Ngăn ngừa chứng đau nửa đầu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Cách điều trị tốt nhất cho những người mắc chứng đau nửa đầu thường xuyên và dữ dội là phòng ngừa. Bạn có thể làm một số việc để ngăn chặn trước khi chứng đau nửa đầu xảy ra, trong đó tốt nhất là tìm ra tác nhân gây đau. Việc thay đổi trong lối sống cũng đã được chứng minh là giúp giảm cường độ và tần suất các cơn đau nửa đầu ở nhiều người. Bạn có thể thực hiện một vài bước đơn giản để tìm ra tác nhân gây đau và ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.

Các bước[sửa]

Kiểm soát các Tác nhân Gây đau Phổ biến[sửa]

  1. Ngăn ngừa đường huyết thấp. Đường huyết thấp hay còn gọi là hypoglycemia có thể gây đau nửa đầu. Nguyên nhân gây đường huyết thấp là do thiếu dinh dưỡng hoặc ăn quá nhiều carbohydrate tinh chế; những chất này sau đó được chuyển hóa thành đường trong máu. Các bữa ăn nhỏ chia thành nhiều lần trong ngày giữ vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết. Không nên bỏ bất cứ bữa ăn nào trong ngày. Tránh ăn carbohydrate tinh chế như đường và bánh mì trắng mà nên thay thế bằng bánh mì làm từ lúa mì nguyên hạt.
    • Các bữa ăn nhỏ nên bao gồm các loại thực phẩm như rau, hoa quả tươi và protein như trứng hoặc thịt nạc. Thực đơn này sẽ giúp bạn duy trì đường huyết ổn định trong cả ngày.[1]
  2. Tránh các loại thực phẩm có chứa tyramine và nitrites. Tyramine tiết ra một loại hóa chất trong não gọi là norepinephrine có thể gây đau đầu. Nhiều loại thức ăn thông thường có chứa tyramine hoặc nitrites như cà tím, khoai tây, xúc xích, thịt muối, giăm bông, rau bina, đường, phô mai chín, bia và rượu vang đỏ.
    • Các thực phẩm khác chứa tyramine gồm có chocolate, thức ăn chiên rán, chuối, mận, đậu răng ngựa, cà chua và các loại quả có múi.
    • Thức ăn có nhiều gia vị như MSG (bột ngọt) hoặc các chất phụ gia nhân tạo cũng có thể góp phần gây chứng đau nửa đầu.
    • Các sản phẩm từ đậu nành, đặc biệt là các loại lên men có thể có hàm lượng cao chất tyramine. Đậu phụ, nước tương, sốt teriyaki và miso nằm trong số này.[2][3]
  3. Cẩn thận với chứng dị ứng thức ăn. Chứng dị ứng với một số thức ăn có thể gây đau nửa đầu ở một số người mẫn cảm. Điều này xảy ra là do phản ứng dị ứng gây sưng viêm. Tránh tất cả thức ăn gây dị ứng và cả các món mà bạn nghĩ có thể gây dị ứng.
    • Nếu bị đau nửa đầu, bạn hãy liệt kê những thức ăn đã tiêu thụ trong ngày. Nhờ đó bạn có thể theo dõi và xác định các loại thức ăn nào gây dị ứng. Bạn cũng có thể đến bác sĩ nhờ kiểm tra dị ứng.
    • Các dị ứng thực phẩm thông thường bao gồm dị ứng lúa mì, quả hạch, sữa và một số loại hạt.[4]
    • Nếu đã xác định được thức ăn nào gây đau nửa đầu, bạn hãy loại các món đó ra khỏi thực đơn. Nếu chưa chắc chắn, bạn nên theo dõi một thời gian, chú ý cảm giác và phản ứng của bạn. Một cách khác nữa là có thể hỏi bác sĩ về các xét nghiệm dị ứng thức ăn.
    • Bạn nên hiểu rằng không phải ai cũng có các phản ứng và thức ăn gây dị ứng như nhau. Một loại thức ăn nào đó khiến người khác đau nửa đầu có thể không ảnh hưởng đối với bạn.
  4. Giữ đủ nước cho cơ thể. Cơ thể con người cần nhiều nước, do đó khi thiếu nước cơ thể sẽ phản ứng bằng cách gây đau và khó chịu. Đó còn là nguyên nhân của một số triệu chứng khác như mệt mỏi, yếu cơ và chóng mặt.[5]
    • Nguồn cung cấp nước tốt nhất cho cơ thể là nước trắng. Các loại thức uống không đường (hoặc ít đường), không chất ngọt nhân tạo và không caffeine cũng có thể giúp bạn giữ đủ nước.
  5. Tránh một số loại ánh sáng. Khi đang đối phó với chứng đau nửa đầu, bạn nên tránh ánh sáng mạnh. Một số ánh sáng màu cũng có thể gây đau nửa đầu ở một số người. Sự nhạy cảm này gọi là chứng sợ ánh sáng (photophobia) xảy ra khi ánh sáng làm tăng cơn đau đầu. Ánh sáng chói lóa khiến các tế bào thần kinh trong mắt gọi là neuron bị kích thích.[6]
    • Khi điều này xảy ra, phải mất 20 -30 phút nghỉ ngơi trong bóng tối cơn đau mới giảm, do các tế bào thần kinh vẫn còn hoạt động.[6]
  6. Hạn chế tiếp xúc với tác nhân kích thích mạnh. Ánh sáng rực rỡ hoặc chói lóa đôi khi có thể gây đau nửa đầu, do đó bạn nên đeo kính râm vào những ngày nắng hoặc ngay cả trong những ngày mùa đông có nhiều ánh sáng. Tia sáng phản chiếu từ băng tuyết, nước hoặc các tòa nhà có thể kích thích phản ứng đau nửa đầu. Cần chọn loại kính râm có chất lượng tốt và che được xung quanh mắt nếu có thể. Một số người mắc chứng đau nửa đầu thấy rằng tròng kính phủ sơn phản quang cũng giúp ích.[7]
    • Cho mắt nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian nhất định khi xem ti vi hoặc dùng vi tính. Điều chỉnh độ sáng và đổ tương phản trên màn hình vi tính và ti vi. Giảm độ phản chiếu bằng bộ lọc nếu bạn đang dùng màn hình phản chiếu, kéo rèm cửa để ngăn ánh sáng mặt trời.
    • Các tác nhân kích thích không nhìn thấy như mùi hương đậm cũng có thể gây đau nửa đầu ở một số người. Cố gắng tránh mùi hương nào có vẻ gây đau đầu.[8]
  7. Giảm tiếp xúc với tiếng ồn nếu có thể. Những tiếng ồn có thể kích thích chứng đau nửa đầu, đặc biệt là khi những âm thanh đó diễn ra liên tục. Tuy chưa rõ nguyên nhân, nhưng một số nhà khoa học cho rằng những người bị đau nửa đầu có thể không có khả năng chế ngự tiếng ồn. Một số khác nghĩ rằng nguyên nhân có thể là ở ống tai trong.[9]
  8. Lưu ý về sự thay đổi thời tiết. Các thay đổi về thời tiết hoặc khí hậu liên quan đến áp suất không khí có thể kích thích cơn đau nửa đầu. Bầu không khí khô hoặc gió khô và ấm có thể tác động đến cơ thể và gây đau đầu. Điều này là do sự mất cân bằng hóa chất trong cơ thể dưới tác động của sự thay đổi áp suất.[10]

Thay đổi Lối sống[sửa]

  1. Ăn các thức ăn thích hợp. Áp dụng thực đơn lành mạnh và cân bằng với hoa quả, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein tốt. Ăn nhiều rau lá xanh đậm như bông cải xanh, rau bina và cải xoăn. Bạn cũng có thể ăn trứng, sữa chua và sữa ít béo để có thêm protein tốt. Những thức ăn này có chứa vitamin B, giúp ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.
    • Ăn thực phẩm giàu ma-giê. Ma-giê làm thư giãn mạch máu và đảm bảo cho các tế bào hoạt động đúng chức năng. Thực phẩm giàu ma-giê gồm có các loại quả hạch như hạnh nhân và hạt điều, ngũ cốc nguyên hạt, phôi lúa mì, đậu nành, quả bơ, sữa chua, chocolate đen, rau lá xanh.[11][12]
    • Các loại cá béo cũng có thể giúp giảm đau nửa đầu. Ăn các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá mòi hoặc cá cơm ba lần một tuần có thể giúp tăng lượng Omega-3 và a-xít béo nạp vào cơ thể.[13][14]
  2. Bỏ thuốc lá. Thuốc lá được biết là một yếu tố gây đau nửa đầu. Nếu cảm thấy không thể tự mình cai thuốc lá, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ trị liệu về các phương pháp và các loại thuốc có thể giúp bạn thực hiện việc này.[15]
    • Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc hút trên 5 điếu thuốc mỗi ngày có nhiều khả năng gây đau nửa đầu. Nếu không thể cai thuốc lá, bạn hãy hạn chế hút thuốc ở mức dưới 5 điếu một ngày.[15]
  3. Tránh caffeine. Caffeine có tác động khác nhau tùy từng người. Một số người thấy rằng caffeine khiến họ bị đau nửa đầu, số khác lại cho rằng caffeine có ích đối với họ. Nếu đang dùng caffeine thường xuyên và nghi ngờ đó có thể là nguyên nhân gây chứng đau nửa đầu, bạn nên cố gắng cắt giảm dần từng ít một. Việc loại bỏ caffeine một cách đột ngột có thể kích thích đau nửa đầu, do đó bạn nên cẩn thận và bỏ dần dần.[16][17]
    • Caffeine là thành phần chính trong một số thuốc trị đau nửa đầu, như vậy chứng tỏ nó có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu được dùng hàng ngày thì caffeine có thể không có tác dụng do cơ thể đã quen với chất này.[18]
    • Ghi chép lại những thức ăn và nước uống có chứa caffeine vào nhật ký, đồng thời ghi lại cả những nỗ lực loại bỏ caffeine để theo dõi tác động của chất này trong trường hợp riêng của bạn.
  4. Ngủ đều đặn hơn. Thói quen ngủ thất thường khiến năng lượng suy giảm, đồng thời cũng hạ ngưỡng chịu đựng một số tác nhân kích thích của cơ thể. Tình trạng thiếu ngủ và chứng mất ngủ làm tăng nguy cơ đau nửa đầu. Ngủ quá nhiều cũng có thể gây đau nửa đầu. Nếu cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ, các cơn đau đầu sẽ xuất hiện do thiếu thói quen ngủ đều đặn.[19][20]
    • Các cơn đau nửa đầu cũng có thể xuất hiện khi bạn ngủ nhiều hơn bình thường, thay đổi ca làm việc hoặc thay đổi múi giờ.
  5. Hạn chế lượng cồn nạp vào cơ thể. Đối với nhiều người mắc chứng đau nửa đầu, chất cồn có thể kích thích các cơn đau đầu, buồn nôn và các triệu chứng đau nửa đầu khác kéo dài nhiều ngày. Trong cồn có chứa nhiều tyramine, một tác nhân kích thích, đặc biệt có trong bia và rượu vang đỏ. Việc dùng nhật ký về các cơn đau đầu có thể giúp bạn xác định ngưỡng chịu đựng của mình.
    • Một số người mắc chứng đau nửa đầu thấy rằng chất cồn không hề ảnh hưởng đến họ, trong khi số khác lại không thể chịu đựng được dù chỉ một ít.[21]
  6. Kiểm soát hoặc tránh stress. Stress thường làm nặng thêm chứng đau nửa đầu do sự căng cơ và giãn các mạch máu. Việc kiểm soát stress bằng các phương pháp thư giãn, suy nghĩ tích cực và kiểm soát thời gian có thể giúp bạn đẩy lùi các cơn đau nửa đầu. Liệu pháp thư giãn và phản hồi sinh học đã được chứng minh là giúp nhiều bệnh nhân chữa được cơn đau nửa đầu khi các cơn đau đã xuất hiện. Phản hồi sinh học là khả năng kiểm soát các dấu hiệu sinh tồn của con người như thân nhiệt, mạch và huyết áp nhờ phương pháp thư giãn.[22][23]
    • Áp dụng các bài tập thư giãn như thiền, tập thở, yoga, và cầu nguyện.[24]
  7. Tập thể dục thường xuyên. Việc tập luyện đều đặn có thể giảm tần suất các cơn đau đầu ở nhiều người. Tập thể dục giúp giảm stress và nâng cao tâm trạng, đồng thời giảm căng thẳng ở các cơ bắp vốn có thể gây đau nửa đầu. Tuy nhiên bài tập căng và đột ngột cũng có thể coi là một tác nhân kích thích đau nửa đầu, vì vậy bạn không nên tập quá mức. Ngoài ra, cần khởi động chậm rãi và đảm bảo giữ đủ nước trước và sau khi tập. Việc tránh tập luyện trong điều kiện quá nóng hoặc quá lạnh cũng có thể giúp ích.[25]
    • Cố gắng giữ tư thế đúng. Tư thế xấu có thể kích thích cơn đau đầu do sự căng thẳng ở các cơ bắp.[26]
  8. Dùng máy tạo ẩm. Không khí khô có thể tăng khả năng gây ra cơn đau nửa đầu. Điều này là do số lượng ion dương trong không khí khiến mức serotonin - là chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể - tăng cao trong thời gian đau nửa đầu. Sử dụng máy tạo ẩm thường xuyên để tăng độ ẩm cho không khí.[10]

Uống Thuốc[sửa]

  1. Kiểm tra các loại thuốc chứa hormone của bạn. Nhiều phụ nữ mắc chứng đau nửa đầu nhận thấy các cơn đau và buồn nôn thường xảy ra trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra trong thời kỳ thai nghén hoặc mãn kinh. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân có thể là do sự dao động của mức estrogen trong cơ thể. Nếu bị đau nửa đầu trước kỳ kinh nguyệt, có thể bạn cần tránh hoặc thay đổi việc uống thuốc tránh thai có estrogen, vì sự sụt giảm estrogen có thể trở nên xấu hơn khi bạn uống vào và gây ra những cơn đau đầu nặng hơn.
    • Các loại thuốc tránh thai có hàm lượng cao estrogen và liệu pháp hormon thay thế có thể khiến vấn đề càng trầm trọng hơn ở nhiều phụ nữ. Có lẽ cách tốt nhất ở đây là tránh các loại thuốc này. Nếu bạn đang dùng thuốc tránh thai và nhận thấy có sự gia tăng về cường độ và tần suất các cơn đau nửa đầu, bạn cần nói chuyện với bác sĩ về việc ngưng dùng thuốc.[27][28]
    • Hiểu rằng giải pháp ở đây không chỉ đơn giản là loại bỏ các loại thuốc uống tránh thai. Một số phụ nữ lại thấy rằng các loại thuốc này giúp giảm sự xuất hiện của các cơn đau đầu. Số khác thì thấy các cơn đau nửa đầu chỉ xuất hiện trong thời gian họ ngưng uống thuốc mỗi tháng một tuần. Bạn có thể đổi loại thuốc khác để có thể uống liên tục mà không cần nghỉ. Tham khảo bác sĩ về các giải pháp cho vấn đề này.[29]
  2. Uống thuốc phòng ngừa. Nếu thường xuyên phải chịu đựng các cơn đau nửa đầu dữ dội, bạn hãy hỏi bác sĩ về các loại thuốc phòng bệnh. Các loại thuốc này có bán theo toa. Nhiều loại thuốc có khả năng gây tác dụng phụ nghiêm trọng, do đó cần dược sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ và chỉ sau khi đã thảo luận về mọi khả năng phòng ngừa khác. Do có nhiều loại thuốc và tính cá biệt của từng trường hợp đau nửa đầu, việc tìm đúng biện pháp phòng ngừa có thể phải mất một thời gian.[30]
    • Các loại thuốc điều trị bệnh tim mạch, gồm có các loại thuốc ức chế beta như propranolol và atenolol, thuốc chẹn can-xi như verapamil, thuốc chống tăng huyết áp như lisinopril và candesartan có thể dùng để điều trị đau nửa đầu.
    • Các loại thuốc chống co giật như valproic acid và topiramate có thể giúp giảm đau nửa đầu. Chú ý là valproic acid có thể gây tổn thương não nếu chứng đau nửa đầu có nguyên nhân từ chứng rối loạn chu trình chuyển hóa u-rê.
    • Thuốc chống suy nhược bao gồm tricyclic, amitriptyline, và fluoxetine đã được chứng minh tính hiệu quả trong nhiều trường hợp đau nửa đầu. Các loại thuốc này khi được dùng với liều lượng thông thường có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, nhưng thuốc tricyclics thế hệ mới như nortriptyline sử dụng với liều thấp để điều trị chứng đau nửa đầu thì hạn chế được nhiều tác dụng phụ.
    • Cây gai dầu là một liệu pháp cổ truyền chữa đau nửa đầu và gần đây đã gây sự chú ý trở lại của giới khoa học. Đây là loại cây bất hợp pháp ở một số nơi, nhưng lại được bán hợp pháp theo toa ở một số vùng khác. Tìm hiểu về luật pháp ở vùng bạn sinh sống và tham khảo bác sĩ về loại này.[30][31]
  3. Uống thực phẩm bổ sung không kê toa. Thuốc kê toa không phải là liệu pháp duy nhất được chứng minh là có hiệu quả. Một số loại thảo dược và khoáng chất cũng có thể giúp chữa trị chứng đau nửa đầu. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự liên hệ khá chặt chẽ giữa việc thiếu hụt ma-giê và việc khởi phát chứng đau nửa đầu. Một số nghiên cứu cho thấy việc uống bổ sung thường xuyên ma-giê có thể giúp ích cho các bệnh nhân đau nửa đầu.
    • Luôn nhớ rằng bạn cần sự tư vấn của bác sĩ trước khi uống bất cứ loại thảo dược hoặc thực phẩm bổ sung nào, đặc biệt là khi uống kết hợp với các loại thuốc theo toa.[25]
    • Nhiều loại thực phẩm bổ sung thảo dược được bào chế để giảm tần suất xuất hiện các cơn đau nửa đầu. Chiết xuất cúc thơm (feverfew), cây butterbur và rễ sắn dây (kudzu root) có thể có công hiệu. Phụ nữ mang thai không nên uống các loại này.[32][33]
    • Vitamin B2 liều cao (400mg) còn gọi là riboflavin, có thể giúp phòng chống đau nửa đầu.[16][34]
    • Các nghiên cứu về sự trao đổi chất và nghiên cứu về gan cũng cho thấy coenzyme hoặc vitamin B6 có tác dụng hỗ trợ quá trình trao đổi amino a-xít ở gan, quá trình chuyển hóa glucose và truyền dẫn thần kinh. Vitamin B6 giúp duy trì sự cân bằng mức serotonin trong não. Điều này giúp bạn tránh được sự mất cân bằng hóa chất vốn có thể gây đau nửa đầu.[35]

Nhận biết các Dấu hiệu của Chứng Đau nửa đầu[sửa]

  1. Nói chuyện với bác sĩ về các cơn đau đầu của bạn. Nếu chưa bao giờ được chẩn đoán mắc chứng đau nửa đầu, bạn cần phải kể với bác sĩ về các cơn đau đầu. Các cơn đau đầu nặng và kinh niên cũng có thể là dấu hiệu của các căn bệnh nghiêm trọng hơn như u não. Bác sĩ có thể loại trừ các nguyên nhân gây đau đầu khác trước khi bạn bắt đầu điều trị các triệu chứng đau nửa đầu.
    • Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc và các cách điều trị thay thế để chữa chứng đau nửa đầu cho bạn.
  2. Tìm hiểu về chứng đau nửa đầu. Chứng đau nửa đầu xảy ra khi cơn đau bắt đầu âm ỉ và dần dần nặng hơn, có thể kéo dài từ vài phút đến nhiều ngày. Cơn đau nửa đầu được mô tả là đau như búa bổ, đau giật theo nhịp mạch đập và đau nhói, có thể di chuyển từ một bên đầu, ra đằng sau đầu hoặc gáy, hay sau một bên mắt. Đi kèm với cơn đau đầu có thể là hiện tượng tăng bài tiết nước tiểu, ớn lạnh, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tê bì, yếu, đau nhói, chán ăn, đổ mồ hôi, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng động.
    • Sau khi cơn đau đầu thuyên giảm, có thể xuất hiện kiểu suy nghĩ phiền muộn, buồn ngủ và đau cổ.[36]
  3. Nhận biết nếu bạn có nguy cơ đau nửa đầu. Có một số người dễ mắc chứng đau đầu hơn người khác. Chứng đau đầu thường gặp nhất ở những người từ 10 đến 40 tuổi. Những cơn đau nửa đầu thường giảm đi khi người bệnh đến độ tuổi 50. Chứng đau nửa đầu có liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu cha hoặc mẹ mắc chứng đau nửa đầu thì con cái có 50% khả năng mắc bệnh. Nếu cả cha và mẹ cùng mắc chứng đau nửa đầu, con của họ có 75% khả năng mắc bệnh.[37]
    • Nữ giới có khả năng mắc chứng đau nửa đầu cao gấp 3 lần nam giới. Điều này có thể do sự liên quan giữa mức estrogen và chứng đau nửa đầu. Phụ nữ sắp đến kỳ kinh nguyệt thường đau đầu vì mức estrogen sụt giảm.[38]
  4. Nhận biết giai đoạn tiền chứng. Chứng đau nửa đầu có thể chia thành nhiều giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn tiền chứng. Giai đoạn này có thể bắt đầu trước khi cơn đau nửa đầu thực sự xuất hiện đến 24 tiếng. Có đến 60% số người bệnh trải qua giai đoạn này. Tuy nhiên việc chú ý thư giãn và tránh các tác nhân kích thích tiềm tàng khi các dấu hiệu xuất hiện có thể ngăn chặn được cơn đau sắp đến hoặc giảm được cường độ đau. Một điều cũng quan trọng nữa là giữ thái độ lạc quan khi nhận thấy các triệu chứng, vì căng thẳng hoặc lo âu có thể đẩy nhanh hoặc làm trầm trọng thêm chứng đau nửa đầu.
    • Những thay đổi trong tâm trạng như buồn phiền, lâng lâng và bứt rứt có thể là dấu hiệu sớm của chứng đau nửa đầu.
    • Người bệnh cũng có thể cảm thấy khát nước nhiều hơn hoặc ứ nước trong cơ thể. Nhiều người cảm thấy tăng cơn khát trước khi cơn đau đầu dữ dội xuất hiện. Bạn cũng có thể cảm thấy rất thèm ăn hoặc chán ăn vào giai đoạn này.
    • Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn, khó khăn trong giao tiếp hoặc khó hiểu ý người khác, khó khăn khi nói, cứng cổ, chóng mặt, yếu tay chân hoặc váng vất, có thể dẫn đến mất thăng bằng. Nếu các triệu chứng đó mới xảy ra lần đầu hoặc trầm trọng hơn thường lệ, bạn hãy gọi ngay cho bác sĩ.
  5. Xác định các đặc điểm của giai đoạn tiền triệu. Giai đoạn tiền triệu xảy ra tiếp theo giai đoạn tiền chứng. Chỉ có 15% số người bệnh trải qua giai đoạn này, khi cơn đau đầu hầu như đã xuất hiện. Những người trải qua giai đoạn tiền triệu nhìn thấy các điểm và ánh sáng chói lóa, cùng với hiện tượng mất thị lực. Hiện tượng này có thể kéo dài từ 5 phút đến một tiếng trước khi cơn đau nửa đầu thực sự diễn ra.[39]
    • Giai đoạn tiền triệu cũng có thể biểu hiện bằng cảm giác kim châm hoặc tê bì trên da. Bạn cũng có thể trải qua cảm giác nhiễu loạn âm thanh.
    • Một dạng tiền triệu hiếm của chứng đau nửa đầu gọi là hội chứng "Alice ở xứ sở thần tiên”, với cảm nhận khác lạ về mọi sự vật xung quanh. Dạng tiền triệu này thường xảy ra ở trẻ em, nhưng đôi khi cũng xảy ra ở bệnh nhân là người lớn.[39]
  6. Hiểu về giai đoạn đau đầu. Giai đoạn đau đầu là giai đoạn tiếp theo và tồi tệ nhất đối với hầu hết người bệnh. Cơn đau đầu thường khởi phát từ một điểm trong đầu và có thể di chuyển từ phần này này sang phần khác trong đầu. Người bệnh thường than phiền về cơn đau nhói và giật theo mạch đập. Việc di chuyển thường làm trầm trọng thêm cơn đau. Các yếu tố khác như ánh sáng và tiếng động cũng có thể làm cơn đau nửa đầu nặng hơn.
    • Do cơn đau trong đầu, bệnh nhân thường không thể trò chuyện được.[39]
    • Giai đoạn đau đầu thường kèm theo tiêu chảy, buồn nôn, thậm chí nôn.[39][19]
  7. Hiểu về giai đoạn sau cơn đau. Giai đoạn sau cơn đau là giai đoạn cuối cùng của cơn đau nửa đầu. Đây là giai đoạn phục hồi sau sang chấn của chứng đau nửa đầu. Nhiều bệnh nhân kêu rằng mình bị kiệt sức hoàn toàn sau cơn đau đầu. Một số người cảm thấy bứt rứt và thay đổi tâm trạng sau khi qua khỏi giai đoạn đau đầu.[39]

Lên Kế hoạch Kiểm soát Cơn Đau nửa đầu[sửa]

  1. Ghi nhật ký về các cơn đau đầu. Mặc dù có nhiều tác nhân phổ biến gây đau nửa đầu, bạn cần tìm ra chính xác những tác nhân nào gây ra các cơn đau nửa đầu riêng của bạn. Nhật ký về đau đầu có thể giúp bạn làm việc này, đồng thời cũng giúp bác sĩ theo dõi tác dụng của việc điều trị. Khi xem lại những ghi chú về các việc đã làm, các thức đã ăn và cảm giác của bạn trong 24 tiếng trước khi khởi phát cơn đau đầu, bạn có thể biết về các tác nhân gây đau đầu của mình.
    • Bắt đầu ghi nhật ký bằng cách tự hỏi những câu sau: Cơn đau đầu xảy ra khi nào? Tần suất của các cơn đau đầu? Có những ngày đặc biệt nào không? Xảy ra vào thời gian nào? Có thể mô tả cơn đau đầu đó như thế nào? Có tác nhân kích thích nào không? Có các kiểu đau đầu nào khác không? Có ai trong gia đình cũng mắc chứng đau đầu không? Cơn đau đầu có xảy ra trong kỳ kinh nguyệt không?
    • Theo dõi ngày, thời gian từ lúc bắt đầu đến lúc chấm dứt, thang đo độ đau từ 0 – 10, các tác nhân kích thích nếu có, các triệu chứng trước đó, các loại thuốc uống để điều trị và sự thuyên giảm cơn đau.
    • Nếu có điện thoại thông minh, bạn hãy dùng một ứng dụng di động để theo dõi chứng đau nửa đầu, tác nhân kích thích, tiền triệu, thuốc men, v.v… Bạn có thể tìm ứng dụng này cho hệ android bằng cách tìm kiếm về chứng đau nửa đầu hoặc bất cứ từ khóa nào liên quan trong google play store.
  2. Xác định các tác nhân kích thích. Chứng đau nửa đầu không chỉ do một tác nhân duy nhất gây ra. Nguyên nhân gây đau nửa đầu vẫn chưa được biết rõ, hơn nữa ở mỗi người lại có các nguyên nhân khác nhau. Dường như các tác nhân gây đau nửa đầu rất đa dạng. Đó có thể là một loại thức ăn, mùi vị, âm thanh hoặc hình ảnh. Chứng đau nửa đầu có thể liên quan đến thói quen ngủ hoặc các hoạt động thường ngày. Chú ý ghi lại hết mọi việc bạn làm mỗi ngày để sau một thời gian bạn có thể tìm ra các tác nhân kích thích cho trường hợp riêng của mình.[40][41]
  3. Lập kế hoạch để kiểm soát các cơn đau đầu. Mặc dù có lẽ không thể hoàn toàn tránh khỏi các cơn đau nửa đầu, nhưng bạn có thể kiểm soát chúng. Xem lại nhật ký về các cơn đau đầu và cố gắng tìm hiểu kiểu thức nào đã diễn ra và tìm ra các tác nhân kích thích. Tìm ngày và thời gian cụ thể, tuần nào, mùa nào gây ra nhiều vấn đề hơn những lúc khác.
    • Lập ra kế hoạch để bắt đầu ngăn ngừa các cơn đau nửa đầu khi đã tìm ra kiểu thức. Bắt tay vào hành động, tránh các tác nhân kích thích và cẩn thận với các yếu tố nhạy cảm. Ghi lại kết quả và tuân theo bất cứ việc gì có tác dụng đẩy lùi các cơn đau đầu.
    • Những thay đổi khác có thể là uống thuốc giảm đau khi cơn đau bắt đầu xuất hiện và cho mọi người biết là bạn đang bị đau đầu.

Lời khuyên[sửa]

  • Một số tác nhân kích thích như thay đổi thời tiết và chu kỳ kinh nguyệt là không thể tránh khỏi. Nếu các yếu tố ngoài tầm kiểm soát ảnh hưởng đến bạn, việc chịu khó thư giãn và tránh các tác nhân kích thích khác sẽ giúp ích.
  • Người ta chưa hiểu rõ về các tác nhân gây đau đầu. Mặc dù có nhiều lời khuyên về các thức ăn và hoạt động nên tránh, nhưng bạn chỉ cần tránh những yếu tố gây ra những cơn đau ở bạn.
  • Một số người nói rằng việc bấm huyệt, châm cứu, mát-xa và chiropractic (trị liệu cột sống) dường như có tác dụng giúp kiểm soát chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên hiện chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh tính hiệu quả của các phương pháp trên.
  • Không may là chưa có liệu pháp nào được biết là chữa khỏi chứng đau nửa đầu. Ngay cả khi đã áp dụng cách tránh các tác nhân kích thích và uống thuốc phòng ngừa, những người mắc chứng đau nửa đầu vẫn phải chịu đựng một số cơn đau.
  • Một số chuyên gia nghiên cứu về chứng đau đầu đã báo cáo về thành công trong việc ngăn chặn các cơn đau đầu bằng cách tiêm botox.[42]

Cảnh báo[sửa]

  • Bài viết này là hướng dẫn chung và không có ý định thay thế lời khuyên cùa chuyên gia y tế. Bạn cần tìm sự tư vấn của bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào hoặc trước khi thực hiện các thay đổi lớn trong lối sống.
  • Nếu uống thuốc giảm đau không kê toa quá nửa số ngày trong tháng, bạn có nguy cơ tái phát các cơn đau đầu khi thôi uống thuốc. Có thể bạn cần đến phương pháp giải độc detox để giúp chống lại cơn đau đầu tái phát khi cai thuốc giảm đau. Vì vậy, chỉ uống thuốc aspirin, ibuprofen hoặc các loại thuốc giảm đau khác khi thật cần thiết.[43] Tham khảo bác sĩ về cách sử dụng an toàn của các loại thuốc này.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.migrainetrust.org/factsheet-hypoglycaemia-and-migraine-10907
  2. https://www.excedrin.com/stories/tyramine-and-migraines/
  3. Hirshkowitz, Mark and Patricia B Smith. Sleep Disorders for Dummies. Hoboken, NJ: Wiley Publishing, 2004, 138
  4. http://www.centerforfoodallergies.com/Headaches.htm
  5. http://www.healthcentral.com/migraine/triggers-39683-5.html
  6. 6,0 6,1 http://www.livescience.com/6018-bright-light-worsens-migraine-headache-pain.html
  7. http://www.berkeleywellness.com/self-care/preventive-care/article/tinted-glasses-migraines
  8. http://www.themigrainereliefcenter.com/migraine-headaches
  9. http://www.mirxprotocol.com/blog/item/sound-sensitivity-with-migraines-can-be-caused-by-more-than-loud-sounds.html
  10. 10,0 10,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/migraine-headache/expert-answers/headaches/faq-20058505
  11. Winnie Yu, What to Eat for What Ails You: How to Treat Illnesses by Changing the Food and Vitamins in Your Diet, Gloucester, MA: Fair Winds Press, 2007,167
  12. http://www.migrainesurvival.com/should-you-be-taking-magnesium
  13. Reader's Digest. Curing Everyday Ailments the Natural Way. Australia: Reader's Digest Pty Limited, 2000, 277
  14. http://migraine.com/migraine-treatment/natural-remedies/fish-oil-for-migraine-headaches/
  15. 15,0 15,1 http://www.sciencedaily.com/releases/2009/06/090624102257.htm
  16. 16,0 16,1 Winnie Yu, What to Eat for What Ails You: How to Treat Illnesses by Changing the Food and Vitamins in Your Diet, Gloucester, MA: Fair Winds Press, 2007,168
  17. Beers, Mark H. "Migraine Headaches," in The Merck Manual of Medical Information: 2nd Home Edition. New York: Merk & Company, 2003, 461
  18. http://www.achenet.org/resources/caffeine_and_migraine/
  19. 19,0 19,1 Beers, Mark H. "Migraine Headaches," in The Merck Manual of Medical Information: 2nd Home Edition. New York: Merk & Company, 2003, 457
  20. Hirshkowitz, Mark and Patricia B Smith. Sleep Disorders for Dummies. Hoboken, NJ: Wiley Publishing, 2004, 137
  21. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18231712
  22. http://migraine.com/migraine-triggers/emotions-stress/
  23. http://www.everydayhealth.com/headache-migraine/headache-biofeedback-therapy.aspx
  24. http://www.mayoclinic.org/healthy-living/stress-management/in-depth/relaxation-technique/art-20045368
  25. 25,0 25,1 Winnie Yu, What to Eat for What Ails You: How to Treat Illnesses by Changing the Food and Vitamins in Your Diet, Gloucester, MA: Fair Winds Press, 2007,169
  26. http://www.takingcharge.csh.umn.edu/conditions/migraine
  27. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/migraine-headache/basics/prevention/con-20026358
  28. Beers, Mark H. "Migraine Headaches," in The Merck Manual of Medical Information: 2nd Home Edition. New York: Merk & Company, 2003, 459
  29. http://www.migrainetrust.org/factsheet-migraine-and-the-contraceptive-pill-10894
  30. 30,0 30,1 http://www.aafp.org/afp/2006/0101/p72.html
  31. Beers, Mark H. "Migraine Headaches," in The Merck Manual of Medical Information: 2nd Home Edition. New York: Merk & Company, 2003, 460
  32. http://www.healthy.co.nz/ailment/2056-kudzu-alcoholism-migraines.html
  33. http://www.berkeleywellness.com/supplements/article/can-butterbur-fight-migraines
  34. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/natural/957.html
  35. http://migraine.com/migraine-treatment/natural-remedies/vitamin-b6-for-migraine-headaches/
  36. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000709.htm
  37. http://www.webmd.com/migraines-headaches/guide/headaches-faq
  38. http://www.migrainetrust.org/factsheet-menstruation-and-migraine-10883
  39. 39,0 39,1 39,2 39,3 39,4 http://www.migrainetrust.org/symptoms
  40. http://www.migrainetrust.org/factsheet-migraine-triggers-10505
  41. Beers, Mark H. Migraine Headaches',' The Merck Manual of Medical Information: 2nd Home Edition. New York: Merk & Company, 2003, 457
  42. http://www.webmd.com/migraines-headaches/news/20101018/fda-approves-botox-to-treat-chronic-migraines
  43. http://www.hopkinsmedicine.org/neurology_neurosurgery/centers_clinics/headache/conditions/rebound_headache.html

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này