Xử lý vết bỏng

Từ VLOS
(đổi hướng từ Xử lý Vết Bỏng)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bỏng là tổn thương phổ biến nhưng rất đau đớn. Những vết bỏng nhẹ có thể lành mà không cần chăm sóc y tế nhiều. Tuy nhiên các vết bỏng nặng đỏi hỏi sự chăm sóc đặc biệt để chống nhiễm trùng và giảm những vết sẹo nghiêm trọng. Trước khi xử lý một vết bỏng, điều quan trọng là bạn cần phải biết về dạng bỏng – hoặc độ bỏng.

Các bước[sửa]

Xác định Độ Bỏng[sửa]

  1. Xác định vết bỏng độ một. Bỏng độ một là loại bỏng phổ biến nhất, thường xảy ra do tiếp xúc nhanh với các vật nóng và mặt trời. Tổn thương chỉ xảy ra ở lớp ngoài cùng của da.[1] Những vết bỏng này thường đỏ, phồng nhẹ, có thể đau rát nhẹ hoặc không. Trường hợp này bạn có thể xử lý ở nhà vì những vết bỏng nhẹ thường không cần điều trị chuyên môn. Lớp ngoài cùng của da có thể tự lành theo thời gian khi được chăm sóc.[2]
    • Bỏng độ một được xếp vào loại “bỏng nhẹ” và cũng được xử lý như thế. Đôi khi bỏng nhẹ cũng cần chăm sóc đặc biệt, ví dụ như khi toàn thân bị cháy nắng, nhưng không cần điều trị bằng thuốc.
  2. Xác định vết bỏng độ hai. Da có thể sẽ có vết đốm, phồng giộp và đau rát nhiều hơn. Bỏng độ hai xảy ra khi tiếp xúc nhanh với những vật cực kỳ nóng (ví dụ như nước sôi), hoặc tiếp xúc lâu với các vật nóng hoặc phơi lâu dưới ánh nắng mặt trời. Trừ khi những vết bỏng xảy ra ở bàn tay, bàn chân, háng hoặc trên mặt, bạn có thể xử lý như vết bỏng độ một. Nếu bị phồng giộp, đừng chọc vỡ. Nếu bị vỡ, bạn cần giữ sạch bằng cách rửa nước và thoa thuốc mỡ kháng khuẩn. Bạn có thể dùng băng cá nhân hoặc một loại gạc khác đắp lên vùng bôi thuốc mỡ. Thay băng gạc mỗi ngày.
    • Vết bỏng độ hai làm tổn thương hai lớp của da. Nếu vết bỏng độ hai có diện tích rộng hơn 8 cm, hoặc ở bàn tay, bàn chân, các khớp hay cơ quan sinh dục hoặc không khỏi trong nhiều tuần, bạn nên đến bác sĩ để được điều trị. [3]
  3. Xác định vết bỏng độ ba. Vết bỏng độ ba là nghiêm trọng nhất và cần phải cấp cứu y tế. Bỏng độ ba xảy ra khi tiếp xúc lâu với vật nóng và ba lớp của da bị đốt cháy, đôi khi gây tổn thương các cơ, mỡ và xương. Nhìn vào ta thấy vết bỏng dày, màu trắng hoặc đen. Mức độ đau rát có thể khác nhau tùy theo độ tổn thương dây thần kinh ở lớp da (thụ thể đau). Đôi khi những vết bỏng này có vẻ “ướt” do những tế bào bị vỡ và protein bị rỉ ra.
    • Bỏng độ ba luôn được xếp vào loại bỏng nặng và cần bác sĩ chữa trị càng sớm càng tốt.[4]
  4. Xác định vết bỏng lạnh. Những vết “bỏng” này xảy ra khi da tiếp xúc với nhiệt độ thấp như tuyết hay băng trong thời gian dài. Vùng da tổn thương có màu đỏ, trắng hoặc đen, và có cảm giác bỏng rát khi da ấm lại. “Bỏng” lạnh vẫn được coi là bỏng vì nó làm tổn thương các lớp mô của da.
    • Trong phần lớn các trường hợp, những vết bỏng lạnh cần được xử lý như bỏng nặng và cần chữa trị y khoa.[5]
    • Làm ấm da trong nước ở nhiệt độ 37°C đến 39°C ngay sau khi tiếp xúc lạnh.[6]
  5. Xác định vết bỏng hóa chất. Bỏng hóa chất là một dạng bỏng khác do da tiếp xúc với các hóa chất khiến các lớp của da bị tổn thương. Bỏng hóa chất có thể xuất hiện dưới dạng những vùng da đỏ, đốm phát ban, vết phồng giộp và các vết thương hở trên da. Bước đầu tiên luôn là xác định xem hóa chất gì đã gây bỏng và gọi ngay cho trung tâm chống độc.
    • Liên lạc ngay với trung tâm chống độc nếu bạn cho rằng mình bị bỏng hóa chất. Các vết bỏng này cần phải chăm sóc để trung hòa hóa chất và cách ly cho hóa chất khỏi lan ra.[7]
    • Rửa vết bỏng hóa chất với thật nhiều nước, tuy nhiên tránh rửa nước đối với các vết bỏng do tiếp xúc với vôi khô hoặc các loại kim loại mạnh (như sodium, magnesium, phosphorus, lithium, v.v…) vì những chất này có thể phản ứng với nước và gây thêm tổn thương.

Xử lý Vết Bỏng Nhẹ[sửa]

  1. Để nước mát chảy lên vết bỏng. Ngay lập tức cho nước mát chảy lên vết bỏng. Việc này sẽ giúp da khỏi bị tổn thương thêm. Để vùng da bị bỏng dưới vòi nước mát chảy trong khoảng 10-15 phút hoặc cho đến khi bớt đau rát. Tránh dùng nước lạnh vì nó có thể làm tổn thương vùng da quanh vết bỏng.[8]
    • Việc chuyển đột ngột từ cực nóng sang cực lạnh chỉ làm chậm quá trình làm lành vết thương.[9]
  2. Nhanh chóng cởi bỏ quần áo chật và đồ trang sức. Ngay khi có thể hoặc trong khi rửa vết bỏng, bạn hãy cởi bỏ bất cứ thứ gì có thể siết vào da khi vết thương bị sưng phồng lên. Hãy cởi bỏ tất cả những thứ mà bạn nghi ngờ. Như vậy sẽ giúp máu lưu thông đến vết thương và bắt đầu quá trình chữa lành. Cởi bỏ quần áo chật và đồ trang sức cũng giúp da không bị thương tổn thêm.[10]
  3. Đắp gạc lạnh. Tuy không nên dùng nước lạnh, nhưng bạn hãy dùng gạc lạnh hoặc đá lạnh bọc trong một chiếc khăn. Đắp gạc lên da trong khoảng 10-15 phút, chờ 30 phút và lại đắp lên da trong 10-15 phút nữa.[11]
    • Không bao giờ đặt trực tiếp đá hoặc gạc lên vết bỏng, vì nó sẽ làm tổn thương cho da. Thay vào đó, bạn hãy đặt một chiếc khăn lót ở giữa.
  4. Uống thuốc giảm đau không kê toa. Một viên thuốc giảm đau không cần kê toa như ibuprofen, acetaminophen, aspirin, hoặc naproxen có thể giúp bạn bớt cảm giác khó chịu do các triệu chứng gây ra. Nếu sau nhiều giờ không đỡ đau rát, hãy uống thêm một liều nữa. Tránh cho trẻ nhỏ uống aspirin hoặc khi bạn vừa mới khỏi bệnh cảm cúm hoặc thủy đậu.[4]
    • Uống theo hướng dẫn trên hộp thuốc. Các hướng dẫn có thể khác nhau tùy theo loại thuốc bạn chọn.
  5. Rửa sạch vết bỏng. Sau khi rửa tay, dùng xà phòng và nước để rửa sạch vết bỏng và chống nhiễm trùng. Bôi thuốc kháng sinh như Neosporin sau khi rửa để giữ sạch vết bỏng.[10] Cây lô hội cũng có thể làm dịu da. Bạn hãy tìm sản phẩm lô hội có ít chất phụ gia. Thuốc kháng sinh hoặc lô hội cũng giúp cho băng gạc khỏi dính.[8]
    • Không chọc vỡ các vết phồng giộp trong khi rửa vết bỏng, vì thực ra chúng giúp bảo vệ cho da khỏi nhiễm trùng. Cẩn thận không làm vỡ các vết phồng hoặc làm rỉ nước bên trong ra, vì cơ thể có thể tự chữa lành những vết phồng nhẹ. Không cần dùng thuốc mỡ kháng sinh nếu những vết phồng đó không bị vỡ. Nhưng nếu bị vỡ, hoặc vết thương bị hở, bạn nên dùng một loại kháng sinh để chống nhiễm trùng.[12]
  6. Nhẹ nhàng thoa thuốc mỡ lên vết thương và sau đó băng lại. Bạn có thể không cần băng vết bỏng độ một, những vết phồng không bị vỡ hoặc vết thương không bị hở.[10] Tuy nhiên vết bỏng nhỏ độ hai cần phải băng lại để tránh nhiễm trùng. Nhẹ nhàng đắp gạc lên vết bỏng và cố định lại bằng băng dính y tế. Thay băng hàng ngày.[13]
    • Không đặt gạc trực tiếp lên vết thương. Luôn luôn thoa kem hoặc thuốc mỡ trước khi đắp gạc. Nếu không làm vậy thì khi tháo gạc ra, lớp da mới sẽ bị bong ra theo.
    • Tháo gạc theo hướng mọc của lông xung quanh vết thương. Nếu gạc dính vào vết thương, dùng nước ấm hoặc dung dịch muối thấm lên phần gạc bị dính để dễ gỡ hơn. Pha dung dịch muối bằng cách cho một thìa cà phê muối vào khoảng 4 lít nước.[14]
  7. Tránh dùng các cách trị liệu tại nhà như lòng trắng trứng, bơ hay trà. Trên mạng tràn ngập các giải pháp chữa bỏng “màu nhiệm”, nhưng tính hiệu quả của chúng ít khi được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học.[15] Theo các nguồn có uy tín như hội Chữ Thập Đỏ, những cách trị liệu này có thể làm tình trạng xấu hơn vì vi khuẩn trong các vật liệu đó có thể dẫn đến nhiễm trùng.[16]
    • Những chất dưỡng ẩm tự nhiên như lô hội hoặc đậu nành có thể giúp ích trong trường hợp cháy nắng.
  8. Quan sát vết bỏng xem có bị nhiễm trùng không. Chú ý vết thương xem có những thay đổi màu sắc thành đỏ, nâu hoặc đen không. Ngoài ra, hãy quan sát những lớp mỡ chuyển sang màu xanh xung quanh vết thương. Nếu vết bỏng không lành sau nhiều tuần bạn cần phải được chăm sóc y tế. Một vết bỏng không chịu lành có thể là dấu hiệu của các biến chứng, nhiễm trùng hoặc một vết bỏng nghiêm trọng hơn.[17] Hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn có những dấu hiệu sau đây:
    • có độ ấm
    • có độ mềm
    • cứng ở vùng tổn thương
    • sốt trên 39°C hoặc thân nhiệt giảm thấp hơn 36.5°C (những dấu hiệu này biểu thị sự nhiễm trùng nghiêm trọng, và bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức)[18]
  9. Giảm ngứa bằng các loại thuốc bôi. Ngứa là hiện tượng phổ biến mà rất nhiều bệnh nhân than phiền trong giai đoạn đầu quá trình lành lại sau khi bị bỏng nhẹ. Các loại thuốc bôi như lô hội hoặc gel gốc mỡ khoáng (petroleum based jelly) có thể giúp làm dịu sự khó chịu do ngứa gây ra. Bạn cũng có thể uống các loại kháng histamine để giúp giảm ngứa.

Xử lý các Vết Bỏng Nặng[sửa]

  1. Gọi dịch vụ cấp cứu ngay lập tức. Không cố gắng chữa vết bỏng nặng ở nhà. Những vết bỏng nặng cần điều trị ngay bởi người có chuyên môn. Hãy gọi ngay cho cứu thương, đến bác sĩ hoặc phòng cấp cứu.[8]
    • Không bao giờ cố gắng tự chữa một vết bỏng nặng. Những cách sau đây là những bước đơn giản đầu tiên cần thực hiện trong khi chờ cấp cứu:
  2. Tách nạn nhân ra khỏi nguồn nhiệt. Hãy làm mọi điều có thể để ngăn chặn những vết bỏng và vết thương nặng thêm. Ngưng nguồn nhiệt hoặc đưa người bị nạn ra.
    • Không bao giờ kéo hoặc di chuyển nạn nhân bằng cách chạm vào những vùng bị bỏng. Nếu làm như vậy, bạn có thể khiến da tổn thương thêm và có khả năng làm vết thương hở ra, hoặc làm vết thương đã hở càng rộng ra thêm. Điều này có thể gây ra đau đớn khủng khiếp cho nạn nhân và dẫn đến tình trạng sốc.
  3. Che phủ vết bỏng. Đắp một chiếc khăn ẩm, mát lên vùng da bị bỏng để bảo vệ trong khi chờ cấp cứu. Không dùng đá lạnh hoặc ngâm vùng da bỏng vào nước lạnh. Điều này có thể làm giảm thân nhiệt đột ngột hoặc gây tổn thương hơn ở những vùng nhạy cảm.
  4. Loại bỏ hết các hóa chất kích thích. Nếu vết bỏng là do hóa chất gây ra, bạn hãy rửa sạch mọi hóa chất còn lại trên da. Để nước mát chảy lên vùng da bị bỏng hoặc đắp gạc mát lên da trong lúc chờ cấp cứu. Không cố gắng thử dùng bất cứ cách trị liệu tại nhà nào trên vết bỏng hóa chất.
  5. Nâng vùng bị bỏng lên cao hơn tim của người bị nạn. Chỉ làm điều này nếu bạn có thể nâng cao vết thương mà không gây ra tổn thương thêm.[19]
  6. Gọi cấp cứu chống sốc ngay lập tức. Chú ý các triệu chứng sốc: mạch nhanh hoặc yếu, huyết áp thấp, da lạnh, mất phương hướng hoặc mất ý thức, buồn nôn, kích động. Nếu thấy các triệu chứng sốc do bỏng độ ba, hãy gọi cấp cứu ngay. Gọi xe cứu thương để nhanh chóng đưa nạn nhân vào bệnh viện. Đây là tình huống đe dọa tính mạng nguy hiểm nhất trong tình huống đã sẵn nguy hiểm.
    • Vết bỏng độ ba có thể gây sốc vì cơ thể mất một lượng lớn chất lỏng khi một vùng da rộng bị bỏng. Cơ thể không thể hoạt động bình thường với lượng chất lỏng và máu ít như vậy.

Hiểu Cách Điều trị Vết bỏng Nặng ở Bệnh viện[sửa]

  1. Cởi bỏ quần áo và trang sức. Nạn nhân có thể sẽ nhanh chóng được chuyển từ bệnh viện đến trung tâm chữa bỏng để điều trị. Vậy hãy cởi bỏ hết quần áo hoặc đồ trang sức trên người nạn nhân nếu nhận thấy chúng có thể bám chặt vào người khi cơ thể sưng lên.
    • Vết bỏng có thể sưng đến mức khiến một số bộ phận trong cơ thể bị chèn ép rất nguy hiểm (hội chứng khoang). Nếu tình trạng này xảy ra, cần phải phẫu thuật để giảm áp lực, đồng thời giúp máu lưu thông và dây thần kinh hoạt động.[20]
  2. Xác định những dấu hiệu sinh tồn và cho thở ô-xy. Trong mọi trường hợp bỏng nặng, bác sĩ có thể cho nạn nhân thở 100% ô-xy bằng cách đặt ống nội khí quản.[1] Những dấu hiệu sinh tồn phải được theo dõi ngay lập tức. Nhờ đó bác sĩ xác định được tình trạng hiện thời của bệnh nhân và lên phác đồ điều trị cụ thể.
  3. Bù nước cho nạn nhân. Ngăn chặn việc mất chất lỏng và bù chất lỏng cho cơ thể với dung dịch I.V. Xác định loại và lượng chất lỏng dựa trên tình trạng bỏng.[1]
  4. Cho uống thuốc giảm đau và kháng sinh. Cho uống thuốc giảm đau để nạn nhân có thể chống chọi với cơn đau. Thuốc kháng sinh cũng rất quan trọng.
    • Cần thuốc kháng sinh vì hệ thống miễn dịch chính của cơ thể (da) đã bị suy giảm, và thuốc là cần thiết để ngăn vi khuẩn xâm nhập khiến vết thương nhiễm trùng.[1]
  5. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân. Chế độ ăn của bệnh nhân nên giàu đạm, giàu calorie, nhờ đó cơ thể được cung cấp nguồn protein và năng lượng thiết yếu cần có để sửa chữa lại những tế bào bị thương tổn do bỏng. [1]

Lời khuyên[sửa]

  • Nạn nhân bị bỏng độ ba trở lên phải được di chuyển bằng xe cứu thương (hoặc trực thăng cấp cứu, tùy khoảng cách) đến trung tâm điều trị bỏng gần nhất.
  • Rửa tay sạch trước khi chạm vào hoặc chăm sóc vết bỏng. Đeo găng tay nếu có thể.
  • Chỉ dùng nước mát, sạch, tinh khiết HOẶC dung dịch muối nếu có sẵn để sơ cứu vết bỏng nặng. Bảo vệ vùng bị bỏng với vải vô trùng hoặc thật sạch trong lúc gọi cấp cứu.
  • Lời khuyên này không thay thế cho việc chăm sóc y tế. Nếu nghi ngờ, hãy tham khảo bác sĩ ngay lập tức.
  • Băng vết bỏng nhẹ hoặc nặng bằng màng bọc nếu không có gạc. Như vậy sẽ giúp tránh nhiễm trùng trên đường vào bệnh viện.
  • Không nên để vết bỏng do hóa chất dưới nước nếu chưa xác định được loại hóa chất, vì làm như vậy có thể khiến hóa chất lan thêm trên da. Nước có thể làm nặng thêm một số vết bỏng do hóa chất như vôi.
  • Không để vết bỏng tiếp xúc với các chất độc hại.
  • Bôi lô hội có thể làm dịu vết bỏng.

Cảnh báo[sửa]

  • Đến bác sĩ ngay sau khi bị bỏng nặng. Những vết bỏng nặng không thể tự khỏi và cần phải chăm sóc y tế.
  • Bỏng do các vật liệu phóng xạ là một dạng rất khác và nghiêm trọng. Gọi cấp cứu y tế ngay lập tức nếu bạn nghi ngờ có liên quan đến phóng xạ và thực hiện các bước bảo vệ bản thân bạn và nạn nhân.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây