Chữa mụn rộp môi (herpes) tại nhà

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Herpes môi là bệnh truyền nhiễm do một loại virus có tên là herpes đơn dạng loại 1 gây ra.[1] Mụn rộp có thể xuất hiện trên nhiều bộ phận của cơ thể, nhưng phổ biến nhất là ở quanh môi, má, mũi và trường hợp hiếm là trong mắt. Gần 50% đến 90% dân số thế giới mang virus, nhưng nhiều người không bao giờ có biểu hiện bệnh hoặc không nhận ra các triệu chứng. Bệnh herpes môi thường tự khỏi trong vòng hai đến bốn tuần, nhưng do bệnh này có thể gây đau và ngượng ngùng, chắc hẳn bạn muốn khỏi càng nhanh càng tốt. Tuy chưa được khoa học kiểm chứng một cách xác đáng, nhưng có nhiều liệu pháp được cho là có hiệu quả trong việc điều trị bệnh herpes môi.

Các bước[sửa]

Sử dụng Liệu pháp Tự nhiên[sửa]

  1. Dùng ô-xy già. Ô-xy già có đặc tính kháng viêm và kháng virus, có thể giúp giảm sưng viêm và chống lại tình trạng nhiễm virus gây bệnh herpes môi.[2]
    • Dùng bông gòn nhúng vào một thìa cà phê nước ô-xy già và áp lên vết mụn rộp khoảng 5 phút. Sau đó nhẹ nhàng rửa mặt với nước lạnh và vứt bỏ miếng bông.
    • Chú ý không nuốt ô-xy già khi bôi.
  2. Dùng dầu khoáng petroleum jelly hoặc mật ong. Bao bọc vết mụn rộp bằng dầu khoáng dược liệu như Vaseline sau khi đã chảy hết dịch. Việc này giúp giữ ẩm cho vết đau và ngăn ngừa nứt nẻ da, đặc biệt là tạo lớp bảo vệ vết mụn rộp khi đang lành.[3]
    • Không dùng ngón tay để bôi dầu khoáng, vì như vậy bạn có thể khiến virus lây lan trên các đầu ngón tay. Bạn nên dùng bông gòn để bôi dầu cho đến khi vết mụn lành lại.
    • Nếu không có sẵn dầu khoáng, bạn có thể dùng mật ong. Mật ong có đặc tính kháng vi khuẩn và virus, có thể bảo vệ vết mụn rộp khỏi các nguy cơ khác, đồng thời cũng chống các loại virus tiềm ẩn. Dùng bông bôi một ít mật ong lên vết mụn rộp, nhớ bôi lên toàn bộ chỗ đau.
  3. Đắp đá viên lên vết mụn rộp. Áp một viên đá hoặc túi đá trực tiếp lên vết mụn rộp để giảm sưng và làm tê vết đau. Nếu dùng đá viên, có lẽ bạn nên bọc vào một chiếc khăn cho dễ chịu. Áp đá lên vết mụn rộp cho đến khi vết đau tê đi, sau đó bỏ ra ngay. Không đắp quá lâu. Bạn có thể lặp lại cách nhau 1- 3 tiếng mỗi lần.[3][4]
    • Lưu ý, bạn chỉ nên dùng cách này nếu vết mụn rộp còn mới. Nếu mụn đã vỡ ra, đá lạnh có thể gây cản trở quá trình chữa lành vì nó làm chậm sự lưu thông máu đến vết thương (kèm theo đặc tính chữa lành tương ứng).
  4. Thử dùng cúc tím echinacea. Trà cúc tím được cho là giúp tăng cường hệ miễn dịch, do đó nó hỗ trợ cho phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể khi đang chống chọi với căn bệnh. Ngâm một túi trà cúc tím vào 250 ml nước sôi trong 10 phút và uống. Uống mỗi ngày một lần cho đến khi hết mụn rộp.[5]
    • Bạn cũng có thể uống thực phẩm bổ sung tối đa 4 lần một ngày, mỗi lần 300 mg để nâng cao hệ miễn dịch.
    • Không cho trẻ em dùng cúc tím mà không tham khảo bác sĩ.
    • Người mắc bệnh tự miễn, tiểu đường, lao, rối loạn mô liên kết, đa xơ cứng, rối loạn chức năng gan, HIV hoặc AIDS không nên dùng cúc tím.
    • Người dị ứng với cây họ cúc có thể cũng dị ứng với cúc tím.
  5. Dùng bạc hà chanh. Nhiều nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng bạc hà chanh để giúp giảm đỏ và sưng viêm ở các vết mụn rộp, đồng thời giảm nguy cơ tái nhiễm. Bạc hà chanh còn được dùng để trị mất ngủ, hồi hộp và khó tiêu. Loại thảo mộc này chứa eugenol, có tác dụng làm dịu các cơ bị co thắt, thư giãn các mô và diệt vi khuẩn.Tinh dầu bạc hà chanh có chứa hóa chất thực vật gọi là terpenes với hiệu quả thư giãn và kháng virus. Bạc hà chanh có sẵn dưới dạng thực phẩm bổ sung, kem bôi, cồn thuốc và trà thảo mộc, bán ở hầu hết các cửa hàng dinh dưỡng và thảo dược.[3][6]
    • Bôi thuốc mỡ bạc hà chanh lên vết đau tối đa 3 lần một ngày. Một lựa chọn khác là pha trà bạc hà chanh bằng cách ngâm 1/4 thìa cà phê bạc hà chanh khô vào cốc nước ấm (80–85 ºC) trong 3-5 phút. Lọc lại và uống ngay mà không thêm chất ngọt. Ngoài ra, bạn có thể thấm 1 thìa cà phê trà bạc hà chanh vào bông gòn và áp lên vết mụn rộp.
    • Kem bôi bạc hà chanh được cho là an toàn với trẻ em. Bạn nên tham khảo bác sĩ nhi khoa để xác định liều lượng dùng cho trẻ em và trẻ sơ sinh.
  6. Thử bôi tinh dầu hoặc chiết xuất thiên nhiên. Một số loại tinh dầu và chiết xuất thiên nhiên có đặc tính sát trùng, và khi bôi trực tiếp lên vết mụn rộp có thể chống lại virus gây bệnh. Một số khác có đặc tính làm se, vì vậy chúng có thể làm khô vết thương, đồng thời ngăn chặn viêm nhiễm vốn làm cho vết đau trầm trọng hơn.[7]
    • Dầu bạc hà cay có thể nhắm vào số virus thoát ra khỏi vùng bị nhiễm, do đó có tác dụng chống lại các vết mụn rộp. Nhúng một miếng bông gòn vào tinh dầu bạc hà cay và bôi lên vết đau hai lần một ngày cho đến khi khỏi.
    • Dầu cây phỉ là chất làm se và sát trùng. Nhúng một miếng bông gòn vào 1 thìa cà phê dầu phỉ (5ml) và bôi trực tiếp lên vết mụn rộp. Không cần rửa lại. Bôi 1- 2 lần một ngày.
    • Chiết xuất vanilla nguyên chất có gốc cồn và khả năng tiêu diệt virus. Nhúng một miếng bông gòn vào nửa thìa cà phê chiết xuất vanilla (2,5ml) và đắp trực tiếp lên vết đau, giữ trong 1-2 phút, tối đa 4 lần một ngày.
    • Tinh dầu trà và tinh dầu tỏi đều có thể giúp cho quá trình chữa lành nhờ giữ cho vết đau được mềm. Một vết mụn rộp mềm ít có khả năng bị vỡ. Nếu mụn rộp bị vỡ ra, nó có thể phục hồi và quay trở lại nặng hơn. Bạn có thể chấm một trong hai loại tinh dầu này trực tiếp lên vết đau hai lần một ngày.
  7. Bôi thuốc mỡ có thành phần cây đại hoàng và cây xô thơm. Có nghiên cứu cho rằng kem bôi có chứa 23mg/g chiết xuất cây đại hoàng và cây xô thơm cũng đem lại hiệu quả tương tự như các loại thuốc kê toa trong việc điều trị bệnh herpes môi.[8][9] Bạn có thể tìm kem này ở cửa hàng sản phẩm thiên nhiên chăm sóc sức khỏe. Chỉ cần lấy một lượng kem bằng hạt đậu lên bông gòn và bôi lên vết đau.
    • Hỏi bác sĩ để biết liệu chiết xuất cây đại hoàng và xô thơm có an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
  8. Làm thuốc mỡ cam thảo. A- xít glycyrhizic có trong rễ cam thảo là thành phần chủ đạo. Nó có đặc tính kháng viêm và kháng virus, đồng thời có thể giúp giảm triệu chứng và ngăn chặn sự sinh sản của các tế bào virus.[7]
    • Trộn một thìa canh (15ml) bột rễ cam thảo hoặc chiết xuất cam thảo với nửa thìa cà phê (2,5ml) nước hoặc 2 thìa cà phê (10ml) dầu khoáng petroleum jelly. Chấm hôn hợp này lên vết mụn rộp, phủ hoàn toàn lên vết đau và để nguyên trong nhiểu giờ, tốt nhất là để qua đêm.
    • Một cách khác, bạn có thể trộn bột rễ cam thảo với dầu khoáng petroleum jelly, vốn cũng có đặc tính chữa lành. Đầu tiên bạn nên trộn 1 thìa cà phê dầu khoáng với bột rễ cam thảo. Sau đó thêm vào dầu khoáng để đạt đến độ mịn mong muốn.
  9. Dùng sản phẩm sữa lạnh. Sữa lạnh và sữa chua lạnh đều được cho là có hiệu quả chữa mụn rộp môi. Trong sữa có immunoglobulins là kháng thể đặc biệt có khả năng đẩy lùi virus, và lysine có khả năng chống lại arginine - một loại amino a-xít có thể gây nên mụn rộp môi. Nhúng bông gòn vào 1 thìa canh (15ml) sữa lạnh và đắp trực tiếp lên vết đau trong vài phút.[7]
    • Probiotics trong sữa chua có thể giúp chống lại virus herpes gây mụn rộp môi. Chấm một ít sữa chua trắng trực tiếp lên vết đau, đồng thời ăn 2 -3 cốc sữa chua không béo mỗi ngày trong thời gian phát bệnh.[10]
  10. Bôi gel lô hội. Lô hội có thể làm dịu đau nhức ở các vết mụn rộp (trong số nhiều dạng kích ứng da khác) và chống lại vi khuẩn đang chực chờ xâm nhập vào vết đau và làm bệnh nặng thêm. Nó cũng có thể giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành.[7]
    • Dùng bông gòn bôi nửa thìa cà phê (2,5ml) gel lô hội trực tiếp lên vết mụn rộp và để nguyên. Loại gel tốt nhất là từ cây tươi, rất dễ tìm và để được lâu. Bẻ một nhánh lô hội và bôi phần gel trong đó lên ngay chỗ đau.
    • Nếu không tìm được cây lô hội, bạn có thể mua gel 100% lô hội ở hiệu thuốc.

Thay đổi Chế độ ăn[sửa]

  1. Tránh các thức ăn gây sưng viêm. Một số thức ăn có thể làm chậm quá trình chữa lành của cơ thể, làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng tình trạng sưng viêm. Những loại thức ăn như vậy đặc biệt nên tránh đối với người mắc bệnh tự miễn, người đang uống thuốc chữa bệnh tim, phổi hoặc bệnh tiêu hóa, người vừa mới bị cảm, ho hoặc sốt. Nếu bị bệnh herpes môi, bạn cần tránh các thực phẩm có thể gây sưng viêm dai dẳng như:[11]
    • Carbohydrates tinh chế như bánh mì trắng, bánh ngọt hoặc bánh rán
    • Thức ăn chiên, nhiều dầu mỡ
    • Thức uống có đường như soda hoặc nước tăng lực
    • Thịt đỏ như thịt bê, thịt băm hoặc nướng, thịt chế biến như xúc xích
    • Bơ thực vật và mỡ lợn
  2. Áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải. Trong khi một số thức ăn gây sưng viêm, số khác thực sự giúp giảm sưng viêm. Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải chủ yếu bao gồm các loại thức ăn giúp giảm sưng viêm như:[11]
    • Hoa quả như dâu, cherry và cam
    • Quả hạch như hạnh nhân và quả óc chó
    • Rau xanh như cải bó xôi hoặc cải xoăn giàu chất chống ô-xy hóa
    • Cá giàu Omega 3 như cá hồi, cá thu, cá ngừ và cá mòi
    • Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, hạt quinoa, kê, yến mạch và hạt lanh
    • Dầu ô liu hoặc dầu hạt cải
  3. Tránh các loại thức ăn giàu arginine. Virus herpes simplex đòi hỏi arginine - một loại amino a-xít có trong nhều loại thức ăn – để giúp cho quá trình trao đổi chất của chúng. Các chuyên gia cho rằng việc giảm tiêu thụ các thức ăn giàu arginin có thể giúp kiểm soát sự xuất hiện và quay lại của các vết mụn rộp, đồng thời cũng giúp giảm sưng viêm ở các vết mụn đang có.[3].
    • Thức ăn giàu arginine gồm có chocolate, cola, đậu, ngũ cốc tinh chế, gelatin, lạc, hạt điều và bia.
  4. Bổ sung thêm vitamin C. Việc tăng cường hệ miễn dịch để chống lại virus và vi khuẩn sẽ giúp cơ thể mau lành hơn và tránh viêm nhiễm về sau. Nghiên cứu đã cho thấy vitamin C đóng vai trò như một chất chống ô-xy hóa và thúc đẩy chức năng miễn dịch, giúp giảm nguy cơ phát triển nhiều loại bệnh, hỗ trợ quá trình chữa lành và cải thiện vẻ tự nhiên của da. Bạn có thể uống thực phẩm bổ sung vitamin C (1.000mg/ngày) hoặc đưa thêm các thức ăn giàu vitamin C vào thực đơn. Bạn có thể dễ dàng lấy vitamin C qua thức ăn – chỉ cần ăn thêm hoa quả và rau! Các nguồn tự nhiên giàu vitamin C là:[12]
    • Ớt chuông và ớt xanh
    • Hoa quả có múi như cam, bưởi chùm, bưởi, chanh hoặc các loại nước quả có múi không cô đặc.
    • Rau bó xôi, bông cải xanh và mầm cải brussel
    • Các loại quả mọng, bao gồm dâu tây và quả mâm xôi
    • Cà chua
  5. Dùng tỏi. Tỏi có đặc tính kháng viêm và kháng virus, có thể đẩy nhanh quá trình chữa lành. Tỏi cũng giàu chất chống ô-xy hóa như vitamin B6, vitamin C và mangan, giúp nâng cao khả năng miễn dịch, chống lại sự viêm nhiễm như bệnh herpes. Các nhà nghiên cứu tin rằng các dược tính này là kết quả của một loại enzyme sulfuric gọi là alliin, một hoạt chất có trong tỏi.[13][14]
    • Cách dùng tốt nhất là ăn tỏi tươi để phóng thích alliin. Mỗi nhánh tỏi thường tương đương với 1 gram. Để dễ ăn hơn, bạn có thể nghiền một thìa tỏi trộn với mật ong hoặc dầu ô liu. Liệu pháp thiên nhiên này giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể và giảm nguy cơ tái phát bệnh.
    • Để làm thuốc mỡ bôi, bạn có thể làm hỗn hợp bột nhão bằng cách nghiền 2-4 nhánh tỏi đắp lên vết đau với một miếng bông gòn trong khoảng 10-15 phút. Cách này có thể hơi xót và khá nặng mùi, nhưng đặc tính chống virus của tỏi giúp sát trùng chỗ đau và rút ngắn thời gian chữa lành.
    • Lưu ý là dùng quá nhiều tỏi có thể khiến hơi thở có mùi và huyết áp thấp, do đó bạn nên giới hạn, chỉ dùng 2-4 nhánh tỏi mỗi ngày. Không nên dùng tỏi trước khi phẫu thuật nếu bạn bị chứng máu khó đông. Nếu xuất hiện các tác dụng phụ như đầy hơi, mệt mỏi, ăn không ngon, đau nhức cơ, chóng mặt và các biểu hiện dị ứng như phản ứng hen suyễn, phát ban trên da và thương tổn da, bạn cần ngưng dùng tỏi và đi khám ngay.
  6. Dùng kẽm. Kẽm là một khoáng chất vi lượng cần thiết có trong nhiều loại thức ăn mà bạn ăn thường ngày để duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Kẽm có đặc tính chống ô-xy hóa giúp bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn và virus như virus herpes simplex. Thông thường lượng kẽm trong cơ thể hơi thấp, nhưng việc uống thêm đa sinh tố và áp dụng chế độ ăn lành mạnh có thể cung cấp cho bạn đủ lượng kẽm cần thiết. Các nguồn thức ăn giàu kẽm nhất là hàu, sò ốc, thịt đỏ, thịt gia cầm, phô mai, tôm và cua.[15]
    • Bạn cũng có thể bôi thuốc mỡ chứa kẽm để làm dịu vết mụn rộp và đẩy nhanh quá trình lành bệnh. Bạn chỉ cần lấy một lượng nhỏ lên một miếng bông gòn và đắp lên vết đau từ 3-5 phút, có thể bôi 2-3 lần mỗi ngày.
    • Kẽm có sẵn dưới dạng thực phẩm bổ sung và trong viên đa sinh tố. Nên tham khảo bác sĩ trước khi uống kẽm. Nếu có vấn đề về tiêu hóa như trào ngược a-xít, bạn nên cân nhắc dùng các dạng kẽm dễ hấp thụ hơn như picolinate kẽm, citrate kẽm, acetate kẽm, glycerate kẽm, và monomethionine kẽm. Lượng kẽm được ghi trên nhãn sản phẩm (thường là 30 đến 50mg). Để xác định lượng kẽm uống vào dưới dạng thực phẩm bổ sung, cần nhớ rằng bạn có thể nạp từ 10 -15 mg kẽm từ thức ăn. Liều lượng cho phép đối với người lớn là 8-11 mg mỗi ngày. Bạn không nên uống kẽm với liều cao quá vài ngày trừ khi có lời khuyên của bác sĩ.
  7. Uống thực phẩm bổ sung lysine. Lysine là một loại amino a-xít có thể lấy từ các nguồn thực phẩm như cá hồi, cá ngừ, gà, sữa không béo, phô mai parmesan, đậu nành, trứng, đậu lăng, đậu tây, đậu gà và hạt quinoa. Bạn có thể uống viên thực phẩm bổ sung lysine. Người bị herpes môi ba lần trong một năm nên uống bổ sung 2.000 – 3.000mg lysine mỗi ngày để giảm nhiễm bệnh về lâu dài. Bạn hãy uống 1.000mg lysine ba lần mỗi ngày khi đói. Không uống cùng với sữa.[16][3]
    • Không uống lysine mà không hỏi ý kiến bác sĩ, đặc biệt là khi bạn có mức cholesterol cao hoặc bệnh tim.

Thay đổi Lối sống[sửa]

  1. Gối cao đầu khi ngủ. Nếu bị bệnh herpes môi, bạn chồng vài chiếc gối sau đầu để nhờ trọng lực giúp dịch trong các nốt mụn thoát ra. Nếu không, chất dịch có thể nằm trong vết mụn cả đêm.[3]
    • Đặt gối dưới đầu sao cho gối phải đỡ được đường cong tự nhiên của cổ, và bạn phải thấy thoải mái. Gối quá cao có thể làm căng các cơ bắp ở lưng, cổ và vai. Chọn gối giữ cho cổ thẳng hàng với ngực và lưng dưới.
  2. Tập thể dục đều đặn. Tập luyện thân thể nhiều lần một tuần – hoặc tốt hơn nữa là mỗi ngày - có thể nâng cao hệ miễn dịch, do đó giảm nguy cơ tái phát bệnh herpes môi. Ngay cả các bài tập nhẹ hoặc trung bình như đi bộ, yoga và giãn cơ cũng đem lại lợi ích toàn diện bất ngờ ngoài việc rút ngắn thời gian hồi phục và giảm triệu chứng bệnh herpes môi.[3]
    • Tập thể dục đều đặn cũng giảm nguy cơ nhiễm bệnh về lâu dài, bên cạnh việc nâng cao tâm trạng để giảm mức stress. Mỗi ngày bạn nên tập 30-45 phút với các bài tập cường độ trung bình như đi bộ nhanh, chạy bộ và bơi lội.
    • Suy nghĩ đến việc nhờ bác sĩ tư vấn lập kế hoạch tập luyện dành riêng cho bạn.
  3. Dùng kem chống nắng và son dưỡng môi chống nắng. Phơi nắng với mức độ vừa phải có lợi cho hệ miễn dịch vì nó tăng sản sinh vitamin D. Tuy nhiên, một trong những tác nhân phổ biến nhất gây bệnh herpes môi là ánh nắng mặt trời, do đó việc thường xuyên sử dụng kem chống nắng và son chống nắng khi ra ngoài trời có thể giúp giảm nguy cơ phát bệnh herpes môi. Để bảo vệ da khỏi tác hại của mặt trời, hãy dùng kem chống nắng không gây mụn với chỉ số chống nắng SPF ít nhất là 30.[17]
    • Một số hóa chất trong kem chống nắng có thể gây dị ứng, do đó tốt nhất là bạn nên hỏi bác sĩ da liễu để chọn loại thích hợp.
  4. Kiểm soát stress. Việc phát bệnh herpes môi có thể làm gia tăng stress và gây mặc cảm tự ti, lo âu và buồn phiền. Tương tự như vậy, stress làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến chúng ta dễ bị virus tấn công, trong đó có virus herpes đơn dạng. Một số phương pháp để kiểm soát stress bao gồm:[4]
    • Thử viết nhật ký. Dành thời gian mỗi ngày để viết ra suy nghĩ của mình, thậm chí chỉ cần 10 -20 phút. Viết nhật ký có thể là cách giải tỏa stress tuyệt vời. Nó giúp bạn sắp xếp các ý nghĩ, làm sáng tỏ vấn đề và đề xuất các giải pháp.[18]
    • Nghe nhạc là một phương pháp hữu hiệu để giải tỏa stress cho người khỏe mạnh và cả người có vấn đề về sức khỏe. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc nghe nhạc nhẹ có thể giảm huyết áp, nhịp tim và giảm lo âu.
    • Dành thời gian để tiêu khiển. Mỗi tuần bạn nên dành thời gian làm những việc mà bạn cảm thấy thích thú và thư giãn, dù là tập yoga, đọc sách, nấu ăn, may vá hoặc bất cứ việc gì trong tầm tay bạn.
    • Thử các môn thiền và thư giãn như yoga, thở sâu và thái cực quyền. Thiền có thể giúp hạ huyết áp, giảm đau mạn tính, đỡ lo âu và giảm mức cholesterol, nhờ đó nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất. Với một bài tập thiền đơn giản, bạn ngồi xếp bằng ở một nơi yên tĩnh, thở chậm và sâu ít nhất 5 -10 phút. Cố gắng dành 5 phút tập thiền mỗi ngày để kiểm soát stress.
  5. Tránh hôn và quan hệ tình dục bằng miệng. Virus herpes đơn dạng dễ lây nhiễm, vì vậy bạn nên tránh hôn và quan hệ tình dục bằng miệng trong suốt thời gian bệnh (nghĩa là khi xuất hiện các nốt mụn rộp) cho đến khi khỏi hẳn. Quan hệ tình dục đường miệng có thể làm lây lan virus vào cơ quan sinh dục và có thể lây nhiễm virus herpes đơn dạng loại 2 từ người bị nhiễm. Bệnh herpes không phải lúc nào cũng có biểu hiện ra bên ngoài, và bạn tình của bạn có thể đã bị nhiễm mà bạn không biết.[4][19]
    • Người có quan hệ tình dục với bạn tình nhiễm herpes đơn dạng nên tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ về cách giữ an toàn khi quan hệ tình dục.

Giữ Vệ sinh Cá nhân[sửa]

