Làm dịu cơn ho theo cách tự nhiên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ho cấp tính (kéo dài dưới ba tuần) thường liên quan đến bệnh cảm cúm thông thường, viêm phổi và ho gà (pertussis). Ho cấp tính cũng có thể là do hít phải chất kích ứng trong môi trường. Ho kinh niên (kéo dài hơn tám tuần) có thể do chảy dịch mũi sau (khiến họng bị kích ứng và gây phản xạ ho), dị ứng, hen suyễn (đặc biệt là ở trẻ nhỏ), viêm cuống phổi mạn tính, hoặc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD). Các nguyên nhân gây ho ít gặp hơn gồm việc dùng thuốc (đặc biệt là thuốc ức chế ACE dùng để kiểm soát huyết áp), bệnh khí thũng và các bệnh hô hấp khác.[1] Nhớ rằng ho là phản xạ bình thường, có tác dụng đẩy các chất gây kích ứng và dịch nhầy ra ngoài, đồng thời cũng là chức năng bảo vệ tự nhiên.[2] Tuy nhiên, nếu chứng ho liên tục phá rối giấc ngủ của bạn hoặc gây đau xương sườn, bụng, cổ họng hoặc ngực, có lẽ bạn cần tìm cách giúp làm dịu phản xạ ho.

Các bước[sửa]

Thực hiện Các bước Tại nhà để Kiềm chế Phản xạ Ho[sửa]

  1. Uống nhiều nước hơn. Đặc biệt khi ở trong môi trường khô, việc đơn giản là uống nước cũng có thể giúp bạn giảm bớt chứng ho phiền toái này.[3] Nước giúp làm dịu sự kích ứng ở cổ họng là nguyên nhân gây ho. Uống nước cũng giúp bạn giữ đủ nước cho cơ thể nói chung, làm loãng dịch nhầy trong cổ họng, vốn cũng là yếu tố gây ho.
    • Chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến nghị nam giới nên uống khoảng 13 ly nước mỗi ngày, nữ giới uống khoảng 9 ly.[4]
  2. Tắm nước nóng. Hít thở không khí ẩm là một phương pháp khác để làm trơn cổ họng và giảm ho. Nếu cơn ho xảy ra ngay trước giờ ngủ khiến bạn không ngủ được, hãy tắm vòi sen nước nóng và hít thở sâu trong làn hơi ẩm tỏa ra.[3] Việc này cũng giúp làm loãng các dịch tiết trong cổ họng hoặc đơn giản cũng xoa dịu sự kích ứng họng.
  3. Dùng máy tạo ẩm. Nếu cổ họng khô rát suốt đêm và cơn ho khiến bạn thức giấc, bạn cũng có thể thử bật máy tạo ẩm khi ngủ để tăng độ ẩm trong không khí.[3]
    • Dầu khuynh diệp là chất làm long đờm - tác nhân gây ho.[5] Bạn cũng có thể thử thêm vài giọt dầu khuynh diệp vào bình nước của máy tạo ẩm để giúp làm thông họng ban đêm.
    • Chú ý thường xuyên làm sạch máy tạo ẩm. Việc dùng máy tạo ẩm mà không vệ sinh có thể khiến nấm mốc và vi khuẩn sinh sôi trong máy, sau đó lan ra không khí khi máy hoạt động.[6]
  4. Súc miệng nước muối ấm. Nước muối là một cách khác làm loãng và long dịch nhầy trong họng. Nước muối cũng làm dịu cổ họng đau rát vì ho. Ngửa đầu ra sau và súc miệng với dung dịch này trong một phút.[7]
    • Đây cũng là một phương pháp hữu hiệu giúp giảm ho do chảy dịch mũi sau, là cảm giác dịch nhầy chảy xuống cuống họng.[8]
    • Nhớ nhổ bỏ nước muối. Không nuốt nước muối.
  5. Kê cao đầu khi ngủ. Một cách khác giúp giảm ho khan là gối cao đầu hơn khi ngủ.[9] Kê thêm một hay hai chiếc gối để giữ cao đầu suốt đêm.
  6. Tránh những chất kích thích họng. Việc tiếp xúc với khói, bụi, khí thải và các chất ô nhiễm khác cũng có thể gây ho, do các chất ô nhiễm kích thích họng và phổi.[9] Làm vệ sinh bộ lọc trong nhà, làm sạch bụi thường xuyên (nhất là trên quạt trần) và tránh những nơi không khí ô nhiễm bên ngoài.
    • Trồng cây trong nhà cũng là một cách tuyệt vời để giảm ô nhiễm.
  7. Nghỉ ngơi nhiều. Mặc dù không phải là một phương pháp trực tiếp giảm ho, việc nghỉ ngơi nhiều có thể giúp rút ngắn thời gian ho. Phần lớn các trường hợp ho cấp tính là do virus cảm cúm gây ra, khiến hệ miễn dịch phải chiến đấu để đẩy lùi virus. Bạn có thể giúp nâng cao hệ miễn dịch bằng cách nghỉ ngơi nhiều nếu nguyên nhân gây ho là do cảm cúm.[7]
  8. Ngừng hút thuốc. Phần lớn những người hút thuốc phát triển bệnh ho kinh niên được gọi là “chứng ho do hút thuốc”.[10] Đó là vì khói thuốc lá gây kích ứng họng và phổi. Khi bỏ thuốc lá, bạn có cơ hội thoát khỏi chứng ho liên quan đến hút thuốc.
  9. Đến bác sĩ khám bệnh. Nếu sau nhiều tuần mà bạn vẫn chưa bớt ho dù đã dùng các liệu pháp tự nhiên tại nhà, bạn cần đến bác sĩ.[11] Có thể bạn mắc một bệnh tiềm ẩn cần phải điều trị thực sự bằng thuốc. Thậm chí bạn nên đi khám bệnh sớm hơn nữa nếu chứng ho của bạn còn kèm theo:[11]
    • Sốt cao trên 38°C
    • Ho ra máu; ho có đờm màu hồng nhạt; hoặc đờm đặc màu vàng hơi xanh
    • Bắt đầu khò khè hoặc hơi thở ngắn
    • Ho dữ dội với âm thanh rít khi cố gắng lấy không khí.[12]

Thử các Liệu pháp Thảo mộc và Thiên nhiên[sửa]

  1. Thử dùng mật ong. Sử dụng mật ong dược phẩm nếu có (mật ong Manuka của New Zealand thường được khuyên dùng), nhưng bất cứ loại mật ong hữu cơ nào cũng có đặc tính kháng vi khuẩn và virus.[13] Một nghiên cứu cho thấy mật ong có hiệu quả hơn dextromethorphan (một loại thuốc ho thông dụng)[14] Bạn hãy thử dùng 2 thìa cà phê mật ong (có thể nhiều hơn) trước khi đi ngủ để làm dịu ho.[15]
    • Không dùng mật ong cho trẻ nhỏ dưới một tuổi vì rủi ro ngộ độc thịt ở trẻ sơ sinh.[16]
    • Chanh tươi thêm vào mật ong cũng có thể giúp ích. Chanh có hàm lượng vitamin C cao, giúp tăng cường chức năng của hệ miễn dịch.[17] Mặc dù không trực tiếp trị ho, chanh sẽ hỗ trợ cơ thể đẩy lùi bệnh cảm hoặc cúm.
  2. Ăn gừng. Các nghiên cứu đã chứng minh gừng giúp mở đường thở, cho phép ô-xy vào nhiều hơn.[18] Gừng đặc biệt hữu ích khi dùng như một liệu pháp thay thế chữa hen suyễn, là một lựa chọn tuyệt vời giúp giảm ho mạn tính ở người bị bệnh hen suyễn.
  3. Thử dùng chiết xuất quả cây cơm cháy. Một số nghiên cứu cho thấy quả cây cơm cháy có công dụng như chất làm thông mũi và giảm viêm màng nhầy.[19] Nếu ho là triệu chứng của bệnh cảm hoặc cúm thì quả cây cơm cháy có thể là một lựa chọn tự nhiên giúp làm tan dịch nhầy vốn góp phần gây ho.
    • Không dùng quả cây cơm cháy cho trẻ em mà chưa tham khảo bác sĩ.[19]
  4. Uống trà bạc hà cay. Bạc hà cay và thành phần chính của nó là menthol đều có công dụng giảm nghẹt mũi.[20] Loại thảo mộc này làm loãng và long dịch nhầy, là một cách làm dịu ho do nghẹt mũi. Ngoài ra nó còn được chứng minh là giúp giảm ho khan.[20]
    • Nếu không thích uống bạc hà cay, bạn cũng có thể thử cho một hoặc hai thìa cà phê lá thảo mộc khô vào nước sôi, trùm khăn lên đầu và hít thở trong hơi nước của loại thảo mộc này.
  5. Dùng rễ thục quỳ. Rễ thục quỳ là một loại thảo mộc khác thường được dùng để chữa ho. Tuy các nghiên cứu về tác dụng của thảo mộc đối với con người khá hạn chế, nhưng rễ thục quỳ đã được chứng mình là giúp làm dịu màng nhầy có dấu hiệu bị kích ứng do hen suyễn và ho.[21] Cũng như chất kích ứng họng, chứng ho thường tạo nên chu kỳ ho nhiều hơn. Bằng cách làm dịu cổ họng, loại thảo mộc này có thể giúp rút ngắn thời gian ho cấp tính.
    • Rễ thục quỳ có sẵn dưới dạng trà, thực phẩm bổ sung hoặc cồn thuốc để pha với nước.[21] Luôn sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
    • Liều lượng dùng cho trẻ em chưa được kiểm chứng tính an toàn, do đó bạn cần hỏi bác sĩ nhi khoa trước khi cho trẻ dùng loại thảo mộc này.[21]
  6. Dùng cỏ xạ hương. Có hai nghiên cứu cho rằng bạn có thể dùng cỏ xạ hương để làm giảm ho và trị các triệu chứng cấp tính của bệnh viêm cuống phổi.[22] Nếu chọn uống thực phẩm bổ sung thảo mộc có chứa cỏ xạ hương, bạn cần tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
    • Không nên uống dầu cỏ xạ hương vì nó được coi là độc.[22]
    • Cỏ xạ hương có thể làm tăng rủi ro xuất huyết. Tham khảo bác sĩ trước khi uống cỏ xạ hương, đặc biệt nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu.[22]
  7. Dùng khuynh diệp. Khuynh diệp được sử dụng trong nhiều loại thuốc ho và viên ngậm trị ho, nhưng bạn cũng có thể dùng khuynh diệp dưới dạng thảo mộc không chứa hóa chất như trong các sản phẩm thương mại.[22] Ngoài việc dùng trà khuynh diệp, bạn có thể mua dầu và chiết xuất khuynh diệp để bôi trực tiếp lên mũi và ngực để giúp làm long đờm và giảm ho.[23]
    • Không uống dầu khuynh diệp vì có độc.[23]
    • Luôn luôn tham khảo bác sĩ nhi khoa trước khi sử dụng sản phẩm có chứa khuynh diệp, bao gồm thuốc mỡ bôi vào ngực hoặc mũi vốn không bao giờ nên dùng cho trẻ nhỏ dưới hai tuổi.[23]
    • Phụ nữ mang thai và đang cho con bú cũng nên tránh dùng khuynh diệp.[23]

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu chứng ho của bạn kéo dài nhiều tuần hoặc trở nặng, hãy nghĩ đến việc xin một cuộc hẹn với bác sĩ.
  • Nếu ho dữ dội kèm theo thở gấp và tiếng rít khi lấy không khí, bạn cũng nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Có thể bạn mắc bệnh ho gà, một chứng bệnh nhiễm vi khuẩn nguy hiểm (và dễ lây).[12]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.mayoclinic.org/symptoms/cough/basics/causes/sym-20050846
  2. http://www.mayoclinic.org/symptoms/cough/basics/definition/sym-20050846
  3. 3,0 3,1 3,2 https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/cough.html
  4. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/water/art-20044256
  5. https://umm.edu/health/medical/altmed/herb/eucalyptus
  6. https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=1&ContentID=498
  7. 7,0 7,1 https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/commoncold.html
  8. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nonallergic-rhinitis/basics/causes/con-20026910
  9. 9,0 9,1 http://www.emedicinehealth.com/relieving_a_cough-health/article_em.htm
  10. http://www.health.harvard.edu/staying-healthy/that-nagging-cough
  11. 11,0 11,1 http://www.mayoclinic.org/symptoms/cough/basics/when-to-see-doctor/sym-20050846
  12. 12,0 12,1 http://www.cdc.gov/pertussis/
  13. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3609166/
  14. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18056558
  15. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold/expert-answers/honey/faq-20058031
  16. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001384.htm
  17. http://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/ascorbic-acid-oral-route/description/drg-20068031
  18. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23065130
  19. 19,0 19,1 http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/elderberry
  20. 20,0 20,1 http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/peppermint
  21. 21,0 21,1 21,2 http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/marshmallow
  22. 22,0 22,1 22,2 22,3 http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/cough
  23. 23,0 23,1 23,2 23,3 http://umm.edu/health/medical-reference-guide/complementary-and-alternative-medicine-guide/herb/eucalyptus

Liên kết đến đây