Chấm dứt cơn hoảng loạn

Từ VLOS
(đổi hướng từ Chấm dứt Cơn Hoảng loạn)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cơn hoảng loạn là một trạng thái xảy ra rất đột ngột và đáng sợ, cảm giác giống như một cơn đau tim, tưởng như sắp chết và mất kiểm soát. Nhiều người trưởng thành chỉ trải qua cơn hoảng loạn một hoặc hai lần trong suốt cuộc đời, nhưng một số người có những cơn hoảng loạn lặp đi lặp lại, và đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý ẩn bên trong, gọi là chứng rối loạn hoảng sợ. Cơn hoảng loạn là sự bùng phát của nỗi sợ hãi căng thẳng mà không có nguyên nhân rõ ràng, đi kèm với những thay đổi thể chất rất thật như tim đập nhanh và mạnh, toát mồ hôi và thở gấp. Các bước dưới đây có thể giúp bạn dứt cơn hoảng loạn và giúp ngăn ngừa chúng xảy ra trong tương lai.

Các bước[sửa]

Giải pháp Tức thời[sửa]

  1. Nhận biết những triệu chứng lâm sàng. Trong cơn hoảng loạn, cơ thể bạn có phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy”, giống như bạn đang ở trong một tình thế nguy cấp và đáng sợ, mặc dù không có tình huống nguy hiểm nào thực sự xảy ra.[1] Những triệu chứng thường gặp của cơn hoảng loạn bao gồm:
    • Đau tức ngực hoặc khó chịu
    • Chóng mặt hoặc choáng váng
    • Sợ chết
    • Sợ bị mất kiểm soát hay sợ tận thế sắp xảy ra
    • Cảm thấy nghẹt cuống họng
    • Cảm thấy tách biệt
    • Cảm giác không ở trong hiện thực
    • Buồn nôn hoặc cảm giác xáo trộn trong dạ dày
    • Tê cứng hoặc cảm giác kim châm ở bàn tay, bàn chân hoặc trên mặt
    • Đánh trống ngực, tim đập nhanh hoặc mạnh
    • Toát mồ hôi, rét run hoặc nóng bừng
    • Run rẩy
  2. Kiểm soát hơi thở. Hầu hết các cơn hoảng loạn thường khiến bạn thở gấp và nông, làm tăng mức độ hoảng loạn và triệu chứng càng kéo dài. Bằng cách kiểm soát hơi thở, bạn có thể giúp nhịp tim trở lại bình thường, giảm huyết áp, giảm tiết mồ hôi và kiểm soát lại cảm giác.[2]
    • Một phương pháp để thở chậm lại là hít một hơi sâu và nín lại càng lâu càng tốt. Việc này giúp cân bằng mức ô-xy và carbon dioxide, do đó khiến bạn bớt cảm giác khó thở.[3]
    • Sau khi nín hơi, bắt đầu thở sâu bằng bụng. Hít vào chậm và sâu, sau đó thở ra còn chậm hơn.[3]
    • Để tập thở bụng, bạn ngồi trên ghế, một tay đặt trên ngực, tay kia đặt dưới khung xương sườn. Ngồi thoải mái, đầu gối gập vào, thả lỏng vai và cổ.[4]
    • Sau đó hít vào chầm chậm qua mũi và để cho bụng phồng ra, giữ yên lồng ngực trên hết sức có thể. Từ từ thở ra, thót cơ bụng và giữ yên lồng ngực. Bàn tay đặt trên bụng phải chuyển động tới trước khi thở ra, và lùi lại khi hít vào, còn bàn tay đặt trên ngực càng giữ yên được càng tốt.[4]
    • Một phương pháp khác là phương pháp 5-2-5. Hít vào bằng bụng trong 5 giây. Nín thở trong 2 giây, sau đó thở ra trong 5 giây. Lặp lại 5 lần.[5]
    • Phương pháp thở vào túi giấy không còn được khuyến khích sử dụng nữa. Phương pháp này không đem lại lợi ích như người ta tưởng, thậm chí còn có hại.
  3. Uống thuốc theo toa bác sĩ. Một trong những cách hiệu quả để dứt cơn hoảng loạn là dùng loại dược chất được xếp vào nhóm thuốc chống lo âu, thường là benzodiazepines (nhóm hợp chất có tác dụng dược lý dùng làm thuốc an thần).[2]
    • Các loại thuốc thông dụng dùng để điều trị cơn hoảng loạn được xếp vào nhóm benzodiazepines bao gồm alprazolam, lorazepam, và diazepam. Những loại thuốc này có tác dụng khá nhanh và có thể giúp giảm triệu chứng trong vòng 10 đến 30 phút.[6]
    • Một số dược chất có kê toa khác thuộc nhóm benzodiazepines có tác dụng chậm hơn một chút nhưng ở lại trong máu lâu hơn. Một vài ví dụ cho loại dược chất này là clonazepam, chlordiazepoxide, và oxazepam.[6]
    • Các loại thuốc trên thường được kê toa với liều thấp để uống thường xuyên cho đến khi các cơn hoảng loạn có thể kiểm soát được bằng các loại thuốc khác, ví dụ như thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin, hoặc với liệu pháp nhận thức – hành vi.[6]
  4. Cố gắng tiếp tục hoạt động của bạn. Trong khả năng có thể, bạn hãy tiếp tục thực hiện những việc mình đang làm và các sinh hoạt thường ngày nhằm ngăn cơn hoảng loạn chi phối bạn.[7]
    • Tiếp tục nói chuyện, cử động, tập trung suy nghĩ. Bằng cách này, bạn đang gửi tín hiệu lên não và báo cho cơn hoảng loạn của bạn biết rằng không có nguy hiểm, không có cảnh báo và không có lý do gì để duy trì trạng thái chiến – đấu – hay – bỏ - chạy.[7]
  5. Tránh bỏ chạy. Nếu bạn lên cơn hoảng loạn ở một nơi nhất định nào đó, ví dụ như ở cửa hàng thực phẩm, có lẽ bạn muốn bỏ chạy và rời xa cửa hàng càng nhanh càng tốt.[7]
    • Bằng cách ở lại nơi đó và cố kiểm soát các triệu chứng, bạn đang tiến hành các bước rèn luyện cho não nhận biết rằng không có tình huống nguy hiểm thực sự nào ở cửa hàng thực phẩm.[7]
    • Nếu bạn bỏ chạy, bộ não sẽ bắt đầu liên tưởng nơi đó (và có thể là tất cả các cửa hàng thực phẩm) với sự nguy hiểm, và có khả năng sẽ gây nên cảm giác hoảng sợ mỗi lần bạn bước vào một cửa hàng thực phẩm.[7]
  6. Tập trung vào các sự việc khác. Với sự giúp đỡ của chuyên gia trị liệu, bạn có thể học được các phương pháp tập trung suy nghĩ một cách tự nhiên, và kiểm soát cơn hoảng loạn.[8]
    • Ví dụ như bạn có thể uống thứ gì đó ấm hoặc lạnh, đi dạo vài bước, hát một bài hát yêu thích, nói chuyện với một người bạn, hoặc xem ti vi.
    • Để tập trung vào việc khác nhằm thoát khỏi cơn hoảng loạn, bạn có thể thử những hoạt động như tập bài tập giãn cơ, giải ô chữ, thay đổi nhiệt độ không khí, hạ kính xuống nếu bạn đang ở trong ô tô, đi ra ngoài hít thở không khí trong lành, hoặc đọc thứ gì đó thú vị.
  7. Phân biệt giữa trạng thái căng thẳng và cơn hoảng loạn. Mặc dù các phản ứng sinh lý của hai trạng thái này tương tự nhau, ví dụ như huyết áp tăng cao, toát mồ hôi và tim đập nhanh, nhưng đây là hai tình huống khác nhau rõ rệt:
    • Trạng thái căng thẳng có thể xảy ra ở tất cả mọi người vào lúc này hay lúc khác. Bản năng tự nhiên “chiến đấu hay bỏ chạy” của cơ thể được kích hoạt trong tình huống căng thẳng hay hồi hộp cũng tương tự như trong cơn hoảng loạn, nhưng ở đây luôn có một nguyên cớ, sự kiện hay trải nghiệm liên quan trực tiếp đến phản ứng đó.
    • Cơn hoảng loạn không gắn với một sự kiện nào, không thể đoán trước, và mức độ nghiêm trọng có thể rất dữ đội và đáng sợ.
  8. Áp dụng các phương pháp thư giãn. Lấy lại bình tĩnh bằng cách áp dụng các phương pháp thư giãn để kiểm soát tình trạng hồi hộp và căng thẳng thái quá.
    • Nếu mắc chứng hoảng loạn hoặc rối loạn hoảng sợ, bạn có thể làm việc với một chuyên gia trị liệu về nhận thức - hành vi, học những chiến thuật thư giãn để kiểm soát sự hoảng loạn khi nó bắt đầu xảy ra.
  9. Dùng các giác quan để đối phó với cơn bệnh. Bất kể bạn đang trong cơn hoảng loạn, lo âu hoặc căng thẳng, bằng cách tập trung vào các giác quan, thậm chí chỉ cần vài phút, bạn cũng có thể làm chậm lại các triệu chứng lâm sàng đang diễn ra.[9]
    • Dùng thị giác để tập trung vào các thứ dễ chịu xung quanh. Nếu đang ở một nơi an toàn, bạn thử nhắm mắt lại và mường tượng một bông hoa, một bức tranh, một bãi biển mà bạn yêu thích, hoặc thứ gì đó khiến bạn thư giãn hơn.[9]
    • Ngừng lại và lắng nghe những thứ quanh bạn. Cố gắng nghe tiếng nhạc văng vẳng từ đằng xa, tiếng chim hót, tiếng gió thổi hay tiếng mưa rơi, thậm chí tiếng ồn của xe cộ trên xa lộ gần đó. Cố gắng tìm một âm thanh gì đó khác hơn là tiếng tim đập hoặc những âm thanh gắn với sự kiện căng thẳng.[9]
    • Tiếp tục dùng các giác quan bằng cách xác định mùi hương xung quanh bạn. Có thể bạn đang ở trong nhà và ai đó đang nấu ăn, hoặc bạn đang ở ngoài trời và ngửi thấy mùi của những hạt mưa trong không khí.[9]
    • Tập trung vào xúc giác. Có thể bạn không nhận ra, nhưng bạn luôn chạm vào vật gì đó. Khi ngồi trên ghế, bạn hãy tập trung cảm nhận về chiếc ghế, hoặc để ý xem mặt bàn mà bạn đang đặt tay lên lạnh hay ấm, hoặc bạn có thể cảm nhận làn gió nhẹ lướt qua trên mặt mình.[9]
    • Bằng việc bỏ ra vài phút để xem xét các giác quan, bạn đang hướng sự tập trung ra khỏi cơn hoảng loạn, lo âu hoặc căng thẳng.
    • Việc này rõ ràng không giải quyết được nguyên nhân của hoảng loạn, lo âu hoặc căng thẳng, nhưng việc tập trung vào các giác quan là có lợi khi xử trí phản ứng sinh lý không mong muốn mà có lẽ bạn đang trải qua.

