Chữa ho mãn tính

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ho đẩy ngoại vật ra khỏi phổi và giữ đường hô hấp trên của bạn được thông suốt. Ho mãn tính là tình trạng ho kéo dài hơn 8 tuần (hay 4 tuần ở trẻ em) và là một trong những vấn đề phổ biến nhất của chăm sóc sức khỏe gia đình. Thông thường, ho mãn tính là triệu chứng của những bệnh lý khác, bao gồm suyễn, dị ứng, trào ngược a-xít hay vấn đề về xoang. Ho mãn tính cũng có thể là hậu quả của việc hút thuốc lá, tiếp xúc với khói thuốc hay bệnh truyền nhiễm. Nếu không được chữa trị, ho mãn tính có thể dẫn đến biến chứng như đau đầu, chóng mặt, tiểu không kiểm soát, gãy xương sườn, đau cơ bụng, đồ mồ hôi nhiều và thậm chí là những tình trạng y tế như tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) hay phổi tràn khí. Chữa lành ho mãn tính phụ thuộc nhiều vào việc xác định và điều trị nguyên nhân. Nếu bị ho mãn tính, hãy đến gặp bác sĩ: dù thường không nguy hiểm, nó có thể là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng, bao gồm ung thu phổi.

Các bước[sửa]

Giảm ho[sửa]

  1. Duy trì tình trạng đủ nước. Uống nhiều nước. Nhìn chung, liều lượng khuyên dùng hàng ngày dành cho nam là khoảng 13 cốc (3 lít) nước và dành cho nữ là khoảng 9 cốc (2-2,5 lít) nước.[1] Nước không chỉ dịu cổ họng mà còn giúp làm loãng đờm.[2]
  2. Súc họng bằng nước muối. Đây là cách trị ho và đau họng lâu đời. Dù không chữa được ho mãn tính, nó có thể làm giảm sưng và đem lại sự dễ chịu nhất định.[3]
    • Pha 1 muỗng trà muối với 250 ml nước ấm. Súc họng vài giờ một lần.
  3. Dùng thuốc ho. Thuốc ho hoạt động bằng cách ngăn chặn phản xạ ho. Điều quan trọng cần lưu ý là thuốc ho không điều trị nguyên nhân chính dẫn đến ho mà chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm ho, đặc biệt là khi cơn ho quấy rầy giấc ngủ của bạn.[4]
    • Trong thời gian dài, codeine được xem là "tiêu chuẩn vàng" cho thuốc ho bởi nó làm giảm hoạt động não bộ dẫn đến ho. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng codeine không hiệu quả trong việc làm giảm ho. Hơn nữa, thuốc này còn có khả năng gây nghiện và khiến nhiều bệnh nhân và người điều trị cảm thấy thoải mái.[5][6]
    • Một loại thuốc ho phổ biến là dextromethorphan (ví dụ như Triaminic Cold & Cough, Robitussin Cough, Delsym, Vicks 44 Cough & Cold). Hãy thận trọng khi sử dụng thuốc ho không kê toa. Luôn trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng và sử dụng với liều lượng quy định, tuân theo hướng dẫn sử dụng.
    • Đừng cho trẻ dưới bốn tuổi dùng thuốc ho.[7]
    • Nếu ho có đờm - không bị ho khan, đừng dùng thuốc ho.[8]
  4. Dùng viên ngậm giảm ho. Hầu hết viên ngậm, chẳng hạn như Halls hay Fisherman's Friend, đều chứa dược phẩm gây tê, làm dịu cổ họng.
    • Bạn có thể mua viên ngậm hay "kẹo ngậm" (như thường được gọi) với chiết xuất bạc hà hoặc khuynh diệp để làm sạch và dịu thêm đường hô hấp.[2]
    • Đừng dùng viên ngậm trị ho cho trẻ dưới 4 tuổi bởi chúng có thể bị nghẹn.[7]
  5. Ăn trái cây. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng hàm lượng chất xơ và flavonoid trong trái cây giúp ngăn ngừa ho mãn tính.[9]
    • Nghiên cứu cho thấy khả năng chữa trị thành công với táo, lê và nho. Tuy nhiên, bạn cũng có thể thử dùng trái cây sáng màu khác như nam việt quất, anh đào, cam và dâu.
  6. Tránh tác nhân gây dị ứng. Nếu nghi ngờ ho do dị ứng, hãy cố tránh những tác nhân dẫn đến dị ứng, thường gồm phấn hoa, bụi, cỏ, xà phòng thơm hoặc nước hoa và lông động vật.[10][2]
    • Bạn cũng có thể dùng thuốc antihistamine hoặc decongestant để làm giảm cơn ho liên quan đến dị ứng.
  7. Dùng máy tạo độ ẩm. Sử dụng máy tạo độ ẩm suốt đêm giúp bạn duy trì môi trường ẩm, đẩy lùi khí khô và nhờ đó, duy trì tình trạng thông suốt của đường hô hấp. Không khí có chứa hơi nước, ấm hoặc ẩm mát không những có thể giảm sưng mà còn giúp giảm ngứa và khan cổ họng.[11]
    • Nếu không có máy tạo độ ẩm, bạn cũng có thể đặt một chảo nước cạn trong phòng ngủ vào ban đêm để tăng thêm độ ẩm trong không khí.
    • Bạn cũng có thể tắm vòi sen nóng. Tương tự như máy tạo độ ẩm, tia nước vòi sen hỗ trợ làm sạch chất nhầy trong hốc mũi.
  8. Dùng mật ong. Mật ong được sử dụng rộng rãi trong việc điều trị ho lâu ngày. Nghiên cứu cho thấy mật ong đem lại hiệu quả tương đương thuốc giảm ho dextromethorphan trong việc đẩy lùi ho đêm và đồng thời, không để lại tác dụng phụ nào.[12] Bạn có thể thêm một thìa mật ong vào trà nóng để làm dịu cổ họng bị đau do ho không ngừng.[2]
    • Không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.[13]
  9. Sử dụng benzonatate (Tessalon Perles, Zonatuss). Thuốc không gây nghiện benzonatate được tin là có thể làm suy giảm triệu chứng ho bằng cách giảm phản xạ ho ở phổi, nhờ đó giảm ho mãn tính. Hình thức kê đơn phổ biến của benzonatate bao gồm Tessalon Perles và Zonatuss.[14][15]
    • Tessalon Perles là thuốc viên nang không hình thành thói quen nên được dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc này phải được uống trôi. Không dùng nhiều hơn liều lượng được hướng dẫn bởi điều đó có thể dẫn đến những tác dụng phụ nghiêm trọng.[15]
    • Bạn có thể cần trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng Tessalon Perles bởi khả năng tương tác của thuốc với các tình trạng y tế khác, bao gồm có thai và dùng thuốc khác.[14]

Điều trị Tận gốc[sửa]

  1. Khám bác sĩ. Nếu ho không dứt, bạn nên đặt hẹn với bác sĩ. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân ho và điều trị chúng.
    • Dù xác định nguyên nhân đằng sau chứng ho có thể khó khăn, điều đó là đặc biệt quan trọng bởi ở hầu hết trường hợp, một khi tình trạng tiềm ẩn được xác định và điều trị, ho mãn tính sẽ chấm dứt. Ba nguyên nhân phổ biến nhất của ho mãn tính là hen suyễn, chảy dịch mũi sau và trào ngược dạ dày thực quản (GERD), chiếm 90% trường hợp.[16]
    • Hầu hết bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách xem xét toàn bộ bệnh sử của bạn và khám thể chất. Nhìn chung, bác sĩ sẽ thử điều trị một trong những nguyên nhân phổ biến của ho và nếu không thành công, họ sẽ tiến hành kiểm tra bổ sung, bao gồm chụp X quang, CT (chụp ảnh cắt lớp vi tính), xét nghiệm vi khuẩn, kiểm tra chức năng phổi (hô hấp ký),…[17]
    • Bác sĩ cũng sẽ hỏi thông tin về những loại thuốc đang sử dụng của bạn. Đôi khi, thuốc kê đơn có thể là nguyên nhân dẫn đến ho. Thuốc ức chế men chuyển angiotensin, được dùng để điều trị cao huyết áp, là nguyên nhân phổ biến của ho mãn tính.[18]
    • Với trẻ em, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra, bao gồm chụp X quang ngực và chức năng phổi, nếu khám thể lực và bệnh sử không cho thấy một nguyên nhân rõ ràng.[19]
  2. Điều trị hen suyễn. Ho do hen suyễn có thể đến và đi theo mùa, nhưng đồng thời cũng có thể phát triển khi mới bị nhiễm trùng đường hô hấp trên - cảm. Ho do hen suyễn có thể trở nên tồi tệ hơn khi gặp lạnh hoặc tiếp xúc với một số hóa chất hay mùi hương. Thêm vào đó, hen suyễn còn có dạng được biết đến với tên gọi "hen khí quản dạng ho", đặc trưng bởi phản ứng quá mức của đường hô hấp với tạp chất trong không khí và thường đi kèm dị ứng theo mùa.
    • Hầu hết bác sĩ sẽ đề nghị bạn sử dụng ống hít với corticosteroids để điều trị hen suyễn, chẳng hạn như Flovent và Pulmicort. Chúng giảm viêm và mở rộng đường hô hấp. Ống hít chỉ được bán kèm đơn thuốc nên bạn sẽ phải trao đổi trực tiếp với bác sĩ.[16] Nhìn chung, ống hít được dùng hai lần mỗi ngày. Người dùng phải tuân theo quy trình nhất định để phát huy tác dụng của ống hít: sau khi thở mạnh ra, hít sâu vào, đồng thời xoay bơm của ống hít. Rửa sạch miệng sau khi sử dụng để tránh nguy cơ nấm miệng cho steroid còn sót lại trong khoang miệng.
    • Nếu bị hen suyễn, bác sĩ sẽ kê thuốc giãn phế quản như Albuterol để làm thư giãn đường hô hấp (nhờ đó ngăn ngừa cơn co thắt ho) và giúp tăng cường lượng khí vào phổi. Những lần sử dụng thường cách nhau 4 đến 6 tiếng, khi cần.[20] Tuy nhiên, steroid dạng hít hiện vẫn là liệu pháp thích hợp nhất cho hen suyễn gây ho dữ dội.
    • Nếu bị ho do hen suyễn, bác sĩ có thể cũng kê cho bạn montelukast (Singulair), thuốc điều trị ho và những triệu chứng khác.