  1. Tránh chạm vào vết mụn. Khi bị đau do sưng viêm, bạn có thể muốn nặn hoặc cậy mụn. Nhưng chạm vào mụn rộp hoặc tiếp xúc da với người khác có thể khiến virus lây lan sang các đầu ngón tay, gây bệnh herpes whitlow (viêm mé móng). Cậy mụn còn làm chậm quá trình lành bệnh và tăng nguy cơ lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể.[20]
  2. Rửa tay thường xuyên. Khi bị herpes môi, bạn nên rửa tay cẩn thận trước khi chạm vào mặt và tiếp xúc với người khác, nhất là với trẻ ẵm ngửa, vì virus herpes đơn dạng có thể nhanh chóng lây lan theo đường này.[20]
    • Một lựa chọn tốt là đem nước rửa tay hoặc khăn ướt theo mình khi ra khỏi nhà hoặc đi làm để có thể giữ vệ sinh tay vào mọi lúc.
  3. Không chia sẻ thức ăn và các đồ dùng để ăn uống. Tránh chia sẻ thức ăn, đồ dùng ăn uống, khăn, son chống nắng, bàn chải đánh răng và các vật dụng khác có thể lây truyền virus giữa mọi người khi xuất hiện những nốt mụn. Vi khuẩn và virus sẽ bám vào các vật dụng và lan truyền từ người nay sang người khác theo cách này, khiến bệnh herpes môi càng kéo dài hoặc khiến các triệu chứng thêm trầm trọng. Ngoài ra bạn cũng nên tránh để đồ dùng cá nhân của bạn trong môi trường quá ẩm ướt vì độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.[20]
  4. Dùng khăn giấy mỗi lần hắt xì hoặc ho. Dùng khăn giấy khi ho hoặc hắt xì để tránh phát tán vi trùng vào không khí và tránh để cho các loại vi khuẩn và virus khác xâm nhập vào phổi khi bạn hít thở.[21]
    • Nếu không có sẵn khăn giấy, bạn ho hoặc hắt xì vào khuỷu tay thay vì chụm hai bàn tay lại che mặt, vì như vậy chỉ khiến vi trùng lây lan vào bàn tay.
  5. Giữ vệ sinh bàn chải đánh răng. Rửa sạch bàn chải trước và sau khi dùng để ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ trên lông bàn chải. Khi bị mụn rộp, bạn cần để bàn chải vào vật đựng riêng nếu ở chung nhà với những người khác.[22]
    • Không bao giờ dùng chung bàn chải với bất cứ ai vì việc này có thể làm lây lan vi trùng và vi khuẩn gây bệnh từ miệng người này sang người khác.
    • Không đậy nắp bàn chải hoặc cất vào hộp kín. Môi trường kín và tối có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
    • Thay bàn chải đánh răng sau 3 hoặc 4 tháng, và ngay sau khi bạn khỏi bệnh herpes môi, ho hoặc viêm họng. Cẩn thận hơn, bạn nên nhúng bàn chải vào 30ml nước ô-xy già hoặc nước súc miệng gốc cồn trong ba đến năm phút để tiêu diệt vi khuẩn còn sót lại trên lông bàn chải.

Cảnh báo[sửa]

  • Không cố che đậy vết mụn rộp bằng mỹ phẩm. Mỹ phẩm thực sự có thể làm trầm trọng thêm vết mụn và làm chậm quá trình chữa lành.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cold-sore/basics/definition/con-20021310
  2. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003059.htm
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 3,4 3,5 3,6 Editors of Prevention, (2010),The Doctors Book of Home Remedies: Quick Fixes, Clever Techniques, and Uncommon Cures to Get You Feeling Better Fast, ISBN: 1605298662
  4. 4,0 4,1 4,2 http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/herpes-simplex-virus
  5. http://umm.edu/health/medical-reference-guide/complementary-and-alternative-medicine-guide/herb/echinacea
  6. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/lemon-balm
  7. 7,0 7,1 7,2 7,3 http://everydayroots.com/cold-sore-remedies
  8. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cold-sore/basics/alternative-medicine/con-20021310
  9. Saller R, Buechi S, Meyrat R, et al. Combined herbal preparation for topical treatment of Herpes labialis. Forsch Komplementarmed Klass Naturheilkd. 2001;8:373-382.
  10. http://fiveremedies.com/infections/cold-sore-home-remedies/
  11. 11,0 11,1 http://www.health.harvard.edu/staying-healthy/foods-that-fight-inflammation
  12. http://umm.edu/health/medical/ency/articles/vitamin-c
  13. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/1470664
  14. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/garlic
  15. http://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/zinc
  16. http://www.healwithfood.org/coldsores/
  17. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cold-sore/in-depth/health-tip/art-20048777
  18. http://msue.anr.msu.edu/news/journaling_to_reduce_stress
  19. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmedhealth/PMH0069184/
  20. 20,0 20,1 20,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cold-sore/basics/prevention/con-20021310
  21. http://www.cdc.gov/healthywater/hygiene/etiquette/coughing_sneezing.html
  22. http://www.ada.org/en/about-the-ada/ada-positions-policies-and-statements/statement-on-toothbrush-care-cleaning-storage-and-

Liên kết đến đây