chúng ta.

Một số đóng góp của BSTY cho nhân loại[sửa]

Các BSTY trên thế giới phát hiện oncovirus, nghiên cứu phân lập Salmonella, Brucella, nhiều yếu tố gây bênh khác.

Các BSTY nước ta và các nước khác luôn đi tiên phong trong việc phòng chống dịch bệnh cho động vật để góp phần ổn định an ninh lương thực; ngăn ngừa dịch bệnh lây nhiễm sang người.

Ở Mỹ, BSTY có đóng góp cực kỳ quan trọng trong nỗ lực chung dập tắt dịch xuất huyết và virus sông Nile.

BSTY là người đầu tiên nghiên cứu phát hiện chất chống đông ứng dụng điều trị bệnh tim ở người (BSTY. Frank Schofiel của Canada), xem Hình:BSTY Schofield.pdf.

Phát triển phương pháp phẫu thuật khớp chậu, kỹ thuật chuyển ghép tạng để ứng dụng trong y học.

Nghiên cứu phát triển nhiều phương pháp ứng dụng trong y học, bảo về môi trường...

....

Cũng như những nghề khác, thành công của BSTY phụ thuộc vào lòng yêu nghề và khả năng của mỗi người!

Nguyễn Bá Tiếp

Liên kết đến đây