  3. Điều trị trào ngược a-xít dạ dày. Đây là tình trạng rất phổ biến mà trong đó, a-xít dạ dày trào ngược lên thực quản, ống kết nối dạ dày với cổ họng, và gây kích ứng niêm mạc thực quản. Sự kích ứng này đến cuối cùng có thể dẫn đến ho mãn tính. Ngược lại, ho lại khiến chứng GERD trở nên tệ hơn, tạo thành một vòng luẩn quẩn nếu GERD không được điều trị. Nếu cùng với ho, bạn còn thường xuyên bị đầy hơi hay ợ nóng, nhiều khả năng GERD chính là nguyên nhân đằng sau tình trạng của bạn.[16]
    • Để trị GERD, bạn có thể dùng thuốc giảm tiết a-xít hoặc thuốc ức chế bơm proton (PPI). Thuốc giảm tiết a-xít (còn được biết đến với tên gọi thuốc chẹn H2) giảm lượng a-xít dạ dày được tiết ra. Thuốc chẹn H2 được khuyên dùng rộng rãi nhất là ranitidine hay Zantac, loại thuốc có thể được mua cùng toa hoặc không cùng toa. Ranitidine có thể được dùng bằng đường uống dưới dạng viên nén. Nhìn chung, hầu hết thuốc chẹn H2 đều được dùng 30 đến 60 phút trước bữa ăn (nhưng không quá hai lần một ngày).[21]
    • PPI hoạt động bằng cách ức chế hệ thống hóa học có tên gọi hệ enzym hydrogen-potassium adenosine triphosphatase, sản xuất a-xít dạ dày. Thuốc này làm giảm lượng a-xít tiết ra và đồng thời, tăng trương lực cơ vòng thực quản dưới, nhờ đó ngăn ngừa a-xít di chuyển lên phần đường hô hấp trên và kích hoạt cơn ho.[22] Chỉ một loại PPI là Prilosec được cung cấp dưới dạng không kê toa còn những loại khác, bao gồm Aciphex, Nexium, Prevacid, Protonix và Prilosec mạnh, đều được bán kèm đơn thuốc. PPI không nên dùng quá 8 tuần trừ khi có sự hướng dẫn của bác sĩ.[23]
    • Để tìm hiểu thêm phương pháp điều trị GERD, bao gồm mẹo ăn uống, hãy tham khảo thêm bài viết về liệu pháp thiên nhiên điều trị trào ngược a-xít của chúng tôi. Những gợi ý chung gồm tránh thực phẩm "kích hoạt" cơn ho như thức ăn chiên hay nhiều dầu mỡ, uống nhiều nước và ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.[24]
  4. Điều trị chảy dịch mũi sau. Chảy dịch mũi sau xuất hiện khi chất nhầy ở hốc mũi và xoang chảy xuống sau họng. Điều này có thể châm ngòi phản xạ ho của bạn. Tình trạng trên còn được gọi là hội chứng ho đường hô hấp trên.[16]
    • Điều trị chuẩn của hội chứng chảy dịch mũi sau là nhóm thuốc antihistamine như Claritin, Zyrtec Xyzal, Clarinex và nhóm thuốc decongestant (như dạng viên nén và dung dịch Sudafed, Neo-Synephrine vàthuốc xịt mũi Afrin). Chúng có thể mua không cần đơn tại những tiệm thuốc địa phương. Hãy tuân thủ mọi hướng dẫn trên bao bì và không dùng nhiều hơn liều lượng khuyên dùng bởi chúng có tác dụng phụ, gồm chóng mặt và khô miệng. Bạn nên tư vấn bác sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt nếu bạn có vấn đề về sức khỏe khác như cao huyết áp hoặc đang dùng thuốc điều trị.[25]
    • Gần đây, Flonase, một loại corticosteroid dạng hít, đã được đưa vào sử dụng không kê đơn. Đó là thuốc xịt mũi có chứa steroid không gây nghiện và không nên bị nhầm lẫn với thuốc xịt làm thông mũi decongestant.
  5. Bỏ thuốc lá. Hút thuốc là là nguyên nhân phổ biến của viêm phế quản mãn tính - có thể gây ho mãn tính. Viêm phế quản mãn tính dẫn đến tình trạng viêm dai dẳng ở ống phế quản, là đường hô hấp lớn của cơ thể. Những tổn thương có thể trở nên vĩnh viễn nếu không được chữa trị hay ngừng hút thuốc lá. Bên cạnh ho mãn tính, viêm phế quản mãn tính còn có thể gây thở khò khè, mất khả năng thở sâu và thở thông suốt.[16]
    • Thuốc lá cũng kích thích cơn ho từ những nguyên nhân khác và có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như ung thư phổi.
    • Hầu hết người mắc chứng viêm phế quản mãn tính đều hút hoặc từng hút thuốc lá.
    • Tránh hít phải khói thuốc lá cũng rất quan trọng bởi nó cũng có thể dẫn đến ho mãn tính, kể cả khi bạn không phải là người hút.
  6. Dùng thuốc chống dị ứng. Nếu những yếu tố gây dị ứng liên quan đến môi trường là nguyên nhân dẫn đến ho mãn tính ở bạn, một loại thuốc chống dị ứng không kê toa sẽ hỗ trợ tốt trong việc giảm triệu chứng.[13] Antihistamine (như Claritin, Zyrtec, Tavist, Clarinex và Xyzal), decongestant (Sudafed, Neo-Synephrine, Afrin và Visine) và thuốc có sự kết hợp giữa decongestant và antihistamine (Allegra-D hay Zyrtec-D) là những loại thuốc được dùng phổ biến.[26]
    • Antihistamine hoạt động bằng cách ức chế chất histamine trong tế bào, là sản phẩm được sinh ra khi cơ thể phản ứng trước sự "tấn công" của yếu tố gây dị ứng lên hệ thống miễn dịch của bạn. Histamine gây ửng đỏ, ngứa và sưng. Lưu ý rằng dù một số loại antihistamine có thể gây buồn ngủ, những loại mới hơn trên thị trường được dán nhãn không buồn ngủ rất rõ ràng. Hãy dùng như hướng dẫn.[26]
    • Decongestant giúp thông mũi và thường được khuyên dùng kèm khi sử dụng antihistamine. Xịt mũi và nhỏ mắt decongestant chỉ nên sử dụng một vài ngày mỗi đợt bởi chúng có thể làm triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Thuốc nước và viên nén có thể được dùng trong thời gian lâu hơn. Hãy tuân theo liều lượng và chỉ dẫn trên vỏ chai hay vỏ hộp.[27]
    • Thuốc xịt mũi corticosteroid như Flonase và Nasacort có thể rất hiệu quả trong việc làm giảm triệu chứng dị ứng mũi và ho do dị ứng.[28][29]
  7. Dùng thuốc kháng sinh khi bị nhiễm khuẩn. Khi bị viêm phổi hay viêm xoang do vi khuẩn, viêm phế quản, lao hoặc ho gà, bác sĩ sẽ kê chính xác loại và liều lượng thuốc kháng sinh cần dùng, tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của bạn.[13]
    • Đảm bảo dùng thuốc hết thời gian điều trị quy định. Chẳng hạn như, nếu bác sĩ kê 10 ngày điều trị, hãy dùng kháng sinh như trong đơn thuốc đủ 10 ngày, kể cả khi cảm thấy các triệu chứng đã thuyên giảm.

Cảnh báo[sửa]

  • Khi ho ra máu hoặc ói mửa, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức.
  • Gặp bác sĩ ngay nếu ho đi kèm với sốt cao hoặc kéo dài, giảm cân, đau ngực hoặc khó thở.
  • Chữa trị tận gốc ho mãn tính là bắt buộc. Nếu không được điều trị, chúng có thể gây tổn thương không thể khắc phục.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/water/art-20044256
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 http://www.medicinenet.com/chronic_cough/page5.htm#are_there_home_remedies_for_chronic_cough
  3. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold/in-depth/cold-remedies/art-20046403
  4. http://familydoctor.org/familydoctor/en/drugs-procedures-devices/over-the-counter/cough-medicine-understanding-your-otc-options.html
  5. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2921574/
  6. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a682065.html
  7. 7,0 7,1 http://www.medicinenet.com/cold_flu_cough_relief_pictures_slideshow/article.htm
  8. http://www.virginia.edu/studenthealth/ailments/cold.html
  9. http://www.medscape.com/viewarticle/484871
  10. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-cough/basics/lifestyle-home-remedies/con-20030883
  11. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold/expert-answers/cool-mist-humidifiers/faq-20058199
  12. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18056558
  13. 13,0 13,1 13,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-cough/basics/treatment/con-20030883
  14. 14,0 14,1 http://www.drugs.com/cdi/tessalon-perles.html
  15. 15,0 15,1 http://reference.medscape.com/drug/tessalon-benzonatate-343400#91
  16. 16,0 16,1 16,2 16,3 16,4 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-cough/basics/causes/con-20030883
  17. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-cough/basics/tests-diagnosis/con-20030883
  18. http://www.medicinenet.com/chronic_cough/page2.htm
  19. Joseph Benich MD, Peter, Carek MD. Evaluation of The Patient with a Chronic Cough. American Family 2011, Oct 15 84 (8) pp 887-892.
  20. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a682145.html
  21. http://www.medicinenet.com/ranitidine/article.htm
  22. http://www.patient.info/health/proton-pump-inhibitors
  23. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000381.htm
  24. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/basics/lifestyle-home-remedies/con-20025201
  25. http://www.entnet.org/content/post-nasal-drip
  26. 26,0 26,1 https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000549.htm
  27. http://familydoctor.org/familydoctor/en/drugs-procedures-devices/over-the-counter/decongestants-otc-relief-for-congestion.html
  28. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000404.htm
  29. http://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/corticosteroid-nasal-route/description/drg-20070513

Liên kết đến đây