Cấp cứu sơ sinh/Các cấp cứu bụng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nôn mửa ở giai đoạn sơ sinh cần lập tức được xem là một quá trình bệnh lý. Rất khó chẩn đoán phân biệt giữa những nguyên nhân nặng đe dọa tính mạng với một tình trạng viêm dạ dày ruột cấp bình thường hoặc thậm chí với một hội chứng trào ngược dạ dày-thực quản. Các triệu chứng ban đầu có thể không đặc hiệu. Chất nôn có dịch mật luôn luôn là một tình trạng ngoại khoa. Sau đây là một số cấp cứu cần nghĩ đến trước một trẻ sơ sinh có nôn:

8.1. Xoắn ruột[sửa]

Ruột xoay không toàn toàn trong thời kỳ bào thai dẫn đến một phần ruột không được cố định vào thành bụng sau. Đoạn ruột không được cố định này có tính di động cao và có nguy cơ xoắn gây nên thiếu máu ruột và hoại tử. Ruột xoay không hoàn toàn có tần suất 1/5000 trẻ sinh sống và thường được chẩn đoán trong tháng đầu sau sinh. Các triệu chứng báo động gồm nôn mửa có dịch mật, bú kém, suy nhược và sốc trong trường hợp nặng.

Xử trí ban đầu gồm ổn định bệnh nhân theo các bước ABC, hồi sức bù dịch, đặt sonde mũi-dạ dày và mời bác sĩ ngoại nhi. X quang ổ bụng có thể bình thường hoặc có dấu hiệu tắt ruột non, hoặc hình “hai bóng hơi” kinh điển. Chụp cản quang đường tiêu hóa trên là tiêu chuẩn vàng của chẩn đoán tuy nhiên siêu âm bụng cũng có giá trị chẩn đoán rất tốt nếu bác sĩ siêu âm có tay nghề tốt và có nhiều kinh nghiệm.

8.2. Megacolon nhiễm độc[sửa]

Megacolon nhiễm độc hoặc viêm ruột nhiễm độc là biểu hiện đe dọa tính mạng của bệnh nhân mắc bệnh Hirschsprung. Bệnh Hirschsprung có tần suất khoảng 1 trên 5000 trường hợp sinh sống và thường không được nhận diện sớm vì trẻ thường có táo bón và có diễn tiến “lành tính”. Bệnh sử táo bón, đặc biệt khi trẻ chậm đi phân su trong 24 giờ đầu tiên sau sinh củng cố nghi ngờ chẩn đoán bệnh Hirschsprung. Các triệu chứng bao gồm bú kém, nôn mửa, kích thích quấy khóc, bụng chướng và đi cầu ra máu. Sốc có thể xuất hiện khi bệnh đã tiến triển thành viêm ruột.

Xử trí ban đầu bao gồm ổn định bệnh nhân theo các bước ABC, hồi sức bù dịch và sử dụng kháng sinh phổ rộng. Chụp X quang bụng có thể phát hiện một đoạn đại tràng giãn to. Hội chẩn bác sĩ ngoại nhi. Khi có biểu hiện viêm ruột, bệnh nhân cần chuyển đến khu chăm sóc tích cực.

8.3. Viêm ruột hoại tử sơ sinh[sửa]

Theo kinh điển, viêm ruột hoại tử (Necrotizing EnteroColitis NEC) là bệnh của trẻ sơ sinh đẻ non được chẩn đoán tại đơn vị chăm sóc tích cực sơ sinh. Tuy nhiên bệnh vẫn có thể xảy ra ở trẻ đủ tháng sau khi xuất viện. Những trẻ sơ sinh này có biểu hiện giống như viêm ruột do bệnh Hirschsprung. Hình ảnh có bóng hơi trên thành ruột hoặc hơi trong tĩnh mạch cửa có giá trị chẩn đoán viêm ruột hoại tử.

Xử trí bao gồm ổn định bệnh nhân theo các bước ABC, hồi sức bù dịch và đặt ống sonde mũi-dạ dày, sử dụng kháng sinh phổ rộng, hội chẩn bác sĩ ngoại nhi và bác sĩ hồi sức nhi-sơ sinh.

8.4. Hẹp phì đại môn vị[sửa]

Cần nghi ngờ hẹp phì đại môn vị (Hypertrophic Pyloric Stenosis HPS) ở một trẻ sơ sinh có biểu hiện nôn vọt thành vòi. Bệnh này tương đối thường gặp với tần suất 1/250 trẻ sinh sống. Tỉ lệ nam:nữ là 4:1. Bệnh này cũng thường gặp hơn ở con trai đầu tiên. Rối loạn điện giải kinh điển là nhiễm kiềm chuyển hóa do hạ chlor máu hạ kali máu hiện nay không thường gặp do trẻ thường được chẩn đoán và xử trí sớm trước khi rối loạn này xuất hiện. Trẻ thường nôn không có dịch mật và nôn sau khi ăn. Trẻ sơ sinh được sử dụng erythromycin uống trong giai đoạn sớm cũng làm tăng tần suất mắc HPS. Siêu âm giúp chẩn đoán dễ dàng HPS khi nghi ngờ trên lâm sàng. Dấu hiệu quả oliu khi thăm khám và nhu động ruột ở một phần tư trên phải của bụng cũng có thể hiện diện nhưng không còn nhiều như trước kỷ nguyên siêu âm. Chẩn đoán xác định trên siêu âm khi phát hiện môn vị dày và dài. Chụp cản quang đường tiêu hóa trên có thể phát hiện dấu đường chỉ. Xét nghiệm cận lâm sàng gồm CTM, điện giải đồ và nếu cần có thể làm khí máu.

Xử trí cấp cứu ban đầu gồm ổn định bệnh nhân theo các bước ABC, điều chỉnh rối loạn nước, điện giải và cân bằng toan kiềm nếu hiện diện. Mặc dù xử trí chuẩn là phẫu thuật nhưng cũng có nhiều nghiên cứu điều trị HPS bằng atropin cũng cho kết quả khả quan.

Liên kết đến đây