Chữa lành vết cắt trong mũi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mũi là phần khá nhạy cảm của cơ thể, vì vậy, vết cắt hoặc vết thương trong mũi dù nhỏ nhất cũng có thể khá phức tạp trong việc điều trị, và đôi khi, có thể gây đau đớn. Chăm sóc vết thương trong mũi một cách phù hợp sẽ giúp thúc đẩy quá trình chữa lành và ngăn ngừa nhiễm trùng không mong muốn. Bạn nên đi khám bệnh nếu tình trạng chảy máu mũi không chấm dứt, vết thương không lành, hoặc bắt đầu có dấu hiệu viêm nhiễm.

Các bước[sửa]

Làm sạch Vết thương[sửa]

  1. Rửa sạch tay. Bạn nên chắc chắn rằng bàn tay của bạn hoàn toàn sạch sẽ để tránh lây lan vi khuẩn cho vết thương hở.[1] Rửa tay với nước sạch và chà xát với xà phòng trong vòng ít nhất là 20 giây (hãy hát bài hát "Happy Birthday" - Chúc mừng Sinh nhật - hai lần).[2] Sau đó, xả sạch tay và dùng khăn lau khô.
  2. Cầm máu cho vết thương. Nếu vết cắt hoặc vết thương đang chảy máu và nằm tại vị trí rất gần cánh mũi, bạn nên nhanh chóng dùng dụng cụ sạch để áp một lực lên khu vực này cho đến khi máu ngừng chảy. Không nên nín thở và không nên nhét một thứ gì đó vào lỗ mũi.[1]
    • Nếu vết thương không dễ nhìn thấy hoặc không ở gần vị trí cánh mũi, bạn nên sử dụng phương pháp sơ cứu đã được công nhận để cầm máu.[3]
    • Ngồi thẳng lưng và nghiêng người về phía trước. Duy trì tư thế này sẽ giúp giảm thiểu áp lực lên mạch máu bên trong mũi, và ngăn bạn không nuốt phải máu.
    • Bóp chặt mũi, dùng ngón tay cái và tay trỏ để bóp chặt mũi trong khoảng 10 phút. Bạn cần phải thở bằng miệng trong suốt quá trình này. Bạn có thể dừng lại sau 10 phút.
    • Nếu máu vẫn tiếp tục chảy, hãy lặp lại quy trình này. Nếu máu không ngừng chảy sau 20 phút, bạn nên đến bệnh viện vì vết thương có thể sẽ nghiêm trọng hơn bạn nghĩ.
    • Duy trì nhiệt độ mát cho cơ thể người đang bị chảy máu trong suốt quá trình, và bạn có thể thực hiện điều này bằng cách mặc quần áo mát mẻ cho người đó hoặc cho người đó ngậm một thứ gì đó khá lạnh, chẳng hạn như đá viên.[3]
  3. Cẩn thận loại bỏ bất kỳ một mảnh vỡ nào. Để giảm nhiễm trùng và biến chứng có thể xảy ra, bạn nên sử dụng nhíp đã được tiệt trùng để loại bỏ bất kỳ một mảnh vụn nào còn sót lại trong vết cắt.[4]
  4. Sử dụng dụng cụ sạch. Nếu bạn nghĩ rằng một thứ gì đó đang bị kẹt tại khu vực này, hoặc bạn chỉ muốn loại bỏ da, mô bị bong tróc, hoặc máu đông tích tụ tại vết thương, bạn nên tiệt trùng dụng cụ mà bạn dự định sử dụng. Nếu bạn không thể thực hiện điều này, bạn nên nhớ bảo đảm rằng chúng càng sạch sẽ càng tốt.[4]
  5. Tiệt trùng dụng cụ bạn cần.[5]
    • Rửa sạch tay với xà phòng và nước.
    • Rửa sạch vật dụng mà bạn muốn sử dụng, chẳng hạn như nhíp, với xà phòng và nước và xả sạch chúng hoàn toàn.
    • Cho dụng cụ vào một chiếc nồi hoặc chảo, và đổ nước ngập mặt từng vật dụng.
    • Đậy nắp nồi lại, và đun sôi trong khoảng 15 phút.
    • Nhắc nồi khỏi bếp, để yên nắp trên nồi, và chờ cho nồi nguội.
    • Đổ bỏ nước trong nồi mà không chạm tay vào dụng cụ đã được tiệt trùng. Nếu bạn chưa muốn sử dụng chúng ngay lập tức, bạn nên để chúng trong nồi hoặc chảo đã được bỏ nước và vẫn đậy nguyên nắp nồi.
    • Cẩn thận lấy vật dụng mà bạn chuẩn bị sử dụng ra khỏi nồi. Tránh chạm vào phần sẽ tiếp xúc với vết thương của bạn. Chỉ được chạm tay vào tay cầm hoặc tay nắm.
  6. Cân nhắc tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu bạn khó có thể chạm đến khu vực bị thương. Nếu bạn không thể nhìn thấy vết cắt, hoặc nó nằm ngoài tầm với của bạn, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc điều trị vết thương. Bạn có thể gây thương tổn nhiều hơn hoặc lây lan thêm vi khuẩn cho vết cắt nếu nó nằm sâu trong mũi.[4]
  7. Lựa chọn sản phẩm tẩy rửa phù hợp. Thông thường, xà phòng và nước là biện pháp tốt nhất để làm sạch vết thương, vết cắt, hoặc vết thương nhỏ trên da. Tại một vài khu vực mỏng manh và nhạy cảm hơn, sản phẩm có khả năng làm sạch và kháng khuẩn thường là lựa chọn khá tốt mà bạn có thể sử dụng.[6]
    • Một loại sản phẩm phổ biến vừa có tác dụng như xà phòng làm sạch và vừa chống nhiễm trùng được gọi là chlorhexidine, và bạn có thể tìm mua tại hầu hết mọi tiệm thuốc tây mà không cần toa thuốc của bác sĩ.[6] Chlorhexidine cần phải được pha loãng hoàn toàn trước khi sử dụng trên lớp màng nhầy (khu vực bên trong mũi).
  8. Đọc kỹ nhãn hiệu của sản phẩm. Không được sử dụng sản phẩm không phù hợp để dùng cho khu vực bên trong mũi.
  9. Làm sạch mô quanh vết cắt. Để có thể làm sạch vết cắt, hãy cẩn thận sử dụng tăm bông hoặc một miếng gạc được cuộn tròn.[1]
    • Dùng nhíp sạch hoặc đã được tiệt trùng để gắp miếng gạc để lau sạch vết thương một cách hiệu quả.[1]
    • Thấm một chút nước sạch và xà phòng dịu nhẹ, hoặc một lượng nhỏ chlorhexidine trên đầu tăm bông hoặc miếng gạc.[1]
    • Lặp lại phương pháp này với nước sạch và dụng cụ đã tiệt trùng để xả sạch bất kỳ lượng xà phòng nào còn sót lại.[1]

Điều trị Vết cắt[sửa]

  1. Hãy nhớ rửa tay thường xuyên. Vết cắt là cánh cổng cho vi khuẩn không mong muốn xâm nhập vào nguồn máu của bạn.[1]
  2. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng bất kỳ một loại sản phẩm nào bên trong mũi. Kem chống nhiễm trùng, hoặc kem kháng sinh và thuốc mỡ được bào chế để sử dụng cho vết cắt và vết trầy xước ngoài da, nhưng sẽ không phù hợp với vết thương nghiêm trọng hơn nằm sâu trong mũi của bạn. Bạn nên hỏi bác sĩ xem liệu loại sản phẩm này có an toàn cho vết cắt trong mũi của bạn hay không. Bạn có thể tìm mua các dạng sản phẩm này tại tiệm thuốc tây trong khu vực mà không cần toa thuốc.[1]
    • Nếu bác sĩ đồng ý, bạn nên thấm một lượng nhỏ kem hoặc thuốc mỡ chống nhiễm trùng vào đầu tăm bông, hoặc trên một mẩu gạc nhỏ. Cẩn thận bôi thuốc lên khu vực xung quanh vết thương.[1]
  3. Tránh chạm tay vào vết cắt. Nếu bạn cần phải sử dụng tay để bôi thuốc, bạn nên nhớ rửa sạch tay.[1]
  4. Không được chạm tay vào khu vực. Một khi bạn đã bôi thuốc, bạn nên tránh chạm tay vào vết thương và không bóc vảy. Hành động này sẽ khiến vết thương lâu lành và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.[7]
    • Nhẹ nhàng rửa sạch vết cắt và dùng sản phẩm phù hợp với vùng da mềm trong mũi có thể giúp ngăn ngừa vết thương đóng nhiều vảy và gây khó chịu. Cân nhắc sử dụng thuốc mỡ chống nhiễm trùng, hoặc một lượng nhỏ mỡ khoáng để duy trì độ ẩm tại khu vực.
    • Phương pháp này sẽ giúp vết cắt đóng vảy mềm hơn và ít hơn và giúp vết thương có thể tự chữa lành.
  5. Tiếp tục bôi thêm thuốc nếu cần. Tùy thuộc vào vị trí, chiều dài và chiều sâu của vết cắt mà bạn có thể tiếp tục bôi thuốc mỗi ngày, hoặc mỗi vài ngày. Hãy cẩn thận không để vi khuẩn xâm nhập vào vết thương.[1]

