Chấm dứt thói nghiện ăn cắp

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trộm cắp là một vấn đề phổ biến trong xã hội. Một số người chỉ lấy cắp một hai lần, trong khi số khác không thể cưỡng lại ham muốn ăn cắp. Một số người lấy cắp vì họ không có khả năng mua các món đồ, số khác có thể thấy vui sướng trong việc ăn cắp, trong khi đó một số người lại cảm thấy mình có quyền có món đồ mình muốn mà không phải trả tiền. Hành vi trộm cắp gây nhiều hậu quả như bị tống giam và bị ghi hồ sơ tội phạm. Mặc dù chưa được coi là nghiện, nhưng ám ảnh lấy cắp (kleptomania) - một dạng rối loạn kiểm soát ham muốn liên quan đến trộm cắp - có thể để lại cho bạn cảm giác xấu hổ và tội lỗi. Để đối phó với thói nghiện ăn cắp, điều quan trọng đối với bạn là: xác định mình có vấn đề về hành vi lấy cắp, tìm sự hỗ trợ bên ngoài, thay đổi lối suy nghĩ về việc lấy cắp, lập kế hoạch ngăn chặn tái phát, tìm sự thay thế cho hành vi lấy cắp, và tự tìm hiểu về hành vi ăn cắp.

Các bước[sửa]

Xác định mình có vấn đề về hành vi lấy cắp[sửa]

  1. Hiểu rằng bạn xứng đáng được giúp đỡ. Điều quan trọng là bạn cần biết mình có giá trị, vì nhiều người với mặc cảm tội lỗi (gồm cả nỗi hổ thẹn về việc ăn cắp) có thể không tin rằng họ xứng đáng được giúp đỡ.[1] Điều này thường ngăn cản họ tìm sự trợ giúp. Bạn thực sự xứng đáng được giúp đỡ, được thông cảm, và bạn không đơn độc.
  2. Xác định hành vi lấy cắp của bạn. Điều quan trọng đầu tiên là xác định những nguyên nhân cụ thể khiến bạn có hành vi lấy cắp để bắt đầu thay đổi nó.[2]
    • Bạn lấy cắp để có cảm giác lâng lâng thỏa mãn về cảm xúc? Bạn có thấy đầu tiên là cảm giác căng thẳng, tiếp đó là run lên vì sung sướng trước khi lấy cắp, và nhẹ nhõm sau khi đã ăn cắp được? Tiếp theo có phải là cảm giác tội lỗi, xấu hổ và hối hận? Đó là một số dấu hiệu cho thấy hành vi ăn cắp là vấn đề đối với bạn.
    • Bạn lấy cắp là để trốn chạy? Khi đang lấy cắp, bạn có cảm giác khác lạ như thể bạn không phải là mình hoặc bạn không ở trong hiện thực? Đây là cảm giác khá phổ biến của những người có thói ăn cắp.
  3. Viết ra những cảm giác của bạn. Sau khi đã biết được điều gì dẫn bạn đến hành vi lấy cắp, bạn hãy thử viết về nhu cầu lấy cắp của mình một cách thoải mái. Đừng “kiểm duyệt” những cảm giác của mình – mọi điều bạn nghĩ hoặc cảm thấy đều cần lưu ý.[3]
    • Nhớ gọi tên các cảm giác đó, ví dụ như giận dữ, sợ hãi, cô đơn, cảm giác len lén, bị phơi bày, yếu đuối, v.v… đi kèm với nhu cầu lấy cắp.
  4. Xác định hậu quả. Việc suy nghĩ về những hậu quả của hành vi lấy cắp có thể giúp kiềm chế sự thôi thúc.[4] Nếu bạn vừa bị bắt gặp, hoặc từng bị bắt gặp (hay bị bắt gặp nhiều lần), bạn hãy ghi ra tất cả. Bạn cũng nên viết ra các cảm giác kèm theo – như xấu hổ và tội lỗi - cũng như những hành động mà bạn dùng để đối phó với những cảm giác đó, với sự hối hận hay ghê tởm, ví dụ như uống quá nhiều rượu, tự làm mình bị thương, phá hủy những món đồ vừa ăn cắp được hoặc những hành vi hủy hoại khác.
    • Nếu bạn từng bị bắt quả tang, cảm giác của bạn lúc đó mạnh đến mức nào? Tại sao bạn cảm thấy rằng điều đó vẫn chưa đủ giúp bạn vượt qua ham muốn lấy cắp? Ghi lại tất cả những điều đó.

Tìm sự trợ giúp bên ngoài[sửa]

  1. Suy nghĩ về liệu pháp. Mặc dù bạn có thể tự mình đẩy lùi thói nghiện ăn cắp bằng lòng quyết tâm mạnh mẽ, việc tìm cách trị liệu cũng có thể hữu ích. Hình thức hỗ trợ tốt nhất là nói chuyện với chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần. Liệu pháp kết hợp thuốc men có thể đem lại hiệu quả trong việc điều trị ám ảnh lấy cắp hoặc xung động ăn cắp.
    • Nhớ rằng liệu pháp điều trị chứng ám ảnh lấy cắp/xung động ăn cắp có thể rất thành công trong việc giúp bạn vượt qua rối loạn này, nhưng cũng đừng quên rằng kết quả cũng tùy thuộc vào lòng quyết tâm của bạn mạnh mẽ ra sao và bạn sẵn sàng đến mức nào để thực hiện điều đó!
  2. Hiểu về các lựa chọn trong cách điều trị. Những phương thức phổ biến nhất để điều trị ám ảnh lấy cắp bao gồm: Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT), liệu pháp hành vi biện chứng (DBT), điều trị tâm động học, và liệu pháp nhóm/ các chương trình 12 bước.[5] [6] CBT giúp người ta thay đổi cách suy nghĩ để từ đó thay đổi cảm giác và hành vi. DBT tập trung vào việc dạy cho người ta chịu đựng đau khổ, điều hòa cảm xúc, giao tiếp hiệu quả và chú tâm. Liệu pháp can thiệp tâm động học nghiên cứu quá khứ của bạn và cách bạn được nuôi dạy để xác định nguyên nhân và tìm biện pháp giải quyết vấn đề hiện tại. Các chương trình 12 bước tập trung vào các chứng nghiện chất kích thích, nhưng có các chương trình 12 bước dành riêng cho thói nghiện ăn cắp.[7]
    • Bạn có thể thảo luận các lựa chọn này với chuyên gia sức khỏe tâm thần.
    • Bạn cũng có thể tự khám phá các liệu pháp này với các biện pháp tự giúp mình. Ví dụ, CBT bao gồm việc thay đổi suy nghĩ để thay đổi các cảm giác và hành vi của bạn.
  3. Tìm hiểu về các lựa chọn thuốc men. Một số loại thuốc được chỉ định để điều trị ám ảnh lấy cắp gồm có Prozac và Revia.[8]
    • Tham khảo bác sĩ tâm thần để có thêm thông tin hoặc để trao đổi về các lựa chọn trong việc điều trị tâm thần.

Thay đổi suy nghĩ về hành vi ăn cắp[sửa]

