Gỡ lưỡi ra khỏi bề mặt đóng băng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu đã từng xem phim “Chuyện giáng sinh” hay phim “Siêu ngốc gặp nhau”, chắc bạn đã quen thuộc với tình huống trớ trêu khi lưỡi của ai đó dính vào cột cờ đóng băng giữa trời mùa đông. Không may, đây không chỉ là chuyện hài hước xảy ra trên phim ảnh; nó xảy ra ngoài đời thực với những con người thực. Nếu bạn hoặc ai đó đang cố gắng gỡ lưỡi ra khỏi bề mặt kim loại đóng băng, thì có vài cách rất dễ dàng và đơn giản bạn có thể thực hiện để giúp chính mình hoặc người đó thoát khỏi tình cảnh này.

Các bước[sửa]

Tự giải thoát[sửa]

  1. Giữ bình tĩnh. Điều quan trọng nhất bạn có thể làm là giữ bình tĩnh. Nếu bạn chỉ có một mình thì có lẽ thật khó mà bình tĩnh, nhưng bạn hãy cố dành thời gian hít vài hơi thật sâu và thả lỏng.[1]
    • Cố gắng đừng hoảng loạn khi nhận thấy mình không thể rời khỏi bề mặt đóng băng. Nếu bạn kéo lưỡi ra thật mạnh, nó sẽ xé toạc bề mặt đóng băng đó theo nghĩa đen, gây nhiều thương tổn (và chảy máu). Bạn chỉ nên dùng cách này như là biện pháp cuối cùng.
    • Nếu thấy có người đi quanh đó, bạn hãy cố ra hiệu cho họ lại gần bằng cách vẫy tay hoặc kêu lên (hết sức có thể). Việc có ai đó giúp đỡ sẽ giúp bạn bớt căng thẳng.
  2. Khum hai tay quanh miệng để làm ấm bề mặt đóng băng. Nếu chỉ có một mình, bạn nên thử cách này trước tiên. Lý do khiến lưỡi của bạn bị dính là vì bề mặt kim loại bị đóng băng và nó hút nhiệt khỏi lưỡi. Để gỡ lưỡi ra, bằng cách nào đó bạn phải làm ấm bề mặt kim loại.[2]
    • Một cách để làm ấm bề mặt đóng băng là dùng hơi thở. Khum tay quanh miệng (nhưng cẩn thận đừng để chạm môi hoặc tay vào tấm kim loại, vì bàn tay và môi sẽ hút độ ẩm và cũng bị dính luôn) và hà hơi nóng thẳng vào chỗ lưỡi bị dính.
    • Bạn cũng có thể dùng khăn hoặc áo khoác để chống lại gió lạnh và giúp làm ấm hơi thở.
    • Nhẹ nhàng kéo lưỡi ra để thử xem nó có thể lỏng ra hoặc thậm chí rời ra không.
  3. Rót chất lỏng ấm lên bề mặt đóng băng. Nếu tình cờ có một tách cà phê, trà, chocolate nóng, hoặc một loại chất lỏng nào khác, bạn hãy dùng nó để làm ấm bề mặt kim loại. Rót chất lỏng lên bề mặt kim loại, chỗ lưỡi bị dính và cố gắng nhẹ nhàng kéo lưỡi ra.[2]
    • Nước ấm là lý tưởng trong trường hợp này, nhưng bạn có thể dùng bất cứ loại chất lỏng khác nếu cần thiết.
    • Vâng, kể cả nước tiểu. Mặc dù việc này không được khuyến khích, nhưng nếu bạn chỉ có một mình và không thể trông cậy được vào đâu thì đây có thể là cách cuối cùng. Cân nhắc chỉ dùng biện pháp này trong trường hợp thực sự khẩn cấp.
  4. Gọi cấp cứu. Gọi cấp cứu để được giúp đỡ là lựa chọn tốt nhất. Tất nhiên bạn chỉ làm được điều này khi có điện thoại bên mình và có thể sử dụng được.[1]
    • Khi gọi cấp cứu có thể bạn không nói được với người trực tổng đài. Giữ bình tĩnh, cố gắng từ từ giải thích điều gì đã xảy ra và bạn đang ở đâu. Nếu cần thiết, họ có thể dò theo cuộc gọi và tìm ra bạn.
  5. Kéo lưỡi ra thật nhanh. Cân nhắc biện pháp này như một cứu cánh cuối cùng nếu mọi cách khác đều thất bại, nhưng thực sự không bao giờ nên để điều này xảy ra. Lựa chọn này chắc chắn sẽ gây một số thương tích và cực kỳ đau đớn. Bạn hãy thu hết can đảm và giật mạnh lưỡi ra khỏi bề mặt đóng băng đó.
    • Làm ấm xung quanh bề mặt kim loại bằng cách hà hơi và dùng khăn hay áo khoác để chống lại gió thường là đủ để gỡ rời các bộ phận cơ thể ra khỏi vật liệu đóng băng, ngay cả ở nhiệt độ -40°C hoặc lạnh hơn.
    • Khi đã gỡ ra được, bạn cần tìm sự giúp đỡ y tế càng sớm càng tốt để chăm sóc cái lưỡi bị thương.

Giúp đỡ người khác[sửa]

  1. Động viên người đó giữ bình tĩnh và không kéo lưỡi ra. Lưỡi ướt và ở nhiệt độ cơ thể bị dính vào bề mặt kim loại đóng băng là do kim loại hút hết nhiệt ra khỏi lưỡi – theo nghĩa đen. Khi nhiệt bị hút hết khỏi lưỡi, nước bọt sẽ đông lại và dính vào bề mặt kim loại như keo dán sắt. Thêm vào đó, các nụ vị giác trên lưỡi cũng gắn chặt vào bề mặt kim loại.[3]
    • Do độ dính quá lớn, động tác nhẹ nhàng kéo lưỡi ra sẽ không có tác dụng.
    • Việc kéo lưỡi ra thật mạnh sẽ chỉ dẫn đến kết quả là một phần lưỡi dính lại trên kim loại và nạn nhân sẽ bị chảy máu ồ ạt.
    • Nếu gặp một người đang cố gắng xoay xở với cái lưỡi bị dính vào bề mặt kim loại đóng băng, bạn hãy bảo họ bình tĩnh và không kéo lưỡi ra, vì việc đó chỉ gây tổn thương.
  2. Cần biết chắc chắn là người đó không bị tổn thương gì khác. Trừ khi bạn chứng kiến người đó dính lưỡi và bề mặt kim loại, có thể bạn không biết được chuyện gì đã xảy ra. Kiểm tra xem họ có ổn không và có bị thương ở chỗ nào khác không.[4]
    • Nếu họ còn bị thương ở chỗ khác, và thương tích đó không nhẹ (ví dụ bị sưng hoặc bầm tím), bạn nên gọi trợ giúp ngay lập tức.
  3. Bảo người đó hít thở sâu. Nếu có thể làm ấm tấm kim loại, cái lưỡi có thể tự động rời ra. Một cách để thử làm việc này là bảo người đó hà hơi vào bề mặt kim loại càng nhiều càng tốt, đồng thời lấy tay khum quanh miệng để tập trung hơi nóng.[1]
    • Bạn cũng có thể cố gắng che bề mặt kim loại để làm nó ấm lên và giúp luồng hơi nóng thổi vào bề mặt kim loại.
    • Cẩn thận đừng để người đó dính luôn cả môi và tay vào bề mặt kim loại, vì như vậy sẽ càng khiến tình hình thêm tồi tệ.
  4. Tìm chút nước ấm. Nếu bạn sống gần đó hoặc có thể lấy được nước ấm từ vòi, bạn hãy lấy một ly hoặc một chai nước ấm (không nóng). Rót nước ấm lên lưỡi của nạn nhân, chỗ bị dính. Lúc này bạn có thể bảo người đó từ từ kéo lưỡi ra khỏi bề mặt kim loại.[4]
    • Nếu không thể kiếm được nước ấm, và hơi nóng cũng không có tác dụng, bạn có thể phải gọi cấp cứu để được giúp đỡ.
    • Chất lỏng đó không nhất thiết phải là nước. Nếu bạn hoặc ai đó đi ngang qua có một tách cà phê hoặc trà ấm, v.v… thì những thứ đó cũng đều có tác dụng. Có lẽ nó chỉ hơi lem nhem hơn một chút.[5]
  5. Gọi cấp cứu. Nếu không may cả hơi nóng và nước ấm đều không có tác dụng, bạn sẽ phải gọi. Nếu bạn sống trong vùng năm nào cũng có băng giá thì lực lượng cấp cứu có lẽ cũng đã quen xử lý vụ lưỡi dính vào bề mặt kim loại đóng băng.[1]

Xử lý tổn thương ở lưỡi[sửa]

  1. Rửa tay. Bạn cần dùng tay để cầm máu, do đó tốt nhất là nên rửa sạch tay trước nếu có thể. Tất nhiên là điều này sẽ khó khăn hơn khi bạn đang cố gắng xử lý vết thương.[6]
    • Một cách khác là dùng găng tay y tế nếu tình cờ bạn có hoặc có thể kiếm được gần đó.
    • Tránh dùng tay trần chạm vào lưỡi để cầm máu, nếu có thể.
  2. Ngồi thẳng dậy và đầu cúi xuống phía trước. Bạn không muốn nuốt phải máu, vì việc này sẽ khiến bạn buồn nôn và nôn ra. Bạn nên ngồi thẳng dậy, đầu cúi về phía trước để máu chảy ra khỏi miệng.[6]
    • Nếu trong miệng có bất cứ thứ gì khi bị thương, bạn hãy nhổ ra (ví dụ như kẹo cao su).
    • Nếu có đeo khuyên trong miệng hoặc quanh miệng và có thể tháo ra dễ dàng, bạn hãy tháo ra.
  3. Cầm máu. Dùng vải sạch, hoặc sạch nhất trong khả năng của bạn, ép lên lưỡi. Chỉ dùng tay trần nếu không có sẵn thứ gì có thể dùng được, nhất là khi bạn không có điều kiện rửa tay trước.[6]
    • Vì đang là mùa đông và ở ngoài trời, khăn choàng hoặc mũ có thể cũng hữu ích. Nhưng cố gắng tránh dùng găng tay vì chúng có khả năng bị bẩn nhất.
    • Bất cứ vết đứt hoặc vết rách nào trên lưỡi cũng sẽ gây chảy nhiều máu vì lưỡi (và phần còn lại của miệng) có nhiều mạch máu. Tuy nhiên điều này cũng có thể có lợi vì lượng mạch máu nhiều cũng đẩy nhanh quá trình chữa lành.[7]
  4. Ép đều lên lưỡi trong khoảng 15 phút. Giữ yên bất cứ vật liệu nào bạn đang ép lên vết thương trong khoảng thời gian tối thiểu 15 phút. Canh đồng hồ để chắc chắn rằng bạn ép đều lên vết thương đủ 15 phút. Không cố gắng nhấc vật liệu ép ra để kiểm tra xem vết thương có còn chảy máu không.[6]
    • Nếu máu thấm đẫm vật liệu đang dùng, bạn ép thêm vật liệu khác lên trên mà không nhấc vật liệu ở dưới ra (hoặc giảm sức ép).
    • Thông thường máu sẽ bớt chảy hẳn sau 15 phút, nhưng vết thương có thể còn chảy máu nhẹ trong khoảng 45 phút.
    • Nếu vết thương vẫn chảy máu ồ ạt sau 15 phút, bạn hãy gọi trợ giúp hoặc đến phòng cấp cứu.
    • Tránh tập luyện trong nhiều ngày sau vụ tai nạn. Việc tập luyện hoặc gắng sức sẽ tăng huyết áp và có thể khiến vết thương chảy máu lại.
  5. Giảm đau và sưng bằng nước đá. Chắc hẳn trong trường hợp này bạn chẳng muốn cho nước đá vào miệng chút nào, nhưng nó thực sự hữu ích. Bạn cũng có thể dùng gạc lạnh (ví dụ như khăn mặt sạch nhúng nước lạnh) thay vì nước đá.[8]
    • Bạn có thể dùng nước đá theo hai cách. Cách thứ nhất đơn giản là mút một viên đá hoặc đá vụn. Cách thứ hai là gói nước đá trong miếng vải mỏng (sạch) và áp lên vết thương ở lưỡi.[9]
    • Dùng liệu pháp nước đá hoặc gạc lạnh từ 1 đến 3 phút mỗi lần, 6 đến 10 lần mỗi ngày, ít nhất là trong ngày đầu tiên.
    • Nước đá, hoặc độ lạnh, sẽ không chỉ giảm sưng và ngăn chặn máu chảy thêm mà còn giúp bạn bớt cảm giác đau.[8]
    • Bạn cũng có thể dùng kem que hoặc thứ gì đó tương tự như nước đá nếu thích.
  6. Súc miệng thường xuyên bằng nước muối. Pha dung dịch nước muối bằng cách hòa một thìa cà phê muối vào một ly nước. Dùng dung dịch nước muối rửa miệng bằng cách súc qua súc lại trong miệng, sau đó nhổ ra. Không nuốt nước muối.[8]
    • Chỉ bắt đầu súc miệng nước muối vào ngày hôm sau ngày bị thương.[9]
    • Dùng nước muối ít nhất sau mỗi khi ăn, nhưng chỉ dùng nhiều nhất 4 -6 lần một ngày.
  7. Bảo vệ mình khỏi lạnh. Trong thời gian chữa lành lưỡi (hoặc môi), bạn có thể sẽ dễ bị bỏng lạnh hoặc bệnh cước (viêm da hoặc sưng) trên các bộ phận đó. Bạn nên bảo vệ mình khỏi lạnh bằng khăn choàng, găng tay hoặc mũ trùm đầu để che mặt khi đang chữa trị vết thương.
  8. Cẩn thận với thức ăn. Lưỡi và miệng của bạn sẽ không chỉ đau mà còn có thể rất nhạy cảm. Thời gian đầu bạn cần cố gắng chỉ ăn thức ăn mềm. Tránh các thực phẩm mặn, cay hoặc có nồng độ a-xít cao, vì có thể gây đau khi ăn.[8]
    • Các thức ăn bạn có thể cân nhắc là: sữa lắc, sữa chua, kem, phô mai, trứng, cá ngừ, bơ đậu phộng mịn, rau và hoa quả đóng hộp hoặc nấu mềm.
    • KHÔNG hút thuốc hoặc uống thức uống có cồn khi đang chữa trị vết thương ở lưỡi.
    • Bạn cũng nên tránh nước súc miệng có chứa cồn khi lưỡi chưa lành vì sản phẩm này có thể gây xót.
  9. Uống thuốc nếu cần thiết. Nếu bạn đến bác sĩ, họ sẽ khuyên bạn nên uống hoặc có thể uống loại thuốc nào. Dứt khoát tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu vết thương không quá nghiêm trọng đến mức phải đến bác sĩ, bạn có thể cân nhắc dùng thuốc giảm đau không kê toa để đỡ khó chịu.[8]
    • Một số loại thuốc giảm đau không kê toa có thể hiệu quả gồm có acetaminophen (như Tylenol), ibuprofen (như Advil) hoặc naproxen (như Aleve). Các loại thuốc thông thường hoặc có thương hiệu có các dược chất trên đều có bán tại bất cứ hiệu thuốc nào hoặc ở hầu hết các cửa hàng thực phẩm.
    • Luôn luôn tuân theo hướng dẫn trên vỏ hộp thuốc và hỏi dược sĩ nếu có bất cứ thắc mắc nào.
    • Không dùng ibuprofen hoặc naproxen nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.
  10. Biết khi nào cần đến bác sĩ. Nếu xuất hiện một hoặc nhiều hơn các biểu hiện dưới đây, bạn cần suy nghĩ đến bác sĩ để kiểm tra vết thương:[9]
    • Nếu vết thương càng đau hơn thay vì đỡ đau
    • Nếu lưỡi hoặc các phần khác trong miệng bắt đầu sưng
    • Nếu bạn bị sốt
    • Nếu bạn thấy khó thở
    • Nếu vết thương không ngừng chảy máu, hoặc lại hở ra và bắt đầu chảy máu ồ ạt lần nữa

Lời khuyên[sửa]

  • Con người không phải là sinh vật duy nhất bị dính lưỡi vào bề mặt kim loại lạnh, loài chó cũng dễ bị như vậy. Nếu để chó ở ngoài nhà khi thời tiết lạnh, bạn nhớ không đựng thức ăn và nước uống của chó vào bát kim loại. Nên dùng bát sứ, thủy tinh hoặc bát nhựa.[10]
  • Nếu bạn muốn tìm hiểu hiện tượng khoa học đằng sau việc lưỡi dính vào bề mặt kim loại lạnh, trang web Live Science tại http://www.livescience.com/32237-will-your-tongue-really-stick-to-a-frozen-flagpole.html có đăng cả biểu đồ thông tin và giải thích rõ ràng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]