Sơ cứu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sơ cứu cơ bản là quá trình đánh giá và xử lý ban đầu vấn đề của người bị thương, người gặp khó khăn sinh lý do nghẹt thở, đau tim, dị ứng thuốc hay những trường hợp y tế khẩn cấp khác. Sơ cứu cơ bản giúp xác định nhanh chóng tình trạng cơ thể cũng như quy trình điều trị phù hợp cho người bị nạn. Dù tìm kiếm sự trợ giúp từ đội ngũ y tế chuyên nghiệp càng sớm càng tốt luôn cần thiết trong mọi trường hợp, thực hiện chính xác quy trình sơ cứu có thể dẫn đến sự khác biệt mang ý nghĩa sống còn. Hãy làm theo toàn bộ hướng dẫn của chúng tôi, hoặc tìm hướng dẫn cụ thể cho những nội dung liệt kê ở trên.

Các bước[sửa]

Thực hiện Nguyên tắc 3C[sửa]

  1. Coi và kiểm tra hiện trường xung quanh. Đánh giá tình hình. Có nguy hiểm nào cho bạn hay không? Bạn hay nạn nhân có bị đe dọa bởi cháy, khí hay khói độc, nguy cơ sập nhà, dây dẫn điện hoặc những tình huống nguy hiểm khác? Đừng vội vàng khi bản thân cũng có thể rơi vào tình trạng của nạn nhân. [1]
    • Nếu tiếp cận nạn nhân có thể gây nguy hiểm cho bạn, hãy tìm sự trợ giúp chuyên nghiệp ngay lập tức. Họ được đào tạo chuyên môn và biết cách xử lý những tình huống này. Sơ cứu trở thành vô ích nếu bạn không có thể thực hiện nó một cách an toàn và không làm tổn thương chính mình.
  2. Cuộc gọi. Hãy gọi đến cơ quan chức năng hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức nếu cho rằng ai đó đang bị thương nặng. Nếu là người duy nhất có mặt tại hiện trường, hãy cố giúp nạn nhân thở trước khi gọi giúp đỡ. Không để nạn nhân một mình trong một khoảng thời gian dài.
  3. Chăm sóc nạn nhân. Người vừa trải qua chấn thương nghiêm trọng cần được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Hãy giữ bình tĩnh và tạo cảm giác an toàn. Cho nạn nhân biết hỗ trợ đang đến và mọi thứ sẽ ổn.

Chăm sóc Người bất tỉnh[sửa]

  1. Xác định sự phản ứng. Nếu một người bị bất tỉnh, hãy thử đánh thức họ bằng cách xoa nhẹ bàn tay, bàn chân trần hay nói chuyện với họ. Nếu nạn nhân không phản ứng với cử động, âm thanh, sự đụng chạm hoặc những kích thích khác, bạn cần xác định liệu họ còn thở hay không.
  2. Kiểm tra hơi thở và mạch đập.[2] Nếu nạn nhân bị bất tỉnh và không thể đánh thức, hãy kiểm tra hơi thở: tìm sự phồng lên ở vùng ngực, nghe âm thanh ra vào của không khí, cảm nhận hơi thở bằng cách sử dụng một bên khuôn mặt của bạn. Nếu không có dấu hiệu rõ ràng, hãy kiểm tra mạch đập.
  3. Nếu người đó vẫn không phản ứng, hãy thực hiện sơ cứu CPR (Cardio-Pulmonary Resuscitation - hồi sức tim phổi). Trừ khi nghi ngờ có chấn thương cột sống, hãy cẩn thận lăn người bị nạn về tư thế nằm ngửa và mở đường thở cho họ.[3] Trong trường hợp nạn nhân vẫn thở và nghi ngờ chấn thương cột sống hãy để nạn nhân ở nguyên vị trí. Nếu bắt đầu nôn mửa, nghiêng người nạn nhân qua một bên để tránh bị nghẹn.[2]
    • Giữ thẳng đầu và cổ.
    • Giữ đầu, cẩn thận lăn nạn nhân về tư thế nằm ngửa.
    • Mở đường thở bằng cách nâng cằm.
  4. Thực hiện chu trình ép ngực 30 lần và hai lần hà hơi thổi ngạt của kỹ thuật CPR. Ở trung tâm, ngay dưới đường tưởng tượng chạy giữa hai đầu ngực, đan tay vào nhau và ép ngực xuống khoảng 5 cm với tốc độ 100 lần một phút. Sau 30 lần ép, thực hiện hà hơi thổi ngạt hai lần và kiểm tra tình trạng nạn nhân. Nếu bị ngạt thở, định vị lại đường thở. Đảm bảo đầu nghiêng nhẹ về phía sau và lưỡi không gây khó thở. Tiếp tục chu trình 30 lần ép ngực và hai lần hà hơi thổi ngạt cho đến khi có người khác thay thế bạn.[4]
  5. Ghi nhớ trình tự sơ cứu ABC (Airway - đường thở, Breathing - hô hấp, Circulation - tuần hoàn) của CPR. Chúng là ba yếu tố quan trọng bạn cần lưu ý.[3]Hãy kiểm tra thường xuyên ba yếu tố này khi thực hiện sơ cứu.
    • Đường thở. Nạn nhân có bị nghẹt thở không?
    • Hô hấp. Nạn nhân còn thở không?
    • Tuần hoàn. Những mạch chính (cổ tay, động mạch cảnh, bẹn) có đập không?
  6. Giữ ấm nạn nhân trong lúc chờ hỗ trợ y tế. Đắp khăn hay chăn lên người bị nạn. Nếu không có, bạn cũng có thể dùng đồ của chính mình (chẳng hạn như áo khoác) để giữ ấm cho người bị nạn cho đến khi có hỗ trợ y tế. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị say nắng, đừng che chắn hay giữ ấm. Thay vào đó, cố làm mát bằng cách quạt và tăng độ ẩm.
  7. Lưu ý những điều cần tránh. Khi sơ cứu, hãy thuộc lòng những điều không nên làm trong bất kỳ trường hợp nào sau:
    • Cho người bất tỉnh ăn hoặc uống. Việc này có thể gây nghẹt và ngạt thở.
    • Để nạn nhân một mình. Trừ khi nhất định phải di chuyển để báo hay gọi giúp đỡ, hãy ở lại với nạn nhân trong toàn bộ thời gian.
    • Kê gối cho người bị bất tỉnh.
    • Tát hoặc đánh thức người bất tỉnh bằng nước. Chúng chỉ có tác dụng trong phim mà thôi.

Xử lý Vấn đề Thường gặp trong Sơ cứu[sửa]

