Kiểm tra tình trạng sốt khi không có nhiệt kế

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hiện tượng sốt xảy ra khi thân nhiệt tăng cao hơn nhiệt độ trung bình (nằm trong khoảng từ 36,7 đến 37,8 độ C).[1] Những cơn sốt thường đi kèm nhiều loại bệnh, và tùy vào nguyên nhân gây sốt, đây có thể là dấu hiệu của một căn bệnh lành tính hoặc nghiêm trọng. Cách chính xác nhất để đo thân nhiệt là dùng nhiệt kế. Tuy nhiên nếu không có nhiệt kế, bạn vẫn có một số cách để đọc các triệu chứng để biết liệu bạn có cần cấp cứu hay không.

Các bước[sửa]

Kiểm tra các triệu chứng sốt[sửa]

  1. Sờ vào trán hoặc cổ của người bệnh. Cách thông thường nhất để kiểm tra sốt khi không có nhiệt kế là sờ vào trán hoặc cổ người bệnh để xem có nóng hơn bình thường không.[2]
    • Dùng mu bàn tay, vì da lòng bàn tay không nhạy cảm bằng các vùng da khác.
    • Không sờ vào tay hoặc chân để kiểm tra thân nhiệt vì những bộ phận này có thể lạnh mặc dù thân nhiệt tăng cao.
    • Nhớ rằng đây là bước đầu tiên để đoán ra có điều gì không ổn nhưng không thể biết chính xác liệu người bệnh có sốt đến mức nguy hiểm không. Đôi khi da của người bệnh lạnh và ẩm khi họ bị sốt cao, và đôi khi ngược lại, da rất nóng mặc dù không sốt.
    • Đảm bảo kiểm tra nhiệt độ da của người bệnh trong phòng không quá nóng hoặc lạnh, và không kiểm tra sau khi họ đổ mồ hôi do tập luyện.
  2. Quan sát xem da của người bệnh có ửng đỏ không. Cơn sốt đôi khi khiến da trên má và mặt của người bệnh đỏ bừng. Tuy nhiên điều này khó nhận biết nếu người bệnh có nước da sẫm màu.[2]
  3. Nhận biết nếu người bệnh lịm đi. Cơn sốt thường kèm theo tình trạng lờ đờ hoặc kiệt sức, ví dụ như cử động hoặc nói chậm hoặc không chịu ra khỏi giường.[2]
    • Trẻ em bị sốt có thể kêu mệt hoặc yếu, không ra ngoài chơi hoặc chán ăn.
  4. Hỏi người bệnh xem họ có đau không. Hiện tượng đau nhức cơ và khớp đôi khi cũng xuất hiện kèm cơn sốt.
    • Tình trạng đau đầu cũng thường xảy ra khi bị sốt.
  5. Kiểm tra xem người bệnh có bị mất nước không. Khi sốt, người bệnh rất dễ bị mất nước. Hỏi xem họ có khát nước không hoặc có thấy khô miệng không.
    • Nước tiểu của người bệnh màu vàng đậm là dấu hiệu cho thấy họ bị mất nước và có thể sốt. Nước tiểu đậm màu hơn bình thường cũng báo hiệu tình trạng mất nước nghiêm trọng hơn.
  6. Hỏi người bệnh xem họ có buồn nôn không. Buồn nôn là triệu chứng quan trọng của tình trạng sốt hoặc các bệnh khác như cảm cúm. Chú ý xem người bệnh có buồn nôn, nôn, hoặc không thể giữ thức ăn khỏi trào lên không.
  7. Lưu ý nếu người bệnh run hoặc toát mồ hôi. Khi thân nhiệt nóng lạnh thất thường, người bệnh thường run và cảm thấy lạnh, mặc dù những người khác trong phòng cảm thấy dễ chịu.[2]
    • Người bệnh sẽ cảm thấy lúc nóng lúc lạnh do bị sốt. Khi thân nhiệt lên xuống thất thường, người bệnh sẽ rét run mặc dù những người xung quanh vẫn thấy bình thường.
  8. Xử lý cơn sốt co giật (febrile convulsion) kéo dài hơn 3 phút. Sốt co giật là cơn co giật xảy ra trước khi hoặc trong khi đứa trẻ đang sốt cao. Nếu sốt cao hơn 39,4 độ C, trẻ có thể có ảo giác.[3] Cứ 20 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị sốt co giật vào một thời điểm nào đó. Mặc dù bạn có thể hoảng sợ khi thấy trẻ bị co giật, tuy nhiên tình trạng này không gây tổn thương vĩnh viễn cho trẻ. Xử lý cơn sốt co giật như sau:[2]
    • Đặt trẻ nằm nghiêng ở nơi rộng rãi hoặc trên sàn.
    • Không cố gắng ôm giữ trẻ và không cho thứ gì vào miệng trẻ trong lúc trẻ co giật, đừng sợ trẻ tự nuốt lưỡi!
    • Ở bên cạnh trẻ sau khi trẻ hết co giật 1-2 phút.
    • Đặt trẻ nằm nghiêng ở tư thế hồi sức trong thời gian hồi phục.

Xác định cơn sốt nghiêm trọng[sửa]

  1. Tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu cơn sốt co giật của trẻ kéo dài quá 3 phút. Tình trạng này có thể là dấu hiệu của bệnh lý trầm trọng hơn. Gọi cấp cứu 115 và giữ cho trẻ nằm nghiêng ở tư thế hồi sức.[2] Bạn cũng nên tìm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu cơn sốt co giật kèm theo:[4]
    • Nôn
    • Cứng cổ
    • Khó thở
    • Cực kỳ buồn ngủ
  2. Gọi cho bác sĩ nếu các triệu chứng của trẻ không bớt hoặc có biểu hiện xấu hơn. Nếu trẻ ở độ tuổi từ 6-12 tháng và sốt từ 38,9 độ C trở lên, bạn hãy gọi ngay cho bác sĩ. Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi và sốt trên trên 38 độ C, bạn cũng nên gọi bác sĩ.[3] Cho trẻ uống nhiều nước và dỗ trẻ cố gắng nằm nghỉ.[2]
  3. Tìm sự chăm sóc y tế nếu người bệnh có biểu hiện đau bụng dữ dội, đau ngực, khó nuốt và cứng cổ. Những biểu hiện này có thể là triệu chứng của bệnh viêm màng não, một bệnh có khả năng lây nhiễm cao và đe dọa đến tính mạng.[5][6]
  4. Gọi bác sĩ nếu người bệnh có biểu hiện kích động, lẫn lộn hoặc xuất hiện ảo giác. Những biểu hiện này có thể báo hiệu một căn bệnh lây nhiễm vi khuẩn hay virus, chẳng hạn như bệnh viêm phổi.[5]
  5. Tìm sự chăm sóc y tế nếu có máu trong phân, nước tiểu hoặc dịch nhầy. Đây là những dấu hiệu của một căn bệnh lây nhiễm nghiêm trọng hơn.[5]
  6. Tìm sự chăm sóc y tế nếu hệ miễn dịch của người bệnh đã yếu sẵn vì một căn bệnh khác như ung thư hoặc AIDS. Sốt có thể là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của họ đang bị tấn công, xuất hiện các biến chứng hoặc các căn bệnh khác.[5]
  7. Trao đổi với bác sĩ về các bệnh lý nghiêm trọng khác có thể gây sốt. Sốt có thể do nhiều căn bệnh khác nhau gây ra.[7] Hỏi bác sĩ xem liệu cơn sốt có thể là dấu hiệu của các bệnh lý sau đây không:
    • Bệnh do virus
    • Bệnh nhiễm khuẩn
    • Kiệt sức do nhiệt hoặc bỏng nắng
    • Viêm khớp
    • Một khối u ác tính
    • Thuốc kháng sinh hoặc thuốc điều trị huyết áp
    • Vắc-xin phòng bệnh như bệnh bạch hầu, bệnh uốn ván và bệnh ho gà

Xử lý cơn sốt tại nhà[sửa]

  1. Xử lý sốt tại nhà nếu sốt dưới 39,5 độ C và người bệnh trên 18 tuổi. Sốt là cách để cơ thể cố gắng tự chữa lành hoặc phục hồi, và hầu hết các cơn sốt đều tự khỏi sau vài ngày.
    • Bạn có thể hạ sốt nhờ cách điều trị thích hợp.
    • Uống nhiều chất lỏng và nghỉ ngơi. Không nhất thiết phải uống thuốc, nhưng thuốc có thể giúp bạn dễ chịu hơn. Dùng thuốc hạ sốt không kê toa như aspirin hoặc ibuprofen.[8]
    • Gọi bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài quá 3 ngày và/hoặc các triệu chứng tiến triển trầm trọng hơn.
  2. Điều trị sốt bằng cách cho trẻ uống nhiều chất lỏng và nghỉ ngơi nếu trẻ không có biểu hiện các triệu chứng nghiêm trọng. Trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên không nên uống aspirin do loại thuốc này có liên quan đến bệnh Reyes.[9]
    • Nếu con bạn sốt dưới 38,9 độ C, bạn cũng có thể điều trị cho trẻ ở nhà.
    • Đến bác sĩ nếu cơn sốt kéo dài quá 3 ngày và/hoặc các triệu chứng tiến triển nghiêm trọng hơn.

Lời khuyên[sửa]

  • Lưu ý rằng cách chính xác nhất để kiểm tra thân nhiệt khi bị sốt ở nhà là sử dụng nhiệt kế. Nơi lấy nhiệt độ chính xác nhất là ở hậu môn và dưới lưỡi, hoặc dùng nhiệt kế đo tai. Đo nhiệt độ dưới nách thường thiếu chính xác.[10]
  • Đến bác sĩ nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi và sốt trên 37,8 độ C.

Cảnh báo[sửa]

  • Không dựa vào cách “kiểm tra nhiệt độ bằng mu bàn tay”. Mặc dù đây là cách thông thường để phân biệt nhiệt độ cơ thể, nhưng việc đặt tay lên trán không xác định được nhiệt độ liên quan. Hơn nữa cách này cũng không chính xác nếu người kiểm tra cho bạn có thân nhiệt trung bình khác với bạn.[10]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]