Đối phó với Trường hợp Nghiêm trọng[sửa]

  1. Tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu vết thương không ngừng chảy máu. Chảy máu liên tục có thể là dấu hiệu gãy xương, vết cắt khá sâu trong mũi, hoặc tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn. Chảy máu kéo dài hơn 15 – 20 phút là dấu hiệu cảnh báo rằng một điều gì đó khá trầm trọng đang diễn ra.[1]
  2. Đi khám bệnh nếu vết cắt không lành trong vòng một vài ngày. Nhiều loại vết thương trong lỗ mũi phải cần đến sự điều trị y khoa. Mũi là phần nhạy cảm và có khá nhiều mạch máu, chất lỏng (chẳng hạn như chất nhầy), và hệ thống dẫn lưu của xoang – và tất cả đều có chứa vi khuẩn. Một vài vết thương trong mũi cần phải được bác sĩ chữa trị, hoặc thậm chí là bác sĩ chuyên khoa, chẳng hạn như khoa tai mũi họng.[7]
    • Trong nhiều trường hợp, vết thương sẽ trông có vẻ như đang lành lặn một cách bình thường, nhưng lại tái phát trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Bạn cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc kháng sinh hoặc biện pháp y tế khác để ngăn ngừa vết cắt tái phát.[8]
  3. Tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu vết thương của bạn có liên quan đến động vật. Nếu vết cắt là do động vật gây nên, hoặc bởi một vật dụng nào đó khá bẩn và có nhiều góc cạnh lởm chởm, nó sẽ cần phải được làm sạch và điều trị một cách phù hợp. Bạn càng sớm xác định tình trạng nhiễm trùng bao nhiêu thì càng dễ dàng điều trị và kiểm soát nó bấy nhiêu.[1]
    • Đi khám bệnh càng sớm càng tốt nếu vết thương trong mũi của bạn là do một yếu tố nào đó có khả năng gây nhiễm trùng nghiêm trọng gây nên.[1]
  4. Tìm kiếm dấu hiệu viêm nhiễm. Bất kể là vì nguyên nhân gì, vết cắt nhiễm trùng cần phải được chăm sóc y tế kịp thời. Bạn nên chú ý đến các triệu chứng viêm nhiễm sau:[1]
    • Tình trạng của vết thương không cải thiện sau một vài ngày, hoặc bắt đầu trở nên tồi tệ hơn.
    • Vết cắt trở nên sưng tấy, và nóng ran khi chạm vào.
    • Vết thương chảy mủ đặc, và có mùi.
    • Bạn bắt đầu bị sốt.
  5. Tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp điều trị đối với tình trạng nhiễm trùng. Trong hầu hết mọi trường hợp, bác sĩ sẽ kê toa thuốc uống hoặc thuốc bôi kháng sinh cho bạn. Tùy thuộc vào biện pháp chữa trị, vết cắt của bạn có thể sẽ lành trong vòng một hoặc hai tuần một khi bạn bắt đầu dùng thuốc kháng sinh.[1]

Lời khuyên[sửa]

  • Vết cắt kéo dài trong nhiều tuần hoặc lâu hơn có thể là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn, và đòi hỏi bạn phải tiến hành điều trị y tế.
  • Không chạm tay vào vết cắt. Chạm vào khu vực bị thương hoặc vào vết cắt trong mũi sẽ khiến vết thương không thể lành, và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng.
  • Nếu bạn bị đau, sưng tấy, hoặc thâm tím, đây có thể là dấu hiệu gãy xương chứ không phải chỉ là một vết cắt đơn thuần. Bạn nên đi khám bệnh nếu gặp phải triệu chứng này.
  • Chảy máu kéo dài hoặc thường xuyên tái phát tại vết thương là dấu hiệu cho biết rằng bạn đang cần đến thủ thuật điều trị y tế. Vết cắt có thể sâu hơn và dài hơn là bạn nghĩ.
  • Nếu bạn không thể trông thấy rõ hoặc chạm tay đến vết cắt vì chúng nằm quá sâu trong mũi, bạn nên nhờ bác sĩ giúp đỡ.
  • Ăn nhiều hoa quả và rau củ sẽ thúc đẩy quá trình chữa lành.
  • Tiêm chủng ngừa uốn ván. Người trưởng thành cần phải tiêm lại loại vắc-xin này sau mỗi 10 năm.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây