Nguyễn Tài Cẩn
Nguyễn Tài Cẩn (sinh năm 1926) là một trong những chuyên gia đầu ngành của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam. Ông đã có công lớn trong việc xây dựng chuyên ngành Ngôn ngữ học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là khoa Ngôn ngữ học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tiểu sử[sửa]
Ông sinh ngày 2 tháng 5 năm 1926 tại làng Thượng Thọ (nay thuộc xã Thanh Văn), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình Nho học. Thời nhỏ ông theo học các trường Quốc học Vinh và Quốc học Huế.
Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia các công tác kháng chiến tại Nghệ An, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1949.
Năm 1949, ông bắt đầu dạy học. Năm 1952, ông được bổ nhiệm làm trợ lí đại học lớp đầu tại Liên khu bốn, năm 1953–1954 là Trưởng phòng chuyên môn của Khu Giáo dục Liên khu bốn.
Trong những năm 1955-1960, ông được Bộ Giáo dục Việt Nam cử làm chuyên gia Việt ngữ học đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô (làm việc tại Đại học Tổng hợp Leningrad).
Năm 1960 ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ ngữ văn đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô về ngành ngôn ngữ học với đề tài "Từ loại Danh từ tiếng Việt".
Từ năm 1961 đến năm 1971, ông làm Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Năm 1980 ông được phong hàm Giáo sư.
Ông được mời giảng tại Đại học Paris 7 vào các năm 1982, 1988–1990, và tại Đại học Cornell (Hoa Kì) năm 1991.
Năm 2000 Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã được Nhà nước Việt Nam tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm ba công trình Ngữ pháp và Lịch sử tiếng Việt:
- Ngữ pháp tiếng Việt – từ ghép, đoản ngữ - tập hợp một số bài giảng về ngữ pháp tiếng Việt hiện đại cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Khoa ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong thời gian 1961-1969. Tiếng, từ ghép, đoản ngữ là ba lĩnh vực then chốt của ngữ pháp tiếng Việt, được tác giả nghiên cứu, lý giải một cách khoa học, mà cho tới bây giờ vẫn được đánh giá là chuẩn xác (tuy các thuật ngữ đã có một số thay đổi).
- Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt - công trình nghiên cứu về quá trình phát triển ngữ âm tiếng Việt trên cơ sở lý thuyết ngữ âm hiện đại, có liên hệ với các ngôn ngữ có liên quan như tiếng Êđê, tiếng Khmer, âm vận học của Trung Quốc.
- Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán–Việt - công trình nghiên cứu sự ra đời cách đọc Hán–Việt.
Về đời tư, ông đã từng có người vợ chân quê ở Nghệ, nhưng sau này, đã dứt tình để kết hôn với một phụ nữ Nga (bà cũng là nhà ngôn ngữ học có uy tín, có nhiều nghiên cứu về tiếng Việt). Ở Khoa Ngữ Văn của Đại học Tổng hợp trước đây, có lưu truyền một số giai thoại (câu chuyện đẹp) xung quanh mối tình quốc tế của ông với người vợ Nga. Trong một lần về thăm quê gần đây, ông đã ôm mộ người vợ cũ mà khóc rất lâu.
Kỷ lục Việt Nam trong thế kỷ 20[sửa]
- Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có thể tìm ra hơn 60 cách đối lại một câu đối, điều mà ông từng thực hiện trên tạp chí Sông Hương số đầu năm 1988. Nghệ thuật đối đó sở dĩ đạt tới kỷ lục trên là do được thực hiện không phải dựa theo cảm tính hay thói quen như thường thấy mà căn cứ vào phương pháp khoa học của ngành ngôn ngữ học.[1]
Các tác phẩm chính[sửa]
- Từ loại Danh từ trong tiếng Việt hiện đại. Nxb Khoa học Xã hội, 1975.
- Ngữ pháp tiếng Việt: tiếng, từ ghép, đoản ngữ. Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, 1975; Nxb Đại học Quốc gia (tái bản nhiều lần).
- Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nxb Khoa học Xã hội, 1979; Nxb Đại học Quốc gia (tái bản nhiều lần).
- Một số vấn đề về chữ Nôm. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1985.
- Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Giáo dục, 1995.
- Ảnh hưởng Hán văn Lý Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn. Nxb Giáo dục, 1998.
- Tìm hiểu kỹ xảo hồi văn liên hoàn trong bài Vũ trung sơn thuỷ của Thiệu Trị. Nxb Thuận Hoá, 1998.
- Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá. Nxb Đại học Quốc gia, 2001.
- Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị 1872. Nxb Đại học Quốc gia, 2002.
- Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nxb Văn học, 2004.