Chuẩn bị nguyên liệu chữa đau họng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chúng ta ai cũng sẽ ít nhất một lần trải qua cảm giác đau, kích ứng, đôi khi có thể gây ngứa, trong cổ họng. Đau họng là bệnh thường gặp và có thể là triệu chứng của nhiễm vi-rút (ví dụ như cúm, cảm lạnh thông thường, thủy đậu, bệnh sởi) hoặc nhiễm khuẩn (viêm amiđan, viêm họng và viêm họng liên cầu khuẩn).[1] Đau họng cũng có thể là triệu chứng của dị ứng, mất nước, căng cơ, bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD), nhiễm HIV hoặc khối u.[2] Rất may là bệnh đau họng có thể điều trị tại nhà và sẽ thuyên giảm trong vòng vài ngày cho đến một tuần.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị nước súc miệng[sửa]

  1. Chuẩn bị nước súc miệng muối biển. Muối hoạt động như một chất khử trùng nhẹ và giảm sưng bằng cách hút nước trong các mô bị sưng trong cổ họng. [3] Nghiên cứu cho thấy súc miệng rất có ích trong việc giảm đau họng và tắc nghẽn. [4]
    • Cho khoảng 1 thìa cà phê muối tinh hoặc muối biển vào 240 ml nước ấm và khuấy tan muối. Súc miệng với nước muối trong 30 giây rồi nhổ ra. Súc miệng mỗi tiếng một lần.[5]
  2. Chuẩn bị nước súc miệng cay. Cho 10-20 giọt sốt Tabasco vào 240 ml nước. Tabasco được làm từ ớt cay nên có tác dụng tương tự như capsaicin, giúp điều trị cơn đau và còn có đặc tính kháng vi-rút.[6]
    • Không nuốt nước súc miệng cay để tránh gây kích thích dạ dày.
  3. Súc miệng với nước giấm táo. Mặc dù chưa rõ vì sao nhưng giấm táo lại hiệu quả hơn nhiều so với các loại giấm khác. Axit trong giấm táo giúp tiêu diệt vi khuẩn. Cho 1 thìa giấm táo vào 240 ml nước ấm.[7]
    • Súc miệng với hỗn hợp nước giấm táo trong vòng 30 giây rồi nhổ ra. Nên súc miệng 2-3 lần mỗi ngày cho đến khi khỏi đau họng.
  4. Súc miệng với muối nở. Muối nở có tính kiềm (ngược lại với tính axit) giúp làm dịu cổ họng bị đau, đặc biệt là trong trường hợp bạn không thể súc miệng với nước giấm táo. Muối nở còn có đặc tính kháng vi-rút vì làm thay đổi nồng độ pH trong cổ họng.
    • Cho 1/2 thìa cà phê muối nở vào một cốc nước ấm. Sau đó, cho thêm 1/2 thìa cà phê muối tinh hoặc muối biển. Súc miệng với hỗn hợp này hai tiếng một lần.[8]
  5. Súc miệng với mật ong hoặc trà. Bạn có thể cho 1 thìa mật ong và/hoặc chanh vào bất kỳ hỗn hợp nước súc miệng nào kể trên. Mật ong có đặc tính kháng khuẩn[9] và làm dịu vì giúp hút nước từ các mô viêm, còn chanh có tính axit, chứa vitamin C và có cả đặc tính kháng khuẩn, kháng vi-rút.[10]
    • Không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì trẻ nhỏ dễ bị ngộ độc do nhiễm khuẩn từ mật ong. [8]

Pha trà[sửa]

  1. Pha trà mật ong. Từ lâu, mật ong đã được dùng làm nguyên liệu tự nhiên chữa đau họng. Bạn có thể cho 2-3 thìa cà phê mật ong vào một cốc nước ấm hoặc một cốc trà thảo dược.
    • Nước chanh nóng pha mật ong có thể giúp giảm cảm giác khó chịu và giảm sưng. Pha nước cốt nửa quả chanh với nước ấm. Sau đó, cho thêm 2 thìa cà phê mật ong vào. Để tăng tác dụng xoa dịu, bạn có thể thêm 1 thìa rượu Brandy hoặc Whisky.[11]
    • Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên và được kiểm soát, sau khi uống 30 phút, sản phẩm trà thảo mộc giảm đau họng Throat Coat Herbal Tea cho thấy tác dụng giảm mức độ cơn đau do nuốt.[12]
  2. Pha trà ớt Cayenne. Cayenne hoạt động như một chất chống kích thích và làm suy yếu chất gây đau gọi là “Substance P”. Bạn có thể khuấy 1/4 thìa cà phê bột ớt Cayenne với 1 cốc nước nóng. Có thể khuấy thêm 1-2 thìa cà phê mật ong (để tăng thêm hương vị) và uống. Nên vừa khuấy vừa uống để bột ớt hòa tan trong trà. [13]
    • Nếu lượng 1/4 thìa cà phê là quá nhiều, bạn có thể giảm xuống 1/8 thìa cà phê.[13]
  3. Uống trà rễ cam thảo. Hầu hết các siêu thị và cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe đều có bán trà thảo dược và rễ cam thảo. Rễ cam thảo có đặc tính kháng vi-rút, kháng khuẩn và kháng viêm. Bạn có thể pha 1 thìa trà lọc với 1 cốc nước sôi và thêm mật ong để tăng hương vị. [14]
  4. Uống trà gừng hoặc trà đinh hương. Gừng tươi là nguyên liệu tốt nhất để chữa đau họng. Bạn chỉ cần gọt vỏ một củ gừng rồi cắt nhỏ. Cho 1/2 thìa cà phê gừng tươi cắt nhuyễn vào 1 cốc nước sôi. Thêm mật ong để tăng hương vị.[13]
    • Để pha trà đinh hương, bạn hãy cho 1 thìa cà phê lá đinh hương hoặc 1/2 thìa cà phê bột đinh hương vào 1 cốc nước sôi. Thêm mật ong để tăng hương vị.
  5. Cho que quế vào trà. Quế giàu chất chống oxi hóa và có đặc tính kháng khuẩn, kháng vi-rút. Bạn có thể mua que quế ở các cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe hoặc cửa hàng tạp hóa. Có thể dùng que quế để khuấy trà hoặc cho luôn vào trà để vị quế hòa tan cùng trà.[15]
  6. Đông lạnh trà để làm kem trà. Đông lạnh các loại trà ở trên bằng cách đổ vào khuôn làm kem và đông lạnh khoảng 4-6 tiếng. Kem lạnh có tác dụng làm dịu cơn đau cổ họng và đặc biệt được trẻ nhỏ yêu thích.
    • Thêm mật ong và quế để tăng hương vị và giúp tạo vị ngọt mà trẻ nhỏ yêu thích.

Làm viên ngậm[sửa]

  1. Chuẩn bị những nguyên liệu và thảo dược dưới đây. Bạn có thể tìm mua thảo dược ở cửa hàng thực phẩm hữu cơ hoặc cửa hàng tạp hóa. Thảo dược phải ở dạng bột hoặc xay nhuyễn:[16]
    • 1/2 thìa cà phê bột rễ Marshmallow (làm dịu mô viêm)
    • 1/2 cốc bột vỏ cây du trơn (giảm màng viêm)
    • 1/4 cốc nước nóng
    • 2 thìa mật ong
  2. Hòa tan bột rễ Marshmallow trong nước nóng. Cho 2 thìa mật ong vào cốc đong vào rồi đổ nước Marshmallow đầy 1/2 cốc. Sau đó, đổ hỗn hợp vào tô.[16]
  3. Đổ 1/2 cốc bột vỏ cây du trơn vào tô. Tạo một lỗ nhỏ ở giữa đống bột. Sau đó, đổ hỗn hợp mật ong/rễ Marshmallow vào lỗ giữa phần bột vỏ cây du trơn và dùng tay (đã rửa sạch) trộn tất cả nguyên liệu với nhau. Nặn bột thành viên thuôn dài, kích thước của quả nho. Thành quả sẽ là 20 viên ngậm.[16]
  4. Lăn viên ngậm trong phần bột vỏ cây du trơn còn lại để giảm “độ dính” của viên ngậm. Đặt viên ngậm lên đĩa và để khô ít nhất 24 tiếng.
  5. Gói viên ngậm. Sau khi viên ngậm đã khô, hãy gói chúng trong giấy nến. Bảo quản ở nơi khô thoáng và tối. Viên ngậm bảo quản đúng cách có thể để được 6 tháng.[16]
  6. Sử dụng viên ngậm. Chỉ cần mở giấy gói và cho viên ngâm vào miệng, chờ cho viên ngậm tan hết.
    • Có thể dùng viên ngậm cho người lớn và trẻ đủ lớn để sử dụng viên ngậm an toàn, thường là trẻ trên 5 tuổi. Viên ngậm có thể gây ngạt thở đối với trẻ dưới 5 tuổi. [17]

Làm kem[sửa]

  1. Chuẩn bị khuôn và que kem. Có thể tìm mua ở các siêu thị, cửa hàng gia dụng hoặc cửa hàng bán đồ dùng nhà bếp.
  2. Chuẩn bị nguyên liệu. Đây đều là những nguyên liệu cơ bản để chữa đau họng và cảm lạnh. Bao gồm:[18]
    • Nước cốt một quả chanh lớn
    • Một củ gừng dài 5 cm, cắt lát mỏng
    • 2 thìa mật ong
    • 2 túi trà hoa cúc
    • 2 1/2 cốc nước sôi
  3. Trộn tất cả nguyên liệu (trừ nước) với nhau. Trộn nước cốt chanh, gừng, mật ong và túi trà hoa cúc vào tô chịu nhiệt. Sau đó, đổ nước sôi lên túi trà và chờ 10 phút.[18]
  4. Vớt túi trà và gừng ra. Có thể rây lọc để tránh làm bỏng tay. Chờ cho nước trà nguội bớt.[18]
  5. Đổ nước trà vào khuôn kem, cách miệng khuôn 1,3 cm. Cắm que vào rồi cho khuôn vào tủ đông. Đông lạnh khoảng 6-8 tiếng.
  6. Thưởng thức kem que tự làm tại nhà. Để dễ lấy kem ra khỏi khuôn hơn, bạn có thể nhúng khuôn vào nước nóng khoảng 5 giây.

Lời khuyên[sửa]

  • Nguyên liệu tại nhà như nước súc miệng, trà, viên ngậm vào kem có thể dùng để điều trị ban đầu, nhưng bạn cần đi bác sĩ để khám viêm họng nếu bệnh không cải thiện sau vài ngày. Nguyên nhân gây viêm họng gồm có nhiễm vi khuẩn, căn nguyên vi-rút, trào ngược dạ dày-thực quản, thuốc chữa bệnh và khối u. Viêm họng có thể được điều trị bằng thuốc ngậm như Lidocaine và Benzocaine được bán ở dạng không kê đơn. Ngoài ra, viêm họng có thể được điều trị bằng các thuốc dạng xịt. Bên cạnh đó, thuốc giảm đau toàn thân như Aspirin và Tylenol cũng giúp giảm đau do viêm họng.
  • Ngoài những nguyên liệu kể trên, bạn cần uống nhiều nước và ăn nhiều súp, nước dùng để làm chậm sự chuyển động của tế bào miễn dịch, từ đó tăng cường hoạt động của chúng.[19]
  • Nhiều người sẽ cảm thấy bớt đau họng khi uống nước nóng nhưng hiệu quả này là không chắc chắn. Bạn nên uống nước ấm, trà lạnh hoặc nước dùng nếu cảm thấy có tác dụng giảm đau họng. Nước uống đông đá cũng rất có ích, đặc biệt là nếu bạn bị sốt.[20]

Cảnh báo[sửa]

  • Không dùng mật ong cho trẻ dưới 2 tuổi. Mặc dù hiếm nhưng trẻ có thể bị ngộ độc do nhiễm khuẩn do mật ong có thể chứa bào tử vi khuẩn, còn hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh lại chưa đủ mạnh.
  • Nên đi khám bác sĩ nếu đau họng kéo dài hơn 1 tuần và/hoặc gây triệu chứng nghiêm trọng (sốt cao, khó thở, khó nuốt, phát ban, đau khớp).[21]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx%3FContentTypeID=1%26ContentID=2089
  2. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sore-throat/basics/causes/con-20027360
  3. http://www.webmd.com/cold-and-flu/tc/sore-throat-home-treatment
  4. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20088240
  5. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sore-throat/basics/treatment/con-20027360
  6. http://articles.baltimoresun.com/1993-02-07/features/1993038218_1_tabasco-sauce-mcilhenny-peppers
  7. Cavender, A;, Folk medical uses of plant foods in southern Appalachia, United States. J Ethnopharmacol; 108 (1) 74-84, 2006.
  8. 8,0 8,1 http://kidshealth.org/parent/infections/bacterial_viral/botulism.html
  9. Viuda-Martos, M., Ruiz-Navajas, Y., Fernandex-Lopez, J., Perez-Alvarez, JA. Functional Properties of Honey, Propolis and Royal Jelly. J Food Sicence; 73 (9) R117-R124, 2008.
  10. Bevilacqua, A., Corbo, MR.; Sinigaglia, M. In Vitro Evaluation of the Antimicrobial Activity of Eugenol, Limonene, and Citrus Extract against Bacteria and Yeasts, Representative of the Spoiling Microflora of Fruit Juices. J Food Protection, 5; 812-1002, 2010.
  11. http://www.nytimes.com/2010/09/28/health/28real.html
  12. Brinckmann J, Sigwart H, van Houten Taylor L. Safety and efficacy of a traditional herbal medicine (Throat Coat) in symptomatic temporary relief of pain in patients with acute pharyngitis: a multicenter, prospective, randomized, double-blinded, placebo-controlled study. J Altern Complement Med 2003; 9:285.
  13. 13,0 13,1 13,2 Sandu, D., Heinrich M. The Use of Health Foods, Spices and other Botanicals in the Sikh Community in London, Phytotherapy Res., 19, 633-42, 2005.
  14. http://www.researchgate.net/profile/David_Heber/publication/7332760_Antibacterial_compounds_from_Glycyrrhiza_uralensis/links/549357b10cf22d7925da2f5d.pdf
  15. Sandu, D., Heinrich M. The Use of Health Foods, Spices and other Botanicals in the Sikh Community in London, Phytotherapy Res., 19, 633-42, 2005
  16. 16,0 16,1 16,2 16,3 http://www.diynatural.com/home-remedies-for-sore-throat/
  17. https://www.health.ny.gov/prevention/injury_prevention/choking_prevention_for_children.htm
  18. 18,0 18,1 18,2 http://portandfin.com/throat-soothing-chamomile-ginger-popsicles-with-lemon-and-honey/
  19. http://well.blogs.nytimes.com/2007/10/12/the-science-of-chicken-soup/?_r=0
  20. https://www.urmc.rochester.edu/ear-nose-throat/conditions-we-treat/sore-throats.aspx
  21. https://www.entnet.org/?q=node/1451