Mục đích, phạm vi, phương pháp khảo sát thực trạng đánh giá kết quả học tập

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mục đích khảo sát[sửa]

Mục đích khảo sát là nhận định đánh giá thực trạng chương trình đào tạo và tổ chức thực hiện đánh giá kết quả học tập của người học trong các CSDN, điều kiện và các nhân tố ảnh hưởng trong mối tương quan kết quả học nghề - năng lực/ trình độ tay nghề của HSSV.

Phạm vi khảo sát[sửa]

Đề tài tiến hành khảo sát thực trạng chương trình dạy nghề và đánh giá kết quả học tập đối với hai nhóm nghề được đào tạo khá phổ biến ở nước ta từ trước đến nay là công nghệ kỹ thuật cơ khí (60 chương trình TCN, 54 nghề chương trình CĐN) và công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông (72 chương trình TCN, 68 chương trình CĐN). Các CSDN được khảo sát bao gồm 100 trường TCN, CĐN có đào tạo các nghề thuộc hai nhóm trên.

Ngoài ra, do hạn chế về nguồn lực khảo sát tác giả cũng thu thập thông tin thứ cấp từ các báo cáo đánh giá chất lượng nhân lực qua đào tạo nói chung, dạy nghề nói riêng của các tổ chức và dự án nghiên cứu độc lập khác để bổ sung cho các nhận định, đánh giá thực trạng của đề tài.

Phương pháp và nội dung khảo sát[sửa]

Phân tích chương trình[sửa]

Đề tài tiến hành rà soát hiện trạng thiết kế các chương trình khung dạy nghề về quy trình xây dựng, kết cấu, đặc biệt là nội dung hướng dẫn đánh giá.

Khảo sát bằng phiếu hỏi[sửa]

Đề tài sử dụng bộ công cụ gồm 02 phiếu hỏi cho 02 đối tượng gồm giáo viên và cán bộ quản lý của các trường TCN, CĐN về hoạt động đánh giá và điều kiện bảo đảm đánh giá.

Phiếu hỏi số 1:

- Đối tượng khảo sát: cán bộ quản lý cấp phòng, khoa trở lên.

- Số lượng người được hỏi: 100

- Nội dung khảo sát:

+ Thông tin về bản thân người trả lời phiếu khảo sát: kinh nghiệm làm việc trong nghề, giảng dạy, quản lý đào tạo, chuyên môn.

+ Các điều kiện bảo đảm đánh giá: mức độ bảo đảm về số lượng, chủng loại trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu theo mục tiêu đánh giá và bảo đảm cập nhật về công nghệ; sự tham gia của chuyên gia từ doanh nghiệp trong việc đánh giá tại trường; trình độ kiến thức, kỹ năng thiết yếu và kinh nghiệm làm việc trong nghề của giáo viên liên quan đến mức độ thực hiện kỹ năng cần đào tạo và đánh giá tại CSDN; việc tổ chức tọa đàm, hội thảo bàn về đổi mới kiểm tra đánh giá của nhà trường; công tác bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá cho giáo viên và cán bộ quản lý cấp phòng khoa.

+ Các hoạt động đánh giá: mục tiêu đánh giá đã xác định như thế nào, dựa vào những căn cứ nào; địa điểm tổ chức đánh giá kỹ năng tại xưởng trường, cơ sở đào tạo khác hay tại doanh nghiệp; người học có được thông báo rõ về quy trình, phương pháp và mức độ cần được đánh giá; việc tổ chức đánh giá theo nhóm có được thực hiện và dựa trên những cơ sở nào; hiểu biết của người được khảo sát về đánh giá theo năng lực.

Phiếu hỏi số 2:

- Đối tượng khảo sát: giáo viên dạy nghề thuộc nhóm nghề công nghệ kỹ thuật cơ khí hoặc công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông.

- Số lượng người được hỏi: 100

- Nội dung khảo sát:

+ Thông tin về bản thân người trả lời phiếu khảo sát: chuyên môn, kinh nghiệm làm việc trong nghề, kinh nghiệm giảng dạy.

+ Các điều kiện bảo đảm đánh giá: mức độ bảo đảm về số lượng, chủng loại trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu theo mục tiêu đánh giá và bảo đảm cập nhật về công nghệ; sự tham gia của chuyên gia từ doanh nghiệp trong việc đánh giá tại trường; trình độ kiến thức, kỹ năng thiết yếu và kinh nghiệm làm việc trong nghề của giáo viên liên quan đến mức độ thực hiện kỹ năng cần đào tạo và đánh giá tại CSDN; việc tổ chức tọa đàm, hội thảo bàn về đổi mới kiểm tra đánh giá của nhà trường; công tác bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá cho giáo viên dạy nghề.

+ Các hoạt động đánh giá kỹ năng: mục tiêu đánh giá đã xác định như thế nào, dựa vào những căn cứ nào; địa điểm tổ chức đánh giá kỹ năng tại xưởng trường, cơ sở đào tạo khác hay tại doanh nghiệp; người học có được thông báo rõ về quy trình, phương pháp và mức độ cần được đánh giá hay không; các phương pháp và công cụ đánh giá thường được sử dụng tại CSDN; việc tổ chức đánh giá theo nhóm có được thực hiện và dựa trên những cơ sở nào; hiểu biết của người được khảo sát về đánh giá theo năng lực.

Tọa đàm, phỏng vấn sâu[sửa]

Đối tượng là giáo viên các trường CĐN, giảng viên các trường đại học, cao đẳng có tham gia dạy nghề và chuyên gia từ các doanh nghiệp được đào tạo về nguyên tắc, quy trình, phương pháp và công cụ đánh giá KNN. Hai chủ đề chính được trao đổi gồm: i) Phân biệt những điểm khác biệt cơ bản giữa phương thức đánh giá theo năng lực và phương thức đánh giá kết quả học tập hiện tại trong CSDN; ii) Xác định những khó khăn khi thực hiện đánh giá theo năng lực.

Đồng thời, tác giả trực tiếp phỏng vấn sâu lãnh đạo một số trường TCN, CĐN về điều kiện bảo đảm đánh giá như giáo viên, chương trình dạy nghề, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, vật tư; về định hướng đổi mới các hoạt động tổ chức đào tạo và đánh giá của nhà trường.

Phân tích, tổng hợp dữ liệu, thông tin liên quan[sửa]

Các thông tin, dữ liệu liên quan cũng được thu thập, tổng hợp từ các báo cáo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTBXH, các báo cáo đánh giá về đào tạo nghề Việt Nam của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tập đoàn Manpower Group, …

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây