Bệnh thối thân và trái (hại bắp)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh thối thân và trái hại bắp được gây ra do vi khuẩn Erwinia chrysanthemi pv. zeae.

Bệnh có tên tiếng Anh là stalk and ear rot, hoặc bacterial top and stalk rot.

Lịch sử, phân bố, thiệt hại[sửa]

Bệnh hiện diện khá phổ biến ở Brazil, Mỹ, Ai Cập, Hy Lạp, Israel, Zimbabwe, Ấn Độ, Malaysia, Úc, Nam Phi. Đây là bệnh hại chính trên bắp trồng ở vùng nhiệt đới cận nhiệt đới, đặc biệt gây hại nghiêm trọng trong điều kiện có nhiệt độ và ẩm độ cao. Ở Ấn Độ, khi cây được chủng bệnh nhân tạo, có 80-85% cây bị nhiễm bệnh và 92% năng suất bị thất thu.

Đây là bệnh gây hại tương đối quan trọng và phổ biến trên các ruộng bắp ở đồng bằng sông Cửu Long vào đầu vụ hè thu.

Triệu chứng và tác nhân gây bệnh[sửa]

Thân và bẹ có triệu chứng như bị dập nhũn nước. Các lá dưới chết sớm, sau đó, mô cây bệnh có màu hơi nâu, bị thối mềm, chỉ còn lại những sợi mạch. Rễ trái cũng có thể bị tấn công.

Bệnh thường xuất hiện ở phần gốc, làm cây bị gãy ngang, hoặc bệnh xuất hiện ở phần đọt, làm đọt thối.

Tác nhân gây bệnh[sửa]

Vi khuẩn thuộc nhóm Gram âm, không tạo bào tử, có hình que, kích thước 1,2-3 x 0,5-1 μm hoặc 0,8-1,7 x 0,6-0,9 μm, di động được nhờ vào các chiên mao ở khắp tế bào cơ thể. Trên môi trường AGM (agar-glucose-meat), các vi khuẩn mọc thành các khuẩn lạc màu xám trắng và bóng loáng.

Vi khuẩn làm cho mô cây rã ra và gây mùi thối đặc biệt, giống như ở Bệnh thối nhũn (hại cải). Chúng có khả năng xâm nhập qua vết thương, có thể lưu dẫn lên đọt hoặc xuống rễ, có thể sống sót ở xác cây bệnh trong thời gian từ 27-36 tuần lễ ở 10-30°C và ở ẩm độ là 81-98%. Mầm bệnh không được lưu tồn trong hoặc trên hạt. Mầm bệnh còn được lan truyền mạnh mẽ qua các nguồn nước. Mầm bệnh có phổ ký chủ rộng và có tính biến động cao.

Biện pháp phòng trị bệnh[sửa]

  • Dùng giống kháng bệnh. Tính kháng được bệnh là do cây có lượng phenol cao.
  • Không bón nhiều phân đạm. Phát hiện sớm và thiêu hủy cây bệnh.
  • Phun thuốc ngừa bệnh bằng nước Chlor 100 ppm, định kỳ hai tuần/lần cho đến khi trổ hoa. Cũng có thể phun ngừa và trị bệnh bằng calcium hydroxide Streptomycin.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về bệnh hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ giáo trình Bệnh chuyên khoa (tác giả: Võ Thanh Hoàng, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: không rõ).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://www.ctu.edu.vn/colleges/agri/gtrinh/