Bệnh than đen (hại bắp)
Bệnh than đen hại bắp được gây ra do nấm Ustilago maydis.
Bệnh có tên tiếng Anh là corn smut, common smut, boil smut, blister smut.
Mục lục
Lịch sử, phân bố, thiệt hại[sửa]
Bệnh phổ biến ở các vùng trồng bắp trên thế giới và gây hại khá nghiêm trọng khi gặp điều kiện thuận hợp.
Trong những năm của thập niên 1920, bệnh đã thường xuyên gây thất thu từ 5-10% năng suất bắp trồng ở Hoa Kỳ. Ngày nay, mức thất thu do bệnh này đã giảm, chỉ còn ít hơn 1%, tuy nhiên, bắp ngọt thường bị gây hại nhiều hơn các nhóm bắp khác. Ở miền Bắc Việt Nam, thiệt hại về năng suất có khi lên đến 30-40%.
Kết quả điều tra ở 12 hạt thuộc bang Minnesota (Mỹ) vào năm 1977, cho thấy có từ 3,3-16,6% cây bị nhiễm bệnh này. Bệnh ít gây hại ở Anh, Úc và Ấn Độ.
Triệu chứng và tác nhân gây bệnh[sửa]
Trên thân, lá, cờ và trái có những bướu to. Bướu có màu trắng, xám, hồng rồi đen, bên trong chứa nhiều bào tử bì màu đen (chlamydospores) hoặc bào tử đông (teliospores) màu nâu đen. Các bướu vỡ ra và phóng thích bào tử, bào tử được gió đưa sang cây khác hoặc tiềm sinh trong đất. Cây con bị nhiễm bệnh có thể chết sớm. Hạt bị nhiễm bệnh sẽ trở thành bướu (gall).
Các thể sinh sản (sori) được thành lập dưới dạng các bướu bất thường trên lá, thân hoặc trên các phát hoa; Kích thước bướu rất thay đổi: bướu dài từ dưới 1-10 cm.
Bào tử đông hình cầu hoặc hình ellipse, bề mặt có gai nhỏ, đường kính 8-11 μm; khi nảy mầm cho ra 4 hoặc nhiều hơn 4 bào tử đãm (sporidia, basidiospores). Bào tử đãm không màu (hyaline) và có dạng hình thoi. Bào tử bì có thể lưu tồn rất lâu (7 năm) trong đất và hạt.
Mầm bệnh tấn công vào cây con, làm cây bị chết ngay hoặc bệnh phát triển theo sự phát triển của cây và tạo ra triệu chứng khi cây bước vào giai đoạn sinh dục. Ngoài ra, bào tử bì còn có thể xâm nhiễm vào cây lúc trổ cờ. Cây dễ bị nhiễm bệnh khi cây bị sâu đục thân tấn công, khi gốc cây bị thương tích hoặc khi bẻ cờ lúc chọn tạo giống. Mô tế bào nhiễm bệnh sẽ có lượng amino acid tự do (như glutamic acid, alanine, glycine) tích tụ cao, nhưng khi bướu được hình thành thì glycine và alanine sẽ giảm, còn glutamic acid vẫn cao hơn bình thường.
Sự biến động của nấm bệnh là do sự thay đổi về khả năng gây bệnh và đặc tính của nó trong môi trường nuôi cấy.
Sự lan truyền bệnh: trong đất, các bào tử đông nảy mầm sinh ra các bào tử đãm. Bào tử đãm nhờ gió phát tán, gặp ký chủ sẽ tiếp tục chu kỳ gây bệnh, đây là nguồn lây lan chủ yếu của bệnh này. Vào năm 1977, đã có ghi nhận chi tiết cho rằng hạt bệnh cũng là nguồn lan truyền bệnh quan trọng, nhưng sau đó điều này không được công nhận nữa, có nghĩa là mầm bệnh ở hạt giống không phải là nguồn lây lan chủ yếu.
Biện pháp phòng trị bệnh[sửa]
Vệ sinh đồng ruộng: thu dọn cây bệnh trước và sau vụ mùa, loại trừ các bướu bệnh bằng cách cắt bỏ bướu khi chúng mới xuất hiện.
Hạn chế các vết thương cơ học gây ra trên cây, ngăn ngừa sâu đục thân.
Cày sâu, phơi đất, bón phân cân đối. Áp dụng biện pháp luân canh với chu kỳ 2-5 năm cho những nơi bị bệnh nặng thường xuyên.
Dùng giống kháng bệnh. Chọn hạt giống từ cây mạnh. Có thể kiểm tra hạt giống trước khi gieo trồng, bằng phương pháp rửa hạt: cho hạt vào nước vô trùng, lắc mạnh trong 15 phút rồi ly tâm (3.000 vòng/phút), quan sát chất lắng, dưới kính hiển vi, để phát hiện bào tử đông.
Khử hạt bằng hỗn hợp Carboxin và Thiram hoặc bằng Benomyl, hoặc bằng cách xông hơi nước nóng 45°C trong 3 giờ hoặc 47°C trong 2 giờ.
Việc phun thuốc trừ nấm bệnh chỉ giới hạn được phần nào tác hại của bệnh.
Phòng trừ sinh học: các nghiên cứu về vi khuẩn đối kháng đã được tiến hành trong những năm của hai thập niên 1930 và 1940, nhưng sau đó, công trình này không được tiếp tục nữa.
Hiện nay, người ta phát hiện có một loài amip và loài myxobacterium có khả năng trừ được nấm bệnh U. maydis trong đất.
Ghi chú[sửa]
Nội dung về bệnh hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ giáo trình Bệnh chuyên khoa (tác giả: Võ Thanh Hoàng, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: không rõ).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.