Nhật Bản duy tân 30 năm/Chương II. Một đoàn tàu Mỹ
Ngày
nay
dân-tộc
Nhựt-bổn
trở
nên
một
mối
lo
phiền
đáo
để
cho
Âu-Mỹ,
hình
như
Âu-Mỹ
có
ý
buồn
rầu
ân
hận
rằng
mối
lo
phiền
đó
tự
họ
làm
ra,
tự
họ
rước
lấy.
- Trước kia người Nhựt đang ngủ ngon giấc thủ cựu, ai bảo Âu-Mỹ chúng ta kéo đến đấm cửa rầm rầm, đánh thức họ dậy, cho bây giờ phải lo!
Ấy là một tiếng ân hận, gần đây thường nghe thốt ra ở câu văn cửa miệng của nhiều văn nhơn chánh-khách phương Tây. Một danh-sĩ Pháp là ông Maurice Dekobra mới đây qua Nhựt chơi rồi về viết cuốn “Samurai huit Cylindres”, cũng hơi có cái dọng than thở như thế. Ta có thể cho là tư tưởng chung của người Tây-phương giữa lúc Nhựt-bổn đang hồng hộc về chánh-sách đế-quốc và đang sấn sước cạnh tranh về kinh tế công nghệ như là lúc nầy:
- "Trải bao nhiêu thế-kỷ, Nhựt-bổn vẫn ở biệt-tịch một mình, người Âu-châu "không biết tới". Duy có ít người Hòa-lan được ở tạm trong một cù-lao Nhựt-bổn để mua bán với dân họ. Sự thiệt, thuở ấy họ có muốn biết ta (Tây phương), họ có muốn làm quen với ta, với văn-hóa của ta đâu."
"Khi không đề-đốc Perry Huê-kỳ đem một đoàn tàu chiến đến bờ biển Nhựt mà "bắn súng đại-bác nổ đùng đùng" để bảo cho Nhựt biết rằng Huê-kỳ không chịu cho họ ở biệt tịch, chẳng giao thiệp gì với nước ngoài."
"Những kẻ thù nghịch với Nhựt bây giờ thử suy nghĩ coi cái cử-chỉ của đề đốc Perry thuở đó phải hay là không? Chúng ta có quyền gì được tự phụ rằng văn-minh của chúng ta tốt đẹp hơn hết (chứng cớ gì đâu), rồi tới khuấy rầy Nhựt-bổn, buộc họ "phải tiếp rước ta, bắt họ phải ký những tờ điều-ước mà bổn-tâm họ không muốn ký" chút nào."
"Theo gương “tốt” đó của Huê-kỳ, tới Anh, Pháp, Hoà-lan và gần hết các nước Âu-châu, ùn ùn kéo qua Nhựt-bổn, dơ sức mạnh ra mà chiếm tô-giới nọ, đòi huê-lợi kia. Con vi-trùng đế-quốc đi theo tàu trận của phương Tây mà truyền vô nước Nhựt đó. v.v…"
Thiệt sự, tới năm 1853, Nhựt-bổn đang đóng cửa ngủ ngon, giữ chặt thói cũ, chính tự đề-đốc Perry đem một đoàn tàu Mỹ lại thị oai mà làm cho họ giật mình tỉnh giấc, phát phẩn tự cường; Nhựt-bổn bước vào kỷ nguyên mới, bắt đầu từ đó. Cũng bởi thế, nên tôi lấy “Một đoàn tàu Mỹ” mà mạng đề cho chương nầy, nói về cái lai-lịch duy-tân khai-quốc của Nhựt-bổn.
Nghĩ lại, có lẽ ông Hoá-công là tác giả cuốn Lịch-sử Nhơn-loại, khéo sắp đặt biên chép để chỉ tỏ ra chỗ nên hư hay dỡ của loài người cũng kỳ. Cùng là một việc đem tàu lại thị oai: Năm 1853, đoàn tàu Mỹ vào cửa biến Phố-hạ, làm cho Nhựt-bổn tỉnh-ngộ tự -tân; năm 1858, đoàn tàu Pháp tới cửa Đà-nẳng, giúp cho nước Nam ta trở nên lãnh-thổ bảo-hộ của Pháp-quốc. Chớ chi thuở đó vua quan mình giỏi, dân-tộc mình khôn, thì có lẽ nước Nam đã nhờ Pháp-quốc có lòng tốt chạy sang đánh thức mà được tỉnh-ngộ tự-tân như Nhựt-bổn kia rồi.
Mục lục
ĐỀ ĐỐC BÁ-LÝ ĐEM MỘT ĐOÀN TÀU VÔ CỬA CẤM[sửa]
Lúc nầy đang hồi Nhựt-bổn nghi kỵ người ngoài, đã ba trăm năm nay khóa chặt cửa biển, không cùng nước nào giao thông, và không cho ghe tàu ngoại-quốc ra vô buôn bán. Trừ ra có ít nhiều người Hoà-lan và người Tàu được ở buôn bán tại cửa Tràng-kỳ (長崎 – Nagasaki) mà thôi. Thuở giờ cũng chưa có nước Âu-Mỹ nào ra mặt chánh-thức yêu-cầu Nhựt-bổn phải mở cửa thông thương; bắt đầu, nước Mỹ sai sứ đi tàu trận qua Nhựt-bổn yêu-cầu việc đó trước hết.
Trào Hiếu-minh Thiên-hoàng năm thứ sáu, mùng 3 tháng 6, âm-lịch, nhằm ngày mùng 8 tháng 7 năm 1853, quan Thủy-sư đề-đốc Huê-kỳ là Bá-lý (柏理), theo sách Nhựt, còn nguyên-danh Huê-kỳ là Matthew C, Perry) dẫn 4 chiếc tàu trận vào đậu ngay cửa biển Phố-hạ (浦賀 -?), hỏi Giang-hộ tướng-quân (江戸将軍 – Edo Shougun) về việc giao thông. Hồi nầy chính họ Đức-xuyên làm tướng-quân, đóng ở thành Giang-hộ (Yedo, tức là Đông-kinh bây giờ), cho nên gọi là Giang-hộ Tướng-quân.
Bấy giờ tại cửa Phố-hạ, có chức quan Phụng-hành (奉行 - Bugyo) của Mạc-phủ đặt ra để xem xét các ghe tàu ra vô trong vịnh biển Giang-hộ (tức là vịnh Đông-kinh). Phàm tàu ngoại-quốc, dầu cho là tàu chiến đưa sứ-quan nước nào đi tới, cũng chỉ được vô cửa Tràng-kỳ, chớ ngoài cửa ấy ra thì đều bị cự, không tiếp. Công cuộc mua bán của ngoại-nhơn cũng chỉ được phép mở ra tại Tràng-kỳ, vả lại chỉ có người hai nước Hòa-lan và Trung-hoa được phép ấy thôi.
Giữa lúc Nhựt-bổn hạn chế người ngoài rất nghiêm, canh phòng cửa biển rất kỹ, thế mà tàu binh Mỹ-quốc bỗng dưng ở đâu chạy vô ngay cửa Phố-hạ được, làm cho trên Mạc-phủ, dưới quốc-dân, đều sửng sốt hãi kinh, xôn xao rúng động, coi như một cách thình lình có giặc ngoài tới đánh nước mình vậy. Lập tức Mạc-phủ và chư-hầu sắp đặt võ-bị sẵn sàng, phòng rủi có biến; còn các quan đương-đạo thì đều diệu võ dương-oai, để tiếp kiến đề-đốc Mỹ-quốc.
Tại sao tàu Mỹ lại vào Phố-hạ?
Nguyên là đề-đốc Bá-lý trước khi chưa sang nước Nhựt đã từng dọ xét kỹ càng nội-tình của Nhựt mà biết rằng Nhựt đãi người ngoài, chỉ cho vô cửa Tràng-kỳ mà thôi, chớ không chịu cho vô cửa nào khác hơn. Lúc ấy có một vị thầy thuốc Hòa-lan ở ngụ tại Tràng-kỳ đã lâu, nghe tin đề-đốc Bá-lý sắp tới, ý muốn dâng công, bèn viết thơ nói cho đề-đốc hay rằng nếu như sứ-quan Mỹ-quốc do cửa Tràng-kỳ mà vô, thì mình đây giúp làm thông-ngôn, và giới-thiệu với chánh-phủ Nhựt-bổn được. Tuy vậy trong óc đề-đốc Bá-lý đã tính toán đâu đó sẵn sàng rồi, nên chi ông không vô cửa Tràng-kỳ mà lại đến ngay Phố-hạ. Trong ý ông ta chẳng muốn theo đuôi Hòa-lan, làm nhẹ thể Mỹ-quốc đi; ông muốn tới ngay Mạc-phủ Nhựt-bổn mà đòi phải mở cửa biển khác cho Mỹ giao-thông ra vào. Mỹ đòi thương-nghị yêu cầu như thế, thật là khó lòng cho Nhựt, vì xưa nay chưa bị nước nào đòi gắt thế ấy bao giờ. Đề-đốc Bá-lý biết trước rằng thế nào Mạc-phủ cũng không chịu nghe, cho nên ông ta cho đoàn tàu trận chạy tuốt vào cửa Phố-hạ là cửa cấm và bắn súng đại-bác chỉ-thiên đùng đùng, ấy là để ra oai với Nhựt vậy.
Tuy ra oai như thế mặc lòng, đến việc yêu-cầu thương-nghị thì đề-đốc Bá-lý lại dùng cái ngón hưỡng đãi khoan-thai, rất là khôn khéo. Có mấy người thông ngôn của ông đem theo, đều giỏi Hán-văn và tiếng Hòa-lan, thành ra sự giao-thiệp với người Nhựt được thuận tiện dễ dàng lắm.
Quan Phụng-hành trấn phủ Phố-hạ, vâng lệnh của Mạc-phủ bảo đề-đốc Bá-lý rằng nên đưa tàu trận chạy tới cửa Tràng-kỳ rồi sẽ nói chuyện.
Đề-đốc Bá-lý dư hiểu từ trước rằng thế nào Nhựt cũng có lời nói đó, nhưng ông trả lời không chịu bỏ đi đâu hết. Luôn dịp, ông nói bắn tin cho Mạc-phủ biết rằng; “Vạn quốc giao thông với nhau, ấy là sự tự nhiên của đạo người lẽ trời phải thế. Bây giờ thế-giới đã thay đổi khác xưa, không dung cho nước nào một mình đóng chặt cửa ngõ lại được. Nếu Nhựt cầm cự không nghe, chẳng trái với đạo người lẽ trời lắm sao?”
Rồi đó ông ngõ ý nhứt định cứ đậu tàu chiến tại Phố-hạ, chờ Mạc-phủ thương thuyết, chớ không chịu đi.
Mạc-phủ đành chịu, vì không biết lấy cách gì chống cự, xua đuổi cho nổi, chỉ nói thối thác rằng: “Việc đổi lịnh quốc-cấm để mở đường giao-thông, là việc rất quan trọng, nói chuyện với nhau hấp tấp không được. Vả chăng hiện nay tướng-quân nước tôi đang đau bịnh nặng, không thể quyết định việc lớn mau rồi được đâu.”
Thiệt vậy, lúc bấy giờ Mạc-phủ tướng-quân là Đức-xuyên Gia-khánh (徳川家慶 – Tokugawa Ieyoshi) mới mất, mà Nhựt giấu kín, không dám phát-tang, chắc là phòng sợ Mỹ-quốc thừa cơ Nhựt-bổn vô chủ mà bức sách gì chăng!
Đề-đốc Bá-Lý bèn giao hẹn:
- “Vậy thì để sang năm tôi sẽ trở lại cùng quý-quốc thương-thuyết cũng không muộn gì. Tới lúc đó xin chớ có chần chờ thối thác chi nữa.”
Đoạn ông đưa ra bức quốc-thơ của đại tổng-thống Mỹ-quốc cùng các tặng phẩm, trao cho quan Nhựt trấn-phủ Phố-hạ chuyển dâng về Mạc-phủ dùm, rồi ông sai cả đoàn tàu nhổ neo kéo đi.
Cái cử-chỉ của đề-đốc Mỹ thật là ngộ-nghĩnh, thật là quân-tử; đã đem cả đoàn tàu vào đại cửa cấm, bắn súng ra oai, thế mà lại bỏ đi, ước hẹn năm khác, để cho Nhựt-bổn có ngày giờ suy xét sự lợi hại, chớ không phải thấy người ta yếu mà ép càn hay là ăn hiếp ngay. Về sau người Nhựt mỗi khi nhắc nhở tới, vẫn cảm phục cái trí-lực chín chắn tử tế của đề-đốc Bá-lý, và cho ông là người mở mối duy-tân khai-quốc cho Nhựt-bổn vậy.
NÊN HÒA? NÊN ĐÁNH? - CẢ NƯỚC XÔN XAO[sửa]
“Biết người, biết mình”, là sự cần dùng ở đời cho một người, cũng như là cần dùng sanh tử cho một nước. Một nước không tự xét mình yếu hèn, không rõ tình thế thiên hạ. bỗng dưng có ngoại-nhơn lại muốn giao-thiệp tử tế với mình, mà mình cự tuyệt và chống cự người ta, ấy là một cách ngu dại, tự rước lấy cái bại cái chết vào thân vậy.
Nhựt-bổn khôn ngoan, không phải một nước như thế.
Hồi đó, ngoại-quốc tới cầu giao thông với họ, không phải chỉ có một mình Mỹ-quốc thôi đâu. Cũng trong năm Hiếu-minh thứ sáu, ngày 17 tháng 7 (Tây-lịch ngày 21 tháng 8 năm 1853), tức là cách sau việc đề-đốc Mỹ-quốc đem tàu binh vào Phố-hạ - như đã nói ở trên - đúng một tháng 13 ngày, có một vị đề-đốc Nga-quốc cũng dẫn 4 chiếc tàu binh vô cửa Tràng-kỳ, yêu cầu mở đường Nga Nhựt giao thông.
Đề-đốc Nga gởi quốc-thơ trình Mạc-phủ và xin Mạc-phủ cử toàn-quyền đại-thần mau mau xuống Tràng-kỳ thương-thuyết. Trong khi chờ đợi, đề-đốc Nga ở Tràng-kỳ muốn lên trên bộ, nhưng quan trấn-thủ Nhựt cản ngăn khôn khéo, không cho người Nga lên bờ. Nga đợi hoài không thấy tin tức, nên ngày 23 tháng 10 năm đó (Tây-lịch 23 tháng 11), cả đoàn tàu Nga nhổ neo kéo đi.
Trong lúc nầy, Nhựt-bổn nhờ có người nước Hòa-lan (和蘭, Hollande) cư ngụ trong xứ mà được biết công việc và tình thế nước ngoài. Những người Nhựt nào biết đọc sách Hòa-lan và cùng người Hòa-lan giao du thân cận, mà được nghe lóm một hai chuyện ngoại-giao bí mật, thì cũng biết sơ về tình thế các nước Âu Mỹ ít nhiều. Ngoài ra, hết thảy dân chúng không ai hiểu biết lòng dạ mặt mũi ngoại-nhơn và công việc của nước ngoài ra sao?. Nếu có một hai người nào tinh khôn lanh lợi mà hơi rõ tình thế ngoại-bang chăng nữa, lại cũng không hiểu việc ngoại-giao là cái quái gì?
Bởi vậy, sau khi đoàn tàu Mỹ đã nhổ neo đi rồi, có nhiều người Nhựt suy nghĩ vơ vẫn rằng nước Mỹ là nước ở ngoài ngàn muôn dặm, xa xôi cách trở quá đi, họ bảo sang năm lại tới, làm sao mà tới cho kịp; vả lại biết chắc đâu họ có trở lại hay không?
Còn Mạc-phủ thì tự hỏi: Nếu như sang năm, sứ Mỹ trở lại thiệt, thì nước ta trả lời với họ thế nào được đây?
Bấy giờ Mạc-phủ bèn hỏi khắp chư-hầu lớn nhỏ về sự nên hòa hay nên đánh. Dư luận trong nước rất là xôn xao, kẻ bàn vầy, người nói khác, bối rối phân-vân, không ai biết nhứt định thế nào được hết. Vừa gặp giữa lúc tướng-quân Gia-định (家定 - Iesada) lên nối ngôi, việc nội-chánh còn đang bộn bề, rắc rối, thành ra Mạc-phủ vậy, dư-luận cũng vậy, chưa có ai rảnh trí mà suy-nghĩ tới việc mở nước -thương cho đặng.
Nói về đề-đốc Bá-lý, sau khi nhổ neo ở Phố-hạ ra đi, đem cả đoàn tàu chạy về Thượng-hải, rồi đậu luôn tại đó. Chỉ phái một chiếc tàu chạy về Mỹ-quốc để báo cáo vể việc hẹn hò với Nhựt-bổn ra sao. Ông lại tính trước về sự qua năm Nhựt-bổn e còn chần chờ dây dưa, nên ông tăng số tàu trận thêm nhiều hơn nữa, và sửa soạn để đợi đúng ngày hẹn ước lại đi.
Qua năm, giữa hồi tháng 2 năm 1854, nhằm tháng giêng năm đầu của niên hiệu An-chánh nước Nhựt, đề-đốc Bá-lý lại kéo đoàn tàu trận vào cửa Phố-hạ. Nhưng vì Phố-hạ ở cách thủ-đô của Mạc-phủ là Giang-hộ hơi xa, nên chi lần này Bá-lý cho tàu chạy tuốt vô tới vịnh biển Giang-hộ, nhắc lại chuyện năm ngoái, yêu cầu sao sao năm nay cũng phải thương-thuyết để ký điều-ước Nhựt-Mỹ thông-thương giao hảo cho rồi.
Mạc-phủ bày tỏ nông nỗi khó khăn, và nói về sự tàu Mỹ vô tới Giang-hộ như thế là không nên. Đoạn, Mạc-phủ ngỏ ý muốn cùng Bá-lý mở cuộc thương-nghị ở Phố-hạ như năm trước, nhưng Bá-lý một hai không nghe. Sau Mạc-phủ năn-nỉ hoài, Bá-lý mới chịu lấy Hoành-tân làm chỗ thương-nghị.
Hai bên bàn bạc thỏa thuận rồi ký tờ điều ước Nhựt-Mỹ giao hảo thông thương; Nhựt-bổn gọi là “Bá-Lý Thần-nại- xuyên ước chương, 柏理神奈川約章 -? (**)” nghĩa là tờ điều-ước của Bá-Lý ký với Nhựt tại Thần-nại-xuyên.
Tờ ước nầy ký ngày mùng 3 tháng 3 niên-hiệu An-chánh nguyên-niên của Nhựt, tức ngày 31 Mars 1854. Ấy là ngày mở mối duy-tân tự-cường cho nước Nhựt vậy.
Đây nên nhắc lại hồi tháng 11 năm trước, đề-đốc Nga chờ đợi tin tức của Mạc-phủ không thấy, thì bỏ Tràng-kỳ đem đoàn tàu trận đi qua Thượng-hải, gặp đề-đốc Mỹ tại đây, bàn tính rằng cả hai đội chiến thuyền Nga-Mỹ hiệp lại ra oai, bắt buộc Nhựt-bổn phải mở cửa thông-thương, chắc là Nhựt sợ hoảng hồn mà vâng lời ngay. Song, đề-đốc Bá-lý không nghe cái mưu đó, vì không muốn hiếp bức Nhựt-bổn quá. Rồi đó một mình ông dẫn đoàn tàu Mỹ đến Giang-hộ, kết quả cùng Nhựt ký xong thương-ước một cách êm đềm tử tế.
Sau, tàu Nga lại đến Tràng-kỳ rồi lại bỏ đi nữa. Mãi đến ngày 11 tháng 7 niên-hiệu An-chánh thứ 5, tức là 7 tháng 8 năm 1858, Nga mới tới Giang-hộ cùng Nhựt thương-nghị xong và ký tờ ước như là Nhựt đã ký với Mỹ.
Thế là Mỹ thông hảo với Nhựt trước, rồi sau mới tới Nga, bởi vậy Nhựt cho Mỹ có công đầu hết trong cuộc duy-tân khai-quốc của mình, và có lòng cảm mến tin yêu Mỹ lắm. Thật là nhờ có Bá-lý lúc đó sắp đặt tử tế khôn ngoan, có phước cho Nhựt lắm vậy. Ngày nay, Nhựt có hờn Mỹ ghét Mỹ cũng chỉ để trong bụng thôi, chớ bề ngoài vẫn ân cần niềm nở, vì họ nhớ ơn xưa của Mỹ đã làm cho họ phát-phẫn tự-cường đó.
BÊN TRONG TỜ ĐIỀU-ƯỚC THẦN-NẠI- XUYÊN[sửa]
Phải biết thuở ấy Nhựt-bổn cự tuyệt người ngoài và đã trải qua một thời-kỳ cấm đạo giết đạo không vừa gì, nếu như một nước nào khác đã đem tàu trận tới trước hết, chắc là ỷ mạnh ăn hiếp Nhựt-bổn nọ kia và thừa cơ Nhựt đang hèn yếu mà ra tay chiếm đoạt không chừng! Song nước Mỹ lúc bấy giờ đối với Nhựt thiệt là quân-tử, chỉ muốn giao-hảo thông-thương chớ không muốn ỷ mạnh ăn hiếp chút nào, xem ngay việc đề-đốc Nga rủ hiệp sức ra oai bức bách mà đề-đốc Mỹ không nghe, đủ biết Mỹ thành-tâm và có độ-lượng với Nhựt ra thế nào?
Ngay đến tờ điều-ước Mỹ nài Nhựt ký tên, cũng chẳng có khoản nào là Mỹ dành lấy miếng béo phần ngon mà hiếp bức gì Nhựt trong đó.
Thiệt vậy, tờ ước Thần-nại-xuyên chỉ có 12 khoản rất là vắn tắt đơn sơ, chưa có bàn định giao ước gì về việc bán buôn đổi chác giữa hai nước; Mỹ chỉ xin Nhựt mở hai cửa biển Hạ-điền và Sương-quán cho tàu bè của người Mỹ lui tới ra vào; còn cách đối đãi với người Mỹ thì xin Nhựt đừng có gay gắt như là đối đãi người Hòa-lan kia. Sự thiệt, lúc ấy tiếng là người Hòa-lan được Nhựt để cho ở buôn bán tại Tràng-kỳ, nhưng không khác là bị Nhựt cấm-cố chút nào.
Tờ ước Nhựt-Mỹ nói đây lấy sự thân-ái giao-thông của người hai nước làm tôn-chỉ cốt yếu, mà không phân biệt sang hèn mạnh yếu gì hết. Hai bên đối đãi nhau bình-đẳng. Nếu nước nầy gặp lúc ghe tàu nước kia bị nạn, thì phải cứu vớt giúp đỡ cho nhau, hể họ muốn mua sắm các thức cần dùng chi cũng không bị ngăn trở v…v…
Đại-khái tờ ước chỉ có vậy đó thôi.
Tuy lúc nầy Nhựt đang khóa cửa, không thích mua bán giao-thiệp với ngoại-bang, nhưng đến việc cứu nạn phò nguy là việc nhơn-đức, không lẽ nào Nhựt từ chối cho được. Đề-đốc Bá-lý chỉ lấy có chỗ đó cảm lòng người Nhựt, chớ không kiếm chác hay thắt ngặt những chuyện khó khăn rắc rối gì, thành ra Mỹ được Nhựt vui lòng mở cửa thông-thương ngay, lại có chỗ nhớ công mến đức của Mỹ nữa là khác.
MẤY ÔNG CỐ-ĐẠO LÀM CHO NHỰT SANH NGHI GHÉT NGƯỜI ÂU-CHÂU[sửa]
Xem qua đoạn trên, ta đã biết rằng giữa thế-kỷ 19 là lúc 5 châu qua lại, 4 biển giao-thông rồi, mà nước Nhựt cũng như nước Nam mình, cản ngăn chém giết Thiên-chúa giáo-đồ và cố giữ cái chánh-sách “đóng cửa nhà, cự người lạ”, cho đến đỗi nước Mỹ sau Nga đem tàu trận tới hăm dọa một cách khôn ngoan, tỏ bày về chỗ lợi hại, kèo nài mãi, Nhựt mới chịu mở cửa thông-thương.
Tại sao vậy?
Tại sao đến lúc bấy giờ, Nhựt còn trốn tránh ngoại-giao và cố giữ chánh-sách khóa cửa?
Có phải là dân họ ngu-dại dã-man, không biết sự thông-thương giao-hảo với nước ngoài là có lợi chăng?
Nếu thiệt họ khờ khạo không biết cái lợi đó thì sao cách ít lúc sau họ biết mở tung cửa ngõ ra cùng người ngoài giao-thông, rồi họ nhảy vọt lên một cái, là được duy-tân hùng-cường, ngang vai bằng lứa với các nước giàu mạnh nhứt nhì trong thế-giới?
Vậy thì ở trong tất phải có những duyên-cớ gì, ta không nên không xét. Ta nên trở lại chỗ dĩ-vãng của Nhựt-bổn một chút mà xem thực-tình, tự nhiên câu hỏi trên đây được tiếng trả lời minh-bạch lắm vậy.
Kể tới hồi bắt đầu duy-tân cải-cách, Nhựt-bổn có lịch sử đã trên 2500 năm, vốn là một nước từng thâu góp được văn-hóa của đại-lục đưa sang mà dồi-mài tô-điểm, thành ra có một cái đặc-sắc bày tỏ rõ rệt rồi. Tức như sau đời trung-cổ trở đi, bao nhiêu học-thuật kỷ-xảo của mấy nước ở đại-lục như Trung-hoa, Ấn-độ, Triều-tiên đều truyền qua Nhựt-bổn rồi tiêm nhiễm biến hóa mà trở nên một nền học-thuật kỷ-xảo riêng của Nhựt-bổn.
Đến tư-tưởng tánh tình, tuy là dân Nhựt chịu sự cảm-hóa của người đại-lục, nhưng mà về sau dân Nhựt cũng tự thay màu đổi vẻ, khác hẳn người đại-lục. Thế là giống người Nhựt có cái tánh-cách riêng, tự họ sáng-tạo ra cái đặc-sắc của họ vậy.
Khi có tàu Mỹ vô cửa Phố-hạ, là khi Nhựt-bổn đã sẵn có những nền tôn-giáo, luân-lý, văn-học, chánh-trị, luật-pháp, mỹ-thuật, công-nghệ, thảy thảy đều tấn tới khá lắm rồi, chớ không phải là xứ mên mọi gì đâu. Lúc ấy mà có người Tây-Âu coi thường xem khinh Nhựt-bổn, tưởng đâu nước nầy giống như mấy cù-lao ở Nam-dương kia, ấy là người Tây-Âu tối mắt lắm.
Vậy mà sao Nhựt-bổn cứ khư khư ôm chặt cái chánh-sách khóa cửa ngồi nhà, không ngó ngàng cần thiết chi tới cuộc ngoại giao với ai?
Câu hỏi đó chính người Nhựt họ trả lời như vầy:
- Nào có phải lỗi tự Nhựt-bổn chúng tôi đâu; kỳ thiệt là tại người Âu-Tây thuở trước vụng tính mà ra. Phải biết rằng người Âu bắt đầu để chưn vào nước Nhựt trên 360 năm trước kia, chớ phải tới giữa thế-kỷ 19 thì đất nước chúng tôi mới thấy có bóng người Âu-châu sao! Nếu như họ muốn thành-tâm giao-hảo với chúng tôi thì chúng tôi có cự tuyệt ngoại-giao hay khóa kín cửa ngõ làm chi!
Lời người Nhựt nói vậy đúng với chơn-tình thiệt-sự lắm.
Phải, xem sử Nhựt-bổn, ta thấy từ đầu thế-kỷ 16, đã có người Tây-phương lui tới đất nước của giống dân đại-hòa rồi. Trước hết là người Bồ-đào-nha (Portugals) sang Nhựt vào hồi 1541, kế đến người Y-pha-nho. Rồi sau tới người Hòa-lan, người Hồng-mao nối gót nhau vào nước Nhựt, hoặc truyền đạo, hoặc bán buôn. Đông nhứt là hai nước Bồ và Y. Lúc đó, thiệt Nhựt-bổn không cự ngoại-nhơn ra vô buôn bán và cũng chẳng cấm cản gì về sự truyền đạo.
Song vì mấy ông cố-đạo Bồ Y truyền giáo được thong thả thạnh vượng rồi thì ỷ y lạm dụng cái thế-lực của tín-đồ. Lăm le muốn can-phạm đến chánh-quyền trong xứ. Chánh phủ Nhựt dò xét ý tứ của bọn ngoại-nhơn truyền giáo muốn thừa cơ xâm lấn đất nước của Nhựt, vì đó mới có cái tư-tưởng ngờ ghét xua đuổi người ngoài nổi rùm lên khắp nước.
Sự thiệt, bọn nầy có phải chuyên tâm giảng đạo mà thôi đâu, phần nhiều ỷ mình và được trớn rồi thò ra lắm cái cử-chỉ âm-hiểm ngang tàng, làm cho Mạc-phủ Nhựt phải nghi, nhân dân Nhựt phải giận. Nào là phá hoại những chùa phật miễu thần và chê bai công kích tôn-giáo của Nhựt sẵn có từ xưa; nào là cậy mình có thế lực mà hay ăn hiếp dân không theo đạo, sanh chuyện thưa kiện lên tới cửa quan hoài. Vì đó mà chánh-phủ Nhựt phải để ý ngờ vực người Tây-phương và lo ngại giáo-đồ Cơ-đốc có âm-mưu phản trắc.
Lúc bấy giờ, tuy cùng là người Âu-châu đi kiếm ăn phương xa với nhau, nhưng mà người Hòa-lan và người Y-pha-nho đang có chuyện xích mích; về cuộc buôn bán ở Ấn-độ và ở Nam-dương, người hai nước Bồ-đào-nha và Y-pha-nho cũng đang dành ăn với nhau kịch liệt. Đã vậy, lại về tôn-giáo, đàng thì theo Cơ-đốc tân giáo (Protestantisme), đàng thì theo La-mã cựu-giáo (Catholicisme), tuy là cùng gốc mà khác nhành như thế, thành ra như lửa hồng nước lạnh không đụng được nhau. Bọn giáo-sĩ qua truyền đạo Thiên-chúa ở Nhựt thuở ấy, chính là phe La-mã cựu-giáo, và phần đông là người Bồ, người Ý.
Người Hòa-lan khôn lanh quá; họ thấy Mạc-phủ Nhựt-bổn có ý lo ngại mấy vị cố đạo Bồ Y, thì họ càng đâm thọc thêm, nói rằng phe đạo La-mã bạo-tàng họa-tâm. Mạc-phủ nghe lời, bèn hạ lịnh cấm. Thế là người Hòa-lan trừ được kẻ nghịch của họ mà thâu hết mối lợi buôn bán ở nước Nhựt vào trong tay.
Cái lịnh cấm đạo gây nên sự rối loạn một lúc, Mạc-phủ thấy rõ cái ảnh hưởng của La-mã cựu-giáo có hại, nên chi lại càng nghiêm cấm hơn nữa. Nhơn muốn phòng ngừa sự lo về sau, Mạc-phủ chỉ cho riêng người hai nước Hòa-lan và Trung-quốc được ở Tràng-kỳ mà thôi, còn thì nhứt thiết ngoại nhơn đều bị ngăn cấm, không được tới lui buôn bán gì hết.
Ta xem sơ lai-lịch như thế, đủ rõ cái nguyên-nhơn chỉ tại mấy người giáo-sĩ Bồ Y ngang tàng nham hiểm, mới khiến cho Nhựt-bổn phải lo thân mà cấm đoán ngoại-nhơn, tuyệt đường giao thiệp, làm hại lây cho những người chuyên nghề bán buôn; chớ ban đầu Nhựt-bổn có ngăn cản người ngoài vào xứ họ thông-thương và truyền-giáo đâu.
Hai vị Mạc-phủ tướng-quân đã thi hành chánh-sách “khóa nước” đó, trước là Phong-thần Tú-cát (豊臣秀吉 - Toyotomi Hedeyoshi), sau là Đức-xuyên Gia-khang (徳川家康 - Tokugawa Ieyasu). Tới nay, người Nhựt không hề chê trách gì hai ông trước kia khóa-nuớc là sai lầm thất-kế chút nào. Trái lại, họ nhìn nhận là sự đương nhiên, và so sánh công cuộc của hai vị tướng-quân Phong-thần cùng Đức-xuyên đã làm đó, cũng như thuở Anh-quốc, nữ-hoàng Elisabeth đã đánh đuổi người Y-pha-nho và cấm nghiêm cựu-giáo kia vậy. Việc làm hai đàng tuy có khác nhau nhưng đến bổn-ý cũng thế mà thôi.
Nhựt-bổn khóa nước bắt đầu từ họ Phong-thần làm tướng-quân, kế tới họ Đức-xuyên lên thay quyền nối ngôi, cha truyền con nối mấy đời, cứ giữ mãi cái chánh-sách ấy, trước sau luôn 250 năm. Mãi tới năm 1854, đề-đốc Bá-lý nước Mỹ tới gõ cửa lần thứ hai, rồi cùng Nhựt-bổn ký điều ước Thần-nại-xuyên, như trên đây đã nói, bấy giờ Nhựt mới mở cửa ra thông-thương giao hảo với các nước ngoài vậy.