Giáo dục VN: Nguy cơ tụt hậu ngay khi ra trường

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Ở nước ta, không ít người ngày tốt nghiệp đại học cũng là ngày họ xếp lại sách vở, thở phào nhẹ nhõm rằng tất cả kiến thức của nhân loại ta đã nắm trong tay và cứ thế mà áp dụng, không cần biết nguy cơ lạc hậu đang đứng ngay cạnh cổng trường.

Nhà bác học Richard J Roberts, giải Nobel Y Học năm 1992 (thứ hai bên trái sang) và tác giả (thứ ba bên trái sang) trong buổi dạ tiệc do Cơ Quan Trao Đổi Hàn Lâm Đức chiêu đãi nhân cuộc gặp mặt các nhà khoa học đoạt giải Nobel và các nhà khoa học trẻ thế giới tại Lindau, CHLB Đức tháng 6 năm 2007.

Tháng 6 năm 2007, tôi (tác giả bài viết) có may mắn được tham dự bàn tròn về giáo dục với các nhà khoa học đoạt giải Nobel tại Lindau, một thành phố nhỏ trên hồ Constance giữa biên giới ba nước Đức, Thụy Sĩ và Áo.

Có thể nói những ý kiến được đưa ra trong buổi thảo luận bàn tròn này rất đáng được nghiền ngẫm nếu chúng ta thực sự quan tâm đến triết lý giáo dục.

Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng tựu trung tôi xin phép được chia thành hai khuynh hướng.

Khuynh hướng thứ nhất: nền giáo dục cần trang bị cho người học một lượng kiến thức càng nhiều càng tốt để họ có thể có một nền tảng vững chãi khi ra trường.

Khuynh hướng thứ hai cho rằng nền giáo dục nên nhấn mạnh đến kỹ năng xử lý vấn đề đặt ra trong cuộc sống hơn là tập trung vào việc làm đầy kiến thức đã có sẵn. Người cỗ vũ mạnh mẽ cho khuynh hướng này là tiến sĩ Richard J Robert, người đoạt giải Nobel Y Học năm 1992.

Chúng ta có thể hình dung quá trình giáo dục như thể một cuộc hành trình. Khuynh hướng thứ nhất cho rằng người lữ hành cần được chuẩn bị đầy đủ hành lý thì mới có thể đến đích được.

Khuynh hướng thứ hai cho rằng chỉ cần hành lý gọn nhẹ thôi mà cái quan trọng là người đi cần biết được những kỹ năng giải quyết những tình huống xảy ra trên đường.

Giáo dục VN sẽ chọn con đường nào trong tương lai?


Giáo dục Việt Nam hiện tại: Khuynh hướng thứ nhất...

Không khó khăn gì để thấy một cách rất rõ ràng rằng nền giáo dục hiện thời của chúng ta là con đẻ của khuynh hướng thứ nhất.

Nó có cội nguồn lâu đời từ việc sĩ tử phải thuộc làu làu Tứ Thư, Ngũ Kinh. Những gì được thánh hiền dạy là chân lý và người học chỉ có mỗi việc hiểu và vận dụng cho hay cho đúng (chứ ít nói đến tính sáng tạo) những điều vốn được xem là chân lý phổ quát trên.

Tinh thần giáo dục ấy, trải qua hàng mấy ngàn năm, dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều người kể cả những người làm công tác giáo dục lẫn những người "sống ở ngoại ô" của giáo dục. Mục đích của Nho giáo đã có mầm mống của sự bảo thủ: Khổng Tử mơ ước quay trở lại thời thịnh trị Thuấn, Nghiêu vốn là chế độ nông nô đã bị lịch sử bước qua.

Nhưng, trong bối cảnh bùng nổ thông tin và sự can thiệp mạnh mẽ của công nghệ vào giáo dục và tự giáo dục như hiện nay thì tinh thần ấy đã không còn phù hợp nữa. Và không chỉ đến bây giờ chúng ta mới nhận thấy điều này mà ngay cả ở thế kỷ XIX, Cao Bá Quát đã chua chát: "Tân Gia từ vượt con tàu/ Mới hay vũ trụ một bầu bao la/ Giật mình khi ở xó nhà/ Văn chương, chữ nghĩa khéo là trò chơi" Bản dịch của Trúc Khê)

...Và những hệ luỵ

Sinh viên: Hãy đừng là con mọt sách

Có thể nhận diện một cách rất cụ thể những hệ lụy của lối giáo dục này trong thực trạng nền giáo dục nước ta hiện nay thông qua một số ví dụ sau.

Ví dụ thứ nhất: Vì sao học sinh của chúng ta rất kém môn lịch sử mặc dù không phải dân tộc chúng ta không có một bề dày lịch sử đáng để tự hào? Học sinh của chúng ta lười học, quay lưng lại với lịch sử dân tộc? Không đúng!

Lỗi nằm ngay ở chỗ chúng ta đã sai lầm từ đầu trong cách xây dựng chương trình sách giáo khoa. Xuất phát điểm là người viết sách muốn học sinh nhớ càng nhiều càng tốt nên sách giáo khoa quá chú trọng đến các sự kiện, ngày tháng, con số.

Nhà trường đã bắt học sinh cố nhồi nhét những kiến thức khô khan và rất dễ quên ấy vào đầu mặc dù ngay cả bản thân thầy cô cũng không mấy ai nhớ cho kỹ càng nếu không đọc bài trước khi lên lớp. Có lửa đam mê nào được thắp lên từ ngọn đuốc hào sảng của lịch sử dân tộc? Không lạ khi học sinh chỉ học đối phó, học cho xong chuyện. Bởi vậy học sinh không thể mang được những hành trang thu nhận trên lớp ra khỏi cổng trường.

Một phản ứng phụ nghiêm trọng hơn là với cách học nhồi nhét như vậy, nhà trường đã tạo nên cho học sinh một phản xạ có điều kiện vô cùng vô lý: Sợ lịch sử thậm chí ghét lịch sử. Với tâm lý đó, không khó để trả lời câu hỏi vì sao trí thức của chúng ta kém văn hóa, lịch sử và cũng không mặn mà lắm với chuyện bồi bổ lỗ hổng này.

Ví dụ thứ hai: Vì sao một tỉ lệ lớn sinh viên ngoại ngữ của chúng ta ra trường “vừa câm vừa điếc ngoại ngữ”?

Người ta đã xây dựng chương trình quá nặng nề về lý thuyết, về ngữ pháp mà không hoặc chưa chú ý thỏa đáng đến kỹ năng giao tiếp của sinh viên. Mặc dù những phòng thực hành tiếng được xây dựng lên trong nỗ lực nâng cao năng lực giao tiếp của sinh viên nhưng rõ ràng đó cũng chỉ giúp cải thiện một phần nào khiếm khuyết đã nêu mà thôi.

Trường ngoại ngữ hiện nay không tạo đủ môi trường cần thiết để sinh viên phải vận dụng những lý thuyết đã học vào thực tế, để xử lý vấn đề do thực tế đặt ra. Việc giao lưu quốc tế, một trong những yêu cầu thiết yếu của việc dạy và học ngoại ngữ, đối với một số trường gần như là xa xỉ phẩm. Chỉ có những sinh viên nào năng động, chịu khó lăn vào cuộc sống để học thì khả năng giao tiếp của họ mới phát triển.

Còn lại, những sinh viên khác, kể cả những người chăm chỉ, cần mẫn học cho xong chương trình kinh viện của trường để lấy bằng tốt nghiệp thì chắc chắn sẽ không đáp ứng được nhu cầu của công việc sau này. Những hành trang mà nhà trường trang bị trong 4 năm dường như rất ít giúp ích cho họ, thậm chí đôi khi những kiến thức kinh viện ấy lại làm cản trở họ nữa là đằng khác.

Hậu quả là để nói một câu giao tiếp mà người sinh viên bị bó buộc bởi những quy tắc văn phạm, do vậy, sự lưu loát là rất khó đạt được. Không ít cơ sở sử dụng lao động phải bỏ tiền và thời gian ra đào tạo lại.

Ví dụ thứ ba: Tôi cũng đã từng tiếp xúc và quan sát các sinh viên y khoa năm cuối của Pháp và Đức. So với sinh viên Việt Nam thì kỹ năng lâm sàng của họ kém hơn nhiều.

Nhưng chỉ một năm sau khi họ vào nội trú hoặc chuyên khoa thì khả năng đối mặt với các tình huống lâm sàng của họ đã tiến bộ với một tốc độ chóng mặt.

Cùng với đó là khối lượng kiến thức của họ cũng tăng nhanh một cách đáng khâm phục. Điều đó có được là quá trình đào tạo y khoa của họ mang tính dân chủ rất cao.

Người thầy, thậm chí những người rất giỏi, vẫn không chỉ tập trung vào chuyển tải kiến thức mà quan trọng hơn họ tạo cho sinh viên cách đánh giá, phân tích, tổng hợp và giải quyết vấn đề, cách tìm tài liệu cũng như cách tự học. Đó là cách họ giúp kiến thức sách vở dần thấm vào sinh viên buộc phải giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó. Thẩm thấu theo cách này, kiến thức mới và cũ sẽ liên kết với nhau một cách logic và hữu cơ hơn rất nhiều cách học trả bài của chúng ta.

Một ví dụ thứ tư: Vì sao sinh viên công nghệ thông tin của Việt Nam đã lạc hậu ngay từ khi rời cổng trường đại học? Ngoài việc công nghệ thông tin có những bước tiến chóng mặt, những gì học được trước đây một năm, một tháng, thậm chí một ngày đã hoàn toàn có thể trở thành lạc hậu. Nhưng tại sao những nước tiên tiến khác, sinh viên công nghệ ra trường lại có thể bắt nhịp ngay vào môi trường công việc mới?

Đó chính là sự khác biệt của hai tinh thần triết lý giáo dục. Nếu chúng ta chỉ chú trọng vào kiến thức thì kiến thức sẽ nhanh chóng bị lỗi thời. Nếu chúng ta chú trọng đến kỹ năng xử lý vấn đề thì với những kiến thức cơ bản của trường đại học, sinh viên ra trường có thể nhanh chóng nắm bắt được vấn đề mới nhanh chóng hơn, giảm thiểu nguy cơ bị sốc.

Nguy cơ lạc hậu ngay khi nhận bằng tốt nghiệp

Giáo dục VN: Nguy cơ tụt hậu ngay khi ra trường Ảnh minh hoạ

Hai cách giáo dục cũng tạo nên hai thái độ khác nhau đối với quá trình tiếp tục đào tạo sau khi rời trường. Với các nước tiên tiến, tiến sĩ cũng chỉ là giai đoạn rất khởi đầu vì người được đào tạo biết mình còn phải và biết cách hoàn chỉnh kiến thức.

Trong khi với nước ta, không ít người ngày tốt nghiệp đại học cũng là ngày họ xếp lại sách vở, thở phào nhẹ nhõm rằng tất cả kiến thức của nhân loại ta đã nắm trong tay và cứ thế mà áp dụng, không cần biết nguy cơ lạc hậu đang đứng ngay cạnh cổng trường.

Cũng có không ít lời ca thán từ phía sinh viên về một giáo sư khả kính nào đó là vị này vẫn rất an nhiên truyền đạt cho sinh viên những kiến thức thu nhận được từ những năm 70 của thế kỷ trước và bắt họ phải xem đó là chân lý.

Cách giáo dục kinh viện sẽ tạo nên một lữ khách ôm đồm và luống cuống với một mớ hành trang vào điểm khởi đầu và nặng nhọc lê bước trên con đường đi tới. Người lữ hành này càng lúc càng nặng nhọc và bàng quang với tất cả những sự kiện trên đường và hành lý dần dẫn rơi vãi hoặc iu thối hoặc mục ruỗng.

Cũng trên con đường ấy, lữ khách thứ hai chỉ mang trên vai một túi hành trang gọn nhẹ với những bước chân ban đầu còn bỡ ngỡ nhưng càng ngày càng mạnh bạo, thoăn thoắt đầy tự tin. Đi đến đâu và dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người lữ khách này cũng có thể tìm cách giải quyết một vấn đề gặp phải để tiếp tục cuộc hành trình.

Trên con đường đi đến đích, có hằng hà vô số “siêu thị kiến thức” mà việc mở cánh cửa vào siêu thị này không khó hơn một cái nhấp chuột là mấy. Một người đi chợ thông minh sẽ biết chọn siêu thị nào, chọn món hàng nào thích hợp.

Nhiệm vụ của giáo dục hiện đại là tạo nên những người đi chợ thông minh như vậy. Như vậy, giữa hai lữ khách, ai vượt lên trước có lẽ không phải là câu hỏi khó. Cái khó là chúng ta có dám làm một cuộc cách mạng để thay đổi những quan điểm giáo dục cũ đã gần như trở thành máu thịt của dân tộc hay không. Khó chứ không phải không làm được bởi lịch sử đã chứng minh rằng dân tộc ta có năng lực tiếp nhận và đổi mới mạnh mẽ.

Và dù khó chúng ta vẫn phải làm vì chúng ta đang bắt đầu một cuộc hành trình hội nhập trên đại lộ đi tới tương lai của toàn nhân loại. Làm khác đi hoặc chậm trễ, chúng ta sẽ tụt lại phía sau. Trong thời đại hiện nay, tụt lại phía sau đồng nghĩa với vĩnh viễn không bao giờ bắt kịp những người đi trước.

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này