Phòng ngừa Cơn bệnh Có thể Xảy ra trong Tương lai[sửa]

  1. Nói chuyện với bác sĩ về những cơn hoảng loạn của bạn. Bác sĩ có thể điều trị cho bạn bằng thuốc hoặc giới thiệu một chuyên gia về sức khỏe tâm thần để đánh giá bệnh trạng và kê toa thuốc cho bạn. Có lẽ cả bác sĩ tổng quát và chuyên gia sức khỏe tâm thần đều giới thiệu một chuyên gia trị liệu về nhận thức – hành vi.
    • Cơn hoảng loạn thường liên quan đến các chứng rối loạn bên trong, bao gồm một số bệnh lý tâm thần và các vấn đề khác về sức khỏe. Nói chuyện với bác sĩ để loại trừ các tình trạng bệnh lý có liên quan.
  2. Sớm tìm sự giúp đỡ y tế. Các nghiên cứu cho thấy những người sớm được điều trị cơn hoảng loạn và chứng rối loạn hoảng sợ thu được kết quả tổng thể tốt hơn và ít bị biến chứng hơn.[10]
  3. Uống thuốc theo toa. Một số dược chất được sử dụng phổ biến gồm có benzodiazepines, loại có tác dụng nhanh và loại có tác dụng trung bình.[11]
    • Benzodiazepines được coi là chất gây nghiện, do đó bạn phải đảm bảo uống theo lời khuyên của bác sĩ. Sử dụng nhiều hơn khuyến cáo là nguy hiểm và có thể gây ra tác dụng phụ rất nghiêm trọng do ngưng dùng thuốc nếu dùng lâu dài.
  4. Dùng thuốc có tác dụng nhanh chỉ khi cần thiết. Dược chất có tác dụng nhanh giúp điều trị các triệu chứng khi bạn cảm thấy cơn hoảng loạn đang đến. Loại thuốc này thường được kê toa để dùng vào lúc cần thiết, hoặc khi cơn hoảng loạn bắt đầu.[6]
    • Chỉ dùng loại thuốc này khi cần thiết để tránh bị kháng thuốc.
    • Một số thuốc được kê toa để uống vào lúc cần thiết khi cơn hoảng loạn khởi phát bao gồm lorazepam, alprazolam, và diazepam.
  5. Dùng đều đặn loại thuốc có tác dụng lâu hơn, hoặc theo toa bác sĩ. Các dược chất có tác dụng trung bình thường mất nhiều thời gian hơn mới bắt đầu có tác dụng, nhưng có hiệu quả lâu hơn.
    • Loại thuốc này thường được kê toa với liều lượng sử dụng đều đặn, giúp ngăn ngừa cơn bệnh cho đến khi bạn có thể tiếp nhận các bước điều trị tiếp theo, ví dụ như liệu pháp nhận thức – hành vi.[6]
    • Các loại thuốc có tác dụng trung bình gồm có clonazepam, oxazepam, và chlordiazepoxide.
  6. Dùng SSRI. Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin, thường được biết dưới tên SSRI , có hiệu quả trong việc điều trị các cơn hoảng loạn và chứng rối loạn hoảng sợ.[12]
    • Các loại dược chất SSRI được FDA cho phép sử dụng trong việc điều trị các triệu chứng hoảng sợ gồm có fluoxetine, fluvoxamine, citalopram, escitalopram, paroxetine, và sertraline. Duloxetine là một chất liên quan mật thiết và thường được phép dùng trong điều trị các triệu chứng hoảng loạn.[12]
  7. Làm việc với chuyên gia trị liệu về nhận thức – hành vi. Hình thức trị liệu này là chìa khóa để bạn rèn luyện bộ não và cơ thể để vượt qua cơn hoảng loạn và giúp bạn đạt đến mức không còn xảy ra tình trạng đó nữa.[10]
    • Biết về phương thức trị liệu nhận thức – hành vi. Chuyên gia trị liệu được đào tạo chuyên về trị liệu tâm lý sử dụng 5 nguyên tắc cơ bản khi làm việc với bệnh nhân mắc chứng hoảng loạn. Năm phạm vi cần tập trung này bao gồm:[10]
    • Tìm hiểu về chứng bệnh sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn điều gì đã gây nên các triệu chứng đáng sợ khi cơn hoảng loạn xảy ra.[10]
    • Theo dõi và ghi lại ngày giờ các sự kiện xảy ra như một cuốn nhật ký để giúp bạn và chuyên gia trị liệu xác định được nguyên cớ gây ra cơn hoảng loạn.[10]
    • Kỹ thuật thở và thả lỏng là một phần trong các phương pháp làm giảm mức độ trầm trọng của các triệu chứng.[10]
    • Suy xét lại để thay đổi cảm nhận về cơn hoảng loạn, từ cảm giác thảm họa chuyển sang cảm giác hiện thực.[10]
    • Tiếp xúc một cách an toàn và được kiểm soát với các nơi chốn và sự kiện gây ra cơn hoảng loạn để tập cho trí não và cơ thể phản ứng theo một cách khác.[10]
  8. Suy xét việc đánh giá tình trạng rối loạn hoảng sợ. Một chứng bệnh được chẩn đoán là rối loạn hoảng sợ khi có biểu hiện ít nhất 4 trong số các triệu chứng kể trên.[1]
    • Điều trị sớm chứng rối loạn hoảng sợ có thể cải thiện kết quả toàn diện và giảm các biến chứng liên quan đến các cơn hoảng sợ liên tục.

Lời khuyên[sửa]

  • Một số bệnh lý nghiêm trọng về tim và tuyến giáp có biểu hiện giống như một cơn hoảng loạn.
  • Hẹn gặp nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường xuyên để loại trừ mọi tình trạng bệnh lý.
  • Nên sớm điều trị cơn hoảng loạn hơn là để muộn.
  • Tâm sự với người nhà hoặc với bạn thân, đặc biệt là trong những lúc bạn cần sự hỗ trợ khi cơn hoảng loạn xảy ra.
  • Chăm sóc tốt cho cơ thể và trí não. Ăn theo chế độ lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh các thức uống có hàm lượng cao caffeine, năng vận động và đều đặn tham gia các hoạt động mà bạn thích thú.
  • Cân nhắc học một phương pháp thư giãn mới như yoga, thiền hoặc thiền chánh niệm.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây