Chăm sóc vết mổ tầng sinh môn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Rạch tầng sinh môn là thủ thuật cắt một đường ngắn ở đáy chậu, là vùng giữa hậu môn và bộ phận sinh dục. Phẫu thuật này được tiến hành trên phụ nữ mang thai để giúp đẩy thai nhi ra dễ hơn trong khi sinh. Đáy chậu là nơi thường xuyên ẩm ướt và kín nên dễ dẫn đến nhiễm trùng hoặc vết thương chậm lành. Tuy nhiên bạn chỉ cần thực hiện một vài phương pháp đơn giản để giảm rủi ro nhiễm trùng, bớt khó chịu và đau.

Các bước[sửa]

Cách giảm đau[sửa]

  1. Hỏi bác sĩ về các loại thuốc giảm đau có thể sử dụng. Nhiều loại thuốc không phù hợp với phụ nữ đang cho con bú vì thuốc sẽ đi vào sữa mẹ,[1] do đó bạn nên nhờ bác sĩ hướng dẫn những loại thuốc giảm đau an toàn sau khi trải qua thủ thuật này.
    • Paracetamol thường được kê cho phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ và cần giảm đau sau phẫu thuật rạch tầng sinh môn.[2]
  2. Chườm túi đá vào đáy chậu khi bạn đang nằm nghỉ ngơi. Chườm lạnh sau phẫu thuật giúp vết thương giảm sưng và đau. Bọc túi đá trong khăn tắm trước khi đặt vào giữa hai chân khi bạn đang nằm thẳng trên giường hoặc nằm tựa trên ghế.[3]
    • Mỗi lần bạn không được chườm lâu hơn 15 phút, thỉnh thoảng nên dừng một lúc để da không quá lạnh.
  3. Siết chặt mông khi ngồi. Siết chặt mông giúp các mô tế bào chụm lại ở vùng đáy chậu, tránh không để vết khâu bị kéo căng hoặc giãn ra.[4]
    • Ngồi trên gối hoặc đệm cũng có thể giảm áp lực và đau ở đáy chậu.
  4. Hỏi ý kiến bác sĩ về bồn tắm ngồi. Tùy vào tình hình thực tế bác sĩ sẽ khuyên bạn có nên sử dụng bồn tắm ngồi hằng ngày hay không. Bồn tắm ngồi giúp giảm đau, sưng và bầm xung quanh vết thương.[5]
    • Mở nước ấm hoặc nước mát vào bồn. Nước ấm giúp tăng tuần hoàn máu nên bạn sẽ thấy dễ chịu, nhưng nước mát giảm đau nhanh hơn.
    • Ngồi trong bồn khoảng 20 phút.
  5. Phun nước lên trên vết khâu trong khi bạn đang tiểu vì tiểu có thể gây nhói đau ở vết mổ. Ngoài ra nước tiểu dính vào vết mổ sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn mới xâm nhập vào đó.
    • Để bớt khó chịu và giữ vết khâu sạch sẽ bạn nên phun nước lên đó bằng vòi phun khi đang tiểu, sau khi tiểu xong bạn tiếp tục phun nước thêm một lúc để rửa sạch vết thương.[4]
  6. Tạo lực đè lên vết thương trong khi đại tiện. Đại tiện thật sự là một vấn đề khó khăn sau khi phụ nữ trải qua phẫu thuật rạch tầng sinh môn. Để giải quyết vấn đề này bạn nên ép miếng băng vệ sinh sạch vào đáy chậu trong khi rặn,[4] như vậy bạn sẽ bớt đau và khó chịu.
    • Vứt bỏ băng vệ sinh sau khi dùng xong và sử dụng một miếng băng mới cho mỗi lần.
  7. Giảm nguy cơ táo bón. Táo bón tạo áp lực nhiều hơn lên tầng sinh môn trong khi đại tiện, vì khi rặn vết mổ sẽ giãn ra và gây đau. Để giảm nguy cơ táo bón bạn nên uống nhiều nước, ăn thực phẩm giàu chất xơ và tập thể dục nhẹ trong ngày.
    • Uống ít nhất 8 cốc (250ml) nước mỗi ngày nếu bạn đang cho con bú sữa ngoài và uống nhiều hơn nếu đang cho bú sữ mẹ.[6] Không được miễn cưỡng uống quá nhiều nước vì dư nước cũng làm mất sữa mẹ, chỉ không để mình khát là được.
    • Ăn thực phẩm giàu chất xơ. Thực phẩm giàu chất xơ làm phân mềm và giúp bạn đi cầu dễ hơn,[7] hoa quả và rau là những ví dụ điển hình.
    • Tập thể dục nhẹ trong ngày.[8] Tập thể dục thúc đẩy đại tràng chuyển động nhiều hơn để đẩy thực phẩm đi xuống, bạn nên tập nhẹ khoảng 15-30 phút mỗi ngày trong giai đoạn hậu sản.
    • Cho bác sĩ biết nếu bạn bị táo bón. Nhờ bác sĩ tư vấn nếu các giải pháp trên vẫn không thể cải thiện tình trạng táo bón sau vài ngày, bác sĩ có thể kê thuốc làm mềm phân cho đến khi cơ thể bạn hoạt động bình thường trở lại.[9] Không tự uống thuốc trị táo bón trước khi nhờ bác sĩ tư vấn.

Hỗ trợ quá trình lành vết thương[sửa]

  1. Giữ khu vực mổ khô ráo và sạch sẽ để thúc đẩy quá trình lành. Vì vết thương nằm giữa âm đạo và hậu môn nên bạn phải chăm sóc cẩn thận hơn để giữ khu vực này khô ráo và sạch sẽ tối đa.[10]
    • Luôn luôn xối nước rửa vết thương sau khi đi tiểu và vệ sinh hậu môn từ trước ra sau khi đại tiện. Cách vệ sinh này giúp đáy chậu luôn sạch sẽ và giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn từ phân.
  2. Thực hiện bài tập Kegel. Bắt đầu thực hiện bài tập Kegel càng sớm càng tốt sau khi sinh nếu bác sĩ cho phép. Bài tập Kegel giúp cải thiện tuần hoàn máu và tăng tốc độ lành vết thương, ngoài ra còn có tác dụng phục hồi tổn thương tế bào sau khi sinh.[10]
    • Bài tập Kegel làm săn chắc cơ sàn chậu, là các cơ nâng đỡ bọng đái, tử cung và trực tràng. Ngoài hỗ trợ quá trình lành ở vết mổ tầng sinh môn, bài tập còn cải thiện chứng không nhịn được tiểu ở phụ nữ và tăng cường co thắt cơ trong lúc cực khoái.[11]
    • Bạn nên tập sau khi đi tiểu xong và tưởng tượng mình đang cố nín tiểu và xì hơi cùng một lúc, nghĩa là bạn phải siết chặt và nâng cơ điều khiển tiểu. Nhớ không sử dụng bất kì cơ nào khác trong lúc siết và nâng cơ điều khiển tiểu. Không thắt chặt cơ bụng, ép hai chân vào nhau, mím hai mông hay nín thở. Như vậy bạn chỉ được dùng cơ sàn chậu trong khi tập.[11]
  3. Để vết thương thoáng khí. Vì vết mổ tầng sinh môn không được tiếp xúc nhiều với không khí trong các hoạt động hằng ngày nên thỉnh thoảng bạn phải để vết thương thoáng khí, thời gian cần thiết để phơi vết mổ ngoài không khí là khoảng vài tiếng mỗi ngày.[2]
    • Trong khi ngủ trưa hay ngủ tối bạn có thể không mặc quần lót để vết thương tiếp xúc với không khí nhiều hơn.
  4. Thay băng vệ sinh sau 2-4 giờ. Bạn cần phải mang băng vệ sinh trong thời gian chờ vết mổ lành. Băng vệ sinh giữ vết khâu khô ráo và ngăn không để máu dính vào quần lót, ngoài ra môi trường khô và sạch cũng giúp vết thương lành nhanh hơn.[12]
    • Nhớ thay băng vệ sinh sau mỗi 2-4 giờ cho dù băng trông vẫn còn sạch.
  5. Nhờ bác sĩ tư vấn về vấn đề quan hệ tình dục và sử dụng băng vệ sinh dạng que. Phẫu thuật rạch tầng sinh môn thường sẽ lành trong 10 ngày nhưng các kết cấu bên trong đã dãn ra và có thể tồn tại những vết rách rất nhỏ bên trong. Đa số các bác sĩ đều khuyên bạn nên chờ từ 6-7 tuần sau khi sinh trước khi quan hệ tình dục trở lại.[12]
    • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu hoạt động tình dục để đảm bảo an toàn.
  6. Đề phòng vết mổ nhiễm trùng. Nhiễm trùng khiến vết mổ chậm lành và gây đau nhiều hơn. Nếu xảy ra nhiễm trùng bạn phải điều trị ngay để ngăn chặn biến chứng khác nghiêm trọng hơn. Trong vòng 7-10 ngày đầu tiên sau phẫu thuật bạn phải quan sát kiểm tra vết khâu và khu vực xung quanh mỗi ngày. Thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn gặp bất kì triệu chứng nào dưới đây:[12]
    • Đau nhiều hơn
    • Vết thương dường như bung ra
    • Tiết dịch hôi
    • Có cục u cứng hoặc đau tại khu vực này[5]
    • Da giữa âm đạo và hậu môn đỏ hơn bình thường
    • Da giữa âm đạo và hậu môn bị sưng
    • Mủ chảy ra từ vết khâu[5]

Hiểu và ngăn ngừa khả năng phải rạch tầng sinh môn[sửa]

  1. Hiểu mục đích của phẫu thuật rạch tầng sinh môn trong khi sinh. Trong khi sinh tự nhiên, đầu của đứa bé phải trượt qua âm đạo để ra khỏi cơ thể người mẹ, lúc đó đầu của bé sẽ ép vào đáy chậu cho đến khi mô tế bào ở khu vực này giãn ra đủ rộng để có thể trượt qua. Bác sĩ tiến hành rạch tầng sinh môn nếu:[13]
    • Thai nhi lớn và cần nhiều không gian hơn để chui ra ngoài
    • Hai vai bé bị kẹt trong lúc sinh
    • Quá trình trở dạ diễn ra nhanh đến mức đáy chậu không có thời gian giãn ra trước khi sinh
    • Nhịp tim của thai nhi chứng tỏ bé đang gặp vấn đề và cần phải sinh ra càng nhanh càng tốt.
    • Thai nhi nằm ở vị trí bất thường[14]
  2. Tìm hiểu về các cách phẫu thuật rạch tầng sinh môn. Bác sĩ thường thực hiện một trong hai kiểu rạch tầng sinh môn và cả hai đều đòi hỏi cách chăm sóc như nhau sau khi sinh và khi đã xuất viện. Quyết định rạch kiểu nào phụ thuộc vào cấu tạo cơ thể bạn, lượng không gian cần thiết cho thai nhi chui ra và tốc độ sinh.[14]
    • Họ rạch một đường từ cuối âm đạo tới điểm giữa hậu môn và âm đạo, đây là kiểu rạch dễ nhất để bác sĩ khâu lại sau khi sinh nhưng có rủi ro bị toạc tới hậu môn trong lúc sinh.
    • Cách mổ thứ hai là rạch từ điểm cuối âm đạo hướng theo một góc chếch xa khỏi hậu môn, cách mổ này chống rủi ro toạc tới hậu môn nhưng gây đau nhiều hơn sau khi sinh. Ngoài ra bác sĩ cũng khó khâu đường rạch này sau đó.
  3. Cho bác sĩ biết về những lo lắng của bạn. Bạn nên nói rõ mong muốn của mình là dành đủ thời gian cho đáy chậu giãn ra trong lúc sinh, và nhờ họ hướng dẫn cách tránh phải mổ tầng sinh môn.[13]
    • Đảm bảo những mong muốn của bạn được ghi nhận trong kế hoạch chuẩn bị sinh để nhân viên bệnh viện thực hiện theo đó. Bạn nên lên kế hoạch này trong phòng khám với bác sĩ hoặc trong lúc mới nhập viện.
    • Trong khi chuyển dạ sử dụng miếng gạc ấm ép vào đáy chậu để mô tế bào dễ giãn ra hơn trong lúc sinh.
    • Hỏi bác sĩ xem bạn có thể đứng hay ngồi xổm để rặn không, vì tư thế này tạo nhiều sức ép hơn và giúp đáy chậu giãn ra dễ dàng.
    • Trong giai đoạn đầu bạn nên rặn nhẹ từ 5-7 giây trong khi thở đều để làm chậm quá trình sinh và dành nhiều thời gian cho đầu thai nhi ép vào đáy chậu, tạo điều kiện cho đáy chậu giãn ra.
    • Nhờ bác sĩ ép nhẹ lên vùng đáy chậu để nó không bị rách.
  4. Thực hiện bài tập Kegel để tránh phải mổ tầng sinh môn. Bạn có thể giảm nguy cơ phải rạch tầng sinh môn bằng cách tập bài tập Kegel trong suốt thai kỳ, làm săn chắc cơ sàn chậu và đảm bảo cơ thể sẵn sàng trước khi sinh.[13]
    • Mỗi ngày dành 5-10 phút thực hiện bài tập Kegel.
  5. Xoa bóp vùng đáy chậu. Khoảng 6-8 tuần trước khi sinh bạn nên xoa bóp đáy chậu mỗi ngày một lần, việc này giúp giảm khả năng bị rách hoặc phải rạch tầng sinh môn. Bạn có thể tự mình thực hiện hoặc nhờ bạn tình hỗ trợ.[10]
    • Nằm ngửa với đầu kê trên vài chiếc gối, đồng thời cong hai đầu gối.
    • Thoa một ít tinh dầu vào da vùng đáy chậu, sử dụng tinh dầu gốc thực vật hoặc tinh dầu dừa để làm mềm mô da giúp nó co giãn tốt hơn.
    • Đặt ngón tay vào âm đạo khoảng 5 cm và ép xuống phía hậu môn. Chuyển động ngón tay theo hình chữ U để da giữa âm đạo và hậu môn giãn ra. Bạn thường cảm thấy nóng hoặc đau nhói.
    • Giữ nguyên trạng thái giãn trong 30-60 giây rồi thả ra, mỗi lần xoa bóp bạn nên kéo giãn da đáy chậu 2-3 lần.

Lời khuyên[sửa]

  • Nên nhớ thời gian để vết mổ tầng sinh môn lành khoảng 10 ngày, nhưng có trường hợp kéo dài cả tháng. Cố gắng kiên nhẫn trong thời gian chăm sóc vết thương.
  • Phải chăm sóc kỹ để giữ vết mổ sạch sẽ và khô ráo, nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng và tăng tốc độ lành.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về lý do phải mổ tầng sinh môn và họ có thường xuyên thực hiện thủ thuật này không. Có những lúc thật sự cần phải mổ nhưng chắc chắn đó không phải là một quy trình diễn ra thường xuyên.

Cảnh báo[sửa]

  • Liên hệ với bác sĩ ngay nếu có mủ chảy ra từ vết thương, khi vết khâu toạc ra hoặc bạn bị sốt.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]