Nhận biết người mắc chứng biếng ăn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Rối loạn ăn uống là một vấn đề nghiêm trọng có thể tác động lên nhiều người hơn bạn tưởng. Chứng biếng ăn tâm lý (Anorexia nervosa,, hoặc gọi tắt là “anorexia,”) thường tác động nhiều nhất đến các thiếu nữ và phụ nữ trẻ, nhưng cũng có thể xảy ra ở nam giới và phụ nữ lớn tuổi hơn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 25% số người mắc chứng biếng ăn là nam giới.[1] Bệnh biểu hiện qua sự hạn chế khắt khe về thức ăn nạp vào, trọng lượng thấp, tâm lý lo sợ lên cân đến mức căng thẳng và có cái nhìn lệch lạc về cơ thể mình.[2] Đây thường là một phản ứng với những vấn đề cá nhân và xã hội phức tạp. Biếng ăn là một chứng rối loạn nghiêm trọng có thể gây tổn thương nặng nề cho cơ thể, là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất liên quan đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần.[3] Nếu cho rằng một người bạn hoặc người thân của bạn mắc chứng biếng ăn, bạn hãy đọc tiếp để biết cách giúp đỡ họ.

Các bước[sửa]

Quan sát Thói quen của Người đó[sửa]

  1. Quan sát thói quen ăn uống của người mà bạn nghi ngờ mắc chứng biếng ăn. Những người biếng ăn có mối quan hệ đối kháng với thức ăn. Động lực đằng sau chứng biếng ăn là nỗi lo sợ lên cân đến mức căng thẳng, và họ giới hạn chặt chẽ thức ăn nạp vào – ví dụ như nhịn ăn để tránh lên cân. Nhưng việc nhịn ăn chỉ là một dấu hiệu của chứng biếng ăn. Các dấu hiệu cảnh báo tiềm ẩn khác bao gồm:[3][4]
    • Từ chối ăn những một số món ăn nhất định hoặc toàn bộ một loại thức ăn (ví dụ như, “không tinh bột”, “không đường”).
    • Có kiểu cách ăn uống như nhai quá lâu, gẩy gót thức ăn trong bát đĩa, cắt thức ăn ra thành từng miếng thật nhỏ.
    • Đo đếm thức ăn một cách ám ảnh, chẳng bạn như không ngừng tính số calorie, cân thức ăn hoặc xem đi xem lại thông tin dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm.
    • Từ chối ra ngoài ăn vì khó tính toán được lượng calorie.
  2. Để ý xem người đó có vẻ bị ám ảnh về thức ăn không. Mặc dù ăn rất ít, người mắc chứng biếng ăn thường bị ám ảnh về thức ăn. Họ có thể say mê đọc nhiều tạp chí ẩm thực, sưu tầm công thức nấu ăn hoặc xem các chương trình nấu ăn. Họ có thể thường xuyên nói chuyện về thức ăn, tuy những câu chuyện đó thường tiêu cực (ví dụ, “Tôi không tin được rằng người ta lại ăn pizza khi nó gây hại cho sức khỏe như vậy”).[5]
    • Nỗi ám ảnh về thức ăn là một tác động phổ biến của việc thiếu ăn. Một nghiên cứu có tính bước ngoặt được thực hiện trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai cho thấy rằng những người bị thiếu đói thường hay mơ màng về thức ăn. Họ sẽ sẽ dùng nhiều thời gian đến mức lạ lùng để suy nghĩ về thức ăn và thường nói chuyện với người khác hoặc với bản thân về việc ăn uống.[6]
  3. Ngẫm nghĩ xem có phải người đó thường xuyên kiếm cớ để khỏi phải ăn. Ví dụ như khi đến một bữa tiệc, họ sẽ nói rằng họ đã ăn trước đó rồi. Các lý do thông thường khác được viện ra để tránh né thức ăn bao gồm:
    • Tôi không đói.
    • Tôi đang ăn kiêng/ Cần giảm cân.
    • Ở đây không có món nào tôi thích cả.
    • Tôi bị ốm.
    • Tôi bị “nhạy cảm với thức ăn”.
  4. Quan sát xem người thân của bạn tuy có vẻ nhẹ cân nhưng vẫn nói về việc ăn kiêng không. Nếu người đó rất gầy nhưng vẫn nói mình cần giảm cân, có lẽ họ đang có cái nhìn lệch lạc về cơ thể của họ. Một đặc thù của bệnh biếng ăn là “hình ảnh méo mó về cơ thể”, khi họ tiếp tục tin rằng họ thừa cân hoặc béo phì mặc dù họ đang quá nhẹ cân. Những người biếng ăn thường phủ nhận ý kiến cho rằng họ thiếu cân.[4]
    • Những người mắc chứng biếng ăn cũng có thể mặc quần áo rộng thùng thình để che giấu hình thể thực sự của mình. Họ có thể mặc nhiều lớp quần áo, hoặc mặc quần dài và áo khoác ngay cả khi trời nóng bức. Một phần là để che giấu kích cỡ cơ thể, một phần là vì những người mắc chứng biếng ăn thường không thể điều hòa thân nhiệt hiệu quả, và do đó hay cảm thấy lạnh.
  5. Xem thói quen tập thể dục của người đó. Những người mắc chứng biếng ăn có thể đền bù cho lượng thức ăn nạp vào của họ bằng cách tập thể dục. Bài tập của họ thường quá nặng và rất cứng nhắc.[3]
    • Ví dụ như, người đó thường tập thể dục nhiều giờ trong tuần, ngay cả khi không phải tập luyện cho môn thể thao hoặc sự kiện đặc biệt nào. Họ cũng có thể tập thể dục ngay cả khi mệt mỏi, đau ốm hay bị thương vì cảm thấy cần phải “đốt cháy” lượng calorie ăn vào.
    • Tập thể dục là hành vi đền bù rất phổ biến của người mắc chứng biếng ăn là nam giới. Họ thường tin rằng mình thừa cân, hoặc có thể không hài lòng với hình thể của mình. Anh ta có thể bị ám ảnh với việc tập thể hình hoặc “phong thái” của mình. Cách nhìn méo mó về cơ thể cũng thường phổ biến ở nam giới, những người thường không có khả năng nhận biết hình thể thực sự của họ ra sao và cho rằng bắp thịt của mình bị “nhão” ngay cả khi họ đã vừa vặn hoặc nhẹ cân.[7][8]
    • Những người mắc chứng biếng ăn nhưng không thể tập thể dục hoặc không tập được nhiều như mong muốn thường tỏ ra sốt ruột, bồn chồn hoặc bứt rứt.
  6. Nhìn vào diện mạo của người đó. Chứng biếng ăn gây ra hàng loạt những triệu chứng. Bạn không thể biết được một người mắc chứng biếng ăn nếu chỉ nhìn vào bề ngoài của họ.[9] Sự kết hợp các triệu chứng này với các hành vi rối loạn là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy người đó đang mắc chứng rối loạn ăn uống. Không phải ai mắc chứng biếng ăn cũng có tất cả các triệu chứng này, nhưng họ thường có nhiều các biểu hiện sau đây:[10][3][11]
    • Sụt cân nhiều, đột ngột
    • Nếu là nữ, họ thường có lông bất thường trên mặt hoặc cơ thể
    • Tăng độ nhạy cảm với nhiệt độ thấp
    • Tóc thưa hoặc rụng
    • Da khô, nhợt nhạt hoặc vàng
    • Mệt mỏi, chóng mặt hoặc ngất xỉu
    • Tóc và móng giòn
    • Ngón tay xanh xao

Suy nghĩ về Trạng thái Cảm xúc của Người đó[sửa]

  1. Quan sát tâm trạng của người đó. Tâm trạng biến đổi đột ngột có thể rất thường thấy ở người mắc chứng biếng ăn vì sự thiếu cân bằng hormone do cơ thể bị bỏ đói.[12] Lo âu và trầm cảm thường xảy ra đồng thời với rối loạn ăn uống.[13]
    • Người mắc chứng biếng ăn cũng có thể cảm thấy bứt rứt, lờ đờ và khó tập trung.[14]
  2. Lưu ý về lòng tự trọng của người đó. Người mắc chứng biếng ăn thường là người cầu toàn. Họ có thể là những người vô cùng nỗ lực và thường có biểu hiện rất tốt ở trường hoặc trong công việc.[5] Tuy nhiên, họ lại thường có lòng tự trọng rất thấp. Người mắc chứng biếng ăn thường phàn nàn rằng mình không “đủ giỏi” hoặc không thể “làm điều gì đúng cả”.[3]
    • Người mắc chứng biếng ăn cũng thường rất kém tự tin. Họ có thể nói rằng mình sắp sửa đạt đến “cân nặng lý tưởng”, nhưng họ không bao giờ làm được điều đó vì có cái nhìn lệch lạc về cơ thể. Lúc nào họ cũng thấy cần phải giảm cân thêm.
  3. Lưu ý nếu người đó đề cập đến tội lỗi hoặc hổ thẹn. Những người mắc chứng biếng ăn thường cảm thấy rất xấu hổ sau khi ăn. Họ có thể coi việc ăn uống là là dấu hiệu của sự yếu đuối hoặc mất tự chủ. Nếu người thân của bạn thường diễn tả cảm giác áy náy vì chuyện ăn uống hoặc cảm thấy tội lỗi hay xấu hổ vì kích thước cơ thể mình, có thể đó là dấu hiệu cảnh báo của chứng biếng ăn.[4]
  4. Suy nghĩ xem họ có thu mình lại không. Những người mắc chứng biếng ăn thường né tránh bạn bè và các hoạt động bình thường.[13]
    • Những người biếng ăn có thể hay lên các website “pro-Ana”, một nhóm khuyến khích và ủng hộ cho chứng biếng ăn như một “sự lựa chọn về phong cách sống”. Bạn nhất thiết phải nhớ rằng chứng biếng ăn là một bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể điều trị được, và không phải là sự lựa chọn lành mạnh của những người khỏe mạnh.
    • Người mắc chứng biếng ăn có thể đăng những thông điệp “cảm hứng từ người gầy” trên mạng xã hội. Những kiểu thông điệp này có thể bao gồm cả hình ảnh những người cực kỳ nhẹ cân đang chế giễu những người có cân nặng bình thường hoặc thừa cân.
  5. Để ý xem người này có ở trong phòng tắm thật lâu sau khi ăn không. Có hai loại biếng ăn tâm lý: dạng ăn vô độ và xổ ra (Binge-Eating/Purging Type) và dạng hạn chế ăn (Restricting Type). Hạn chế ăn là dạng biếng ăn hầu hết mọi người đã quen thuộc, nhưng dạng ăn vô độ và xổ ra cũng phổ biến.[3] Xổ ra có thể ở dạng nôn sau khi ăn, hoặc người đó có thể dùng thuốc nhuận tràng, thụt tháo hoặc thuốc lợi tiểu.
    • Biếng ăn dạng ăn vô độ/ xổ ra khác với ăn - ói (bulimia nervosa), một dạng rối loạn ăn uống khác. Những người mắc chứng ăn – ói thường không hạn chế lượng calorie nạp vào. Người mắc chứng ăn vô độ/ xổ ra luôn luôn hạn chế khắt khe lượng calorie nạp vào.
    • Những người mắc chứng ăn – ói thường ăn rất nhiều trước khi xổ.[15] Người mắc chứng ăn vô độ/xổ ra có thể coi một lượng thức ăn rất ít là “vô độ” và cần phải cho xổ ra, dù là một chiếc bánh bích quy hoặc một gói khoai tây chiên nhỏ.[10]
  6. Quan sát xem người đó có vẻ bí ẩn không. Những người mắc chứng biếng ăn có thể cảm thấy xấu hổ vì chứng rối loạn của mình. Hoặc họ có thể nghĩ rằng bạn không “hiểu” hành vi ăn uống của họ và thường cố gắng không biểu hiện ra. Người đó thường che giấu những hành vi của mình để mọi người khỏi đánh giá hoặc can thiệp.[16] Chẳng hạn họ thường:
    • Ăn một cách bí mật
    • Giấu giếm hoặc vứt thức ăn đi
    • Uống thuốc giảm cân hoặc thực phẩm bổ sung
    • Giấu thuốc nhuận tràng
    • Nói dối về việc tập luyện của mình

Đề nghị Giúp đỡ[sửa]

  1. Tìm hiểu về chứng rối loạn ăn uống. Bạn có thể dễ dàng đánh giá một người bị rối loạn ăn uống, nhưng khó hiểu được tại sao người đó lại làm những việc không lành mạnh như vậy. Việc tìm hiểu điều gì đã gây ra chứng rối loạn ăn uống và người bệnh đang chịu đựng điều gì sẽ giúp bạn tiếp cận người thân yêu của mình với sự thông cảm và quan tâm.
    • Một nguồn rất đáng để tìm hiểu là Talking to Eating Disorders: Simple Ways to Support Someone with Anorexia, Bulimia, Binge Eating, or Body Image Issues, (Bàn luận về chứng rối loạn ăn uống: Các phương pháp đơn giản để giúp đỡ người mắc chứng biếng ăn, ăn – ói, ăn vô độ hoặc có vấn đề về hình ảnh cơ thể) của Jeanne Albronda Heaton và Claudia J. Strauss.
    • Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia là một tổ chức phi lợi nhuận, cung cấp các nguồn hỗ trợ rộng rãi cho bạn bè và gia đình của những người mắc chứng rối loạn ăn uống.[17] Liên kết vì Nhận thức về Rối loạn Ăn uống là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm giáo dục và cung cấp các nguồn lực để nâng cao nhận thức về chứng rối loạn ăn uống và tác động của nó.[18] Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia có rất nhiều thông tin nổi bật và các nguồn hỗ trợ những người mắc chứng rối loạn ăn uống và người thân của họ.[19]
  2. Hiểu được nguy cơ thực sự của chứng biếng ăn. Chứng biếng ăn khiến cơ thể bị bỏ đói và có thể dẫn đến những bệnh lý nghêm trọng. Ở nữ giới từ 15- 24 tuổi, chứng biếng ăn tâm lý gây tử vong cao gấp 12 lần bất cứ nguyên nhân nào khác.[20] Có tới 20% số trường hợp mắc chứng biếng ăn sẽ dẫn đến cái chết sớm. Nó cũng có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm:[20][21][22]
    • Không có kinh nguyệt ở giới nữ
    • Uể oải và kiệt sức
    • Không có khả năng điều hòa thân nhiệt
    • Nhịp tim chậm bất thường hoặc không đều (do suy yếu cơ tim)
    • Thiếu máu
    • Vô sinh
    • Mất trí nhớ hoặc mất phương hướng
    • Suy giảm chức năng của các cơ quan
    • Tổn thương não
  3. Tìm thời gian thích hợp để nói chuyện riêng với người đó. Rối loạn ăn uống thường là một phản ứng với các vấn đề cá nhân và xã hội phức tạp. Nó cũng có thể có yếu tố di truyền. Việc nói chuyện về rối loạn ăn uống của mình có thể là một chủ đề rất ngượng ngùng hoặc khó chịu. Bạn cần đảm bảo tiếp cận người thân yêu của mình ở một nơi an toàn và riêng tư.[19]
    • Tránh tiếp cận người đó nếu một trong hai người đang cảm thấy giận dữ, mệt mỏi, căng thẳng hoặc có cảm xúc lạ thường. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho bạn khi thể hiện sự quan tâm của bạn với người đó.[23]
  4. Dùng câu có chủ ngữ là “Tôi” để chuyển tải cảm xúc của bạn. Khi nghe những câu như vậy, người kia có thể bớt cảm thấy như bạn đang tấn công họ. Gói gọn cuộc nói chuyện sao cho an toàn và trong tầm kiểm soát của người kia. Ví dụ , bạn có thể nói những câu như “Gần đây mẹ thấy có gì đó khiến mẹ lo lắng. Mẹ quan tâm đến con. Mẹ con mình có thể nói chuyện được không?”
    • Người thân của bạn có thể đề phòng. Họ có thể không nhận là mình có vấn đề. Họ có thể trách bạn là xen vào cuộc sống của họ hoặc đánh giá họ quá khắt khe. Bạn có thể khẳng định lòng yêu thương của mình, rằng bạn quan tâm đến họ và sẽ không bao giờ phán xét họ, nhưng đừng trở nên thủ thế.
    • Ví dụ như, bạn nên tránh nói những câu như “Mẹ chỉ đang cố gắng giúp con” hoặc “Con phải nghe mẹ”. Những câu như thế sẽ khiến người kia có cảm giác như bị công kích và họ sẽ không muốn nghe bạn nữa.
    • Thay vào đó, bạn hãy tập trung vào những câu tích cực: “Mẹ yêu con và mẹ muốn con biết rằng mẹ luôn ở đây với con” hoặc “Mẹ sẵn sàng nói chuyện bất cứ khi nào con cảm thấy sẵn sàng”. Cho người đó không gian để họ tự quyết định sự lựa chọn của mình.
  5. Tránh những ngôn ngữ khiển trách. Việc sử dụng những câu với chủ ngữ là “tôi” sẽ giúp bạn làm việc này. Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên dùng ngôn ngữ khiển trách hoặc phán xét. Những từ ngữ cường điệu, gây mặc cảm tội lỗi, đe dọa hoặc kết tội sẽ không thể giúp người kia hiểu được sự quan tâm chân thành của bạn.[23]
    • Ví dụ, bạn nên tránh những câu có chủ ngữ là người kia, chẳng hạn như “Con đang làm mẹ lo lắng” hoặc “Con phải ngừng ngay việc này”.
    • Những lời nói làm cho người kia xấu hổ và cảm thấy tội lỗi cũng không có tác dụng. Ví dụ, bạn nên tránh nói những câu như “Con nghĩ xem con đang làm gì với gia đình mình” hoặc “Nếu con thực sự quan tâm đến mẹ thì con phải chăm sóc bản thân chứ.” Những người mắc chứng biếng ăn có thể cũng đã có cảm giác rất xấu hổ về hành vi của mình, và những lời như vậy chỉ làm nặng thêm tình trạng rối loạn.
    • Đừng đe dọa người đó. Chẳng hạn bạn nên tránh những câu như “Con sẽ không được ra khỏi nhà nếu không ăn uống cho tử tế” hay “Mẹ sẽ nói cho mọi người biết vấn đề của con nếu con không đồng ý để mẹ giúp.” Điều này có thể khiến họ hoảng loạn và khiến chứng bệnh càng thêm tồi tệ.
  6. Khuyến khích người đó chia sẻ cảm xúc của họ. Điều quan trọng là bạn cũng nên cho người kia thời gian để chia sẻ cảm xúc của họ. Những cuộc đối thoại một chiều và chỉ toàn nói về bản thân bạn sẽ không có hiệu quả.[23]
    • Đừng thúc ép người thân yêu của bạn khi nói chuyện. Việc xử lý những cảm xúc và suy nghĩ đòi hỏi phải có thời gian.
    • Tóm lại là bạn đừng phán xét và chỉ trích cảm giác của người mà bạn yêu thương.
  7. Đề nghị người đó làm bài kiểm tra trực tuyến. Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia (NEDA) có một công cụ trực tuyến miễn phí và ẩn danh. Khi đề nghị người thân làm bài kiểm tra này, bạn có thể tạo được “sức ép nhẹ” để người thân của bạn nhận thức được vấn đề.[24]
    • NEDA có hai bài kiểm tra: một dành cho sinh viên, và một cho người lớn.
  8. Nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ chuyên môn là cần thiết. Cố gắng thể hiện sự quan tâm của bạn bằng các phương pháp có hiệu quả. Nhấn mạnh rằng chứng biếng ăn là một tình trạng nghiêm trọng, nhưng khả năng cao chữa khỏi khá cao nếu có sự giám sát chuyên môn.[3] Gỡ bỏ định kiến về việc gặp bác sĩ trị liệu hoặc chuyên gia tư vấn bằng cách cho người thân yêu của bạn biết rằng tìm sự trợ giúp không phải là dấu hiệu của sự thất bại hoặc yếu đuối, cũng không phải dấu hiệu rằng họ “bị điên”.
    • Những người mắc chứng biếng ăn thường rất vất vả để kiểm soát cuộc sống của họ, do đó bạn có thể giúp người thân chấp nhận nếu bạn nhấn mạnh rằng việc tìm cách điều trị là một hành động dũng cảm và cũng là hành động kiểm soát cuộc sống.
    • Bạn có thể coi việc này như cách xử lý vấn đề về sức khỏe, như vậy có lẽ cũng giúp ích cho bạn. Ví dụ, nếu người thân của bạn bị bệnh tiểu đường hoặc ung thư, bạn sẽ khuyến khích họ tìm hỗ trợ y tế. Trường hợp này cũng không khác biệt; bạn chỉ đề nghị người thân yêu của mình tìm sự trợ giúp chuyên môn để chữa bệnh.
    • NEDA có mục “Tìm cách điều trị” trên trang web của họ. Mục này có thể giúp bạn tìm một chuyên gia tư vấn hoặc bác sĩ trị liệu chuyên về chứng biếng ăn.[25]
    • Đặc biệt nếu người đó còn trẻ hoặc là thanh thiếu niên, liệu pháp gia đình có thể đem lại hiệu quả. Một số nghiên cứu cho rằng liệu pháp gia đình đối với thanh thiếu niên có hiệu quả hơn liệu pháp cá nhân, vì nó có thể giúp xử lý kiểu giao tiếp kém hiệu quả trong gia đình, đồng thời đưa ra các phương pháp giúp mọi người hỗ trợ người bệnh.[26]
    • Một số trường hợp nặng có thể phải điều trị nội trú. Khi đó thường là do bệnh nhân quá nhẹ cân và đang đứng trước các nguy cơ cao như suy chức năng cơ thể. Những người có tâm lý không ổn định hoặc có ý nghĩ tự sát cũng có thể cần phải nằm viện.[27]
  9. Tìm sự trợ giúp cho chính mình. Quả là khó khăn khi phải nhìn người thân yêu của mình chống chọi với chứng rối loạn ăn uống. Điều này càng khó khăn hơn khi người đó không chịu nhận thức rằng họ đang có vấn đề, điều rất thường thấy ở những người mắc chứng rối loạn ăn uống. Việc tìm sự giúp đỡ từ bác sĩ trị liệu hoặc các nhóm hỗ trợ có thể giúp bạn mạnh mẽ.
    • NEDA có một danh sách các nhóm hỗ trợ trên trang web của họ.[28] Họ cũng có cả Mạng lưới Cha mẹ, Gia đình & Bạn bè.[17]
    • Hiệp hội Quốc gia về Chứng Biếng Ăn và các Rối loạn Liên quan (ANAD) có một danh sách các nhóm hỗ trợ.[29]
    • Bác sĩ cũng có thể giới thiệu bạn với các nhóm hỗ trợ ở địa phương hoặc các nguồn hỗ trợ khác.
    • Tìm nguồn tư vấn là việc vô cùng cần thiết cho các bậc cha mẹ có con mắc chứng biếng ăn. Điều quan trọng là không kiểm soát hoặc chiều chuộng hành vi ăn uống của trẻ, nhưng thật khó mà chấp nhận điều này khi nhìn con mình đang bị nguy hiểm. Việc trị liệu và nhóm hỗ trợ có thể giúp bạn biết cách để ủng hộ và giúp đỡ con mình mà không làm bệnh trầm trọng thêm.

Giúp Người Thân Bình phục[sửa]

  1. Nhìn nhận những cảm giác, sự đấu tranh và thành tích của người đó. Khoảng 60% số người mắc chứng biếng ăn có thể khỏi bệnh nếu được điều trị.[30] Tuy nhiên họ có thể mất đến vài năm mới bình phục hoàn toàn. Một số người có thể luôn có cảm giác không thoải mái với cơ thể mình hay cảm giác cưỡng bách nhịn ăn hoặc ăn vô độ, mặc dù họ vẫn cố gắng tránh những hành vi hủy hoại. Hãy giúp người thân yêu của bạn vượt qua quá trình này.[31]
    • Khen ngợi những thành tích dù nhỏ của họ. Đối với người mắc chứng biếng ăn, việc ăn vào dù chỉ một ít với con mắt của bạn cũng biểu hiện cho nỗ lực to lớn của họ.
    • Không phán xét khi chứng bệnh tái diễn. Đảm bảo người thân của bạn được quan tâm đầy đủ, nhưng đừng chỉ trích khi họ chống chọi hoặc vấp ngã. Nhận biết sự tái phát của bệnh và tập trung vào cách làm sao để quay trở lại đúng hướng.
  2. Mềm dẻo và thích ứng linh hoạt. Trong một số trường hợp, nhất là khi liên quan đến những người trẻ, việc điều trị có thể kết hợp với những thay đổi thói quen từ bạn bè và gia đình. Hãy sẵn sàng thay đổi những điều cần thiết vì người thân yêu của bạn.
    • Ví dụ, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi một số cách giao tiếp và cách xử lý mâu thuẫn.
    • Có thể khó mà nhận thức rằng điều bạn nói hoặc làm có thể tác động lên chứng rối loạn của người thân. Hãy nhớ rằng bạn không gây ra rối loạn, nhưng bạn có thể giúp người thân của mình bình phục bằng cách thay đổi một số hành vi của bạn. Sự bình phục là mục đích cuối cùng.
  3. Tập trung vào điều tích cực hoặc vui vẻ. Người ta có thể dễ bị rơi vào kiểu “hỗ trợ” làm người trong cuộc cảm thấy ngột ngạt. Bạn đừng quên rằng người đang chống chọi với chứng biếng ăn đã suốt ngày nghĩ ngợi về thức ăn, cân nặng và hình ảnh về cơ thể. Đừng để sự rối loạn này trở thành tiêu điểm hoặc là điều duy nhất trong các cuộc chuyện trò của bạn.
    • Chẳng hạn bạn có thể cùng họ đi xem phim, mua sắm, chơi game hoặc chơi thể thao. Đối xử với người đó bằng lòng nhân hậu và sự quan tâm, nhưng bạn cũng nên để họ tận hưởng cuộc sống bình thường nhất có thể.
    • Nhớ rằng bản thân những người mắc chứng rối loạn ăn uống không rối loạn. Họ là những con người có những nhu cầu, suy nghĩ và cảm xúc của riêng mình.
  4. Nhắc nhở người đó rằng họ không đơn độc. Việc chống chọi với chứng rối loạn ăn uống có thể đem lại cảm giác cô lập khủng khiếp. Tuy bạn không muốn làm người thân của bạn ngột ngạt, nhưng việc nhắc họ rằng bạn luôn bên cạnh để nói chuyện và hỗ trợ họ cũng là một việc hữu ích.
    • Tìm các nhóm hỗ trợ hoặc các hoạt động hỗ trợ khác để người thân của bạn có thể tham gia. Đừng bắt buộc mà nên đưa ra các gợi ý cho họ lựa chọn.
  5. Giúp người thân xử lý tác nhân kích thích. Người thân của bạn có thể cảm thấy một số người, tình huống hoặc sự việc nào đó “kích động” sự rối loạn của họ là. Ví dụ như việc nhìn thấy kem bày ra trước mắt có thể khơi dậy sự cám dỗ khủng khiếp. Việc ra ngoài ăn có thể gây ra nỗi lo âu về thức ăn. Bạn nên tỏ ra ủng hộ hết sức có thể. Có khi phải mất một thời gian để phát hiện ra các tác nhân kích thích mà người bệnh cũng không ngờ tới.[32]
    • Những cảm xúc và trải nghiệm trong quá khứ có thể kích thích hành vi không lành mạnh.
    • Các trải nghiệm và tình huống mới hoặc căng thẳng cũng có thể đóng vai trò như một tác nhân kích thích. Nhiều người mắc chứng biếng ăn rất mong mỏi có cảm giác kiểm soát, và những tình huống khiến họ cảm thấy bất an có thể kích thích họ thể hiện những hành vi ăn uống không lành mạnh

Tránh Làm cho Vấn đề Xấu thêm[sửa]

  1. Không cố kiểm soát hành vi ăn uống của người đó. Bạn đừng cố ép họ ăn. Đừng dỗ dành người thân ăn thêm hoặc dùng cách dọa nạt để bắt buộc họ. Đôi khi, chứng chán ăn là một phản ứng với việc thiếu kiểm soát cuộc sống của mình. Cố gắng giành quyền kiểm soát hoặc tước đi quyền kiểm soát của họ có thể khiến vấn đề càng xấu thêm.[33]
    • Đừng cố gắng “sửa chữa” vấn đề của người thân. Quá trình bình phục cũng phức tạp như chứng rối loạn ăn uống. Cố gắng “sửa” người thân theo cách riêng của mình có thể khiến lợi bất cập hại. Thay vào đó, bạn hãy động viên họ đi gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần.
  2. Tránh bình luận về hành vi và ngoại hình của người đó. Chứng biếng ăn thường gây xấu hổ và ngượng ngùng cho người mắc phải. Cho dù bạn có ý tốt, nhưng bình luận về ngoại hình, thói quen ăn uống, cân nặng của họ, v.v… có thể gây nên sự xấu hổ và giận dữ.
    • Những lời khen ngợi cũng vô ích. Người mắc chứng biếng ăn đang đối phó với cái nhìn méo mó về cơ thể, do đó có lẽ họ cũng không tin bạn. Ngay cả những lời nhận xét tích cực cũng có thể bị họ diễn giải thành phán xét hoặc chi phối.[34]
  3. Tránh việc kỳ thị béo hay gầy. Trọng lượng khỏe mạnh ở mỗi người có thể khác nhau. Nếu người thân của bạn nói rằng họ “béo”, quan trọng là bạn không phản ứng bằng cách nói những câu như, “Con không béo”. Điều này chỉ càng củng cố thêm quan niệm không lành mạnh rằng “béo” vốn là điều xấu khiến người ta lo sợ và tránh xa.[34]
    • Tương tự, đừng chỉ vào những người gầy và bình luận về ngoại hình của họ, kiểu như “Chẳng ai muốn ôm một người gầy gò”. Nếu muốn người thân yêu của mình phát triển một hình ảnh khỏe mạnh về cơ thể, bạn đừng tập trung vào nỗi sợ hãi hoặc hạ thấp một kiểu hình thể đặc thù nào đó.
    • Thay vì vậy, bạn nên hỏi người thân của bạn rằng từ đâu mà họ có cảm giác đó. Hỏi rằng họ sẽ được gì khi gầy đi, hay họ sợ điều gì nếu cảm thấy thừa cân.
  4. Tránh đơn giản hóa vấn đề. Chứng biếng ăn và các chứng rối loạn ăn uống khác rất phức tạp và thường đi kèm với các bệnh lý khác như lo âu và trầm cảm. Áp lực từ bạn bè đồng trang lứa và truyền thông có thể đóng vai trò cũng quan trọng như hoàn cảnh gia đình và xã hội. Khi nói những câu như “Anh ăn nhiều hơn thì mọi việc sẽ ổn thôi”, bạn đã phớt lờ sự phức tạp của vấn đề mà người thân yêu của bạn đang phải chống chọi.
    • Thay vì thế, bạn hãy thể hiện sự ủng hộ bằng những câu có chủ ngữ là chính bạn: “Mẹ biết giờ là thời gian khó khăn của con” hoặc “Thay đổi thói quen ăn uống có thể rất khó khăn, và mẹ tin ở con”.
  5. Tránh xu hướng cầu toàn. Sự phấn đấu để được “hoàn hảo” là một tác nhân kích thích thường thấy gây ra chứng biếng ăn. Tuy nhiên chủ nghĩa cầu toàn là một lối suy nghĩ thiếu lành mạnh; nó ngăn cản khả năng thích ứng và linh hoạt, vốn là một phần quan trọng của thành công trong cuộc sống.[35] Nó trói buộc bạn và những người khác vào một tiêu chuẩn không khả thi, phi thực tế và luôn thay đổi.[36] Đừng trông đợi sự hoàn hảo từ người thân hoặc từ bản thân bạn. Việc chữa khỏi được chứng rối loạn ăn uống có thể phải mất một thời gian dài và cả bạn cũng như người kia sẽ đều có lúc làm những điều mà sau đó phải nuối tiếc.
    • Nhận biết khi nào bạn lỡ làm sai nhưng đừng chú ý vào đó hoặc dằn vặt mình. Thay vào đó, bạn hãy tập trung vào những điều bạn có thể làm để tránh những lỗi tương tự.
  6. Đừng hứa “giữ bí mật”. Có thể bạn rất dễ đồng ý giữ bí mật về chứng rối loạn của người thân để lấy lòng tin của họ. Tuy nhiên chắc hẳn bạn không muốn khuyến khích hành vi của người đó. Chứng biếng ăn có thể gây tử vong đến 20% số người mắc bệnh này.[37] Điều quan trọng là động viên người thân yêu của bạn tiếp nhận sự giúp đỡ.
    • Hiểu rằng người thân của bạn thoạt đầu có thể giận dữ hoặc thậm chí bác bỏ gợi ý của bạn là họ cần được giúp đỡ. Điều này là bình thường. Hãy cứ tiếp tục ở bên cạnh họ và cho họ biết rằng bạn sẵn sàng hỗ trợ và quan tâm họ.

Lời khuyên[sửa]

  • Việc duy trì chế độ ăn lành mạnh và thói quen tập luyện khác với chứng rối loạn ăn uống. Những người quan tâm đến chế độ ăn và những bài tập thể dục đều đặn có thể sở hữu một sức khỏe hoàn hảo. Nếu bạn để ý thấy một người bị ám ảnh vì thức ăn và/ hoặc việc tập thể dục, nhất là khi họ có vẻ lo âu hoặc nói dối về những việc đó, có lẽ bạn có lý do để lo lắng.
  • Đừng bao giờ mặc nhiên cho rằng ai đó mắc chứng biếng ăn chỉ vì họ gầy. Cũng đừng bao giờ cho rằng ai đó không mắc chứng biếng ăn chỉ vì họ không quá gầy. Bạn không thể xác định một người mắc chứng biếng ăn chỉ qua hình thể của họ.
  • Đừng đùa cợt về người mà bạn cho là mắc chứng biếng ăn. Người mắc chứng biếng ăn thường cô đơn, buồn bã và đau khổ. Họ có thể lo âu, trầm cảm, thậm chí muốn tự sát. Họ không nên bị chỉ trích; điều này chỉ khiến tình trạng thêm tồi tệ.
  • Đừng ép người đó ăn ngoài chương trình trị liệu. Người mắc chứng biếng ăn có thể rất ốm yếu, và ngay cả khi họ không ăn mà vẫn không sao, việc nạp thêm calorie có thể khiến người mắc chứng biếng ăn càng nhịn đói và tập thể dục, và càng làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe.
  • Ghi nhớ rằng nếu một người mắc chứng biếng ăn thì đó không phải là lỗi của ai cả. Bạn đừng ngại thừa nhận vấn đề, và cũng đừng có thành kiến về người mắc chứng biếng ăn.
  • Nếu nghĩ rằng bản thân bạn hoặc một người quen của bạn có thể mắc chứng biếng ăn, hãy nói với người mà bạn tin cậy. Kể với thầy cô giáo, chuyên gia tư vấn, nhân vật tinh thần hoặc cha mẹ. Tìm lời khuyên của chuyên gia. Sự giúp đỡ lúc nào cũng sẵn sàng, nhưng bạn không thể được trợ giúp nếu bạn không can đảm để nói ra điều đó.
== Nguồn và Trích dẫn ==
  1. Wooldridge, T., & Lytle, P. “. (2012). An Overview of Anorexia Nervosa in Males. Eating Disorders, 20(5), 368-378. doi:10.1080/10640266.2012.715515
  2. http://www.dsm5.org/documents/eating%20disorders%20fact%20sheet.pdf
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 3,4 3,5 3,6 https://www.nationaleatingdisorders.org/anorexia-nervosa
  4. 4,0 4,1 4,2 http://www.allianceforeatingdisorders.com/portal/signs-of-anorexia#.VT-AWiFViko
  5. 5,0 5,1 http://www.medicinenet.com/anorexia_nervosa/page5.htm#what_are_anorexia_symptoms_and_signs_psychological_and_behavioral
  6. http://www.apa.org/monitor/2013/10/hunger.aspx
  7. http://www.nationaleatingdisorders.org/anorexia-nervosa-males
  8. Strother, E., Lemberg, R., Stanford, S. C., & Turberville, D. (2012). Eating Disorders in Men: Underdiagnosed, Undertreated, and Misunderstood. Eating Disorders, 20(5), 346-355. doi:10.1080/10640266.2012.715512
  9. http://www.nimh.nih.gov/news/science-news/2014/9-eating-disorders-myths-busted.shtml
  10. 10,0 10,1 http://www.anad.org/get-information/get-informationanorexia-nervosa/
  11. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/anorexia/basics/symptoms/con-20033002
  12. http://www.anad.org/get-information/eating-disorder-signs-and-symptoms/
  13. 13,0 13,1 http://eatingdisorder.org/eating-disorder-information/anorexia-nervosa/
  14. </http://www.anad.org/get-information/eating-disorder-signs-and-symptoms
  15. http://www.anad.org/get-information/bulimia-nervosa/
  16. Becker, A. E., Eddy, K. T., & Perloe, A. (2009). Clarifying criteria for cognitive signs and symptoms for eating disorders in DSM-V. International Journal Of Eating Disorders, 42(7), 611-619. doi:10.1002/eat.20723
  17. 17,0 17,1 http://www.nationaleatingdisorders.org/parent-family-friends-network
  18. http://www.allianceforeatingdisorders.com/portal/who-we-are
  19. 19,0 19,1 http://www.nimh.nih.gov/health/topics/eating-disorders/index.shtml
  20. 20,0 20,1 https://www.nationaleatingdisorders.org/get-facts-eating-disorders
  21. http://www.allianceforeatingdisorders.com/portal/did-you-know#.VT-e9CFViko
  22. http://www.nimh.nih.gov/health/topics/eating-disorders/index.shtml#part_145415
  23. 23,0 23,1 23,2 http://www.nedc.com.au/what-to-say-and-do
  24. http://www.nationaleatingdisorders.org/online-eating-disorder-screening
  25. http://www.nationaleatingdisorders.org/find-treatment/treatment-and-support-groups
  26. http://med.stanford.edu/news/all-news/2010/10/family-therapy-for-anorexia-more-effective-than-individual-therapy-researchers-find.html
  27. https://www.nationaleatingdisorders.org/treatment-settings-and-levels-care
  28. http://www.nationaleatingdisorders.org/find-treatment/support-groups-research-studies
  29. http://www.anad.org/eating-disorders-get-help/eating-disorders-support-groups/
  30. http://www.anred.com/stats.html
  31. http://www.allianceforeatingdisorders.com/portal/how-to-help-a-loved-one#.VT-XBCFViko
  32. http://www.anred.com/causes.html
  33. http://www.allianceforeatingdisorders.com/portal/how-to-help-a-loved-one#.VT-XZCFVikp
  34. 34,0 34,1 http://www.helpguide.org/articles/eating-disorders/helping-someone-with-an-eating-disorder.htm
  35. http://nymag.com/scienceofus/2014/09/alarming-new-research-on-perfectionism.html
  36. http://www.healthychildren.org/English/ages-stages/young-adult/Pages/The-Problem-with-Perfectionism.aspx
  37. http://www.anad.org/get-information/about-eating-disorders/eating-disorders-statistics/

Liên kết đến đây