Cấp cứu sơ sinh/Co giật
Co giật ở trẻ sơ sinh tương đối khó chẩn đoán ở khoa cấp cứu. Bệnh sử có thể chỉ là người nhà lo lắng vì thấy trẻ hoạt động không bình thường hoặc ngủ nhiều hơn bình thường. Vỏ não trẻ sơ sinh chưa trưởng thành cho nên co giật có thể không biểu hiện toàn thân hoặc không có cơn co giật-tăng trương lực điển hình. Các triệu chứng thường gặp có thể là mút lưỡi, vận động mắt hoặc lưỡi bất thường, duỗi chân bàn chân tư thế bàn đạp, ngưng thở. Bảng 6 mô tả một số nguyên nhân gây co giật thường gặp theo từng lứa tuổi. Trong mỗi cột, thứ tự từ trên xuống chỉ mức độ thường gặp của nguyên nhân bệnh.
Bảng 6: Những nguyên nhân gây co giật thường gặp ở trẻ sơ sinh | |||
Ngày đầu tiên | Ngày thứ hai | Ngày 4 đến tháng thứ 6 | |
Thiếu ôxy não | Nhiễm trùng huyết | Hạ calci máu | |
Chấn thương | Chấn thương | Nhiễm trùng | |
Xuất huyết nội sọ | Lệch lạc CH bẩm sinh | Hạ/tăng natri máu | |
Thuốc | Hạ đường máu | Ngưng thuốc | |
Nhiễm trùng | Hạ calci máu | Lệch lạc CH bẩm sinh | |
Hạ/tăng đường máu | Hạ/tăng natri máu | Tăng phosphate máu | |
Thiếu pyridoxine | Tăng phosphate máu | Bất thường não bẩm sinh | |
Ngưng thuốc | Tăng huyết áp | ||
Bất thường não bẩm sinh | |||
Tăng huyết áp | |||
Co giật sơ sinh có tính gia đình lành tính |
Xử trí cấp cứu ban đầu bao gồm ổn định bệnh nhân theo các bước ABC, đường máu tại giường, điện giải đồ. Điều trị ngay lập tức hạ đường huyết (< 40 mg/dL) bằng 2-4 ml/kg dextrose 10%. Nếu hạ đường huyết là nguyên nhân của co giật và triệu chứng có giật mất đi sau bơm đường thì cần đặt đường truyền tĩnh mạch duy trì để ngăn ngừa các cơn co giật tiếp theo. Các xét nghiệm cận lâm sàng khác bao gồm CTM, cấy máu, chức năng gan. Vì có từ 5% đến 10% tất cả các trường hợp co giật sơ sinh có nguyên nhân nhiễm trùng nên cần làm các xét nghiệm xác định NTH khi tình trạng bệnh đã ổn định. Thuốc sử dụng đầu tiên nên là lorazepam 0.1 mg/kg TM. Thuốc có thể lặp lại 2 đến 3 lần trước khi chuyển sang dùng thuốc chọn lựa thứ hai là phenobarbital. Thuốc lựa chọn hàng thứ ba là phenytoin hoặc fosphenytoin tĩnh mạch. Tuy nhiên tại đa số các khoa cấp cứu ở Việt Nam, thuốc cắt cơn thường có là diazepam (seduxen, valium). Đây cũng là thuốc cắt cơn tốt nhưng có nhiều tác dụng phụ hơn so với lorazepam.
Bảng 7: Liều lượng các thuốc sử dụng trong điều trị co giật sơ sinh | |||
Các thuốc thuộc nhóm benzodiazepine | |||
Lorazepam | 0,05 – 0,1 mg/kg TM | ||
Diazepam | 0,2 – 0,3 mg/kg TM hoặc 0,5 mg/kg bơm trực tràng | ||
Midazolam | 0,1 mg/kg TM hoặc 0,2 mg/kg IM | ||
Phenobarbital | Khởi đầu 20 mg/kg TM sau đó lặp lại 10 mg/kg TM mỗi 10 phút (tối đa 50-60 mg/kg) | ||
Phenytoin/fosphenytoin | 14 – 20 mg/kg TM |
Cần điều chỉnh rối loạn điện giải nếu có. Rối loạn thường gặp nhất là hạ natri máu nặng (<125 mmol/L) và hạ calci máu (calci toàn phần < 1,75 mmol/L hoặc calci ion hóa < 0,63 mmol/L). Điều chỉnh hạ natri máu bằng 5-10 ml/kg TM dung dịch NaCl 3% và điều chỉnh hạ calci máu bằng 1-2 ml/kg TM dung dịch calcium gluconate 10%.
Trong trường hợp nghi ngờ NTH cần cho kháng sinh phổ rộng ngay. Một khi trẻ đã được ổn định, cần chỉ định xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh thần kinh TW. Bệnh nhân cần nhập viện hoặc chuyển lên tuyến trên nơi có đầy đủ phương tiện điều trị.