Dạy học tích hợp liên môn lĩnh vực khoa học tự nhiên/Tài liệu bổ trợ 1.1

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

TÀI LIỆU BỔ TRỢ 1.1

Khoa học tự nhiên là lĩnh vực nghiên cứu về thế giới tự nhiên, nghiên cứu các quy luật vận động và phát triển chung nhất của giới tự nhiên.

Khoa học tự nhiên, hay Tự nhiên học, (tiếng Anh: Natural science) là một nhánh của khoa học, có mục đích nhận thức, mô tả, giải thích và tiên đoán về các hiện tượng và quy luật tự nhiên, dựa trên những dấu hiệu được kiểm chứng chắc chắn. Trong khoa học tự nhiên, giả thuyết được sử dụng rộng rãi để xây dựng những lý thuyết khoa học. Hình bên thể hiện 5 phân ngành chính của Khoa học tự nhiên là: hóa học (ở trung tâm), thiên văn học, khoa học Trái Đất, vật lý, và sinh học (theo chiều kim đồng hồ từ bên trái).

Mục tiêu của lĩnh vực Khoa học tự nhiên trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm:

- Trang bị nền tảng kiến thức là những thuật ngữ và khái niệm khoa học cơ bản về sinh học, vật lý, hóa học, khoa học trái đất và không gian, để HS:

• Có thể hiểu rõ bản thân và thế giới xung quanh (hiểu biết về bản chất của sinh giới, của trái đất và vị trí của nó trong vũ trụ, về các quá trình vật lý và hóa học, về các nguyên lý vận động và phát triển chung nhất của giới tự nhiên).

• Có thể trở thành những công dân tự tin trong thế giới công nghệ, có khả năng tham gia vào các vấn đề liên quan đến khoa học và công nghệ.

• Chuẩn bị cho việc học tập và nghiên cứu khoa học ở cấp trung học phổ thông và các cấp học cao hơn.

- Rèn luyện các kĩ năng cơ bản phù hợp với việc nghiên cứu và thực hành khoa học như kĩ năng quan sát và xác định vấn đề nghiên cứu, kĩ năng đặt câu hỏi nghiên cứu, kĩ năng lập giả thuyết nghiên cứu, kĩ năng lập kế hoạch và thực hiện kiểm chứng giả thuyết, kĩ năng phân tích, xử lý dữ liệu và thông tin khoa học, công bố và trao đổi kết quả nghiên cứu với người khác…

- Cung cấp cơ hội để phát triển các năng lực chung như năng lực tự học, năng lực tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề; năng lực tự quản lý; năng lực giao tiếp và hợp tác; năng lực sử dụng ngôn ngữ, sử dụng công ngệ thông tin và truyền thông, năng lực tính toán…

- Phát triển ở HS nhận thức về bản chất của khoa học và quá trình tìm tòi, nghiên cứu khoa học; về vai trò và những đóng góp của khoa học đối với đời sống con người; về sự đa dạng của các nghề nghiệp liên quan đến khoa học.

- Hình thành và phát triển những phẩm chất, thái độ khoa học cần thiết như cần cù, trung thực, tỉ mỉ, chính xác, yêu chân lí khoa học, sãn sàng học hỏi cái mới, bảo vệ lẽ phải… để có thể hoà hợp với môi trường thiên nhiên xã hội cộng đồng.

Từ các năng lực đặc thù trong các môn khoa học tự nhiên, người học cần có các kỹ năng quá trình khoa học như: Quan sát; Giao tiếp; Đo lường; So sánh; Tương phản; Tổ chức; Phân loại; Phân tích; Suy luận; Đặt giả thuyết; Dự đoán.

Liên kết đến đây