Chế biến lẩu Sukiyaki

Từ VLOS
(đổi hướng từ Chế biến Lẩu Sukiyaki)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Sukiyaki là món lẩu Nhật Bản từ thịt bò và rau thường được thưởng thức vào mùa đông. Ở Nhật Bản, thịt là thực phẩm đắt tiền và thường được dành cho những dịp đặc biệt. Do đó, người ta cũng chỉ thường ăn lẩu Sukiyaki vào một ngày đặc biệt ngay sau khi nhận lương. Mặc dù vậy, nếu chỉ đơn thuần là muốn thưởng thức một bữa ăn ấm lòng cùng bạn bè, gia đình thì bạn vẫn có thể lựa chọn món lẩu Sukiyaki dễ làm và ngon miệng.

Ảnh minh họa

Nguyên liệu[sửa]

Thịt, Rau và Mỳ[sửa]

  • 350g thịt thăn bò hoặc phần thịt tương tự, cắt thật mỏng
  • 1/4 cốc mỡ bò; nếu không có mỡ bò, có thể dùng vài thìa dầu thực vật hoặc bơ
  • 230 g đậu phụ nướng (yaki); chỉ cần đậu phụ cầm chắc tay là được
  • 1 bắp cải thảo nhỏ hoặc 1/2 bắp cải thảo lớn
  • 12 cây nấm hương (shiitake) và 1 túi nấm kim châm (enoki); hoặc có thể thay thế bằng nấm Portobello
  • 1 cọng hành hoa lớn (negi) hoặc nửa bó hành lá nhỏ
  • 2 bó rau cải cúc (shungiku); xà lách xoong, rau bina hoặc bất cứ loại rau nào bạn thích
  • 1 gói bún nưa (shirataki) hoặc bất cứ loại bún sợi trong suốt nào bạn thích
  • 1 quả trứng sống cho mỗi người ăn (tùy thích)
  • 1 túi mỳ Udon đông lạnh hoặc tươi (tùy thích)

Sốt Sukiyaki[sửa]

  • 1/2 cốc rượu Sake để nấu ăn
  • 1/2 cốc rượu Mirin (rượu gạo Nhật Bản tương tự rượu Sake)
  • 1/3 cốc nước tương
  • 1/4 cốc đường thô hoặc đường cát

Các bước[sửa]

Chuẩn bị Nguyên liệu[sửa]

  1. Cho bún Shirataki vào nồi nước lạnh và đun sôi. Nước vừa sôi lên thì tắt bếp và đổ mỳ ra cho ráo nước. Sau đó, cho mỳ vào bát nước lạnh.
    • Bún Shirataki không cần nấu quá lâu. Bạn chỉ cần đợi nước sôi lên là vừa đủ để loại bỏ mùi của bún. Sau khi chần qua nước sôi, bún sẽ có thể thấm hoàn toàn hương vị của sốt Sukiyaki.
    • Nếu dùng loại bún khác, bạn hãy đọc hướng dẫn sử dụng và luộc sơ qua bằng nước sôi, không nên luộc chín quá kỹ.
  2. Thái thịt bò thành lát càng mỏng càng tốt hoặc nhờ người bán thịt thái dùm. Lẩu Sukiyaki nên được ăn với thịt bò cắt lát thật mỏng. Vì vậy, bạn nên chọn thịt thăn (hoặc phần thịt tương tự) cho dễ cắt.
    • Bảo quản thịt bò trong tủ lạnh vài tiếng nếu muốn tự cắt lát thịt. Thịt cứng nhưng không hoàn toàn đông lạnh sẽ dễ cắt mỏng hơn.[1]
  3. Cắt riêng phần cọng bắp cải thảo trước khi cắt lá. Phần cọng của bắp cải thường nhiều xơ hơn và cần nấu lâu hơn. Vì vậy, bạn nên cắt riêng phần cọng rồi cắt thành miếng dày 2,5 cm (hoặc mỏng hơn). Sau đó, hãy cắt phần lá bắp cải thành miếng lớn hơn.
  4. Chuẩn bị nấm. Nếu không có nấm hương, bạn hãy dùng các loại nấm khác và cắt thành miếng vừa ăn. Còn đối với nấm hương, hãy chuẩn bị theo hướng dẫn dưới đây:
    • Dùng dao cắt bỏ cuống nấm. Dùng dao cắt thành hình ngôi sao nhỏ hoặc chữ thập trên nắp nấm. Hãy tưởng tượng có một đường thẳng giữa nắp nấm. Sau đó, dùng cao cắt một đường tạo góc 30 độ với đường thẳng giữa nắp nấm. Lưu ý chỉ nên cắt bỏ một phần nhỏ thịt nấm, đủ để nhìn thấy phần màu trắng. Tiếp theo, xoay dao theo hướng đối diện và cắt một đường khác tạo góc 30 độ. Cắt thêm một đường nữa tại góc vuông giao giữa hai đường cắt trên để tạo hình chữ thập và cắt thêm một đường nữa để tạo hình ngôi sao.
    • Đối với nấm Enoki, bạn chỉ cần rửa sạch và cắt bỏ phần rễ.
  5. Cắt chéo cọng hành hoa thành đoạn dài 2,5 cm.
  6. Ngắt riêng phần lá và phần thân của rau cải cúc. Đối với rau bina hoặc xà lách xoong, bạn cũng cần rửa sạch và ngắt riêng lá, bỏ phần thân.
  7. Làm sốt Sukiyaki. Đổ 1/2 cốc rượu Sake, 1/2 cốc rượu Mirin, 1/3 cốc nước tương, 1/4 cốc đường vào nồi và đun sôi dưới ngọn lửa vừa. Tắt bếp ngay sau khi hỗn hợp vừa sôi lên. Mục đích của quá trình này là để cho cồn trong rượu Sake bay hơi chứ không phải làm cho sốt cạn.

Nấu Lẩu Sukiyaki[sửa]

  1. Đun nóng nồi lẩu lớn dưới ngọn lửa vừa. Cách nấu lẩu Sukiyaki truyền thống là đặt nồi lẩu bằng gang hoặc đất nung lên bếp dầu hỏa. Khi nấu bằng cách này, bạn có thể thưởng thức món ăn còn nóng hổi ngay tại bàn. Nếu không có nồi lẩu và bếp dầu hỏa, bạn có thể dùng chảo điện để nấu lẩu ăn tại bàn.
    • Nếu không có nồi lẩu hoặc chảo điện, bạn vẫn có thể nấu lẩu trên bếp lửa không đặt trên bàn. Chỉ cần lưu ý rằng nên chọn nồi lớn có nắp vừa vặn.
  2. Cho mỡ bò, mỡ lợn hoặc các loại mỡ khác vào nồi. Lẩu Sukiyaki truyền thống dùng mỡ bò nhưng bạn có thể dùng mỡ lợn hoặc thậm chí là dầu thực vật cho bữa ăn tốt cho sức khỏe.
  3. Cho thịt bò cắt lát mỏng vào nồi và chiên đến khi thịt không còn màu hồng. Thịt bò vẫn sẽ chín tiếp trong nồi khi bạn nấu các nguyên liệu khác nên bạn không được chiên quá chín. Khi thịt bò vừa mất màu hồng, hãy đẩy thịt sang một bên nồi để thịt không chín quá nhanh.
    • Một số đầu bếp sẽ cho sốt Sukiyaki vào nồi trong khi chiên thịt bò.[2] Sốt Sukiyaki sẽ nổi bọt và nhanh cạn do chứa nước tương.
    • Một số khác lại thích nêm vị ngọt cho thịt bò đang chiên bằng đường thô. Bạn có thể lựa chọn phương pháp tùy sở thích hoặc dùng cả hai.
  4. Cho cọng cải thảo, đậu phụ nướng và nấm vào nồi. Nhớ để riêng từng nguyên liệu. Mỗi nguyên liệu phải nằm ở từng góc chảo và không trộn lẫn vào nhau.
  5. Cho bún Shirataki vào nồi nhưng không để gần thịt bò. Vì bún chứa hợp chất khiến thịt bò bị dai nên không được nấu gần với thịt bò.
  6. Cho tất cả nguyên liệu còn lại vào nồi. Cho lá cải thảo, rau cải cúc, hành hoa vào chảo. Nhớ để riêng từng nguyên liệu.
  7. Cho phần sốt Sukiyaki còn lại vào nồi và đậy nắp.
  8. Đun liu riu 3-5 phút hoặc đến khi thịt chín hoàn toàn và cọng cải thảo không còn giòn.

Thưởng thức Sukiyaki[sửa]

  1. Đập một quả trứng cho riêng từng người để làm nước chấm. Lẩu Sukiyaki truyền thống được ăn kèm với nước chấm từ trứng sống.[3] Sự kết hợp này có thể khiến bạn thấy không quen nhưng thực chất lại rất ngon miệng nếu bạn ăn thử.
    • Tuy nhiên, bạn có thể không dùng đến nguyên liệu này nếu sợ trứng sống mang vi khuẩn salmonella hoặc không thích vị trứng sống. Mặc dù vậy, vi khuẩn salmonella trong trứng sống là rất hiếm. [4]
  2. Chấm thịt và rau vào trứng sống trước khi ăn. Bạn chỉ cần gắp nguyên liệu muốn ăn ra khỏi nồi lẩu và chấm vào trứng.
    • Nếu ăn lẩu Sukiyaki với người lạ, bạn nên dùng đầu kia của đũa để gắp thức ăn ra khỏi nồi. Đây được xem là phép lịch sự khi dùng bữa.
  3. Cho thêm thịt và rau vào nồi. Nếu nguyên liệu nhiều và không thể cho hết vào nồi ngay từ đầu, bạn có thể cho tiếp vào nồi nước lẩu trong khi ăn. Thịt và rau xanh sẽ chín nhanh hơn các nguyên liệu khác.
  4. Nước lẩu còn dư có thể đem bảo quản và ăn kèm với mỳ Udon vào ngày hôm sau. Ở Nhật Bản, người ta thường dùng nước lẩu còn dư làm nước dùng ăn với mỳ Udon. Nếu nước lẩu còn dư và không đủ nhiều, bạn có thể làm thêm nước sốt Sukiyaki để pha cùng. Trước khi ăn, hãy đun sôi nước dùng rồi hạ nhỏ lửa đun liu riu. Nếu nước dùng quá mặn, bạn có thể cho thêm 1/3 cốc nước để nêm nếm lại.

Lời khuyên[sửa]

  • Để thưởng thức lẩu Sukiyaki đúng điệu như người Nhật Bản, bạn nên mua bếp dầu hỏa để nấu lẩu ngay tại bàn.
  • Bạn có thể mua "Phần lẩu Sukiyaki" được bán sẵn ở siêu thị. Phần lẩu này gồm các nguyên liệu được cắt sẵn, trừ thịt, đậu phụ và nước sốt. Như vậy, quá trình chế biến lẩu sẽ đơn giản hơn nhưng vị sẽ không còn bằng Sukiyaki tự làm ở nhà.
  • Lẩu Sukiyaki rất được trẻ em yêu thích. Trẻ nhỏ thích ăn lẩu Sukiyaki có nhiều đường và thích tự gắp đồ ăn yêu thích trong nồi lẩu.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu dùng bếp dầu hỏa, bạn cần đặt ở khu vực thoáng khí và không có vật bắt lửa trên bàn.
  • Nếu dùng trứng sống, bạn nên lựa chọn sản phẩm hữu cơ/trứng gà nuôi thả vườn để tránh nguy cơ ăn phải khuẩn salmonella.
  • Không để trẻ nhỏ đến gần bếp dầu hỏa và nồi nước lẩu nóng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này