  1. Xác định và chống lại những suy nghĩ của bạn. Thay đổi suy nghĩ của bạn để thay đổi cảm giác và hành vi là trọng tâm của liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT), cũng là một kiểu liệu pháp để điều trị hành vi ăn cắp và ám ảnh lấy cắp.[9] Theo dõi những suy nghĩ vô thức của mình, và bạn có thể thay đổi hành vi ăn cắp.[10]
    • Ngẫm nghĩ về các ý nghĩ dâng lên khi bạn đang định ăn cắp thứ gì đó. Ví dụ, bạn có thể nghĩ, “Mình thực sự muốn làm điều đó”, hoặc, “Mình sẽ thoát được”.[10]
    • Nghĩ về người hưởng lợi trong việc này. Có phải người hưởng lợi chỉ là bạn, hay còn là gia đình, bạn bè của bạn hoặc ai đó khác? Việc đó có lợi cho bạn hoặc cho những người khác theo cách nào? Nếu bạn cảm thấy một phần nguyên nhân dẫn đến ham muốn ăn cắp là để củng cố vị trí của bạn hoặc để tìm cảm giác an toàn trong nhóm bạn bè hay gia đình bạn qua việc “mua chuộc” tình cảm hoặc đáp lại sự chú ý của họ bằng các món đồ, vậy thì bạn cần phải bắt đầu coi động lực đó là sự bất an bên trong bạn.
  2. Rèn luyện thay đổi lối suy nghĩ. Khi đã xác định được kiểu suy nghĩ của mình, bạn có thể bắt đầu nghĩ ra các ý nghĩ thay thế. Quá trình này bao gồm lưu ý những suy nghĩ tiêu cực vốn củng cố cho hành vi ăn cắp, đồng thời tích cực thay đổi quá trình suy nghĩ trong khoảnh khắc hiện tại.
    • Ví dụ, nếu thấy mình đang nghĩ, “Mình thực sự muốn có chiếc nhẫn đó, và mình sẽ lấy cắp nó”, bạn hãy nghĩ khác, “Mình muốn có chiếc nhẫn đó, nhưng ăn cắp là sai trái, cho nên mình sẽ tập trung vào việc để dành tiền”.
  3. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh. Khi ham muốn lấy cắp và dự định cho việc lấy cắp trong bạn dâng lên mạnh mẽ, bạn hãy dành thời gian nghiền ngẫm lại những gì bạn đang định làm và hậu quả của nó trong mọi khả năng có thể xảy ra. Thời gian ngẫm nghĩ là điều quan trọng bởi có lẽ bạn cảm thấy dường như cuộc sống của mình thiếu mục đích hoặc bạn không thể kiểm soát được các khía cạnh trong cuộc sống của mình.
    • Đối với một số người, ăn cắp là một dạng nổi loạn thụ động chống lại những tình huống khiến họ cảm thấy bất lực. Việc xem xét về những mối quan tâm rộng lớn hơn sẽ giúp bạn bắt đầu phát triển các mục tiêu của riêng bạn, cho cuộc sống của bạn và đồng thời giúp bạn vạch ranh giới với những hành vi xấu vốn cản trở bạn đạt được các mục tiêu của mình.
  4. Sẵn sàng khẳng định bản thân và các nhu cầu của mình. Nếu bạn không có can đảm đứng lên bảo vệ chính mình, hoặc bạn luôn cảm thấy bị phớt lờ, bị chỉ trích và bị người khác làm bạn thất vọng, bạn sẽ rất dễ có xu hướng sử dụng hành vi ăn cắp như một hình thức “trả đũa” những người mà bạn cho rằng đã làm tổn thương hoặc phớt lờ mình. Hoặc, bạn có thể dùng hành vi ăn cắp như một cách để ru ngủ các cảm giác của mình nói chung. Thật không may, khi không khẳng định mình và không nhận ra giá trị của bản thân, bạn đã mạo hiểm với tương lai của mình, và bạn đã cho phép những hành động của người khác khiến bạn tự làm mình tổn thương còn nhiều hơn thế. Hãy tự nhắc nhở rằng người duy nhất mà bạn thực sự làm tổn thương chính là bạn chứ không phải ai khác – có thể bạn thực sự làm phiền lòng những người yêu mến bạn, nhưng hành vi của bạn không phải là đang trừng phạt họ; bạn đang trừng phạt chính mình.

Lập kế hoạch ngăn ngừa tái phát[sửa]

  1. Xác định lịch sử hành vi lấy cắp của bạn. Lập kế hoạch ngăn ngừa tái phát là một yếu tố thiết yếu để chế ngự cảm giác thôi thúc lấy cắp của bạn và ngăn chặn hành vi này trong tương lai.[2] [8] Bước đầu tiên để ngăn ngừa tái phát là xác định những vấn đề trong quá khứ mà bạn gặp phải liên quan đến hành vi ăn cắp của bạn.
    • Bạn có thể dùng các thông tin đã viết ra trong bài tập trên đây để khởi đầu cho kế hoạch ngăn ngừa tái phát thói ăn cắp.
    • Viết ra lịch sử hành vi lấy cắp của bạn. Liệt kê càng nhiều vụ càng tốt, bắt đầu từ khi bạn còn là một đứa trẻ. Ghi chú mọi tình huống diễn ra trong thời gian đó và những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lấy cắp của bạn.
    • Đánh giá mức độ ham muốn lấy cắp trong từng vụ. Dùng thang điểm từ 1 đến 10 để diễn tả bạn cảm thấy bị thôi thúc phải lấy cắp ra sao trong từng vụ mà bạn vừa ghi lại.
  2. Hiểu và đối phó với các tác nhân kích thích bạn lấy cắp. Tác nhân kích thích là những suy nghĩ và cảm giác của bạn về một tình huống có thể dẫn bạn đến hành vi đó. Ghi lại những suy nghĩ và cảm giác của bạn gắn với hành vi lấy cắp.
    • Tìm hiểu về các tình huống có độ rủi ro cao. Chìa khóa để chế ngự ham muốn lấy cắp là hiểu về những tình huống rủi ro để tránh xa.[11]
    • Bạn cảm thấy thế nào khi thực hiện hành vi lấy cắp? Xem thử bạn có thể xác định được các tác nhân kích thích đặc biệt không, ví dụ như ai đó làm bạn bực mình, ai đó quát mắng bạn, cảm giác buồn phiền và không được thương yêu, bị từ chối,v.v…
    • Lưu ý đến sự tương quan giữa tác nhân kích thích ham muốn ăn cắp và mức độ mà bạn đã đánh giá về cảm giác ham muốn ăn cắp.
    • Giữ thật kỹ bản liệt kê, nhật ký hay sổ ghi chép này.
    • Tránh những tình huống có thể thôi thúc hoặc tạo điều kiện cho bạn lấy cắp, ví dụ như ở giữa nhóm bạn bè có thói ăn cắp, hoặc đi đến các cửa hàng có an ninh lỏng lẻo. Tránh các tình huống này bằng mọi giá để không bị cám dỗ.
  3. Tuân theo kế hoạch chế ngự ham muốn. Kế hoạch này bao gồm tự đối thoại với bản thân trước khi tiến hành các bước xa hơn.[12]

    Thử thực hiện các bước sau:
    • Dừng lại. Thay vì hành động một cách bốc đồng, bạn hãy dừng lại ngay lập tức.
    • Hít thở. Đứng yên và cho bản thân không gian để hít thở.
    • Quan sát. Nghĩ về điều đang diễn ra. Bạn đang cảm thấy thế nào? Bạn đang nghĩ gì? Bạn đang phản ứng với điều gì?
    • Lùi lại. Cố gắng nhìn vào tình huống với con mắt khách quan. Liệu có cách suy nghĩ khác về tình huống đó không? Hãy nghĩ về tình huống sau khi xảy ra hành vi ăn cắp khi bạn đang cầm món đồ trên tay và tự hỏi mình nên làm gì với nó và làm sao để vượt qua tội lỗi.
    • Thực hiện những việc làm đem lại hiệu quả. Chọn cho mình những việc bạn muốn làm thay vì trộm cắp. Lên kế hoạch thay đổi hành vi mỗi khi ham muốn lấy cắp dâng lên. Một số việc hữu ích bao gồm: Tự nói với bản thân rằng bạn là ai và các giá trị của bạn là gì, tự nhủ rằng bạn là người tốt và là người có giá trị, thực hành các phương pháp tự trấn tĩnh và hình dung những khung cảnh thanh bình để giảm nhịp tim và bớt căng thẳng.
  4. Tiếp tục theo dõi các hành vi của mình. Một khi đã nắm được nghệ thuật chế ngự ham muốn và giảm bớt hoặc loại trừ được hành vi lấy cắp, bạn cần phải tiếp tục theo sát kế hoạch ngăn ngừa tái phát và điều chỉnh theo đó.[2]
    • Quay lại hiện tại. Ghi chép hàng ngày về những vụ lấy cắp mà hiện thời bạn vẫn thực hiện, nếu có. Cũng như trên, bạn hãy viết về những cảm giác và mức độ ham muốn lấy cắp.
    • Cân đối ghi chép của bạn. Nhớ ghi lại những thành quả của bạn, những điều khiến bạn tự hào và những điều khiến bạn biết ơn. Cố gắng dần dần biến những điều này trở thành trọng tâm chính của việc ghi nhật ký để xây dựng lòng tự trọng của mình.

Tìm sự thay thế cho hành vi lấy cắp[sửa]

  1. Tự khiến bản thân xao lãng. Tìm sự thay thế cho hành vi ăn cắp, những thứ cho bạn cảm giác lâng lâng thỏa mãn hoặc khiến bạn hứng thú nhưng không gây hại cho cuộc sống của bạn.[13] Đó có thể là những sở thích, những hoạt động, công việc thiện nguyện, giúp đỡ người khác, chế tác các món đồ, trồng cây, chăm sóc động vật, viết lách, hội họa, học hành, trở thành nhà hoạt động vì niềm tin của mình, hoặc nhiều điều tuyệt vời khác để thay thế cho hành vi lấy cắp. Cho dù chọn hoạt động nào, bạn cần đảm bảo nó phải đem lại lợi ích cho bạn mà không phải chỉ đơn thuần hoán đổi rối loạn này bằng một rối loạn khác (chẳng hạn tự tìm quên trong men rượu).
  2. Duy trì tính tích cực. Nếu lấy cắp là để khỏa lấp sự trống trải trong cuộc sống của bạn, bạn hãy lấp đầy khoảng trống đó bằng các hoạt động khác.[13] Tập một môn thể thao hoặc rèn luyện thân thể, tìm một sở thích hoặc bắt đầu tham gia hoạt động tình nguyện. Thay vì phải cầu viện đến hành vi trộm cắp để giết thời gian, bạn hãy sử dụng thời gian một cách có ích và hiệu quả hơn. Điều này sẽ giúp bạn nâng cao lòng tự trọng, tái tạo nguồn năng lượng mới và xua tan buồn chán. Nó sẽ ngăn chặn hành vi ăn cắp do không có việc gì tốt hơn để làm, hoặc do cuộc sống thiếu mục đích. Chỉ cần giữ cho mình bận rộn, và mọi việc còn lại sẽ đến.
  3. Tìm một công việc, kiếm thêm tiền trợ cấp hay tiền lương, hoặc xem xét lại ngân sách của bạn. Nếu bạn lấy cắp do nhu cầu sinh tồn, hoặc vì hoàn cảnh bần cùng, hoặc do các tác nhân kích thích cảm xúc, thì việc có nguồn thu nhập ổn định và chắc chắn hơn có thể giúp bạn giảm bớt khao khát hoặc "nhu cầu" lấy cắp. Hơn nữa, sự an toàn và thông lệ hàng ngày khi có việc làm có thể khôi phục lại ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng mà bạn đang đánh mất trong cuộc sống. Bước này có thể không có hiệu quả nếu bạn đã có đủ tiền, có một công việc, hoặc tiền đối với bạn không phải là vấn đề, nhưng nếu tiền bạc là rắc rối chính của bạn thì việc kiếm nguồn thu nhập an toàn có thể giúp ích.
  4. Tìm lối thoát cho cảm xúc. Dùng kiến thức thu được từ liệu pháp ghi chép để bắt đầu xử trí những cảm xúc và cảm giác kích thích nhu cầu lấy cắp của bạn.[13] Xử lý cơn giận, sự bối rối, nỗi buồn, sự đau khổ và những cảm xúc tương tự. Nhận biết những cảm giác ban đầu của bạn và tìm những phương cách mới để đối phó với chúng thay vì phải viện đến hành vi lấy cắp.
    • Ghi chú những phương cách mới để tiêu khiển, giải trí hay mua vui cho chính mình. Bạn đã khám phá ra những kiểu suy nghĩ và hành động nào có thể giúp nâng cao tâm trạng của mình?

Tự tìm hiểu về hành vi ăn cắp[sửa]

  1. Hiểu về hành vi ăn cắp và ám ảnh lấy cắp. Để điều trị hành vi lấy cắp, một việc hữu ích là biết liệu bạn chỉ có hành vi ăn cắp hay bạn mắc một chứng rối loạn đặc biệt.[10] Lời khuyên ở đây là bạn nên tìm sự tư vấn của chuyên gia sức khỏe tâm thần.
    • Chứng ám ảnh lấy cắp tác động lên 3-6% dân số.[14] Nói cách khác, cứ khoảng 200 người thì có một người có đủ tiêu chuẩn để được chẩn đoán ám ảnh lấy cắp như một dạng rối loạn.
    • 11% số người đã “thó đồ” ít nhất một lần trong đời.[14] Tức là cứ 10 người thì có hơn một người ăn cắp vặt một lần trong đời. Tuy nhiên một hoặc hai lần lấy cắp thì không được coi là rối loạn.
    • Ám ảnh lấy cắp là một rối loạn kiểm soát ham muốn; có liên quan đến cảm giác “phê” khi thực hiện hành vi ăn cắp, kèm theo đó là cảm giác tội lỗi sau khi ăn cắp. Chứng rối loạn này cũng có đặc điểm là thiếu khả năng kiềm chế hoặc ngừng hành động lấy cắp mặc dù nỗ lực nhiều lần.[15]
    • Trộm cắp không được coi là chứng nghiện, theo như Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê (DSM-5), một bản hướng dẫn tham khảo dành cho chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần trong việc chẩn đoán các rối loạn tâm thần.[14]
  2. Xác định các nguyên nhân. Triệu chứng của hành vi lấy cắp có thể là một phần của một chứng rối loạn khác. Ví dụ những chẩn đoán như: rối loạn hành vi, rối loạn lưỡng cực, rối loạn nhân cách chống đối xã hội và rối loạn ám ảnh cưỡng chế đều có các tiêu chuẩn bao gồm các hành vi liên quan đến trộm cắp.[16] Bạn cũng có thể được chẩn đoán mắc các rối loạn khác có khả năng dẫn đến ám ảnh lấy cắp, ví dụ như trạng thái phân ly, stress, lo âu và rối loạn tâm thần.
  3. Tìm hiểu về hành vi ăn cắp. Hỏi thêm thông tin ở thư viện hoặc các nhà sách. Trong thời đại internet này, bạn có thể dễ dàng tìm thêm nhiều thông tin về sức khỏe và hạnh phúc; tuy nhiên bạn phải tìm những trang web uy tín như những trang sức khỏe của chính phủ hoặc các trang được viết bởi bác sĩ và các nhà tâm lý học có tài liệu tham khảo và được các chuyên gia kiểm chứng. Ngoài ra, bạn cũng có thể vào các diễn đàn, nơi những người có cùng chứng rối loạn như bạn chia sẻ suy nghĩ, cảm giác, lo lắng, v.v…vì điều này sẽ giúp bạn nhận ra rằng bạn không đơn độc.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu không đủ tiền mua thứ gì đó nhưng lại muốn có nó, bạn hãy nghĩ đến cách ít tốn kém hơn qua việc trao đổi các món đồ. Có lẽ chỉ cần tạm thời mượn một món đồ từ người khác cũng sẽ giúp bạn vượt qua khao khát muốn sở hữu nó.
  • Tâm sự với bạn thân hoặc người nhà về vấn đề của bạn. Họ có thể cho bạn lời khuyên có ích và sẽ là nguồn hỗ trợ lớn của bạn. Chia sẻ vấn đề của mình với một người thân yêu có thể giúp bạn rất nhiều.
  • Nếu cảm thấy không thể nói chuyện với ai đó như bác sĩ, bạn hãy nói với người thân đáng tin cậy trong gia đình.

Cảnh báo[sửa]

  • Việc trả lại món đồ ăn cắp có thể gây rắc rối về pháp luật. Nếu có cách nào đó trả lại món đồ mà bạn đã ăn cắp mà không phải gánh trách nhiệm thì bạn hãy làm như vậy – có lẽ bạn nên để món đồ đó trước cửa hàng khi món đồ chưa được mở hoặc gửi đi với một lá thư hoặc mẩu giấy xin lỗi.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Sổ tay hoặc nhật ký để ghi chép những cảm giác của bạn cũng như các tác nhân kích thích và giải pháp – bạn có thể tự làm bằng giấy tiết kiệm hoặc MUA một quyển giá rẻ; bạn phải trả tiền hoặc kiếm được bằng cách trung thực, nếu không bạn đã làm tiêu tan mục đích ngay cả trước khi bắt đầu, và điều này vô cùng quan trọng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.beyondintractability.org/essay/guilt-shame
  2. 2,0 2,1 2,2 http://www.solanocounty.com/civicax/filebank/blobdload.aspx?blobid=14403
  3. http://www.guidetopsychology.com/txtypes.htm#common
  4. http://counsellingresource.com/features/2008/12/29/impulsive-thinking/
  5. http://scielo.br/pdf/rbp/v30s1/en_art05.pdf
  6. https://www.psychologytoday.com/blog/what-the-wild-things-are/201107/gains-and-losses-helping-people-stop-stealing
  7. http://www.kleptomaniacsanonymous.com/support.htm
  8. 8,0 8,1 http://www.minddisorders.com/Kau-Nu/Kleptomania.html
  9. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/cognitive-behavioral-therapy/basics/definition/prc-20013594
  10. 10,0 10,1 10,2 http://digital.doctorsonly.co.il/wp-content/uploads/2011/12/2006_2_3.pdf
  11. https://www.psychologytoday.com/blog/do-the-right-thing/201005/six-principles-best-manage-impulses-maximize-life-satisfaction-and
  12. http://www.getselfhelp.co.uk/stopp.htm
  13. 13,0 13,1 13,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/kleptomania/basics/coping-support/con-20033010
  14. 14,0 14,1 14,2 http://download.springer.com/static/pdf/539/art%253A10.1007%252Fs40429-014-0027-6.pdf?originUrl=http%3A%2F%2Flink.springer.com%2Farticle%2F10.1007%2Fs40429-014-0027-6&token2=exp=1436814442~acl=%2Fstatic%2Fpdf%2F539%2Fart%25253A10.1007%25252Fs40429-014-0027-6.pdf%3ForiginUrl%3Dhttp%253A%252F%252Flink.springer.com%252Farticle%252F10.1007%252Fs40429-014-0027-6*~hmac=48f637fe608860f85a2b6c4779eaf1bc72a3e240a245bee8f21add9ce550d053
  15. http://www.theravive.com/therapedia/Kleptomania-DSM--5-302.32-%28F63.3%29
  16. http://www.bandbacktogether.com/kleptomania-resources/

__