Làm thức ăn cho bé tại nhà

Từ VLOS
(đổi hướng từ Làm Thức ăn cho Bé tại Nhà)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Lúc cho trẻ ăn dặm (tầm 4-6 tháng tuổi), bạn sẽ rất thích thú khi biết chính xác các bé ăn gì. Bằng cách tự làm thức ăn cho bé, bạn sẽ theo dõi được từng thành phần trong thực đơn mới của bé. Bạn không cần nhiều dụng cụ để tự làm thức ăn cho bé. Chỉ cần một vài dụng cụ, thực phẩm tươi và làm theo hướng dẫn, bạn có thể chuẩn bị một bữa ăn dinh dưỡng hoặc ăn nhanh cho bé. Hãy bắt đầu bằng Bước 1 dưới đây.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị[sửa]

  1. Chọn thực phẩm tươi, chất lượng tốt. Bước đầu tiên khi nấu một bữa ăn dinh dưỡng và ngon miệng cho bé là chọn thực phẩm tươi, đảm bảo chất lượng.
    • Mua thực phẩm hữu cơ nếu có thể, và đảm bảo rau quả chín tới, không bị dập nát. Cố gắng dùng hết thức ăn sau khi mua 2 hoặc 3 ngày.
    • Cho bé ăn thử trước những quả, củ như táo, lê, đào và khoai lang. Tránh những thức ăn có nhiều xơ hay khó nuốt như đỗ xanh có hạt, trừ phi bạn đã lọc sau khi nấu và xay nhuyễn.
  2. Làm sạch và sơ chế thực phẩm. Bước tiếp theo là sơ chế thực phẩm để chuẩn bị nấu hoặc ăn -- bước này bao gồm rửa sạch và bỏ đi những phần bé không nhai hoặc tiêu hóa được -- như vỏ, mắt, hột, hạt và mỡ.
    • Rửa kỹ rau quả. Gọt vỏ hoặc bỏ lõi. Thái rau củ thành những phần bằng nhau để khi nấu sẽ chín đều. 900g thực phẩm sạch, thái nhỏ sẽ nấu được 2 chén (300g) thức ăn cho bé.
    • Bạn có thể sơ chế thịt và gia cầm bằng cách rửa sạch, bỏ da, mỡ trước khi nấu. Những loại ngũ cốc như diêm mạch và kê cần được chuẩn bị theo hướng dẫn trên bao bì.
  3. Nấu thức ăn bằng cách hấp, luộc hoặc bỏ lò. Nếu bạn sơ chế quả chín -- như lê hoặc bơ -- bạn chỉ cần dùng dĩa nghiền ra là ăn được ngay. Các loại rau củ, thịt và ngũ cốc khác thì cần phải nấu chín trước khi ăn. Bạn có thể chọn một vài cách sau đây để nấu:
    • Hấp là cách chế biến rau củ tốt nhất vì giữ được nhiều dinh dưỡng nhất. Dùng rổ hấp hay đơn giản là đặt một cái rây bột lên trên nồi nước đang sôi. Hấp khoảng 10-15 phút đến khi thức ăn chín mềm.
    • Luộc có thể áp dụng với ngũ cốc, rau củ và một số loại thịt. Bạn có thể luộc thức ăn trong nước luộc thịt để tăng hương vị nếu muốn.
    • Bỏ lò thường hợp với khoai lang, rau họ cải, thịt và gia cầm. Bạn có thể thêm gia vị và rau thơm khi nướng để giúp món ăn dậy mùi hơn (đừng ngại cho trẻ nếm thử mùi vị khác!)
  4. Khi nấu cho trẻ ăn, cố gắng chia thành từng phần nhỏ. Đảm bảo rằng các nguyên liệu được trộn đều với nhau. Hãy nhớ là một số thức ăn phải thêm các chất lỏng khác để đạt được độ sệt thích hợp -- đó có thể là nước, sữa mẹ, sữa bột hoặc một chút nước dùng (nếu thức ăn được luộc).
  5. Làm nguội và nghiền thức ăn. Hãy để thức ăn nguội sau khi nấu kỹ. Hãy đảm bảo rằng thịt và gia cầm chín hẳn vì trẻ em rất dễ bị ngộ độc thức ăn.
    • Chọn cách chế biến thức ăn. Với trẻ nhỏ, thức ăn cần nghiền mịn trước khi ăn, trong khi trẻ lớn hơn có thể ăn thức ăn dạng lợn cợn. Cách bạn chế biến thức ăn phụ thuộc vào độ tuổi của bé và sở thích của bạn.
    • Một số phụ huynh chọn đầu tư vào những chiếc máy chế biến thức ăn trẻ em đa năng đắt tiền, chúng có thể nấu, nghiền, rã đông và hâm lại rau củ, quả và thịt. Những chiếc máy này hơi tốn tiền chút nhưng giúp bạn tự làm thức ăn cho bé dễ dàng hơn!
    • Ngoài ra, bạn có thể sử dụng máy xay đa năng, máy chế biến thức ăn hoặc máy xay cầm tay để nghiền thức ăn. Chúng dễ sử dụng và chế biến thức ăn nhanh (nhờ đó bạn không cần mua thêm dụng cụ khác) nhưng lại mất thời gian lắp đặt, vệ sinh và tháo dỡ vì lượng thức ăn mỗi lần chế biến cho trẻ ăn thường là ít.
    • Bạn cũng nên thử dụng cụ nghiền thức ăn quay tay hay dụng cụ xay thức ăn trẻ em. Hai dụng cụ này không chạy điện, có thể cầm tay, hoạt động tốt và khá rẻ, nhưng chậm hơn và tốn sức khi sử dụng.
    • Cuối cùng, với những thực phẩm mềm như chuối chín, quả bơ và khoai lang nướng, bạn chỉ cần dùng cách truyền thống rất tiện lợi là dĩa để nghiền thức ăn với độ sệt mong muốn.
  6. Sử dụng và bảo quản đồ ăn. Khi thức ăn bạn chế biến cho bé đã được nấu xong, để nguội và nghiền ra, bạn có thể cho bé ăn một chút ngay lúc đó và cất phần còn lại đi để dùng sau. Việc cẩn thận bảo quản đồ ăn thừa là rất quan trọng để tránh bị hỏng hoặc vi khuẩn xâm nhập ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
    • Dùng thìa chia thức ăn vào lọ thủy tinh hoặc hộp nhựa an toàn có nắp kín và để trong tủ lạnh. Ghi ngày nấu dán vào hộp đựng thức ăn để theo dõi độ tươi mới của thức ăn, và bỏ đi nếu đã quá 3 ngày.
    • Ngoài ra, bạn có thể dùng thìa chia thức ăn vào khuôn làm đá vuông có nắp đậy và để trên ngăn đá. Khi thức ăn được đông đá hoàn toàn, dỡ chúng ra khỏi khuôn và để vào túi nhựa có khóa kéo. Mỗi khối thức ăn đông đá đó là một phần ăn cho bé nên bạn hãy rã đông vừa đủ.
    • Bạn có thể rã đông từ từ thức ăn đông đá bằng cách để trong ngăn mát qua đêm, hoặc đặt hộp đựng thức ăn trong nước ấm trong vòng 20 phút (không để thức ăn trực tiếp trong nước nóng)
    • Hoa quả và rau củ nghiền để đông đá có hạn sử dụng từ 6 đến 8 tháng, còn thịt và gia cầm đông đá sẽ giữ được độ tươi mới trong vòng 1 đến 2 tháng.[1]
    • Vì làm thức ăn cho bé sẽ rất tốn sức, bạn nên làm nhiều trong một lần và để đông đá dùng dần.

Cho Bé Thử Thức ăn Khác nhau[sửa]

  1. Bắt đầu bằng những thức ăn truyền thống. Đó thường là hoa quả và rau củ mềm, có vị ngọt tự nhiên, dễ chế biến.
    • Những thức ăn như vậy gồm các loại quả như chuối, lê, việt quất, đào, mơ, mận, xoài và táo, các loại rau củ như khoai lang, bí rợ, ớt ngọt, bơ, cà rốt và đậu đỗ.
    • Những thức ăn trên phổ biến bởi chúng dễ chế biến và hầu hết trẻ em đều thích. Bạn nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm bằng những thức ăn này nhưng đừng ngại cho bé thử thêm những thức ăn khác.
    • Điều này sẽ giúp trẻ phát triển vị giác và giờ ăn thêm thú vị. Tuy nhiên, hãy cẩn thận đừng để trẻ bị choáng ngợp -- thử mỗi lần một thức ăn mới và đợi ít nhất ba ngày trước khi thử thức ăn khác. Điều đó sẽ giúp bạn dễ dàng phát hiện nguyên nhân bất cứ phản ứng dị ứng nào.[2]
  2. Thử ăn thịt hầm. Thịt hầm là thức ăn tuyệt vời để cho bé thử -- món này rất ngon và nhiều dinh dưỡng, hơn nữa mọi người trong gia đình cũng rất thích, đây luôn là phần thưởng để khích lệ bé!
    • Thử làm món thịt bò hầm thêm một chút gia vị Mexico hoặc Trung Quốc, chẳng hạn như xì dầu hay tương ớt poblano ít cay (vâng, đúng là ớt đấy!). Trẻ em trên thế giới thường được cho ăn dặm với những thức ăn có vị mạnh ngay từ khi còn rất bé.
    • Ngoài ra, bạn hãy thử nấu món thịt vai lợn với sốt chua ngọt cho bữa tối, đây cũng là món hấp dẫn cả bé và các thành viên khác trong gia đình.[2]
  3. Cho bé ăn thử cá. Trước đây, cha mẹ thường được khuyên là tránh cho con ăn cá và những đồ dễ dị ứng khác trước khi bé được một tuổi. Tuy nhiên, quan điểm về vấn đề này đến nay đã thay đổi.
    • Theo một nghiên cứu của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ phát hành năm 2008, trẻ từ 6 tháng trở lên có thể ăn cá được với điều kiện không có dấu hiệu dị ứng (đối với thức ăn hay những thứ khác), không bị hen suyễn hay có người trong gia đình bị bệnh này.[3]
    • Vì vậy, bạn có thể cân nhắc cho bé ăn cá như cá hồi, một món ăn nhiều dinh dưỡng và chất béo tốt cho sức khỏe. Thử rim cá hồi liu riu với nước và một chút gia vị cho đến khi chín kỹ. Để nguội trước khi nghiền (đối với trẻ bé), ăn lẫn với cà rốt hoặc rau củ khác cũng được nghiền kỹ, hoặc đơn giản là cắt thành các miếng nhỏ (đối với trẻ lớn hơn).
  4. Cho bé ăn ngũ cốc nguyên hạt. Nên bắt đầu cho bé ăn ngũ cốc nguyên hạt như diêm mạch hay kê càng sớm càng tốt.
    • Ngũ cốc nguyên hạt đem lại cho bé trải nghiệm mới về kết cấu thức ăn và khuyến khích chúng dùng miệng và lưỡi, giúp cải thiện khả năng giao tiếp sau này.
    • Đừng chỉ cho bé ăn ngũ cốc nấu một cách đơn điệu, nhạt nhẽo. Bạn có thể thêm hương vị bằng cách nhồi trong thịt gà hay rau, hoặc thêm các loại rau củ mềm, mùi vị đậm đà như hành hay bí rợ.
  5. Thử cho bé ăn trứng. Giống như cá, trước đây, cha mẹ thường được khuyên tránh cho con ăn trứng dưới một tuổi. Ngày nay, người ta cho rằng trẻ có thể ăn dặm bằng trứng miễn là chúng không bị dị ứng hoặc không có tiền sử gia đình bị dị ứng.
    • Trứng rất giàu dinh dưỡng, có hàm lượng đạm, vitamin B và các khoáng chất quan trọng khác cao. Bạn có thể chế biến trứng theo bất cứ cách nào mình muốn -- trứng xào, trứng luộc, trứng rán hay trứng ốp lết.
    • Chỉ cần đảm bảo lòng đỏ và trắng chín hẳn -- trứng nấu chưa kỹ hay còn lòng đào có thể khiến bé bị đau bụng.
    • Thử nghiền trứng luộc kỹ với nửa quả bơ, trộn trứng nghiền với súp rau củ đặc, hoặc thêm trứng rán đã xắt nhỏ với cơm hoặc cháo yến mạch (đối với trẻ lớn hơn).[4]
  6. Cho bé trải nghiệm với các loại gia vị dịu nhẹ và rau thơm. Nhiều cha mẹ loay hoay vì cứ nghĩ thức ăn của trẻ phải nhạt và ít mùi vị -- nhưng thực sự không phải vậy! Trẻ em có thể tiếp nhận được nhiều mùi vị khác nhau.
    • Thử thêm lá hương thảo khi nướng bí rợ, rắc chút bột nghệ hoặc tỏi khi nấu ức gà, thêm quế vào cháo yến mạch, hay rau mùi tây thái nhỏ vào khoai tây nghiền.
    • Trẻ cũng ăn được đồ cay tốt hơn bạn tưởng. Tất nhiên, bạn không muốn miệng bé bị bỏng rát, nhưng bạn có thể nghĩ đến việc thêm một chút tương ớt (loại ít cay như tương ớt Trung Thành chẳng hạn) vào những món như súp rau đặc và thịt hầm.[3]
  7. Cho bé thử quả có vị chua. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng trẻ em rất thích ăn quả chua. Bạn sẽ thấy điều đó khi cho bé thử một chút anh đào chua nghiền nhỏ. Bạn cũng có thể thử món rhubarb (đại hoàng) nấu nhừ, không đường hay mận nghiền, cả hai món này đều có vị man mát, chua chua.[5]

Cho Bé Ăn Thức ăn rắn[sửa]

  1. Chú ý nhiệt độ. Thức ăn rắn khi cho bé ăn không được nóng hơn nhiệt độ cơ thể để tránh bé bị bỏng miệng.
    • Bạn cần hết sức chú ý khi dùng lò vi sóng hâm lại thức ăn đã chế biến, vì lò vi sóng làm nóng không đều, nên sẽ có chỗ rất nóng.
    • Bởi vậy, khi lấy thức ăn ra khỏi lò vi sóng, hãy đảo kỹ để phân bổ đều hơi nóng, để vài phút đến khi thức ăn nguội ở mức nhiệt độ phòng.
  2. Đừng giữ lại thức ăn thừa. Khi cho bé ăn, cố gắng áng chừng khẩu phần ăn mỗi bữa. Cách này giúp bạn tránh lãng phí vì bạn sẽ không dùng lại được phần thức ăn thừa. Lý do là vì khi cho bé ăn, nước bọt của bé sẽ dính vào thìa, sẽ khiến vi khuẩn phát triển trong thức ăn.
  3. Đừng cho thêm đường vào thức ăn của bé. Bạn không nên cho đường vào thức ăn của bé. Trẻ em không cần ăn thêm đường, đặc biệt trong tình trạng trẻ béo phì ngày càng gia tăng. Bạn cũng không nên dùng các chất tạo ngọt khác như xi rô chiết xuất từ tinh bột ngô hay mật ong vì chúng có thể gây ra một dạng ngộ độc thực phẩm gây tử vong đối với trẻ em, thường được gọi là bệnh botulism.
  4. Tránh để trẻ em bị ngộ độc nitrat. Nitrat là chất có trong nước và đất có thể gây ra một triệu chứng thiếu máu (còn được biết là chứng methemoglobin huyết) ở trẻ em bị ngộ độc. Nitrat được khử trong thức ăn đóng hộp cho trẻ em nhưng có thể là mối nguy hiểm ở trong thức ăn nấu tại nhà (nhất là khi bạn dùng nước giếng để nấu).
    • Vì phần lớn nguồn gây ra nitrat trong thức ăn trẻ nhỏ đến từ nước giếng, bạn nên mang nước giếng đi xét nghiệm để biết chắc là nước bạn dùng có nồng độ nitrat ít hơn 10 mg/l.
    • Nồng độ nitrat tăng theo thời gian thức ăn không được đông đá, vì vậy hãy sử dụng hoa quả và rau củ tươi trong vòng 1-2 ngày sau khi mua, đông đá thức ăn đã chế biến ngay sau khi nấu và cân nhắc dùng rau củ để trong túi đông lạnh như củ cải đường, cà rốt, đỗ xanh, rau chân vịt và bí vì các loại thực phẩm này ở dạng tươi sống chứa rất nhiều nitrat.[1]
  5. Cho trẻ ăn thức ăn giống như mọi người trong gia đình. Thay vì làm thức ăn riêng cho bé, để đỡ vất vả, bạn hãy xay hoặc nghiền thức ăn mà cả nhà ăn cho bé ăn cùng.
    • Việc này sẽ tiết kiệm thời gian và công sức, đồng thời luyện cho bé ăn giống mọi người, bé sẽ dễ thích nghi hơn khi lớn lên.
    • Các bé có thể ăn hầu hết những thức ăn có lợi cho sức khỏe mà cả gia đình ăn được nếu được nghiền, trộn phù hợp -- có thể điều chỉnh các món ninh, hầm và súp để thích hợp với bé.

Lời khuyên[sửa]

  • Chỉ trộn các hỗn hợp rau củ quả khác nhau khi bé đã thử riêng từng thực phẩm và không bị dị ứng. Thử trộn lẫn các củ quả với nhau như táo và mận, bí và đào, táo và súp lơ.
  • Trao đổi với bác sỹ nhi khoa để biết khi nào bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Hãy hỏi xem nên bắt đầu bằng thức ăn nào và thức ăn nào nên tránh trong năm đầu của trẻ. Cho bé ăn thử từng loại thức ăn mới và chờ sau 4 ngày để xem bé có bị dị ứng hay không rồi mới cho ăn tiếp.
  • Thêm khoảng 5ml chất lỏng như sữa mẹ, sữa công thức hay nước nóng, nước nguội để pha loãng thức ăn nếu quá đặc. Ngược lại, thêm 5ml bột trẻ em nếu muốn làm thức ăn đặc lại.
  • Dùng dĩa nghiền các thức ăn mềm như chuối hay bơ cho đến khi mịn để cho bé ăn ngay. Thêm vài giọt sữa hoặc nước đã đun sôi nếu cần pha loãng.
  • Thử kết hợp các mùi vị khác nhau, như mận với táo hay bí với táo, đồng thời tạo cho món ăn thật bắt mắt để hấp dẫn trẻ.[6]

Những thứ bạn cần[sửa]

  • 900 g rau củ quả tươi
  • Lưới lọc
  • Dao
  • 120 ml nước
  • Nồi nấu hoặc nồi hấp có nắp
  • Máy xay hay máy chế biến thức ăn
  • Thìa
  • Hộp đựng
  • Bút
  • Nhãn dán

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây