Nặn mụn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nặn mụn không phải là hành vi được khuyến khích vì có thể gây sẹo và dẫn đến nhiễm trùng. Nếu phải nặn mụn, tốt nhất bạn nên dùng kim để hạn chế tổn thương. Ngoài ra, có thể chườm miếng vải ướt để nhẹ nhàng loại bỏ mụn đầu trắng. Bóp mụn bằng tay không được khuyến nghị nhưng có thể thực hiện nếu các phương pháp khác quá tốn sức.

Các bước[sửa]

Xác định xem mụn có nặn được không[sửa]

  1. Nặn mụn đầu trắng. Mụn đầu trắng là vấn đề về da mà nhiều người gặp phải. Đây là loại mụn có đầu trắng, nơi mủ tích tụ dưới da. Mụn đầu trắng dễ nặn và khi điều trị kết hợp chăm sóc đúng cách có thể loại bỏ an toàn mà không gây sẹo hoặc nhiễm trùng.[1]
  2. Không nặn mụn mới. Mụn mới xuất hiện 1-2 ngày chưa sẵn sàng để được nặn. Bạn nên chờ đến khi đầu trắng xuất hiện.[2]
  3. Không nặn mụn lớn, đỏ hoặc đau. Nặn các loại mụn này có khả năng sẽ bị nhiễm trùng. Nặn mụn lớn chắc chắn sẽ để lại sẹo. Chỉ có mụn xuất hiện mủ trắng là có thể nặn.[3]
  4. Đi khám bác sĩ da liễu. Bác sĩ da liễu có thể xác định cách điều trị mụn tốt nhất. Bác sĩ có thể kê đơn các loại kem giúp loại bỏ mụn. Ngoài ra, bác sĩ có thể tiến hành nhiều quy trình để loại bỏ mụn nặng.[4]
    • Phương pháp điều trị thường được bác sĩ da liễu khuyến nghị nhất là kem thoa ngoài, thoa lên mụn để loại bỏ dầu trên da và dần tiêu diệt mụn.
    • Đối với mụn đỏ, sưng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.
    • Bác sĩ da liễu cũng có thể trực tiếp loại bỏ mụn bằng các quy trình bao gồm liệu pháp laser và mặt nạ hóa học. Bác sĩ sẽ dùng cây nặn mụn để nặn mụn cho bạn nếu bạn không tự nặn được.
  5. Ngăn ngừa mụn bằng cách rửa mặt thường xuyên. Mụn là do mồ hôi trên mặt. Bất cứ khi nào đổ mồ hôi, bạn cũng nên rửa mặt thật sạch bằng nước ấm để loại bỏ bụi bẩn và bã nhờn. Không chà rửa quá mạnh mà chỉ nên rửa sạch mồ hôi.[5]
    • Chà mạnh có thể khiến tình trạng mụn nặng thêm.
    • Không dùng sản phẩm rửa có tính tẩy mạnh như chất làm se, nước cân bằng da (Toner) hoặc sản phẩm tẩy tế bào chết.

Chuẩn bị nặn mụn[sửa]

  1. Rửa tay. Đây là bước rất quan trọng nên bạn cần dùng nhiều xà phòng và nước ấm để rửa tay thật sạch, đặc biệt là dưới móng tay. Tốt nhất bạn không nên chạm móng tay vào mụn. Để đề phòng, bạn nên rửa sạch cả móng tay để giảm nguy cơ kích ứng hoặc nhiễm trùng khi chạm vào mụn.[1]
    • Có thể dùng bàn chải cọ móng tay để loại bỏ bụi bẩn dưới móng.
  2. Bao tay lại. Đeo găng tay dùng một lần trước khi nặn mụn. Găng tay không chỉ tạo rào chắn giữa vi khuẩn trên ngón tay (vào trong móng tay) với da mà còn ngăn các cạnh sắc nhọn của móng đâm vào mụn.
    • Nếu không có găng tay dùng một lần, bạn có thể dùng khăn giấy sạch quấn quanh ngón tay.[6]
  3. Vệ sinh vùng da quanh mụn bằng nước tẩy trang hoặc cồn Isopropyl. Nhỏ nước tẩy trang lên bông gòn rồi thoa quanh mụn. Nặn mụn sẽ tạo vùng da hở cho vi khuẩn có cơ hội xâm nhập. Vệ sinh vùng da quanh mụn giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và giúp mụn lành nhanh hơn.
    • Không nên xoa vùng da quanh mụn quá mạnh để tránh kích ứng thêm. Nhẹ nhàng lau sạch da quanh mụn, rửa lại bằng nước ấm và dùng khăn thấm khô.

Nặn mụn bằng cây nặn mụn[sửa]

  1. Khử trùng cây nặn mụn bằng lửa. Dùng bật lửa hoặc quẹt diêm hơ nóng và khử trùng cây nặn mụn. Cho từng đoạn của cây nặn mụn tiếp xúc với lửa vài giây để tiêu diệt vi khuẩn.[7]
  2. Chờ cây nặn mụn nguội. Để ít nhất 1 phút cho cây nặn mụn nguội. Cây nặn mụn không được gây nóng và đau khi nặn mụn.[7]
  3. Khử trùng mọi thứ bằng cồn Isopropyl. Thoa cồn Isopropyl lên cây nặn mụn, tay và đốm mụn. Đảm bảo mọi thứ liên quan đến quy trình nặn mụn đều được khử trùng bằng cồn Isopropyl.[7]
  4. Giữ cây nặn mụn song song với khuôn mặt. Không hướng thẳng đầu cây nặn mụn vào mặt. Thay vào đó, nên đặt cây nằm dựa theo khuôn mặt. Như vậy, khi nặn, cây nặn mụn sẽ chỉ đụng vào đầu mụn.[8]
  5. Nặn đầu trắng của mụn. Chỉ được chạm vào phần đầu trắng của mụn. Chạm vào phần đỏ của mụn sẽ gây sẹo. Vì vậy, bạn phải đâm cây nặn mụn sao cho xuyên qua đúng phần đầu của mụn.[8]
  6. Kéo cây nặn mụn. Cây nặn mụn phải xuyên theo đúng chiều dài của đầu mụn trắng. Kéo cây nặn mụn ra xa khỏi khuôn mặt để có thể phá vỡ phần đầu trắng của mụn.[8]
  7. Nhẹ nhàng bóp quanh phần đầu trắng. Không được bóp ngay phần mụn đầu trắng mà nên bóp xung quanh để đẩy mủ ra. Có thể dùng tăm bông khi bóp để tránh gây tổn thương thêm cho da.[8]
  8. Thoa cồn lên đốm mụn. Dùng tăm bông thoa cồn lên vết mụn để tiêu diệt vi khuẩn. Thoa một lượng nhỏ thuốc mỡ Bacitracin lên mụn vừa nặn.[9]

Nặn mụn bằng miếng vải ấm[sửa]

  1. Nhúng miếng vải trong nước ấm. Mở vòi đến khi nước ấm chảy ra. Nước không được quá nóng đến mức gây bỏng. Đặt miếng vải sạch dưới vòi nước chảy đến khi vải ướt.[2]
  2. Vắt bớt nước. Vải phải ướt nhưng không được nhỏ giọt. Vắt bớt đến khi miếng vải không còn quá ướt.[3]
  3. Chườm vải lên đốm mụn. Đặt miếng vải lên đốm mụn vài phút và chờ vải nguội bớt. Cách này giúp tích tụ dịch bên trong mụn và sẵn sàng để nặn.[2]
  4. Nhẹ nhàng trượt miếng vải trên đầu mụn. Di chuyển ngón tay nhẹ nhàng và trượt miếng vải trên đầu mụn. Khi phần đầu mụn mềm ra là có thể bắt đầu nặn mà không gây tổn thương cho vùng da xung quanh.[3]
    • Phương pháp này có thể chậm và khó thực hiện nhưng sẽ ít gây tổn thương cho da hơn so với việc nặn mụn trực tiếp.
  5. Lặp lại nếu cần thiết. Nếu phần đầu trắng của mụn chưa rơi ra, bạn có thể thử lại lần nữa. Hơi ấm và độ ẩm phải đủ làm mềm phần đầu mụn nhưng không gây tổn thương da. [3]

Nặn mụn bằng tay[sửa]

  1. Đặt đầu ngón tay quanh đỉnh mụn. Đặt một đầu ngón tay ở một bên đốm mụn, ngay dưới phần đầu trắng của mụn. Lúc này, bạn phải dễ dàng cảm nhận được vùng da đầy bã nhờn. Sau khi định vị vùng da chứa bã nhờn, bạn có thể ép nhẹ đầu ngón tay cho dịch chảy ra.
    • Nếu mủ không chảy ra, bạn có thể đặt đầu ngón tay ở vị trí khác quanh mụn và thử lại.
    • Nếu mủ vẫn không chảy ra khỏi đốm mụn, bạn nên ngừng nặn. Đây là mụn chưa thể nặn. Có thể chờ vài ngày và thử nặn lại hoặc để mụn tự biến mất. [6]
  2. Mát-xa vùng da quanh mụn. Bước này kích thích phần mủ còn lại chảy ra; tiếp tục mát-xa đến khi mụn hết mủ. Không được chạm vào mụn, trừ khi dùng khăn giấy thấm mủ. Có thể sẽ có máu chảy ra. Nếu vậy, bạn nên ngừng nặn mụn và để yên. Nặn tiếp sẽ tạo áp lực lên vùng da sưng và gây sẹo.
  3. Lau vùng da mụn bằng cồn. Bước quan trọng nhất vẫn là đảm bảo không cho vi khuẩn xâm nhập vào da. Bạn nên thoa một lượng nhỏ thuốc mỡ Bacitracin để bảo vệ da.[9]

Lời khuyên[sửa]

  • Gãi mụn có thể làm tăng nguy cơ tổn thương mô và gây sẹo.
  • Không cào xước da để lấy mụn vì sẽ khiến tình trạng mụn nặng hơn.
  • Trao đổi với bác sĩ nếu thường xuyên gặp vấn đề về mụn. Bác sĩ da liễu có thể giúp bạn.
  • Tốt nhất không nên nặn mụn. Mụn sẽ biến mất một cách tự nhiên. Vệ sinh sạch sẽ có thể giúp ngăn ngừa mụn và mụn trứng cá. Một số loại mụn hoặc mụn trứng cá có thể xuất hiện khoảng 2-3 ngày hoặc ít nhất 1 tuần.
  • Để ngăn ngừa mụn, bạn nên áp dụng chế độ ăn khoa học và rửa mặt hàng ngày.
  • Tất cả các loại mụn sẽ tự biến mất và không nặn mụn sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng hoặc sẹo.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]