  1. Bảo vệ bản thân khỏi tác nhân gây bệnh qua đường máu. Tác nhân gây bệnh qua đường máu có thể gây đau ốm và bệnh tật, đe dọa đến sức khỏe và hạnh phúc của chính bạn. Nếu có hộp cứu thương, hãy khử trùng tay và đeo găng vô trùng. Nếu không có sẵn, bảo vệ tay bằng gạc hoặc bông. Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu của người khác. Nếu không thể tránh được, rửa sạch tay ngay khi có thể. Đồng thời, xử lý mọi nguồn lây nhiễm còn sót lại.
  2. Đầu tiên, cầm máu. Sau khi xác định nạn nhân còn thở và có nhịp đập, ưu tiên tiếp theo là kiểm soát tình trạng chảy máu, nếu có. Đây là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để cứu một nạn nhân bị chấn thương nặng. Ép trực tiếp lên vết thương trước khi thử bất kỳ phương pháp cầm máu nào khác. Để biết thêm chi tết, hãy tham khảo các bài viết liên kết của chúng tôi.
    • Xử lý vết thương do đạn. Vết thương do đạn rất nghiêm trọng và không thể đoán trước. Hãy tìm hiểu thêm những lưu ý đặc biệt khi xử lý cho người trúng đạn.
  3. Tiếp theo, xử lý cơn sốc. Sốc, thường dẫn đến giảm thể tích tuần hoàn máu trong cơ thể, thường gặp sau chấn thương vật lý và đôi khi cả ở chấn thương tâm lý. Người bị sốc thường có da lạnh, vã mồ hôi, mặt và môi nhợt nhạt, trạng thái thần kinh căng thẳng hoặc không ổn định. Nếu không được xử lý, sốc có thể dẫn đến tử vong. Bất kỳ ai phải trải qua một chấn thương nghiêm trọng hay tình huống đe dọa đến tính mạng đều có nguy cơ bị sốc.
  4. Sơ cứu gãy xương. Thông thường, xương gãy có thể được xử lý bằng những bước sau:
    • Cố định vùng bị gãy. Hãy đảm bảo rằng xương gãy không phải di chuyển hay hỗ trợ bất kỳ bộ phận nào của cơ thể.
    • Giảm đau. Thông thường, bạn có thể thực hiện bằng cách dùng khăn bọc đá và chườm vào vết thương.
    • Tạo thanh nẹp. Điều này có thể thực hiện chỉ với một xấp báo và băng keo chắc. Ngón tay bị gãy cũng có thể dùng ngón tay khác làm nẹp cố định.
    • Làm dây đeo nếu cần thiết. Buộc áo hoặc vỏ gối quanh cánh tay bị gãy và quàng qua vai.
  5. Hỗ trợ nạn nhân bị nghẹt thở. Nghẹt có thể gây tử vong hoặc tổn thương não vĩnh viễn chỉ trong vài phút. Hãy tham khảo hướng dẫn đưới đây để có thể giúp đỡ nạn nhân bị nghẹt, cả người lớn và trẻ em.
    • Một trong những cách hỗ trợ người bị nghẹt thở là phương pháp Heimlich maneuver (đẩy bụng). Phương pháp Heimlich maneuver được thực hiện bằng cách ôm chặt người bị nạn từ phía sau, hai tay nắm chặt và đặt ở vị trí trên rốn, dưới xương ngực. Ép tay hướng lên trên để đẩy khí ra khỏi phổi và lặp lại cho đến khi khí quản được thông thành công.
  6. Học cách xử lý vết bỏng. Xử lý bỏng độ một và độ hai bằng cách ngâm hoặc dội nước lạnh (không đá). Đừng sử dụng các loại kem, bơ hoặc thuốc mỡ khác, và đừng làm vỡ phần da bị phồng giộp. Bỏng độ ba cần được băng bó bằng vải ẩm. Cởi quần áo và đồ trang sức ở khu vực bị bỏng, nhưng đừng cố di chuyển phần quần áo bị cháy và dính vào vết thương.
  7. Cẩn trọng với chấn thương não. Nếu nạn nhân bị va chạm đầu, hãy để ý quan sát dấu hiệu của chấn thương não. Những triệu chứng phổ biến bao gồm:
    • Hôn mê sau chấn thương
    • Mất phương hướng hoặc suy giảm trí nhớ
    • Chóng mặt
    • Buồn nôn
    • Ngủ lịm.
  8. Xử lý Nạn nhân Chấn thương Cột sống. Khi nghi ngờ chấn thương cột sống, việc không di chuyển đầu, cổ hay lưng của nạn nhân trừ khi họ đang ở tình huống nguy hiểm tức thời là đặc biệt quan trọng. Bạn cũng cần vô cùng thận trọng khi thực hiện sơ cứu hà hơi hay CPR. Hãy đọc bài viết này để biết việc cần làm.

Xử lý những Tình huống Ít phổ biến trong Sơ cứu[sửa]

  1. Giúp đỡ người lên cơn co giật. Co giật có thể là trải nghiệm đáng sợ với những ai chưa từng chứng kiến trước đó. Thật may mắn, hỗ trợ người bị co giật tương đối đơn giản.
    • Dọn sạch không gian xung quanh để phòng ngừa nạn nhân làm bị thương chính mình.[5]
    • Gọi cấp cứu nếu cơn co giật kéo dài hơn 5 phút hoặc nạn nhân ngừng thở sau đó.
    • Khi kết thúc co giật, đỡ nạn nhân nằm xuống sàn và kê đầu họ bằng vật mềm hoặc phẳng. Nghiêng người nạn nhân để việc thở được dễ dàng hơn nhưng đừng ghìm họ xuống hay cố ngăn họ cử động.
    • Hãy thân thiện, trấn an khi nạn nhân tỉnh táo trở lại và không để nạn nhân ăn uống cho đến khi tỉnh hẳn.
  2. Hỗ trợ người trải qua cơn đau tim. Nhận biết triệu chứng của đau tim, bao gồm tim đập nhanh, đau hay tức ngực, khó chịu tổng thể hay buồn nôn, là rất có ích. Ngay sau khi cho bệnh nhân nhai một viên aspirin hoặc niltroglycerin, bạn cần đưa họ đến bệnh viện ngay lập tức.
  3. Xác định tình huống đột quỵ. Một lần nữa, nhận biết những triệu chứng của đột quỵ là rất quan trọng. Chúng bao gồm mất khả năng nói hoặc hiểu ngôn ngữ tạm thời, nhầm lẫn, mất thăng bằng hay chóng mặt, đau đầu dữ dội không báo trước,… Đưa người mà bạn nghi ngờ bị đột quỵ đến phòng cấp cứu ngay lập tức.
  4. Trị trúng độc. Đó có thể là kết quả của chất độc tự nhiên (như bị rắn cắn) hoặc hóa chất. Nếu động vật có thể là nguyên nhân dẫn đến trúng độc, hãy cố giết (một cách an toàn), cho vào túi và đưa nó đến trung tâm quản lý chất độc.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu có thể, hãy sử dụng găng tay cao su hoặc dụng cụ che chắn khác để bảo vệ bạn khỏi dịch cơ thể của người khác.
  • Trong khuôn khổ bài viết này, bạn chỉ có thể học được nhiều thông qua đọc các bước thực hiện. Do đó, hãy tham gia khóa tập huấn sơ cứu và/hoặc CPR nếu có thể - nó sẽ cho bạn, người đọc, khả năng học thông qua thực hành cố định xương gãy và trật khớp, băng bó vết thương từ trung bình đến nặng và thậm chí thực hành CPR. Qua đó, bạn sẽ có được sự chuẩn bị tốt hơn cho việc hỗ trợ người cần giúp đỡ. Đồng thời, chứng chỉ được cấp cũng sẽ bảo vệ bạn trong trường hợp kiện cáo - luật người Samaria nhân hậu sẽ bảo vệ bạn trong những trường hợp này, chứng chỉ chỉ đơn giản làm vững chắc hơn sự bảo vệ đó.
  • Nếu nạn nhân bị đâm, đừng di chuyển vật đâm trừ khi nó làm tắc đường thở. Việc này rất dễ làm trầm trọng thêm chấn thương và tình trạng chảy máu. Nếu buộc phải làm, bạn nên thu gọn và giữ chắc vật đâm.[3]

Cảnh báo[sửa]

  • Di chuyển người bị thương tủy sống có thể làm gia tăng nguy cơ thiệt mạng hoặc bại liệt.
  • Đừng bao giờ đặt bản thân vào tình thế nguy hiểm! Điều này có vẻ thiếu tình người, nhưng hãy nhớ rằng trở thành người hùng, trong trường hợp này, không nghĩa lý gì nếu bản thân bạn phải thiệt mạng.
  • Nếu không chắc cần phải làm gì, hãy chờ sự xử lý của những người chuyên nghiệp. Nếu không là tình huống sống chết, xử lý sai có thể gây nguy hiểm cho người nạn. Hãy xem lại ghi chú về tập huấn, ở phần lời khuyên.
  • Đừng di chuyển nạn nhân. Trừ khi có nguy hiểm tức thời, việc di chuyển có thể làm tình hình nghiêm trọng thêm. Hãy chờ cứu thương đến và chuyển giao người bị nạn.
  • Cấp aspirin cho bất kỳ ai dưới 16 tuổi đều nguy hiểm bởi với đối tượng này, aspirin có thể làm tổn thương não và thận, đe dọa đến tính mạng.
  • Đừng chạm vào người đang bị điện giật. Tắt nguồn điện hoặc dùng vật không dẫn điện (như gỗ, cành khô, đồ áo khô) để tách nguồn điện trước khi khi chạm vào nạn nhân.
  • Đừng bao giờ thử nắn lại xương bị gãy hoặc trật khớp. Hãy nhớ rằng, đây là cứu - khi sơ cứu, bạn đang chuẩn bị cho việc di chuyển người bị nạn. Trừ khi chắc chắn 110% điều đang làm, nắn khớp hay xếp lại xương gãy thường khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
  • Cần có sự đồng thuận trước khi đụng vào nạn nhân hay tiến hành bất kỳ hỗ trợ nào! Hãy kiểm tra luật ở địa phương bạn. Sơ cứu khi chưa được đồng ý có thể khiến bạn bị kiện. Nếu ai đó yêu cầu "Không cứu", hãy tôn trọng điều đó (cần thấy bằng chứng). Nếu ai đó mất ý thức và có nguy cơ thiệt mạng hoặc bị thương, đồng thời không nhận thấy bất kỳ yêu cầu "Không cứu" nào, hãy tiến hành điều trị dựa trên sự đồng thuận ngầm. Nếu không chắc nạn nhân còn ý thức hay không, vỗ vào vai họ và hỏi "Anh/Chị không sao chứ? Tôi biết cách giúp đỡ" trước khi tiến hành sơ cứu.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây