Bệnh thán thư (hại bắp)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh thán thư hại bắp được gây ra do nấm Colletotrichum graminicola.

Bệnh còn được gọi là bệnh đén. Bệnh có tên tiếng Anh là anthracnose, Colletotrichum top dieback and stalk rot.

Lịch sử, phân bố, thiệt hại[sửa]

Bệnh phổ biến khắp năm châu trên Trái Đất. Trước năm 1960, bệnh này không quan trọng. Hiện nay, bệnh trở nên gây hại nghiêm trọng trên thân và lá bắp trồng ở Hoa Kỳ; bệnh lan rộng từ miền Đông Nam đến vành đai bắp phía Tây Hoa Kỳ.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh đã làm giảm 17,2% năng suất của một số giống bắp lai có chủng bệnh. Vào năm 1975, 78% ruộng bắp trồng ở Illinois bị nhiễm bệnh này. Bệnh cũng gây hại trầm trọng ở châu Âu và Ấn Độ. Bệnh càng trầm trọng khi có sâu đục thân bắp và tuyến trùng tấn công cây bắp.

Bệnh thường xảy ra ở ruộng bắp có ẩm độ cao, có thể làm giảm 50% năng suất hạt.

Thân cây bệnh có thể bị phụ nhiễm nấm Diplodia zeae Gibberella zeae.

Triệu chứng và tác nhân gây bệnh[sửa]

Bệnh thường xuất hiện trên lá cây bắp còn nhỏ. Đốm bệnh ướt, màu nâu hay xám trắng, hình cầu hoặc hình bầu dục kéo dài và nhọn ở hai đầu, với kích thước thay đổi. Lá bệnh héo dần rồi chết. Bệnh làm cây con lùn. Ở cây lớn, thân có thể bị mất màu do có nhiều vệt nhỏ, màu đen nằm ngay bên trong lớp biểu bì, mô thân bị thối. Bệnh còn làm thối rễ. Hạt có sọc đen và có thể có các đĩa đài (acervuli) xuất hiện trên hạt, hạt nảy mầm kém.

Mức độ nhiễm bệnh ở hạt có liên quan mật thiết đến mức độ nhiễm bệnh ở cây con.

Nấm bệnh tạo nên các đĩa đài (acervuli) màu nâu sậm, có dạng tròn hoặc dạng trái xoan (oval), với các phụ bộ hình gai màu đen mọc trên đốm bệnh.

Bào đài đính không màu. Bào tử đính cũng không màu, không vách ngăn, có hình trụ với kích thước 4,9-5,2 x 26,1-30,8 μm.

Trước đây, có các ghi nhận cho biết loài nấm này có nhiều dòng gây hại khác nhau, nhưng kết quả gần đây nhất cho thấy không có sự hiện diện các dòng nấm khác nhau của loài nấm này.

Mầm bệnh được lan truyền qua hạt giống và xác cây bắp trên mặt đất. Mầm bệnh có thể lưu tồn ít nhất là hai năm trong hạt. Từ cây bệnh hoặc xác cây bệnh, bào tử nấm bệnh được phóng thích vào không khí và đất rồi lây lan.

Ngoài cây bắp, nấm bệnh còn tấn công trên lúa miến, lúa mì, lúa mạch và nhiều loài cỏ.

Biện pháp phòng trị bệnh[sửa]

Dùng giống kháng bệnh: giống kháng được bệnh có thể do đa gene điều khiển.

Luân canh và vùi sâu xác cây bệnh.

Chọn hạt giống tốt. Có thể kiểm tra hạt bằng cách ủ hạt rồi quan sát bằng mắt thường, nếu hạt bị nhiễm bệnh thì các đĩa đài có thể xuất hiện trên hạt.

Khử hạt. Có nhiều loại thuốc trừ nấm phun lên lá đã được thử nghiệm nhưng không có hiệu quả trong việc phòng trị bệnh này.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về bệnh hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ giáo trình Bệnh chuyên khoa (tác giả: Võ Thanh Hoàng, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: không rõ).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://www.ctu.edu.vn/colleges/agri/gtrinh/