Lấy ráy tai bằng dầu ôliu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nói về việc lấy ráy tai nghe có vẻ hơi ghê, nhưng đây thực sự không phải là chuyện đùa, vì nó liên quan đến việc bạn có đôi tai khỏe mạnh hay không. Một ít ráy trong tai có thể giúp cho tai khỏe mạnh và hoạt động tốt, nhưng nếu có quá nhiều ráy có thể làm tai bạn bị bít lại, đau, và thậm chí là viêm nhiễm.[1] May mắn thay, bạn có thể tự lấy ráy tai tại nhà dễ dàng bằng một nguyên liệu vô cùng phổ biến trong nhà bếp, đó là: dầu ôliu!

Các bước[sửa]

Lấy Ráy tai bằng Dầu ôliu[sửa]

  1. Không sử dụng dầu ôliu nếu tai bạn đang bị tổn thương. Dầu ôliu hầu như an toàn tuyệt đối với người khỏe mạnh, tuy nhiên nó có thể gây kích ứng khi tai của bạn đang bị tổn thương hoặc trong tình trạng xấu. Nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào sau đây, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện:[2][1]
    • Bị thủng màng nhĩ
    • Bị viêm tai thường xuyên
    • Thính lực suy giảm
    • Có hố xương chũm
    • Bất kỳ vấn đề nào mà bạn được hướng dẫn phải giữ cho tai khô ráo
  2. Hâm nóng dầu ôliu. Dầu ôliu giúp làm mềm ráy tai để có thể chảy ra một cách dễ dàng. [3] Tuy nhiên, trước khi nhỏ vào tai, bạn nên làm ấm dầu, ở nhiệt độ cơ thể 37°C. Đây cũng là nhiệt độ trong tai nên bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Hãy làm ấm hai đến ba thìa súp dầu.
    • Không hâm dầu quá nóng vì có thể gây tổn thương màng nhĩ.
    • Dầu ôliu là sự lựa chọn phổ biến nhưng không phải là duy nhất. Nước ôxy già, glycerin, dầu em bé, hoặc dầu khoáng cũng an toàn khi sử dụng.[4]
  3. Thêm tinh dầu nếu bạn muốn. Khi tai bị bít, vi khuẩn có thệ tích tụ lại và dẫn đến viêm tai[1], vì vậy một số người cho thêm tinh dầu có tính năng kháng khuẩn. Thực ra chỉ mình dầu ôliu đã có thể làm sạch tai một cách dễ dàng[3], nhưng trước khi nhỏ vào tai, hãy chắc chắn là bạn sẽ nhỏ vài giọt dầu vào da để xem có gây kích ứng không. Cho khoảng bốn giọt tinh dầu vào dầu ôliu đã được làm ấm. Có thể thêm các loại tinh dầu sau:
    • Tinh dầu tỏi[5]
    • Tinh dầu bạch đàn[6]
    • Tinh dầu oải hương, loại dùng an toàn cho trẻ em[7]
    • Tinh dầu oregano[8]
    • Tinh dầu St. John’s wort[9]
  4. Đựng hỗn hợp bằng lọ thuốc nhỏ mắt. Sau khi hòa lẫn dầu ôliu và loại tinh dầu bạn chọn với nhau, hãy cho một ít dung dịch vào lọ thuốc nhỏ mắt.[4] Như vậy không những giúp bạn có thể nhỏ một lượng chính xác, mà còn giúp cho việc nhỏ dầu vào tai trở nên dễ dàng hơn.
  5. Nhỏ hai giọt dung dịch vào tai. Thay vì nhỏ đầy tai, bạn chi nên nhỏ vài giọt và đợi nó thấm vào ráy tai.[4] Giữ nghiêng đầu trong năm đến mười phút để dầu không chảy ra ngoài.
    • Đặt một chiếc khăn bên tai phòng trường hợp dầu chảy ra ngoài khi bạn thẳng đầu lại.
  6. Lặp lại quá trình hai đến ba lần mỗi ngày. Lần nhỏ đầu tiên có thể không hiệu quả, bạn nên nhỏ từ hai đến ba lần mỗi ngày trong khoảng từ ba đến năm ngày [10], vì cần có thời gian để ráy tai mềm và rã ra.
  7. Cân nhắc việc rửa tai. Mặc dù dầu ôliu có thể làm mềm ráy tai, nhưng đôi khi vẫn không lấy được ráy tai ra. Trong trường hợp này, bạn có thể rửa tai nếu thấy cần thiết. Hãy dùng một bơm cao su hình bầu (như loại cho trẻ em), nghiêng đầu và nhẹ nhàng bơm nước ấm vào tai mà đã được nhỏ dầu. [4]
    • Bơm thật nhẹ nhàng, vì nếu bạn bơm mạnh, màng nhĩ có thể bị tổn thương.
    • Để có kết quả tốt nhất, kéo tai hướng lên trên về phía sau để ống tai được thẳng.[4]
    • Bạn cũng có thể nhờ bác sĩ rửa tai giúp. Với những dụng cụ y tế sử dụng áp lực nước chính xác để tránh làm tổn thương tai, họ sẽ thực hiện an toàn hơn. [1]
  8. Gặp bác sĩ. Sau khi làm mềm ráy tai và rửa tai mà vẫn không có kết quả, bạn nên cân nhắc gặp bác sĩ. Họ sẽ có phương pháp hiệu quả và an toàn để tai bạn hết bị bít.[1] Ngoài ra, bác sĩ có thể khám tai cho bạn và đưa ra chẩn đoán phù hợp. Có thể tai của bạn ban đầu không bị nghẽn do ráy tai, mà do nguyên nhân khác như: [11]
    • Viêm xoang - tình trạng viêm các hốc xoang
    • Bệnh Meniere - chứng rối loạn tai trong gây giảm thính lực và mất thăng bằng
    • U Cholesteatoma - u nang mọc lên ở tai giữa
    • U dây thần kinh thính giác - khối u xuất hiện ở dây thần kinh thính giác
    • Nhiễm trùng xâm lấn do nấm
    • Viêm tai giữa thanh dịch - chứng nhiễm trùng tai giữa
    • Hội chứng rối loạn thái dương hàm

Thực hiện Các bước Tiếp theo[sửa]

  1. Cân bằng áp suất trong tai. Thông thường, cảm giác nặng tai không phải do bị bít, mà do chứng rối loạn chức năng vòi nhĩ tạm thời.[12] Bạn có thể làm vòi nhĩ mở ra để cân bằng lại áp suất trong tai bằng những cách đơn giản sau: [12]
    • Ngáp
    • Nhai kẹo cao su
    • Nuốt
    • Cố gắng thở ra bằng mũi trong khi dùng tay bịt kín hai lỗ mũi.
    • Những nguyên nhân phổ biến gây ra rối loạn chức năng vòi nhĩ bao gồm cảm lạnh thông thường, bệnh cúm, sự thay đổi độ cao, và tiếp xúc với những chất khí ô nhiễm, chẳng hạn như khói thuốc.[13]
  2. Bổ sung nước cho cơ thể. Nếu áp lực trong tai do chứng tắc ngẽn xoang, bạn có thể làm giảm bớt áp lực bằng cách đơn giản là uống thật nhiều nước. Nước giúp giảm bớt dịch nhầy, nguyên nhân gây ra tình trạng này.[11]Hãy cố gắng uống ít nhất tám cốc nước mỗi ngày.
  3. Ngủ gối cao đầu. Bằng cách kê thêm gối để nâng cao đầu, chất dịch trong xoang sẽ dễ dàng chảy ra ngoài hơn,[11] và giúp giảm áp lực trong tai.[11]
  4. Chườm nóng lên tai. Bạn thử làm nóng khăn và chườm qua tai trong vài phút. Bạn có thể dùng một chiếc cốc đè lên khăn, tại vị trí ngang tai, để giữ không cho hơi ấm trong tai thoát ra ngoài.[11]
  5. Tắm nước nóng. Nếu áp lực trong tai là do tắc ngẽn xoang, hãy thử tắm nước nóng để làm giảm bớt và dẫn lưu dịch nhầy đang chứa đầy trong xoang, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. [11]
  6. Dùng thuốc không cần ghi toa (OTC). Trên thị trường có nhiều loại thuốc OTC giúp giảm bớt áp lực trong tai tùy theo nguyên nhân khác nhau. Một số thuốc phổ biến bao gồm:
    • Thuốc kháng histamine (Antihistamines) - Nếu áp lực trong tai do nghẹt mũi bởi dị ứng thời tiết hay theo mùa, bạn có thể sử dụng thuốc kháng histamine để giảm bớt triệu chứng.
    • Thuốc chống nghẹt mũi (Decongestants) - Nếu áp lực trong tai do nghẹt mũi bởi cảm lạnh hay cảm cúm, một liều bao gồm thuốc chống nghẹt mũi sẽ giúp giảm bớt tình trạng này.
    • Thuốc Cerumenolytics - Loại thuốc này về cơ bản có công dụng như dầu ôliu, dùng để làm mềm ráy tai, nếu đó là nguyên nhân làm tắc nghẽn và gây áp lực trong tai. [3]
  7. Khám bác sĩ. Nếu áp lực trong tai làm bạn đau và những phương pháp trên không hiệu quả, hãy đi khám bác sĩ. Họ có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này và xác định kế hoạch điều trị thích hợp trong trường hợp của bạn.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu không thể lấy ráy tai, bạn nên đi bác sĩ. Họ có những dụng cụ chuyên dụng cho trường hợp ráy tai đóng cứng khó lấy, kể cả thiết bị hút siêu nhỏ hoạt động như máy hút bụi để hút ráy tai ra.[1]
  • Đừng để ráy tai tích tụ lâu ngày đến mức không lấy ra được. Nếu ráy tai bít hẳn lối vào màng nhĩ, một sự thay đổi áp suất đột ngột trong đầu bạn có thể gây thủng màng nhĩ và đau dữ dội.[1]

Cảnh báo[sửa]

  • Không sử dụng tăm bông, cũng như bất cứ vật nào khác, để “moi” ráy tai ra. Làm như vậy ráy tai sẽ càng bị ép chặt sâu vào trong tai hơn và có nguy cơ làm thủng màng nhĩ.
  • Không áp dụng phương pháp này nếu màng nhĩ của bạn đã bị rách hay thủng.
  • Hãy chắc chắn là sau khi hâm nóng dầu ôliu, bạn sẽ thử nhỏ vài giọt trên cẳng tay để xem nhiệt độ có vừa phải không.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 1,5 1,6 http://american-hearing.org/disorders/ear-wax/
  2. http://www.nhs.uk/Conditions/Earwax/Pages/Treatment.aspx
  3. 3,0 3,1 3,2 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmedhealth/PMH0072538/
  4. 4,0 4,1 4,2 4,3 4,4 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/earwax-blockage/basics/lifestyle-home-remedies/con-20018904
  5. Tsao, S-M., Yin, M-C., In-vitro antimicrobial activity of four diallyl sulphides occurring naturally in garlic and Chinese leek oils. J Med Microbiol. 50:646-649, 2001.
  6. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/eucalyptus
  7. Sarrell, EM., Cohen, HA., Kahan, E., Naturopathic Treatment for Ear Pain in Children., Pediatrics Vol. 111 No. 5 May 1, 2003, pp. e574 -e579
  8. Can Baser, KH., Biological and Pharmacological Activities of Carvacrol and Carvacrol Bearing Essential Oils, Current Pharmaceutical Design, 14 (29), 3106-3119, 2008.
  9. Patocka, J., The chemistry, pharmacology, and toxicology of the biologically active constituents of the herb Hypericum perforatum L. J. Applied Biomedicine 1, 61-70.,2003.
  10. http://patient.info/health/earwax-leaflet
  11. 11,0 11,1 11,2 11,3 11,4 11,5 http://www.md-health.com/Pressure-In-Ear.html
  12. 12,0 12,1 http://www.md-health.com/Ear-Congestion.html
  13. https://www.bcm.edu/healthcare/care-centers/otolaryngology/conditions/eustachian-tube-dysfunction

Liên kết đến đây