Giảm đau bụng kinh

Từ VLOS
(đổi hướng từ Giảm Đau bụng kinh)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đau bụng kinh là một vấn đề khá phổ biến mà 50-90% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thường gặp phải. Cơn đau khi hành kinh là kết quả của sự co thắt cơ ở thành tử cung, tương tự như khi bạn bị vọp bẻ (chuột rút) tại các bộ phận khác của cơ thể khi tập thể dục. Tình trạng co bóp mạnh và kéo dài của tử cung khiến các cơ bị co thắt. Đau bụng kinh thường xuất hiện khoảng 1-2 ngày trước khi kinh nguyệt bắt đầu, và ngừng lại sau 1-2 ngày khi kinh nguyệt chấm dứt. Thông thường bạn sẽ nhận thấy từng cơn đau nhói tại vùng bụng dưới hoặc vùng chậu và cường độ cơn đau có thể thay đổi. Đôi khi nó có thể diễn ra liên tục và âm ỉ. Cơn đau có thể lan sang vùng lưng, đùi, và bụng trên. Phụ nữ cũng có thể sẽ cảm thấy đau đầu, kiệt sức, buồn nôn, hoặc tiêu chảy.[1][2]Nếu bạn gặp phải những cơn đau với cường độ từ vừa đến nặng, bạn có thể thực hiện một vài biện pháp giúp làm giảm triệu chứng đau bụng kinh.

Các bước[sửa]

Tìm kiếm Sự trợ giúp Y tế[sửa]

  1. Sử dụng thuốc không cần kê toa. Các loại thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDS) chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen là công cụ hàng đầu trong việc điều trị đau bụng kinh. NSAID đem lại hiệu quả bằng cách ngăn ngừa cơn co thắt gây đau bụng kinh. Ibuprofen là loại phổ biến nhất. Bạn có thể sử dụng 400-600 mg ibuprofen mỗi 4-6 giờ hoặc 800 mg mỗi 8 giờ và không quá 2400 mg mỗi ngày.
    • Bạn nên uống thuốc ngay sau khi gặp phải các triệu chứng và tiếp tục sử dụng trong vòng 2-3 ngày nếu cần, tùy thuộc vào triệu chứng của bạn. Nếu bạn chờ đợi cho đến khi cơn đau bụng của bạn bắt đầu, đặc biệt là nếu bạn đã từng bị đau bụng kinh khá trầm trọng trong quá khứ, bạn sẽ có nguy cơ khiến cơn đau trở nên nặng hơn và bạn sẽ không thể làm gì để xoa dịu nó.
    • Tìm mua thuốc ibuprofen từ các nhãn hiệu chẳng hạn như Advil và Motrin. Bạn cũng có thể sử dụng thuốc naproxen chẳn hạn như Aleve. Các loại thuốc này đều có bán tại Việt Nam.[3]
  2. Tìm hiểu về thuốc ngừa thai. Nếu bài thuốc tự nhiên, chế độ ăn uống và dinh dưỡng, tập thể dục, và thuốc NSAID không thể giúp xoa dịu cơn đau của bạn, thuốc ngừa thai có thể sẽ là lựa chọn tốt nhất dành cho bạn. Có khá nhiều loại thuốc và dạng thuốc khác nhau có thể đem lại hiệu quả trong việc làm kinh nguyệt trở nên ít hơn và ít gây đau đớn hơn.
    • Phương pháp mà bạn lựa chọn tuỳ thuộc vào sức khỏe tổng quát, hoạt động tình dục, và sở thích cũng như khả năng tài chính của cá nhân. Hãy tham khảo thêm về những biện pháp mà bạn có thể thực hiện với bác sĩ của bạn.[4]
  3. Sử dụng thuốc tránh thai. Thuốc ngừa thai là loại thuốc mà bạn dùng qua đường uống mỗi ngày. Bởi vì bạn là người kiếm soát thời gian uống thuốc nên bạn cũng có thể dễ dàng ngừng sử dụng chúng. Các loại thuốc này thường được sử dụng rộng rãi, được bày bán ở mọi tiệm thuốc, và có giá thành tương đối rẻ.[3]
  4. Dán miếng dán ngừa thai. Miếng dán ngừa thai cũng hoạt động tương tự như thuốc dùng đường uống, chỉ là chúng có dạng miếng dán. Bạn phải dán miếng dán mỗi tháng và cũng giống như thuốc tránh thai, bạn có thể dễ dàng ngừng sử dụng chúng.
    • Miếng dán cũng có thể vô tình bị rơi ra ngoài, dễ dàng nhận thấy khi bạn dán chúng tại một vị trí cụ thể nào đó, và sẽ khiến bạn tốn thêm một khoản chi phí hàng tháng.[5]
  5. Đặt vòng tránh thai (vòng âm đạo). Nếu bạn không muốn sử dụng thuốc hoặc miếng dán, bạn có thể sử dụng vòng tránh thai. Bạn chỉ cần phải thay vòng mỗi tháng và có thể dễ dàng ngừng đặt vòng khi bạn cảm thấy điều này không còn cần thiết. Vòng tránh thai sẽ riêng tư hơn là sử dụng thuốc hoặc miếng dán bởi vì bạn không cần phải uống thuốc hoặc dán miếng dán tại vị trí mà người khác có thể dễ dàng trông thấy.
    • Vòng tránh thai có thể sẽ vô tình bị rơi ra ngoài trong quá trình quan hệ tình dục và nó cũng sẽ khiến bạn phải tốn một khoản chi phí hàng tháng.[6]
  6. Tiêm nội tiết tố. Nếu bạn không thích các phương pháp trên, bạn có thể xem xét sử dụng biện pháp tiêm nội tiết tố. Đây là biện pháp khá tiện lợi bởi vì bạn chỉ cần phải tiêm chúng vào cơ thể sau mỗi 3 tháng, nhưng bạn phải nhớ tiêm đúng thời hạn. Tuy nhiên, chúng có thể sẽ đem lại nhiều tác dụng phụ hơn phương pháp khác. Bạn có thể sẽ bị mất kinh và có thể mất khả năng sinh sản trong vòng 1 năm sau khi ngừng tiêm thuốc.
    • Tiêm nội tiết tố cũng có thể khiến bạn tăng cân.[7]
  7. Cấy que tránh thai vào da. Cấy que tránh thai là phương pháp giúp bạn có thể kiểm soát chứng đau bụng kinh về lâu dài. Một khi được cấy vào da, que cấy sẽ có tác dụng trong 3-5 năm. Tuy que cấy đem lại hiệu quả trong một thời gian dài, bạn vẫn có thể dễ dàng loại bỏ que khỏi cơ thể.
    • Quá trình cấy que vào da cũng có thể sẽ khá đau đớn, mặc dù bạn chỉ phải tiến hành cấy que vài năm một lần.[8] Que tránh thai có thể khiến bạn bị chảy máu thường xuyên.
  8. Đặt vòng tránh thai chữ T (IUD). Nếu cấy que tránh thai không hiệu quả, bạn có thể sử dụng phương pháp đem lại kết quả lâu dài hơn được gọi là IUD. Loại thiết bị này sẽ có tác dụng trong vòng 3 đến 5 năm và không gây nhiều tác dụng phụ.
    • Bạn có nguy cơ nhiễm trùng vùng chậu trong vòng 30 ngày sau khi đặt vòng tránh thai chữ T nếu bạn mắc phải các bệnh lây lan qua đường tình dục. Ngay sau khi loại bỏ IUD khỏi cơ thể, bạn sẽ có thể tiếp tục sinh em bé như bình thường.
  9. Đi khám bệnh. Nếu cơn đau bụng kinh của bạn nghiêm trọng hơn thông thường, hoặc bạn có cảm giác bất thường, và nếu thời gian và vị trí của cơn đau luôn thay đổi khác nhau, bạn nên đi khám bệnh. Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu cơn đau bụng của bạn kéo dài hơn 2-3 ngày. Bạn có thể đang mắc phải chứng bệnh đau bụng kinh thứ phát, là chứng bệnh nghiêm trọng hơn bệnh đau bụng kinh thông thường và thường do tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc rối loạn gây nên.[9]
    • Những căn bệnh rối loại sinh sản nhất định gây nên triệu chứng đau bụng kinh thứ phát bao gồm viêm màng trong dạ con, bệnh viêm vùng chậu, hẹp cổ tử cung, và có khối u trên thành tử cung.[3]
    • Nếu bác sĩ của bạn nghi ngờ rằng bạn đã mắc phải một trong những chứng bệnh rối loạn này, ông ấy hoặc cô ấy sẽ tiến hành kiểm tra thể chất của bạn và xét nghiệm để xác định cụ thể. Bác sĩ của bạn sẽ khám xét vùng chậu và kiểm tra bất kỳ một dấu hiệu bất thường hoặc viêm nhiễm nào trong cơ quan sinh sản của bạn. Bạn cũng có thể sẽ phải siêu âm, chụp CT, hoặc chụp MRI. Trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi, đây là thủ tục ngoại trú và bác sĩ sẽ đưa vào cơ thể một máy quay phim nhỏ để kiểm tra khoang bụng và cơ quan sinh sản của bạn.[10]

Sử dụng Liệu pháp Thay thế và Bài thuốc Tự nhiên[sửa]

  1. Dùng nhiệt. Nhiều liệu pháp tự nhiên đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh rằng có thể giúp xoa dịu cơn đau bụng kinh. Một trong những phương pháp phổ biến và dễ dàng nhất đó là sử dụng nhiệt. Nhiệt cũng có thể đem lại hiệu quả tương tự như thuốc giảm đau không cần kê toa, chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen.[11] Nhiệt sẽ giúp thư giãn cơ bắp đang bị co thắt gây đau bụng. Bạn nên làm ấm vùng bụng dưới. Bạn cũng có thể chườm ấm tại vùng lưng dưới. Hãy thử áp túi chườm nóng hoặc dán cao dán nóng lên vùng bụng. Cao dán nóng thường là những miếng gạt khá dính và không tẩm thuốc có thể tỏa nhiệt lên đến 12 giờ. Bạn có thể dán chúng vào da hoặc quần áo, nhưng hãy nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
    • Cao dán tỏa nhiệt có khá nhiều hình dạng, kích cỡ, và được sử dụng cho những mục đích khác nhau, tuy nhiên, bạn có thể sử dụng bất kỳ loại miếng dán nào để xoa dịu cơn đau bụng kinh. Tại Việt Nam, một vài nhãn hiệu có chế tạo cao dán dành riêng cho việc làm giảm đau bụng kinh, chẳng hạn như Therma Plast hoặc Lady’s Day Hydrogel Magic Pad .
    • Miếng dán thường tiện lợi hơn túi chườm nóng bởi vì chúng khá linh động, do đó, bạn có thể dán chúng lên da và tiếp tục với công việc hằng ngày của mình.
    • Nếu bạn không có sẵn túi chườm nóng hoặc cao dán tỏa nhiệt, bạn có thể thử ngâm mình trong nước nóng hoặc tắm nước nóng để thư giãn cơ thể và xoa dịu cơn đau bụng.
  2. Thử qua biện pháp can thiệp hành vi. Sẽ khá hữu ích nếu bạn có thể phát triển một số biện pháp can thiệp hành vi, đặc biệt nếu bạn thường xuyên bị đau bụng kinh mức độ nặng. Những biện pháp này bao gồm tập thư giãn bằng cách sử dụng hoạt động lặp đi lặp lại, chẳng hạn như hít thở sâu, cầu nguyện, hoặc lặp lại một từ ngữ hoặc một âm thanh nào đó, kết hợp với hành động làm trống tâm trí, phớt lờ mọi phiền nhiễu, và hình thành thái độ tích cực. Phương pháp này sẽ giúp bạn thư giãn và quên đi cơn đau.
    • Bạn cũng có thể sử dụng biện pháp can thiệp bằng hình ảnh, biện pháp này sử dụng suy nghĩ và trải nghiệm tích cực để thay đổi trạng thái cảm xúc của bạn và làm bạn phân tâm để xoa dịu cơn đau.
    • Liệu pháp thôi miên sử dụng hành động thôi miên để đem lại trạng thái thư giãn, làm giảm căng thẳng và xoa dịu cơn đau.
    • Bởi vì đau bụng kinh sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ tương tự như khi sinh em bé, nhiều phụ nữ cảm thấy rằng sử dụng bài tập Lamaze có thể giúp xoa dịu cơn đau bụng. Hãy thử sử dụng phương pháp thở nhịp nhàng trong bài tập Lamaze để giúp xoa dịu và làm giảm cơn đau.
    • Bạn cũng có thể thử tiến hành biện pháp phản hồi sinh học, đây là biện pháp mà bạn sẽ phải học cách kiểm soát thông số sinh lý của bản thân chẳng hạn như nhịp tim, áp huyết, và nhiệt độ của cơ thể kết hợp với kỹ thuật thư giãn để giúp cơ thể cách kiểm soát các triệu chứng.[12][13][14]
  3. Gây xao nhãng cho bản thân. Gây xao nhãng là một trong những phương pháp giảm đau mạnh mẽ nhất và dễ dàng nhất. Nếu bạn gặp phải cơn đau bụng dữ dội, bạn nên thực hiện các hoạt động khiến bạn phải hoàn toàn tập trung vào nó, chẳng hạn như trò chuyện cùng bạn bè, đọc sách, chơi game, xem phim hoặc xem chương trình truyền hình, hoặc dành thơi gian trên Facebook.
    • Hãy nhớ lựa chọn hành động giúp tâm trí bạn ngừng suy nghĩ về cơn đau và thuyết phục cơ thể tập trung vào những việc khác.
  4. Sử dụng phương pháp châm cứu. Châm cứu được biết đến như biện pháp giúp giảm đau trong hơn 2,000 năm. Khi châm cứu, những chiếc kim mỏng như tóc sẽ được châm vào da tại vị trí cụ thể trên cơ thể của bạn. Hầu hết mọi người thường không cảm thấy đau khi châm cứu, và nhiều phụ nữ cảm thấy rằng nó giúp làm giảm đau bụng kinh.
    • Mặc dù có khá nhiều lời đồn đại xung quanh biện pháp này, các nhà khoa học vẫn chưa tiến hành bất kỳ một nghiên cứu nào để xác minh tính hiệu quả của nó.[15]
  5. Mát-xa vùng bụng nhẹ nhàng. Đôi khi, áp một lực nhẹ lên vùng bị đau sẽ đem lại hiệu quả. Hãy nằm xuống và sử dụng vật dụng nào đó để nâng bàn chân lên cao. Trong tư thế nằm ngửa này, hãy tiến hành mát-xa nhẹ nhàng vùng bụng dưới và lưng dưới.[16]
    • Hãy nhớ đừng ấn quá mạnh. Bạn sẽ không muốn khiến bản thân bị đau đớn nhiều hơn thay vì làm giảm cơn đau. Phương pháp này sẽ giúp bạn thư giãn cơ và xoa dịu cơn đau.

Thay đổi Chế độ Ăn uống và Bổ sung Dinh dưỡng[sửa]

  1. Dùng thực phẩm bổ sung. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng một số loại vitamin và dưỡng chất bổ sung có thể giúp làm giảm cơn đau bụng kinh nếu bạn uống mỗi ngày. Cơ chế hoạt động này vẫn chưa được làm rõ, nhưng nhiều loại thực phẩm bổ sung có thể giúp làm giảm cơn đau. Mỗi ngày, bạn nên dùng 500 mg Vitamin E, 100 mg Vitamin B1, 200 mg Vitamin B6, và lượng Vitamin D3 như hướng dẫn của bác sĩ.
    • Xét nghiệm máu sẽ giúp bạn xác định xem liệu chế độ ăn uống của bạn có cung cấp đủ vitamin hay không để bạn có thể tiến hành chế độ bổ sung phù hợp.
    • Bạn cũng có thể uống thêm dầu cá hoặc dầu gan cá tuyết.[12]</ref>
  2. Thay đổi chế độ ăn uống. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống ít chất béo và nhiều rau củ sẽ giúp làm giảm chứng đau bụng kinh.[12] Bạn nên ăn rau có lá xanh vì chúng giàu Vitamin A, C, E, B, K và folate. Tương tự như thực phẩm bổ sung, các loại vitamin và khoáng chất này có thể giúp xoa dịu cơn đau bụng kinh của bạn. Ngoài ra, chúng còn giúp bạn ngăn ngừa thiếu máu do chảy máu kinh nguyệt bằng cách cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết để tạo nên tế bào hồng cầu mới cho cơ thể.
    • Bạn cũng nên bổ sung thêm chất sắt khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt. Bạn có thể ăn thịt đỏ hoặc sử dụng thực phẩm bổ sung để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu khi có kinh.
    • Rau xanh và các loại quả mọng cũng có chứa chất chống oxy hoá, giúp bạn chống lại tình trạng viêm nhiễm liên quan đến vấn đề đầy bụng.
    • Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng những người ăn từ 3-4 phần sản phẩm chế biến từ sữa mỗi ngày thường ít bị đau bụng kinh hơn. Bạn không nên sử dụng theo liều lượng này nếu bạn dễ gặp phải tình trạng đầy hơi hoặc đầy bụng khi bạn ăn quá nhiều sản phẩm từ sữa.[12]
  3. Uống trà. Nhiều loại trà có thể giúp xoa dịu cơn đau bụng. Hãy chắn chắn rằng bạn lựa chọn loại trà không chứa caffein để có thể tận dụng lợi ích xoa dịu của trà thay vì gây co thắt nhiều hơn. Trà mâm xôi, trà hoa cúc, và trà gừng có đặc tính kháng viêm và có thể giúp bạn xoa dịu cơn đau bụng kinh.[17][18].
    • Bạn nên tránh sử dụng trà có chứa caffein bởi vì chúng sẽ kích thích sự lo âu và căng thẳng, khiến cơn đau của bạn trở nên tồi tệ hơn.
    • Lượng trà mà bạn cần uống để có thể xoa dịu cơn đau bụng kinh vẫn chưa được ghi nhận cụ thể, nhưng bạn có thể uống theo bất kỳ liều lượng nào mà bạn muốn miễn là bạn dùng trà không chứa caffein.
    • Phương pháp này cũng sẽ giúp cung cấp đủ nước cho cơ thể.
  4. Tránh rượu bia và thuốc lá. Rượu bia có thể giữ nước và gây đầy bụng. Nicotine có trong thuốc lá có thể làm tăng mức độ căng thẳng và thu hẹp mạch máu được gọi là tình trạng co mạch. Tình trạng này sẽ làm giảm lưu lượng máu lưu thông đến tử cung và khiến cơn đau của bạn trở nên tồi tệ hơn.[19]

Hoạt động Thể chất[sửa]

  1. Tập thể dục. Tập thể dục có thể giúp xoa dịu triệu chứng của kinh nguyệt nói chung, bao gồm đau bụng kinh. Tập thể dục giúp giải phóng endorphin, đây là loại thuốc giảm đau tự nhiên. Endorphin cũng giúp bạn đối phó với prostaglandins trong cơ thể gây co thắt và đau đớn. Vì lý do này, hoạt động thể chất có thể giúp bạn xoa dịu cơn đau.[11]
    • Hãy thử qua các bài tập aerobic khác nhau, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, chèo thuyền kayak, đi bộ đường dài, hoặc tham gia vào một lớp học nào đó tại phòng tập thể dục.
  2. Thực hiện động tác co giãn cơ đơn giản. Co giãn cơ giúp các cơ của bạn được thư giãn và giúp giảm đau. Hãy ngồi trên sàn nhà trong tư thế hai chân dang rộng sang hai bên. Gập người về phía trước để cố gắng chạm vào ngón chân hoặc mắt cá chân. Hít vào trong khi giữ lưng thẳng. Sau một vài nhịp thở, hãy gập người về phía sàn nhà.
    • Bạn cũng có thể thử qua các động tác co giãn cơ đơn giản để co duỗi lưng hoặc bụng, tuỳ thuộc vào khu vực mà bạn cảm thấy đau đớn nhiều nhất.
  3. Tăng cường hoạt động tình dục. Nhiều phụ nữ cảm thấy rằng trạng thái đạt cực khoái giúp làm giảm đau bụng kinh. Lý do của việc này vẫn chưa được làm rõ, nhưng nó có thể liên quan đến quá trình phóng thích endorphin khi cơ thể bị kích thích tình dục. Tương tự như tập thể dục, endorphin được giải phóng khi đạt cực khoái có thể giúp làm giảm tình trạng đau bụng kinh và viêm nhiễm.[12]
  4. Tập yoga. Tương tự như tập aerobic và co giãn cơ, yoga giúp bạn thư giãn và làm giảm đau tại vùng lưng sau, chân, và vùng bụng. Khi bạn bị đau bụng kinh, hãy thử tập các tư thế yoga khác nhau để giúp xoa dịu cơn đau. Trước khi bắt đầu, hãy nhớ mặc trang phục thoải mái và bật nhạc nhẹ lên.
    • Bạn có thể thực hiện tư thế cúi đầu chạm gối. Ngồi trên sàn nhà và dang rộng hai chân trước mặt. co một chân vào theo góc 90 độ sao cho gót chân của bạn chạm vào mặt trong của đùi. Hít vào và nắm lấy ống chân, mắt cá chân hoặc bàn chân. Duỗi người về phía bàn chân. Thở ra và gập người từ vị trí háng. Rướn người và duỗi thẳng lưng thay vì cong lưng. Giữ nguyên tư thế và hít thở, duỗi người về phía gót chân và ấn xương ngồi của bạn trên sàn nhà. Giữ nguyên tư thế trong 1-3 phút, sau đó đổi bên.
    • Bạn cũng có thể thử qua tư thế con ngỗng. Ngồi xổm trên sàn với hai chân đặt sát với nhau. Hạ thấp người cho đến khi mông của bạn đối diện với gót chân. Hít vào, sau đó di chuyển đầu gối sang trái trong khi xoay thân người sang phải. Khi bạn thở ra, hãy vòng cánh tay trái ra sau người và ôm quanh đầu gối và chân. Hít vào và vòng cánh tay phải ra sau để nắm lấy bàn tay. Thở ra khi hướng mặt nhìn qua vai phải. Giữ nguyên tư thế trong 30-60 giây và nhớ hít thở. Sau đó đổi bên.
    • Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện tư thế lạc đà. Bắt đầu với tư thế quỳ gối, hai chân mở rộng bằng vai. Hãy chắc chắn rằng ống chân và bàn chân của bạn tiếp xúc với sàn nhà một cách vững chắc. Chống bàn tay lên mông với các ngón tay hướng xuống. Hít vào. Nâng ngực và hạ vai về phía xương sườn. Thở ra, sau đó đẩy hông hướng về phía trước trong khi bạn cong người về phía sau. Để cố định tư thế, hãy đặt bàn tay lên bàn chân. Nâng ngực. Hít thở đều đặn trong 30-60 giây.[20]

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu bạn gặp phải tình trạng đau bụng kinh khác lạ và cảm giác như cơ thể của bạn có vấn đề, hãy đến bệnh viện để trình bày với bác sĩ về triệu chứng của bạn. Cơn đau bụng của bạn có thể là dấu hiệu của các bệnh rối loạn tìm ẩn khác cần phải được điều trị chẳng hạn như bệnh lạc nội mạc tử cung, lạc nội mạc trong cơ tử cung, u xơ tử cung, viêm vùng chậu (PID), dị tật bẩm sinh, hoặc ung thư.
  • Bạn cũng nên đi khám bệnh khi đau bụng kèm theo các triệu chứng khác bao gồm sốt, nôn mửa, máu kinh ra nhiều đến mức thấm ướt hoàn toàn miếng băng vệ sinh thông thường hoặc tampon (băng vệ sinh dạng ống) trong mỗi hai giờ, chóng mặt hoặc ngất xỉu, cơn đau đột ngột hoặc đau nặng, cơn đau khác thường với đau bụng kinh thông thường, đau khi tiểu tiện, tiết dịch âm đạo bất thường, và đau khi quan hệ tình dục.
  • Nằm ngửa và đặt một chai nước nóng trên vùng bụng. Gây xao nhãng cho bản thân bằng cách xem phim hoặc đọc sách hoặc làm một việc thú vị nào đó bắt buộc bạn phải tập trung và tránh suy nghĩ về cơn đau bụng kinh của mình.
  • Ăn nhiều thực phẩm có chứa kali, chẳng hạn như chuối.
  • Nằm sấp hoặc nằm nghiêng và duỗi thẳng chân. Đối với nhiều người, cơn đau là do họ co chân về phía bụng.
  • Tắm lâu hơn một chút. Mặc dù phương pháp này sẽ không giúp bạn tiết kiệm nước, nó có thể sẽ giúp bạn giảm đau bụng.
  • Uống trà cũng có thể giúp xoa dịu cơn đau.
  • Nhúng một chiếc khăn vào nước nóng và chườm vào khu vực bị đau cũng là một cách hiệu quả để xoa dịu cơn đau bụng.
  • Mặc dù nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đi đại tiện cũng có thể giúp bạn giải tỏa bất kỳ một áp lực hoặc cơn đau nào mà bạn đang gặp phải.
  • Không nên dùng túi nước đá hoặc bất kỳ một vật dụng có nhiệt độ lạnh nào để xoa dịu cơn đau.
  • Sử dụng thuốc quá thường xuyên có thể gây hại cho bao tử của bạn. Chúng cũng có thể gây tiêu chảy, và gây lờn thuốc.
  • Hãy nằm ngửa và cong người tạo thành tư thế chiếc cầu. Phương pháp này sẽ giúp bạn duỗi thẳng cơ bụng đủ để khi bạn chườm ấm lên khu vực bị đau, cơn đau sẽ nhanh chóng được xoa dịu.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Smith RP, Kaunitz AM. “Đau bụng kinh đối với phụ nữ trưởng thành: Đặc điểm và chẩn đoán lâm sàn”. Nguồn từ trang web UpToDate. http://www.uptodate.com/contents/primary-dysmenorrhea-in-adult-women-clinical-features-and-diagnosis?source=search_result&search=menstrual+cramps&selectedTitle=3~150
  2. Banikarim, Chantay. “Đau bụng kinh ở thanh thiếu niên”. Nguồn từ trang web UpToDate. http://www.uptodate.com/contents/primary-dysmenorrhea-in-adolescents?source=search_result&search=menstrual+cramps&selectedTitle=2~150
  3. 3,0 3,1 3,2 http://www.webmd.com/women/menstrual-cramps?page=2
  4. http://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control
  5. http://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/birth-control-patch-ortho-evra
  6. http://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/birth-control-vaginal-ring-nuvaring
  7. http://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/birth-control-shot-depo-provera
  8. http://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/birth-control-implant-implanon
  9. http://www.medicinenet.com/menstrual_cramps/page7.htm#what_is_the_treatment_of_secondary_dysmenorrhea
  10. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menstrual-cramps/basics/tests-diagnosis/con-20025447
  11. 11,0 11,1 Smith RP, Kaunitz AM. “Phương pháp điều trị đau bụng kinh nguyên phát đối với phụ nữ trưởng thành”. Nguồn từ trang web UpToDate. http://www.uptodate.com/contents/treatment-of-primary-dysmenorrhea-in-adult-women?source=search_result&search=menstrual+cramps&selectedTitle=1~150.
  12. 12,0 12,1 12,2 12,3 12,4 Smith RP, Kaunitz AM. “Phương pháp điều trị đau bụng kinh nguyên phát đối với phụ nữ trưởng thành”. Nguồn từ trang web UpToDate. http://www.uptodate.com/contents/treatment-of-primary-dysmenorrhea-in-adult-women?source=search_result&search=menstrual+cramps&selectedTitle=1~150
  13. Strada EA, Portenoy RK. “Liệu pháp tâm lý, phục hồi, và thống nhất cho cơn đau do ung thư”. Nguồn từ trang web UpToDate. http://www.uptodate.com/contents/psychological-rehabilitative-and-integrative-therapies-for-cancer-pain?source=search_result&search=imagery&selectedTitle=1~44
  14. Wichman S, Sharar SR. “Đối phó với nỗi đau: Nguyên tắc quản lý dược lý và phi dược lý”. Nguồn từ trang web UpToDate. http://www.uptodate.com/contents/burn-pain-principles-of-pharmacologic-and-nonpharmacologic-management?source=search_result&search=imagery&selectedTitle=2~44
  15. http://www.onemedical.com/blog/live-well/from-our-acupuncturist-6-ways-to-reduce-period-pain/
  16. http://www.webmd.com/women/menstrual-cramps?page=2#
  17. http://www.medicaldaily.com/menstrual-cramps-6-home-remedies-247558
  18. http://www.onemedical.com/blog/live-well/from-our-acupuncturist-6-ways-to-reduce-period-pain/
  19. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menstrual-cramps/basics/lifestyle-home-remedies/con-20025447
  20. http://www.active.com/yoga/articles/4-yoga-poses-to-ease-menstrual-cramps

Liên kết đến đây