Giúp đỡ nạn nhân bị nghẹn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nghẹn là hiện tượng tắc nghẽn trong cổ họng khiến đường thở bị chặn.[1] Thông thường người lớn nghẹn là do thức ăn bị kẹt trong khí quản. Ở trẻ em, nghẹn thường là do đồ chơi, tiền xu hoặc các vật nhỏ khác rơi vào cổ họng hoặc khí quản. Nghẹn cũng có thể xảy ra do chấn thương, uống rượu hoặc sưng viêm sau một phản ứng dị ứng nghiêm trọng.[2] Nếu không được sơ cứu, tình trạng thiếu không khí do nghẹn có thể gây tổn thương não nghiêm trọng, thậm chí tử vong vì ngạt. Nếu bạn hoặc ai đó bị nghẹn, điều quan trọng là phải biết cách sơ cứu. Lưu ý: Bài viết này chỉ đề cập đến cách sơ cứu cho người lớn và trẻ em trên một tuổi. Đối với trường hợp nghẹn ở trẻ nhỏ dưới một tuổi, xem Cách để Sơ cứu Trẻ Sơ sinh bị Nghẹn.

Các bước[sửa]

Giúp đỡ Người khác[sửa]

  1. Đánh giá tình hình. Cần biết chắc chắn người đó bị nghẹn, đồng thời xác định đường thở chỉ bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn. Nếu người đó chỉ bị nghẹn nhẹ, hoặc đường thở chỉ bị chặn một phần, tốt hơn hết là bạn nên để họ ho để tự đẩy vật cản ra.
    • Dấu hiệu cho biết đường thở bị chặn một phần là nạn nhân có khả năng nói, kêu khóc, ho hoặc có phản ứng. Thông thường người đó cũng có thể thở tuy hơi khó khăn, đồng thời mặt hơi tái đi.[2]
    • Ngược lại, người bị tắc nghẽn đường thở hoàn toàn sẽ không thể nói, kêu khóc, ho hoặc thở. Ngoài ra, bạn có thể để ý thấy người đó ra "dấu hiệu nghẹn" (hai tay ôm lấy cổ họng), môi và móng tay có thể chuyển màu xanh do thiếu ô-xy.[1]
  2. Hỏi nạn nhân, "Anh nghẹn à?"[3] Nếu người đó có thể trả lời bạn bằng lời nói, bạn hãy chờ. Nạn nhân thực sự bị nghẹn hoàn toàn không nói được, nhưng họ có thể lắc hoặc gật đầu để cho biết họ có bị nghẹn không. Điều quan trọng ở đây là bạn không dùng cách vỗ sau lưng đối với người bị nghẹn một phần, do rủi ro vật lạ đang ở vị trí tương đối lỏng rơi xuống sâu thêm và chặn hoàn toàn đường thở. Nếu nạn nhân có thể phản ứng, bạn cần:
    • Trấn an nạn nhân. Cho họ biết là bạn ở bên cạnh và sẵn sàng giúp họ nếu cần.
    • Khuyến khích nạn nhân cố gắng ho để đẩy vật lạ ra. Không vỗ lưng nạn nhân.
    • Tiếp tục theo dõi và sẵn sàng giúp đỡ trong trường hợp đường thở bị tắc nghẽn hoàn toàn, hoặc tình trạng nghẹn trở nên trầm trọng.
  3. Thực hiện sơ cứu. Nếu nạn nhân nghẹn nặng hoặc đường thở bị tắc nghẽn hoàn toàn nhưng vẫn tỉnh táo, bạn cần cho họ biết ý định thực hiện sơ cứu của bạn. Tốt nhất là nên cho nạn nhân biết việc bạn định làm để chắc chắn họ đồng ý cho bạn trợ giúp.
    • Nếu bạn là người duy nhất có thể giúp nạn nhân, hãy thực hiện sơ cứu như mô tả dưới đây trước khi gọi dịch vụ cấp cứu. Nếu có người khác ở đó, bạn có thể nhờ họ gọi trợ giúp.[4]
  4. Vỗ lưng. Lưu ý rằng những hướng dẫn sau đây áp dụng cho người ngồi hoặc đứng.
    • Đứng sau lưng nạn nhân, hơi lệch về một bên. Nếu bạn thuận tay phải, đứng về bên trái, nếu thuận tay trái, bạn đứng về bên phải.[5]
    • Dùng một tay đỡ ngực nạn nhân và ngả người nạn nhân về phía trước để vật lạ bị đẩy ra ngoài qua miệng (thay vì bị rơi sâu xuống họng).[5]
    • Dùng phần dưới lòng bàn tay (giữa lòng bàn tay và cổ tay) vỗ mạnh 5 lần vào vị trí giữa hai vai. Dừng lại sau mỗi lần vỗ để xem vật lạ đã rơi ra chưa. Nếu chưa, thực hiện 5 lần ép bụng (xem bên dưới).[6]
  5. Thực hiện ép bụng (thủ thuật Heimlich). Thủ thuật Heimlich là một kỹ thuật cấp cứu chỉ dùng cho người lớn và trẻ em trên một tuổi. Không dùng thủ thuật Heimlich cho trẻ nhỏ dưới một tuổi.[5]
    • Đứng phía sau người bị nghẹn.
    • Vòng hai tay quanh bụng nạn nhân và để người nạn nhân ngả về phía trước.[3]
    • Nắm một tay lại và đặt trên rốn của nạn nhân, bên dưới xương ức.[3]
    • Đặt bàn tay kia trên nắm tay nọ, sau đó ấn cả hai tay vào bụng nạn nhân với động tác mạnh và hướng lên trên.[6]
    • Thực hiện động tác ấn bụng đến 5 lần. Kiểm tra sau mỗi lần ấn để xem vật lạ đã rơi ra chưa. Ngưng lại nếu nạn nhân bất tỉnh.[6]
  6. Điều chỉnh thủ thuật Heimlich cho phụ nữ mang thai và người béo phì. Vị trí đặt tay của bạn phải cao hơn trong thủ thuật Heimlich mô tả ở trên. Bạn cần đặt hai bàn tay ở ngay dưới xương ức, ngay trên khớp nối xương sườn cuối cùng. Ấn mạnh vào ngực với động tác như được mô tả ở trên. Tuy nhiên không dùng động tác ấn hướng lên trên. Lặp lại đến khi nạn nhân hết nghẹn và vật lạ rơi ra hoặc khi nạn nhân bất tỉnh.[6]
  7. Đảm bảo vật lạ đã hoàn toàn rơi ra. Khi đường thở đã thông, các phần nhỏ của vật lạ có thể vẫn còn lại. Nếu nạn nhân có thể làm được, bảo họ nhổ ra và thở thoải mái.
    • Kiểm tra lại xem có vật nào chặn đường thở không. Nếu có, bạn có thể dùng ngón tay quét trong miệng nạn nhân lấy vật lạ ra. Chỉ làm như vậy nếu bạn nhìn thấy vật lạ, Nếu không, vật lạ có thể còn bị đẩy vào sâu hơn.
  8. Kiểm tra xem nạn nhân đã thở lại bình thường chưa. Khi vật lạ đã rơi ra, hầu hết nạn nhân đều thở lại bình thường. Nếu họ chưa thể thở bình thường hoặc bất tỉnh, bạn hãy thực hiện bước tiếp theo.
  9. Thực hiện cấp cứu khi nạn nhân bất tỉnh. Nếu người bị nghẹn bất tỉnh, đặt nạn nhân nằm ngửa trên sàn. Tiếp đó thông đường thở nếu có thể. Nếu có thể nhìn thấy vật lạ, bạn dùng ngón tay quét và lấy vật đó ra khỏi họng qua miệng nạn nhân. Không dùng tay quét nếu bạn không nhìn thấy vật lạ. Cẩn thận không được mạo hiểm, vì có thể vật lạ bị đẩy sâu thêm vào đường thở.[6]
    • Nếu vật lạ vẫn còn bị kẹt lại và nạn nhân không tỉnh lại hoặc không phản ứng, kiểm tra xem họ có thở không. Đặt má gần miệng nạn nhân. Trong thời gian 10 giây: kiểm tra xem lồng ngực họ có nâng lên hạ xuống không, lắng nghe và cảm nhận trên má hơi thở của họ.[7]
    • Nếu nạn nhân không thở, bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR). Động tác ấn ngực trong CPR cũng có thể giúp đẩy vật lạ ra ngoài.[6]
    • Nhờ người khác gọi cấp cứu, hoặc nếu bạn chỉ có một mình, hãy gọi cấp cứu rồi quay lại giúp đỡ nạn nhân. Lần lượt thực hiện ấn ngực, kiểm tra đường thở và hô hấp nhân tạo trong khi chờ cấp cứu tới.[5] Cứ sau 30 lần ấn ngực lại thổi ngạt hai lần.[8] Nhớ kiểm tra miệng nạn nhân nhiều lần khi thực hiện hồi sức tim phổi.
    • Có thể ngực không phồng lên cho đến khi vật lạ bị đẩy ra.
  10. Tham khảo bác sĩ. Nếu sau khi bị nghẹn mà nạn nhân vẫn còn ho, khó thở hoặc cảm giác vướng trong cổ họng, họ cần phải được kiểm tra y tế ngay lập tức.[5]
    • Thủ thuật ấn bụng cũng có thể gây chấn thương và bầm tím. Nếu nạn nhân được cấp cứu bằng thủ thuật này hoặc CPR, họ cần phải được bác sĩ kiểm tra lại.[5]

Tự Giúp Mình[sửa]

  1. Gọi cấp cứu. Nếu bạn chỉ có một mình mà bị nghẹn, hãy gọi 911 hoặc số điện thoại cấp cứu trong khu bạn ở (ở Mỹ). Ở Việt Nam, gọi số cấp cứu 115. Ngay cả khi bạn không nói được, hầu hết các dịch vụ cấp cứu vẫn cử người đi kiểm tra tất cả các cuộc gọi.[6]
  2. Tự thực hiện thủ thuật Heimlich. Có lẽ bạn không thể thực hiện được thủ thuật này mạnh như dùng cho người khác, nhưng bạn vẫn có thể cố gắng đẩy vật lạ ra.[6]
    • Nắm tay lại. Đặt lên bụng ngay bên trên rốn.
    • Dùng tay kia giữ lấy nắm tay.
    • Cúi dựa vào ghế, bàn hoặc một vật cứng.
    • Làm động tác ấn nắm tay vào và hướng lên như đã mô tả ở trên.
    • Lặp lại cho đến khi vật bị đẩy ra hoặc đến khi cấp cứu tới.
    • Đảm bảo loại bỏ hoàn toàn vật lạ. Cố gắng nhổ ra mọi mảnh nhỏ nếu có.
  3. Tham khảo bác sĩ. Nếu bạn bị ho dai dẳng, khó thở hoặc cảm giác vướng trong cổ họng, hãy đến bác sĩ khám ngay lập tức.[5]
    • Thủ thuật ấn bụng cũng có thể gây những chấn thương nghiêm trọng. Nếu tự thực hiện thủ thuật này cho mình, sau đó bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra.[5]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây